Sử ký Tư Mã Thiên - Chương 07 - Phần 02

Nhà vua sai thử tìm xem ở trong kho cũ, quả nhiên tìm thấy có cái tên ấy...

Khổng Tử ở Trần ba năm. Lúc bấy giờ, các nước Tần, và Sở tranh cường với nhau và lần lượt đánh bại Trần; nước Ngô cũng đánh Trần. Trần luôn luôn bị đánh phá. Khổng Tử nói :

- Ta về thôi! Ta về thôi! Bọn học trò của ta hăng hái nhưng nông nổi, lo tiến thủ nhưng không quên bản tính của mình.

Khổng Tử bèn rời khỏi đất Trần, đi qua đất Bồ. Vừa lúc ấy họ Công Thúc cầm đầu người đất Bồ nổi loạn. Người đất Bồ giữ Khổng Tử lại. Trong số học trò của Khổng tử có Công Lương Nhu đem năm cỗ xe của mình đi theo Khổng Tử. Ông là người đứng tuổi, tài giỏi, có sức mạnh. Ông ta nói :

- Xưa kia con theo thầy gặp nạn ở đất Khuông, nay lại gặp nạn ở đây, đó là mệnh! Con lại cùng thầy gặp nạn, con quyết chiến đấu mà chết.

Ông ta chiến đấu rất hăng. Người đất Bồ sợ hãi, bảo Khổng Tử :

- Nếu ông không đến nước Vệ thì chúng tôi sẽ cho ông đi.

Khổng Tử cùng họ ăn thề. Họ cho Khổng Tử đi ra phía cửa đông. Khổng Tử liền đến đất Vệ. Tử Cống hỏi :

- Có thể phụ lời thề được sao?

Khổng Tử nói :

- Đó là vì ta bắt buộc phải thề cho nên quỷ thần không nghe.

Vệ Linh Công nghe Khổng Tử đến, mừng rỡ ra ngoại ô đón hỏi :

- Có thể đánh đất Bồ được không?

Khổng Tử nói :

- Được.

Vệ Linh Công nói :

- Các quan đại phu của ta cho là không được. Nay đất Bồ là nơi nước Vệ dùng để chống lại các nước Tần và Sở. Đem nước Vệ mà đánh Bồ có lẽ là không nên chăng?

Khổng Tử nói :

- Đàn ông trong thành có chí quyết chết vì nhà vua. Đàn bà có chí bảo vệ Tây Hà (21). Những người chúng ta phải đánh chẳng qua chỉ bốn năm người.

Vệ Linh Công nói :

- Phải đấy.

Tuy vậy vẫn không đánh Bồ. Vệ Linh Công già, lười biếng việc chính sự, không dùng Khổng Tử. Khổng Tử thở dài than :

- Nếu có người dùng ta thì sau một tháng đã kha khá, sau ba năm thì tốt.

Khổng Tử ra đi. Phật Bật là quan cai trị đất Trung Mâu, Triệu Giản Tử đánh họ Phạm, họ Trung Hàng, và đánh Trung Mâu. Phật Bật làm phản sai người mời Khổng Tử, Khổng Tử muốn đến. Tử Lộ nói :

- Do này nghe thầy nói: “Người làm việc không phải thì người quân tử không vào nước của họ”. Nay chính Phật Bật làm quan cai trị đất Trung Mâu làm phản, tại sao thầy lại muốn đến?

Khổng Tử nói :

- Ta có nói như vậy thật đấy. Nhưng chẳng phải ta có nói rằng “cái mà thật cứng thì mài cũng không mòn; cái mà thật trắng thì bỏ vào thuốc nhuộm cũng không đen. Ta không phải vỏ quả bầu, sao chỉ có thể treo lên mà không thể ăn?”

Khổng Tử gõ khánh. Có người mang sọt đi qua cửa nói :

- Con người gõ khánh kia thật là có lòng suy nghĩ. Người sao mà ương ngạnh! Không ai biết mình cả thì nên bỏ mà đi thôi!

Khổng Tử học đánh đàn cầm với thầy dạy nhạc là Tương Tử. Học mười ngày không tiến. Tương Tử nói :

- Ông có thể tiến nữa.

Khổng Tử đáp :

- Khâu đã quen khúc nhạc này rồi, nhưng chưa nắm được cả quan hệ về số.

Được ít lâu, Tương Tử nói :

- Ông đã nắm được quan hệ về số rồi đấy! Có thể tiến hơn nữa.

Khổng Tử đáp :

- Khâu chưa hiểu được ý nghĩa sâu sắc của nó.

Được ít lâu, Tương Tử nói :

- Ông đã nắm được ý nghĩa sâu sắc của nó rồi đấy! Có thể tiến nữa.

Khổng Tử đáp :

- Khâu chưa biết người làm bản nhạc nhạc này là ai?

Được ít lâu, Tương Tử nói :

- Ông có vẻ oai nghiêm, suy nghĩ sâu, có hoài bão lớn và cao xa.

Khổng Tử nói :

- Khâu này đã biết người ấy là ai rồi. Ông ta lặng lẽ mặt đen, người cao. Mắt như con cừu nhìn xa, như con người làm vua bốn phương, nếu không phải là Văn Vương thì ai có thể như vậy được.

Tương Tử rời khỏi chiếu, lạy hai lạy nói :

- Có vị thầy dạy nhạc vẫn nói điệu nhạc này là do Văn Vương làm ra.

Vì không được dùng ở nước Vệ, Khổng Tử định đi về phía tây yết kiến Triệu Giản Tử, nhưng khi đến sông Hồng Hà thì nghe tin Đậu Minh Độc và Thuấn Hoa đã chết. Khổng Tử đến bờ Hồng Hà than :

- Nước sông mênh mông đẹp thay! Khâu không qua được con sông này là do mệnh vậy.

Tử Cống rảo bước tiến đến nói :

- Xin hỏi tại sao lại nói như vậy?

Khổng Tử nói :

- Đậu Minh Độc và Thuấn Hoa là những quan đại phu tài giỏi ở nước Tấn. Khi Triệu Giản Tử chưa thỏa mản được ý chí của mình thì cần hai người này để nắm được quyền chính. Nhưng khi đãđạt được ý nguyện của mình thì giết đi và lên cầm quyền chính. Khâu nghe nói khi người ta mổ thai giết đứa trẻ trong bụng thì kỳ lân không đến bờ cõi; khi người ta làm cho nước ao khô để bắt ếch thì con giao long không điều hòa âm dương (22); khi người ta lật đổ tổ chim thì phượng hoàng không bay lượn. Tại sao lại thế? Đó là vì người quân tử tránh những người làm hại đến những kẻ giống mình. Chim chó thú vật kia còn biết tránh những kẻ bất nghĩa huống gì Khâu?

Khổng Tử bèn quay lại, nghĩ ở làng Trâu, làm bài ca “Làng Trâu” để tỏ nỗi buồn của mình. Sau đó trở về đất Vệ, ở tại nhà Cừ Bá Ngọc.

Một hôm Vệ Linh Công hỏi Khổng Tử về cách bài binh bố trận. Khổng Tử nói :

- Việc tế lễ thì tôi thường nghe, còn việc quân thì tôi chưa học.

Hôm sau Vệ Linh Công đang nói chuyện với Khổng Tử, thấy con ngỗng trời bèn ngẩng đầu lên nhìn, sắc mặt có vẻ không để ý gì đến Khổng Tử, Khổng Tử lại đi đến đất Trần.

Mùa hạ năm ấy, Vệ Linh Công mất, lập người cháu tức là Xuất Công của nước Vệ. Tháng sáu, Triệu Ưởng đưa Thái tử vào thành Thích (23). Dương Hổ sai Thái tử mang mũ trụ và tám người mặc đồ tang giả vờ đi từ nước Vệ đến đón Thái tử, khóc và vào thành Thích, rồi ở đấy. Mùa đông vua đất Thái dời đô đến Châu Lai. Năm ấy là năm thứ ba đời Lỗ Ai Công, Khổng Tử 60 tuổi. Nước Tề giúp nước Vệ vây đất Thích và Thái tử nước Vệ là Khoái Ngoại ở đấy. Mùa hạ, ngôi miếu của Hoàn Công và Ly Công ở nước Lỗ bị đốt cháy. Nam Cung Kinh Thúc cứu hỏa. Khổng Tử lúc ấy đang ở đất Trần, nói :

- Hỏa hoạn thế nào cũng đang xảy ra ở miếu của Hoàn Công và Ly Công.

Sau đó quả nhiên đúng.

Mùa thu, Quý Hoàn Tử ốm, người ta chở ông ta trên một cái xe đi thăm thành nước Lỗ. Quý Hoàn Tử thở dài than :

- Xưa kia nước này đáng lẽ hưng thịnh! Vì ta có tội với Khổng Tử cho nên nước mới suy đồi.

Quý Hoàn Tử quay lại bảo người con nối nghiệp mình là Khang Tử :

- Khi ta chết, thế nào con cũng làm tể tướng nước Lỗ; nếu làm tể tướng nước Lỗ thế nào con cũng phải mời Trọng Ni.

Sau đó mấy ngày, Quý Hoàn Tử chết, Khang Tử lên thay. Sau khi chôn cất xong, Khang Tử muốn mời Trọng Ni nhưng Công Chi Ngư nói :

- Ngày xưa tiên quân của ta dùng ông ta không trót cho nên bị chư hầu chê cười. Ngày nay, nếu ngài lại dùng ông ta không trót thì sẽ bị chư hầu cười lần nữa.

Khang Tử nói :

- Như thế thì nên mời ai?

- Thế nào cũng phải mời Nhiễm Cầu.

Khang Tử bèn sai sứ mời Nhiễm Cầu. Nhiễm Cầu sắp ra đi, Khổng Tử nói :

- Người Lỗ mời anh Cầu không phải để dùng vào việc nhỏ mà sẽ dùng vào việc lớn.

Ngày hôm ấy, Khổng Tử nói :

- Về thôi! Về thôi! Bọn học trò của ta hăng hái nhưng nông nổi, họ đã khá về mặt đạo đức, nhưng chưa biết giữ mình theo đúng đạo.

Tử Cống biết Khổng Tử nghĩ đến việc trở về nước Lỗ, nên khi tiễn Nhiễm Cầu, nhân dặn ông ta :

- Khi anh được dùng thì phải làm thế nào cho nhà vua mời thầy.

Nhiễm Cầu ra đi. Năm sau, Khổng Tử từ đất Trần đến đất Thái. Thái Chiêu Công đang định đến đất Ngô vì vua Ngô mời. Trước đấy, Thái Chiêu Công lừa dối bầy tôi dời đô đến Châu Lai. Sau đó, ông ta lại định đi. Các quan đại phu sợ ông ta dời đô lần thứ hai. Vì vậy Công Tôn Phiên bắn Chiêu Công chết. Quân Sở xâm chiếm nước Thái.

Mùa thu, vua Tề Cảnh Công chểt. Năm sau, Khổng Tử từ đất Thái đi đến đất Diệp. Diệp Công hỏi Khổng Tử về chính sự. Khổng Tử nói :

- Làm chính sự cốt ở chỗ làm cho người ở xa đến và người ở gần theo mình.

Một hôm, Diệp Công hỏi Tử Lộ :

- Khổng Tử là người như thế nào?

Tử Lộ không biết trả lời ra sao. Khổng Tử nghe vậy nói :

- Này anh Do, tại sao anh không trả lời như thế này: con người ấy học đạo không biết mỏi, dạy người không biết chán. Khi chưa biết đạo thì phát phẫn đến nỗi quên ăn. Khi biết đạo thì vui đến nỗi quên lo, không biết tuổi già sắp đến.

Khổng Tử rời bỏ đất Diệp trở về đất Thái. Trường Thư và Kiệt Nịch đánh đôi cùng cày. Khổng Tử cho họ là những người ở ẩn, bèn sai Tử Lộ đến hỏi họ xem bến đò ở đâu. Trường Thư nói :

- Con người cầm dây cương ấy là ai thế?

Tử Lộ đáp :

- Khổng Khâu đấy.

Trường Thư nói :

- Khổng Khâu nước Lỗ đấy à?

Tử Lộ đáp :

- Phải.

Trường Thư nói :

- Thế thì ông ta biết bến đò rồi!

Kiệt Nịch bảo Tử Lộ :

- Anh là ai?

Tử Lộ đáp :

- Tôi là Trọng Do.

Kiệt Nịch hỏi :

- Anh là học trò Khổng Khâu phải không?

- Vâng ạ.

Kiệt Nịch nói :

- Thiên hạ như nước chảy cuồn cuộn đều như thế cả, ai mà thay đổi được? Vả lại ông theo một kẻ sĩ lo tránh người chi bằng theo một kẻ sĩ lo tránh đời (24).

Rồi hai người cứ cày miết mà không nói. Tử Lộ nói lại với Khổng Tử.

Khổng Tử bùi ngùi nói :

- Ta không thể cùng sống với chim muông. Nếu thiên hạ có đạo thì ta cần sửa nó làm gì?

Một hôm, Tử Lộ đi đường gặp một ông già đang mang trên lưng một cái sọt. Tử Lộ hỏi :

- Cụ thấy thầy của tôi không?

Ông già nói :

- Chân tay anh không lo làm lụng, ngũ cốc anh không phân biệt được, Ta biết thầy của anh là ai?

Cụ già cắm gậy xuống đất rồi cắt cỏ. Tử Lộ nói với Khổng Tử. Khổng Tử nói :

- Đó là một người ở ẩn.

Tử Lộ quay lại thì cụ già đã đi mất.

Khổng Tử dời đến ở đất Thái được ba năm. Nước Ngô đánh nước Trần, nước Sở cứu người Trần, đóng quân ở Thành Phụ. Nghe tin Khổng Tử ở miền đất Trần, đất Thái, vua Sở sai người đem lễ mời Khổng Tử đến nước Sở. Khổng Tử sắp đến chào sứ giả theo đúng lễ. Các quan đại phu đất Trần và đất Thái bàn nhau :

- Khổng Tử là người hiền. Những điều ông ta chê bai đều nhằm đúng vào những chỗ xấu của chư hầu. Nay ông ta ở lâu miền Trần, Thái mà những điều các quan đại phu làm đều sai trái không đúng ý của ông ta. Nước Sở là một nước lớn đem lễ đến mời. Nếu ông ta được dùng ở nước Sở thì các quan đại phu đang được dùng ở đất Trần, đất Thái sẽ nguy mất.

Họ bèn bàn nhau cho bọn đầy tớ vây Khổng Tử ở ngoài đồng, không cho đi.

Khổng Tử hết lương ăn, những người đi theo đều ốm không ai dậy được, nhưng Khổng Tử vẫn giảng giải, vẫn ngâm thơ, đánh đàn và ca hát không tỏ ra suy yếu. Tử Lộ có vẻ giận, đến hỏi :

- Người quân tử cũng có lúc cùng khốn ư?

Khổng Tử nói :

- Người quân tử trong lúc cùng khốn thì giữ vững, còn kẻ tiểu nhân trong lúc cùng khốn thì làm bậy.

Tử Cống mặt nổi nóng. Khổng Tử nói :

- Này anh Tứ! Anh cho ta học nhiều mà biết phải không?

Tử Cống nói :

- Dạ, đúng thế. Không phải thế hay sao?

Khổng Tử nói :

- Không phải đâu! Ta lấy một điều để quán triệt tất cả (25).

Khổng Tử biết học trò có vẻ tức tối, bèn gọi Tử Lộ đến hỏi :

- Kinh Thi nói: “Chẳng phải con trủy (26) chẳng phải con hổ ở ngoài đồng vắng”. Đạo của ta phải chăng là sai? Tại sao ta lại gặp phải cảnh này?

Tử Lộ nói :

- Theo ý của con, có lẽ vì chúng ta chưa “nhân” chăng nên người ta chưa tin chúng ta. Có lẽ chúng ta chưa “trí” chăng nên người ta không cho chúng ta đi? (27)

- Nào phải thế đâu! Này anh Do, nếu như người nhân thế nào cũng được người ta tin thì làm gì có chuyện Bá Di, Thúc Tề nữa, nếu như người trí gặp việc gì cũng thông suốt thì làm gì có Vương Tử, Tỉ Can nữa (28).

Tử Lộ đi ra, Tử Cống vào yết kiến. Khổng Tử nói :

- Này anh Tứ, Kinh Thi nói: “Chẳng phải con trủy chẳng phải con hổ ở ngoài đồng vắng”. Đạo của ta phải chăng là sai? Tại sao ta lại gặp phải cảnh này?

Tử Cống nói :

- Đạo của thầy hết sức lớn cho nên thiên hạ không ai dung nạp được. Thầy phải hạ thấp một chút.

- Này anh Tứ! Người giỏi nghề nông có thể biết vãi giống nhưng không chắc là gặt được. Người thợ giỏi có thể làm khéo nhưng không thể làm cho người ta vừa lòng. Người quân tử trau dồi đạo đức của mình theo những đường lối chính và giữ nó, điều chỉnh nó mà không thể làm cho nó được người ta theo.

Anh không lo trau dồi đạo của mình mà chỉ lo người ta dung nạp mình. Cái chí của anh Tứ không phải là xa.

Tử Cống đi ra. Nhan Hồi vào yết kiến. Khổng Tử nói :

- Này anh Hồi, Kinh Thi nói: “Chẳng phải con trủy chẳng phải con hổ ở ngoài đồng vắng”. Đạo của ta phải chăng là sai? Tại sao ta lại gặp phải cảnh này?

Nhan Hồi nói :

- Đạo của phu tử hết sức lớn lao nên cả thiên hạ không ai dung nạp được. Nhưng phu tử cứ theo đó mà làm, người ta không dung nạp thì có hại gì? Người ta không dung nạp nhưng sau này người ta sẽ thấy phu tử là người quân tử. Đạo không được trau dồi, đó là cái điều ta lấy làm xấu hổ. Đạo đã trau dồi mà vẫn không được dung nạp thì đó là điều xấu hổ của kẻ làm vua một nước. Người ta không dung nạp phu tử thì có hại gì? Về sau người ta sẽ thấy phu tử là người quân tử?

Khổng Tử hớn hở cười :

- Đúng lắm! Hỡi người con họ Nhan, nếu nhà ngươi lắm của cải thì ta sẽ làm người quản lý của cải cho nhà ngươi.