Sử ký Tư Mã Thiên - Chương 20 - Phần 02

2. Ngu Khanh là một kẻ sĩ du thuyết. Ngu Khanh mang dép mo, áo tơi đến du thuyết Hiếu Thành Vương nước Triệu. Ngu Khanh yết kiến lần thứ nhất được nhà vua cho trăm dật vàng (11), một đôi ngọc bạch bích. Ngu Khanh yết kiến lần thứ hai được làm thượng khanh (12) nước Triệu, cho nên hiệu là Ngu Khanh. Nước Tần và nước Triệu đánh nhau ở Trường Bình (13), nước Triệu không thắng, mất một Đô úy. Vua Triệu cho mời Lâu Xương và Ngu Khanh vào nói:

- Quân đánh không thắng, Đô úy lại chết, bây giờ quả nhân có nên sai quân cuốn giáp xông vào quân địch (14) không?

Lâu Xương nói :

- Vô ích, không bằng sai đại sứ đi cầu hòa.

Ngu Khanh nói :

- Ông Xương sở dĩ nói cầu hòa, vì cho rằng nếu không cầu hòa thế nào quân cũng thua to. Nhưng việc muốn hòa hay không là tuỳ ở nước Tần. Bây giờ nhà vua hãy nhìn tình thế nước Tần xem nó có muốn đánh bại quân Triệu không?

Nhà vua nói :

- Nước Tần đã dốc toàn lực, nhất định nó chỉ muốn đánh bại quân Triệu mà thôi.

Ngu Khanh nói :

- Xin nhà vua nghe tôi, sai sứ đem của quý cầu thân với nước Sở, nước Ngụy; nước Sở, nước Ngụy muốn nhận của quý của nhà vua thì thế nào cũng phải nhận sứ của ta. Một khi sứ của Triệu đã vào nước Sở, nước Ngụy thì Tần cho rằng thiên hạ đã hợp tung, và thế nào cũng lo sợ. Có như thế mới có thể cầu hôn được.

Triệu Vương không nghe, cùng với Bình Nguyên quân quyết định cầu hòa, sai Trịnh Chu vào Tần. Tần nhận Trịnh Chu. Triệu Vương gọi Ngu Khanh đến nói :

- Quả nhân đã khiến Bình Dương Quân cầu hòa với Tần, Tần đã nhận Trịnh Chu rồi, ông thấy thế nào?

Ngu Khanh đáp :

- Nhà vua không cầu hòa được đâu, quân nhất định bị đánh bại. Thiên hạ mừng chiến thắng đều đến Tần cả rồi. Trịnh Chu là người sang vào Tần, Tần Vương và Ứng Hầu (15), thế nào cũng tôn trọng ông ta để lòe với thiên hạ. Nước Sở và nước Ngụy cho rằng nước Triệu đã cầu hòa rồi, nên không đến cứu nhà vua, Tần biết thiên hạ không đến cứu nhà vua thì thế nào việc giảng hòa cũng không thể thành.

Quả nhiên Ứng Hầu tôn trọng Trịnh Chu để khoe với những người thiên hạ đến mừng chiến thắng, và cuối cùng không chịu giảng hoà. Quân Triệu thua to ở Trường Bình. Quân Tần bèn vây Hàm Đan, nước Triệu bị thiên hạ cười.

2. Sau khi Tần đã giải vây Hàm Đan, Triệu Vương cho người vào chầu nước Tần, sai Triệu Hách phụng mệnh đi sứ ở Tần, cắt sáu huyện để giảng hoà.

Ngu Khanh nói vói Triệu Vương :

- Quân Tần tấn công nhà vua mỏi mệt rồi trở về, hay là theo ý nhà vua, họ còn đủ sức tiến đánh, nhưng vì thương nhà vua cho nên không đánh (16)?

Nhà vua nói :

- Quân Tần tấn công ta là dốc toàn lực ra mà đánh, chắc chắn vì mệt mỏi cho nên mới về.

Ngu Khanh nói :

- Quân Tần đã không dốc toàn lực ra đánh cái mà họ không lấy được, mệt mỏi trở về. Nay nhà vua lại cho họ cái mà sức họ không lấy được, như thế là giúp nước Tần để tự đánh mình. Sang năm quân Tần lại đánh nhà vua, nhà vua sẽ không còn cách nào cứu được mình nữa.

Nhà vua đem lời của Ngu Khanh nói lại với Triệu Hách. Triệu Hách nói :

- Ngu Khanh có thể biết hết được tình hình binh lực Tần không? Dù rằng quân Tần không đủ sức tiến đánh đi nữa, nếu ta không cho họ miếng đất nhỏ như hòn đạn kia, nhưng nếu sang năm Tần lại đến đánh, liệu nhà vua có khỏi phải cắt đất của mình trong sáu thành để giảng hòa không?

Nhà vua hỏi :

- Nếu ta nghe lời ngươi mà cắt đất thì ngươi làm thế nào cho sang năm Tần không đến đánh ta nữa không?

Triệu Hách đáp :

- Việc ấy quả thực thần không dám chắc. Ngày xưa, Tam Tấn giao kết với Tần rất là thân thiết. Nay sở dĩ Tần hòa hiếu với Hàn, Ngụy mà đánh nhà vua, là vì nhà vua thờ Tần không bằng Hàn, Ngụy. Thần xin vì nhà vua trừ bỏ cái việc bị đánh vì bội bạc với người thân, mở cửa ải đem lễ vật cũng hòa thân như nước Hàn, nước Ngụy. Nếu làm như vậy rồi mà sang năm lại chỉ một mình vua bị nước Tần đánh thì đó là vì nhà vua thờ Tần không bằng Hán, Ngụy. Việc đó quả thực thần không dám chắc.

Nhà vua đem điều ấy nói lại với Ngu Khanh. Ngu Khanh đáp :

- Hách nói nhà vua không cầu hòa nếu sang năm Tần lại đánh nhà vua, nhà vua có khỏi cắt đất trong sáu thành kia để cầu hòa được không? Trái lại, nếu nhà vua cầu hòa thì Hách lại không dám chắc thế nào Tần cũng không đánh nữa. Đã thế thì nay tuy nhà vua có cắt sáu thành cũng không có ích gì. Sang năm Tần lại đánh, ta lại cắt cái đất mà nó không có đủ sức đánh lấy, nộp cho nó để cầu hoà, đó là cái thuật tự tiêu diệt vậy. Chi bằng đừng cầu hoà. Tần có giỏi tấn công đi nữa cũng không thể lấy được sáu huyện; Triệu có chống giữ kém đi nữa, cũng không mất sáu thành. Tần đánh chán trở về, thế nào quân cũng mỏi mệt, ta lấy sáu thành gọi thiên hạ cùng đánh quân Tần mỏi mệt, tức là ta mất thành cho thiên hạ, nhưng được bù lại ở Tần. Như thế nước ta vẫn còn có lợi, chẳng hơn cứ ngồi mà chịu cắt đất, tự làm yếu mình để cho Tần mạnh lên hay sao? Nay Hách nói Tần thân với Hàn, Ngụy, mà lại đánh Triệu, là cho rằng Hàn, Ngụy không cứu Triệu mà quân của nhà vua thế nào cũng bị cô lập. Đó là do nhà vua thờ Tần không bằng Hàn, Ngụy. Như vậy khiến nhà vua mỗi năm cắt sáu thành để thờ Tần. Làm thế tức là ngồi đấy mà nhìn ngườita lấy hết cả thành. Sang năm Tần lại đòi cắt đất thì nhà vua có cho họ không? Nếu không cho thì thế là bỏ tất cả cái công cắt đất ngày trước, lại gây nên cái tai họa bị Tần đánh, nếu cho thì không còn đất nữa để mà cho. Tục ngữ có câu, “Kẻ mạnh giỏi tấn công, kẻ yếu không thể chống đỡ”. Nếu nhà vua cứ ngồi yên mà nghe theo Tần thì quân nước Tần không khó nhọc gì lại lấy được nhiều đất. Đó là cách làm cho Tần mạnh thêm và Triệu yếu đi vậy. Lấy nước Tần càng ngày càng mạnh, mà cắt xé nước Triệu càng ngày càng yếu, kế đó chắc chắn còn kéo dài mãi không thôi. Vả chăng đất của nhà vua có hạn, mà đòi hỏi của Tần thì không cùng. Cứ làm theo lối lấy cái đất có hạn để cung phụng cho sự đòi hỏi không cùng, theo tình thế ấy chắc sẽ đi tới chỗ không còn nước Triệu nữa.

Vua Triệu bàn bạc chưa quyết định, thì Lâu Hoãn từ Tần đến.

Triệu Vương bàn mưu kế với Lâu Hoãn, nói :

- Cho Tần đất với không cho Tần đất, đằng nào hơn?

Hoãn thoái thác nói :

- Điều đó, thần không biết được.

Nhà vua nói :

- Tuy vậy, ông cứ thử nói ý riêng của ông xem.

Lâu Hoãn nói :

- Nhà vua có nghe chuyện bà mẹ của Công Phủ Văn Bá không? Công Phủ Văn Bá làm quan ở Lỗ, mắc bệnh mà chết, có hai người đàn bà vì ông ta mà tự sát ở trong phòng. Người mẹ nghe vậy không khóc. Người bảo mẫu hỏi, “Sao con bà chết mà bà không khóc?”. Người mẹ đáp, “Khổng Tử là người hiền, bị đuổi ở đất Lỗ mà nó không đi theo, nay nó chết, đàn bà lại vì nó mà tự sát đến hai người, thế đủ biết nó tệ bạc với bậc trưởng giả mà hậu với đàn bà”. Đứng về người mẹ mà nói như vậy, thì đó là bà mẹ hiền, nhưng đứng về người vợ mà nói thế thì không khỏi bị xem là người vợ ghen; cho nên lời nói thì vẫn là một, nhưng tuỳ ở địa vị người nói ra; cách hiểu của người nghe sẽ thay đổi. Nay thần mới ở Tần về, thần nói là không cho, thì không phải là mưu kế; thần nói là cho, thì sợ nhà vua cho rằng thần vì nước Tần cho nên không dám đáp. Giá thần được bày mưu kế cho đại vương thì không bằng cho là hơn (17).

Nhà vua nói :

- Vâng.

Ngu Khanh nghe tin vào yết kiến nhà vua, nói :

- Đó là lời trau chuốt bên ngoài, xin nhà vua chớ nghe.

Lâu Hoãn nghe vậy lại vào yết kiến nhà vua.

Nhà vua lại đem lời nói của Ngu Khanh nói lại với Lâu Hoãn. Lâu Hoãn đáp :

- Không phải thế! Ngu Khanh chỉ biết một mà không biết hai. Tại sao Tần, Triệu đánh lẫn nhau mà thiên hạ đều mừng? Là vì họ nghĩ rằng, “Ta hãy dựa vào cái thế của kẻ mạnh mà lợi dụng cái thế của kẻ yếu vậy”. Nay quân Triệu bị quân Tần làm nguy khốn, những người thiên hạ mừng chiến thắng, chắc chắn đều ở Tần. Cho nên không gì bằng cắt đất ngay mà cầu hòa để cho thiên hạ nghi và làm thỏa lòng Tần. Nếu không, thiên hạ sẽ nhân lúc nước Tần đang nổi giận, lợi dụng lúc nước Triệu đang mệt mỏi để chia xẻ Triệu. Nước Triệu sẽ mất, còn gì mà đối phó với Tần nữa. Cho nên thần nói Ngu Khanh chỉ biết một mặt không biết hai, xin nhà vua quyết định ngay đi, chứ đừng bàn bạc nữa.

Ngu Khanh nghe tin vào yết kiến nhà vua, nói :

- Nguy quá! Ông Lâu làm cho Tần, như thế chỉ khiến thiên hạ thêm nghi, chứ có làm nước Tần được vừa lòng đâu! Tại sao ông ta lại không nói cách làm của ông là chỉ để cho thiên hạ thấy chỗ yếu của mình. Vả chăng thần nói đừng cho, không phải là nhất quyết đừng cho. Tần đòi nhà vua sáu thành, mà nhà vua lại đem sáu thành đút cho nước Tề. Nước Tề vốn là kẻ thù sâu sắc của Tần (18), nếu được sáu thành của nhà vua thì sẽ đem tất cả quân lực về hướng tây đánh Tần. Nước Tề sẽ nghe nhà vua, chắc không đợi nói hết lời. Như thế, tức là nhà vua mất đất cho Tề, nhưng sẽ được bù lại ở Tần. Thế là có thể trả cái thù sâu sắc của Tề và Triệu đối với Tần, và tỏ cho thiên hạ thấy ta có sức mạnh dám làm. Nếu nhà vua ban bố điều ấy ra thì binh chưa ra tới biên giới, thần cũng đã thấy Tần đem của cải quý báu đến Triệu và trái lại, chính Tần phải cầu hòa với nhà vua. Hàn, Ngụy, nghe nhà vua hòa với Tần, thế nào cũng trọng nhà vua. Họ trọng nhà vua tất sẽ mang vật tin đến cầu thân với nhà vua. Như vậy nhà vua làm một việc mà kết được tình hòa hảo của ba nước, đồng thời địa vị của mình đối với Tần cũng do đó mà thay đổi (19).

Triệu Vương nói :

- Phải.

Bèn sai Ngu Khanh sang đông yết kiến Tề Vương, cùng bàn về việc Tần.

Ngu Khanh chưa trở về thì sứ của Tần đã đến Triệu (20). Lâu Hoãn nghe vậy bỏ trốn. Do đó, Triệu lấy một thành phong cho Ngu Khanh.

3. Được ít lâu, Ngụy xin hợp tung, Hiếu Thành Vương nước Triệu cho mời Ngu Khanh đến bàn.

Ngu Khanh qua nhà Bình Nguyên Quân, Bình Nguyên Quân nói.

- Tôi muốn ông theo kế hợp tung!

Ngu Khanh vào yết kiến nhà vua, nhà vua nói :

- Nước Ngụy xin hợp tung.

Ngu Khanh đáp :

- Ngụy sai rồi!

Nhà vua nói :

- Vì vậy mà quả nhân vẫn chưa thuận.

Ngu Khanh đáp :

- Sai rồi.

Nhà vua hỏi :

- Ngụy xin hợp tung, ngươi nói Ngụy sai, quả nhân chưa nhận, ngươi lại nói quả nhân sai, như thế thì việc hợp tung không làm được hay sao?

Ngu Khanh đáp :

- Thần nghe nói nếu nước nhỏ hợp tung với nước lớn, thì khi gặp điều lợi, nước lớn sẽ hưởng cái phúc, khi gặp việc thất bại thì nước nhỏ chịu lấy cái vạ. Nay Ngụy là nước nhỏ xin lấy cái vạ, mà nhà vua là nước lớn lại từ chối lấy cái phúc, cho nên thần nói nhà vua sai, nước Ngụy cũng sai, thần trộm nghĩ việc hợp tung là có lợi.

Vua nói :

- Phải.

Bèn bàn hợp tung với Ngụy.

4. Ngu Khanh vì việc Ngụy Tề (21) không coi trọng chức vạn hộ hầu và ấn khanh tướng, cùng bỏ trốn với Ngụy Tề. Rốt cuộc Ngu Khanh rời khỏi nước Triệu, bị khốn ở Lương. Sau khi Ngụy Tề chết, Ngu Khanh bất đắc ý, bèn làm sách, trên góp nhặt sự việc đời Xuân Thu, dưới xem đời gần đây. Sách gồm tất cả tám thiên, là các thiên “kết nghĩa”, “xưng hiệu”, “sủy ma”, “chính mưu”, v... v... bình phẩm những điều hay dở của nước nhà lúc bấy giờ, đời truyền gọi là sách “Ngu Thị Xuân Thu”.

5. Thái Sử Công nói :

- Bình Nguyên Quân là một trang công tử tuyệt vời ở trong đời ô trọc. Nhưng ông ta chưa biết cái đạo lớn. Tục ngữ nói, “Lợi làm cho trí mờ”. Bình Nguyên Quân tham nghe lời tà thuyết của Phùng Đinh (22), khiến cho quân Triệu bị vây hãm ở Trường Bình, bị chôn sống mất hơn bốn mươi vạn, suýt nữa mất Hàm Đan. Ngu Khanh xét tình thế, liệu sự việc, bày mưu cho nước Triệu sao mà khéo thế! Đến như việc Ngu Khanh không nỡ để cho Ngụy Tề phải chết, rốt cuộc bị khốn ở đất Đại Lương, người tầm thường cũng biết là không nên, huống bậc hiền tài! Thế nhưng Ngu Khanh nếu không gặp cái cảnh buồn bã cùng cực thì không thể viết sách để cho đời sau biết đến mình vậy (23).

(1) Ý nói dùng cách thương thuyết êm đềm mà xong xuôi thì tốt nhất; nếu không, phải dùng võ lực mà ép buộc đối phương, chính vì vậy nên Bình Nguyên Quân mới mang theo người giỏi cả văn lẫn võ.

(2) Lặp lại mấy lần chữ tiên sinh để tỏ ý mỉa mai và kiên quyết cự tuyệt.

(3) Ý nói từ trước đến nay chưa muốn trổ tài.

(4) Mao Toại nhắc lại chuyện cũ, việc thứ nhất xảy ra năm 279 trước công nguyên. Năm 279, tướng Tần Bạch Khởi đánh lấy hai quận Yển, Sính của Sở; năm 278 trước công nguyên, Bạch Khởi đốt Di Lăng là nơi có lăng tẩm của các vua nước Sở. Nước Sở phải dời đô đến đất Trần. Đoạn này nói Mao Toại giỏi cả văn lẫn võ.

(5) Đoạn này để đáp ứng câu nói của Bình Nguyên Quân, “nếu dùng văn không được thì phải dùng võ lực. Nhất thiết phải hợp tung ở ngay trên điện mới nghe”.

(6) Chín vạc của vua Hạ Vũ đúc. Đại Lữ là cái chuông lớn đời nhà Chu, hai vật này đều là những vật quý.

(7) Xem Tín Lăng Quân liệt truyện.

(8) Xem Tín Lăng Quân liệt truyện.

(9) Công Tôn Long là một nhà “danh gia”, cốt phân tích rõ danh nghĩa.

Trong thiên “Kiên Bạch” ở sách Công Tôn Long tử có nói: Kiên (cứng), bạch (trắng), thạch (đá), cho là ba có được không? - Không được. Cho là hai có được không? - Được. Nghĩa là: mắt xem đá thấy trắng mà thôi, không biết nó cứng thì gọi là đá trắng; tay sờ đá thì biết là nó cứng mà không biết là nó trắng nên bảo là đá cứng vậy. Kiên (cứng), bạch (trắng), không thể hợp làm một được. Lý luận của ông nhằm mục đích rút ra những khái niệm trừu tượng từ thực tế và chứng minh những khái niệm này độc lập đối với nhau, “con ngựa trắng” và “con ngựa nói chung” là hai khái niệm khác nhau, cho nên con ngựa trắng không phải là con ngựa. Cũng vậy, khái niệm “người thân thích của nhà vua” và “khái niệm người dâng thường” khác nhau, cho nên không thể dùng cách khen thưởng như nhau. Lập luận của ông rất gần lập luận phái Ngụy biện ở Hy Lạp.

(10) Trâu Diễn người nước Tề nói với Bình Nguyên Quân cho rằng cái thuyết của Công Tôn Long là nguỵ biện, chỉ khiến người ta mê hoặc, đã vô ích lại hại đến đạo lớn.

(11) Một dật là 20 lạng, 100 dật là 2000 lạng.

(12) Một địa vị tương đương với Tể tướng.

(13) Xem Liêm Pha, Lạn Tương Như liệt truyện.

(14) Ý nói quyết liều chết đánh địch.

(15) Tức Phạm Thư - xem Phạm Thư liệt truyện.

(16) Chủ ý phương pháp nghị luận của Ngu Khanh. Đó là một cách áp dụng phương pháp “thăm dò” (xem chú thích ở Tô Tần liệt truyện), tìm cho ra chỗ hở để mà nói. Mục đích của nó là không nói thẳng ý kiến của mình, vì có thể làm nhà vua tự ái không chấp nhận, mà dùng những câu hỏi hay những gỉa thuyết trái ngược với điều mình nói đưa ra trước và làm sao cho nhà vua tự thấy nó mâu thuẫn với lẽ phải, rồi cuối cùng đưa nhà vua đến ý của mình và tấn công vào đấy.

(17) Cách nói này cũng là cách “thăm dò”. Thí dụ Công Phủ Văn Bá đưa ra chẳng qua chỉ là một cách rào trước. Lâu Hoãn đưa ra cả hai ý có vẻ khách quan, khiến nhà vua có thể nhìn thấy tình trạng khó xử của Hoãn mà tìm được cách giải quyết. Phương pháp dùng ngụ ngôn để mở đầu ý kiến của mình là một phương pháp thông thường ở thời Chiến quốc, Trang Tử và Mạnh Tửu rất hay dùng.

(18) Lúc bấy giờ hai nước Tề và Tần đang tranh nhau làm bá chủ chư hầu.

Mạnh Thường Quân nước Tề đã tập hợp quân của Hàn, Ngụy đánh bại quân Tần ở Hàm Cốc quan, Tần phải cắt ba thành để giảng hoà.

(19) Đó là then chốt của câu “được bù đắp lại ở Tần”.

(20) Ứng với câu “binh chưa xuất hiện... Tần đã đem của cải quý báu đến”.

(21) Ngụy Tề là Tể tướng nước Ngụy làm nhục Phạm Thư. Khi Phạm Thư làm Thừa tướng Tần, Ngụy Tề sợ chạy sang Triệu, ở nhà Bình Nguyên Quân.

Quân Tần bức bách, Triệu Vương cho quân vây, Ngụy Tề yết kiến Tể tướng nước Triệu là Ngu Khanh. Ngu Khanh liền bỏ ấn tể tướng, cùng Ngụy Tề trốn đến Đại Lương, muốn nhờ Tín Lăng Quân giúp để chạy về phía nam vào nước Sở. Tín Lăng Quân do dự, Ngụy Tề tự sát.

(22) Năm 262 trước công nguyên, quân Tần đánh Hàn, tướng Hàn là Phùng Đinh đem đất Thương dâng Triệu. Bình Nguyên Quân khuyên nhà vua nhận đất ấy. Tần đem quân đến Trường Bình đánh Triệu, thua to, bốn mươi vạn quân bị chôn sống. Thủ đô Triệu là Hàm Đan suýt bị mất.

(23) Nhân chuyện Ngu Khanh, tác giả bộc lộ tâm sự của mình.