Sử ký Tư Mã Thiên - Chương 17 - Phần 01

Truyện Tô Tần

1. Tô Tần người thành Lạc Dương, nhà Đông Chu. Tần sang Đông tìm thầy ở nước Tề, theo học Quỷ Cốc tiên sinh. Đi du thuyết vài năm bị khốn cùng quá nên trở về. Anh em, chị dâu, em gái, thê thiếp đều chê cười, nói :

- Người đất Chu xưa nay chỉ cốt lo làm ăn, chăm việc công thương, cốt lấy cái lợi hai phần mười. Nay ông bỏ việc gốc mà lo khua môi múa mép, có khốn cũng là đáng lắm?

Tô Tần nghe vậy xấu hổ, tự cảm thương mình. Bèn ngồi nhà đóng cửa không đi ra. Tần đem sách ra xem hết và nói :

- Kẻ sĩ đã cúi đầu học thầy, thế mà vẫn không được tôn quý vinh hiển, đọc sách nhiều để mà làm gì?

Tần bèn tìm được quyển âm phù sách của nhà Chu, cúi cổ đọc một năm trời đã tìm ra được “thuật thăm dò”, nói :

- Chuyến này có thể thuyết phục vua đương thời đây.

Tẩn xin nói chuyện với Chu Hiển Vương. Những người thân cận của Hiển Vương vốn biết Tô Tần học thức kém, đều khinh và không tin. Tô Tần đi về hướng Tây đến nước Tần. Tần Hiếu Công đã mất. Tần nói chuyện với Huệ Vương :

- Tần là nước hiểm yếu, bốn phía có núi bao quanh, có công Vị cắt ngang như cái đai. Phía Đông có Hàm Cốc quan, gông Hoàng Hà; phía Tây có đất Hán Trung; phía Nam có đất Ba, đất Thục; phía Bắc có ấp Mã, quận Đại. Đấy là kho trời. Với một nước dân đông, kẻ sĩ nhiều như nước Tần mà dạy binh pháp cho họ thì có thể thôn tính thiên hạ, xưng đế mà trị được.

Tần Vương nói :

- Lông cánh chưa đủ, không thể bay cao; đạo lý chưa rõ ràng không thể thôn tính các nước được.

Tần vừa mới giết Thương Ưởng nên ghét kẻ biện sĩ, không dùng Tô Tần.

Tô Tần bèn đi về hướng Đông, đến nước Triệu. Triệu Túc Hầu cho con là Thành làm tướng quốc, gọi là Phụng Dương Quân. Phụng Dương Quân không ưa Tô Tần. Tô Tần đi sang nước Yên. Sau hơn một năm mới được vào nói chuyện với Yên Văn Hầu. Tô Tần nói :

- Nước Yên ở phía Đông giáp với Triều Tiên, Liêu Đông; phía Bắc có các nước Lâm, Hồ, Lâu Phiền; phía Tây có các quận Vân Trung, Cửu Nguyên; phía Nam có các sông Hô Đà, Dịch Thủy. Đất vuông hơn hai nghìn dặm; binh sĩ mặc áo giáp vài mươi vạn người; xe sáu trăm cỗ, ngựa sáu nghìn con, thóc chứa chỉ dùng được vài năm. Phía Nam có núi Kệ Thạch, núi Nhạn Môn đầy sản vật; phía Bắc có cây táo, cây lật lắm hoa lợi, dân dẫu không cày cấy nhưng nhờ cây táo cây lật cũng đủ sống. Vì vậy người ta gọi nó là kho trời: Kể về mặt yên vui vô sự, không thấy cảnh tượng quân thua tướng chết, thì không nước nào hơn nước Yên. Đại vương có biết vì sao thế không? Nước Yên sở dĩ không bị giặc xâm lấn, không phải lo việc binh đao là vì có nước Triệu che ở mặt Nam vậy. Tần với Triệu đánh nhau năm lần, Tần hai lần thắng mà Triệu ba lần thắng. Tần và Triệu làm cho nhau chết mà nhà vua lại đem tất cả toàn bộ nước Yên để chống giữ ở phía sau, cho nên nước Yên không bị xâm lấn. Vả lại, Tần muốn đánh Yên thì phải vượt qua hai quận Vân Trung và Cửu Nguyên, đi qua hai quận Đại và Thượng Cốc, đất dài vài nghìn dặm, dẫu có lấy được thành nước Yên, tưởng Tần rốt cục cũng không thể nào giữ được. Việc Tần không làm hại được Yên, thực là hiển nhiên vậy. Trái lại, nếu triệu đánh Yên thì ra lệnh không đầy mười ngày, đã có vài mươi vạn quân đóng ở ấp Đông Viên. Quân Triệu vượt qua sông Hồ Đà Dịch Thủy, không đầy bốn năm ngày đã đến kinh đô nước Yên. Cho nên nói Tần đánh Yên thì đánh ở ngoài nghìn dặm; còn Triệu đánh Yên là đánh ở trong trăm dặm là như vậy. Không lo diều đáng sợ trong trăm dặm mà chú trọng ở ngoài nghìn dặm, thì thực là sai lầm! Vì thế cho nên xin đại vương kết thân và hợp tung với nước Triệu, hợp thiên hạ làm một thì nước Yên chắc chắn sẽ chẳng có gì phải lo!

Văn Hầu nói :

- Ông nói phải đấy, nhưng nước tôi nhỏ, phía Tây sát nách nước Triệu mạnh, phía Nam gần nước Tề, Tề và Triệu đều là những nước mạnh, nếu quả thật ông muốn hợp tung để làm cho nước Yên được yên ổn thì quả nhân xin đem cả nước theo.

Văn Hầu bèn cấp cho Tô Tần xe, ngựa, vàng, lụa dể đi đến nước Triệu.

Lúc này ở nước Triệu, Phụng Dương Quân đã chết. Tô Tần nhờ vậy được nói chuyện thẳng với Triệu Túc Hầu :

- Lâu nay, trong thiên hạ, từ các khanh tướng, các quan cho đến kẻ sĩ áo vải đều kính phục đạo nghĩa của đại vương, đều muốn vâng theo lời dạy, bày tỏ lòng trung thành trước mặt đại vương, nhưng vì Phụng Dương Quân ghen ghét lại cản trở công việc nên tân khách du sĩ không ai dám bày tỏ hết lòng thành ở trước mặt đại vương. Nay Phụng Dương Quân đã qua đời, đại vương mới lại gần gũi kẻ sĩ và dân chúng. Cho nên thần mới dám dâng điều ý nghĩ ngu muội của mình. Theo như thần trộm nghĩ, đối với đại vương, không gì bằng dân sống yên ổn vô sự và không bày việc bắt dân phải làm. Yêu dân gốc ở chỗ chọn nước bạn mà giao hiếu. Chọn đúng thì dân được yên; chọn không đúng thì dân suốt đời không yên. Thần xin nói về mối lo bên ngoài: nếu Tần và Tề làm hai nước thù địch thì dân không được yên; nếu dựa vào Tề đánh Tần thì dân cũng không được yên. Cho nên mưu đánh chúa người, chinh phạt nước người, thường khổ ở chỗ nói ra lời dể cắt đứt tình giao hiếu của người. Mong đại vương cẩn thận, chớ nói ra miệng. Thần chỉ xin phân biệt trắng đen để rõ phải trái mà thôi. Đại vương nếu quả thực nghe lời thần thì nước Yên thế nào cũng phải đem dâng đất đai sản xuất ra lông thiên, áo cừu, chó ngựa; nước Tề thế nào cũng phải đem dâng biển sản xuất ra cá và muối; nước Sở thế nào cũng phải đem dâng vườn sản xuất ra quệt, bưởi; Có thể bắt nước Hàn, nước Ngụy, đất Trung Sơn nộp đất, các bậc phụ huynh họ hàng nội ngoại dều có thể được phong hầu. Vì muốn cắt đất của người ta, chiếm lấy nguồn lợi của người ta cho nên Ngũ Bá đã đánh bại quân địch, bắt tướng địch; vì muốn phong hầu cho họ hàng nên các vua Thành Thang, Vũ Vương đã tranh giành thiên hạ, đuổi vua Kiệt, giết vua Trụ. Nay thần xin trình bày ý nghĩ khiến đại vương có thể chắp tay ngồi yên không làm gì mà được cả hai điều ấy. Nếu bây giờ đại vương theo Tần thì thế nào Tần cũng làm yếu nước Hàn, nước Ngụy; đại vương theo Tề thì thế nào Tề cũng làm yếu nước Sở, nước Ngụy. Nếu Ngụy yếu thì phải cắt đất Hà Ngoại; Hàn yếu thì phải dâng đất Nghi Dương. Đất Nghi Dương đã dâng thì con đường Thượng Quận bị chặn; đất Hà Ngoại bị cắt thì đường sá không thông; Sở bị yếu thì không có viện binh. Về chước ấy không thể không suy sâu nghĩ ĩ. Nay Tần đem quân xuống Chỉ Đạo thì Nam Dương bị nguy. Tần cướp lấy Hàn, bao bọc kinh dô của Chu thì nước Triệu phải cầm binh, Tần chiếm giữ Vệ, lấy được Kỳ Quyền thì Tề thế nào cũng phải vào chầu Tần. Tần đã được Sơn Đông thì thế nào cũng đem quân nhằm dành Triệu. Quân của Tần vượt Hoàng Hà qua sông Chương giữ thành Ba Ngô, thế nào binh sĩ cũng đánh nhau ở gần Hàm Đan. Đó là cái điều mà thần lo cho nhà vua đấy. Trong lúc này các nước ở miền Sơn Đông, không nước nào mạnh bằng nước Triệu. Nước Triệu đất vuông hơn hai nghìn dặm, người mặc áo giáp vài mươi vạn, xe nghìn cỗ, ngựa vạn con, thóc dùng được vài năm. óphía Tây có núi Thường Sơn; phía Nam có sông Chương; phía Đông có sông Thanh Hà; phía Bắc có nước Yên. Nước Yên vốn là nước yếu không đáng sợ. Các nước trong thiên hạ không nước nào Tần ghét bằng nước Triệu. Thế nhưng Tần không dám đem binh đánh Triệu là tại làm sao? Là vì sợ Hàn, Ngụy đánh ở sau lưng. Thế thì Hàn, Ngụy là cái phên che ở phía Nam cho Triệu. Tần đánh Hàn, Ngụy không có núi to, sông lớn ngăn cản cứ lấn dần như tằm ăn lá dâu đến sát kinh đô mới thôi. Hàn, Ngụy không chống được Tần thế nào cũng phải vào thần phục Tần. Tần một khi không phải bận về Hàn và Ngụy thì Triệu thế nào cũng bị tai vạ. Đó là điều thần lấy làm lo cho đại vương đấy. Thần nghe nói phần đất vua Nghiêu không đến ba phu (1), vua Thuần không có một thước đất mà có cả thiên hạ; vua Vũ không có nhóm một trăm người mà làm vương chư hầu; vua Thang, vua Vũ, kẻ sĩ chẳng quá ba nghìn người, xe không quá ba trăm cỗ, quân chẳng quá ba vạn người mà làm được Thiên tử. Chỉ vì họ giữ đúng đạo nghĩa của họ. Cho nên vị vua sáng ở ngoài thì nắm vững kẻ địch mạnh hay yếu; ở trong thì lượng xem binh sĩ giỏi hay kém, không cần đợi khi quân hai bên chạm trán, mà trong bụng đã biết rõ ai thắng ai bại, ai mất ai còn, chứ đâu bị lời của người thường làm mờ tối, quyết đoán công việc một cách hồ đồ? Thần trộm xét địa đồ thiên hạ, thì đất của chư hầu rộng gấp năm lần đất của nước Tần; ước tính quân của chư hầu thì đông gấp mười lần quân của nước Tần. Nếu sáu nước họp làm một, chung sức về hướng Tây để đánh Tần, thì Tần phải tan vỡ. Nhưng nay chư hầu lại ngoảnh mặt về Tây mà thờ, xưng thần với Tần. Phàm việc đánh bại người, so với việc bị người đánh bại; bắt người phải thần phục, so với việc phải thần phục người là khác nhau một vực một trời. Những người du thuyết chủ trương hên hoành, đều muốn cắt đất của chư hầu để nộp cho Tần. Nếu Tần được, thì họ sẽ được đài tạ cao, cung thất đẹp, tai nghe tiếng đàn sáo, đằng trước có cổng lầu, xe cộ, đằng sau có gái giỏi người đẹp. Nước nhà họ bị cái nạn nước Tần nhưng họ cũng mặc kệ. Thế cho nên những kẻ chủ trương liên hoành ngày đêm cốt lấy uy quyền của Tần hăm dọa chư hầu để đòi cắt đất. Xin đại vương nghĩ việc đó cho chín. Thần nghe vị vua sáng thì cắt đứt nghi ngờ gạt bỏ lời gièm pha bác bỏ những lời rêu rao không căn cứ, bịt lối gây dựng bè đảng. Cho nên thần mới được bày tỏ ở trước nhà vua cái kế làm cho vua được tôn, binh được mạnh. Thần trộm mưu tính hộ đại vương, không gì bằng hợp tung với Hàn, Ngụy, Tề, Sở, Yên, Triệu làm một để chống lại Tẩn. Khiến tướng quân, tể tướng trong thiên hạ họp nhau ở trên sông Hoàn Thủy, đưa con tin cho nhau, giết ngựa trắng cùng ăn thề, ước với nhau rằng: “Hễ Tần đánh Sở thì Tề, Ngụy đều đem quân tinh nhuệ ra để giúp Sở, quân Hàn cắt đứt đường vận lương của Tần, quân Triệu vượt qua Hoàng Hà, Chương Thủy, quân Yên giữ phía Bắc núi Thường Sơn. Nếu Tần đánh Hàn, Ngụy thì quân Sở cắt đứt phía sau quân Tần; Tề đem quân tinh nhuệ ra giúp Hàn, Ngụy, quân Triệu vượt sông Chương, quân Yên ở giữ Vân Trung. Nếu Tần đánh Tề thì quân Sở cắt đứt ở phía sau quân Tần; quân Hàn giữ Thành Cao; quân Ngụy chặn đường của quân Tần; quân Triệu vượt qua Hoàng Hà đến Bác Khuyết; Yên đem quân tinh nhuệ ra để giúp Tề. Nếu Tần đánh Yên thì quân Triệu giữ Thường Sơn; quân Sở dòng ở Vũ Quan; quân Tề vượt qua Bột Hải: Hàn, Ngụy đều đem quân ra giúp nước Yên. Nếu Tần đánh Triệu thì Hàn đóng quân ở Nghi Dương; Sở đóng quân ở Vũ Quan; Ngụy đóng quân ở Hà Ngoại; Tề vượt qua sông Thanh Hà; Yên đem quân tinh nhuệ ra giúp Triệu. Chư hầu có nước nào không theo lời ước, thì quân năm nước cùng đánh nước lấy. Sáu nước hợp tung, thân thiện với nhau để chống Tần thì quân của Tần chắc chắn không dám ra khỏi cửa Hàm Cốc để làm hại vùng Sơn Đông. Như thế thì làm nên cơ nghiệp bá vương”. (2)

Triệu Vương nói :

- Quả nhân ít tuổi, trị nước chưa lâu, chưa hề được nghe mưu kế lâu dài của xã tắc. Nay thượng khách có ý muốn bảo tồn thiên hạ, làm chư hẩu được yên, quả nhân xin đem cả nước theo.

Triệu Vương bèn sắm xe lịch sự trăm cỗ, vàng ròng một ngàn dật, ngọc bích trắng một trăm đôi, gấm vóc một ngàn tấm để ước hẹn với chư hầu.

Lúc bấy giờ, Thiên tử nhà Chu cho đưa phần thịt tế vua Văn, vua Vũ cho Tần Huệ Vương. Huệ Vương sai Tề Thủ đánh Ngụy, bắt tướng của Ngụy là Long Giả, lấy đất Điêu Âm của Ngụy, lại muốn kéo quân sang miền Đông. Tô Tần sợ quân của Tần kéo đến Triệu bèn trêu tức Trương Nghi để đưa Nghi vào Tần. Rồi Tô Tần đi du thuyết với Tuyên Huệ Vương :

- Nước Hàn ở phía Bắc có đất Củng Lạc, Thành Cao kiên cố, phía Tây có Nghi Dương, Thương Bản hiểm trở, phía Đông có các huyện Uyên, Nhương và sông Vị; phía Nam có núi Hình Sơn. Đất vuông hơn chín trăm dặm, tướng sĩ mặc giáp vài mươi vạn người. Những cung bền nỏ cứng trong thiên hạ đều do Hàn sản xuất. Nỏ của mán Khê Tử và hai thứ nỏ “thời lực”, “cự lai” của thiếu phủ làm đều bắn xa ngoài sáu trăm bộ. Quân nước Hàn giơ chân đạp cánh nỏ rồi bắn, trăm phát không nghỉ. Người ở xa thì bị tên xuyên suốt ngực, người ở gần thì mũi tên bắn trúng tim. Kiếm và kích của quân Hàn đều sản xuất ở núi Minh Sơn. Các thanh kiếm “Đường Khê”, “Mặc Dương”, “Hợp Nhựt”, “Đặng Sư”, “Uyển Phùng”, “Long Uyển”, “Thái A” đều ở trên cạn thì chém đứt trâu ngựa, ở dưới nước thì chặt phăng hộc, nhạn, chống kẻ địch thì chém được áo giáp bền, cái che cánh tay bằng sắt. Bao da, dây một không thiếu thứ gì. Lấy quân nước Hàn dũng cảm, mặc giáp bền, bắn nỏ cứng, đeo gươm sắc, thì một người đương được trăm người, không cần phải nói. Nay với một nước mạnh như nước Hàn, một vị vua hiền như đại vương mà lại chịu ngoảnh mặt về phía Tây thờ nước Tần, khoanh tay chịu phục tùng, khiến xã tắc xấu hổ và làm trò cười cho thiên hạ, thật không gì hơn thế. Cho nên xin đại vương nghĩ cho chín. Đại vương đã thờ Tần, Tần thế nào cũng đòi đất Nghi Dương, Thành Cao. Năm nay đem dâng đất ấy thì sang năm họ lại đòi cắt đất nữa. Nếu cho thì không có đất để cung cấp, không cho thì cổng lao trước kia bị bỏ đi mà chịu lấy cái họa sẽ đến. Vả lại đất của đại vương có lúc hết mà sự đòi hỏi của Tần thì không bao giờ thôi. Lấy cái đất có lúc hết để đương với sự đòi hỏi không thôi, thế nghĩa là mua oán chuộc vạ, không đánh nhau mà đất đã bị cắt rồi. Thần nghe ngạn ngữ có câu: “Thà làm miệng gà chứ không làm đít trâu” (3). Nay ngoảnh mặt về phía Tây, khoanh tay mà thần phục Tần, có khác gì làm đít trâu không? Hiền như đại vương, lại có quân của nước Hàn vững mạnh, thế mà lại mang cái tiếng “đít trâu”, thần trộm lấy làm thẹn cho đại vương!

Bấy giờ Hàn Vương nét mặt hằm hằm, xắn tay áo, trừng đôi mắt, vỗ gươm, ngửa lên trời, thở dài nói :

- Quả nhân tuy kém cỏi, nhưng không thể nào không thờ Tần được. Nay ngài đem lời dạy của Triệu Vương khuyên ta, ta xin kính dâng xã tắc để theo.

Tô Tần lại thuyết Ngụy Vương :

- Đất của đại vương phía Nam có ngòi Hồng Câu, các huyện Trần, Như Nam, Hứa, Yến, Côn Dương, Thiệu Lăng, Vũ Dương, Tân Đô, Tân Thê; phía Đông có quận Hoài, quận Dĩnh, đất Chứ Tảo, đất Vô Tư; phía Tây có Trường thành làm giới hạn; phía Bắc có đất Hà Ngoại, Quyển Diễn, Toan Tảo. Đất đai vuông ngàn dặm. Đất tiếng là nhỏ, nhưng ruộng nương, nhà cửa chi chít không có chỗ nào là đồng cỏ bãi chăn; nhân dân đông, xe ngựa nhiều, ngày đêm đi không ngớt, rầm rập như ba quân ra trận. Thần trộm ước lượng nước của đại vương không kém gì nước Sở. Những bọn du thuyết chủ trương liên hoành, cứ dụ nhà vua giao kết với nước Tần là loài hổ lang để xâm chiếm thiên hạ. Nếu đột nhiên nước Tần gây họa nạn thì họ không đoái gì đến tai vạ của nước. Cậy thế của nước Tần mạnh để bên trong ép chủ của mình (4) là rất nặng tội. Nước Ngụy là một nước mạnh trong thiên hạ. Nhà vua là vị vua hiền trong thiên hạ.

Nay nhà vua lại có ý ngoảnh mặt về hướng Tây để thờ Tần, xưng làm đông phiên, xây dựng đế cung cho Tần, nhận đai mũ của Tần, mùa xuân mùa thu nộp lễ vật cho Tần để tế. Thần trộm lấy làm xấu hổ cho đại vương. Thần nghe Việt Vương Câu Tiễn có ba nghìn quân mệt mỏi mà bắt được Phù Sai ở Can Toại; Vũ Vương có ba nghìn quân, trăm cỗ xe trận mà thắng được vua Trụ ở Mục Dã; binh sĩ của họ có nhiều đâu? Chỉ vì họ biết làm nổi uy thế của mình mà thôi.

Nay trộm nghe quân của đại vương có vũ sĩ hai mươi vạn người, quân đội khăn xanh hai mươi vạn người, quân cầm kích hai mươi vạn người, quân nấu bếp nuôi ngựa mười vạn, xe sáu trăm cỗ, ngựa năm nghìn con. Như thế là hơn hẳn Câu Tiễn, Vũ Vương. Thế mà đại vương lại nghe lời quần thần, muốn làm tôi thờ nước Tần. Nếu thờ Tần thì thế nào cũng phải cắt đất dâng cho nó để tỏ lòng thành thực, cho nên binh chưa dùng mà nước đã hao hụt rồi. Phàm những bầy tôi nói thờ Tần đều là kẻ gian, không phải trung thần đâu. Làm tôi lại cắt đất của vua mình để cầu bên ngoài, trộm cái công một thời mà không đoái nghĩ đến ngày sau. Phá nhà công để thành của tư, ngoài cậy thế của nước Tần mạnh để trong ép vua mình đòi cắt đất Xin đại vương xét kỹ cho. Chu Thư nói “Thấy nó kéo dài mà không dứt, thì nó sẽ ăn lan khắp nơi, còn làm gì được nữa. Khi còn nhỏ như sợi tơ không cắt, đến sau sẽ phải dùng búa rìu”. Nếu không lo cho xong cái mối lo trước, thì, sau này khi gặp vạ lớn còn biết làm thế nào. Nếu đại vương quả thực nghe lời thần, sáu nước hợp tung, đồng tâm góp sức, một ý một lòng, thì nhất định không phải lo về nước Tần mạnh. Cho nên Triệu Vương của tệ ấp sai thần dâng kế ngu dại, trình ước minh bạch, xin đại vương dạy cho.

Ngụy Vương nói :

- Quả nhân ngu xuẩn, chưa hề được nghe lời chỉ giáo sáng suốt, nay ông đã lấy lời của Triệu Vương dạy ta, ta xin kính đem cả nước theo.

Tô Tần bèn sang Đông thuyết Tề Tuyên Vương :

- Nước Tề phía Nam có núi Thái Sơn, phía Đông có núi Lạng Gia, phía Tây có sông Thanh Hà, phía Bắc có bể Bột Hải; thế gọi là nước bốn mặt đều hiểm yếu. Nước Tề có đất vuông hơn hai nghìn dặm, quân tướng mặt áo giáp vài mươi vạn, thóc gạo chất cao như gò núi, ba quân giỏi, lính của năm nhà tiến nhanh như mũi dào, mũi tên, đánh dữ như sấm chớp, thôi mau như mưa gió. Khi có việc quân, chưa hề phải đem quân đi theo núi Thái Sơn, vượt sông Thanh Hà, qua bể Bột Hải. Trong vùng Lâm Tri có bẩy vạn hộ, thần trộm tính mỗi hộ có khoảng ba người con giai, thì ba lần bảy là hai mươi mốt vạn, không cần phải lấ người ở huyện xa, chỉ riêng quân ở Lâm Tri cũng đã được hai mươi mốt vạn rồi. Vùng Lâm Tri rất giàu lại đầy đủ. Dân ở đấy, không ai là người không biết thổi sáo, đánh dàn cầm, đàn sắt, đánh trúc, nuôi gà chọi, có chó săn, đánh cờ, đánh cầu. Trên đường Lâm Tri trục xe chạm nhau, vai người đụng nhau, vạt áo liền nhau thành màn, tay áo giơ lên thành lều, mồ hôi vẩy thành mưa. Nhà giàu, người đủ, chí cao, khí hăng. Nay có vua hiền như đại Vương, nước mạnh như nước Tề, thiên hạ không ai địch nổi, thế mà lại ngoảnh mặt về phía Tây để thờ nước Tần, thần trộm thẹn thay cho đại vương. Vả lại, Hàn, Ngụy sở dĩ thấy sợ Tần là vì bờ cõi tiếp giáp nước Tần. Đem quân ra để đánh nhau thì không quá mười ngày mà tình thế thắng bại, mất còn, đã quyết định. Hàn, Ngụy đánh được Tần, thì quân tổn mất nủa, bốn cõi không giữ được. Đánh mà không thắng thì nguy vong theo ngay đằng sau. Cho nên Hàn, Ngụy coi nặng việc đánh nhau với Tần mà coi nhẹ việc làm tôi nước Tần. Trái lại, Tần đánh Tề thì không thế.

Nó phải đi theo đất nước Hàn, nước Ngụy, qua đường Dương Tấn của nước Vệ, đi tắt lối hiểm huyện Càng Phủ. Xe không đi hàngdôi, ngựa không đi ngang nhau được, trăm người giữ hiểm, nghìn người không dám đi qua. Tần muốn vào sâu, nhưng nhớn nhác nhìn lại sợ Hàn, Ngụy đánh sau lưng mình. Vậy cho nên nó nơm nớp, ngần ngại chỉ làm bộ dọa, chứ không dám tiến. Như thế rõ ràng là Tần không làm hại được Tề. Nay nhà vua không xét kỹ chỗ Tần không làm gì được Tề, lại muốn ngoảnh mặt hướng Tây thờ Tần, điều đó chứng tỏ mưu kế của quần thần là sai. Nay không phải mang cái tiếng thờ Tần lại được cái thực là nước mạnh, đó là điều thần xin dại vương xét kỹ cho.

Tề Vương nói :

- Quả nhân mờ ám, ở cái nước về cõi Đông xa xôi nơi góc bể chân trời, chưa hề được nghe lời dạy bảo. Nay túc hạ đem lời của Triệu Vương bảo cho, quả nhân xin đem cả nước theo.

Tô Tần bèn đi về phía Tây Nam, thuyết Sở Uy Vương :

- Sở là nước mạnh trong thiên hạ, nhà vua là vị vua hiền trong thiên hạ. Ở phía Tây có quận Kiềm Trung, quận Vu; phía Đông có đất Hạ Châu, Hải Dương; phía Nam có hồ Động Đình, quận Thương Ngô; phía Bắc có cửa ải Hình, đất Tuần Dương. Đất đai rộng hơn năm nghìn dặm, tướng sĩ mặc áo giáp trăm vạn người, xe nghìn cỗ, ngựa vạn con, thóc gạo đủ chi dùng mười năm. Đó là cái vốn để làm bá làm vương. Nước Sở mạnh như vậy, nhà vua lại hiền như vậy thì thiên hạ không ai địch nổi, thế mà nhà vua lại muốn ngoảnh mặt về hướng Tây dể thờ Tần. Như thế thì như hầu còn ai chẳng ngoảnh mặt về Tây mà chầu ở dưới đài Chương Đài của Tần kia chứ! Tần ghét nhất là Sở. Sở mạnh thì Tần yếu. Tần mạnh thì Sở yếu. Thế của hai nước không thể cùng đứng. Cho nên đối với đại vương, không gì bằng hợp tung để cô lập Tần. Đại vương không hợp tung, Tần tất đem hai đạo quân ra cửa Vũ Quan, một đạo xuống Kiểm Trung. Thế thì đất Yến, đất Sính phải rung động. Thần nghe nói: trị từ lạc nó chưa loạn, làm từ lúc nó chưa có. Gặp hoạn nạn đến rồi mới lo thì không kịp nữa. Cho nên đại vương sớm tính cho chín di. Nếu đại vương nghe thần, thần xin báo các nước miền Sơn Đông dâng thức hiếm bốn mùa, tuân theo lời dạy bảo sáng suốt của đại vương, trao tất cả xã tắc, tôn. miếu để theo, rèn luyên quân sĩ, cổ võ khích lệ binh lính để cho đại vương dùng. Nếu đại vương quả dùng ngu kế của thần thì người đẹp, giọng nói hay của Hàn, Ngụy, Tề, Yên, Triệu, Vệ sẽ đầy hậu cung; lạc đà, ngựa tốt của Yên, Đại tất sẽ đầy chuồng ngoài. Cho nên hợp tung thì Sở làm vương, liên hoành thì Tần làm đế. Nay bỏ cơ nghiệp bá vương mà mang cái tiếng thờ người, thần trộm cho đại vương làm thế là không phải. Nay Tần là nước hùm sói, có ý nuốt thiên hạ. Tần là kẻ thù của thiên hạ. Những kẻ theo chước hên hoành đều muốn cắt chư hầu để thờ Tần, tức là như người ta nói nuôi cừu địch mà thờ kẻ thù vậy. Họ làm tôi người ta nhưng lại cắt đất của vua mình eho nước ngoài, làm eho nước Tần hùm sói thêm mạnh, xâm lấn thiên hạ. Nếu bỗng nhiên nước Tần gây loạn, thì họ không hề đoái ngh đến tai vạ của nước mình. Bên ngoài, họ dùng cái thế của nước Tần mạnh để bên trong ép vua mình cắt đất. Thật là không việc gì đại nghịch bất trung cho bằng. Cho nên hợp tung thì chư hầu cắt đất để thờ Sở; liên hoành thì Sở cắt đất để thờ Tần. Hai kế ấy cách nhau một vực một trời. Trong hai kế ấy đại vương dùng kế nào Vì thế Triệu Vương nước tôi sai tôi sang trình ngu kế, bày minh ước, xin đại vương dạy cho.