Chú bé mang pijama sọc - Chương 17 - 18

Chương 17

Mẹ làm theo cách riêng của mình

Mấy tuần tiếp theo lặng lẽ trôi qua, mẹ Bruno dường như mỗi ngày một không vừa lòng với cuộc sống ở Ao Tuýt và cậu hiểu hết sức rõ ràng tại sao lại vậy. Xét cho cùng, ngày từ đầu khi họ tới đây cậu đã rất ghét nơi này, bởi vì sự thật là nó chẳng giống nhà chút nào và thiếu vắng những thứ kiểu như ba đứa bạn thân nhất trần đời. Nhưng rồi qua thời gian điều đó đã thay đổi, hầu như là nhờ Shmuel, với cậu nó đã trở nên còn quan trọng hơn cả Karf, Daniel và Maurin trước đây. Nhưng mẹ cậu thì không có Shmuel nào của riêng mình cả. Chẳng có ai để bà nói chuyện cùng, và người duy nhất mà bà từng có chút thân thiện – tay trung úy Kotler trẻ tuổi ấy – cũng đã bị thuyên chuyển tới nơi khác.

Mặc dù Bruno luôn cố để mình không phải là kiểu con trai dành thời giờ nghe lén qua lỗ khóa hoặc ống khói, một chiều cậu lại tình cờ đi ngang qua phòng làm việc của cha đúng lúc cha mẹ cậu đang nói chuyện trong đó. Cậu không định nghe trộm, nhưng cha mẹ nói khá to nên cậu không thể không nghe lỏm.

“Thật kinh khủng,” mẹ cậu nói. “Thật sự kinh khủng. Em không thể chịu đựng thêm nữa.”

“Chúng ta không có lựa chọn khác,” cha nói. “Đây là nhiệm vụ của chúng ta và...”

“Không, đây là nhiệm vụ của anh,” mẹ cậu nói. “Nhiệm vụ của anh, không phải của chúng ta. Anh cứ ở lại nếu anh muốn.”

“Thế rồi mọi người sẽ nghĩ sao,” cha cậu hỏi, “nếu anh cho phép em và các con trở về Berlin mà không có anh? Họ sẽ hỏi vô khối câu về sự tận tụy của anh đối với công việc ở đây.”

“Công việc ư?” mẹ cậu kêu lên. “Anh gọi cái này là công việc ấy hả?”

Bruno không nghe thêm gì nhiều nữa bởi vì những giọng nói đang tiến lại gần cửa hơn và luôn có khả năng là mẹ sẽ tức giận ào ra tìm kiếm một ly sherry thuốc, thế nên cậu không nghe nữa mà quay trở lại chạy lên cầu thang. Tuy nhiên, cậu đã nghe đủ để hiểu rằng họ có thể sắp được trở về Berlin, và cậu ngạc nhiên khi không biết mình phải cảm thấy ra sao về chuyện đó.

Có một phần trong con người cậu còn nhớ mình đã rất yêu cuộc sống hồi còn ở đó, nhưng giờ nhiều thứ hẳn đã thay đổi. Karl và hai đứa bạn thân nhất mà cậu không nhớ ra tên giờ có lẽ cũng đã quên mất cậu. Bà nội đã mất và cả nhà hầu như cũng chẳng khi nào còn nghe tin từ ông nội, cha cậu bảo ông không còn minh mẫn nữa.

Nhưng mặt khác, cậu đã dần quen với cuộc sống ở Ao Tuýt: cậu không phiền lòng với ông Liszt, cậu trở nên thân thiện với Maria hơn nhiều so với dạo còn ở Berlin, Gretel vẫn đang giai đoạn tránh xa cậu (thế nên cô có vẻ như đã đỡ giống một “trường hợp vô vọng” hơn) và những cuộc trò chuyện với Shmuel mỗi buổi chiều khiến cậu ngập tràn hạnh phúc.

Bruno không biết phải cảm thấy thế nào nên đã quyết định dù có ra sao thì cậu vẫn sẽ chấp nhận mà không phàn nàn.

Mấy tuần tiếp theo chẳng có gì thay đổi, cuộc sống tiếp diễn như thường. cha cậu dành hầu hết thời gian hoặc ở trong phòng làm việc hoặc ở bên kia hàng rao. Mẹ cậu lặng thinh suốt ngày và ngủ chiều nhiều đến khủng khiếp, nhiều khi thậm chí còn không phải ngủ vào buổi chiều mà vào trước giờ ăn trưa, và Bruno thấy lo lắng cho sức khỏe của bà bởi vì cậu chưa từng biết ai lại cần đến nhiều rượu thuốc tới vậy. Gretel thì ở lỳ trong phòng tập trung vào đủ thứ bản đồ mà cô dán lên tường và tham khảo báo chí hàng giờ liền trước khi di chuyển những chiếc đinh ghim ra khỏi vị trí một chút. (Ông Liszt hết sức hài lòng về cô ở việc làm này).

Còn Bruno làm chính xác điều cậu được yêu cầu và không hể gây ra lộn xộn, cậu thích thú với sự thật là mình có một người bạn bí mật mà không ai hay biết.

Rồi một ngày cha Bruno triệu tập cậu và Gretel vào phòng làm việc và thông báo với hai chị em về những thay đổi sắp diễn ra.

“Ngồi xuống đi các con,” ông nói, chỉ tay vào hai chiếc ghế bành bọc da to đùng mà trước đó lần nào có dịp ghé ngang phòng làm việc của cha hai chị em cũng không được ngồi vì lý do găng tay bẩn. Cha Bruno ngồi xuống sau bàn làm việc. “Cha mẹ đã quyết định có vài thay đổi,” ông nói tiếp, trông ông hơi buồn khi nói vậy. “Nói cha nghe: các con có hạnh phúc khi ở đây không?”

“CÓ, thưa cha, tất nhiên ạ,” Gretel đáp.

“Tất nhiên rồi, thưa cha,” Bruno đáp.

“Và hai con không nhớ Berlin chút nào?”

Hai chị em ngừng lặng một lát và len lén nhìn nhau, tự hỏi ai trong hai đứa sẽ chiu trách nhiệm trả lời. “Vâng, con nhớ Berlin kinh khủng,” cuối cùng Gretel lên tiếng. “Con sẽ rất thích nếu lại được có bạn bè.”

Bruno mỉm cười, nghĩ về bí mật của mình.

“Bạn be,” cha cậu nói, gật đầu. “Phải, cha vẫn thường nghĩ về chuyện đó. thỉnh thoảng chắc các con cô đơn lắm nhỉ.”

“Rất cô đơn ạ,” Gretel nói bằng giọng quả quyết.

“Thế còn con, Bruno,” cha cậu hỏi, giờ thì nhìn thẳng vào cậu. “Con có nhớ các bạn không?”

“Ồ, có chứ ạ,” cậu đáp, cân nhắc câu trả lời hết sức cẩn thận. “Nhưng con nghĩ con sẽ nhớ mọi người bất kể là con ở đâu.” Đó là một câu gián tiếp đề cập tới Shmuel nhưng cậu không muốn làm cho nó sáng rõ hơn chút nào nữa.

“Nhưng con có muốn trở lại Berlin không?” cha cậu hỏi. “Nếu như có cơ hội.”

“Tất cả chúng ta ạ?” Bruno hỏi.

Cha cậu thở dài đánh thượt và lắc đầu. “Mẹ, Gretel và con trở về nhà cũ của chúng ta ở Berlin. Con có thích thế không?”

Bruno suy nghĩ một lát. “À, con không thích thế đâu nếu cha không ở đó,” cậu nói, bởi vì đấy là sự thật.

“Vậy con có thích ở đây với cha hơn không?”

“Con thích tất cả bồn chúng ta sống cùng nhau,” cậu nói, miễn cưỡng cộng thêm Gretel vào đó nữa. “Bất kể đó là ở Berlin hay Ao Tuýt.”

“Ôi Bruno!” Gretel kêu lên giận dữ, và Bruno không biết liệu đó là vì cậu có thể đang làm hỏng kế hoạch trở về Berlin hay bởi vì (theo cô) cậu lại tiếp tục phát âm sai tên ngôi nhà của họ.

“A, hiện thời cha e rằng điều đó là không thể,” cha cậu nói. “Cha e là Quốc trưởng sẽ chưa giảm gánh nặng vai trò chỉ huy cho cha ngay lúc này. Nhưng mặt khác, mẹ nghĩ đây là thời điểm hợp lý cho ba mẹ con trở về nhà và mở lại cửa ngôi nhà, và khi cha nghĩ kĩ...” ông dừng lại một lát và nhìn ra ngoài ô cửa sổ phía bên trái – khung cửa nhìn ra khu trại ở phía bên kia hàng rào. “Khi cha nghĩ kỹ, có lẽ mẹ các con đúng. Có lẽ đây không phải là nơi dành cho trẻ con.”

“Có hàng trăm đứa trẻ ở đây mà,” Bruno nói, cậu không nghĩ kỹ lời mình trước khi thốt ra. “Chỉ có điều họ ở bên kia hàng rào mà thôi.”

Một khoảng im lặng nối theo sau lời nhận xét đó, nhưng nó không giống với một khoảng lặng thông thường khi mà đơn giản là không có ai đang nói. Nó giống như một khoảng lặng mà vô cùng nào loạn. Cha cậu và Gretel nhìn cậu chằm chằm còn cậu thì chớp mắt đầy kinh ngạc.

“Ý con là gì khi nói có hàng trăm đứa trẻ đằng kia?” cha cậu hỏi. “Con biết gì về những điều đang diễn ra đằng kia?”

Bruno mở miệng toan nói nhưng lại lo là cậu sẽ tự đưa mình vào rắc rối nếu bộc lộ quá nhiều. “Con có thể thấy chúng từ cửa sổ phòng con,” cuối cùng cậu lên tiếng. “Tất nhiên là chúng ở rất xa, nhưng có vẻ như có hàng trăm đứa. tất cả đều mặc đồ pyjama sọc.”

“À phải rồi, đồ pyjama sọc,” cha cậu nói, gật đầu. “Thế là con đã quan sát họ phải không?”

“Con đã nhìn thấy họ,” Bruno đáp. “Con không chắc như thế có giống nhau không.”

Cha cậu mỉm cười. “Tốt lắm, Bruno,” ông nói. “Và con đúng đấy, ‘quan sát’ và ‘nhìn thấy’ không thật sự giống nhau.” Cha cậu lại ngần ngừ, rồi ông gật đầu, như thể ông đã đưa ra kết luận cuối cùng.

“Mà không, mẹ các con mới đúng,” ông nói, nói thật to nhưng không nhìn cả Gretel lẫn Bruno. “Mẹ các con đã hoàn toàn đúng. Các con đã ở đây đủ lâu rồi. đã đến lúc các con về nhà.”

Và thế là quyết định đã được đưa ra. Tin trở về Berlin được gửi đi trước, nhà phải được chùi dọn, cửa sổ lau sạch, tay vịn cầu thang đánh véc ni, khăn trải là ủi, giường soạn sẵn sàng, rồi cha Bruno tuyên bố cha mẹ cùng hai chị em cậu sẽ trở về Berlin trong tuần.

Bruno nhận thấy cậu không mong đợi điều đó nhiều như cậu từng trông ngóng và cậu lo sợ phải báo tin này cho Shmuel.

Chương 18

Suy Tính Chuyến Phiêu Lưu Cuối Cùng

Hôm sau ngày cha Bruno nói với cậu rằng cậu sẽ trở về Berlin sớm, Shmuel đã không đến hàng rào như thường lệ. Ngày sau nữa nó cũng không tới. Vào ngày thứ ba, khi Bruno tới cũng chẳng có ai ngồi bệt khoanh chân trên đất, cậu chờ mười phút rồi khi đã định quay về nhà, vô cùng lo lắng rằng sẽ phải rời Ao Tuýt mà không được gặp lại bạn, thì xa xa một chấm nhỏ bỗng biến thành vết đốm rồi biến thành hình viên tròn rồi biến thành hình dáng rồi biến thành một chú bé mặc pyjama sọc.

Bruno nở một nụ cười khi cậu nhìn thấy hình dáng ấy đi về phía cậu, cậu liền ngồi xuống đất, lấy miếng bánh mì và quả táo cậu đã lén mang theo ra đưa khỏi túi đưa cho Shmuel. Nhưng ngay cả khi còn ở rất xa cậu đã có thể thấy rằng bạn cậu trông thậm chí còn buồn bã hơn bình thường, và khi tới gần hàng rào nó chẳng hề chộp lấy thức ăn với sự háo hức mọi ngày.

“Tớ cứ tưởng cậu chẳng bao giờ tới đây nữa đấy,” Bruno nói. “Hôm qua và cả hôm kia nữa tớ đã đến đây nhưng không thấy cậu.”

“Tớ xin lỗi,” Shmuel nói. “Có chuyện đã xảy ra.”

Bruno nhìn nó và nheo mắt lại, cố đoán xem đó có thể là chuyện gì. Cậu băn khoăn không biết có phải Shmuel cũng được thông báo rằng nó sắp phải trở về nhà không; xét cho cùng, sự trùng hợp như vậy cũng dễ xảy ra lắm, cũng như chuyện Bruno và Shmuel có chung ngày sinh nhật ấy.

“Sao?” Bruno hỏi. “Chuyện gì vậy?”

“Cha tớ,” Shmuel nói. “Nhà tớ không tìm thấy cha.”

“Không tìm thấy cha? Kỳ lạ nhỉ. Ý cậu là cha cậu bị mất tích à?”

“Tớ đoán là thế,” Shmuel nói. “Hôm thứ Hai cha vẫn ở đây, rồi cha đi làm việc với một vài người khác và chẳng ai trong số họ trở lại nữa cả.”

“Cha cậu không viết thư cho cậu à?” Bruno hỏi. “Hay để lại lời nhắn báo tin khi nào về?”

“Không có,” Shmuel nói.

“Lạ quá,” Bruno nói. “Cậu đã đi tìm cha chưa?” cậu hỏi sau một giây lát.

“Dĩ nhiên là tớ đã tìm,” Shmuel nói với một tiếng thở dài. “Tớ đã làm việc mà cậu đã luôn nói tới. Tớ đã làm vài cuộc thám hiểm.”

“Và chẳng thấy dấu hiệu nào?”

“Ừ.”

“Ừm, chuyện này thật lạ” Bruno nói. “Nhưng tớ nghĩ chắc hẳn sẽ có một lời giải thích rất đơn giản.”

“Và đó là gì?” Shmuel hỏi.

“Tớ hình dung là những người đó đã được đưa đi làm việc ở một thành phố khác và họ phải ở lại đó vài ngày cho đến khi công việc hoàn thành. Mà bưu điện ở đó lại không được tốt lắm. Tớ đoán là cha cậu sẽ trở về một ngày gần đây thôi.”

“Tớ cũng hy vọng thế,” Shmuel nói, trông nó như sắp phát khóc. “Tớ không biết nhà tớ sẽ phải làm gì nếu không có bố.”

“Tớ có thể hỏi cha tớ nếu cậu muốn,” Bruno thận trọng nói, hy vọng Shmuel sẽ không đồng ý.

“Tớ e đó không phải là một ý hay,” Shmuel nói, câu nói đó, trong nỗi thất vọng của Bruno, không hẳn là một lời từ chối dứt khoát.

“Tại sao lại không chứ?” cậu hỏi. “Cha tớ rất hiểu biết về đời sống ở phía bên đó của hàng rào đấy.”

“Tớ không nghĩ là những người lính thích bọn tớ,” Shmuel nói. “À,” nó thêm vào tiếng gì đó gần giống như một tiếng cười mà nó có thể nặn ra. “Tớ biết chắc họ không thích chúng tớ. Họ căm ghét chúng tớ.”

Bruno giật nảy mình kinh ngạc. “Tớ chắc chắn họ không ghét bọn cậu đâu,” cậu nói.

“Có đấy,” Shmuel nói, cúi người về phía trước, mắt nheo lại và môi hơi bĩu ra giận dữ. “Nhưng thế cũng tốt bởi vì tớ cũng căm ghét bọn họ. Tớ căm ghét bọn họ,” nó quyết liệt nhắc lại.

“Cậu không ghét cha tớ chứ, phải không?”, Bruno hỏi.

Shmuel cắn môi không nói gì. Nó đã nhìn thấy cha Bruno một đôi lần và không thể hiểu làm sao một người như thế lại có thể có một đứa con thân thiện và tốt bụng tới vậy.

“Thôi,” Bruno nói sau một khoảng ngưng vừa đủ, không muốn thảo luận về chủ đề đó thêm nữa. “Tớ cũng có một vài chuyện cần nói với cậu.”

“Cậu ư?” Shmuel hỏi, ngước nhìn lên đầy hy vọng.

“Phải. Tớ sắp sửa trở về Berlin.”

Miệng Shmuel há hốc vì ngạc nhiên. “Khi nào?” nó hỏi, tiếng nói như ríu lại trong cổ họng.

“Ừ, hôm nay là thứ Năm,” Bruno nói. “Nhà tớ sẽ đi vào thứ Bảy. Sau bữa trưa.”

“Nhưng đi bao lâu?” Shmuel hỏi.

“Tớ nghĩ là đi hẳn luôn,” Bruno nói. “Mẹ tớ không thích Ao Tuýt – mẹ nói đó không phải là nơi để nuôi dạy hai chị em – vậy nên cha tớ ở đây làm việc bởi vì Quốc trưởng có nhiều việc lớn cần cha làm còn những người còn lại trong gia đình sẽ trở về nhà.”

Cậu nói từ “nhà”, mặc dù thực sự thì cậu không chắc chắn “nhà” giờ ở đâu nữa.

“Thế tớ sẽ không được gặp lại cậu nữa à?” Shmuel hỏi.

“À, một ngày nào đó, có chứ,” Bruno nói. “Cậu có thể làm một kỳ nghỉ tới Berlin. Xét cho cùng cậu không thể ở đây mãi được. Đúng vậy không?”

Shmuel lắc đầu. “Tớ nghĩ là không,” nó buồn bã nói. “Cậu đi rồi tớ sẽ chẳng còn ai để nói chuyện nữa,” nó nói thêm.

“Không đâu,” Bruno nói. Cậu muốn thêm mấy từ “tớ cũng sẽ nhớ cậu, Shmuel” vào câu nói nhưng cảm thấy hơi ngượng nên lại thôi. “Vậy cho tới khi cậu tới thăm Berlin được thì mai sẽ là lần cuối cùng bọn mình được gặp nhau,” cậu nói tiếp. “Rồi sau đó bọn mình sẽ phải tạm biệt. Tớ sẽ cố đem tới cho cậu một bữa thiết đãi thật đặc biệt.”

Shmuel gật gật đầu nhưng không thể tìm được lời nào để diễn tả nỗi buồn của mình.

“Tớ ước gì chúng ta có thể chơi cùng nhau,” Bruno nói sau một khoảng ngưng dài. “Chỉ một lần thôi. Chỉ để ghi nhớ.”

“Tớ cũng vậy,” Shmuel nói.

“Bọn mình đã nói chuyện với nhau hơn một năm rồi nhưng bọn mình chưa bao giờ được chơi cùng nhau cả. Và cậu có biết gì nữa không?” Bruno nói thêm.

“Suốt thời gian đó tớ đã ngắm nhìn nơi cậu sống từ cửa sổ phòng ngủ của tớ mà lại chưa bao giờ được tận mắt nhìn thấy nói đó như thế nào.”

“Cậu sẽ không thích nó đâu,” Shmuel nói. “Nơi cậu ở tốt hơn rất nhiều,” nó nói thêm.

Tớ vẫn thích được nhìn thấy nơi đó,” Bruno nói.

Shmuel suy nghĩ một thoáng rồi với xuống, luồn tay qua dưới hàng rào nhấc lên đôi chút, lên cao đủ để một cậu bé có tầm vóc như Bruno có thể chui qua.

“Này?” Shmuel nói. “Tại sao lại không chứ?”

Bruno chớp mắt suy nghĩ về việc đó. “Tớ không nghĩ là tớ được phép làm vậy,” cậu nói đầy nghi ngại.

“Ừm, thì cậu cũng đâu có được phép tới đây nói chuyện với tớ hằng ngày,” Shmuel nói. “Nhưng cậu vẫn làm đấy thôi, đúng không?”

“Nhưng nếu bị bắt gặp thì tớ sẽ gặp rắc rối đấy,” Bruno nói, cậu chắc chắn là cha mẹ cậu sẽ không cho phép.

“Đúng vậy rồi,” Shmuel nói, lại hạ hàng rào xuống và rưng rưng nhìn xuống đất. “Vậy chắc là mai tớ sẽ gặp cậu để tạm biệt.”

Trong một khoảnh khắc không cậu nào nói gì. Đột nhiên, Bruno nảy ra một ý tưởng bất chợt.

“Trừ phi…” cậu cất tiếng, suy nghĩ một lát, ấp ủ một kế hoạch trong đầu. Cậu với tay lên đầu sờ nơi đã từng là mái tóc của cậu nhưng giờ chỉ còn là những chân tóc lởm chởm chưa mọc lên hết. “Cậu có nhớ đã có lần bảo tớ trông giống cậu không?” Cậu hỏi Shmuel. “Hồi tớ bị cạo trọc đầu ấy?”

“Chỉ mập hơn thôi,” Shmuel tiếp lời, thừa nhận.

“Ừ, nếu đúng là như vậy,” Bruno nói, “và nếu tớ cũng có một bộ pyjama sọc, tớ có thể sang thăm chỗ cậu mà chẳng ai phát hiện được.”

Mặt Shmuel sáng bừng và nó nở một nụ cười tươi. “Cậu nghĩ vậy thật chứ?” nó hỏi. “Cậu sẽ làm thế chứ?”

“Dĩ nhiên rồi,” Bruno nói. “Đó sẽ là một cuộc phiêu lưu vĩ đại. Chuyến phiêu lưu cuối cùng của chúng ta. Rốt cuộc thì tớ cũng có thể làm một cuộc thám hiểm ra trò.”

“Và cậu có thể giúp tớ tìm cha,” Shmuel nói.

“Sao không chứ?” Bruno nói. “Chúng ta sẽ đi một vòng xem có tìm được dấu vết nào không. Cứ đi thám hiểm là khôn ngoan rồi. Vấn đề duy nhất là kiếm được một bộ pyjama sọc không ai dùng.”

Shmuel lắc đầu. “Chuyện đó dễ thôi,” nó nói. “Bọn họ có một cái trại chuyên để cất pyjama sọc. Tớ có thể lấy một bộ cỡ như tớ mà mang theo. Sau đó cậu có thể thay đồ và rồi chúng ta sẽ đi tìm cha tớ.”

“Tuyệt vời,” Bruno nói, ngất ngây trong niềm hào hứng của khoảnh khắc ấy. “Vậy kế hoạch là thế nhé.”

“Ngày mai giờ này chúng ta sẽ gặp lại,” Shmuel nói.

“Lần này thì đừng trễ đấy,” Bruno nói, đứng dậy phủi bụi. “Và đừng quên bộ pyjama sọc.”

Chiều hôm đó cả hai cậu bé đều trở về nhà trong hưng phấn cao độ, Bruno tưởng tượng ra cuộc phiêu lưu vĩ đại phía trước, cuối cùng thì cậu cũng có cơ hội tận mắt thấy thực sự điều gì đang diễn ra phía bên kia hàng rào trước khi trở về Berlin – chưa kể còn được dự vào một cuộc điều tra nghiêm túc nho nhỏ - còn Shmuel thì đã thấy một cơ hội được ai đó giúp nó đi tìm cha. Tóm lại, đó có vẻ giống như một kế hoạch hết sức hợp lý và là cách tuyệt vời để tạm biệt nhau.