Vườn tình - Chương 15

Đồng thời, tôi bắt đầu đi sâu hơn vào cuộc đời của cô Mazeau. Để hiểu rõ hơn con người này. Cô gái này từ đâu đến? Tại sao cô ta đến đây, và đến như thế nào? Trong quá trình dò xét, cuối cùng tôi cũng đã phát hiện một số yếu tố thú vị. Bé Florence là một con ranh được bảo trợ bởi Trung tâm Sự vụ - Sức khỏe và Xã hội. Hai tuổi, em đến ở nhờ nhà Mazeau. Armand và Coralie Mazeau. Trong cái rủi thì con bé vẫn có cái may, bởi vì họ là những người chất phác. Họ nuôi con bé khôn lớn, và có thể thương nó như chính con đẻ của mình. Vài năm sau, việc nhận con bé làm con nuôi được chính thức hóa. Giờ Florence mang họ của bố mẹ nuôi. Đồng thời, nhà Mazeau cũng có một đứa con trai: Nicolas. Họ cứ nghĩ là không có con, thế mà cậu bé này đã chào đời. “Em trai” của Florence thua Florence ba tuổi. Nó bị bệnh về gien rất nặng, một căn bệnh chết tiệt biến nó thành một cọng rau. Armand và Coralie cố gắng đối mặt với thực tế.

Florence ở lại nhà bố mẹ nuôi cho đến tuổi mười bảy. Sau đó, con chim cổ đỏ đã cất cánh bay đi. Kể từ đó, cô ta bắt đầu làm ăn. Sự độc lập, cô ta mua bằng chính con người của mình.

Chi tiết khác về gia đình Mazeau: Armand, Coralie và con trai của họ là Nicolas đã chết trong một vụ hỏa hoạn. Nhà của họ đã bị cháy. Ngay giữa đêm khuya. Khi họ đang ngủ. Có vẻ như ngọn lửa lan ra từ nhà xe, nơi mà ông bố thường để gỗ và đồ gỗ. Ông ta là thợ mộc mà.

Vụ hỏa hoạn đã xảy ra khoảng vài tháng trước khi Jean-Baptiste Cyrillus bị sát hại và Thierry Carmona biến mất. Thêm một tai nạn đáng tiếc khác? Có thể. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên? Có thể. Nhưng theo tôi, dù sao thì cũng có nhiều cái chết trong một khoảng thời gian ngắn trong số những người thân của Florence Mazeau. Năm mạng sống trong vòng một năm, gần như một cuộc tàn sát.

Và rồi, ai dám nói với tôi là không có án mạng nào khác, những xác chết được giấu trong tủ tường chẳng hạn?

Tôi nghĩ đã đến lúc nói chuyện với đương sự quan trọng nhất - cô gái trẻ đi từ đám tang này sang đám tang khác, người có thể đang có nhu cầu được thổ lộ tâm tư. Thế là tôi...

- Đợi đã! Marie mở lời.

Tôi hơi giật mình khi nghe giọng Marie. Tôi ngước mắt lên. Marie vẫn đang ngồi trên ghế bành. Một tay giơ lên cao, lòng bàn tay hướng về tôi. Một cử chỉ ý muốn nói dừng lại.

- Đợi đã… Marie nói lại.

Rồi em khép mi mắt lại và thở dài.

Trở về với hiện tại. Gần như tôi đã quên tôi đang ở đâu và ở với ai. Có lẽ tôi đã nói khá lâu. Vầng trăng đã biến khỏi khung cửa sổ. Nền trời màu hoa cà. Tôi đưa mắt nhìn đồng hồ nhưng chẳng có. Marie đã không ngắt lời tôi, dù chỉ một lần.

Tay em buông xuống. Em lấy tay bóp trán. Tôi định đưa ra một lời xin lỗi nhạt nhẽo nào đó một lần nữa nhưng tôi đã kiềm chế được.

- Muộn rồi, tôi nói. Anh nên để em ngủ. Chúng ta sẽ tiếp tục vào ngày mai, hoặc một ngày nào khác.

Marie lắc đầu quầy quậy.

- Khoan đã. Cho em một vài phút để... nghiền ngẫm một tí.

Marie đứng dậy. Em đi vài bước trong phòng khách. Tiếng bàn chân trần đi nhẹ trên sàn nhà. Cuối cùng em đứng yên trước cửa sổ, quay mặt về phía màn đêm và thành phố đang ngủ. Sự im lặng đáng trân trọng. Tôi khô cả miệng, có cảm giác tai bị ù.

Đúng là có nhiều cái phải nạp cùng một lúc. Quá nhiều sự kiện. Quá nhiều cái tên. Quá nhiều cái chết. Những con đường số phận đè lên nhau, giao thoa lẫn nhau. Không dễ gì mà theo dõi. Tôi nghĩ Marie tận dụng thời gian giải lao đó để sắp xếp lại các biến cố. Nghề của em có thể giúp ích cho em. Em làm quản thư từ hai mươi năm nay. Em có thói quen thu thập và phân loại thông tin. Có thói quen phân tích, sắp xếp thông tin.

Nhưng thực tế, vào đúng lúc đó, trong đầu em nảy ra một ý khác.

Em lại quay về phía tôi và nhìn tôi chằm chằm, vẻ là lạ. Một cái nhìn lâu và chằm chằm đến nỗi cuối cùng tôi phải nói:

- Gì?

Marie không trả lời. Em xuống bếp. Tôi nghe tiếng em mở cửa và đóng cửa các tủ tường. Khi quay lại, em cầm một cái chai và hai cái ly. Rượu whisky.

- Em xin lỗi, Marie nói, nhưng em nghĩ là em cần.

Marie vẫn đứng trước khung cửa. Em chờ phản ứng của tôi.

- Anh xin em, tôi nói. Em đừng lo gì cho anh.

- Em rót rượu cho anh nhé?

- Không, cảm ơn. Cho anh cốc nước thôi. Một cốc nước thật đầy.

Marie lắc đầu. Rồi em ra chỗ vòi nước dưới bếp rót nước cho tôi rồi đổ một cốc mạch nha vào cốc của mình. Cạn.

Tôi không nhớ đã bao giờ thấy Marie uống rượu chưa. Tôi nhận ra rốt cuộc mình gần như không biết cuộc đời em đã ra sao. Đó phải chăng là thói quen của em, cái thứ rượu bổ mà em đang dùng này? Tôi cố hình dung em cô đơn một mình vào buổi tối, trong căn hộ này. Một gái già đang ngồi đọc sách. Đang nghe một đĩa nhạc. Michel Jonasz: “Anh muốn nói là anh đang chờ em”. Hay có thể là Montand. Montand và Prévert chêm thêm vào đó: “Ôi, anh muốn em nhớ lại biết bao nhiêu...”. Nhưng nhớ lại cái gì? Nhớ lại ai?

Marie...

Tôi tự hỏi xem em đã từng có đàn ông chưa? Bao nhiêu đàn ông? Dù cho là bao nhiêu, có lẽ họ cũng chỉ vuốt ve lên cơ thể em mà không để lại bất kỳ dấu vết sâu đậm nào. Vì cái gì, vì ai mà em vẫn suốt đời đẹp thế, dịu dàng thế, bao dung thế, vị tha thế? Bầu vú và trái tim em sẽ héo tàn mà không ai động lòng thương yêu. Trong sự thờ ơ lãnh đạm. Thậm chí không có lấy một chú rể trẻ trung chết trận mà em có thể khóc thương ai oán. Thậm chí không có lấy một anh lính vô danh. Người ta không dám tin là một cơn đau họng bình thường đã tước mất của em vĩnh viễn tình yêu duy nhất của mình.

Nhưng xin em đừng giận, Maria ạ: “Với thời gian, với thời gian, tất cả sẽ trôi đi...”. Nếu như câu này có thể an ủi em!

- Nhạc nhé? Marie bỗng hỏi, như thể em đã dõi theo dòng suy nghĩ của tôi.

- Thế cũng được, tôi nói.

Em đi tìm đĩa. Em cho đĩa vào đầu đĩa. Exit Aznavour. Em lại cầm ly lên và nhìn thẳng vào mắt tôi trong khi những nốt nhạc đầu tiên thoát ra khỏi hư vô. Như thể những giọt mưa nhỏ hay những viên ngọc lửa đang bắn tung tóe vào vũ trụ. Franz Schubert: Khúc cao hứng cung si giáng. Tôi rùng mình nhưng vẫn chịu được ánh mắt của Marie.

- Chúc sức khỏe tất cả những người mà chúng ta luôn nhớ, em mở lời.

Cụng ly. Đến lượt mình, tôi đưa ly lên môi. Tôi hứng lên uống một hơi cạn ly rượu. Chúng tôi nghe nhạc một lúc. Tôi thấy những vệt nhỏ trước mắt mình, những chấm bọt muôn màu nhỏ xíu đang tung ra rất đẹp. Marie vẫn đứng giữa cái ghế và cửa sổ. Em nắm chặt cổ áo choàng. Hẳn chúng tôi đang cùng chung ý nghĩ. Cả hai chúng tôi đã nghe Léna chơi bản nhạc này hàng chục lần. Đó là một trong những bản nhạc mà Léna thích nhất. Tôi không hiểu tại sao lại nghe bản này chứ không phải bản khác. Đã từ lâu tôi không nghe lại. Và tôi khá bất ngờ khi có thể lắng nghe mà không chết đuối. Tôi cảm thấy cái gì đó như một nỗi buồn lành mạnh.

- Em biết không, tôi vừa nói vừa chỉ chai whisky, hơn mười tám tháng nay anh đã bỏ đấy.

- Tốt quá, Marie nói.

- Anh không nói để em khen anh đâu. Chỉ để cho em biết thôi.

- Rất tốt, Marie nói.

Vài giây sau, em nói thêm, ngập ngừng:

- Đúng thế, nhân đây, em tự hỏi là... À, em không thể hình dung nổi thế nào mà anh lại có thể thực hiện một cuộc điều tra khó khăn và tỉ mỉ như thế vào thời đó, trong khi mà... không lâu sau... sau tai nạn. Em còn nhớ là anh không được thuận lợi cho lắm. Thậm chí thỉnh thoảng em còn thấy anh trong một tình trạng...

- … tuyệt vọng?

- Hay ít nhất là thê thảm. Tôi thở dài.

- Phải nói là anh có nhiều năng lực hơn dự đoán. Hay nói cách khác là phản xạ tốt hơn. Em biết đấy, Marie ạ, dù có nhiều khiếm khuyết nhưng anh là một cảnh sát giỏi. Anh không kiêu căng đâu. Anh là một cảnh sát giỏi thật đấy. Anh giỏi làm cảnh sát hơn là chơi đàn piano!

Câu nói đó làm cho Marie phải cười. Tôi cũng cười theo. Chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn. Marie uống thêm một ngụm rồi tươi cười bỏ ly xuống.

- Anh chơi đàn đâu đến nỗi tồi, Marie nói.

- Anh chơi không tồi, chỉ tầm thường thôi, tệ hơn thế nữa... Em thì khác, em là người có tài năng! Em vẫn chơi đàn chứ?

Marie hơi bĩu môi, vẻ nửa thích, nửa vỡ mộng.

- Hơn mười tám tháng nay em đã bỏ!

Tôi gật đầu lia lịa. Điều đó không có nghĩa là tôi đồng ý, chỉ đơn giản là tôi đã hiểu.

- Anh rất thích khi hai chị em cùng chơi, tôi nói. Léna và em tạo thành bè đôi tuyệt vời.

- Đó là ảo giác! Marie nói. Chỉ có ở đàn ông.

Tôi liếc mắt nhìn Marie xem em có nghiêm túc không. Khó nói lắm. Cách đó ba mươi năm, có lẽ tôi đã đỏ mặt vì suy nghĩ đó của em.

- Em cũng thế, Marie nói tiếp. Em cũng thích thế.

Những nốt nhạc của Schubert tiếp tục nở hoa và héo tàn trong cùng một tích tắc, sau khi đã giải phóng tinh chất của chúng. Mùi hương và màu sắc. Những người thân đã khuất của chúng tôi đang nhón chân nhảy trong cánh đồng phù du đó.

- Có một điều nữa mà em phải biết, tôi nói.

- Cái gì?

- Không phải vì đã bỏ rượu mà anh tha thứ cho mình. Anh sẽ không bao giờ tha thứ cho mình.

Cái mồm của Édouard Dayms đập vào mắt tôi trong tích tắc. Sau đó rồi thôi. Marie đang gật đầu, hẳn cùng lý do như tôi gật đầu lúc nãy. Marie dốc hết ly rượu, mi mắt khép lại, mặt hơi nhăn nhó, rồi em về chỗ của mình trên ghế bành.

- Ta tiếp tục đi, Marie nói.

- Em chắc chắn chứ?

- Vâng.

- Anh đang nói đến đoạn nào rồi nhỉ?

- Anh đến gặp Florence lần đầu.

Lần này cũng không, tôi không gọi cô ta đến Sở cảnh sát.

Tôi tự mình đến nhà cô ta. Tôi muốn xem phòng cô ta thế nào. Tôi đến mà không báo trước. Tôi biết cô ta đang ở nhà một mình.

Căn hộ nằm ở tầng trên cùng. Hai phòng, một góc bếp. Nhỏ xíu. Cô ta có vẻ không ngạc nhiên khi tôi giơ thẻ ra. Cũng không sợ hãi. Thực ra, cô ta có vẻ hoàn toàn bất cần đời. Một cái gì đó như sự chán chường hay cam chịu. Lúc ấy tầm giữa buổi sáng, rõ ràng là không phải tôi đã kéo cô ta ra khỏi giường, nhưng tôi nghĩ có lẽ cô ta đã làm việc suốt đêm nên giờ mệt phờ.

Rồi sau đó, tôi đã hiểu.

Tôi chưa bao giờ nhìn gần cô ta. Thằng chết tiệt kia nói trong mắt Florence đầy bóng tối, đầy sự trống vắng. Tán phét. Thực ra, cô ta bị nghiện nặng!

Tôi đã gặp khá nhiều con nghiện nên tin chắc vào nhận định của mình. Có những dấu hiệu không đánh lừa ai được. Phát hiện này bỗng nhiên làm cho tôi cảm thấy bất ổn. Tôi tự hỏi là điều này có liên quan gì đến cuộc điều tra của tôi không. Mối liên quan trực tiếp. Tôi đã quyết định trước mắt nên giấu kín điều đó. Trước khi đến, tôi đã xác định một chiến thuật, một cách đối xử nào đó, tôi cố bám sát đối tượng.

Cô gái tiếp tục không để ý gì đến tôi. Cô ta lục lọi gì đó dưới bếp. Cô ta không mời tôi ngồi. Câu hỏi đầu tiên của tôi là:

- Khách hàng đầu tiên của chị đến lúc mấy giờ?

Ít nhất câu hỏi cũng có tác dụng làm cho cô ta thức tỉnh. Cô ta ngoái đầu lại, im lặng nhìn tôi chằm chằm khoảng mười giây rồi trả lời:

- 17 giờ 30.

Hết khúc dạo đầu.

- Tuyệt. Vậy chúng ta có đủ thời gian, tôi vừa nói vừa ngồi xuống tràng kỷ của cô ta.

- Tôi không nghĩ thế, không. Tôi chỉ tiếp khách theo hẹn.

- Thế à?... Rất tốt. Nào, chúng ta hẹn ngày nào đó đi. Chị muốn ở đây hay ở phòng làm việc của tôi?

Cô ta rửa tay rồi lấy khăn lau.

- Ông muốn gì, thưa ông Astrid? Cô ta hỏi.

Tôi ngạc nhiên là cô ta nhớ tên tôi.

- Cyrillus, tôi nói. Chị đã bao giờ nghe nói đến Jean-Baptiste Cyrillus chưa?

- Tất nhiên rồi. Nhưng tôi cứ nghĩ là vụ này xong rồi mà.

- Xong là đối với ông ta chứ không phải đối với chúng tôi. Thế nào?

- Thế nào cái gì?

- Quan hệ giữa chị và ông ta là như thế nào?

- Đó là một trong những người thầy của tôi.

- Không có gì khác à? Không có... giờ dạy thêm à?

Tôi nghĩ mình đã thấy một tia khinh bỉ trong ánh mắt của cô ta, tôi điên tiết lên.

- Chị nghe đây, tôi nói, chúng ta làm rõ mọi thứ nhé. Chị Mazeau ạ, tôi đếch cần quan tâm đến những việc chị đang làm. Cô có bán trôn nuôi miệng hay không thì đó cũng chỉ là mối bận tâm cuối cùng của tôi! Tất cả những gì tôi quan tâm, đó là muốn biết ai đã giết Jean-Baptiste Cyrillus. Ai đã quẳng xác ông ta ra ngoài sau khi đã cắt bộ phận sinh dục của ông ta rồi nhét vào miệng ông ta! Ai đã làm thế và tại sao! Đó là tất cả những gì tôi quan tâm. Chị hiểu không?

Tôi đã lên giọng khá nhiều nhưng tôi không nghĩ là câu trường thoại của tôi đã gây cho cô ta ấn tượng. Lúc đầu, cô ta không biết gì về tôi, bây giờ, mắt cô ta không rời tôi.

- Ông nghĩ người đó là tôi à?

- Tôi cố gắng không bỏ qua một khả năng nào.

Cô ta bước vài bước trong phòng.

- Theo tôi, ông ta đã đi tìm, cô ta nói.

- Tìm gì?

- Hình phạt.

Tôi không nói gì. Cô ta tiếp tục:

- Ông Cyrillus là một người thầy giỏi. Nhưng ông ta cũng là một người đồi bại, một kẻ bị ám ảnh tình dục. Ông muốn biết những sở thích của ông ta về khoản này à? Ông muốn biết ông ta bảo tôi làm gì à?

Ánh mắt thách thức. Tôi để ý thấy cô ta phát âm “ông Cyrillus” y như “ông Astrid”.

- Đúng thế, tôi nói. Tôi muốn biết tất cả. Nhưng trước hết... Làm ơn cô cho tôi cái gì đó uống đi.

Ánh mắt cô ta vẫn thế, chỉ có khóe miệng kéo ra thành một nụ cười nhạt.

- Uống gì?

- Cô có đồ uống gì?

Cô ta tiến về một chiếc rương gỗ và nhấc nắp lên.

- Gin, Get, Whisky, Vodka, Cognac, Armagnac, Rhum, Cointreau, Tequila, Curacao, Malibu, Martini, Marie-Brizard...

Không phải là một lời thuyết minh đâu. Cô ta đã liệt kê những đồ uống đó ra một mạch. Phía trong chiếc rương, khoảng mười cái chai giơ cổ lên trời. Cô ta kết luận:

- Tôi có tất cả những gì mà ông mơ ước.

Thêm một câu trả lời mà có lẽ cô ta đã nói hàng nghìn lần. Mặc dù vậy, bỗng nhiên tôi cảm thấy mình như một thằng nhóc nằm co ro trong giường cô ta giữa cơn giông tố. Cô ta rót rượu cho tôi. Ly rượu đầu tiên trong ngày. Cô ta khá ranh ma, để ngay cái chai đúng tầm tay của tôi. Những tửu phần tiếp theo, tự tay tôi rót lấy cho mình.

Tôi nghe Florence nói những gì cô ta biết về ông thầy. Tôi tin cô ta. Chẳng giúp tôi tiến xa hơn là mấy. Cô ta nói xong về Cyrillus, tôi cũng đã giải quyết xong ly vodka thứ ba của mình.

- Được rồi, tôi nói. Cyrillus coi như xong. Giờ chúng ta chuyển sang Carmona.

Tôi dò xét nét mặt cô ta. Cô ta có vẻ bị tác động. Nhắc đi nhắc lại “Carmona...” trong tiếng thì thầm, giọng như mơ ngủ.

- Thierry Carmona, tôi nói rõ. Titi. Một quan hệ khác của chị phải không?

- Tôi có hàng đống quan hệ, ông biết đấy.

- Tôi biết.

Cô ra nhẹ nhàng quỳ xuống tấm thảm vải, gần cái bàn. Mông tì lên gót chân.

- Thierry Carmona thường đến gặp tôi, đúng thế.

- Tại sao?

- Để ngủ với tôi.

- Điều đó thì tôi đoán ra rồi. Nhưng tại sao lại trả tiền, trong khi anh ta có thể làm việc đó miễn phí? Ít nhất cô có bao nhiêu quan hệ thì hắn có bấy nhiêu bồ bịch!

- Không phải con bồ nào cũng nhất thiết phải nhận lời.

Tôi bắt đầu uống ly thứ tư, đầu nghĩ đến câu nói đó. Cách xử thế của tôi trở nên rối như gà mắc tóc. Một lúc sau, Florence nói tiếp.

- Tôi nghe nói anh ta bị chết đuối. Tai nạn trong quá trình lặn.

- Đó là người ta nói.

- Anh ta rất hay lặn. Đó là đam mê của anh ta. Thỉnh thoảng anh ta có mang đến cho tôi những con nhím biển. Một giỏ nhím biển.

- Anh ta tử tế quá, tôi cười khẩy.

- Không, tôi không nghĩ Thierry Carmona là một người tử tế.

- Con bồ nào của hắn cũng được hưởng chế độ đãi ngộ như thế à? Cô ta không trả lời. Tôi nói tiếp:

- Vả lại anh ta không chỉ tặng chị những thứ ấy. Anh ta còn dẫn bạn bè của mình tới. Tóm lại là những khách hàng bổ sung.

- Nguyên tắc là thế cả thôi, Florence buột miệng, chuyện làm ăn mà.

- Đối với ai?

- Đối với anh ta. Đối với tôi. Đối với tất cả mọi người. Có những người mà Thierry Carmona buộc phải giúp đỡ. Anh ta muốn làm cho họ vui lòng. Tôi không làm gì khác.

- Vì quyền lợi chung.

- Đúng thế.

- Điều này khiến cho sự mất tích của anh ta không tiện cho công chuyện làm ăn của chị. Sau khi Cyrillus chết, chị thiệt thòi thêm.

- Tôi không ỷ lại họ để sống.

- Thế thì sau ai?

Thêm một nụ cười mèo. Và không có câu trả lời.

- Chị không ngạc nhiên sao, khi Carmona vốn là một thợ lặn có kinh nghiệm lại chết đuối? Tôi hỏi.

- Tại sao? Có bao nhiêu kẻ say rượu chết vì bệnh xơ gan... Đam mê thường giết người, thưa ông Astrid.

Đồ con đĩ.

- Sự ám ảnh cũng giết người, tôi chỉnh lại trước khi tiếp tục một cuộc trường thoại mới.

Tôi bắt đầu thấy nóng. Cái nóng của những đêm giông. Ngôi nhà kêu răng rắc quanh tôi. Tôi cởi mấy cúc áo trên.

- Carmona nữa là hai, tôi nói.

- Hai cái gì? Ông đang tính gì thế?

Cô ta biết rất rõ. Tôi nhìn cô ta, bỗng tôi muốn tước nụ cười của cô ta bằng hai hàm răng của mình.

- Những con ruồi rơi vào ly của tôi: tôi đếm những con ruồi đó. Gia đình chị có khỏe không, chị Mazeau?

Cô ta không nói gì. Tôi nhấn giọng.

- Bố mẹ chị? Em trai?... Nicolas, phải không?

Cô ta đứng dậy, không nói lời nào. Trên đầu gối cô ta có những vệt đỏ.

Tôi không chịu buông tha.

- Có kiểu đam mê nào có thể giết chết những con người đó? Hả? Kiểu ám ảnh nào? Sự trừng phạt nào? Chị nói cho tôi nghe được không?

Tôi cảm thấy mình đang ra đi. Tôi cảm thấy những giọt mồ hôi toát trên trán mình. Tôi cảm thấy mình đang lên giọng. Lời nói đã trở nên quá lớn so với miệng của tôi.

- Gia đình quan trọng lắm! Tôi nói. Thậm chí gia đình là quan trọng nhất! Chị sẽ thấy, cô em xinh đẹp ạ, nếu một ngày nào đó có người đàn ông yêu chị. Nếu chị có may mắn sinh ra những đứa con, những đứa con chơi đùa trong phòng khách. Chị sẽ hiểu những gì tôi đang nói. Chúng ta chẳng là gì, chẳng là gì cả nếu không có gia đình nhỏ bé của mình, đừng bao giờ quên điều đó!

Có lẽ tôi đã hét lên để chính mình nghe chính mình nói. Sấm nổ rung chuyển cả những bức tường, chớp chiếu sáng gian phòng và những cái bong mà nó để lại thì quá lớn, quá cao so với tôi.

Tôi rót ly rượu thứ năm hay thứ sáu gì đó và dốc cạn. Rồi tôi lao đến chiếc tràng kỷ và chờ cho mọi thứ yên lặng trở lại. Một phút. Một giờ. Tôi không biết.

Florence Mazeau đứng ngay giữa phòng, hoàn toàn bất động. Mắt cô ta nhìn tôi nhưng tôi thầm tin là cô ta đang hướng về điều khác. Mỗi người có mảnh đất náu thân của mình. Mỗi người có địa ngục của mình. Tôi không hề cảm thấy thương hại, thương hại cô ta hay thương hại tôi.

Tôi giơ tay, như để gọi cô ta. Rồi tôi chìa tay ra đếm từng ngón một:

- Cyrillus, Carmona, Coralie, Armand, Nicolas... Tất cả là năm. Như người ta thường gọi là họa vô đơn chí!

Cô tá nhíu mày. Cô ta đã thấy tôi. Giọng trẻ măng, cô ta hỏi:

- Hết chưa?

- Chưa, tôi nói.