Nhóm lửa - Chương 04
Chương 04 - Lan Hương
Sài gòn, ngày… tháng… năm…
Chị Lan Hương mến,
Hai tuần rồi, không thấy chị về, ba má và bọn em mong chị ghê vậy đó. Ba má bảo em viết thư hỏi thăm chị xem tại sao thế ? Có bận việc gì chỉ cũng phải viết thư về cho gia đình yên tâm chứ ! Nếu thu xếp để về được cuối tuần này thì hay lắm, em có chuyện muốn hỏi ý kiến chị đó.
Tiện đây, em kể lại chị nghe câu chuyện đã khiến em phải suy nghĩ không ngơi suốt mấy ngày nay. Chị đọc và suy nghĩ rồi khi về, cho em biết ý kiến nhé !
Chị nhớ Dũng chứ ? Con trai bác Sơn ở Cần Thơ đấy ! Em nhớ thì dường như chị mới tiếp xúc với hắn có hai ba lần gì đó thì phải ! Có một lần, chị đã nói với em : con người của Dũng như mang nặng một hoài bão nào đó… Chị nhận xét thật đúng, hắn có một nếp sống định hướng và rất tin tưởng vào hướng đi của mình. Hôm nọ, mấy ngày sau khi từ chối lời mời hợp tác với ban Four Stars của chúng em, hắn mời em và con Lan Phương cùng đi thăm một cô nhi viện, nơi mà hắn và người bạn tên Nhật đang hoạt động. Lan Phương bực mình vì lời từ chối của hắn, nó không chịu học với hắn, từ chối luôn chuyến đi. Phần em, thực sự, em cũng bực mình không kém - làm sao vui được khi có kẻ khác làm phật ý mình, mà ý mình nào phải là ý có hại cho hắn - nhưng vì lịch sự, vả, em muốn xem hắn định toan tính gì ? Em nhận lời đi cùng hắn. Thằng Tuấn, con Lan Anh cũng có mặt trong chuyến đi này. Dũng và Nhật mới đến Sàigòn, và bọn hắn cũng mới đến cô nhi viện Từ Tâm này đâu hai ba lần, vậy mà bọn trẻ ở đó đối với bọn hắn thật thân mật như đã quen biết nhau từ lâu. Bọn hắn chung tiền mua bánh, kẹo đến chia cho bọn trẻ, hát cho bọn trẻ nghe, dạy bọn trẻ hát, bày trò chơi với bọn trẻ. Nhật có tài kể chuyện rất hấp dẫn, hắn kể những chuyện lịch sử khô khan mà bọn trẻ nghe say mê. Chính em, đôi lúc, em đã thấy mình như bé nhỏ hẳn, như trở lại cái tuổi lên mười, mười một, cái tuổi say mê những chiến công oanh liệt của anh hùng dân tộc. Dũng không nói, Nhật cũng không nói rõ, nhưng em biết, ý bọn hắn muốn được em giúp một tay…
Chắc chị chưa quên những ý tưởng của em ngày xưa. Cho đến bây giờ, em vẫn còn cho những ý tưởng đó là đẹp. Em hình dung lại những tối nhàn hạ cách đây hai năm, khi chị còn đang học sư phạm và em đang sửa soạn thi phần nhất, em với chị hay ra ngồi trên ghế xích đu trước vườn tâm sự, vẽ vời mộng ước cho nhau nghe. Chị em mình cùng có những ước vọng thật đẹp. Chị em mình cùng thấy tương lai là một màu xanh tràn đầy hy vọng, cùng tưởng chừng khi lớn lên, sẽ làm được những việc phi thường, cải tạo hoàn toàn cái xã hội đau thương này… Rồi lớn lên, ngày chị ra trường, ngày em thi phần hai… Chị bắt đầu chán nản vì phải va chạm với thực tế ngoài đời, em cũng khởi sự buồn bực, nếu không muốn nói là bất mãn trước sự thực. Em cho rằng lý tưởng chỉ là không tưởng. Lập Four Stars, em muốn tạo cho mình một tên tuổi, em cũng muốn đưa đẩy mình vào những giờ phút tìm quên. Em chưa đến nỗi có ý tưởng như một số bạn bè : còn sống ngày nào, cứ hưởng thụ ngày ấy, nhưng cũng gần như vậy. Lý tưởng của chị em mình tưởng chừng đã chắp cánh về hẳn miền dĩ vãng…
Sau chuyến đi thăm cô nhi viện với Dũng, bỗng nhiên, em thấy những mộng đẹp ngày xưa đang vỗ cánh bay về. Bao nhiêu lần em muốn khuất phục Dũng, rồi cuối cùng, em chịu thua hắn. Lần này, hắn đã gieo vào lòng em một chút tin tưởng, rằng mình vẫn có thể làm được những gì mình cho là cao đẹp và ước muốn làm được. Em sắp thua hắn rồi chị ạ… Sắp thua vì em thấy rằng rồi em sẽ phải chọn lựa, một đàng là thụ hưởng tìm quên, một đàng là dấn thân hành động. Dù sao, em cũng phải học, em không thể ôm đồm cả hai…
Viết thư này đến chị, viết những ý nghĩ của em đến chị, em mong chị đọc với tâm hồn của chị em mình hai năm về trước…
Chị cố thu xếp để về cuối tuần này. Em mong lắm. Chúc chị an vui.
Mến.
Em trai của chị
TRÍ
***
Người tài xế quay lại hỏi :
- Thưa cô, biệt thự Trần Long ?
Tôi giật mình, gấp lá thư của Trí lại :
- À… vâng… Biệt thự Trần Long… Sắp đến rồi đó ông à… Đó, căn biệt thự có cái cổng sắt xanh lá cây…
Chiếc taxi dừng lại trước cổng. Tôi trả tiền rồi bước khỏi xe, tiến đến bên cổng. Chưa kịp bấm chuông gọi, em gái út tôi, Lan Anh, đã trông thấy, chạy vội ra mở cổng. Nó tíu tít hỏi thăm :
- Chị Hương, sao lâu quá chị không về ? Ba má và tụi em ở nhà mong chị ghê vậy đó !
- Chị có việc bận quá…
- Bận đến nỗi không viết thư về được nữa ?
- Trách oan chị rồi đấy… Làm gì lại bận đến thế. Nhưng vì công việc không ước chừng được thời gian, cứ định viết thư nhưng lại sợ xong việc thình lình, chị về được thì thành ra lá thư… là lá thư vô duyên mất !
Trí lấp ló nơi cửa sổ phòng học. Thấy tôi, nó mừng rỡ chạy ra. Trí đỡ hộ cái va li nặng. Nó trách Lan Anh :
- Mầy hư quá đi thôi, sao không xách hộ chị Hương ?
Lan Anh :
- Tại em thấy chị Hương về, em mừng quá, em quên chứ bộ…
Trí :
- Em mong chị quá chừng, nhưng chị về hôm nay thì hơi đáng tiếc một chút…
- Sao vậy ?
- Dũng về Cần Thơ thăm bác Sơn từ chiều qua rồi… Chiều ngày kia hắn mới xuống…
- Ừ, thế thì tiếc thật…
Lan Phương chạy ra :
- Có quà cho em không đó chị Hương ?
Tôi cười :
- Gớm, mới gặp mặt đã đòi quà rồi… Chị không quên đâu… Mà này, má với thằng Tuấn đâu rồi ?
Trí :
- Sao chị chỉ hỏi má với thằng Tuấn ?
- Thì ba làm gì chị không biết giờ này ông còn đang ngủ khò…
Trí cười :
- Chị nhớ dai quá… Em tưởng xa nhà rồi chị quên mất cái tật sáng chủ nhật thức dậy trễ của ba rồi chứ !
- Làm sao quên được em. Nhớ nhiều hơn nữa là khác. Nhất là vào những lúc ở không, nhớ nhà đến phát khóc được… Ờ, mà em chưa cho chị biết, má và thằng Tuấn đâu không thấy ?
Lan Phương :
- Thằng Tuấn đang học…
Tôi lắc đầu :
- Cái thằng đến thành… con mọt sách mất thôi… Còn má ?
- Má đang… mà kìa, má ra kìa !
Má tôi bước vào phòng khách. Tôi chạy lại ôm chầm lấy má. Má tôi hỏi :
- Sao kỳ này ở trên ấy lâu thế con ?
- Con có việc bận bất ngờ má à… Chắc má mong lắm… Con xin lỗi má nghe má…
- Lỗi phải gì, thấy con về là má mừng rồi… Dạo này con hơi gầy đó nghe…
Trí :
- Phải đấy, chị dạo này hơi gầy đấy… Chị bận việc gì vậy ?
- Chút nữa rồi chị sẽ kể cho em nghe. Bây giờ, để chị đi rửa mặt cái đã chứ…
***
Vắng mặt Dũng, có đáng tiếc thật đấy, nhưng nhờ thế, chị em tôi dễ dàng trò chuyện, tâm sự hơn. Trong thư, Trí viết hỏi ý kiến tôi về hai con đường mà nó đang phân vân chọn lựa. Tôi không trả lời thẳng câu hỏi đó khi nó lập lại với tôi. Tôi kể cho nó nghe công việc đã cầm chân tôi ở lại Bình Dương hai tuần nay :
- Chi tiếp tay với một đoàn hướng đạo lo giúp đỡ một số dân tị nạn chiến tranh tại một làng nọ. Chị lãnh phần ghi chép lý lịch, công việc dễ dàng lắm nhưng dân tị nạn đông quá, nhiều người lại không biết chữ, gây khó khăn quá…
Trí ngắt lời tôi :
- Chị chưa trả lời câu em hỏi ?
Tôi nhìn sâu vào mắt Trí :
- Chị vừa trả lời với em rồi đó…
- Em… em chưa hiểu rõ…
- Ý nghĩa việc làm của chị hai tuần nay có khác gì ý nghĩa việc hoạt động của Dũng ở cô nhi viện Từ Tâm…
Giọng em tôi trầm trầm :
- Em hiểu chị muốn nói gì rồi…
Tôi nói với cảm tưởng rằng mình đang ở địa vị một giáo sư Sử Địa và em trai tôi, đang là đứa học trò ngoan :
- Kinh nghiệm cho chị thấy rằng ở tuổi còn cắp sách đến trường, trong đà hăng say, nếu có những ước vọng đẹp, hãy cố gắng thực hiện đi. Đừng để dành đến khi ra đời như chị… Ra đời rồi, thật khó cho mình làm những gì mình muốn làm…
Trí hơi cúi đầu. Tôi thấy bờ môi em tôi mím lại. Dường như nó đang bị dằng co dữ dội giữa hai ngã đường và vẫn chưa quyết định được. Thốt nhiên, tôi nhớ đến những tối cách đây hơn hai năm, khi chị em tôi còn xây bao mộng đẹp, những mộng ước của tuổi trẻ Việt Nam đang muốn dựng lại căn nhà Hồng Lạc…