Sử ký Tư Mã Thiên - Chương 01 - Phần 01

Thái Sử Công tự đề tựa

Thái Sử Công nói :

- Cha tôi (Cha Tư Mã Thiên, là Tư Mã Đàm, làm chức Thái sử) có nói :

“Sau khi Chu Công mất được năm trăm năm thì có Khổng Tử. Khổng Tử mất đến nay đã được năm trăm năm. Nếu có kẻ nối nghiệp, soi sáng cho đời, chỉnh lý được Dịch truyện tiếp tục Kinh Xuân Thu, nắm được cái gốc của Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, thì là ở lúc này đây! Ở lúc này đây”.

Kẻ hèn mọn này dám đâu từ chối việc ấy.

Quan thượng đại phu là Khổn Toại nói :

- Tại sao ngày xưa Khổng Tử lại làm Kinh Xuân Thu?

Thái Sử Công nói :

- Tôi nghe Đổng Sinh (Tức Đổng Trọng Thư, một nhà nho có tiếng sống cùng thời với Tư Mã Thiên) nói: “Đạo nhà Chu bị suy bỏ, Khổng Tử làm tư khấu ở nước Lỗ, bị các nước chư hầu hại, các quan đại phu ngăn cản. Khổng Tử biết lời nói của mình không được dùng, đạo của mình không được thi hành, bèn phê phán những việc xảy ra trong hai trăm bốn mươi hai năm, để làm khuôn phép cho thiên hạ. Người chê Thiên tử, ức chế chư hầu, phạt tội các đại phu, để nêu rõ vương đạo nên như thế nào”. Khổng Tử nói, “Ta muốn lấy lời nói suông để chép về đạo không bằng chứng minh ở việc làm thì càng sâu sắc, rõ ràng hơn”. Kinh Xuân Thu trên làm sáng tỏ đạo của Tam Vương (ba đời vua: nhà Hạ, nhà Thương, nhà Chu) dưới phân biệt quy tắc của con người, biệt bạch chuyện hiềm nghi, soi sáng điều phải trái, quyết định điều còn do dự, khen điều hay, chê điều dở, tôn người hiền, chê kẻ bất tiếu, bảo tồn lấy cái nước đã mất, nối lại cái đời đã đứt, vá lại cái đã rách, dựng lại cái đã bị bỏ, đó là một điều lớn của đạo vương vậy!

Kinh Dịch chép trời đất, âm dương, bốn mùa, ngũ hành, cho nên giỏi về chỗ biến hoá. Kinh Lễ chép về luân lý con người cho nên giỏi về đức hạnh.

Kinh Thư chép về việc làm của các vua đời trước, cho nên giỏi về chính trị.

Kinh Thi chép về núi, sông, hang, suối, chim, muông, cây cỏ, trống, mái, đực, cái, cho nên giỏi về nói bóng gió. Kinh Nhạc làm cho người ta vui, cho nên giỏi về hòa hợp. Kinh Xuân Thu phân biệt phải trái, cho nên giỏi về việc trị người.

Vì vậy, Kinh Lễ là để giữ gìn con người. Kinh Nhạc là để làm cho hòa hợp. Kinh Thư để bàn việc. Kinh Thi để tỏ ý, Kinh Dịch để nói về sự biến hóa, Kinh Xuân Thu để dạy về việc nghĩa. Giúp đời loạn làm cho nó trở lại đường ngay, thì không sách nào cần thiết bằng Xuân Thu.

Xuân Thu chữ có mấy vạn, ý của nó mấy nghìn, vạn vật tan hợp đều ở Kinh Xuân Thu. Trong Kinh Xuân Thu ba mươi sáu vua bị giết, năm mươi nước bị mất, các chư hầu ngược xuôi chạy vạy không giữ nổi nước của mình, không kể hết. Xét lại sao như vậy, thì đều là bỏ mất cái căn bản (tức là nhân nghĩa - N. D.)

Vì vậy, nên Kinh Dịch nói, “Sai một hào một ly, lầm đến nghìn dặm!”.

Cho nên nói, “Tôi giết vua, con giết cha, không phải duyên cớ một sớm một chiều mà ra, cái đó đã ngấm ngầm từ lâu rồi”.

Cho nên, kẻ có nước không thể không biết Kinh Xuân Thu: trước mặt có kẻ gièm pha mà mình không biết, sau lưng có quân giặc mà mình không hay.

Người làm tôi không thể không biết Kinh Xuân Thu; nếu không, gặp việc thường không biết nên như thế nào, gặp việc biến không biết xoay xở ra sao.

Làm vua làm cha mà không thông thạo về nghĩa lý của Xuân Thu thì hẳn mang lấy cái tiếng gây ra tội. Làm tôi làm con, mà không thông thạo nghĩa lý của Xuân Thu, thì hẳn hãm vào tội cướp ngôi giết cha, cái tiếng tử tội. Thực ra, họ vẫn cứ cho rằng đó là phải mà làm; vì không biết nghĩa lý, nên bị tai tiếng không sao tránh khỏi. Chỉ vì không hiểu cái thâm thuý của lễ và nghĩa, mà đến nỗi vua không ra vua, tôi không ra tôi, cha không ra cha, con không ra con. Vua chẳng ra vua thì phạm tội với lễ nghĩa; tôi chẳng ra tôi thì phải giết; cha chẳng ra cha thì vô đạo, con chẳng ra con thì bất hiếu. Bốn điều ấy là những lỗi lớn ở trong thiên hạ. Buộc cho họ cái lỗi lớn ở trong thiên hạ mà họ không dám từ chối.

Cho nên Kinh Xuân Thu, là gốc lớn của lễ, nghĩa. Lễ là để cấm trước khi việc xảy ra, pháp luật là để trừng trị sau khi việc đã xảy ra. Công dụng của pháp luật dễ thấy, còn công dụng của lễ để ngăn cấm thì khó biết.

Khổn Toại nói :

- Đời Khổng Tử, trên không có vua sáng, dưới không được tin dùng, cho nên người mới làm Kinh Xuân Thu để lại cái lời suông đặng nối tiếp lễ, nghĩa, làm phép tắc của một vị vua. Nay ông ở trên thì gặp đức vua sáng suốt, ở dưới thì được giữ chức quan, muôn việc đều được sắp đặt đúng chỗ, vậy điều ông bàn đó là muốn soi sáng cái gì?

Thái Sử Công nói :

- Dạ, dạ! Không, không! Đâu phải thế! Tôi nghe cha tôi nói, “Phục Hy hết sức thuần hậu, làm ra tám quẻ kinh dịch: Thượng Thư chép nền thịnh trị đời Nghiêu, Thuấn, do đó mà làm ra lễ nhạc; công của Thành Thang, Vũ Vương được thi nhân ca tụng. Kinh Xuân Thu khen điều thiện, chê điều ác, suy diễn cái đức thời Tam Đại, khen nhà Chu, chứ nào có chê bai mà thôi đâu?” Từ khi nhà Hán nổi lên, đến đức vua chúng ta nay, được điềm lành, lễ phong thiện (Lễ tế trời ở trên núi Thái Sơn), thay niên hiệu (Vũ Đế bắt đầu đặt niên hiệu là Kiến Nguyên - 110 trước công nguyên) đổi áo mũ, chịu mệnh của cao xanh, ơn đức thấm đến chỗ vô cùng. Những người xa lạ ở ngoài bể hai ba lần dịch tiếng đều đến chầu, xin nộp cống, kể không hết. Trăm quan ở dưới ra sức tán tụng thánh đức cũng còn chưa nói hết ý.

Hơn nữa, có kẻ sĩ hiền và có tài mà không dùng là điều sĩ nhục của nước; chúa thượng có đức sáng mà đức không được truyền rộng ra, thì đó là lỗi của kẻ bề tôi.

Vả chăng tôi làm chức ấy mà bỏ thánh đức không chép, hủy bỏ công nghiệp của các công thần, các đại phu hiền đức không thuật lại, bỏ lời cha dạy, thì tội còn gì nặng hơn? Tôi chỉ thuật lại chuyện xưa, sắp đặt lại các truyện trong đời, chứ có phải là tự làm ra đâu, ông đem sánh với Xuân Thu thì lầm to.

Thế rồi biên chép sắp đặt văn Sử Ký được bảy năm thì Thái Sử Công gặp cái họa Lý Lăng, bị cùm trói trong tù.

Bèn bùi ngùi mà rằng :

- Đó là tội của ta! Đó là tội của ta! Thân tàn không dùng được nữa rồi!

Nhưng rồi lại suy nghĩ kỹ mà rằng, “Ôi! Viết sách làm thơ, đó là điều những người trong lúc cùng, dùng để truyền đạt cái ý nghĩ của mình”. Xưa Tây Bá (Vua Văn Vương nhà Chu) bị tù ở Dĩu Lý nên diễn giải Chu dịch. Khổng Tử gặp nạn ở đất Trần, đất Thái, nên viết Xuân Thu; Khuất Nguyên bị đuổi, viết Lý Tao; Tả Khâu Minh bị mù làm Quốc ngữ; Tôn Tẫn cụt chân bán binh pháp; Lữ Bất Vi bị đày sang Thục, đời truyền lại sách Lữ Lâm; Hàn Phi bị tù ở Tần, làm những thiên Thuyết nan, Cô Phẫn; ba trăm bài ở Kinh Thi phần lớn đều do thánh hiền làm ra để giải bày các nỗi phẫn uất. Những người ấy đều vì có những điều uất ức không biểu lộ ra được, cho nên thuật lại việc xưa mà lo truyền lại người sau.

Do đó, bèn soạn thuật cho xong từ thời Nghiêu cho đến năm được lân thì dừng bút (Hán Vũ Đế, năm Nguyên Thú năm đầu - 123 trước Công nguyên, được một con thú có sừng, chân có năm móng, cho là con lân - Khổng Tử năm xưa làm Xuân Thu, đến năm vua Ai Công nước Lỗ săn được con lân thì dừng bút.

Ở đây, Thái Sử Công có ngụ ý sách Sử Ký của ông cũng nối theo sách Xuân Thu của Khổng Tử), bắt đầu từ Hoàng đế (Bài tự này viết theo lối vấn đáp: đầu tiên nêu ý định của cha là xây dựng một sự nghiệp như Khổng Tử để chứng minh mình tiếp tục công trình của cha. Sau đề cao Xuân Thu đồng thời gián tiếp khẳng định tác dụng cửa Sử Ký. Vì sợ nói thế táo bạo quá nên thoái thác nói mình không sáng tác, tác phẩm mình không dám sánh với Xuân Thu. Cuối cùng bộc lộ sự phẫn uất của mình, đồng thời biểu lộ cái chí muốn viết Xuân Thu. Lối văn biến hóa, khúc chiết xứng đáng bài tựa của một tác phẩm lớn. Đoạn này trích trong thiên cuối cùng của Sử Ký).

Thư trả lời Nhâm An

Tôi, hạng trâu ngựa Tư Mã Thiên, Thái Tử Công, kính thưa Thiếu Khanh túc hạ. (1)

Trước đây ông có hạ cố gửi thư dạy phải cẩn thận về việc tiếp người, cốt phải tôn người hiền, tiến cử kẻ sĩ, ý ông ân cần tha thiết, hình như trách tôi không nghe lời dạy mà lại theo lời bọn thế tục tầm thường. Tôi đâu dám thế.

Tôi tuy hèn nhát, nhưng cũng đã từng trộm nghe lời chỉ giáo của bậc trưởng giả. Vì một nỗi thân hình tàn phế, địa vị hẫm hiu, hễ động là bị chê trách, muốn được ích thì trở lại có hại, cho nên uất ức một mình không biết nói cùng ai.

Tục ngữ có câu: “Làm cho ai biết, nói cho ai nghe?” Chung Tử Kỳ chết rồi, Bá Nha suốt đời không gảy đàn nữa! Tại sao vậy? Vì kẻ sĩ ra sức với người tri kỹ, con gái làm dáng với người yêu mình, theo tôi thì cái thân này đã hỏng rồi, tuy tài có bằng châu của Tùy Hầu, ngọc của Biện Hòa, hạnh có cao bằng Bá Di, Hứa Do, rút cục cũng không có cách gì mà lòe với ai, chẳng qua chỉ để mua cười và tự làm ô nhục mình mà thôi!

Thơ của ông đáng lý phải đáp ngay, nhưng giữa lúc theo hoàng thượng sang Đông, lại vì việc riêng cấp bách, ít có dịp gặp nhau. Vội vàng không có lúc nào rảnh có thể tỏ hết nổi lòng. Nay Thiếu Khanh gặp tội không biết đến thế nào. Ngày qua tháng lại, cuối đông sắp tới... (2) Tôi lại sắp phải theo nhà vua đi Ung Châu, sợ có sự chẳng may xảy ra thì tôi rút cục đành chịu không sao bày tỏ nỗi buồn bực để cho ông rõ, mà hồn phách kẻ vĩnh biệt (3) sẽ riêng ân hận không cùng. Tôi xin trình bày qua tấc dạ quê mùa. Để lâu không trả lời, xin đừng bắt lỗi.

Tôi nghe: sửa mình là dấu hiệu của trí: yêu thương giúp đỡ người là đầu mối của nhân: định nên lấy cái gì, cho cái gì là biểu hiện của nghĩa: gặp cảnh sĩ nhục là điều quyết định của dũng: lập danh là cái cao nhất của đức hạnh. Kẻ sĩ có năm điều ấy thì mới có thể sống ở đời mà đứng ở vào hàng quân tử; Cho nên tai họa tệ nhất là thiếu tiền chuộc tội, đau không có gì thảm hơn là đau lòng: nết xấu nhất là nhục đến cha mẹ, nhục nặng nhất là bị cung hình (4)! Con người bị hình phạt sống thừa không còn đáng đếm xỉa nữa, điều đó không phải chỉ ở đời này mà đã có từ lâu. Ngày xưa Vệ Linh Công cùng đi với Ung Cừ, Khổng Tử bỏ sang nước Trần, Thương Ưởng nhờ Cảnh Giám được yết kiến Tần Vương, Triệu Lương thấy lạnh cả ruột (5); Đồng Tử ngồi bên xe;Viên Ti biến sắc mặt (6). Từ xưa đã từng lấy điều đó làm xấu hổ. Đến kẻ tài năng bậc trung, mà việc dính líu đến bọn hoạn quan, còn không ai không mũi lòng, huống gì kẻ sĩ có chí khẳng khái lại không biết hay sao?

Nay triều đình tuy thiếu người, nhưng lẽ nào lại để kẻ bị cưa dao sống sót mà còn tiến cử kẻ hào kiệt trong thiên hạ? (7)

Tôi nối nghiệp tiền nhân mà chầu chực dưới xe loan đã hơn hai mươi năm nay. Tôi vẫn thường tự nghĩ: mình trên đã không thể tỏ lòng trung tín, được tiếng khen là có tài, có sức, có mưu lạ, để được bậc minh chủ đoái thương, lại cũng không biết lượm lặt cái bỏ sót, chấp vá cái thiếu thốn, đón người hiền, tiến cử người tài, làm vinh hiển kẻ sĩ ở ẩn trong chốn núi non, ở ngoài không thuộc vào hàng ngũ có công đánh thành xông trận, chém tướng giật cờ, cùng ra nữa cũng không ngày ngày tích lũy công lao, để được quan cao, lộc hậu, làm đẹp mặt họ hàng bè bạn.

Cả bốn điều đó tôi không dược điều nào. Cho nên tôi đành nương náu qua thì, đó cũng đủ thấy tôi chẳng có gì là hay ho cả.

Tôi cũng đã thường mon men dự vào hành hạ đại phu, được dự bàn bạc ở ngoại đình. Lúc ấy, tôi chẳng biết trình bày mối giường, dâng lên những điều suy nghĩ. Đến nay thì thân hình đã sứt mẻ, làm người tôi đòi, ở trong đám ti tiện, lẽ nào còn muốn ngẩng đầu, giơ mặt trình bày phải trái! (8). Thế chẳng hóa ra khinh triều đình, làm xấu hổ cho kẻ sĩ trên đời này lắm sao! Than ôi! Than ôi!

Như tôi đây còn nói năng gì nữa, còn nói năng gì nữa!

Vả chăng, việc của tôi gốc ngọn không dễ thấy rõ. Từ nhỏ tôi mang cái tài phóng túng (9), lớn lên không được làng xóm khen ngợi. May chúa thượng vì cớ cha tôi, cho tôi được trổ chút nghề mọn, ra vào nơi cấm vệ. Tôi nghĩ rằng con người đội chậu làm sao còn nhìn được trời;vì vậy cho nên không giao tiếp với khách khứa, quên việc sản nghiệp của gia đình. Ngày đêm đem cái tài sức kém cỏi của mình, chỉ cốt một lòng làm tròn chức vụ, để mong được chúa thượng thương đến. Thế mà lại gặp cái việc trái hẳn ý của mình.

Tôi và Lý Lăng điều ở dưới môn hạ chúa thượng, vốn cũng không quen thân nhau, chí hướng khác nhau, chưa từng nâng chén rượu, vui vẻ ân cần. Thế nhưng tôi thấy ông ta là kẻ sĩ kỳ lạ, biết tự giữ mình, thờ cha mẹ có hiếu, đối với kẻ sĩ thì tin, liêm khiết ở chỗ tiền tài, giữ nghĩa trong việc cho và lấy, biết phân biệt nhường nhịn, khiêm tốn, cung kiệm chìu người, thường lo hăng hái quên mình để tính việc cần kíp của nước nhà, đó là cái điều chứa chất ở trong lòng ông ta, tôi cho ông ta có cái phong thái của người quốc sĩ.

Ôi! Kẻ làm tôi biết liều trong lúc muốn chết không nghĩ đến sự sống của mình, lao vào nạn nước nhà như thế cũng đã là lạ vậy. Nay chỉ bị một lần hỏng việc, thế mà những người tôi lo giữ thân mình, giữ vợ con, cứ thêu dệt thêm cái lỗi ông ta, tôi lòng riêng đau xót vì việc đó.