Sử ký Tư Mã Thiên - Chương 31 - Phần 01

Hoài Âm Hầu liệt truyện

Hoài Âm Hầu Hàn Tín là người huyện Hoài Âm. Khi còn hàn vi, nhà nghèo, tài năng đức hạnh không có gì để được cử làm quan, lại không biết lo công việc làm ăn buôn bán. Thường theo người ta ăn bám, nhiều người chán ghét. Tín thường ăn bám ở nhà đình trưởng đình Nam Xương làng Hạ Hương. Được mấy tháng, người vợ của đình trưởng lo phiền, bèn nấu cơm từ sáng ngồi trên giường mà ăn. Đang lúc ăn thì Tín đến, họ không để Tín cùng ăn. Tín cũng biết ý họ, nổi giận tuyệt giao ra đi. Tín câu cá ở dưới thành, trong số những người đàn bà đập vải, có một bà thấy Tín đói, cho Tín ăn cơm suất mấy mươi ngày, cho đến khi đập vải xong. Tín mừng nói với bà :

- Thế nào tôi cũng đền ơn bà xứng đáng.

Bà ta giận nói :

- Kẻ đại trượng phu không có thể nuôi nổi thân mình, tôi thương cậu nên mời ăn, chứ có phải mong cậu báo đáp đâu?

Trong số những người hàng thịt ở Hoài Âm, có một người trẻ tuổi trêu Tín nói :

- Mày tuy cao lớn lại thích mang đao kiếm, nhưng trong lòng thì nhát thôi.

Y làm nhục Tín trước mặt mọi người :

- Tín? Mày dám chết thì hãy đâm tao, nếu không dám chết thì luồn dưới háng tao đây.

Thế là (1) Tín nhìn người kia đăm đăm, cúi xuống bò qua háng. Cả chợ đều cười Tín là nhát gan.

Đến khi Hạng Lương qua sông Hoài, Tin chống gươm đi theo, ở dưới cờ chẳng có tiếng tăm gì. Hạng Vương bại trận, Tín lại theo Hạng Vũ. Hạng Vũ cho làm trung. Tín nhiều lần bày mưu cho Hạng Vũ, nhưng Vũ không dùng. Khi Hán Vương vào đất Thục, Tín bỏ Sở theo về Hán. Cũng không có tiếng tăm gì (2), được làm chức liên ngao (3)! Tín phạm tội bị xử chém, cả bè lũ mười ba người đều đã chém hết; đến lượt Tín, Tín ngẩng đầu lên nhìn, chợt thấy Đằng Công liền nói :

- Nhà vua không muốn lấy thiên hạ hay sao? Tại sao chém tráng sĩ?

Đằng Công thấy lời nói kỳ lạ, dung mạo hiên ngang nên tha mà không chém.

Đằng Công cùng nói chuyện, rất hài lòng. Đằng Công nói với nhà vua, được cho làm Đô úy, coi về thóc, nhưng vẫn chưa thấy có tài gì lạ (4).

2. Tín thường nói chuyện với Tiêu Hà. Tiêu Hà rất phục. Khi vua Hán đến đất Nam Trịnh, trên đường đi, các tướng bỏ trốn đến mấy chục người. Tín xem chừng bọn Hà đã mấy lần tâu với nhà vua, nhưng nhà vua không dùng mình, cho nên bỏ trốn. Hà nghe tin Tín bỏ trốn liền thân hành theo tìm, không kịp báo cho vua biết. Có người nói với nhà vua :

- Thừa tướng Tiêu Hà bỏ trốn rồi!

Nhà vua cả giận như người mất tay phải, tay trái. Được hai ngày, Tiêu Hà đến ra mắt nhà vua. Nhà vua vui mừng vừa mừng vừa giận mắng (5) Hà :

- Tại sao nhà ngươi lại bỏ trốn?

Hà đáp :

- Thưa thần không dám bỏ trốn, thần theo bắt người bỏ trốn đấy ạ.

Nhà vua hỏi :

- Nhà ngươi theo bắt ai?

Hà đáp :

- Theo Hàn Tín!

Nhà vua lại mắng :

- Các tướng bỏ trốn đến hàng chục, nhà ngươi không đuổi theo ai, lại đuổi theo Hàn Tín, nói láo!

Hà đáp :

- Các tướng đều dễ kiếm thôi, còn như Tín là kẻ quốc sĩ (6) có một không hai. Nhà vua nếu cứ muốn làm vương mãi ở Hán Trung, thì chẳng cần Tín làm gì chứ nếu muốn tranh lấy thiên hạ thì ngoài Tín ra chẳng có thể bàn công việc với ai (7). Chẳng hiểu nhà vua định đi theo đường nào?

Vua nói :

- Ta cũng muốn sang Đông chứ lẽ nào lại bực bội ngồi ở đây mãi được ư?

Hà nói :

- Nhà vua nhất định muốn sang Đông, dùng được Hàn Tín, Tín sẽ ở lại, nếu không dùng được thì Tín thế nào cũng bỏ trốn đấy (8).

Nhà vua nói :

- Ta sẽ vì ông, cho hắn làm tướng.

Hà nói :

- Tuy được làm tướng, Tín cũng không ở lại đâu.

Nhà vua nói :

- Thì cho làm đại tướng.

Hà nói :

- May lắm?

Vua bèn muốn mời Hàn Tín vào để phong. Tiêu Hà nói :

- Tính nhà vua vốn ngạo mạn, vô lễ, phong một đại tướng như gọi một đứa trẻ con đến, chính vì thế mà Tín bỏ đi đấy. Nếu nhà vua quả thật muốn phong cho ông ta thì phải chọn ngày tốt, trai giới, lập đàn, bày đủ lễ mới được.

Nhà vua bằng lòng. Các tướng đều mừng, ai cũng cho rằng mình sẽ được làm đại tướng. Đến khi phong đại tướng lại là Hàn Tín, cả ba quân đều ngơ nác (9).

Tín lạy xong, lên ngồi ở trên đàn, nhà vua nói :

- Thừa tướng nhiều lần nói đến tướng quân, tướng quân có kế gì để dạy bảo quả nhân?

Tín từ tạ, nhân đấy hỏi nhà vua :

- Nay nhà vua sang Đông tranh quyền thiên hạ, có phải là tranh với Hạng Vương không?

Hán Vương nói :

- Phải.

Hàn Tín nói :

- Đại vương thử xem mình với Hạng Vương, ai dũng cảm, dữ tợn, nhân từ và hùng mạnh hơn (10)?

Hán Vương im lặng hồi lâu, nói :

- Tôi không bằng.

Tín lạy hai lạy (11) và nói :

- Tín cũng nghĩ rằng đại vương không bằng, nhưng thần đã từng thờ y, vậy xin nói Hạng Vương là người như thế nào. Hạng Vương khi hò hét, quát tháo, nghìn người đều khiếp vía, nhưng ông ta không biết tin dùng tướng tài, thì đó chẳng qua là cái dũng của kẻ thất phu mà thôi. Hạng Vương tiếp người thì cung kính, thương yêu, nói năng dịu dàng; người ta đau ốm thì chảy nước mắt khóc, cùng chia thức ăn, thức uống. Nhưng khi người ta có công đáng được phong tước thì để cho ấn khắc bị hư mòn, tiếc mà không đem cho. Như thế thì gọi là lòng nhân của đàn bà vậy. Hạng Vương tuy làm bá trong thiên hạ, các chư hầu thần phục, nhưng không ở đất Quan Trung, lại đóng đô ở Bành Thành. Hạng Vương trái lời giao ước của Nghĩa Đế phong những người thân tín của mình làm vương. Chư hầu bất bình, thấy Hạng Vương dời đuổi Nghĩa Đế đến Giang Nam nên cũng trở về đuổi chủ của mình mà tự lập làm vương ở nơi địa thế tốt. Hễ đi qua đâu Hạng Vương cũng tàn sát người ta, thiên hạ đều oán, trăm họ không gần gũi chỉ sợ uy mà miễn cưỡng theo đấy thôi. Tiếng tuy là lớn nhưng thực ra thì mất lòng thiên hạ. Cho nên nói rằng cái mạnh của ông ta dễ làm yếu đi. Nay nếu như đại vương có thể làm trái hẳn điều ông ta đã làm, dùng những người vũ dũng trong thiên hạ thì đánh đâu mà chẳng được? Lấy thành ấp trong thiên hạ, phong cho các công thần thì ai mà chẳng theo? Lấy nghĩa binh đi theo những quan sĩ muốn về Đông thì phá chỗ nào mà chẳng tan (12)? Vả chăng những người làm vương ở Tam Tần (l2) nguyên là các tướng Tần cai quản con em người Tần đã mấy năm, giết hại con em không kể xiết, lại lừa dối quân sĩ, đầu hàng chư hầu. Khi đến Tân An, Hạng Vương lừa chôn sống hai mươi vạn quân Tần đã đầu hàng, chỉ có Hàm, Hân và Ế là được thoát, bọn cha anh ở Tần oán ba người này đến tận xương tủy. Nay nước Sở dùng uy lực ép nhân dân đem ba người ấy làm vương, dân Tần chẳng ai ưa cả. Trái lại đại vương vào Quan Trung tơ hào không phạm đến, trừ bỏ những thứ luật pháp hà khắc của Tần, cùng với nhân dân Tần giao ước. Pháp luật theo ba khoản (14), dân Tần ai cũng muốn được đại vương làm vua đất Tần. Theo lời giao ước của chư hầu thì đại vương đáng làm vương ở Quan Trung, dân Quan Trung đều biết như thế. Đại vương mất chức vương ở Quang Trung phải vào Hán Trung, dân Tần ai cũng tiếc (15). Nay đại vương đem quân sang Đông, có thể truyền hịch mà bình địch được Tam Tần.

Hán Vương cả mừng, tự cho là gặp Hàn Tín quá muộn, bèn nghe theo lời Hàn Tín, sắp đặt các tướng để nhằm tấn công.

3. Tháng tám, Hán Vương đem binh sang Đông, đi ra khỏi huyện Trần Thương, bình định đất Tam Tần. Năm thứ hai nhà Hán (năm 205 trước Công nguyên), đem quân ra cửa ải thu đất Hà Nam của Ngụy. Hán Vương và Ân Vương đều đầu hàng. Hán Vương hợp với Tề và Triệu cùng đánh Sở. Tháng tư đến Bành Thành, quân của Hán bị đánh bại, tan tác trở về. Tín thu binh họp với Hán Vương ở Huỳnh Dương, lại đánh phá quân Sở ở miền giữa đất Kinh và đất Sách. Quân Sở vì vậy vẫn không thể đi ra hướng Tây.

Sau khi quân Hán bị thua trận ở Bành Thành, Tắc Vương là Hàn và Địch Vương là Ế bỏ Hán đầu hàng Sở. Nước Tề, nước Triệu cũng phản lại Hán mà hòa với Sở. Tháng sáu Ngụy Vương là Báo xin nghỉ để về thăm cha bị bệnh. Về đến nước, Ngụy Vương liền cắt đường giao thông ở Hà Quan, phản lại Hán, giao hiếu với Sở. Vua Hán sai Lịch Sinh thuyết phục Báo, nhưng Báo không nghe. Tháng tám năm ấy nhà vua phong Tín làm Tả thừa tướng để đánh Ngụy. Vua Ngụy đem nhiều binh đến Bồ Bản chặn cửa sông Lâm Tấn, Tín dàn thêm nghi binh, bày thuyền bè như muốn vượt qua sông Lâm Tấn; nhưng trái lại dùng phục binh đi đường đất Hạ Dương, lấy thùng gỗ để cho quân vượt qua sông, đánh úp đất An Ấp. Ngụy Vương Báo cả kinh, đem binh đến đánh Tín. Tín liền bắt Báo cầm tù, bình định đất Ngụy, làm thành quận Hà Đông, Hán Vương sai Trương Nhĩ cùng với Hàn Tín đem binh sang Đông đi về hướng Bắc, dành nước Triệu, nước Đại. Tháng chín nhuận năm ấy, Tín phá quân Đại, bắt được Hạ Duyệt ở đất Ứ Dự. Sau khi Tín lấy được nước Nguỵ phá được nước Đại, Hán Vương liền sai người thu tinh binh của Tín đem đến Huỳnh Dương để chống Sở.

Tín và Trương Nhĩ cầm quân mấy vạn, muốn đi về phía Đông xuống Tỉnh Hình để đánh Triệu. Vua Triệu và Thành An Quân là Trần Dư nghe tin quân Hán sắp đánh úp, bèn tụ tập quân đội ở Tỉnh Hình, phao là hai mươi vạn.

Quảng Vũ Quân là Lý Tả Xa nói với Thành An Quân :

- Nghe nói tướng Hán là Hàn Tín vượt Tây Hà bắt Ngụy Vương, bắt sống Hạ Duyệt, vừa mới đổ máu ở Ứ Dự, nay lại thêm Trương Nhĩ giúp sức, ý muốn lấy nước Triệu. Đó là họ thừa thắng và đi xa nước mà đánh, tình thế khó đương đầu với nó. Tôi nghe nói: vận lương nghìn dặm, quân sĩ có dáng đói; đợi hái củi cắt cỏ mà nấu ăn, lính tráng không được no. Nay đường ở Tỉnh Hình không thể cùng đi hai xe một lần. Quân kỵ không thể sắp thành hàng, đi vài trăm dặm thì thế nào lương thực cũng tụt lại sau. Xin túc hạ cho tôi ba vạn kỳ binh, đi theo đường tắt để chẹn đường vận tải; còn túc hạ thì đào hào cho sâu, đắp thành cho cao, giữ chặt lấy thành, đừng đánh với họ. Quân của họ tiến lên trước không được đánh, mà rút lui lại không được về, tôi dùng kỳ binh chẹn đằng sau, khiến cho họ không thể cướp được gì ở ngoài đồng. Như thế không đầy mười ngày, đầu hai tướng sẽ nộp ở dưới cờ. Xin ngài lưu ý đến kế của tôi. Nếu không thế nào cũng bị hai tên ấy bắt.

Thành An Quân vốn là nhà nho, thường nói rằng: “Nghĩa binh thì không dùng mẹo lừa dối, mưu kỳ lạ”, nói :

- Tôi nghe nói theo binh pháp “mình gấp mười thì vây, gấp đôi thì đánh” (16). Nay Hàn Tín binh phao là mấy vạn người nhưng thực ra chẳng qua chỉ mấy nghìn. Họ vượt nghìn dặm đánh úp chúng ta thì cũng đã mỏi mệt lắm rồi. Nếu như chúng ta trốn tránh không đánh, về sau có quân địch đông hơn, ta làm sao thắng được? Như thế chư hầu sẽ bảo ta là nhát và coi thường việc đánh ta.

Vì vậy không nghe mưu kế của Quảng Vũ Quân. Hàn Tín sai người sang thám thính, biết mưu của Quảng Vũ Quân không được dùng, cả mừng, bèn đem quân thẳng xuống. Chưa đến cửa Tỉnh Hình, cách ba mươi dặm, dừng lại cắm trại. Nửa đêm truyền lệnh xuất phát. Chọn hai nghìn quân kỵ trang bị nhẹ, mỗi người cầm một lá cờ đỏ đi theo đường tắt lén lút sang nói theo dõi quân Triệu. Tín ra lệnh: “Triệu thấy ta chạy, thế nào cũng bỏ trống thành mà đuổi ra. Chúng mày tiến vào ngay trong thành, nhổ cờ của Triệu dựng cờ đỏ của Hán”. Khiến bọn tý tướng truyền bảo ăn cơm lót lòng thôi, và nói :

- Hôm nay phá quân Triệu xong sẽ họp nhau ăn tiệc.

Các tướng không ai tin, giả vờ đáp :

- Dạ.

Lại nói với tướng sĩ :

- Quân Triệu đã giữ địa thế tiện lợi trước để xây đồn lũy, chúng lại chưa thấy cờ trống, đại tướng của ta nên chưa chịu tiến lên đánh đội tiên phong vì chúng sợ ta đến nơi đường hẹp, hiểm trở thì quay lại.

Tín bèn sai một vạn người đi trước bày trận quay lưng ra sông.

Quân Triệu ở xa nhìn thấy, cười vang.

Lúc bình minh, Tín dựng cờ đại tướng, đánh trống lên, kéo quân ra cửa Tỉnh Hình. Quân Triệu mở cửa lũy, đánh nhau to một hồi lâu. Bấy giờ Hàn Tín, Trương Nhĩ vờ bỏ cờ trống chạy đến đạo quân gần sông. Đạo quân gần sông rẽ ra, đón lấy họ, rồi lại chiến đấu dữ dội. Quân Triệu quả nhiên bỏ thành ra tranh lấy cớ trống của Hán, đuổi theo Hàn Tín, Trương Nhĩ. Sau khi Hàn Tín, Trương Nhĩ đã nhập vào đạo quân ở gần sông thì quân đội đều liều chết chiến đấu không thể nào đánh bại được. Hai nghìn quân kỵ mà Tín đã cho đi từ trước chờ đến khi quân Triệu bỏ lũy trống để đuổi theo để lấy cờ trống của Hán, liền ruổi nhanh vào trong thành, nhổ tất cả cờ xí của Triệu để dựng hai nghìn lá cờ đỏ của Hán. Quân Triệu đã không thắng không bắt được bọn Tín, muốn quay trở về đồn, nhưng trong thành toàn là cờ đỏ của Hán thì cả sợ, cho rằng quân Hán đã bắt được tướng của Triệu Vương rồi. Quân sĩ hỗn loạn bỏ chạy. Tướng Triệu chém cũng không ngăn được. Quân Hán hai bên áp lại, phá tan quân Triệu, chém Thành An Quân trên sông Chi Thủy, bắt Triệu Vương là Yết.