Sử ký Tư Mã Thiên - Chương 02 - Phần 03

7. Tháng tám ngày Kỷ Hợi, Triệu Cao muốn làm phản, nhưng sợ quần thần không nghe, nên trước tiên phải thử. Y dâng Nhị Thế một con hươu, và bảo rằng đó là con ngựa.

Nhị Thế cười nói :

- Thừa tướng lầm đấy chứ! Sao lại gọi con hươu là con ngựa? Nhị Thế hỏi các quan xung quanh. Những người xung quanh im lặng, có người nói là “ngựa” để vừa lòng Triệu Cao, cũng có người nói “hươu”.

Nhân đấy Triệu Cao để ý những người nào nói là “hươu” để dùng pháp luật trị tội. Sau đó quần thần đều sợ Cao.

Trước đấy Cao thường nói: “Bọn ăn trộm ở Quan Đông không làm được gì”. Nhưng đến khi Hạng Vũ đã cầm tù được tướng Tần là Vương Ly ở chân thành Cự Lộc và đem quân tiến đánh, bọn Chương Hàm bị thua trận rút lui, dâng thư xin tiếp viện, các nước Yên, Triệu, Tề, Sở, Hàn, Nguỵ đều lập vua, từ Quan Trung về phía đông, phần lớn nhân dân đều chống lại quan lại nhà Tần, hưởng ứng theo chư hầu, chư hầu đều đem tất cả nhân dân đi về hướng tây. Bái Công cầm mấy vạn quân đã làm cỏ thành Vũ Quan, cho người bàn riêng với Triệu Cao. Triệu Cao sợ Nhị Thế giận giết cả mình bèn cáo bệnh không đi chầu. Nhị Thế nằm mộng thấy con hổ trắng cắn chết con ngựa bên trái trong cỗ xe của nhà vua trong lòng không vui. Nhị Thế lấy làm lạ, hỏi người bói mộng.

Người bói mộng nói :

- Nguồn gốc của tai hoạ là do sông Kinh.

Nhị Thế bèn ăn chay ở “Vọng Di Cung” muốn cúng sông Kinh, dìm bốn con ngựa trắng xuống sông và sai sứ giả trách Triệu Cao về việc giặc cướp.

Triệu Cao sợ bèn bàn mưu quy tội cho chúng ta. Ta muốn thay đổi vua lập công tử Anh. Tử Anh là người nhân đức, cần kiệm, trăm họ đều kính trọng lời nói của ông ta.

Triệu Cao liền sai lang trung lệnh làm nội ứng giả vờ báo cáo có giặc lớn, sai Diễm Nhạc triệu tập các tướng đem quân đuổi giặc. Ép mẹ của Diễm Nhạc đưa vào nhà của Cao (Vì sợ Diễm Nhạc phản mình, nên phải nắm lấy mẹ y làm con tin), sai Diễm Nhạc cầm hơn một nghìn người đến cửa “Vọng Di Cung”.

Nhạc trói người vệ binh giữ cung và các bộc xa (chức quan võ nhỏ) mà nói :

- Quân giặc đã vào thành tại sao không ngăn cản chúng lại.

Viên quan giữ thành nói :

- Ở những nhà xung quanh thành, tôi đã bố trí binh sĩ rất cẩn thận làm sao lại có giặc dám vào cung được?

Diễm Nhạc bèn chém quan giữ thành, đem quân đi vào, vừa đi vừa bắn.

Các quan lang và bọn hoạn quan hoảng hốt, có người bỏ chạy, có người kháng cự. Ai kháng cự thì chết, chết tất cả mấy mươi người. Lang trung lệnh và Diễm Nhạc đều bước vào, bắn vào cái màn Nhị Thế ngồi.

Nhị Thế nổi giận gọi những người hầu đến. Mọi người đều hoảng sợ không dám chống cự, chỉ có một viên hoạn quan hầu ở bên cạnh không dám bỏ đi. Nhị Thế bước vào cuối trướng nói :

- Tại sao nhà ngươi không báo với ta từ trước để đến nỗi gặp tình cảnh này?

Viên hoạn quan nói :

- Thần sở dĩ được sống là nhờ không dám nói. Nếu nói trước thì thần đã bị giết rồi, làm sao còn sống đến ngày nay được?

Diễm Nhạc tiến đến trước mặt Nhị Thế mắng :

- Túc hạ kiêu ngạo ngang ngược, giết người, vô đạo, thiên hạ đều phản lại túc hạ. Túc hạ liệu xem mình nên như thế nào?

Nhị Thế nói :

- Ta có được gặp mặt Thừa tướng hay không?

- Không được!

- Ta muốn làm vua một quận.

Diễm Nhạc không cho, Nhị Thế đành nói :

- Muốn làm vạn hộ hầu.

Cũng không cho, Nhị Thế nói :

- Xin làm bọn “đầu đen” với vợ con cũng như các công tử khác.

Diễm Nhạc nói :

- Tôi vâng lệnh Thừa tướng vì thiên hạ, giết túc hạ. Tuy túc hạ có nhiều lời, tôi cũng không dám báo lại.

Diễm Nhạc vẫy cờ cho binh sĩ tiến đến. Nhị Thế tự sát. Diễm Nhạc quay về báo với Triệu Cao. Triệu Cao bèn triệu tập tất cả công tử và các đại thần báo việc giết Nhị Thế, nói :

- Nguyên nước Tần là một vương quốc, Thủy Hoàng làm vua cả thiên hạ, nên xưng đế. Nay sáu nước lại tự lập, đất đai của Tần càng nhỏ đi, làm đế là chỉ có cái tên hão mà thôi, như thế không nên, nên làm vương như trước.

Bèn lập con người anh của Nhị Thế là công tử Anh, làm Tần Vương, sai chôn Nhị Thế theo lễ một thường dân ở phía nam đất Đỗ, trong vườn Nghi Xuân, bảo Tử Anh, trước khi ra miếu để nhận ấn làm vua, phải ăn chay năm ngày (Đoạn 7 - Nhị Thế bị Triệu Cao giết).

8. Tử Anh bàn với hai người con :

- Thừa tướng Triệu Cao giết Nhị Thế ở “Vọng Di Cung”, sợ bị quần thần giết nên giả vờ lập ta. Ta nghe nói Triệu Cao đã giao ước với Sở tiêu diệt dòng họ nhà Tần, và làm vương ở quan Trung. Nay ông ta bảo ta ăn chay, ra miếu, tức là muốn nhân đấy giết ta ở trong miếu. Ta cáo bệnh không đi, Thừa tướng thế nào cũng thân hành đến, khi đến thì ta sẽ giết.

Triệu Cao sai người mời Tử Anh mấy lần. Tử Anh không đi. Quả nhiên, Triệu Cao thân hành đến hỏi :

- Việc tôn miếu là việc quan trọng. Tại sao nhà vua lại không đi?

Tử Anh bèn cầm giáo đâm chết Triệu Cao ở trai cung, giết ba họ (Cha mẹ, anh em, vợ con. Có sách nói cha, mẹ, vợ) Triệu Cao để nêu gương cho dân Hàm Dương.

Tử Anh làm vua Tần được bốn mươi sáu ngày thì tướng Sở là Bái Công, đã phá quân Tần vào Quan Trung, sau đó đến Bái Thượng, sai người bảo Tử Anh đầu hàng. Tử Anh bèn buộc dây ấn vào cổ (tỏ ra sẵn sàng thắt cổ chết)

ngồi trên một chiếc xe gỗ, không sơn do một con ngựa trắng kéo (Dấu hiệu đám ma), mang ấn, phù của Thiên tử đầu hàng ở gần Chỉ Đạo. Bái Công bèn vào Hàm Dương niêm phong cung thất, các kho rồi về đóng quân ở Bái Thượng.

Được hơn một tháng thì quân chư hầu đến, Hạng Tịch cầm đầu chư hầu giết Tử Anh và các công tử nhà Tần, diệt dòng họ nhà Tần, làm cỏ thành Hàm Dương, đốt cung thất, bắt con trai con gái làm tù, lấy của cải châu báu cùng chia nhau với chư hầu.

Sau khi diệt Tần. Hạng Vũ chia đất Tần cho ba vua gọi là: Ung Vương, Tắc Vương, Địch Vương hiệu là Tam Tần. Hạng Vũ làm Tây Sở Bá Vương, làm chủ việc chia thiên hạ, phong vương cho chư hầu. Thế là nhà Tần bị diệt.

Năm năm sau thiên hạ theo về nhà Hán (Đoạn 8 - Tử Anh giết Triệu Cao, đầu hàng Lưu Bang và nhà Tần diệt vong. Lược bỏ đoạn cuối là một đoạn trong “Quá Tần luận” của Giả Nghị).

(1) Đó là về danh nghĩa còn trong thực tế thì Thủy Hoàng là con của Lữ Bất Vi. Xem Lữ Bất Vi liệt truyện.


(2) Xá nhân:những người khách theo hầu những vị quan to để được cất nhắc.

(3) Bỏ một đoạn nói về việc Tần đánh lấy thiên hạ trong hai mươi lăm năm Tần Thủy Hoàng làm vua.

Đoạn 1 - lai lịch của Tần Thủy Hoàng và tình hình của nước Tần khi Thủy Hoàng làm vua.

(4) Xem Thích khách liệt truyện đoạn nói về Kinh Kha.

(5) Tóm tắt việc thống nhất thiên hạ, tiêu diệt các nước.

(6) Các đời trước không dùng danh từ “chế” và “chiếu”. “chế” quan trọng hơn “chiếu”, chỉ nhà vua mới được dùng chữ ấy, còn Thái Hậu thì có khi dùng chữ “chiếu” khi thay thế nhà vua trị dân, nếu gọi là “chế” tức là có ý muốn làm vua.

“Trẫm” trước là một đại từ chỉ ngôi thứ nhất dành cho mọi người. Sách đạo giáo dùng chữ trẫm để chỉ một lực lượng siêu tự nhiên, một đấng không ai trông thấy. Bọn Lý Tư đề nghị dùng chữ này là vì thế.

(7) Đời Hạ, đời Thương không có “thụy” tức là “hiệu bụt”. Đến đời Chu mới đặt lệ khi vua chết các quan căn cứ vào hành trạng của vua mà đặt hiệu cho vua, cái đó gọi là hiệu bụt. Do đó vị vua nổi về văn, giáo hóa thì gọi là Văn Vương, có vũ công thì gọi là Vũ Vương, ngu tốt, độc ác, thì gọi là U Vương, Lệ Vương.

(8) Đời Tần trở đi thịnh hành thuyết ngũ hành. Thuyết này có vũ trụ có năm yếu tố tạo nên đối lập nhau, thay đổi nhau là: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Nhà Chu là ứng với yếu tố hỏa, nhà Tần thắng Chu thì tất phải ứng với thủy, vì thủy thắng hỏa. Một khi đã như thế thì màu phải là màu đen (đối lập với hỏa là đỏ, kim màu trắng), tháng phải là tháng 10, số phải là số 6 nguyên lý trị nước phải là pháp luật v. v...

(9) Cờ mao làm bằng lông thú, cờ tiết bằng lông chim.

(10) Phù là cái thẻ để làm tin, vua giữ một nữa và người nhận mệnh lệnh của vua (thường để đi đánh xa) để thực hiện việc gìn giữ một nửa. Khi nào nhà vua muốn sai một người thay thế mình thì giao cho người này cái nửa của mình. Nếu hai cái “phù” khớp lại thì đúng là người đến sau thay thế người đến trước để điều khiển quân đội.

(11) Chức quan nhất về tư pháp.

(12) Điều này rất quan trọng. Từ Tần Thủy Hoàng trở đi, trung quốc về mặt chính trị là thống nhất từ trung ương.

(13) Trước gọi là “đàn”sau gọi là “đầu đen”.

(14) Trước kia xe trận trục dài ngắn khác nhau. Mỗi nước đắp đường vừa đủ cho xe của mình đi, xe nước khác trục dài không thể đi được.

(15) Tức là Nhật Nam (miền Quản Nam). Ý nói miền phía Nam mặt trời cố nhiên phải mở cửa về phía bắc mới có mặt trời.

(16) Phúc đạo là đường đi như cầu, bắc từ điện đầu sang điện khác.

(17) Con đường hai bên là tường để vua đi không ai thấy. Nó cũng là một kiến trúc phòng ngự thường dùng trong lúc vận chuyển lương thực. Vì có tường nên quân địch khó lòng cướp chặn được đường lương thực.

(18) Đường rộng 51 bộ chạy từ thủ đô đến tận biên giới phía đông và phía nam, hai bên trồng cây.

(19) Phong thiện là lễ tế trời. Nhà vua sai đắp đất lên một hòn núi cao, thường là núi Thái Sơn để tế. Việc phong thiện thật chỉ bắt đầu từ đời Hán Vũ Đế và tác giả có dành một chương nói tỉ mỉ về việc này (phong thiện thư).

Đoạn 2: Những chủ trương chính trị lớn và công cuộc kiến trúc của Tần Thủy Hoàng. Bỏ một đoạn về những bài thơ ca ngợi công đức của nhà Tần.

(20) Câu này có lẽ thiếu một chữ nên văn không rõ.

(21) Đây là sao chổi, “điềm” báo có tai họa giặc giả. Trong Sử Ký cũng như mọi quyển sử của Trung Quốc thường có những câu đột ngột như vậy.

(22) Ám chỉ vua Tần theo Lý Tư không chia đất cho anh em mà thống nhất tất cả theo lối cai trị theo quận, huyện do các quan lại từ trung ương bổ nhiệm.

(23) Điền Thường giết vua Tề. Lục Khanh chỉ ba họ lớn ở Tấn là Hàn, Triệu, Ngụy đã cướp nước Tấn, chia làm ba nước.

(24) Câu này chứng tỏ Thuần Vu Việt đã theo đạo nho.

(25) Ngũ Đế: Hoàng đế, Chuyên Húc, Cốc, Nghiêu, Thuấn. Tam Đại: Hạ, Thương, Chu.

(26) Lý Tư theo lập trường của phái pháp gia nên rất ghét nhà Nho.

(27) Một điều buồn cười là cũng chính Lý Tư trước đây lại dâng một bức thư cho vua Tần can nhà vua đừng đuổi những người du thuyết trong ấy có Tư. Xem Lý Tư liệt truyện (quyển 2).

(28) Chú ý những ngoại lệ.

(29) Một bộ 5 thước. Một trượng 10 thước.

(30) A có nghĩa là gần.

(31) Con số kinh khủng!

(32) Lư Sinh được Tần THủy Hoàng phái đi tìm thuốc tiên trước đấy 3 năm.

(33) Khái niệm con người bất tử chỉ xuất hiện từ thời chiến quốc. Sách Trang Tử gọi là “chân nhân” về sau gọi là tiên.

(34) Nguyên văn “trong những nguyên tắc của những người phương sĩ” phương sĩ là hạng người tương tự như phù thủy, dùng phù phép, ma thuật để mê hoặc người ta.

(35) Đời Tần Thủy Hoàng còn có những hành động võ đoán hơn các vua nô lệ thời La Mã.

(36) Để đoán điềm lành, điềm dữ.

(37) Một thạch nặng 120 cân.

(38) Từ Phúc nói với vua ở ngoài biển có ba hòn đảo là Bồng Lai, Phương Trượng và Dinh Châu. Tiên ở đấy. Vua cho Phúc đem mấy nghìn người nam nữ trẻ tuổi đi đón tiên về. Từ Phúc cùng họ đi không về nữa.

Truyền thuyết Nhật Bản nói Từ Phúc đến Nhật rồi ở hẳn đấy.

(39) Tổ là đầu cũng như Thủy, Long là chỉ nhà vua. Tổ Long cũng như Thủy Hoàng.

(40) Đoạn 3 - Cách Thủy Hoàng đối xử với đạo Nho, bách gia và bọn phương sĩ.

(41) Bỏ một đoạn gồm những bài thơ ca ngợi.

(42) Chú ý Sơn Đông ở đây, là chỉ miền đất ở phía đông núi Hào Sơn, tức là tất cả sáu nước, còn miền đất ở phía tây tức là nước Tần chứ không phải Sơn Đông bây giờ.

(43) Trong một quận có quan thú coi việc chính trị, quan úy coi về quân sự.

Trong một huyện có lệnh và dưới lệnh có thừa. Đây nói giết những người cầm đầu các quận và các huyện.

(44) Vì Tần ở phía tây, nên hễ nói đi về hướng tây, sang tây là đi về hướng nước Tần, còn đi về đông, sang đông là đi về các nước khác.

(45) Hàn Phi là một du thuyết nổi tiếng, chủ trương thuyết dùng pháp luật trị nước gọi là phái pháp gia. Vì Lý Tư ghen tài nên xúi nhà vua giết chết. Nhắc lại lời của Hàn Phi là ý chế nhạo Lý Tư.

(46) Theo quy chế nhà Chu, Thiên tử có thể có một vạn cổ xe cho nên nói Thiên tử người ta thường gọi là “vạn thặng”.