Nhím thanh lịch - Phần 18 chương 01 - 02 - 03 - 04 - 05

MƯA MÙA HẠ

1

Bí mật

Tôi đeo kính vào và đọc tên sách.

Léon Tolstoi, Anna Karénine.

Và một tấm thiệp:

Gửi bà Michel,

Dành tặng con mèo của bà,

Thân mến,

Kakuro Ozu

Người ta luôn cảm thấy vững tâm khi tỉnh ngộ khỏi chứng bệnh hoang tưởng của chính mình.

Tôi đã thấy rõ ràng. Tôi đã bị lột mặt nạ.

Nỗi kinh hoàng ập đến xâm chiếm tôi.

Tôi đứng dậy như một cái máy, rồi lại ngồi xuống. Tôi đọc lại tấm thiệp.

Có cái gì đó chuyển dịch trong tôi - vâng, tôi không biết nói thế nào khác, tôi có cảm giác kỳ cục là một môđun bên trong dịch chuyển chiếm chỗ của một môđun khác. Điều này chưa bao giờ xảy ra với bạn sao? Bạn sẽ cảm thấy có sự sắp xếp lại bên trong mình, bạn không thể miêu tả bản chất của sự sắp xếp đó, nhưng nó liên quan đến cả tinh thần lẫn không gian, giống như khi chuyển nhà vậy.

Dành tặng con mèo của bà.

Với sự hoài nghi không giả dối, tôi nghe thấy một tiếng cười nhỏ, một kiểu cười rúc rích, phát ra từ cổ họng của chính mình.

Tôi lo sợ, nhưng cũng thấy buồn cười.

Bị thúc đẩy bằng một xung năng nguy hiểm - tất cả các xung năng đều nguy hiểm đối với người nào sống cuộc đời bí mật -, tôi đi tìm một tờ giấy, một cái phong bì và một chiếc bút bi Bic (màu da cam) và viết:

Cảm ơn ông, lẽ ra không cần như thế.

Bà gác cổng

Tôi thận trọng bước ra tiền sảnh - không một bóng người - và bỏ bức thư vào thùng thư của ông Ozu.

Tôi rón rén bước trở lại phòng mình - vì vẫn chẳng có ai cả - và tôi kiệt sức ngã vật xuống chiếc ghế bành, cảm thấy mình đã hoàn thành nghĩa vụ.

Cảm giác mạnh mẽ về cái gì đó nổi lên trong tôi.

Một cái gì đó không rõ ràng.

Xung năng ngớ ngẩn đó không những không chấm dứt được sự vây đuổi, mà còn làm nó tăng lên gấp bội. Đó là một sai lầm chiến lược cơ bản. Điều bất ngờ khó chịu này bắt đầu khiến tôi phải căng thẳng thần kinh.

Một câu đơn giản: Tôi không hiểu, ký tên bà gác cổng có lẽ sẽ là hiển nhiên.

Hoặc: Ông đã nhầm, tôi gửi trả lại ông gói đồ.

Không kiểu cách, ngắn gọn và chính xác. Nhầm người nhận.

Mưu mẹo và dứt khoát: Tôi không biết đọc.

Quanh co hơn: Con mèo của tôi không biết đọc.

Tế nhị: Cám ơn, nhưng quà Tết thường được gửi vào tháng Một.

Hay kiểu hành chính: Đề nghị nhận lại.

Thay vì những câu đại loại như vậy, tôi viết văn vẻ như thể chúng tôi đang ở một câu lạc bộ văn học.

Cám ơn ông, lẽ ra không cần như thế.

Tôi bật dậy khỏi ghế và chạy ào ra cửa.

Than ôi, ba lần than ôi.

Qua cửa kính, tôi nhận ra Paul N’Guyen đang đi về phía thang máy, tay cầm lá thư.

Tôi tuyệt vọng.

Chỉ còn lại lựa chọn duy nhất: không lộ diện.

Cho dù xảy ra chuyện gì, tôi không ở đây, tôi không biết gì, tôi không trả lời, tôi không viết, tôi chẳng làm gì cả.

Ba ngày trôi qua trong tâm trạng bất an. Tôi tự thuyết phục mình rằng cái mà tôi quyết định không nghĩ đến thực ra không tồn tại, nhưng tôi không thôi nghĩ đến nó, đến mức một lần tôi đã quên không cho Léon ăn, con mèo giờ đây trở thành lời chỉ trích câm lặng.

Sau đó, khoảng mười giờ, có người bấm chuông phòng tôi.

2

Công việc vĩ đại của giác quan

Tôi mở cửa:

Trước mặt tôi là ông Ozu.

- Chào bà, - ông ấy nói với tôi, - tôi rất vui vì món quá của tôi không làm bà khó chịu.

Tôi rùng mình, không hiểu gì cả.

- Có, có, - tôi trả lời, cảm thấy mồ hôi vã ra như tắm. - Mà không, không, - tôi chậm rãi nói tiếp với vẻ xúc động. - Vâng, cám ơn ông nhiều.

Ông ấy cười lịch sự.

- Bà Michel, tôi đến không phải để nghe bà cảm ơn tôi.

- Không ư? - tôi bỏ dở câu nói một cách điêu luyện theo kiểu “lời ngưng trên môi” của Phèdre, Bérénice(22) và Didon(23) tội nghiệp.

22. Nhân vật trong kịch của Jean Racine (1639-1699)

23. Nhân vật trong vở opera Didon và Ênée của Henry Purcell(1639-1695)

- Tôi đến để mời bà dùng bữa tối ngày mai cùng tôi, - ông ấy nói. - Như vậy, chúng ta sẽ có dịp để nói về những sở thích chung.

- Ồ, - tôi đáp bằng câu trả lời tương đối ngắn.

- Chỉ là một bữa tối giữa hàng xóm với nhau, rất đơn giản, - ông ấy nói tiếp.

- Giữa hàng xóm với nhau? Nhưng tôi là người gác cổng, - tôi viện cớ, mặc dù trong đầu cực kỳ bối rối.

- Hoàn toàn có thể có cả hai tư cách cùng một lúc, - ông ấy trả lời.

Trời đất thánh thần ơi, làm thế nào bây giờ!

Tất nhiên lúc nào cũng có con đường dễ dàng, mặc dù tôi ghét phải đi theo nó. Tôi không có con cái, tôi không xem tivi và tôi không tin vào Thượng đết, mà đó-là tất cả những lối mòn người ta thường đi để cuộc sống dễ dàng hơn. Con cái giúp trì hoãn nhiệm vụ đau đớn là tự đối mặt với chính mình, sau đó lại là cháu chắt. Tivi làm đổi hướng khởi sự cần thiết phát mệt mỏi phải xây dựng những dự định từ con số không trong cuộc đời phù phiếm của chúng ta; bằng cách phỉnh phờ đôi mắt, tivi làm cho trí óc thoát khỏi công việc vĩ đại của giác quan. Cuối cùng, Thượng đế làm dịu đi những lo sợ của chúng ta, loài động vật có vú, và viễn cảnh không thể chịu đựng nổi là một ngày nào đó những thú vui của chúng ta sẽ kết thúc. Thế là, không có tương lai, cũng không có con cháu, không có các điểm ảnh để làm u mê ý thức vũ trụ về sự phi lý, trong khi vẫn tin vào kết cục và thấy trước được hư vô, tôi nghĩ là có thể nói rằng tôi đã không chọn con đường dễ dàng.

Tuy nhiên, tôi lại bị cám dỗ mạnh mẽ.

- Không, cảm ơn, tôi đã có việc bận, là cách trả lời thông thường nhất.

Ngoài ra, còn nhiều câu khác lịch sự hơn.

- Cám ơn lòng tốt của ông, nhưng tôi bận như bộ trưởng (hơi khó tin).

- Tiếc quá, ngày mai tôi phải đi Megève (kỳ quặc).

- Tôi rất tiếc, nhưng tôi còn gia đình (cực kỳ giả dối).

- Con mèo của tôi bị ốm, tôi không thể để nó một mình (tình cảm ủy mị).

- Tôi đang ốm, tôi muốn ở nhà (trơ trẽn).

Cuối cùng, tôi đang định nói: cám ơn, nhưng tuần này tôi có khách, thì tính cách nhã nhặn trong sáng của ông Ozu đang đứng trước mặt tôi bỗng nhiên mở ra một khoảng không chói sáng trong thời gian.

3

Phi thời gian

Bông tuyết rơi trong quả cầu.

Trước đôi mắt ký ức tôi, trên bàn của Cô, cô giáo dạy tôi đến khi tôi học lớp lớn của thầy Servant, có một quả cầu bằng thủy tinh. Khi được khen, chúng tôi được phép xoay nó, và giữ nó trong lòng bàn tay đến khi bông tuyết cuối cùng rơi xuống chân tháp Eiffel mạ crôm. Khi chưa tròn bảy tuổi, tôi đã biết nhịp rơi chậm chạp đến đơn điệu của những đốm bong nhỏ xíu báo trước điều mà trái tim cảm thấy khi có một niềm vui to lớn. Thời gian rơi chậm dần và giãn ra, điệu balê kéo dài vô tận vì không có va chạm, và khi bông tuyết cuối cùng rơi xuống, chúng tôi biết rằng mình đã trải qua quãng phi thời gian, dấu hiệu của những sự giác ngộ lớn. Khi còn nhỏ, tôi thường tự hỏi liệu sau này tôi có được trải qua những khoảnh khắc giống như vậy không và có được đứng giữa vở balê chậm và trang nghiêm của những bông tuyết mà cuối cùng cũng được bứt ra khỏi sự sôi động buồn tẻ của thời gian không.

Cô cảm thấy trần trụi không? Trút bỏ toàn bộ trang phục khỏi thân thể, còn trí óc vẫn bị vướng víu bởi những thứ đồ trang sức. Nhưng lời mời của ông Ozu đã gợi lên trong tôi cảm giắc về sự trần trụi toàn phần này, sự trần trụi của tâm hồn cô đơn và, được bao phủ bằng những bông tuyết, giờ đây đối với trái tim tôi lại giống như vết bỏng thú vị.

Tôi nhìn ông ấy.

Và tôi lao mình vào dòng nước đen, sâu thẳm, lạnh buốt và thanh lịch của phi thời gian.

4

Lớp gôm mỏng

- Tại sao, tại sao cơ chứ, vì tình yêu với Thượng đế ư? - buổi chiều hôm đó, tôi hỏi Manuela.

- Thế là thế nào? - cô ấy nói với tôi, tay sắp đặt bộ ấm chén uống trà. - Thế thì tốt chứ sao!

- Cô cứ đùa, - tôi rên lên.

- Bây giờ, cần phải thực tế một chút, - Manuela nói. - Chị không thể đi đến đó như thế được. Đầu tóc chị không hợp, - cô ấy nói tiếp và nhìn tôi với con mắt của một chuyên gia.

Bạn có biết quan niệm của Manuela về đầu tóc không? Người phụ nữ quý tộc từ trong tim này lại vô sản về tóc. Uốn, quấn, làm bồng lên rồi xịt một lớp gôm mỏng, theo Manueal, tóc phải mang kiểu cách kiến trúc hoặc không tồn tại.

- Tôi sẽ đi làm đầu, - tôi nói, cố tỏ ra không vội vã.

Manueal nhìn tôi tỏ vẻ nghi ngờ.

- Thế chị sẽ mặc gì? - cô ấy hỏi.

Ngoài áo váy thường ngày, những bộ đồ đúng là dành cho bà gác cổng, tôi chỉ có một kiểu váy trắng như váy cưới, bên ngoài phủ một lớp mùi băng phiến, và một chiếc váy đen sầu thảm tôi thường mặc trong một vài buổi tang lễ hiếm hoi mà tôi được mời.

- Tôi sẽ mặc cái váy đen, - tôi nói.

- Váy đi đám ma ấy à? - Manueal kinh ngạc hỏi.

- Nhưng tôi chẳng có cái nào khác.

- Thế thì phải mua.

- Chỉ là một bữa ăn tối thôi mà.

- Tối biết rồi, - cô thị nữ ẩn mình trong Manuela nói. - Nhưng chả lẽ chị không diện đồ khi đi ăn tối ở nhà người khác à?

5

Đồ ren và trang sức rẻ tiền

Khó khăn bắt đầu từ câu hỏi: mua váy ở đâu? Thông thường, tôi đặt mua quần áo của mình qua bưu điện, kể cả giày dép, đồ lót và áo dệt kim bó sát mặc trong. Ý nghĩ phải mặc thử đồ trước con mắt của một cô gái trẻ mắc chứng chán ăn, những thứ đồ mà trên người tôi trông giống như những chiếc túi, luôn làm tôi quay mặt khỏi các cửa hiệu. Không may là đã quá muộn để có thể hy vọng người ta kịp giao hàng đến tận nhà.

Bạn chỉ cần một cô bạn gái, nhưng phải chọn cho kỹ.

Sáng hôm sau, Manuela lẻn vào phòng tôi.

Cô ấy mang đến một thứ giống như tấm vải bọc ghế và chìa nó cho tôi với nụ cười chiến thắng.

Manuela cao hơn tôi đến mười lăm xăngtimét và nhẹ hơn tôi mười cân. Tôi thấy chỉ duy nhất một người phụ nữ trong nhà cô ấy có vóc người tương tự như tôi: đó là bà mẹ chồng của Manuela, bà Amalia đáng sợ, một người mê mẩn đồ ren và trang sức rẻ tiền đến mức đáng ngạc nhiên, mặc dù bà ấy không phải là người thích phá cách. Nhưng đồ ren kiểu Bồ Đào Nha thể hiện rõ phong cách rococo: không một tí tưởng tượng cũng như nhẹ nhàng nào, chỉ là sự say mê tích lũy, khiến cho chiếc váy trở nên giống như áo ngủ bằng ren và một chiếc áo sơmi bất kỳ trở thành một cuộc thi hoa lá.

Các bạn sẽ biết tôi lo lắng đến mức nào. Bữa tối nay hứa hẹn sẽ là một nỗi đau khổ dai dẳng, cũng có thể là một vở hài kịch.

- Trông chị sẽ giống như một ngôi sao điện ảnh, - Manuela nói. Rồi chợt thương hại: Tôi đùa thôi, - và cô ấy lấy từ trong bao ra một chiếc váy màu be dường như không hề trang trí rườm rà.

- Cô lấy nó ở đâu thế? - tôi vừa xem vừa hỏi.

Nhìn thoáng qua, chiếc váy có vẻ đúng cỡ. Cũng là nhìn thoáng qua, đó là một chiếc váy đắt tiền, bằng vải gabađin len, kiểu cách đơn giản, cổ giống áo sơmi, cài cúc đằng trước. Rất nhã nhặn, rất xịn. Loại váy mà bà de Broglie thường mặc.

- Tối hôm qua, tôi đến nhà Maria, - Manuela nói, nét mặt đặc biệt vui vẻ.

Maria là một cô thợ may người Bồ Đào Nha ở ngay cạnh nhà vị cứu tinh của tôi. Nhưng họ không chỉ là đồng hương. Maria và Manuela cùng lớn lên ở Faro, hai người lại cưới hai trong số bảy anh em trai nhà Lopes và cùng đến Pháp sinh sống; ở Pháp, họ lập kỳ tích sinh con gần như đồng thời, chỉ cách nhau vài tuần. Thậm chí họ còn nuôi chung một con mèo và cùng thích ăn món bánh ngọt thơm ngon.

- Có phải cô định nói đây là váy của người khác không? - tôi hỏi.

- Vâng, - Manuela đáp, hơi bĩu môi. - Nhưng chị biết không, người ta không đòi nó nữa. Bà ấy đã chết tuần trước. Và từ nay đến khi người nhà bà ấy nghĩ đến chuyện còn có một chiếc váy ở hiệu may… chị có đủ thời gian để ăn tối mười bảy lần với ông Ozu.

- Đây là váy của một người chết sao? - tôi hoảng hốt hỏi lại. - Tôi không thể làm thế được.

- Sao cơ? - Manuela nhíu mày hỏi. - Nếu bà ấy còn sống thì còn tệ hơn. Chị hãy tưởng tượng nếu chẳng may bị một vết ố. Lại phải mang đi giặt là, xin lỗi và đủ mọi rắc rối.

Suy nghĩ thực dụng của Manuela có cái gì đó thuộc về hệ ngân hà. Có lẽ tôi phải dựa vào đó để coi cái chết không là gì cả.

- Về mặt đạo đức, tôi không thể làm thế được, - tôi phản đối.

- Đạo đức? - Manuela phát âm từ này cứ như nó đáng ghét lắm. - Đạo đức thì có liên quan gì? Chị có ăn cắp không? Chị có làm gì xấu xa không?

- Nhưng đó là tài sản của người khác, - tôi nói, - tôi không thể lấy làm của mình được.

- Nhưng bà ấy chết rồi! - Manuela kêu lên. - Mà chị không ăn cắp, chị chỉ mượn cho buổi tối hôm nay thôi.

Khi Manuela bắt đầu tranh luận về sự khác biệt ngữ nghĩa, thì hầu như không còn gì để đấu tranh nữa.

- Maria nói với tôi rằng đó là một bà rất tử tế. Bà ấy đã cho Maria vài chiếc váy và một chiếc áo măngtô palpaga đẹp. Vì béo lên nên bà ấy không mặc chúng được nữa, thế là bà ấy bảo Maria: những thứ này có ích gì cho cô không? Chị thấy đấy, bà ấy đúng là rất tử tế.

Palpaga là một giống lạc đà không bướu có bộ lông dày và mềm như len rất được ưa chuộng và cái đầu được trang điểm bằng một quả đu đủ.

- Tôi không biết… - tôi nói dịu hơn một chút. - Tôi có cảm tưởng như ăn cắp của một người đã chết.

Manuela phẫn nộ nhìn tôi.

- Chị mượn, chị không ăn cắp. Thế chị nghĩ con người tội nghiệp ấy còn có thể làm gì với cái váy ấy?

Không cần trả lời câu hỏi này.

- Đến giờ làm cho bà Pallières rồi, - Manuela nói và vui vẻ thay đổi đề tài câu chuyện.

- Tôi sẽ tận hưởng khoảnh khắc đó với cô, - tôi nói.

- Tôi đi đây, - Manuela vừa nói vừa đi ra cửa. - Trong lúc chờ đợi, chị thử váy đi, rồi đi làm đầu, tôi sẽ quay lại để xem thế nào.

Tôi ngắm nghía chiếc váy một lát, thái độ hoài nghi. Ngoài tâm trạng ngập ngừng khi mặc đồ của một người đã chết, tôi còn sợ rằng chiếc váy tạo nên cho tôi ấn tượng bất lịch sự. Violette Grelier là chiếc khăn lau bát đĩa, cũng như Pierre Arthens là khăn lụa, còn tôi là chiếc váy-tạp dề xộc xệch in hoa màu tím nhạt hoặc xanh nước biển.

Tôi đợi khi quay về sẽ làm việc này.

Tôi chợt nhận ra mình thậm chí còn không cảm ơn Manuela.