Hòn Đất - Chương 05 phần 1

Thằng Xăm mừng rơn lên khi hay tin tên thiếu úy bắt được Sứ. Đang nằm trong lều, hắn nhổm dậy, co ro cánh tay bị thương, đi lộc xộc qua lại rồi khom lưng chui ra khỏi lều.
Bọn lính biệt kích đã về tới bờ suối bên kia. Chúng lôi Sứ xuống suối. Chị té nhào, ướt cả mình mẩy. Nước ở quãng suối này chỉ lên đến đầu gối. Sứ dầm chân xuống dòng suối buốt lạnh, đi qua. Dòng suối cuốn áng tóc dày mượt của chị, trôi loang loáng. Đặt chân lên tới bờ sỏi bên, chị ngước nhìn thấy hai ba thằng lính đang đứng xách đèn khí sáng rỡ. Chúng giơ cao đèn lên. Liền lúc đó, Sứ nhác trông thấy thằng Xăm, hắn đang đứng im, tay trái vịn cằm, tay phải bị thương treo băng co lên. Sứ cất bước, giả như không trông thấy, đi ngang qua hắn. Thằng Xăm vẫn đứng im, không nhúc nhích, vẻ mặt hắn lạnh lùng như tạc bằng đá. Đợi Sứ vừa đi khỏi hai bước, hắn gọi giật:
- Đứng lại, con kia!
Chị Sứ dừng chân, nhưng không ngoảnh lại. Thằng Xăm bước sải tới sát bên Sứ, nhát mắt.
- Nè, quên tao rồi sao?
Sứ liếc hắn, rồi lại nhìn thẳng tới trước, không đáp. Thằng Xăm ngó chị một lúc rồi nói:
- Đ.mẹ, tao cứ tưởng tụi bay ở lì trong hang chớ!... Té ra tụi bay cũng biết khát nước. Mà tao ngỡ là bắt được ai kia chớ đâu dè là mày. Thiệt tao không dè năm kia thả mày về để mày theo Việt cộng!
Sứ nhếch miệng nói nho nhỏ:
- Mày nói không dè tao theo Việt cộng, còn tao thì tao không dè lâu ngày gặp mày, thấy mày vẫn y như trước.
- Y như trước là sao?
- Là ăn nói thô lỗ. Đến như mày là trung úy mà cũng ăn nói như vậy, hèn chi người ta chê "quân đội cộng hòa" tụi mày lưu manh là phải lắm...
Bị Sứ nói như tát nước sôi vào mặt, tên Xăm giận điếng người. Hắn nắm chuôi dap "cúp cúp" ở thắt lưng, rút soạt dao ra. Hắn đưa lưỡi dao dài và sáng đó ngang tầm mắt, ngắm nghía. Mấy giây sau, bỗng hắn cau mày, từ từ hạ lưỡi dao xuống, đút trả vào vỏ.
- Đóng cọc trói nó lại đây cho tao! - hắn thét lớn.
Bọn biệt kích chạy đi lấy cây, đẽo sàn sạt. Lát sau chúng xốc một cây cọc tràm trên bờ suối, rồi dắt Sứ lại trói ghịt vô. Thằng Xăm bước tới mặt Sứ, nghiến răng:
- Đáng lẽ tao mổ bụng mày liền bây giờ để coi lá gan của mày lớn tới bực nào. Ngặt làm như vậy mày chết mau quá. Tao cho mày sống đôi ngày nữa để chôn chung một lỗ với anh em đồng chí của mày!
Nói xong, thằng Xăm quay lưng đi vào lều. Bọn lính giơ những cây đèn khí ra sau lưng Sứ, rọi coi trói Sứ như vậy đã thật chắc chưa. Rồi chúng cũng xách đèn bỏ đi. Chỉ còn lại một mình tên lính cầm súng đứng gác trước cửa lều thằng Xăm.
Sợi dây dù thít chặt hai bắp tay trần của chị Sứ vào cây cọc. Cứ mỗi lúc, Sứ có cảm giác sợi dây ấy càng thít chặt bắp tay mình hơn. Chị Quỳ trên đất sỏi, mái tóc ướt đẫm sau lưng chị rũ đầy, xõa che kín phủ cả hai gót chân. Đêm bỗng nhợt dần, vì trăng sắp lên. Từ chỗ bị trói, Sứ có thể nhìn ra biển cả. Trước đó một chút thì chị chẳng thấy gì đâu nhưng bây giờ chị đã nhìn thấy biển trước mặt mình. Chị tự nhủ: "Trăng lên rồi!" và mở to đôi mắt, chị nhìn sóng biển chợt hiện ra, lao xao. Bây giờ hầu như chị đã quên phắt ngay lưỡi dao của thằng Xăm, quân mình đang bị trói, quân cả tên lính gác đang đi đi lại lại kia. Giờ chị chỉ trông thấy có mỗi mặt biển đang nhấp nhô sáng rộng ra đó, chị chỉ trông thấy cái ánh biếc ngời như tự lòng biển thẳm đang xô dậy trên đầu các ngọn sóng đó.
Vầng trăng mười tám ngoi lên, vàng rực. Rồi trăng treo cao lên mải. Đến lúc màu trăng đọng lại vàng ối, Sứ liền thấy mặt trăng giống hệt trái xoài Hòn chín, không có cuống, treo lư lửng giữa không trung xanh nhạt.
Đêm nay trời lặng. Sóng biển rì rầm như kể những chuyện không bao giờ hết. Thỉnh thoảng, gió biển từ ngoài khơi lùa qua bờ bãi, thổi vào hơi thở ấm ấm mang vị muối. Tấm áo lụa mỏng ngắn tay của Sứ se se khô lại. Tóc chị rồi cũng dần dần được gió biển vuốt cho ráo đi. ánh Trăng đổ tràn trên bờ suối, làm nối rõ bóng Sứ đang quỳ, nổi rõ cây cọc nhú lên quá đầu chị độ trong gang tay. lát sau, tóc Sứ chợt vờn nhẹ. Thế rồi mái tóc ấy bồng lên, bay xõa theo chiều gió. Chẳng còn thấy đầu cây cọc kia đâu nữa. Chỉ có áng tóc tắm ánh trăng của Sứ đang bay lượn. Đêm càng khuya, gió thổi càng nhiều. Sứ không nhìn vầng trăng nữa. Chị ngoảnh về Hòn Đất đen sẫm một vòm, ở sát kề bên chị. Lòng chị rối bời lên vì không biết sự thể trong đó bây giờ ra sao. Có lẽ anh em đồng chí đều bị trúng độc cả rồi cũng nên. Đang khát mà gặp cà om nước của Năm Nhớ đem về ai lại không uống! Trời ơi, anh em có biết đâu nước trong cà om có thuốc độc. "Năm Nhớ ơi, chúng nó giết em rồi!" Sứ kêu lên trong lòng, và rùng mình nhớ lại ban nãy chính chị cũng đã định vốc nước đó lên uống. Nhìn xuống dòng sông đang loang loáng chảy xiết, Sứ giật mình sực nhớ lại quãng suối nước ban nãy hình như không chảy. Phải rồi, nước ở đó không chảy như ở đây. Chúng nó ngăn lại đổ bỏ thuốc độc mà! "Anh San ơi, anh ở ngoài đó có thấu không, tụi Mỹ - Diệm nó ác độc thế đó, anh có biết không?"
Trong đêm thâu bàng bạc ánh trăng, chị Sứ gọi chồng mà nói. Chị nói với chồng từ xa, lòng đau đớn không ngờ mình lại nói ra những lời ấy tại lòng suối mà tám năm về trước đã có lần chồng chị đứng dưới khoát nước lên cho chị gội đầu. Rồi chính tay anh ấy cầm lược chải gỡ từng mớ tóc rối cho chị. Tại bên bờ suối này đây, chị đã từng có những phút giây sung sướng. Bây giờ thì trái ngược hẳn. Bây giờ, sợi dây dù buộc chặt đến nỗi từ bắp tay chị trở xuống đã tê đi không còn có cảm giác gì nữa. lưng chị loi lói thốn đau vì cái báng súng thằng thiếu úy đánh chị ban nãy. Nhưng bây giờ cái làm chị khổ sở nhất vẫn là nỗi lo đang vò xé lòng chị. Chị lo cho mình thì ít mà lo cho anh em đồng chí trong hang, lo cho em gái và nhất là đứa con bé bỏng thương yêu của chị.
Suốt đêm, Sứ mở mắt trao tráo. Vầng trăng lên cao đến đỉnh đầu, rồi khuất ra sau lưng chị, mà nỗi lo của chị vẫn không vơi.
Gần sáng, mệt mỏi, Sứ ngoẻo đầu ngủ thiếp đi, trong lúc dòng suối bên dưới vẫn chày, reo theo khe khẽ. Và gió biển khưi vẫn ùa vào, thổi thay tóc chị ra phía sau như những làn sóng.
... Sứ thiếp đi được một giấc dài. Lúc chị tỉnh dậy, trời đã rạng sáng. Bọn lính từ trong các lều vải kéo ra đứng đầy bên bờ suối. Thằng Xăm dẫn hai thằng Mỹ đi xồng xộc đến bên Sứ. Hắn đưa mũi giày nhấc cằm chị lên. Hai thằng Mỹ nhìn mặt Sứ chăm chăm rồi xì xồ nói với nhau thứ tiếng của nó.
- Con Việt cộng này có đôi mắt ương ngạnh nhưng rất đẹp!
- Nói chung là nó đẹp!
Bọn lính tập hợp trên bờ đã bắt đầu lũ lượt lội ngang suối, qua bên kia. Hai tên Mũ rời chỗ chị Sứ một cách tiếc rẽ, men xuống suối. Bọn lính biệt kích khom lưng cõng chúng lội qua. Thằng Xăm cũng quay đi, nhưng mới đi mấy bước, hắn quay lại nói với Sứ:
- Mày ráng quỳ đợi đó. Bữa nay, tụi tao vô hang xách cổ hết đồng bọn của mày về cho mà coi!
Hắn nói và co co cánh tay buộc băng, bước xuống vệ suối. Một thằng lính đứng lom khom đợi sẵn, cõng hắn lên, lội sồn sột. Hôm nay, thằng Xăm cũng đi. Chị Sứ ngoảnh nhìn bọn chúng kéo vào Hòn, lòng hồi hộp chờ đợi. Trên bờ suối bây giờ chỉ còn lại năm bảy tên lính vừa nấu cơm vừa coi chừng chị. Bọn chúng ngồi bên bếp lửa mới nhóm, ngó chị Sứ, kháo chuyện với nhau:
- Tụi mình không dễ dầu gì kiếm được một con vợ ngộ như con nhỏ này đâu!
- ờ, đàn bà có nhan sắc mà theo Việt cộng, thiệt uổng!
Sứ nghe chúng nó nói, lấy làm khó chịu mà hơi tức cười. Chị làm thinh, ngước mắt nhìn ra phía biển. Trời đã sáng rõ. Hồi đêm, Sứ nhìn thấy những lạng sóng vàng lấp lánh ánh trăng, bấy giờ trước mặt chị là những lạng sóng hồng, lao xao, rối rít. màu tím nhạt trên bầu trời biển đã ngả sang mày hồng sen, phơn phớt. Buổi sáng mát rợi mở ra cho Sứ nhìn thấy tất cả những gì đêm qua chị còn chưa thấy rõ. Ban mai như kế tục cái đêm trăng thanh, òa vào lòng chị, an ủi thêm chị bằng những sắc màu của nó. Và chính nó đã cho chị nhìn thấy toàn cảnh Hòn Đất.
Chị Sứ yêu biết bao nhiêu cái chốn này, nơi chị oa oa cất tiếng khóc đầu tiên, nơi quả ngọt trái sai đã thắm hồng da thịt chị. Chính tại dẻo đất này, mẹ chị đã hát ru chị ngủ, và đến lúc làm mẹ, chị lại hát ru cho con những câu hát ngày xưa. Chính tại đây chị đã giơ nắm tay nhỏ nhắn lên chào lá cờ Đảng, nên từ đó chị càng biết yêu thêm cha mẹ, chồng con, anh em, đồng chí. Chị Sứ đả yêu Hòn Đất bằng cái tình yêu hầu như là máu thịt. Chị thương ngôi nhà sàn lâu năm có cái bậc thang, nơi mà bất cứ lúc nào đứng đó chị cũng có thể nhìn thấy sóng biển, thấy xóm nhà xen lẫm trong vườn cây, thấy ruộng đồng, thấy núi Ba Thê vòi või xanh lam cứ mỗi buổi hoàng hôn lại hiện trắng những cánh cò.
Có lẽ chưa lúc nào chị Sứ yêu Hòn Đất oặn lòng như buổi sáng hôm nay. Lúc quỳ trước cái chết lại là lúc chị thấy yêu hơn sự sống, yêu hơn mảnh đất chôn nhau mà mình minh giờ đang trải ra một ngày mới.
ánh nắng lên tới bờ cát, lướt qua những thân tre nghiêng nghiêng, vàng óng. Nắng đã chiếu sáng lòa cửa biển. Và xóm lưới cũng ngập trong nắng đó.
Sứ nhìn những làn khói bay lên từ cái mái nhà chen chúc của bà con làm biển. Sứ còn ngó thấy rõ những vạt lưới đan bằng sợi óng ánh, phất phơ, bên cạnh những vạt lưới đen ngăm, trùi trũi.
Nắng sớm đẫm chiếu người Sứ. ánh nắng chiếu vào đôi mắt chị, tắm rợp mái tóc, phủ đầy đôi bờ vai tròn trịa của chị.
Nhưng tất cả những ánh nắng đó bất thần như động đậy lên cả một lúc. Một loạt súng nổ ran ở phía hang Hòn. Sứ giật mình ngoảnh lại. Súng nổ mỗi lúc một dữ dội. Chị nghe tiếng tiểu liên, tôm-xông bắn ngắt quãng và tiếng súng trường "bầm bầm" nhịp từng phát một. Bọn lính chạy ùa cả ra bờ suối, ngóng về hang Hòn. Mắt Sứ vụt sáng rựa. Ban đầu chị ngờ là tiếng súng của giặc, nhưng giờ chị nhận rõ là tiếng súng của anh em trong hang bắn ra. Chị lắng tai nghe thấy giữa những loạt súng nổ, dậy lên tiếng la chói lói,. văng vẳng. Mừng quá, Sứ muốn tung cả dây tróu mà nhảy lên vỗ tay hoan hô thỏa mãn. Sứ sung sướn nghĩ: "Vậy là anh em còn sống, còn chiến đấu..."
Một thằng lính đứng trên bờ suối vọt miệng:
- Súng nổ "mũng" này thì bữa nay thế nào cũng có khiêng về vài "con" nữa cho coi!
- Nè, saonói tụi nó uống nhầm thuốc độc rồi?
- Biết đâu... Nói vậy chớ có khi tụi nó uống mà không chết. Khúc suối minh mông dài nhằng như vậy mà bỏ thuốc độc thì có ăn thua mẹ gì!
Thằng biệt kích vừa nói xong câu ấy chợt nhớ có mặt Sứ, nó quay lại hầm hầm nhìn chị, giơ ngón tay lên dọa:
- Ê, nói vậy chớ đừng có mừng nghe "em"! Thân "em" như con cá trê bị chặt ngạnh để trên thớt rồi...
Sứ liếc nhìn nó muốn nói lại một câu. Nhưng chị nghĩ: "Nói với nó chỉ uổng lời mình". Thật ra thì chị chẳng mừng cho thân chị đâu. Chị mừng đây là mừng trong hang vẫn nổ súng, nghĩa là anh em vẫn còn sống, còn chiến đấu, chớ không phải để tụi nó vô xách ra, như thằng Xăm vừa nói.
Giữa lúc đó, tiếng súng trong hang đột nhiên im bặt. Lát sau tiếng trung liên rộ lên hàng tràng dài, không ngớt. Sứ biết bọn giặc đang bắn trả lại. Chị nghĩ bụng: "Không lo, giỏi lắm thì cũng như ngày hôm qua hôm kia thôi"
lát sau, giữa tiếng súng hãy còn nỗ giòn giả. Sứ bỗng thấy từ trong vườn dừa nhô ra một tốp lính. Chúng khiêng những tên bị thương xồng xộc ra suối. Tốp lính bên này suôi cũng vừa trông thấy. Thằn ban nãy nói:
- Thấy chưa tụi bây? ... tao đã nói rồi mà!
Tên này vụt chạy xuống sát mé suối , hỏi to:
- Ê, thằng nào đó tuị bây?
Bọn lính đang khiêng không trả lời. Chúng cố rị chân để xuống cái dốc thoai thoải. Tới bờ suối, chúng để lại bọn bị thương xuống cát. Trong số đó có một tên Mỹ đang chòi đạp và rống lên dữ dội. Tụi lính đưa tay vuốt mồ hôi, hổi hển.
- Đ.mẹ trung úy nói tụi nó uống thuốc độcc hết hết rồi... biểu tụi tao vô hang... Mới nhảy vô, tụi nó ở trong xổ ra, chết hết sáu thằng, còn năm thằng bị thương. Có một thằng Mỹ gần xí lắc léc rồi đây nè!
- Bộ tụi nó cũng vô hang sao?
- Không, nó đứng ở ngoài xa, bị lạc đạn!
Bên kia suối, tên Mỹ to lớ đang giãy giụa. Hai tay nó cào cấu, bươi bươi lớp cát. Hồi sau, nó không la rống nữa, chân đạp mạnh mấy cái rồi nghẻo vật đầu sang một bên. Chiếc mũ ba rèm úp chặt lấy mặt nó, tối om om. Tên lính biệt kích cúi xuống để tay lên mũi tên Mỹ. Tên lính kêu lên:
- Nó chết rồi!
- Chết rồi à?
- Hết thở rồi.
Tên biệt kích lặp lại với giọng thản nhiên. nó đứng chàng hãng, hai tay chống mạnh nhìn xác tên Mỹ nằm im dưới đất. Một tên bên này bảo:
- Ê, khiêng nó đưa qua đây đi. Để nó nằm đó lát nữa bị "cạch" da!
- "Cạch" mẹ gì, bộ có mình nó biết chết sao! Khiêng mấy thằng còn sống của mình qua trạm cứu thương trước đã!
Bọn lính xốc khiêng bốn bên ngụy bị thương lội qua suối. máu từ các vết thương của chúng nhểu giọt xuống suối đỏ loang. Lúc chúng khiêng qua mặt Sứ, chị thấy rõ từng giọt máu rơi xuống cát, vấy thành hàng, dẫn rải theo gót chân của bọn lính đang khiêng.
Xác tên Mỹ bên kia bờ suối rồi cũng được bọn lính đưa sang. Chiếc mũ ba rèm trụt khỏi gáy tên Mỹ, rớt lại giữa dòng suối, trôi cuối đi. Sứ thấy lướt qua mặt mình một mớ tóc hoe hoe đỏ, xõa xượi và chiếc mũ khoằm khoằm nhô cao.
Tiếng súng trong hang đã ngớt
Tâm linh Sứ bỗng như báo trước một điều gì ghê gớm sắp xảy đến. Chị chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chịu đựng. Lời nói của anh San chợt vẳng lên rất rõ bên tai chị: "Chuyện gì mình cũng có lường tính trước thì tới lúc xảy ra mình vẫn vửng tâm hơn"
Và Sứ bắt đầu thầm nói với chồng:
- "Được rồi, em sẽ làm theo lời anh, anh ơi! Bây giờ, em vững tâm lắm rồi... Chắc lần này em không còn gặp anh nữa. Vậy khi trở về, anh cũng đừng buồn, Em thương cho anh lắm, vì em biết bảy năm qua anh vẫn nhớ tới mẹ con em. Em biết ngày trở về không có em, chắc anh sẽ buồn nhiều. Tha lỗi cho em, nghe anh! Nhưng nếu còn con Thúy, thì anh hãy coi đó là sự đền đáp của tình em. Anh hãy nhìn con, tức là anh nhìn thấy em rồi... Tới giờ phút này, em cũng chưa biết con ra sao, nhưng em tin là con mình còn sống, vì các đồng chí trong hang đều còn nắm chặt tay súng..."
Sứ thầm nói và chị cảm thấy như có chồng đứng bên cạnh mình thực. Rồi chị thủ thỉ với mẹ và em gái:
- "Má, bây giờ má đương làm gì? Má đương dọn vườn hay cho heo ăn? Ba ngày rồi con không thấy mặt má... E con cũng không còn thấy má được nữa... Nếu con chết, má nuôi con Thúy cho con, nghen má! Má hãy coi con Thúy như là con Sứ của má hồi nhỏ. Vậy thì con vẫn còn ở với má hoài chớ con không chết... Em Quyên oi, em xây dựng với Ngạn là phải đó. Ngạn là một thanh niên tốt, một đảng viên tốt. Chị chắc không dự được đám cưới của em. Nhưng không sao, chị vui và tin rằng đời em sẽ sung sướng. Em ráng công tác, thay chị săn sóc má, săn sóc con Thúy. Em thương con Thúy nhiều nhiều cho chị, nghe em út..."
Thổ lộ câu này. Sứ cũng có cảm tưởng rằng mẹ và em gái đang nghe mình nói. Nhớ tới con Thúy, chị khẽ kêu: - "Thúy ơi, con đừng chết, nghen con..." Và rồi chị âu yếm với con trong tưởng tượng. Chị ôm chầm lấy đầu con mà vuốt ve, hôn hít. Nhưng đều là trong tưởng tượng.
Quả nhiên, Sứ lường lính không sai. Việc chị ngờ đến đã đến.
Giữa lúc chị còn mải mê âu yếm với đứa con trong tưởng tượng thì mấy tên lính chạy từ trong hang Hòn về đến suối, lội gấp qua, chạy thẳng đến trước mặt chị. Một thằng mở phăng sợi dây trói buộc ngang mình chị:
- Đứng dậy!
Sứ tính đứng lên, nhưng đứng không được. Quỳ suốt đêm qua tới giờ, chân chị tê hết cả. Tên lính xốc tay chị lôi đi. Hai chân chị bị kéo lết trên sỏi. Xuống tới mé suối, chị vùng vằng:
- Buông tôi ra, để tôi đi!
Tên lính buông tay chị
Sứ co co chân một lúc mới nhón đi được. Chị chậm rãi lội ngang quãng suối mà hồi đêm hôm chị đã lội qua. Đến bờ bên kia, một tên lính khoát tay chỉ vào hang Hòn. Rồi nó đi xốc lên trước. Tên lính đi sau nói:
- Nè, chị biết đắt chị đi đâu không?
- Không
- Thiếu tá chỉ huy kêu đem chị về trỏng đấy. Số mạng chị còn lớn lắm!
Nghe tên lính nói, Sứ nghĩ: "Nó tính làm gì mình? Chắc nó có âm mưu gì đây. Được, cứ đổ coi, làm gì thì làm, tụi mày cẫn là tụi mày, tao vẫn là tao..."
Hai tên lính dắt Sứ vào trong vườn dừa, đưa chị đến trước mặt tên thiếu tá chỉ huy hành quân.
Tên thiếu tá này mặt xương, nước da đen nhánh. Hắn không đội mũ kết gì cả. Có lẽ hắn muốn chưng bộ tóc hớt kiểu tài tử, chải láng mướt, ốp sát vào gáy. Hắn nhịp nhịp trong tay một cái que gỗ đánh "vec-ni" nâu bóng loáng, ở đầu thanh que có bịt bạc (ấy là hắn bắt chước các tên trung tướng tay sai, hồi này đang bắt đầu có cái mốt ra trận không cầm súng mà cầm gậy chỉ huy)
Cùng đứng với tên thiếu tá, còn có thằng Xăm và lũ biệt kích.
Thấy Sứ, tên thiếu tá liền nhìn chị với đôi con mắt lấy lại vẻ nghiêm nghị. Hắn cầm thanh que, khẽ nhịp vào lòng bàn tay trái xòe ra. Sau một lúc ngắm nghía và nhoẻn một nụ cười gian giảo, hắn vẫn cứ nhịp nhịp thanh que vào lòng bàn tay:
- Cha, mặt mày coi sáng sủa như vầy mà lại theo Việt cộng à?
Sứ day nhìn chỗ khác.
- Nghe nói cô có người chồng tập kết, tôi cũng chẳng nói chi, có lẽ tôi còn khen cô nữa đó. Nhưng cô đi theo Việt cộng thì tôi không khen cô đâu. Đi theo Việt cộng là đi vô con đường chết...
Sứ mỉm cười. Nụ cười của chị như nói: "Mày không còn có chuyện khác nữa sao? Chuyện đó tụi mày nhai tới nhai lui tao nghe chán ra rồi, thôi đi!..."
Nhưng tên thiếu tá không chịu thôi. Trái lại, đứng trước Sứ hình như hắn muốn trổ tài. Hắn ba hoa một lúc về chủ nghĩa "nhân vị", về "đồng tiến xã hội", về lực lượng hùng hậu của "chính phủ quốc gia" do Ngô tổng thống lãnh đạo mà những người lính chiến như hắn là những người tiêu biểu. Cuối cùng, hắn kết luận:
- Cô đừng có trông đợi gặp chồng cô cho mất công. Không có thống nhất đâu. Còn chúng tôi và còn nước bạn Huê-Kỳ thì ở đây không có thống nhất gì ráo!
Về điểm này, chị Sứ không nhịn được nên chị trả lời:
- Tụi Mỹ với mấy người thì tính như vậy, nhưng nhân dân thì tính khác. Nhân dân tính sớm muộn gì cũng tiêu diệt mấy người, để có thống nhất!
Nghe Sứ nói, tên thiếu tá trố mắt, cười hẹ hẹ:
- Tiêu diệt tụi tôi? Chừng nào mới tiêu diệt được tụi tôi?
Hắn vung tay chỉ về phía miệng hang:
- Cô cứ coi kia, tụi đồng chí của cô trong hang cao lắm thì ngày mai cũng phải bò ra. Có mấy đứa với mất cây súng quèn mà đòi tiêu diệt...
- Anh em tôi trong hang chưa bò ra đâu!
Nụ cười gian giảo vụt tắt trên khuôn mặt thằng thiếu tá. Mặt hắn dần dần tái sạm lại. Hắm im đi một lúc để nén cơn giận, rồi day qua hỏi bọn lính:
- Đem máy nói lại chưa?
Bọn lính bảo rằng máy nói đã đem ra, và dây điện cũng xong. Tên thiếu tá khoát tay:
- Thôi, dắt nó đi!
Bọn lính biệt kích của thằng Xăm đẩy chị Sứ chúi nhào về phía trước. Tên thiếu tá và thằng Xăm xồng xộc đi theo sau lưng.
Một thằng thiếu uý tâm lý chiến mặt non choẹt, lấm chấm đầy mụn, tay cầm chiếc ng chực sẵn.
Tên thiếu tá bước lên sát chị Sứ:
- Nãy giờ tôi nói chuyện hòa nhã với cô, bây giờ thì tôi nói chuyện cứng rắn. Nghe tôi hỏi đây, bây giờ cô muốn sống hay chết? Nếu cô muốn sống, tôi hứa đảm bảo cho sống, nếu cô muốn chết tôi sẵn lòng cho cô chết trong nháy mắt. Cô trả lời đi, trả lời liền đi!
Chị Sứ nhìn thẳng vào mặt hắn. Lát sau, chị nói:
- Sao tôi lại muốn chết? ở đời đâu có ai muốn chết!
Nụ cười tái hiện trên đôi môi của thằng thiếu tá:
- à, tè ra cô cũng muốn sống...
Hắn cầm thanh que trỏ về phía miệng hang:
- Dễ thôi. Chỉ cần cô cho tôi một câu: cô hãy nói với tụi trong hang rằng cô đã đầu hàng, và kêu gọi tụi nó ra đầu hàng như cô... Cô hãy nói rằng tụi tôi đối xử tử tế với cô, đối xử tử tế với bất cứ ai bỏ súng xuống, đi ra khỏi hang... Được chớ?
Tên thiếu tá dừng lại, chờ đợi. Trong lúc ấy, tên thiếu úy tâm lý chiến cầm cái mi-crô bước nhón tới, để cái micrô lên ngay trước mặt chị Sứ. Đồng thời, thằng Xăm cũng đả rút soạt lưỡi dao "cúp cúp" Mỹ đeo lên hông bước thoắt đến đứng sát một bên Sứ. Tên thiếu tá chắp tay sau lưng, mắt dõi cử chỉ của Sứ. Hắn tin rằng chị sẽ khuất phục trước cái chết. Hắn tin chắc như vậy, vì thể theo bụng dạ của hắn, thì nếu lâm vào cảnh ngộ này, hắn sẽ còn làm hơn thế nữa để được sống. Vả chăng trước mặt hắn, chị Sứ là người phụ nữ, mà chị lại là một phụ nữ có nhan sắc, thì lẽ nào chị có thể cưỡng lại sự sống hay sao. Chính hắn, hắn còn tiếc thay huống hồ là chị.
Nhưng chị Sứ vẫn đứng yên, chị nhìn chiếc micrô bằng bụm tay, mặt lỗ chỗ như tổ ong, bụng nghĩ nếu mình nói vào đây tất tiếng nói sẽ lớn hơn. Nhìn về phía miệng hang, chị biết rõ từng anh em lúc nào cũng có mặt đó, và nếu chị nói, anh em đều có thể nghe thấy cả.
Tên thiếu tá sốt ruột hất hàm hỏi:
- Sao? Chịu hay không, trả lời đi!
Chị Sứ bước lên một bước, gật:
- Được, để tôi nói!
5.
Trong hang, anh em vẫn ghìm súng đợi. Sau lúc địch xộc và rồi bị đánh bật ra, chúng không xộc vào nữa. Đã gần một tiếng đồng hồ rồi, địch không mở thêm một trận tấn công nào mới. Nhưng anh em vẫn ngó thấy chúng còn lố nhố, thấp thoáng qua lại trong vườn dừa, cho nên anh em vẫn ở nguyên chỗ cũ súng không rời tay.
Ngạn nói với anh Hai Thép:
- Sợ chị Sứ bị bắt hay bị tụi nó bắn chết rồi quá!
- Có thể bị bắt. Hồi đêm đâu có nghe tiếng súng nổ!
Anh Hai Thép đáp thế và im lặng. Suốt đêm qua cho tới sáng nay, người lãnh đạo cuộc chiến đấu này bị đặt trước những sự biến không ngờ. Đêm qua, cô Nhớ sau khi đưa nước về tới hang, liền ôm bụng kêu đau và một lát sau mặt cô tái nhợt, người toát đầy mồ hôi lạnh, Anh Hai sinh nghi, hỏi cô có uống vốc nước suối nào không. Cô đáp là có. Vừa đáp xong, cô liền ngã vật xuống. Anh Hai lập tức thọc tay chọc cổ cô. Năm Nhớ ói ra một bãi nước lõng bõng, vàng lè. Từ bãi ấy xông lên một mùi nồng nồng rất khó chịu. Anh Hai Thép kết luận rằng địch đã đầu độc suối, chính Năm Nhớ đã uống phải vốc nước suối có thuốc độc rồi. Nhưng nhờ kịp thời là, cho Năm Nhớ nôn tháo nên cô nằm mê man một lúc thì tỉnh lại. Cái cà om nước của Năm Nhớ đem về lập tức bị đổ bỏ. Thế là trong hang vẫn ở trong cá tình trạng thiếu nước như cũ. Hơn thế, trong chuyến đi lấy nước, chị Sứ đã bị mất tích. Sứ không trở về, việc đó làm cho tất cả hang suốt đêm qua không ai ngủ được. Vào lúc nửa đêm, con Thúy giật mình thức giấc trên phiến đá, kêu: "Mà, má ơi!", rồi không có tiếng má nó đáp và ôm lấy nó như mọi khi, nó òa khóc. Quyên phải đến dỗ cho nó ngủ lại. Nhưng sáng ra thì con bé khóc thực sự, vì nó đi kiếm khắp hang mà chẳng thấy má nó đâu cả. Quyên phải nói dối má nó đi công tác ra ngoài xóm.