Hòn Đất - Chương 03 phần 2


Anh Hai Thép sốt ruột nhìn những khẩu ga-răng Mỹ báng đen mun, nòng bạc sáng loáng nằm bên các thây chết. Mấy khẩu tôm-xông báng đỏ au, mấy xanh-tuya đạn mới xanh còn dính trên mình chúng. Đó đều là những thứ mà anh và anh em ước ao bấy lâu, có khi nó là đầu đề cho cả một câu chuyện, một cuộc cãi vã, và có khi nó còn hiện ra ngay trong giấc mơ của anh. Bây giờ, các vũ khí Mỹ ấy hiện sờ sờ trước mắt, thật sự, tưởng như có thể với tay mà lấy được.
Nhưng rõ là bây giờ bọn giặc đang bắn để giữ các thứ đó không cho anh em xông ra cướp. Anh Hai Thép nôn nao mong sao cho hỏa lực địch dịu bớt. Anh nghĩ nếu tụi nó bắn lơi một chút thì thế nào cũng xông ra được. Nhưng lưới đạn của địch vẫn còn dày. Quanh trước miệng hang, đạn kêu "chóe chóe" như chuột lắc các ổ. Hai Thép ngó một lúc, chịu không nổi, quay lại bảo Ba Rèn:
- Phải tổ chức ra kéo súng vô hang mới được!
Ba Rèn gật đầu.
Hai người lách men ra ngoài tổ của Ngạn. Đạn xẹt vô hang chạm đá, nhoáng lửa. Họ phải đi mon men theo các mô đá, nhảy thoắt từ sau mô đá này sang phía sau các mô đá khác. Anh Hai Thép đến bên Ngạn, hỏi:
- Sao, nó bắn rát quá không ra nổi hả?
Ngạn lắc đầu. Vẻ mặt anh suy tính, căng thẳng. Trong lúc đó, Đạt ngồi chồm hổm dưới chân anh thì cứ nhăn mặt năn nỉ:
- Trời ơi, cứ để em bò ra... Em nhỏ, nó không bắn trúng đâu mà... Cho em ra đi! Em ra nghe anh, em bò ra à?
Đạt vừa nói vừa dợm mình nằm rạp xuống. Ngạn nhíu mày không đáp. Đạt ngỡ là Ngạn đã đồng ý, liền chống khuỷu tay trái xuống đất tính bò tới. Ngờ đâu Ngạn nghiêm nghị nói rành rọt từng lời:
- Tôi không cho chú đi. Chú không được đi, nghe chưa?
Đạt nghe bảo thế thì không dám trườn tới. Cậu ta cắn môi như sắp khóc:
- Anh không cho em đi, đây một chút nữa tụi nó tới lấy hết cho coi!...
Ngạn bảo:
Không đâu, nếu nó tấn công mình sẽ đánh cho nó dội lại như lần trước, không cho nó kịp lấy thây, lấy súng. Và lần này khi nó dội lại, tôi đề nghị mình sẽ ào ra giựt súng liền. Tôi sẽ cùng Tới, Trọng bắn kiềm cho anh em lấy súng đạn, anh em đồng ý không?
Hai Thép gật gù tán thành ý kiến Ngạn. Ai cũng cho đó là cách tốt nhất. Ngạn nói tiếp:
- Nếu làm thì phải làm thiệt mau... Còn bây giờ thì thôi, cho nó bắn "đã" đi, mình cứ ngồi nghỉ. Lát nữa đánh bật nó rồi, hễ tôi phóng ra là anh em theo tôi liền nghe!
- Được rồi!
Đạt nghe cái kế hoạch chớp nhoáng đó thì nét mặt cậu ta hớn hở lại. Tư Nghiệp lẩm bẩm:
- Làm vậy được. Nhưng phải cho lẹ đa!
Thế là mọi người ngồi đợi một cuộc tấn công mới của địch. Kế hoạch của Ngạn đề ra vừa táo bạo, vừa chắc ăn, khiến cho ai cũng vừa thích thú vừa hồi hộp. Trong lúc ấy, đạn địch vẫn bắn xối xả vào hang. Ngạn móc cái bì thuốc nhỏ nhỏ xinh xinh, lấy thuốc cuộn một điếu. Nguyên cái bì thuốc này do Quyên may cho anh. Vải túi là vải dù pháo sáng mà cô nhặt được trên bờ biển, của bọn khối xâm lược Đông Nam á tập trận năm ngoái thả xuống. Ngạn nhớ lại lúc anh cầm cái túi này của Quyên đưa cho, anh đã reo lên:
- A, hoan nghinh!
Thì Quyên lườm anh:
- Ghiền thuốc mà không biết kiếm cái gì đựng, người ta mới tội nghiệp may cho đó. - Rồi Quyên còn cấu tay anh - Chớ không phải xúi "ông" hút nhiều nữa đâu, nghe "ông"?
Mỗi lần móc thuốc từ trong bì ra vấn hút, anh lại tủm tỉm nhớ lại câu nói đe đó của Quyên.
Giữa những phút căng thẳng gay go, những câu nói như vậy chừng như đến với anh rõ hơn. Như lần anh bị bắt. Lúc chúng dắt anh đem bắn và lúc anh nung nấu cái ý định tự giải thoát, thì Quyên chính là cái bóng người vẫy gọi, thúc giục anh nhiều nhất. Hầu như anh có cảm tưởng là không đời nào anh lại chết mà không gặp lại Quyên cho được. Bây giờ cũng thế, dù cuộc xô xát sắp tới có quyết liệt đến dường nào, anh cũng tin rồi sẽ bình yên, sẽ ngó thấy lại khuôn mặt trái xoan đầy đặn của Quyên. Anh tin thế nào cũng sẽ được nhìn lại đôi mắt to đen luôn mở trố như ngạc nhiên, và rồi anh lại đặt cằm mình lên mớ tóc dày mướt mượt cứ ngan ngát cái mùi hương của những bông cau non tơ. Mà tất cả những cái ấy thực ra nào có phải chỉ là Quyên! Người con gái anh yêu vốn chỉ là biểu tượng kết đọng lại của bao nhiêu thứ khác. Trong Quyên hình như có trái măng cụt ngọt thau, có những cây tre vàng nắng, có lá cành lê ki ma xanh um, có tiếng nói yêu thương âu yếm của các mẹ già cùng tiếng bập bẹ ngây thơ của các em bé. Thật là trong Quyên như chứa đựng đủ mọi thứ đó. Từ tiếng xạc xào của rừng dừa, tiếng sóng biển vỗ lên bờ bãi, tiếng thét của đoàn người đấu tranh, ánh đuốc bập bùng, tiếng khóc và tiếng cười vui. Quyên là cô, nhưng đồng thời cũng là anh em đồng chí khác. Mối thương yêu riêng tây này gắn liền Ngạn với cái chung quý giá là cách mạng, là cuộc sống mới giành lại được ở miền đất nằm kề biển cả này.
Cứ mỗi một năm, mỗi một tháng, Ngạn lại càng thấy thương thêm những ngôi nhà sàn, những bà con Khơ Me thật thà, những đàn cò trắng chiều nào cũng trở về lượn cánh trên đầu các cô gái đi đội nước suối Lươn, vẩy vẩy đôi bàn tay dịu nhĩu, cười nói râm ran.
Mọi hình ảnh ấy giờ đây nổi lên rõ quá, gắn bó với Ngạn quá. Cho đến khi Ngạn ngó thấy những chiếc nón sắt nhô ra khỏi vườn dừa thì anh liệng vội tàn thuốc, nhét cất túi thuốc, kêu khẽ:
- Kia kìa, tụi nó ló ra rồi kia kìa!
Tất cả mọi người mím chặt môi, gật đầu. Ngạn nhắc Đạt:
- Mở khóa súng chưa?
- Em mở rồi!
- Tôi nhắc lại, lát nữa khi tôi, Tới, Trọng vọt ra thì anh em vọt theo, không sớm, mà cũng không chậm nghe chưa?
Miệng nói với anh em, mắt Ngạn dõi nhìn bọn giặc đang nổ súng và tiến tới. Chúng đi lom khom, súng cắp nách bắn vào miệng hang. Ngạn áng chừng bọn giặc cỡ khoảng hai trung đội. Đi trước là bọn biệt kích coi rất táo tợn. Ban đầu chúng còn đi, về sau chúng chạy tới như ngựa sải. Ngạn trông thấy một thằng ở trần ngực đeo lòng thòng những sợi dây bùa và một vật gì lóng lánh. Vừa lúc đó Ba Rèn chợt kêu lên:
- Thằng Xăm!
"à, đúng nó rồi!". Ngạn nhận ra và anh nheo mắt giương tôm-xông bắn nây một loạt. Tên trung úy biệt kích ác ôn chợt đứng sững, vai phải rủ xuống, chỗ ấy cách miệng hầm chừng mười bước. Ngay lúc đó hai thằng giặc nhảy vụt đến xốc nách thằng Xăm, lặt lia chạy đi. Tiếp theo loạt súng của Ngạn là những loạt súng của Tới, Trọng, Đạt bắn chĩa vào đám giặc đang ùa tới. Bọn chúng té nhào, la rú. Ngạn bắn hết băng đạn còn lại, đóng ngay một băng mới vào, lia tiếp. Bọn giặc xổ tới liền bị hất lật ngửa, nằm sát miệng hang. Nhưng chúng chưa bỏ chạy. Bọn còn lại lùi lũi xông lên. Tới mở trái MK3, để chậm tới ba tiếng mới vụt ra. Trái lựu đạn Mỹ nổ vang động, khói che kín cửa hang. Ngạn thét:
- Liệng một trái nữa!
Quả MK3 thứ hai của Trọng ném vút tới đám giặc vừa nhổm dậy. Quả này nổ ra đã chặn đứng ngay cuộc xung phong. Bọn giặc ùa trở lại hết cả. Ngạn thoáng thấy hai tên biệt kích cõng xác tên Xăm lên, chạy xồng xộc. Ngạn nổ theo một loạt ngắn. Chúng vẫn còn vác thằng Xăm chạy. Anh nhảy phắt ra, lia thêm một loạt nữa và thét to:
- Xung phong!
Rồi anh phóng vụt ra miệng hang.
Tới, Trọng cũng lao theo. Ba Rèn, Hai Thép và anh em ùa cả ra kéo súng, chạy vội vào. Chú Tư Nghiệp và Đạt lúi húi mở xanh-tuya trên những xác giặc, mãi một lúc sau khi vừa mở được hai cái xanh-tuya đang và mấy băng tôm-xông, thì địch đã bắt đầu dừng lại bắn trả. Hai người bò vào hang dưới làn đạn rát rạt của địch và làn đạn của anh em từ trong hang bắn ra yểm hộ. Đạt bò như một con ếch, hai cái đùi mập chắc của Đại cứ co lên duỗi xuống, còn một tay Đạt lôi hai cái xanh-tuya đạn. Chú Tư Nghiệp bò chậm nhưng kỹ hơn, đôi chân dài ngoẵn đầy lông của chú cứ chòi chòi, đạp đạp, Ngạn vừa bắn vừa theo dõi hai người. Còn có mấy với tay nữa là tới miệng hang, Hai Thép khích lệ: Ráng chút nữa!
...Rốt cuộc hai người bò vào đến nơi, mình mẩy sây sát, đầu gối đều rớm máu, nhưng không bị trúng viên đạn nào. Đôi mắt của Đạt sáng ngời. Cậu ta kéohai dây xanh-tuya đạn ga-răng vô hốc hang, dựa lưng vào vách đá ngồi thở và cười, cái miệng cậu ta chành bành. Còn chú Tư Nghiệp thì đặt hai bàn tay nơi đầu gối, thở dốc:
- Đạn nó đi biết nóng lưng nghe!
Chú cầm một băng tôm-xông lẩy ra một viên coi thử. Đạn mới tinh, vàng chóe, sau đít có một chấm sơn tím. Chú đưa viên đạn lên mũi ngửi rồi nói:
- Mẹ, thơm nhản hết sức mấy cha! Bộ nó mới khui đạn thùng ra mà!
Chú chuyển các băng đạn cho anh em bắn tôm-xông và hỏi:
- Lấy được mấy cây súng?
- Sáu cây, năm ga-răng, một tôm-xông.
Ba Rèn đáp, và phát ngay cho Tư Nghiệp một khẩu ga-răng kẹp đầy những lam đạn óng ánh nơi dây đai. Tư Nghiệp mừng quá, đưa tay ru run đỡ lấy cây súng nặng trĩu mà bụng dạ cứ bán tín bán nghi, ngỡ như chiêm bao. Chú ôm cây súng vuốt ve từ nòng tới báng.
Ba Rèn nói:
- Ông thấy đời ông tươi chưa? Mới vác "ngựa trời" đó mà bây giờ ông cầm ga-răng rồi!
- Thì phải tươi vậy mới được chớ... Có gan làm giàu mà! Ê, súng này phát luôn chớ ta?
- Phát luôn. Mình còn lấy nữa, thiếu gì!
- Tôi được thủ cây ga-răng này thì chơi với nó có chết cũng mát bụng.
Ngạn cười, móc vắt cơm ra. Trời đã gần đứng bóng. Ai cũng chợt thấy đói bụng, liền lấy cơm vắt hồi hôm ăn nghiến ngấu. Mọi người đang ăn nửa chừng thì Quyên từ trong luồn ra. Cô cầm một xâu tôm búi nước, rút chia cho từng người. Chia hết xâu tôm. Quyên ngồi nép vào vách đá, hớn hở rờ coi những cây súng mới lấy được. Lát sau, cô đến bên Ngạn, hai tay đặt lên ngực mình như nén nỗi hồi hộp còn dâng đầy:
- Hồi nãy, em thấy anh chạy vụt ra!
- Em ngồi ở gộp đá phía sau anh à?
Quyên gật đầu. Cô chăm chú nhìn Ngạn bẻ cơm đưa lên miệng ăn ngon lành. Lát sau, Quyên nói giọng giận dỗi:
- Mấy anh không tin tưởng em, không chịu cho đánh chác gì hết!
- Không phải không tin đâu, tại chưa cần đó thôi. Chừng nào cần tới em thì em đánh, đừng nóng.

Thằng Xăm từ từ mở hé mắt...
Hắn thấy bả vai trái đau ê ẩm dưới lớp băng. Hồi nãy hai viên đạn tôm-xông đã ghim vào đấy. Nhưng hai viên đạn đó chưa giết chết hắn. Bây giờ hắn tỉnh lại dần. Nằm trong lều vải, hắn nhớ lại sự việc vừa xảy đến. Cái khuôn mặt của tên Việt cộng nhú lên sau mô đá đã nổ súng vào hắn hình như là hắn đã gặp ở đâu rồi. Nhưng hắn không nhớ rõ. Làm sao hắn có thể nhớ hết được hàng trăm người mà hắn hoặc đã giết hụt. Tuy nhiên hắn ngờ ngợ ké bắn hắn là một trong số người đã từng giáp mặt với hắn mà hắn đã để sẩy. Đây là lần đầu tiên hắn bị bắn, phải bỏ cuộc. Hắn nghĩ bụng: "Đáng lẽ mình phải bóp cò trước nó".
Một tên chuẩn úy y tá trưởng đeo kính cận ngồi nhổm bên cạnh hắn, bảo:
- Vết thương của trung úy không sao đâu
- Không sao hả?
- Không... Nhưng có thể hơi lâu lành...
Xăm không hỏi nữa. Hắn đưa tay lên ngực, rờ rẫm cái hình mặt chằn có nanh ngà, mê muội nghĩ rằng nếu không có cái mặt chằn ấy, chắc đâu hắn còn sống. Lâu lắm rồi hắn m1i trở lại Hòn Đất, mà lần náy hắn lại bị đánh trả dữ dội. Đó là điều hắn không ngờ. Qua cái bãi chông ban sáng và hai lần thọc vào hang đều bị đánh giạt ra, hắn thấy Hòn Đất hôm nay có cái gì không giống với Hòn Đất thuở hắn còn làm xếp bót. Hắn ngạc nhiên và tức giận lồng lộn. Hắn nghĩ: "Không thể như thế được đâu, tao sẽ bắn nát đầu tụi bây". Hắn liếc nhìn vết thương rồi đột ngột hỏi tên y tá trưởng.
- Đã bắt đầu đánh vô hang nữa chưa?
- Thưa anh Hai chưa?
- Sao không đánh
- Chưa có lệnh của Bộ chì huy
Xăm vụt nhổm dậy, nghiến răng trèo trẹo:
- Đ.mẹ, gần một ngàn thằng mà không vô hang được, kể tụi nó bắn mình cứ té sụm sụm, tức muốn ói máu.
- Thưa anh Hai, tụi nó nấp trong hang đó có thế lắm!
Xăm nín lặng. Hắn thấy tên chuẩn úy y tá trưởng đó nói đúng. Thật, đánh vô cái hang có đâu phải dễ thì chính việc hắn bị thương nằm đây đã nói rõ điều đó.
- Hồi trưa có mấy ông cố vấn Mỹ đi trực thăng xuống. Nghe đâu mấy ổng cho lệnh cứ vây siết, thì tụi nó thế nào cũng chết đói chết khát. Tôi cũng mới được lệnh của mấy ông biểu bỏ thuốc độc xuống suối...
Tên Xăm nghe nói, giật mình nhổm dậy, hỏi lại:
- Bỏ thuốc độc à
Tên y tá gật đầu, Xăm lo lắng ra mặt. Hắn nói:
- Rồi nước đâu mình uống? Dân trên Hòn không biết, uống chết hết còn gì?
- Ngăn suối lại. Bỏ thuốc độc ở khúc gần hang thôi!
Thằng Xăm ngả đầu xuống. Hắn nghĩ tới mẹ hắn và Cà Mỵ. Hồi sáng, khi kéo quân đến, hắn có ghé qua nhà. Mẹ hắn hỏi hắn với giọng không hằn học, mà cóvẻ hơi mừng là khác. Thành ra hắn đâm vui. Bây giờ, hắn chợt nảy ra cái ý nghĩ giá hắn được về nằm ở nhà thì chắc sướng hơn nằm trong cái lều oi bức này. Hắn liền nói với tên y tá:
- Tao muốn về nhà bà già tao nằm quá!
Tên này lắc đầu:
- Không được, anh Hai nằm ở đây để làm thuốc chớ. Chừng nào vết thương của anh Hai lành miệng thì c về.
- Nhằm vài ngày nữa lành miệng chưa?
- Vài ngày nữa thì chắc khá!
Tên Xăm nằm im, không nói chuyện nữa.
Xung quanh hắn vẫn dậy lên những tiếng ồn ào. Bọn lính đang ăn cơm. Vòng vây của chúng bao quanh hang có tới hai lớp. Lớp ở gần hang và một lớp ở gần xóm. Vào giờ này, bọn lính ở xóm la cà thả rểu vào các nhà dân.
Một toán lính bảo an đến quán thím Ba ú ngồi nói chuyện om sòm. Thím ý tay không rời được cái cóng đong rượu. Hôm nay, thím tỏ ra một người chủ quán vui tính hết sức. Thím gọi bọn lính bằng cậu, nói chuyện với chúng ngọt xớt:
- Mấy cậu đi như vầy mỗi tháng được lãnh mấy ngàn?
- Mấy ngàn? Một ngàn tám chớ mấy! Thím coi nhắm bấy nhiêu đó có đủ đút lỗ miệng không?
Thím Ba ú liền trố mắt, vẻ ngạc nhiên:
- Một ngàn tám à, bộ mấy cậu nói giỡn sao chớ?
Một ngàn tám làm sao sống! Vậy vợ con chắc có lãnh riêng?
- Lãnh riêng cho mà ham. Nội vụ chỉ có bấy nhiêu đó thôi, bà ơi!
Thím Ba ú liền buông xuôi hai tay lên bắp vế, chặc lưỡi:
- Vậy mà lâu nay tôi cứ ngỡ mấy cậu ăn lương tệ gì cũng cỡ ba ngàn sắp lên!
Bọn lính đều cười về sự hiểu lầm của thím Ba. Một người hạ sĩ trạc tuổi băm lăm, mặt mày đen đúa, tóc bờm xờm trổ tới mang tai, uống hết ly rượu, chép miệng ngó thím Ba:
- Thím làm như tụi Mỹ nó không biết tiếc tiền.
- Nghe nói Mỹ nó giàu lắm mà?
- Thì tụi nó giàu chớ... Bởi giàu nên nó mới bỏ tiền ra mướn tụi tôi đi đây. Nhưng nó dại gì mướn giá cao. Chỉ có tụi tôi là dại...
Người hạ sĩ nói tới đó chợt dừng lại đưa bàn tay luồn vào mớ tóc bờm xờm của mình, vẻ mặt coi mòi chán ngán và rầu rĩ lắm, thím Ba ú hỏi y:
- Xin lỗi, cậu người xứ nào?
- Tôi gốc gác ở Mặc Cần Dưng!
Thím Ba ú sững sờ:
- ủa, té ra cậu ở Mạc Cần Dưng, tức làng Bình Hòa?
- Phải thím biết xứ đó sao?
- Trời đất, hồi chưa giặc giã, tôi lên đó làm mắm hoài mà!
Rồi thím Ba nói tiếp, vẻ hồ hởi:
- Cha chả... cái xứ gì mà tới mùa cá dại nổi đặc sống! Ai muốn xúc bây nhiêu thì xúc. Thiệt ham làm sao. Các lóc, cá trèn, cá lìm kìm, đủ hết, mạnh ai nấy bắt... Còn ruộng lúa sạ ở đó trúng đổ đồng cứ một công hai chục giạ cầm chắc!
Người hạ sĩ nhổm tới, nhìn thím Ba ú trân trân:
- ủa, coi bộ thím này biết xứ tôi rành dữ ha?
- Tưởng ở đâu, chớ Mặc Cần Dưng thì sao tôi không biết? ở đây đi Mặc Cần Dưng cũng gần xệu thôi, cậu à!
Bọn lính chẳng chú ý gì về cái làng mang tên Khơ-Me xa lắc xa lơ đó. Chúng uống rượu, trả tiền rồi vác súng đi lệt bệt về chỗ đóng quân. Chỉ còn người hạ sĩ đen đúa kia ngồi lại. Đôi mắt của y giờ đỏ hoe. Ngồi xốm gối trên bộ ván giữa tiệm, y cười coi như mếu, rồi lấy mu bàn tay vụng về chùi mấy giọt rượu giây trên bộ râu lún phún chưa cạo.
Thím Ba ú hỏi:
- Cậu uống nữa thôi?
Hai tay y vội chắp cái ly đưa tới.
- Cho tôi một ly nữa.
Thím Ba ú múc rượu trong hũ, rót đầy tràn cái ly người hạ sĩ đang cầm:
- Hồi ở Mặc Cần Dưng, cậu sanh sống nghề chi?
- Tôi mầm ruộng. Tháng trước thỉ dăng câu đặt lờ.
- Cậu đi lính lâu chưa?
- Hai năm rồi.
Thím Ba ú vảnh bàn tay chặn nhẹ ống tay áo của người hạ sĩ:
- Khoan cậu đợi chút xíu, để tôi đi nướng con mực cho cậu nhậu!
Nói đoạn, thím mau mắn với tay lên túm mực treo bán, rút lấy một con. Rồi cầm con mực, thím lạch bạch đi vào bếp. Người hạ sĩ để ly rượu xuống, ngồi đợi. Coi bộ y cảm động. Khi mùi mực nướng trong bếp tỏa lên thơm tho y hít hít cánh mũi:
- Cha... mực thơm quá!
Thím Ba ú trở ra, tay kẹp chiếc đĩa nhôm đựng con mực nướng. Trong đĩa còn có một cái chén nhỏ. Thím trỏ cái chén nói:
- Có chén dấm ớt đây, cậu chấm mà ăn!
- Da...
Người hạ sĩ cầm con mực, dứt mấy cái râu bỏ vô chén dấm, rồi lấy hai ngón tay kẹp vớt ra, thong thả đưa lên miệng nhai. Thím Ba ngồi khoanh tay rế nơi góc ván nhìn người hạ sĩ uống rượu. Chợt thím hỏi:
- Sao cậu không ở nhà mầm ruộng, đi lính chi cho cực?
Người hạ sĩ cầm để ly rượu xuống, lặng thinh, gãi gãi đầu. Một lát say y mới nói:
- Tại tôi ngu. Tôi ngu quá. Mà không phải chỉ có một mình tôi...
- Đi đây có cậu nào cùng xứ sở với cậu không?
- Có bốn năm đứa... Tụi nó không ở tại Mặc Cần Dưng nhưng cũng ở cận đó. Thằng thì ở Vĩnh Hanh, thằng thì ở Năng Gù...
- à xin lỗi cậu, nói chuyện nãy giờ mà tôi sơ ý quên không hỏi thăm cậu thứ mấy chớ?
- Dạ tôi tên Cơ, thứ chín.
Thím Ba ú gật đầu. Rồi thím nói, vẻ sợ sệt:
- Hồi sáng tới giờ "đụng" trong hang Hòn dữ quá, không biết ra sao? Nghe súng bắn điếc đai.
Hạ sĩ Cơ bảo:
- ồ tụi biệt kích đột vô hang đó, mà đều bị đánh chạy dột ra hết rồi. Mấy ổng ở trỏng bộ đông lắm hay sao mà chống cự gắt mấu. Hồi sáng tới giờ "liểm" tụi tôi gần hai chục thằng rồi!
- Tôi thấy bao nhiêu võng ở trong xóm đều bị lấy hết
- Thì để khiêng tụi bị thương mà...
Hạ sĩ Cơ cầm ly rượu nhóng tới, hỏi ngỏ:
- Nè, thím nói thiệt cho tôi biết, mất ổng rút vô trong hang có đông không thím?
- Tôi đâu có biết mấy ổng đông hay ít!
Hạ sĩ Cơ buông ly rượu, nét mặt rầu rầu:
- Thím mà không biết... Thím nói để tụi tôi còn biết mà lánh né. Đây rồi thế nào cũng tới lượt tụi tôi phải vô hang. Thiệt là ngán. Coi bộ mấy ổng trong hang quyết tử quá xá!
Thím Ba ú đập khẽ bàn tay xuống gối nghe cái "chách":
- Chớ không quyết tử? Tôi hỏi cậu, giả tỷ cậu bị người ta đè xuống cắt cổ, cậu muốn sống thì phải làm sao? ít ra cậu phải lừa thế chụp dao hoặc bóp họng cái người lính cắt cổ cậu, rồi phóc chạy, thì mới sống được, chớ cậu nằm im ắt cậu phải chết... Mấy ổng cũng vậy đó, cậu à!
Hạ sĩ Cờ gật đầu:
- ồ, con trùng đạp riết nó cũng phải oằn, huống chi là mấy ổng. Y dừng lại giây lâu, rồi tiếp:
- Nói thiệt với thím, tôi không ham đụng độ với mấy ổng đâu. Tôi muốn về nhà mầm ruộng, dăng câu đặt trúm bắt lươn bắt cá nhậu chơi khỏe hơn. Chắc thím biết kinh Hội đồng?... Vợ tôi nó ở đó dệt chiếu nuôi con. Tội nghiệp...
- Đó, đó!- Thím Ba ú kêu lên: - Rốt cuộc người đờn bà cũng chịu cảnh khổ, cậu thấy chưa? Tôi khen cho cậu đành lòng bỏ vợ con mà đi. Kể cậu cũng là người lòng gang dạ đá!
Hạ sĩ Cơ nghe nói đưa tay rờ rẫm bứt bứt cổ áo:
- Trời ơi, thím Ba, thím Ba... Tôi khổ lắm, thím Ba à! Y kêu lên rồi bỏ ly rượu, bước xuống đất, lê đôi giày bố có mắt cá đi xềnh xệch tới bên cây cột. Đứng dựa cột, người hạ sĩ ngó mông qua miệt Vàm Răng. Y ngó qua những cánh đồng nâu nhạt trải dài tới ven cây xanh mù. Và núi Ba Thê tim tím, vòi või ở trước mặt làm bụng dạ y chết điếng. Mãi một lúc lâu, y mới trở vào khoác cây súng trường mát, móc túi áo gom nhóp mấy đồng bạc lẻ:
- Thím tính bao nhiêu tôi trả.
Thím Ba lắc đầu:
- Thôi, chút đỉnh mà tiền bạc gì cậu!
Hạ sĩ Cơ ấp úng:
- Không, để tôi trả, để tôi trả mà!
- Tôi nói là tôi không lấy... Gặp cậu, tôi coi như người bổn sở...
Hạ sĩ Cơ nói:
- Vậy tôi cám ơn thím... Thôi tôi cề, nghe thím

Trên đường về chỗ đóng quân, lòng hạ sĩ Cơ thấy vui vui khi nghĩ tới thím Ba ú, người đàn bà chủ tiệm béo mập mà tốt bụng. Và nhất là thím ta lại biết rất rõ xứ quê của y. Trời ơi, thím ta nhắc làm chi mùa cá, nhắc làm chi đồng ruộng khiến lòng y bồi hồi quặn thắt. Y nhớ ngày nào y đánh cộ trâu chở lúa mướn. Cộ trâu chạy băng băng trên đồng lúa mới gặt. Đó đây, các trại ruộng nổi khói cơm chiều. Rồi mùi thơm của những nồi cơm gạo mới, mùi cá lóc nướng trui khen khét. Lũ con nít đi bứt hôi cá đìa, đi mót lúa thấy y đánh cộ ngang đều chạy ùa theo kêu cho chúng đi ké. Thiệt là vui làm sao! ấy, cũng vào cái dạo tháng chạp này đây. Mùa tát đìa nối đuôi mùa gặt. Y nhớ khôn xiết cái cảnh ngày chạng vạng trong đồng. Sau bữa cơm mắm kho bông súng ngon lành, cái trại ruộng đốt đống un lên, sửa soạn cà lan đạp lúa tối. Và y cầm cây mó sẩy xốc lúa cho trâu kéo trục đạp qua. Tụi đàn bà con gái dê lúa gần đó cười nói vang rân. Rồi trăng lên. Y vẫn vừa tiếp tục xốc lúa, vừa nói cà rỡn với mấy đứa con gái dê lúa bên cạnh.

... Cái đời y cũng đã có lúc vui vẻ thảnh thơi như thế. Lúc kháng chiến, y cũng vô du kích đánh Tây. Hòa bình y cưới vợ, rồi cờ bạc. Y cờ bạc riết mà xa đồng ruộng, bỏ bê vợ con, bỏ cả cái lợp cái lờ để vô lính dân vệ. Từ dân vệ y trở thành lính bảo an không mấy chốc. Ban đầu còn đóng ở Long Xuyên, sau lên Rạch Giá. Y đi lính lâu mà không lên khỏi cái chức hạ sĩ, vì y không dám giết người như những tên lính khác. May thay, cái gốc của ruộng đồng còn giữ y lại ở mức người lính đánh thuê. Nhiều trận càn, tụi lính cứ đạp bừa lên mạ, nhưng y lại đi tránh lối khác, vì chính y đã có lúc gieo cây mạ đó. Cũng như chưa lúc nào y dám cầm súng nhắm một con trâu mà bắn.