Hòn Đất - Chương 02 phần 1


Cái thị trấn Tri Tôn bé nhỏ chiều hôm ấy ỗng dưng ầm ĩ hẳn lên. Xe cam-nhông chở lính từ Rạch Giá nối đuôi nhau chạy xuống. Bụi bốc mù mịt trên con đường độc nhất của phố nhỏ quận lỵ. Bụi xông tỏa vào các tiệm nước, các tiệm tạp hóa, các căn phố trệt và phố lầu mới cất. Bọn lính từ trên xe nhảy xuống, lũ lượt kéo đi trong vầng bụi. Bọn lính chủ lực mặc đồ trai di, bọn biệt kích mặc đồ rằn, giày da và giày bố nện rầm rập, bồm bộp.
Đồng bào bên phố đứng xem chúng kéo qua, xì xầm bàn tán. Người ta thấy có những tên quen mặt trong đại đội biệt kích, nhưng chẳng có ai dám dòm bọn này cả. Bọn lính chủ lực từ Sài Gòn xuống còn đưa mắt nhìn xem hai bên phố, chớ bọn biệt kích thì mặt gầm gầm, lạnh lùng, súng tôm-xông và cạc-bin của chúng mang đều chúi mũi xuống đất.
Thằng Xăm, tên trung úy, chỉ huy đại đội biệt kích có đôi mắt trắng dã, lịch phịch đi sau cùng. Hắn mặc bộ đồ rằn thủy quân lục chiến rỡn hình sóng biển, bò sát lấy khổ người rất lực lưỡng. Đầu hắn đội cái kết vải vằn vện có ba mảnh vải để che gáy và che hai bên mang tai. Loại kết này vẫn gọi là kết "ba rèm". Nơi đùi thằng Xăm đeo sề sệ khẩu súng ngắn côn 12, bao da súng màu hung hung gần giống như da mặt của hắn. Ngoài ra, hắn còn khoác một khẩu cạc-bin và một cái cúp cúp. Những tên lính biệt kích trong đại đội hắn đều ăn mặc giống như hắn, đeo cạc-bin hoặc tôm-xông, tên nào cũng có dao găm Mỹ, và trông tên nào cũng hung tợn.
Đang đi, bỗng tên trung úy Xăm ghé tạt vào một quán giải khát ở giữa phố. Hắn ngang nhiên vớ lấy một chai la-ve, đưa mắt nháy người chủ quán Hoa Kiều một cái rồi đi ra. Vừa đi, thằng Xăm vừa rút soạt lưỡi dao bên hông. Một tay hắn cầm chai la-ve giơ lên, một tay hắn trở sống dao phạt mạnh ngang cổ chai. Cổ chai văng toạc đi. Bọt rượu trào ra. Hắn dừng lại, ngửa cổ đưa chai la-ve rót vào miệng. Hắn uống hết độ hai phần ba chai, rồi đưa cho tên lính đi trước. Tên lính cầm chai la-ve khoái trá uống nốt chỗ còn lại. Chừng như tên lính này đã quen uống như vậy nhiều lần rồi.
Bấy giờ, có lệnh từ tiểu đoàn lính bảo an truyền lại:
- Dừng lại, đừng đi lên nữa!
Nguyên là đồn quân chi khu này chỉ có thể chứa thêm được hai tiểu đoàn trong số trên ba tiểu đoàn lính mới đến. Đó là hai tiểu đoàn lính chủ lực. Bọn còn lại là bọn bảo an và biệt kích thì được lệnh đóng ở ngoài, trên những khoảnh ruộng trống khô, nẻ.
Một tên đại úy tiểu đoàn trưởng bảo an cao lớn truyền lệnh ấy ra sau, rồi cho những đại đội của hắn kéo vào khoảnh ruộng.
Tên Xăm càu nhàu:
- Đ.mẹ, về xứ của tôi mà bắt tôi ngủ ruộng à?
Song nói thế chứ hắn cũng khoát tay xua bọn lính áo rằn của hắn đổ vào chỗ đất trống giáp phố.
Nắng chiều vàng vọt trải xuống mặt ruộng. Trên khoảnh đất trống bị dọn sạch quanh chi khu, bọn lính chạy tới chạy lui. Chúng trải những tấm tăng, dành chỗ làm bếp nấu, tu ừng ực nước hoặc rượu chứa trong các bi-đông Mỹ. Có tên chưa chi đã nằm lăn kềnh, ngửa mặt lên trời phì phèo hút thuốc. Từ đám lính ấy nghe toát ra mùi chua loét của mồ hôi, mùi thuốc lá Bát-tô xanh, mùi rượu trắng và cả mùi sáp bôi tóc loại rẻ tiền. Tất cả những mùi đó hợp lại là cái mùi lính nói chung, nghe lờm lợm, vốn dĩ rất sẵn có ở những tên lính đánh thuê.
Thằng Xăm cởi phanh áo. Hai cổ tay hắn đeo không biết bao nhiêu dây bùa cà tha vàng hoặc đỏ. Và trên bộ ngực nở nang của hắn lủng lẳng một sợi dây chuyền buộc cái mặt chằn bằng ngà có nanh vàng chìa ra coi rất dễ sợ. Cái mặt chằn với những dây cà tha ấy thằng Xăm coi như bùa hộ mạng của hắn. Hắn bật nằm ngã ngửa ra trên tấm vải bạt xám. Điếu thuốc trên môi hắn đã cháy muốn hết mà chừng như hắn không hay. Thình lình, hắn đưa tay giật phắt mẩu thuốc, vứt đi và ngồi bật dậy. Hắn lừ lừ giương đôi mắt trắng giã ngó bọn lính của hắn bấy giờ đang lôi bánh mì ra. Một tên lính bé choắt luồn tới bên hắn:
- Mời anh Hai đi ăn cơm!
Thằng Xăm uể oải đứng dậy đi theo tên lính đến trước một tấm vải bạt. Trên tấm vải bạt có trải giấy báo, đặt nửa con gà quay, hai ổ bánh mì lớn và một hộp cá mòi đã mở nắp. Xăm ngó qua, xẵng giọng hỏi:
- Hết rượu hả mậy?
- Thưa anh Hai, còn.
Tên lính bé choắt ấy xăng xái đặt vào giữa tấm vải bạt bi-đông nặng trịch. Mắt thằng Xăm vụt sáng lên. Hắn với tay chụp cái bi-đông lắc lắc, ra vẻ hài lòng. Hắn mở nút đưa lên miệng tợp ngay một hớp rồi một hớp nữa. Cầm bi-đông đưa cho tên lính, tay hắn chộp lấy đùi con gà quay đưa lên miệng, cắn, dứt ra, nhai nghiến ngấu. Những chiếc răng vàng trong mồm hắn lóa sáng, nhồm nhoàm. Hắn đưa tay quệt mỡ gà dính ở hai bên mép. Tên lính cùng ăn, cùng uống với hắn, coi hơi cóm róm nhưng có vẻ hể hả. Thằng Xăm tu rượu ừng ực. Hắn "khà" một cách khoái trá rồi lại xé thịt gà ăn.
Tên lính và hắn ăn hết nửa con gà, uống hết một bi-đông rượu thì ánh nắng đã tắt. Nhưng mặt trời thì vẫn còn đỏ sẫm dưới ven đồng xa.
Thằng trung úy biệt kích ngà ngà rượu ấy chới với đứng lên, đưa hai tay cào cào sườn. Hắn ngước nhìn mặt trời, miệng lẩm bẩm một câu chửi tục chỉ có mỗi mình hắn hiểu, rồi nhe răng cười không ra tiếng. Bọn lính cũng đã có nhiều đứa say như hắn. Nhưng rượu đã hết, và chúng đang bẻ bánh mì chia nhau ăn. Có những tên lính đã cởi hẳn áo, để lộ bộ ngực đen bóng xăm đầy hình rồng rắn. Có một số lính đi khuân củi. Thứ củi tràm gộc bổ đôi, mỗi đứa xách hai miếng, không biết chúng lấy từ đâu.
Đêm tối vừa sụp xuống thì chúng đốt lửa. Nơi này một đống, nơi kia một đống. Lửa bốc phừng phừng, cháy sáng từng lõm ruộng. Bọn lính nấu nước bằng hăng-gô xỏ xâu vào, ngồi lổm chổm bên ngọn lửa. Mặc dù có lệnh cấm vào phố, chúng vẫn lén đi mua rượu, mua thêm la-ve và đồ nhậu. Lệnh cấm là lệnh của bộ chỉ huy hành quân, nhưng các tên chỉ huy đơn vị không cấm lính của chúng. Thằng Xăm chẳng những không cấm mà hắn còn ó ré nhậu nhẹt cùng bọn đàn em biệt kích. Bọn này không ngớt mời mọc, tán tụng hắn. Tên nào cũng đều gọi hắn bằng anh Hai. Chúng còn mời mọc một tên thiếu úy mặt xương, mắt sâu thỏm và gọi tên này bằng anh Ba.
Thằng Xăm thích lính gọi mình bằng anh Hai hơn là gọi bằng "ngài trung úy".
- Anh Hai uống với em một phát, anh Hai!
- Anh Hai thiệt uống không biết say đa!
Thằng Xăm hể hả khi nghe những câu ấy. Hắn uống hết, không từ chối một ai. Hắn quả là một thằng biệt kích mạnh rượu. Hắn uống nhiều mà không say mấy.
Cặp mắt bình thường trắng giã của hắn nay đỏ lên như có pha ánh lửa và hoe máu. Bọn biệt kích ác ôn thân tín ngồi vây quanh. Những tên này đã phục sợ thằng Xăm trong các cuộc đánh phá giết người bao nhiêu thì chúng càng phục thằng Xăm trong sự nhậu nhẹt bấy nhiêu. Một tên trong bọn chợt hỏi:
- Mai về Hòn, anh có ghé nhà không?
Thằng Xăm sắp đưa bi đông rượu lên, nghe hỏi hắn liền để bi đông xuống. Bàn tay hắn hơi run run. Câu hỏi của tên lính hình như chạm vào một cái gì trong lòng hắn.
- Ghé. Thế nào tao cũng phải ghé thăm bà già với con em.
- Cô Cà Mỵ à? Chà, năm nay cô Mỵ chắc lớn lắm rồi?
- Đâu như mười chín tuổi...
Thằng Xăm thờ thẫn nói:
- Con Mỵ nó giống tao. Tao thương bà già tao.
- Nghe nói anh Hai có kêu bà già với cô Mỵ ra chợ ở, sao không thấy bà già với cô Mỵ ra?
- Không, lần nào tao về đóng bót Hòn Đất. Để bà ở đó luôn!
Hắn nói xong thở "khì" một cái rất mạnh. Nốc thêm một ngụm rượu nữa, hắn lắc đầu lia lịa:
- Nghe nói bà già tao theo Việt Cộng. Bả thù ông già tao lắm.
Thằng Xăm nói thế, rồi nhắc tới Hòn Đất với cái giọng bỗng dưng hạ thấp hẳn xuống:
- ở Hòn Đất vui, vui lắm... Hồi tao còn làm xếp bót ở đó, tao vui hơn bây giờ. Có đủ thứ trái cây, có khô trâu...
Bọn lính cười nhăn nhở, thích thú. Tên nào cũng khoái trá, vì chúng biết nội nhật ngày mai chúng sẽ được tới đó. Bây giờ ít đứa nghĩ đến cái chết, mà chỉ nghĩ tới sự vơ vét, sự ăn uống và sự cưỡng hiếp. Trong bọn này, có tên đã biết Hòn Đất. ở đó, chúng đã làm bất cứ chuyện gì chúng có thể làm được. Chúng đã kháo với nhau và kể lại cho bọn khác nghe, giả dụ như muốn ăn thịt trâu, chúng chỉ cần ngắm cho trúng đích những con trâu ăn cỏ trên triền Hòn và nổ súng. Cũng có tên bảo chính tay nó đã đập đầu Việt Cộng bằng cột chèo, đập vỡ óc văng tung tóe cả vào áo. Chúng kháo nhau rằng ở đấy, "anh Hai" đã mổ rất nhiều người, mổ rất khéo, chỉ cần chọc một nhát dao nơi chấn thủy, lách chếch lên, đường dao rạch chỉ vừa đủ thọc bốn ngón tay vào để bợ trọn buồng gan ra.
Thật là thằng Xăm đã mổ rất nhiều người, nên trong đám ác ôn, hắn nổi tiếng là đứa mổ gan lấy mật người gọn lẹ nhất. Nhưng hắn không chỉ khéo mổ lấy gan và mật. Hắn còn nhiều cách giết người lạ lùng quái gở hơn. Dòng máu của hắn chính là dòng máu của cha hắn, một tên địa chủ người Việt trước kia làm bá chủ vùng Hòn. Người ta nói thằng Xăm không còn chút máu nào của bà Cà Xợi, tức mẹ hắn, là một người đàn bà Khơ Me uất ức và đau khổ suốt đời, đến nay vẫn còn như điên dại.
Mẹ hắn, bà Cà Xợi ấy, ngày xưa là một người con gái Khơ Me khá đẹp với nước da nâu rám mặn mòi và dáng đi uyển chuyển, chỉ có những cô gái Khơ Me nắn nồi và đội cà om đi lấy nước suối ở đây mới có được.
Người con gái Khơ Me ở đây lớn lên với nghề nắn nồi đất, ngày ngày đi quanh bàn nắn, tính trung bình mỗi ngày họ đi có tới khoảng ba mươi cây số; tức là bằng từ Hòn Đất đi lên tỉnh Rạch Giá. Thành ra công việc lao động ấy tự nhiên luyện cho họ một vóc người uyển chuyển, dịu dàng. Hơn nữa, họ lại thường đội cà om đi lấy nước suối về dùng. Khi đặt cà om nước lên đầu, cô gái Khơ Me bước đi duyên dáng lạ thường. Trên đường từ suối nước về nhà, các cô không bao giờ vịn tay lên cà om. Đôi tay các cô đánh đường xa, vẫy vẫy dịu trên lối cát.
Bà Cà Xợi ngày xưa là một người con gái như thế.
Tên chủ Mưu đã ép cô gái Cà Xợi xinh đẹp về ở với hắn. Ngày ấy anh Thạch Kha là người yêu Cà Xợi buồn quá bỏ đi làm phu bẻ cây lên tận Kông-pông-chàm. Sau khi đẻ được thằng Xăm, tên chủ Mưu bắt đầu không ngó ngàng đến Cà Xợi nữa. Y để ý tới những cô gái khác, trẻ hơn. Nhưng lúc đó Cà Xợi đã có mang với y đứa con thứ hai. Sau cùng, y đuổi Cà Xợi ra khỏi nhà, còn thằng Xăm thì y giữ lại nuôi. Bà Cà Xợi bỏ hòn màu của mình, ôm bụng thất thểu bước ra khỏi cái nhà nền đúc. Bà về xóm Hòn Đất che tạm một túp chòi, ban ngày đi gặt lúa mướn, tối về chòi ngủ. Lúc sắp đẻ, bà đau quá, bò lê ra đồng cứ vơ gốc rạ mà nhai. Tình cờ đêm ấy hai mẹ con mẹ Sáu đi đâu bên bến đò Vàm Răng về gặp, mới đem bà Cà Xợi về nhà. Bà Cà Xợi sanh con Cà Mỵ tại nhà mẹ Sáu. Được một tuần lễ sau thì anh Thạch Kha trên Kông-pông-chàm về. Anh đến nhà sụp trước mặt mẹ Sáu lạy mà xin cho rước bà Cà Xợi lẫn đứa con mới đẻ. Hai người ăn ở với nhau không đầy một năm thì anh Thạch Kha bị chủ Mưu cho người rình chém khi anh đang đi vô rừng đốn củi. Anh Thạch Kha dùng búa chém lại chết một thằng, nhưng anh thì bị chúng vây chém trọng thương, chạy về chết gục trước sân nhà. Thế là từ đó bà Cà Xợi nắn nồi nuôi con Cà Mỵ tới lớn. Cà Mỵ càng lớn càng dễ thương, giống mẹ như đúc. Duy có thằng Xăm từ bé đến lớn ở với chủ Mưu được nâng niu, càng lớn càng giống chủ Mưu về mọi mặt. Thằng Xăm gắn bó với cha nó ngay từ những miếng cườn trên Hòn, ngay từ những mảnh đất nắn nồi cha nó độc đoán chiếm bán ra từng thước khối. Nó ở trong ngôi nhà nền đúc phông tô, và lớn lên. Ngôi nhà ấy hồi kháng chiến đã bị phá, và vườn đất cũng bị cách mạng lấy chia cho dân. Chủ Mưu bỏ chạy lên Rạch Giá. Mãi hòa bình lập lại, y trở về với thằng Xăm bấy giờ đã là thiếu úy quân đội tay sai Diệm. Y giựt đất, cất nhà lại và cùng thằng con trai trả thù cách mạng với tất cả nỗi căm oán chất chứa trong bao năm. Thằng Xăm còn độc địa hơn cả cha nó, vì chính tay nó cầm súng Mỹ, và đi theo nó có cả một bầy ác ôn liều mạng nhất được nó tuyển từ các đồn lẻ quanh vùng. Bọn biệt kích của thằng Xăm thằng nào cũng chạy giỏi như ngựa. Chúng rượt nà cán bộ trên đồng trống, mò vào các khu rừng tràm, đánh phá căn cứ cách mạng cả ngày lẫn đêm. Có khi giữa đêm mưa tầm tã hoặc lúc trời vừa rạng sáng, súng của chúng nổ ran. Bà con trên Hòn mỗi khi nghe tiếng súng của bọn thằng Xăm ai cũng lo sợ nghĩ đến con mình, cháu mình và những người cán bộ thân thiết của mình vừa ngã xuống.
Nhưng có một người nghe tiếng súng ấy còn hoảng sợ đau đớn gấp trăm ngàn lần hơn người khác. Người đó là bà Cà Xợi vậy.
Ngày đồng khởi, tên chủ Mưu bị bắt đền tội. Thằng Xăm chạy thoát. Từ đó, nó càng thêm hung dữ.
Cho dù ở Hòn Đất hay là ở trên khắp thế gian, người mẹ nào mà cẳng có nỗi đau khổ riêng của mình, nhưng thật cũng có ít người mẹ nào lại có nỗi đau khổ như bà Cà Xợi.
Hồi còn làm sếp bót Hòn Đất, thằng Xăm vẫn thường đem vải vóc, vàng bạc mà nó cướp được về cho bà Cà Xợi và con Cà Mỵ. Nhưng hai mẹ con đều không lấy. Thậm chí có lần bà Cà Xợi đã liệng vãi các thứ ấy ra sân, rồi bưng mặt khóc.
Nên thằng Xăm nói:
- Nghe bà già tao theo Việt cộng rồi!
Nó nói đúng.
Chẳng phải có lần chính mẹ nó đã đứng trước mũi súng của nó đó sao?

Vào giờ ấy, bà Cà Xợi đang lầm lũi tới quán của thím Ba ú ở ngã ba Hòn Đất. Bà đi trong đêm tối, tay cầm một cái chai xị không. ở Hòn Đất ban đêm, hễ thấy dạng người nào đi không đèn đóm thì bà con đều đinh ninh người đó là bà Cà Xợi. Bởi ngoài bà thì chẳng có ai đi như một cái bóng như thế cả. Nhưng người đàn bà mà khắp Hòn Đất này ai cũng cho là có hơi dài dại ấy khi đi trong đám tối mới tài chứ! Chẳng bao giờ bà ta vấp chân vì một mô đất hay một lỗ trũng. Hình như bà biết trước và tránh được hết.
Lúc bà Cà Xợi đến quán ngã ba thì quán vắng ngắt không có một ai. Bà bước vào quán, thấy trên quầy cạnh ngọn đèn ống khói có mỗi mình thím Ba ú đang ngồi đếm lại đống tiền lẻ bán được trong ngày. Nghe tiếng chân người bước vào, thím Ba ú ngước lên. Thím hỏi, giọng nghe êm như ru:
- Thím Cà Xợi đó à? Đi mua chi mà khuya vậy?
Bà Cà Xợi không đáp, giơ cái chai xị không lên. Thím Ba ú hiểu ngay. Thím đếm nốt cho xong số tiền lẻ lại rồi lách ra quầy, đi đong rượu cho bà Cà Xợi. Thím Ba ú này thật xứng với cái tên của thím quá. Người thím béo mập làm sao! Thím lách qua cửa quầy một cách khó khăn. Cổ tay thím lúc với ra đón lấy chai xị không của bà Cà Xợi coi mập có ngấn, núc ních. Thím xách cái chai bước tới hũ rượu, cầm một cái cóng tre múc rượu trong hũ đổ vào chai. Tuy chai xị không có đặt phiễu, thế mà thím rót không đổ ra ngoài một giọt.
Cầm chai rượu đưa cho bà Cà Xợi, thím Ba ú nhìn bà Cà Xợi lâu và hỏi bằng tiếng Khơ Me:
- Ne, néak dâng rương ây tê!
Bà Cà Xợi lắc lắc cái đầu tóc bù rối vàng sém:
- Rương ây?
Thím Ba ú nói rỉ vào tai bà:
- Nè, thằng Xăm nó mới về Tri Tôn đó nghe! Hôm qua, tôi đi bổ hàng ngó thấy nó ở trên xe nhà binh nhảy xuống...
Bà Cà Xợi chớp chớp mắt, hỏi lại:
- Thằng Xăm hả, thằng Xăm nó về Tri Tôn hả?
Bà Cà Xợi cho con gái hay cái tin đó rồi đi lại bộ ván, ngồi kéo xổm một gối lên. Lát sau, bà rót rượu ra chén, uống như uống nước. Nhưng bà chỉ uống có một chén. Rồi ngồi đó, bà ngó bóng mình in trên vách. Đêm nào cũng vậy, sau khi đan xong hai hoặc ba bao cà ròn, bà Cà Xợi lại uống một chén rượu. Ai người ta uống rượu vào thì say và quên hết mọi sự, chớ bà Cà Xợi thì ngược lại, càng uống vào bà càng tỉnh và nhớ hết. Bà nhìn Cà Mỵ (thường khi cô vẫn ngồi đan mải mốt), nhớ lại thời bà bằng tuổi nó, nhớ những cái nồi đất nung đỏ rực do tay bà nắn, nhớ những đêm dù kê anh Thạch Kha bên Sóc Trưng qua sắm vai hoàng tử còn bà thì sắm vai cô gái bắt ốc. Rồi bộ mặt của chủ Mưu hiện lên, rồi kiếp sống trong cái nhà nền đúc phông tô. Những ngày cực mà vui với anh Thạch Kha. Tai họa đến, hình ảnh Thạch Kha ngã sấp trước nhà, hai tay vã xuống đất. Bà nhớ tất cả, nhớ giữa lúc hình bóng mình in trên vách và nhìn bóng con gái đang đươn đát. Bà không quên ngày bà được cách mạng cấp đất. Rồi thì là thằng Xăm, với những bà con anh em bị nó mổ bụng, đập đầu.
"Thằng Xăm mới về trên quận" tiếng thím Ba ú nói ban nãy bây giờ hãy còn văng vẳng bên tai bà.
"Lại đi bắn giết bà con nữa chớ gì?" bà lẩm nhẩm nghĩ bụng rồi muốn kêu: - "Trời ơi nó léo lánh về đây chi vậy hở trời? Phải chi nó chết đi có hơn không?".
Người mẹ nào mà lại muốn con mình chết? ấy vậy mà nhiều lần bà Cà Xợi mong mỏi cái chết đến với thằng Xăm đấy. Nếu thằng Xăm chết, chắc bà sẽ bớt khổ hơn. Nếu nó cứ còn sống đi sát hại mọi người thế này mãi thì lúc nào đó chắc bà phải chết. Hoặc là nó chết, hoặc là bà chết. Chỉ có một trong hai cái lẽ ấy mới xong. Cà Mỵ có lần đã nói với bà:
- Má sanh y ra làm chi? Y không phải anh của tui đâu!
ấy, Cà Mỵ có lần nói bà như thế. Bà cũng có lần bảo với lối xóm: - "Thằng Xăm, nó có phải là con của tôi đâu!". Nhiều lần bà xuống giọng như van vỉ: - "Mấy người làm ơn làm phước đừng coi nó là con của tôi". Nhưng sau câu nói đó, bà Cà Xợi càng đau lòng như điên như dại. Một người mẹ đẻ con ra vì lẽ gì đó mà không dám nhận là con của mình thì sự đau lòng đã lớn rồi, chỉ có cái mức độ ít hay nhiều. Bà Cà Xợi thì đau lòng thái quá, và vì bà vốn lại là một người Khơ Me có tánh tình ngay thật, nên nỗi đau đớn đó ghê gớm lắm, có lúc làm bà như đãng trí. Bảy năm nay, bà Cà Xợi ở trong trạng thái như điên như không điên. Nét mặt bà ngơ ngác, khoen mắt bà càng tím đậm, và người ta ít thấy bà đi ra đường ban ngày. Bà chỉ hay ra đường lúc bóng đêm sụp xuống. Có lẽ bà cho là đêm đen sẽ phủ kín để không ai nhìn thấy bà.
Có đến hàng trăm lần bà đã lựa lời khuyên thằng Xăm. Trước mặt bà, thằng Xăm không bao giờ cãi. Có khi hắn ngúc ngoắc đầu vẻ khó chịu, hoặc nói giả cách bậm trợn: - "à, má nghe lời Việt cộng dụ tôi hả?". Nhưng rồi hắn cười ngay. Nụ cười của hắn coi hiền lành nữa là khác. Những lúc gặp mẹ, thằng Xăm chừng như có vẻ trở lại hình dáng một đứa con, chớ không có dáng dấp một thằng biệt kích. Thành ra ban đầu bà Cà Xợi cứ lầm lẫn, cứ ngờ ngợ không biết con mình nó có mổ bụng moi gan người thật như người ta đồn đãi không. Nhưng rồi bà không ngờ ngợ gì nữa. Một hôm, thằng Xăm ghé nhà. Thấy khóe mép hắn dường như chảy máu, Cà Xợi kêu:
- Sao miệng mày chảy máu vậy, Xăm?
Thằng Xăm vội đưa tay chùi mép, không nói chi hết. Khi hắn đi rồi, bỗng Cà Mỵ từ ngoài xóm hơ hải chạy về ôm mặt rú lên và cho biết thằng Xăm vừa mổ bụng hai người ở bãi Tre, lấy gan, vô nhà bà con mượn đĩa nhôm xào ăn. Bà Cà Xợi nghe nói té xỉu. Lúc tỉnh dậy bà sực nhớ những vết máu rây ở mép thằng Xăm thì lại ngã quay ra xỉu một lần nữa. Lại một hôm khác, thằng Xăm đi biệt kích ở Vàm Răng bắt về mấy người chẳng biết là cán bộ hay dân thường. Nghe tin thằng Xăm sắp mổ bụng họ tại ngã ba, bà Cà Xợi vội chạy ra định năn nỉ thằng Xăm tha cho họ. Khi bà chạy ra đến nơi thì thằng Xăm đã dùng dao bén khoét đít mấy người này, khoét sâu lõm vào. Rồi hắn mở trói. Những người này được mở trói vừa nhỏm tới thì ruột đã lòi ra ở phía sau. Lần ấy, bà Cà Xợi hét lên một tiếng rồi ngã lăn bất tỉnh ở giữa đường. Thằng Xăm sai lính khiêng bà về nhà. Lúc chiều tối, bà tỉnh dậy, thấy Cà Mỵ đứng bên, bà liền chỏi chỏi hai bàn tay thét to: - "Trời ơi! Thằng Xăm, mày đi đi!".
Bà con nói rằng bà Cà Xợi bắt đầu điên dại kể từ hôm đó.
Đêm nay cũng vậy, bà Cà Xợi lại uống...
Đáng lẽ như lệ thường, bà chỉ uống một chén. Nhưng giờ uống hết chén thứ nhất, bà lại run rẩy mở nút chai, rót thêm chén nữa.
Chén rượu thứ hai bà uống chậm rãi chứ không uống vội vàng như chén trước.
Cà Mỵ cắm cúi đan, miệng lầu bầu:
- Má uống nữa hả? Thôi, má không được uống nữa! Thôi đi... má ơi.
Ngoài đường bấy giờ chợt có tiếng chó sủa gâu gâu. Rồi một tiếng hỏi từ sân vọng vào:
- Mỵ ơi, ôn min nâu phờ téc tê?
Cà Mỵ nghe ra tiếng Quyên, liền buông cái bao đan dở, đứng dậy đáp ra:
- Chá min.
Cô lè lẹ mở cửa. Quyên đợi Mỵ ở sân, kéo tay Mỵ ngồi xuống, thì thầm:
- Nè, Mỵ đã hay gì chưa?
- Chưa.
- Giặc rục rịch sắp bố đấy. Một chút nữa sẽ có loa thông báo cho bà con hay. Lính về Tri Tôn đông lắm. Anh em du kích đều đã chuẩn bị. Tôi mới đi xuống chông về đây!
Mỵ thắc mắc:
- Sao không kêu tôi đi?
- Cà Mỵ có chuyện làm mà, đừng lo. Kỳ này định để Cà Mỵ ở trong tổ hợp pháp. Mỵ biết không, nghe có thằng Xăm về Tri Tôn nữa đó?
- Em biết rồi!
Quyên rủ rỉ:
- Cà Mỵ nè, nếu càn vô đây, mình đánh chông đánh lựu đạn đã đành, nhưng phải đấu tranh, phải giúp đỡ du kích. Cà Mỵ chưa bị lộ, với lại tụi giặc nó cũng nể Cà Mỵ là em thằng Xăm, Cà Mỵ ráng lo công chuyện liên lạc, tiếp tế...
Cà Mỵ nằn nì:
- Thôi mà, để em đi gài lựu đạn cho!
- Lựu đạn thì có người khác gài rồi.
Cà Mỵ ngẫm nghĩ một giây, rồi nói:
- Thôi được. Thiệt... Mỵ không muốn gặp mặt tụi nó, chị Quyên à. Gặp tụi nó khó chịu lắm!
Quyên quàng cổ Mỵ, thân thiết:
- Thì có ai muốn gặp tụi nó đâu, nhưng cách mạng cần vậy... A, mấy anh có dặn, Mỵ phải khéo léo, đừng nóng nẩy, có tức mình cũng ráng dằn xuống, khi cần nói ngọt phải nói ngọt, cần hát Xa ri ca keo cũng cứ hát... Đó vậy đó, chắc Mỵ dư hiểu rồi. Tin tưởng Mỵ lắm à, nghe!
Cà Mỵ mím môi, gật mạnh đầu trong bóng tối. Trước khi Quyên ra về, Cà Mỵ ôm chầm lấy Quyên hôn chùn chụt rồi mới buông cho Quyên đi.
Cánh cửa nhà ông Tư Đờn đã khép chặt. Ngạn và hai đội viên của anh là Trọng và Tới đang mặc những bộ quần áo biệt kích. Ngạn mặc xong bộ đồ rằn sĩ quan gắn lon thiếu úy, liền chụp lên đầu cái kết ba rèm. Tới và Trọng cũng đã cải trang xong.
- Sao, coi giống chưa?
Tấn nói:
- Giống lắm. Thế nào thằng Ba Phi cũng bị mắc!
Tới và Trọng khoác mỗi người một khẩu tôm-xông. Ngạn rút khẩu côn 12, tháo băng, lấy đạn trên lòng bàn tay. Đếm thấy đạn vẫn còn đủ tám viên, anh đóng băng cho súng vào bao. Năm Tấn không mang súng, anh giắt cây mã tấu sáng lóa ở sườn, được thít ngang bằng một cái khăn choàng sọc.
Ngạn nói:
- Đi thôi!