Sử ký Tư Mã Thiên - Chương 10 - Phần 01

Lưu Hầu thế gia

1. Tổ tiên Lưu Hầu Trương Lương là người nước Hàn. Người ông là Khai Địa làm tướng quốc của Hàn Chiêu Hầu, Tuyên Huệ Vương, Tương Ai Vương; cha là Bình làm tướng quốc của Ly Vương, Điệu Huệ Vương. Năm thứ hai mươi ba đời Điệu Huệ Vương. Bình chết (250 trước công nguyên). Lương còn ít tuổi, chưa từng làm quan nước Hàn. Khi nước Hàn bị phá tan, Lương có ba trăm người tôi tớ trong nhà. Em Lương chết, Lương không lo chôn cất, đem tất cả gia tài tìm thích khách giết vua Tần để báo thù cho nước Hàn, bởi vì cha và ông làm tướng quốc năm đời vua Hàn. Lương thường học lễ ở đất Hoài Dương, đi về đông yết kiến Thương Hải Quân (người ẩn sĩ lúc bấy giờ), tìm được một lực sĩ làm một cái chuỳ sắt, nặng một trăm hai mươi cân. Tần Thủy Hoàng đi chơi ở miền đông, Lương và người khách rình đánh Tần Thủy Hoàng ở bãi cát Bác Lãng, đánh nhầm phải xe tuỳ tùng. Tần Thủy Hoàng nổi giận sai lùng khắp thiên hạ, tìm người thích khách rất gấp, cốt lùng cho được Trương Lương.

Lương bèn đổi tên họ, trốn tránh ở Hạ Bì. Một hôm dạo chơi ở trên cầu Hạ Bì, Lương thấy một cụ già, mặc áo cộc đến chỗ mình, để chiếc giầy rơi tõm xuống cầu. Cụ quay lại bảo Lương :

- Thằng bé! Xuống lấy giầy!

Lương ngạc nhiên muốn đánh. Nhưng thấy ông cụ già cả nên cố nhịn, xuống lấy giầy lên.

Ông cụ nói :

- Xỏ giày cho ta!

Lương trót đã lấy giầy, nên cũng luôn tiện quỳ xuống xỏ giầy cho ông cụ. Cụ già đút chân vào giầy, cười rồi bỏ đi. Lương hết sức kinh ngạc, đưa mắt nhìn theo. Ông cụ đi khỏi một dặm, lại quay lại nói :

- Thằng bé dạy được đấy! Năm ngày sau, sáng tinh mơ, ngươi sẽ gặp ta ở đây!

Lương lấy làm lạ, quỳ xuống nói :

- Dạ!

Năm hôm sau, sáng tinh mơ, Lương đến thì cụ già đã ở đấy từ trước. Cụ giận, nói :

- Đã hẹn với người già cả, lại đến sau là cớ gì?

Cụ ra đi, nói :

- Năm ngày nữa, sẽ gặp ở đây cho sớm.

Năm ngày sau, vào lúc gà gáy, Lương đến nơi họp, thì cụ già đã đến trước. Cụ lại giận, nói :

- Tại sao lại đến sau?

Cụ ra đi, nói :

- Năm ngày sau, đến cho sớm.

Năm ngày sau, chưa đến nửa đêm, Lương đã đi. Một lát sau, cụ già cũng đến.

Cụ vui mừng nói :

- Thế mới phải chứ!

Cụ đưa ra một quyển sách nói :

- Đọc quyển sách này thì làm được thầy bậc vương giả. Mười năm sau, sẽ ứng nghiệm. Mười ba năm sau, con đến gặp ta. Hòn đá màu vàng dưới chân núi Cốc Thành ở phiá bắc sông Tế là ta đó.

Cụ già liền đi, không nói gì và Lương không gặp lại nữa. Sáng hôm sau, Lương xem quyển sách thì đó là quyển “Thái Công binh pháp”. Lương vì vậy rất quí quyển này, thường đem ra học tập nghiền ngẫm. Lương ở Hạ Bì làm người nghĩa hiệp. Hạng Bá giết người, được Lương che chở (Đoạn 1 - Trương Lương trước khi theo Lưu Bang).

2. Mười năm sau (209 trước công nguyên), bọn Trần Thiệp khởi nghĩa, Lương cũng tụ họp hơn trăm trai tráng. Cảnh Câu ở đất Lưu tự lập làm Giả Vương (“Vua tạm thời”, lập vua tạm thời để hiệu triệu dân chúng cho tiện) nước Sở. Lương muốn đi theo. Giữa đường, Lương gặp Bái Công. Bái Công đem mấy nghìn người cướp được đất ở phía tây Hạ Bì. Lương bèn theo Bái Công. Bái Công cho Lương làm tướng coi về việc ngựa của quân. Lương mấy lần đem binh pháp của Thái Công ra trình bày với Bái Công. Bái Công khen, thường dùng sách lược ấy. Lương nói cho người khác nghe thì họ đều không hiểu.

Lương nói :

- Bái Công là người nhà trời chăng!

Vì vậy, Lương theo Bái Công, không đến yết kiến Cảnh Câu nữa.

Bái Công đến đất Tiết, yết kiến Hạng Lương, Hạng Lương lập Sở Hoài Vương. Lương bèn nói với Hạng Lương :

- Ngài đã lập con cháu vua Sở; trong các công tử nước Hàn, Hành Dương Quân tên là Thành là người hiền, có thể lập làm vương để tăng thêm vây cánh.

Hạng Lương sai Trương Lương tìm Hàn Thành, lập làm vua Hàn, cho Lương làm tư đồ nước Hàn, cho Hàn Vương cầm hơn nghìn quân đi về hướng tây lấy đất Hàn. Quân Hàn lấy được mấy thành, nhưng quân Tần cướp lại ngay.

Quân Hàn đi lại đánh quanh quẩn ở miền Dĩnh Xuyên. Khi Bái Công đi từ miền nam Lạc Dương ra khỏi núi Hoàn Viên, Lương dẫn quân theo Bái Công, lấy được hơn mười thành của Hàn, đánh phá quân của Dương Hùng. Bái Công bèn sai Hàn Vương Thành ở lại giữ huyện Dương Định, còn mình cùng Trương Lương đi về hướng nam, đánh lấy được đất Uyển, rồi quay sang hướng tây vào Vũ Quan. Bái Công muốn đem hai vạn quân đánh quân Tần ở gần đất Nghiên.

Lương nói :

- Quân Tần vẫn còn mạnh, chưa có thể coi thường. Thần nghe nói tướng Tần là con nhà hàng thịt. Là con nhà buôn, thì dễ lấy lợi mà lôi cuốn họ. Xin Bái Công hãy tạm thời ở lại giữ thành, sai người đi trước dự bị lương thực cho năm vạn người ăn, lại cắm thêm cờ xí ở trên núi để làm nghi binh, sai Lịch Tự Cơ mang của quý đút lót cho tướng Tần.

Quả nhiên tướng Tần làm phản, muốn liên kết với Bái Công cùng đem binh về hướng Tây đánh úp Hàm Dương. Bái Công nghe theo, Lương nói :

- Đây chỉ có viên tướng của nó là muốn làm phản thôi, sợ bọn quân lính không nghe theo. Nếu họ không nghe theo thì nguy, chi bằng ta nhân lúc nó trễ nãi mà đánh nó.

Bái Công liền đem quân đánh quân Tần, phá tan quân Tần. Bèn đi về hướng bắc đến Lam Điền. Đánh trận thứ hai, quân Tần thua to. Bái Công bèn đến Hàm Dương, vua Tần là Tử Anh ra hàng.

Bái Công vào cung nhà Tần, thấy nhà cửa, màn trướng, chó ngựa, vật quí, đàn bà con gái đến hàng ngàn, ý muốn ở lại đấy. Phàn Khoái can Bái Công nên ra ngoài. Bái Công không nghe. Lương nói :

- Tần làm điều vô đạo cho nên Bái Công mới đến được đây. Đã cốt vì thiên hạ giết bọn giặc tàn ác, thì ta nên ăn ở theo lối mộc mạc, để tỏ cái nền nếp của mình. Nay ngài vừa mới vào nước Tần mà đã ham thích cái vui thú của nó, thì khác gì người ta nói, “Nối giáo cho giặc” vậy. Vả chăng, “lời nói ngay nghe chướng tai, nhưng có lợi cho việc làm, thuốc đắng, uống khó chịu nhung chữa được bệnh”, xin Bái Công nghe theo lời Phàn Khoái!

Bái Công bèn đem quân về Bá Thượng.

Hạng Vũ về đến Hồng Môn, muốn đánh Bái Công. Hạng Bá đang đêm ruỗi ngựa vào trong quân doanh của Bái Công hội kiến riêng với Trương Lương, muốn rủ Lương cùng đi với mình. Lương nói :

- Tôi vì Hàn Vương mà tiễn Bái Công, nay có việc gấp bỏ trốn đi thì bất nghĩa.

Lương bèn đem tất cả những lời nói của Hạng Bá nói lại với Bái Công, Bái Công hoảng sợ nói :

- Làm sao bây giờ?

Lương hỏi :

- Bái Công có muốn chống lại Hạng Vũ không?

Bái Công nói :

- Cái thằng khốn nạn kia khuyên ta giữ lấy Hàm Cốc Quan, không cho quân của chư hầu vào, thì có thể làm vương trên tất cả đất Tần, cho nên ta nghe theo!

Lương hỏi :

- Bái Công tự lượng sức xem có thể đánh lui được Hạng Vũ không?

Bái Công yên lặng một lát rồi nói :

- Cố nhiên là không được. Làm sao bây giờ?

Lương bèn cố mời Hạng Bá vào. Hạng Bá yết kiến Bái Công. Bái Công mời Bá uống rượu chúc thọ kết làm thông gia, nhờ Hạng Bá nói lại đầu đuôi rằng, Bái Công không dám phản lại Hạng Vũ. Bái Công sở dĩ giữ lấy cửa ải là đề phòng bị bọn đạo tặc khác. Sau rồi Bái Công gặp Hạng Vũ mới được giải thoát, việc ấy đã nói trong truyện Hạng Vũ (Xem Hạng Vũ bản kỷ).

Tháng giêng, năm thứ nhất nhà Hán (206). Bái Công làm Hán Vương, cai trị đất Ba, đất Thục. Hán Vương cho Lương hai nghìn lạng vàng, hai hộc châu báu, Lương đem hiến tất cả cho Hạng Bá. Hán Vương cũng nhân đó, sai Lương đem nhiều của quí cho Hạng Bá nhờ Hạng Bá xin đất Hán Trung cho mình.

Hạng Vương ưng thuận, vì vậy Bái Công được đất Hán Trung. Hán Vương vào đất Ba, đất Thục, Lương tiễn đến đất Bao Trung. Hán Vương sai Lương về nước Hàn. Lương nhân đó nói với Hán Vương :

- Sao vương không đốt quách các đường sạn đạo (Xem chú thích ở Cao Tổ bản kỷ) đã đi qua, để nói với thiên hạ rằng mình không có ý muốn quay lại, làm cho Hạng Vương yên lòng!

Hán Vương bèn sai Trương Lương quay lại. Hán Vương đi qua đốt tất cả đường sạn đạo.

Lương đến nước Hàn. Vì Hàn Vương Thành đã cho Lương theo Hán Vương, nên Hạng Vươngkhông cho Thành về nước Hàn, bắt Thành theo mình sang đông. Lương nói với Hạng Vương :

- Hán Vương đã đốt đường sạn đạo, tức là không muốn quay lại nữa.

Lương bèn lấy thư của Tề Vương là Điền Vinh làm phản đưa cho Hạng Vương. Vì vậy Hạng Vương không lo đến Hán Vương đang ở phía tay; trái lại, đem binh về phương bắc đánh Tề. Sau đó Hạng Vương không chịu cho Hàn Vương về, giáng xuống làm hầu, rồi giết ở Bành Thành. Lương bỏ trốn, lẻn theo về với Hán Vương. Hán Vương cũng đã lấy được Tam Tần, cho Lương làm Thành Tín Hầu, đi về hướng đông đánh Sở.

Quân Hán tới Bành Thành, bị đánh bại quay về. Hán Vương đến Hạ Ấp xuống ngựa, ngồi xổm trên yên ngựa (chi tiết dường như không quan trọng nhưng rất điển hình) mà hỏi Trương Lương :

- Ta muốn bỏ tất cả đất đai từ Hàm Cốc Quan sang phía đông. Bây giờ giao cho ai thì có thể cùng ta lo nghiệp lớn.

Lương nói :

- Cửu Giang Vương Kình Bố là viên mãnh tướng của Sở, có hiềm khích với Hạng Vương. Bành Việt theo Tề Vương là Điền Vinh làm phản ở đất Lương, hai người này nên dùng ngay. Trong số các tướng của Hán Vương, chỉ có một mình Hàn Tín là có thể giao được việc lớn, chống giữ được một mặt. Nếu muốn bỏ đất đai cứ giao cho ba người ấy thì có thể phá được nước Sở.

Hán Vương bèn sai Tùy Hà, nói với Cửu Giang Vương Kình Bố, lại sai sứ giả kết liên với Bành Việt. Đến khi Nguỵ Vương là Báo làm phản, Hán Vương sai Hàn Tín đem binh đánh Báo, nhờ vậy lấy được các nước Yên, Đại, Tề, Triệu. Cuối cùng phá được nước Sở, là do sức của ba người này.

Trương Lương hay ốm, chưa từng làm tướng một mình, thường làm kẻ bày mưu kế, và luôn luôn đi theo Hán Vương.

Năm thứ ba nhà Hán (204 trước công nguyên), Hạng Vũ vây Hán Vương ở Huỳnh Dương rất gấp. Hán Vương lo lắng, cùng Lịch Tư Cơ bàn cách làm yếu lực lượng của Sở. Tự Cơ nói :

- Ngày xưa, vua Thang đánh Kiệt, phong cho con cháu Kiệt ở đất Kỷ. Vua Vũ Vương đánh Trụ, phong cho con cháu Trụ ở đất Tống. Nay nhà Tần bỏ điều đức nghĩa, lấn đánh các nước chư hầu, tiêu diệt con cháu sáu nước, khiến cho họ không có tấc đất cắm dùi. Nếu bệ hạ quả thực lập lại được con cháu sáu nước, họ nhận được ấn rồi thì vua tôi, trăm họ tất cả đều mang ơn đức, không ai không nô nức hâm mộ đạo nghĩa của bệ hạ, tình nguyện làm thần thiếp. Nếu đã thi hành đức nghĩa, thì bệ hạ quay mặt về hướng nam mà xưng bá, nước Sở nhất định phải khép áo đến chầu.

Hán Vương nói :

- Phải! Mau mau khắc ấn! Tiên sinh nhân tiện đi mang theo luôn.

Tự Cơ chưa đi, Trương Lương ở ngoài vào yết kiến.

Hán Vương đang ăn, nói :

- Tử Phòng lại đây! Có người khách bàn giúp ta cách làm giảm quyền lực nước Sở.

Hán Vương đem lời Lịch Sinh kể lại đầu đuôi, và hỏi :

- Tử Phòng thấy thế nào?

Trương Lương hỏi :

- Ai bày cho bệ hạ kế này? Công việc của bệ hạ thế là hỏng rồi.

Hán Vương nói :

- Tại sao thế?

Lương nói :

- Thần xin mượn nắm đũa trước mâm mà trù tính cho đại vương nghe. Xưa, vua Thang đánh Kiệt, nhưng phong con cháu Kiệt ở đất Kỷ, là biết chắc mình có thể nắm được cái chết của Kiệt. Nay bệ hạ có thể nắm được tính mạng của Hạng Tịch không?

- Chưa nắm được.

Lương nói :

- Đó là điều thứ nhất chứng tỏ không thể làm thế. Vũ Vương đánh Trụ, phong con cháu nhà Thương ở Tống, là chắc lấy được đầu Trụ, nay bệ hạ có thể lấy được đầu Hạng Tịch không?

Hán Vương nói :

- Chưa thể được.

Lương nói :

- Đó là điều thứ hai chứng tỏ không thể làm thế. Vũ Vương vào đất Ân, nêu tỏ quê hương của Thương Dung, tha tù cho Cơ Tử, đắp mộ cho Tỷ Can (Thương Dung, người hiền đi ẩn ở núi Thái Hàng. Cơ Tử can Trụ không được bị Trụ bắt giam. Tỷ Can can Trụ bị Trụ giết). Nay bệ hạ có thể đắp được mộ cho thánh nhân, nếu lo quê hương của bậc hiền nhân, cúi đầu trước cửa người trí giả không?

Hán Vương nói :

- Chưa làm được.

Lương nói :

- Đó là điều thứ ba, chứng tỏ không thể làm thế. Vũ Vương phát thóc ở kho Cự Kiều, tung tiền ở nhà Lộc Đài cấp cho dân nghèo. Nay bệ hạ có thể lấy của kho ra phân phát cho người nghèo được không?

Hán Vương nói :

- Chưa làm được.

Lương nói :

- Đó là điều thứ tư, chứng tỏ không thể làm thế. Sau khi đánh nhà Ân xong, Vũ Vương đổi xe trận làm xe thường, đặt ngược giáo mác, lấy da hổ bọc bên ngoài, để báo với thiên hạ rằng không dùng binh nữa. Nay bệ hạ có thể xếp việc võ để lo việc văn, không dụng binh nữa không?

Hán Vương nói :

- Chưa làm được.