Nhím thanh lịch - Phần 14 chương 01 - 02

BÀN VỀ NGỮ PHÁP

1

Cực ngắn

Sáng nay, Jacinthe Rosen giới thiệu với tôi chủ nhân mới của căn hộ nhà Arthens.

Ông ấy tên là Kakuro Gì Đó. Tôi nghe không rõ vì bà Rosen lúc nào cũng nói cứ như đang ngậm một con gián trong miệng, và đúng lúc đó lưới sắt của thang máy lại mở cho ông cụ Pallières ăn mặc kiêu kỳ bước ra. Ông ấy chào chúng tôi ngắn gọn rồi bước đi giật giật đúng kiểu một nhà tư bản công nghiệp vội vã.

Người mới dọn đến khoảng sáu mươi tuổi, rất lịch sự và rất Nhật Bản. Ông ấy có dáng người thấp, gầy, mặt nhiều nếp nhăn nhưng rất sáng sủa. Cả người ông ấy toát ra lòng nhân từ, nhưng tôi cũng cảm thấy sự quyết đoán, vui vẻ và ý chí.

Hiện tại, ông ấy thản nhiên chịu đựng những lời ba hoa ám thị của Jacinthe Rosen. Có thể nói như một con gà mái đứng trước núi thóc.

- Chào bà, - đó là những lời đầu tiên và duy nhất của ông ấy, nói bằng giọng Pháp chuẩn.

Tôi khoác lên mình lớp vỏ bọc gác cổng nửa đần độn. Đây là một người mới dọn đến mà sức mạnh của thói quen chưa buộc phải tin rằng tôi là người ngớ ngẩn và tôi phải có những cố gắng sư phạm đặc biệt với ông ấy. Do đó tôi chỉ dừng lại ở những lời vâng, vâng, vâng của người bị thiểu năng để trả lời những tràng liên thanh hưng phấn của Jacinthe Rosen.

- Bà chỉ khu nhà phụ cho ông Gì Đó (Chou?) nhé.

- Bà có thể giải thích cho ông Gì Đó (Pschou?) cách phân phát thư từ được không?

- Thứ Sáu này sẽ có người đến trang trí nội thất. Bà có thể chờ họ giúp ông Gì Đó (Opchou) từ mười giờ đến mười giờ rưỡi không?

Vân vân.

Ông Gì Đó không hề tỏ vẻ sốt ruột, vẫn lịch sự chờ và nhìn tôi với một nụ cười hiền lành. Tôi cho rằng mọi thứ diễn ra tốt đẹp. Chỉ cần chờ đến lúc bà Rosen mệt là tôi có thể vào phòng riêng của mình.

Và đây rồi.

- Thảm chùi chân trước của nhà Arthens chưa được giặt. Bà có thể giải quyết cho nó được không? - con gà mái hỏi tôi.

Tại sao vở hài kịch lại cứ phải biến thành bi kịch? Chắc chắn tôi cũng có khi phải dùng đến lỗi, mặc dù như dùng một thứ vũ khí.

- Đó nà một dạng nhồi máu cơ tim phải không? - tôi đã hỏi Chabrot như vậy để đánh lạc hướng khỏi những kiểu cách nực cuời của mình.

Tôi không nhạy cảm tới mức mất lý trí vì một sai sót nhỏ. Cần nhượng bộ với người khác cái mà mình tự cho phép bản thân; ngoài ra, Jacinthe Rosen và con gián trong miệng bà ấy được sinh ra ở Bondy(16) trong một dãy nhà với khoang cầu thang không sạch sẽ gì và tôi sẵn sàng bỏ qua cho bà ấy, điều mà tôi không làm được với bà bà-có-thể-làm-ơn-phẩy-nhận-giúp.

16. Thành phố nằm ở ngoại ô phía Đông Bắc Paris

Thế nhưng đây là bi kịch: tôi đã giật nảy người khi nghe thấy giải quyết cho nó đúng vào lúc ông Gì Đó cũng giật nảy lên và ánh mắt của chúng tôi gặp nhau. Kể từ khoảng thời gian cực ngắn đó, lúc tôi tin chắc rằng chúng tôi cùng là đồng minh về ngôn ngữ trong nỗi đau khổ chung đang xuyên thấu chúng tôi, khiến chúng tôi run lên và lộ rõ rối loạn của chúng tôi, ông Gì Đó nhìn tôi với con mắt hoàn toàn khác.

Con mắt săm soi.

Ông ấy nói với tôi thế này:

- Bà có biết nhà Arthens không? Tôi nghe nói đó là một gia đình rất đặc biệt.

- Không, - tôi dè dặt trả lời, - tôi không biết nhiều về họ, họ giống như những gia đình khác ở đây.

- Vâng, một gia đình hạnh phúc, - bà Rosen nói, rõ ràng là rất sốt ruột.

- Ông biết đấy, tất cả các gia đình hạnh phúc đều giống nhau, - tôi lẩm bẩm để thoát khỏi chuyện này, - chẳng có gì để nói cả.

- Nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại bất hạnh theo một kiểu riêng, - ông ấy vừa nói vừa nhìn tôi với vẻ khác lạ, và đột nhiên tôi lại cảm thấy người mình run lên.

Vâng, tôi thề với các bạn đấy. Tôi run lên - nhưng cứ như tôi không biết gì. Tôi không kiểm soát được, cơn run mạnh hơn tôi, tôi bất lực.

Họa vô đơn chí, Léon chọn chính khoảnh khắc đó để chạy vào giữa chân tôi và thân thiện sượt qua chân của ông Gì Đó trong lúc chạy.

- Tôi có hai con mèo, - ông ấy nói. - Tôi có thể biết con mèo của bà tên là gì được không?

- Léon, - Jacinthe Rosen trả lời hộ tôi rồi không nói nữa, luồn tay vào dưới tay ông Gì Đó, cám ơn tôi mà mắt không nhìn tôi, rồi kéo ông ấy về phía thang máy. Vô cùng tế nhị, ông Gì Đó đặt tay lên cánh tay của Jacinthe Rosen và nhẹ nhàng giữ bà ta lại.

- Cám ơn bà, - ông ấy nói với tôi rồi lại để con gà mái thích sở hữu kéo đi.

2

Trong khoảnh khắc thần cảm

Các bạn có biết không biết là gì không? Các nhà phân tâm học cho rằng đó là kết quả của những thao tác âm ỉ của vô thức bị giấu kín. Thực ra, lý thuyết đó mới vô nghĩa làm sao. Không biết là dấu hiệu rõ ràng nhất về khả năng của ý chí có ý thức của chúng ta; khi cảm xúc của chúng ta đối lập lại với nó, ý chí đó sử dụng tất cả các mưu mẹo để đạt được mục đích của mình.

- Phải tin là ta muốn bị lật tẩy, - tôi nói với Léon, nó vừa mới chui vào ổ và tôi cam đoan là nó đã thông đồng với vũ trụ để thực hiện mong muốn của tôi.

Tất cả các gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại bất hạnh theo một kiểu riêng là câu đầu tiên của tiểu thuyết Anna Karénine mà tôi, giống như bất kỳ bà gác cổng thực thụ nào, không thể đọc, tôi cũng không thể vô tình giật nảy mình khi nghe thấy phần sau của câu nói đó, trong một khoảnh khắc thần cảm, mà không biết đó là câu trong truyện của Tolstoï, bởi vì nếu những người dân thường thấp kém có thể nhạy cảm với các tác phẩm văn học cao cấp mà không biết đến chúng, thì văn học cao cấp không thể mong muốn vươn lên đến tầm nhìn cao mà những người có học đã đặt nó vào.

Suốt cả ngày, tôi cố gắng tự thuyết phục mình rằng tôi đã hốt hoảng vô cớ, rằng nếu ông Gì Đó có ví tiền đủ nặng để mua tầng năm, thì ông ấy cũng có rất nhiều mối quan tâm khác chứ để ý gì đến những cái giật do bệnh Parkinson của một bà gác cổng đần độn.

Tiếp đó, khoảng mười chín giờ, một anh chàng bấm chuông phòng tôi.

- Chào bà, - anh ta nói với tôi, phát âm cực chuẩn, - tôi tên là Paul N’Guyen, tôi là thư ký riêng của ông Ozu.

Anh ta đưa cho tôi một tấm danh thiếp.

- Đây là số điện thoại di động của tôi. Sẽ có thợ đến làm ở nhà ông Ozu và chúng tôi không muốn bà phải bận thêm vì việc này. Vì thế, nếu có bất cứ vấn đề nào, dù là nhỏ nhất, bà cứ gọi cho tôi, tôi sẽ đến ngay lập tức.

Các bạn sẽ ghi nhận ở đoạn này của cốt truyện rằng vở hài kịch không có đối thoại mà người ta thường nhận ra nhờ những dấu gạch đầu dòng nối tiếp nhau lần lượt theo từng vai.

Lẽ ra phải có đối thoại gì đó kiểu như:

- Rất hân hạnh, thưa ông.

Rồi:

- Tốt lắm, tôi sẽ không quên đâu.

Nhưng rõ ràng là không có lời nói nào.

Bởi vì, không cần phải cố gắng, tôi vẫn câm lặng. Tôi ý thức rõ việc mở miệng, nhưng không có bất cứ âm nào thoát ra và tôi thấy thương chàng trai trẻ buộc phải đứng nhìn một con ếch nặng bảy mươi kilô tên là Renée.

Ở mức độ này của cuộc gặp, thông thường diễn viên chính hỏi:

- Bà có nói được tiếng Pháp không?

Nhưng Paul N’Guyen cười với tôi và chờ đợi.

Phải cố sức lắm, tôi mới nói được điều gì đó.

Thực ra, đầu tiên chỉ là những âm kiểu như:

- Grmblll.

Nhưng chàng trai trẻ vẫn chờ đợi với sự kiên nhẫn tuyệt đỉnh.

- Ông Ozu ư? - cuối cùng, tôi cũng khó nhọc nói ra được, với giọng giống như của Yul Brynner.

- Vâng, ông Ozu, - anh ta đáp. - Bà không biết tên ông ấy sao?

- Đúng thế, - tôi nói khó nhọc, - tôi không hiểu lắm. Tên ông ấy viết thế nào nhỉ?

- O, z, u, - anh ta nói.

- À, ra thế, - tôi nói. - Ông ấy là người Nhật phải ko?

- Chính xác, thưa bà. Ông Ozu là người Nhật.

Chàng trai nhã nhặn chào từ biệt. Tôi lẩm bẩm câu chào trong ngực, đóng cửa và ngồi phịch xuống ghế, đè bẹp cả Léon.

Ông Ozu. Tôi tự hỏi liệu có phải tôi đang có một giấc mơ quá sức tưởng tượng ko, với sự hồi hộp, lồng ghép các hành động xảo quyệt, vô vàn sự trùng hợp và cách gỡ nút chung cục với cảnh mặc đồ ngủ, một con mèo mập ú dưới chân và chiếc đài loẹt xoẹt để báo thức được đặt sẵn sóng của France Inter.

Nhưng thực ra, chúng ta đều biết rõ rằng, giấc mơ và thức đêm không có điểm chung, và qua cảm nhận bằng giác quan của mình, tôi biết chắc chắn tôi đang thức.

Ông Ozu! Con trai của nhà đạo diễn? Hay là cháu? Hay là một người họ hàng xa?

Thế đấy.