Hình hài yêu dấu - Chương 01

HỌ CỦA TÔI LÀ SALMON, NGHĨA LÀ CÁ HỒI; CÒN tên là Susie. Tôi mười bốn tuổi khi bị sát hại vào ngày mồng 6 tháng Chạp năm 1973. Hầu hết các cô gái bị mất tích vào những năm 70 có hình đăng trên báo đều trông hao hao như tôi: da trắng, tóc nâu như lông chuột. Mãi về sau mới đến thời kỳ mà ảnh trẻ em, cả gái lẫn trai, da màu lẫn da trắng, được in cả trên hộp đựng sữa tươi hay lên mặt báo, chứ hồi đó người ta vẫn nghĩ làm gì có những chuyện như vậy xảy ra trên đời này. Trong tập kỷ yếu của trường trung học cơ sở tôi ghi một câu trích dẫn nhà thơ Tây Ban Nha tên Juan Ramon Jimenez mà em gái tôi đã mách cho để tìm đọc. Đại ý thế này: “Dù ai đưa giấy kẻ dòng ngay hàng thẳng lối, xin bạn cứ giữ các viết riêng của mình.” Tôi chọn câu này trước nhất vì nó diễn tả thái độ bất mãn của tôi đối với môi trường khuôn phép, theo kiểu quản lý lớp học, trong đó có tôi, thứ nữa, vì đó không phải là câu phát biểu dấm dớ của một ban nhạc Rock nào đó, tôi mặc nhiên sẽ được xem là dân hay chữ. Tôi là hội viên Câu lạc bộ Cờ vua, Câu lạc bộ Hóa học, và tuy cố gắng nhiều tôi vẫn cứ làm chảy các món bà Delmonico cho cả lớp tập nấu trong giờ gia chánh. Giáo sư tôi ưa nhất là thầy Botte, dạy môn sinh học, ông thích bày trò làm hồi sinh lũ ếch nhái và tôm cá mà chúng tôi phải tập mổ xẻ, bằng cách cho chúng vào mấy cái chảo loại không dính, khiến chúng giật búng lên như đang nhảy nhót.

Tiện thể xin nói ngay rằng thầy Botte không phải là thủ phạm giết tôi đâu đấy. Bạn đọc chớ nghĩ rằng bất cứ nhân vật nào sắp xuất hiện ở đây cũng đều đáng nghi cả. Thế mới thành chuyện chứ. Chẳng ai biết chắc cả. Thầy Botte có đến dự lễ tưởng niệm tôi (như hầu hết thầy trò toàn trường, xin nói thêm. Tôi chưa bao giờ nổi tiếng đến thế) và thầy khóc lóc khá thảm thiết. Thầy có một người con bị bệnh. Chúng tôi biết, nên mỗi khi thầy đem những mẩu chuyện giễu cũ mèm, đã kể từ trước thời tôi học thầy, ra kể rồi cười, cả lớp cũng phụ họa, đôi khi còn cố cười ngặt nghẽo để làm ông vui. Cô con gái thầy mất một năm rưỡi sau khi tôi chết, vì bệnh bạch cầu, nhưng tôi chưa từng gặp cô ấy trên thiên đường của tôi.

Kẻ giết tôi là một tay hàng xóm. Mẹ tôi thích loại hoa hắn trồng dọc hàng rào, bố tôi có lần trò chuyện với hắn về phân bón. Kẻ giết tôi cho rằng chỉ những chác cổ điển, lấy vỏ trứng, bã cà-phê đem bón, như mẹ hắn từng làm, theo lời hắn kể, mới làm tốt đất. Bố tôi trở vào nhà cười cười, pha trò về khu vườn của hắn, đẹp thật, nhưng mỗi đợt trở trời nóng gắt mùi hôi thối bốc lên đến tận mây xanh.

Thế nhưng vào hôm mồng 6 tháng Chạp năm 1973 thì trời đổ tuyết, từ trường về nhà tôi đi lối tắt băng qua cánh đồng ngô. Trời đã sẩm tối vì mùa đông ngày ngắn hơn; bây giờ tôi vẫn còn nhớ những thân ngô đổ ngang đổ ngửa làm tôi đi đứng khá vất vả. Bông tuyết rơi nhẹ, như những bàn tay tí hon lất phất bay, tôi thở bằng mũi cho đến lúc nước mũi ròng ròng, đành há miệng để thở. Còn cách chỗ Harvay đứng đọ hai thước, tôi thè lưỡi hứng một bông tuyết nếm thử.

“Đừng hoảng hồn nhé.” hắn lên tiếng.

Đương nhiên là tôi phải sợ hết hồn rồi vì đang ở giữa cánh đồng ngô, mà trời thì tối mịt. Khi chết rồi, tôi nhớ lại rằng trước đó có ngửi thấy thoang thoảng mùi nước hoa Cô-lôn(1) nhưng tôi không chú ý hoặc tưởng rằng mùi ấy bay ra từ một trong các ngôi nhà phía trên kia.

1. “Cologne”: tên tiếng Anh, Pháp của thành phố Koein ở Đức, sản xuất nước hoa cologne từ thế kỷ 18. ( Mọi chú thích là của người dịch)

“Chú Harvey đó à,” tôi nói.

“Cháu là gái lớn nhà Salmon phải không?”

“Vâng ạ.”

“Bố mẹ khỏe cả chứ?”

Tuy là con gái lớn trong nhà và ở lớp đạt điểm cao nhất trong một kỳ thi đố kiến thức khoa học, tôi chẳng bao giờ thấy thoải mái khi phải tiếp chuyện người lớn.

“Khỏe ạ.” tôi trả lời. Tôi lạnh, nhưng uy quyền đương nhiên lại thuộc về hắn, một người lớn tuổi, lại là hàng xóm từng trò chuyện với bố tôi về phân bón, buộc tôi cứ đứng đó như chôn chân tại chỗ.

“Chú mới dựng xong cái này,” hắn nói. “Cháu muốn xem thử không?”.

“Cháu hơi lạnh, chú Harvey ạ,” tôi trả lời. “với lại mẹ muốn cháu về nhà trước khi trời tối.”

“Đằng nào trời cũng tối rồi, Susie ạ.” hắn nói.

Giờ đây tôi ước gì lúc đó mình nhận ra ngay điều lạ lùng này. Tôi chưa hề xưng tên mình cho hắn biết. Tôi đoán hẳn là bố tôi lại đã đem kể một trong những giai thoại làm chúng tôi ngượng chín người, trong khi ông thấy làm thế chứng tỏ rằng ông yêu quý các con. Ông thuộc giới các ông bố hay giữ ảnh chụp con trần truồng lúc mới lên ba đứng trong phòng tắm, ở tầng trệt vốn dành cho khách khứa. Ông có ảnh chụp Lindsey, em gái tôi, như thế thật - lạy Chúa. Phần tôi ít ra cũng đã thoát được cái cảnh xấu hổ đến muốn độn thổ ấy. Thế nhưng ông rất thích kể câu chuyện hồi Lindsey mới sinh, tôi ghen với nó đến nỗi một hôm nhân lúc bố mải điện thoại trong phòng bên, tôi mò xuống đi văng - ông thấy được tôi từ chỗ đang đứng - tìm cách tè lên đầu Lindsey đang nằm trong chiếc nôi có quai xách. Lần nào ông kể chuyện này tôi đều thấy bẽ mặt vô cùng, dù là kể cho ông mục sư giáo xứ hay với bà hàng xóm Stead vốn là chuyên viên trị liệu tâm lý, mong bà cho biết ý kiến, hay với bất kỳ ai từng bảo ông “Susie gan lắm đấy!”

“Gan à?” bố tôi thốt lên. “Để tôi kể cho nghe chuyện cháu gan thế nào nhé” và ông bắt đầu giai thoại Susie - tè - lên - em - bé - Lindsey liền tức thì.

Nhưng sự thực là: bố tôi chưa hề nêu tên chúng tôi và cũng không hề kẻ cho Harvey nghe giai thoại Susie - tè - lên - em - bé - Lindsey nói trên.

Sau này Harbey tình cờ gặp mẹ tôi ngoài đường và nói thế này với bà: “Tôi có nghe về thảm kịch kinh hoàng này, thật kinh khủng ngoài sức tưởng tượng. Thế cháu tên gì nhỉ?”

“Susie”, mẹ tôi đáp, cố gồng mình mang cái gánh nặng gắn liền với cái tên này, gánh nặng mà bà ngỡ sẽ có ngày nhẹ bớt đi, đâu ngờ nó sẽ còn gây cho bà nhiều đau đớn mới, muôn hình vạn trạng, trong suốt quãng đời còn lại của bà.

Harvey phân ưu giống như mọi người: “Mong thằng khốn nạn đó sớm bị tóm cổ. Xin chia buồn với bà về nỗi mất mát này.”

Nghe thế, lúc đó tôi đang lắp ghép lại chân tay của mình trên thiên đường, tôi thật không ngờ nổi hắn lại mặt dày mày dạn đến thế. “Thật là quân vô liêm sỉ,” tôi nói với Franny, bà hướng dẫn của tôi, lo việc đón tiếp người mới tới. “Đúng thế,” bà đáp gọn lỏn. Trên thiên đường của tôi không mấy ai nói chuyện phiếm.

Harvey bảo chỉ cần một phút thôi, thế là tôi đi theo hắn thêm một đoạn nữa vào sâu trong cánh đồng, quãng này ít thân ngô gãy hơn vì không ai đi tắt lối này đến trường. Mẹ tôi từng bảo em trai Buckley của tôi, hồi nó còn bé tý, rằng ngô trong cánh đồng này không ăn được, khi nó hỏi sao không thấy ai ăn. “Ngô này dành cho ngựa, không phải cho người,” bà nói. “Cũng không cho chó, hở mẹ?” Buckley hỏi tiếp. “Không con ạ”, mẹ trả lời. “Cũng không cho khủng long à?” Buckley cứ thế hỏi mãi không dứt.

“Chú mới làm xong một chỗ trú ẩn nho nhỏ,” Harvey lên tiếng.

Hắn dừng bước quay lại nhìn tôi.

“Cháu có thấy gì đâu,” tôi trả lời. Tôi chợt nhận ra hắn đang nhìn tôi bằng ánh mắt lạ lùng. Tôi đã từng bắt gặp ánh mắt tương tự ở những người đàn ông lớn tuổi từ ngày tôi không còn nét bụ bẫm của trẻ con nữa, nhưng thường thì đầu óc họ cũng không đến nỗi phát cuồng khi nhìn tôi khoác chiếc áo pác-ca có mũ trùm màu xanh dương và mặc quần ống loe màu vàng. Tròng mắt kính của hắn nhỏ và tròn, gọng vàng, hắn nhướn mắt nhìn tôi từ phía trên gọng kính.

“Phải tập quan sát kỹ hơn đi chứ, Susie.” hắn bảo.

Tôi linh cảm mình nên tìm cách ra khỏi chỗ đó, nhưng tôi lại không làm. Tại sao tôi không làm thế nhỉ? Franny bảo rằng thế chẳng ích gì: “Cháu đã không làm, và thế là hết chuyện. Đừng nghĩ tới nghĩ lui mãi. Chẳng được gì. Cháu đã chết rồi, phải chấp nhận thế thôi.”

“Thử tìm lần nữa đi.” Harvey nói rồi ngồi xổm, vỗ vỗ trên mặt đất.

“Cái gì thế?” tôi hỏi hắn.

Hai tai tôi buốt cóng. Tại tôi không chịu đội cái mũ sặc sỡ có ngù len gắn những quả chuông tí hon kêu leng keng mẹ tôi đan làm quà mùa Giáng sinh năm nào, mà cuộn lại nhét vào túi áo pác-ca.

Bây giờ tôi nhớ lại là đã bước tới và giậm chân lên mặt đất gần chỗ hắn. Đất chỗ đó có vẻ còn rắn hơn cả đất đóng băng vốn đã cứng lắm rồi.

“Gỗ đấy”, Harvey giải thích. “Để giữ cho cửa vào không bị sụp lở. Còn toàn bằng đất cả.”

“Đó là cái gì vậy?” tôi hỏi. Tôi không còn cảm thấy lạnh, không còn hoảng sợ trước ánh mắt hắn nhìn tôi nữa. Tôi lại trở thành đứa học trò trong tiết khoa học tự nhiên: tôi tò mò.

“Cháu cứ chui xuống mà xem.”

Phải chật vật lắm mới chui được xuống cái hầm, hắn cũng công nhận thế, khi cả hai xuống lọt rồi. Nhưng vì tôi quá kinh ngạc không hiểu sao hắn dựng được cả một cái ông để thông khói, khi nào muốn đốt lửa, nên chưa kịp thắc mắc sao việc chui vào chui ra cái hầm lại khó khăn vậy. Cũng phải nói thêm rằng tẩu thoát là khái niệm tôi chưa hề biết đến qua một kinh nghiệm nào trong đời sống. Nguyên nhân từng làm tôi kinh hoàng bỏ chạy là Artie, một thằng cổ quái cùng lớp, có bố làm nghề nhà đòn chuyên lo mai táng. Nó thích làm như luôn mang theo người một ống tiêm đựng đầy dung dịch liệm xác. Trên tập vở của mình Artie vẽ những chiêc kim tiêm nhễu giọt thứ chất lỏng đen sì.

“Thế này thì ngầu thật!” Tôi nói với Harvey. Lúc đó hắn có là Chàng Gù nhà thờ Đức Bà(2) chúng tôi biết qua bài học ở lớp Pháp văn đi nữa thì tôi cũng không bận tâm. Tôi thoắt trở lại thuở bé con. Tôi trở thành em trai Buckley hôm đi thăm Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên ở New York, em mê mẩn nhìn mấy bộ xương khủng long vì đại được trưng bày. Cả chữ “ngầu” tôi cũng chưa hề công khai dùng lại suốt từ hồi ở trường tiểu học đến nay.

2. Nhân vật trong tác phẩm Notre-Dame de Paris (Nhà thờ Đức bà ở Paris) của Victor Hugo (1802 - 1885)

“Đúng là trò giật lại que kẹo để dụ em bé đi theo” Franny bảo thế.

Giờ đây tôi vẫn hình dung rất rõ cái hầm, như thể chuyện mới xảy ra hôm qua, mà đúng là hôm qua thật. Với chúng tôi, từ nay cuộc sống mãi mãi sẽ chỉ là chuyện của ngày hôm qua. Cái hầm to cỡ cái phòng con ở nhà, nơi chúng tôi để giày ống và treo áo đi mưa, nơi mẹ cố xoay xở nhét vừa cái máy giặt và đặt cái máy sấy chồng lên trên. Tôi gần như đứng thẳng lưng được trong hầm, nhưng Harvey phải cúi lom khom. Lúc đào hắn đã đắp sẵn một băng ghế dọc chiều dài căn hầm. Hắn ngồi ngay xuống đó.

“Cháu cứ việc xem đi,” hắn bảo.

Tôi ngẩn người, mê mải ngắm cái giá treo phía trên đầu hắn, nơi hắn để sẵn diêm, một lô pin, một cái đèn huỳnh quang chạy pin, nguồn ánh sáng duy nhất trong hầm - loại ánh sáng ma quái sẽ làm tôi khó nhận rõ các đường nét trên mặt hắn khi hắn nằm đè lên người tôi.

Trên giá có một cái gương, con dao cạo và kem cạo râu. Tôi thấy kỳ cục thật. Sao hắn không cạo râu ở nhà nhỉ? Song hẳn tôi cho rằng một người có tòa nhà mấy tầng khang trang mà lại đi đào cái hầm cách đó chỉ nửa dặm đường thì chắc không điên cũng dở người. Bố tôi có cách rất hay để mô tả loại người như thế: “Ông ta là người có cá tính, thế thôi”.

Thế nên hẳn lúc đó tôi cho rằng Harvey là một kẻ có cá tính, và tôi thấy thích cái hầm ấm áp, tôi muốn biết cách hắn đào hầm, theo trình tự nào, và hắn đã học được ở đâu.

Nhưng ba ngày sau đó, lúc con chó của gia đình Gilbert tìm thấy rồi tha về mẩu xương khuỷu tay của tôi, còn dính cả vỏ bắp ngô tố giác, thì Harvey đã lấp hầm rồi. Suốt quãng thời gian đó tôi đang trên đường quá cảnh. Tôi hụt không được mục kích cảnh hắn cuống cuồng rút những thanh gỗ gia cố, thu vén mọi tang vật cho vào một bao tải cùng với những bộ phận cơ thể tôi, chỉ bỏ sót có mẩu xương khuỷu tay kia. Đến lúc tôi tom góp đủ các mảnh thi thể cần nhất để làm được việc quan sát mọi chuyện diễn ra ở dương thế thì mọi tâm tư tôi hướng cả về gia đình mình, không còn đầu óc để ý đến gì khác nữa.

Mẹ tôi ngồi trên cái ghế gỗ trước cửa ra vào, miệng há hốc. Sắc mặt bà vốn nhợt nhạt giờ xanh xao hơn bao giờ hết. Đôi mắt xanh thẳm của bà mở trừng trừng. Còn bố tôi bị lôi vào những bận bịu tít mù. Ông đòi được biết mọi chi tiết, muốn cùng đi với cảnh sát đào xới cánh đồng ngô. Đến nay tôi vẫn cảm ơn Chúa đã gửi đến viên thanh tra vóc người nhỏ nhắn tên Len Fenerman. Ông ta cử hai viên cảnh sát mặc sắc phục đi với bố tôi ra phố, để ông chỉ mọi chỗ tôi hay tụ tập với chúng bạn. Suốt ngày đầu họ kèm bố tôi đi khắp một khu thương xá. Không ai kể cho Lindsey, lúc đó đã mười ba tuổi và đủ khôn lớn, hay cho Buckley, mới lên bốn và dĩ nhiên chẳng hiểu gì lắm.

Harvey hỏi tôi có muốn giải khát không. Hắn nói thế đấy. Tôi bảo tôi phải về nhà ngay.

“Ngoan nào, uống Coca Cola đi,” hắn nói. “Chú chắc chắn những đứa khác hễ bảo là uống ngay thôi.”

“Mấy đứa nào khác cơ?”

“Chú làm cái hầm này cho bọn trẻ quanh đây, cháu ạ. Chú định làm một loại câu lạc bộ ấy mà.”

Tôi không nghĩ rằng lúc đó mình tin lời hắn. Tôi ngờ hắn nói dối, nhưng cho đó là một câu nói dối đáng tội nghiệp. Tôi hình dung hắn cô đơn. Chúng tôi có được đọc về những loại đàn ông tương tự trong giờ Y học - Sinh lý. Những kẻ không lấy vợ, tối về hâm thức ăn đông lạnh đóng gói sẵn, luôn sợ bị hắt hủi đến nỗi thú vật cũng không dám nuôi. Tôi thấy thương hại hắn.

“Thôi được”, tôi bảo. “Cháu uống Coca Cola vậy.”

Sau hắn hỏi tiếp: “Cháu không thấy nóng sao, Susie? Sao không bỏ áo khoác ra?”

Tôi làm theo.

Hắn mới tiếp: “Cháu xinh lắm, Susie ạ”.

“Cám ơn chú,” tôi đáp, tuy lúc đó hắn gây cho tôi thứ cảm giác mà tôi với nhỏ bạn Clarissa từng gọi là “sảng hồn sảng vía”.

“Cháu có bồ chưa?”

“Chưa ạ”. tôi trả lời. Nốc vội chỗ Coca Cola, còn gần đầy chai, rồi bảo, “Cháu phải đi, chú Harvey ạ. Ở đây thích thật, nhưng mà cháu phải đi thôi.”

Hắn đứng lên lom khom diễn màn Chàng Gù, ra chắn chỗ có sáu bậc thang bằng đất nện dẫn ra thế giới bên ngoài. “Chú chẳng hiểu tại sao cháu lại nghĩ sẽ rời khỏi nơi này được.”

Tôi nói để khỏi phải nhìn nhận sự thật này: Harvey không phải là một kẻ có cá tính. Giờ đây thấy hắn đứng chặn lối ra, tôi mới thấy ghê sợ kinh tởm hắn.

“Chú Harvey à, cháu phải về nhà thật mà”

“Cởi quần áo ra”.

“Sao cơ?”

“Cởi hết quần áo ra,” Harvey ra lệnh. “Ta muốn kiểm tra xem mi có còn trinh không?”

“Còn mà, chú Harvey ạ”, tôi trả lời.

“Ta phải kiểm tra cho chắc. Bố mẹ mi sẽ cảm ơn ta nữa là khác.”

“Bố mẹ cháu à?”

“Họ chỉ muốn có con gái nết na,” hắn nói.

“Chú Harvey”, tôi van vỉ, “làm ơn để cháu đi đi mà.”

“Mi chẳng đi đâu cả, Susie. Mi ở trong tay ta rồi.”

Thời đó chưa có phong trào luyện tập thể dục, ít ai nghe đến và biết môn Aerobics, thể dục nhịp điệu là gì. Con gái phải thùy mị dịu dàng, chỉ những đứa bị chúng tôi nghĩ là đồng tính luyến ái mới tham gia môn leo dây ở trường.

Tôi chống cự kịch liệt. Tôi chống trả hết sức để hắn không làm hại tôi được nhưng cái gọi là hết-sức-kịch-liệt của tôi cũng chẳng nhằm nhò gì, không đủ vào đâu, thế là tôi nhanh chóng bị vật ngửa xuống đất, hắn nằm đè lên người tôi, thở hổn hển, mồ hôi vã như tắm, văng cả kính trong cuộc vật lộn.

Lúc đó tôi còn sống. Tôi thầm nghĩ không có gì trên đời khủng khiếp cho bằng phải chịu nằm ngửa, bị một người đàn ông mồ hôi nhễ nhại nằm đè lên người. Bị giam hãm dưới lòng đất và không một ai biết mình đang ở đâu.

Tôi nghĩ đến mẹ tôi.

Mẹ tôi chắc đang nhìn kim đồng hồ trên lò bếp. Cái lò mới mua và mẹ tôi thích nhất ở chỗ nó có cả đồng hồ. “Nhờ vậy con nấu nướng căn đúng từng phút.” Bà nói với bà ngoại, vốn là một bà mẹ không quan tâm gì lắm đến chuyện bếp núc.

Hẳn là mẹ tôi sốt ruột, nhưng bà bực mình hơn là lo lắng về sự trễ giờ của tôi. Khi bố cho xe vào ga-ra rồi, bà sẽ lăng xăng pha cho ông ly cốc-tai rượu vang Sherry, rồi bảo ông với vẻ bực bội: “Anh biết Trường trung học cơ sở chứ,” bà sẽ nói thế. “Hẳn lại có lễ Đón xuân.” “Abigail à”. Bố tôi hẳn sẽ trả lời, “Làm gì có lễ Đón xuân giữa mùa tuyết rơi?”. Không đạt hiệu quả như ý, hẳn mẹ tôi sẽ lôi em Buckley vào phòng khách, bảo “Ra mà chơi với bố đi,” rồi bà rút vào bếp tợp một ngụm Sherry.

Tên Harvey ấn môi lên môi tôi. Môi hắn vều, ướt nhẫy, tôi muốn hét to mà không được vì quá kinh hoàng và kiệt quệ vì chống trả. Có một anh chàng tôi thích đã từng hôn tôi. Tên cậu ta là Ray, người Ấn Độ. Cậu nói pha giọng, da ngăm đen. Ít ai nghĩ Rằng tôi lại đi ưa anh chàng này. Clarissa bảo đôi mắt to nhưng hay lim dim của cậu trông “ma quái” làm sao, nhưng cậu tử tế, thông minh, cố ý để cho tôi cóp bài thi đại số nhưng cứ tỉnh bơ làm như không hay biết gì. Cậu hôn tôi chỗ tủ để đồ cá nhân của học sinh, trước hôm phải nộp ảnh cho tập kỷ yếu. Khi phát hành tập kỷ yếu vào cuối hè, tôi thấy cậu điền vào dưới tấm ảnh của mình câu trả lời cho câu hỏi quen thuộc: “Trái tim tôi thuộc về...” hai chữ “Susie Salmon”. Tôi đoán là cậu đã toan tính cả rồi. Tôi còn nhớ rằng môi cậu hơi khô ráp.

“Đừng, chú Harvey ạ.” Tôi lắp bắp và cứ lập đi lập lại mãi một từ này. Đừng. Và tôi cùng nói mãi câu làm ơn làm phước, đừng. Franny kể cho tôi rằng hầu như ai trước khi chết cũng đề khẩn khoản van xin “hãy làm ơn làm phước.”

“Ta thèm mi lắm, Susie ạ”, hắn bảo.

“Xin chú tha cho,” tôi nói. “Đừng mà”, tôi lại nói. Có khi tôi gộp cả hai. “Xin tha cho, đừng mà” hay “Đừng mà, xin chú tha cho.” Giống như khi ta thử xoay chìa đủ mọi chiều mà ổ khóa cứ trơ trơ, hay khi hô “Bắt được rồi, bắt được rồi, bắt được rồi” mà quả bóng lại vút qua đầu bay về hướng khán đài.

“Xin chú đừng làm thế”.

Phát mệt vì nghe tôi lạy van, hắn thọc tay vào túi áo pác-ca của tôi, lôi cái mũ len mẹ đan, vo lại tọng vào miệng tôi. Âm thanh duy nhất tôi còn gây ra được sau đó là tiếng leng keng yếu ớt của mấy cái chuông tí hon.

Đôi môi ướt nhẫy của hắn lướt khắp mặt và cổ tôi, khi thấy hắn luồn tay vào dưới áo thì tôi bật khóc. Tôi bắt đầu rời khỏi thân xác mình, bay lên cư ngụ trong không trung và cõi tĩnh lặng. Tôi khóc và vùng vẫy đến nỗi không còn cảm thấy gì nữa. Hắn xé toạc quần tôi vì không tìm ra dây khóa kéo mẹ tôi đã bỏ công khéo léo may chìm bên hông.

“Quần lót trắng to nhỉ,” hắn nói.

Tôi cảm thấy cơ thể mình căng phồng lên. Thấy mình là biển, còn hắn đứng giữa biển mà bài tiết đủ thứ cặn bã. Tôi cảm thấy mọi ngóc ngách cơ thể mình bị lộn ra lộn vào, như trò xoắn dây đủ kiểu quanh các ngón tay tôi từng chơi với Lindsey để làm em cười vui. Giờ đây, nằm đè lên người tôi, hắn đang dùng tay để tự kích thích.

“Susie! Susie!” Tôi nghe tiếng mẹ gọi. “Đến giờ ăn tối rồi”

Hắn ở trong thân thể tôi. Hắn rền rĩ như lợn ỉ!

“Hôm nay có món đậu đũa với thịt cừu non đấy”

Tôi là cối, còn hắn là chày.

“Em trai con dùng ngón tay quệt màu vẽ bức tranh mới đấy, còn mẹ, hôm nay mẹ nướng bánh táo”.

Harvey giữ tôi nằm im lìm dưới người hắn, lắng nghe tiếng tim hắn và tiếng tim tôi đập. Nghe nhịp tim tôi giật giật như chú thỏ đang phóng, còn tim hắn đập thình thịch như tiếng búa nện vào vải. Hai cơ thể nằm duỗi dài, áp vào nhau, và trong lúc đang run bần bật, một ý tưởng ập đến làm tôi bàng hoàng: hắn đã làm chuyện này với tôi và tôi vẫn còn sống. Vậy là xong xuôi. Tôi vẫn còn đang thở. Tôi nghe tiếng tim hắn đập. Tôi ngửi mùi hơi thở của hắn. Đất đen quanh đây có mùi riêng của nó, ẩm ướt bẩn thỉu, nơi sâu bọ và côn trùng ngày ngày sinh sống. Giá làm được thì tôi đã gào thét hàng giờ rồi.

Tôi biết hắn sắp giết tôi. Lúc đó tôi chưa ý thức được rằng thực ra tôi đã là một con thú đang hấp hối.

“Sao không dậy đi?” Harvey lăn qua một bên rồi khom dậy hỏi tôi.

Giọng hắn dịu dàng, khuyến dụ, giọng người tình nhân một buổi sáng dậy muộn. Chỉ là gợi ý, không phải mệnh lệnh.

Tôi không nhúc nhích nổi. Tôi không đủ sức ngồi dậy.

Bởi vì tôi không làm theo - có phải chỉ vì tôi không làm theo gợi ý của hắn, có phải chỉ vì thế? - hắn quay người đưa tay mò mẫm mặt giá treo trên đầu, nơi hắn để dao cạo và kem cạo râu. Hắn lôi xuống một con dao. Được rút ra khỏi vỏ, con dao như cười với tôi, lưỡi cong tựa khóe miệng nhếch lên nhăn nhở.

Hắn lôi cái mũ ra khỏi miệng tôi.

“Hãy nói rằng mi yêu ta,” hắn bảo.

Tôi thều thào nói theo.

Hồi kết cục đằng nào cũng đến.