Sử ký Tư Mã Thiên - Chương 31 - Phần 03

Hàn Tín cảm ơn nói :

- Tiên sinh hãy về nghỉ, tôi sẽ nghĩ lại xem.

Vài ngày sau Khoái Thông lại đến, nói :

- Nghe là để chuẩn bị mà làm (45), kế là then chất của việc. Nghe sai, kế hỏng mà vẫn ở yên được lâu là việc ít có vậy. Người nghe mà phân biệt được việc nên chăng, thì không thể dùng lời nói để làm rối loạn. Bàn mưu mà không bỏ quên điều gốc và điều ngọn thì không thể lấy lời lẽ văn hoa để làm rối loạn. Cam tâm làm phận sự của bọn tôi tớ thì sẽ mất cái quyền của người muôn cỗ xe; cứ bo bo lấy cái lộc ít ỏi thì bỏ lỡ đia vị khanh tướng. Cho nên kiên quyết là cái quyết định người khôn. Ngờ vực làm hại công việc; cứ xét cái kế nhỏ tủn mủn thì sẽ bỏ sót việc lớn trong thiên hạ. Một khi trí đã biết rõ mà không dám làm thì đó là điều gây nên mọi thứ tai họa. Cho nên có câu nói “con mãnh hổ do dự không bằng con ong, con bọ cạp liều đốt. Ngựa ký dùng dằng không bằng ngựa hèn bước chắc chắn. Mạnh Bồn hồ nghi không bằng con người tầm thường kiên quyết đi đến mục đích. Khôn như Nghiêu, Thuấn mà ngậm miệng không nói thì không bằng kẻ câm người điếc lấy ngón tay chỉ trỏ”. Những điều trên đây, nói rằng cái quý là ở chỗ biết hành động. Đại phàm công lao thì khó thành mà dễ bại; thời cơ thì khó được mà dễ mất. Ôi! Thời cơ không trở lại. Xin túc hạ xét rõ cho.

Hàn Tín do dự không nỡ phản lại nhà Hán. Lại tự cho rằng mình lập được nhiều chiến công, nhà Hán dẫu sao cũng không lấy mất nước Tề của mình. Bèn từ tạ Khoái Thông.

Khoái Thông nói không được, bèn giả điên, làm người thầy cúng.

Hán Vương bị nguy khốn ở Cố Lăng, dùng kế của Trương Lương, triệu Tề Vương là Tín, rồi đem binh họp nhau ở Cai Hạ. Sau khi Hạng Vũ đã bị phá, Cao Tổ cướp mất (46) quân của Tề Vương. Năm thứ năm tháng giêng đời Hán (năm 202 trước Công nguyên) Cao Tổ dời Tề Vương Tín làm Sở Vương, đóng đô ở Hạ Bì (47).

6. Tín về nước, cho gọi bà giặt vải đã cho mình ăn để thưởng ngàn vàng.

Lại gọi đình trưởng Nam Xương ở Hạ Hương thưởng một trăm quan tiền nói :

- Ông là kẻ tiểu nhân, làm ơn không trót.

Sai gọi người thanh niên đã bắt Tín luồn qua háng cho làm Trung úy nước Sở. Tín nói với các tướng văn võ :

- Hắn là tráng sĩ đấy, lúc hắn làm nhục ta, ta có phải không giết được hắn đâu? Nhưng giết hắn thì không có danh nghĩa gì (48).

Viên tướng bỏ trốn của Hạng Vương là Chung Ly Muội nhà ở núi Y Lô, Chung Ly Muội vốn chơi thân với Tín. Sau khi Hạng Vương chết, Ly Muội bỏ trốn về với Tín. Hán Vương giận Muội, nghe nói Muội ở Sở, ra chiếu cho Sở Vương bắt Muội. Tín mới về đến nước, đi tuần hành ở các huyện các ấp nơi ra vào đều dàn binh sĩ hộ vệ. Năm thứ sáu đời nhà Hán (năm 201 trước Công nguyên) có người đưa thư lên báo Sở Vương Tín làm phản. Cao Đế dùng mưu kế của Trần Bình, Thiên tử đi tuần thú hội họp chư hầu. Ở phương Nam có đất Vân Mộng, Hán Vương sai sứ báo cho chư hầu sẽ họp ở đất Trần: “Ta sẽ đi chơi Vân Mộng”. Kỳ thực nhà vua muốn bắt Tín, nhưng Tín không biết.

Cao Tổ sắp đến Sở, Tín muốn khởi binh làm phản, tự nghĩ mình vô tội (49), muốn yết kiến nhà vua, nhưng sợ bị bắt.

Có người nói với Tín :

- Chém Muội để ra mắt nhà vua, nhà vua thế nào cũng mừng, không có gì phải lo.

Tín đến. gặp Muội để bàn việc ấy, Muội nới :

- Nhà Hán sở dĩ không dám đánh lấy Sở là vì Muội ở nhà ông. Nay ông muốn bắt ta để nịnh nhà Hán, thì ta hôm nay chết nhưng ông cũng chết theo như trở tay mà thôi.

Bèn mắng Tín :

- Nhà ngươi không phải bậc trưởng giả.

Sau đó đâm cổ chết.

Tín ôm đầu Muội ra mắt Cao Tổ ở đất Trần. Nhà vua sai võ sĩ trói Tín lại chở ở xe sau. Tín nói :

- Đúng như người ta nói: “Thỏ khôn hết thì chó giỏi bị nấu, chim cao hết thì cung tốt bị cất, nước địch bị phá thì mưu thần hết đời”. Thiên hạ đã bình định rồi, ta bị nấu là đáng lắm.

Nhà vua nói :

- Người ta bảo nhà ngươi làm phản.

Bèn trói Tín. Đến Lạc Dương thì tha tội (50) cho Tín làm Hoài Âm Hầu.

Tín biết Hán Vương sợ và ghét tài năng mình, cho nên thường cáo bệnh không đi chầu. Tín vì vậy ngày đêm oán giận, vẫn thường bực bội, thẹn thùng vì thấy mình đứng ngang hàng bọn Giáng, Quán (51). Tín thường qua chơi nhà tướng quân Phàn Khoái. Khoái quỳ lạy đón và tiễn ra cửa, xưng là “thẩn”, nói :

- Đại vương lại chịu quá bộ đến nhà “thần” sao?

Tín bước ra cửa, cười mà rằng :

- Ta nay hóa ra ngang hàng với bọn Khoái.

Nhà vua có lúc thung dung nói chuyện với Tín về tài năng của các tướng, xem tài năng họ như thế nào. Nhà vua hỏi :

- Như ta thì có thể cầm được bao nhiêu quân?

Tín nói :

- Bệ hạ chẳng qua chỉ cầm được mười van.

Nhà vua hỏi :

- Thế còn nhà ngươi thì cầm được bao nhiêu?

- Thần thì càng nhiều càng tốt?

Nhà vua cười nói :

- Càng nhiều càng tốt thì sao lại bị ta bắt.

Tín nói :

- Bệ hạ không thể cầm quân, nhưng giỏi chỉ huy các tướng, vì vậy cho nên Tín mới bị bệ hạ bắt. Vả chăng có thể nói là trời trao cho bệ hạ, chứ không phải sức người có thể làm được.

Trần Hy được bổ làm Thái thú ở Cự Lộc. Hy từ giã Hoài Âm Hầu. Hoài Âm Hầu nắm lấy tay Hy, đuổi những người xung quanh, cùng Hy dạo bước ở ngoài sân. Tín ngẩng đầu lên trời thở dài mà rằng :

- Ta có thể nói với nhà ngươi được không? Ta muốn nói với nhà ngươi một lời.

Hy đáp :

- Xin tướng quân chỉ giáo.

Hoài Âm Hầu nói:.

- Chỗ nhà ngươi ở là nơi tinh binh trong thiên hạ ở đấy. Nhà ngươi lại là người tôi được bệ hạ tin yêu. Nếu người ta nói nhà ngươi làm phản thì thế nào bệ hạ cũng không tin. Nói lần thứ hai thì bệ hạ sẽ nghi. Nói lần thứ ba thì thế nào bệ hạ cũng nổi giận, mà thân hành cầm quân. Ta vì nhà ngươi từ bên trong nổi dậy, thì có thể lấy được thiên hạ.

Trần Hy vốn biết tài năng Hàn Tín cho nên tin theo, nói :

- Xin vâng lời chỉ giáo (52).

Năm thứ mười một nhà Hán (năm 116 trước Công nguyên). Trần Hy quả nhiên làm phản. Nhà vua thân hành làm tướng, đem quân đi. Tín cáo bệnh không đi theo, ngầm sai người đến nói với Trần Hy :

- Ông cứ cử binh, tôi ở đây sẽ giúp ông.

Tín bèn bàn mưu với các gia thần đang đêm giả làm chiếu nhà vua tha những người phạm tội và làm nô lệ của nhà nước, muốn dùng họ để đánh úp Lữ Hậu và Thái tử. Bố trí đã xong xuôi, đợi Hy báo tin. Người môn hạ có tội với Tín bị Tín bỏ tù, muốn giết đi. Em của người này ra đầu thú báo tin, tố cáo Tín muốn làm phản. Lữ Hậu muốn gọi Tín vào, nhưng sợ đảng của Tín đông, Tín không đến, nên bàn với tướng quốc Tiêu Hà, giả vờ sai người từ chỗ vua ở về nói rằng Hy đã chết, các chư hầu, các quan đều đến mừng. Tướng quốc lừa Tín :

- Tuy ngài ốm, cũng xin cố gắng vào mừng.

Tín vào, Lữ Hậu sai võ sĩ trói Tín, chém ở nhà treo chuông trong cung Trường Lạc. Lúc sắp bị chém, Tín nói :

- Ta hối hận không dùng mưu kế của Khoái Thông, cho nên mới bị bọn đàn bà con nít lừa dối. Há chẳng phái là vì trời muốn thế hay sao?

Lữ Hậu bèn giết cả ba họ nhà Tín. Sau khi Cao Tổ đã dẹp xong quân của Trần Hy trở về kinh đô, thấy Tín đã chết nhà vua vừa mừng vừa thương hỏi :

- Lúc chết, Tín có nói gì?

Lữ Hậu nói :

- Tín nói tiếc không dùng mưu kế của Khoải Thông.

Cao Tổ nói :

- Khoái Thông là người biện sĩ của nước Tề.

Bèn ra chiếu cho nước Tề bắt Khoái Thông. Khoái Thông đến, nhà vua nói :

- Nhà ngươi dạy cho Hoài Âm Hẩu làm phản phải không?

- Vâng, tôi có dạy cho hắn, thằng trẻ ranh kia không dùng kế của tôi cho nên đến nông nỗi này. Giá nó dùng kế của tôi thì bệ hạ làm sao diệt nó được.

Nhà vua nổi giận nói :

- Đem nấu nó đi.

Thông nói :

- Trời ơi! Bị nấu thật là oan.

Nhà vua nói :

- Nhà ngươi dạy cho Hàn Tín làm phản còn oan uổng nỗi gì nữa?

Thông nói :

- Kỷ cương nhà Tần bị đứt, miền Sơn Đông nổi loạn, các miền khác đều nổi lên. Các anh hùng tuấn kiệt họp lại nhiều như quạ. Nhà Tần mất con hươu, thiên hạ cùng nhau đuổi bắt (53). Lúc bấy giờ ai tài cao, chân nhanh thì bắt được trước. “Chó của Chích (54) cắn vua Nghiêu không phải vì vua Nghiêu bất nhân, nhưng là chó thì bất kỳ ai không phải chủ của nó là nó cắn”. Lúc bấy giờ thần chỉ biết có Hàn Tín, không biết có bệ hạ. Vả chăng những kẻ mài giáo, cầm mũi nhọn, muốn làm điều bệ hạ đã làm cũng rất nhiều, nhưng chỉ vì họ không đủ sức đấy thôi. Bệ hạ có thể nấu tất cả dược không?

Cao Đế nói :

- Tha cho hắn?

Bèn tha tội cho Thông (55).

7. Thái Sử Công nói :

- Tôi sang đất Hoài Âm, người Hoài Âm nói với tôi: lúc Hàn Tín còn là kẻ áo vải, chí khí ông ta khác người thường. Mẹ ông mất, nhà nghèo không có gì chôn, nhưng ông vẫn sang sửa cất vào chỗ cao ráo để bên cạnh mộ có thể chứa nổi vạn nhà.

Tôi xem mả người mẹ ông ta, quả có thế thực. Cứ gì Hàn Tín biết học đạo (56) nhún nhường, không khoe công lao của mình không tự phụ tài năng của mình, thì ngõ hầu công ông ta đối với nhà Hán có thể sánh ngang với Chu Công, Thái Công, Thiệu Công và đến đời sau vẫn được cúng tế. Nhưng ông không lo làm thế. Thiên hạ đã định rồi, lại mưu việc phản nghịch kia chứ!

Dỏng họ bị giết, chẳng phải đáng đời sao! (57).

(1) Ý nói vội vàng.

(2) Dùng phản phúc pháp, trong một trang nhắc năm lần “không có tiếng tăm gì”, khiến người đọc càng yên chí rằng Hàn bất tài.

(3) Liên ngao: chức coi việc tiếp tân.

(4) Đoạn 1: Thời hàn vi của Hàn Tín sống cực khổ, bị khinh rẻ, không có tiếng tăm.

(5) Một nét điển hình của tính cách Lưu Bang: hay mừng người, ăn nói suồng sã.

(6) Quốc sĩ: người kiệt xuất nhất nước.

(7) Tất cả then chốt của bài là ở câu này.

(8) Câu nói kỳ lạ. Trong mắt Tiêu Hà phải là người có chí nguyện phi thường mới dùng được con người phi thường như Hàn Tín. Cái khó là ở Lưu Bang.

(9) Bài Hoài Âm Hầu liệt truyện là một bài rất thành công xét về mặt biến hóa của câu chuyện. Từ sự kiện này sang sự kiện kia thực là đột ngột, hấp dẫn, lạ thường, như ảo mà lại là sự thực nhưng tại khó tin. Người đời sau gọi vần của Tử Trường trùng trùng như núi, luôn luôn mới, luôn luôn lạ là vì vậy.

(10) Tín dùng phương pháp thuyết phục của các thuyết khách đời Chiến Quốc, đặt câu hỏi để nhà vua tìm thấy sự thật.

(11) Ngày xưa các vua cầu hiền khi nghe lời nói hay thì phải lạy. Tín lạy là lạy lời nói “Tôi không bằng”. Tín cho đó là lời nói của bậc đế vương. Hạng Vũ trong con mắt của Hàn Tín cũng như của Tư Mã Thiên hơn hẳn Lưu Bang về cái tài cũng như về đạo đức cá nhân, nhưng kém mặt nhận thức về tình thế và không biết dùng người.

(12) Trong mấy câu tóm tắt tất cả chỗ mạnh và chỗ yếu của Hạng Vũ. Tất cả đường lối của Hàn Tín giúp Lưu Bang là ở chỗ này.

(13) Xem Hạng Vũ bản kỷ: Đây nói Chương Hàm làm Ung Vương, Tư Mã Hân làm Tắc Vương. Đồng Ế làm Địch Vương. Ba nước Ung, Tắc, Địch nói gộp lại là Tam Tần.

(14) Xem Cao Tổ bản kỷ.

(15) Đoạn 2: Hàn Tín được phong làm thượng tướng quân và trình bày đường lối của mình.

(16) Câu trích trong “Tôn Tử binh pháp”.

(17) Khi tiếp khách để khách quay mặt về hướng Đông là tỏ ý tôn kính.

(18) Trong thiên “Tôn Tử hành quân” nói: khi đóng quân thì trước mặt là sông đầm, sau lưng và bên phải gần núi gò. Ý nói như thế thì tránh được việc bất trắc.

(19) Thiên “Cửa địa” cũng của “Tôn Tử binh pháp”. Ý nói để cho quân đội ở vào địa thế bất lợi thì nó sẽ chiến đấu hăng.

(20) Một câu thành ngữ đương thời.

(21) Đó là những câu tục ngữ đương thời.

(22) Ý nói dân không biết sống chết thế nào nên dừng làm việc, đem đồ đẹp ra mặc, thức ăn ngon ra ăn, để chờ quyết định số phận của mình.

(23) Ý nói trước hết phải làm cho người ta sợ uy lực của mình, sau đó mới đánh.

(24) Đoạn này văn lại biến hóa một từng nữa. Sau khi kể những chiến công oanh liệt và tài dùng binh của Hàn Tín nói ngay đến việc Quảng Vũ Quân “dạy” binh pháp cho Hán Tín.

(25) Đoạn 3: Hàn Tín đánh lấy các nước Ngụy, Triệu, Yên lập chiến công lừng lẫy và phương pháp dùng binh kỳ diệu của Tín.

(26) Lưu Bang phải “cướp ấn”, vì sợ các tướng thấy mình ở trong cảnh khốn đốn sẽ không nghe theo. Tác giả nêu lên một cách kín đáo thái độ sợ Hàn Tín của Lưu Bang.

(27) Cờ dùng để triệu tập các tướng.

(28) Hán Vương sau khi thu quân đội của Triệu thì trao quân cho Hàn Tín đem đi đánh Tề.

(29) Khoái Thông tên là Triệt, nhưng vì sau này Vũ Đế tên là Triệt nên tác giả hủy chữ Triệt mà đổi là Thông.

(30) Giả vương: Người tạm làm vương.

(31) Chú ý: Cách ăn nói của Lưu Bang, Tư Mã Thiên không vì có Lưu Bang là vua của mình mà che giấu tính tình lỗ mãng của ông, thái độ can đảm ấy đã giúp ông điển hình hóa Lưu Bang một cách cao độ. Hễ Lưu Bang mở miệng là mắng.

(32) Đoạn 4: Hàn Tín đánh lấy Tề, đánh bại quân Sở làm Tề Vương. Mâu thuẫn giữa Hàn Tín và Lưu Bang dần dần hình thành.

(33) Theo phép du thuyết điều quan trọng là phải có kế lạ để bắt người nghe để ý đến mình ngay. Cách tả lời của Thông về thuật xem tướng có thể xem là kế lạ. Đoạn xem tướng này hết sức sinh động, quá khứ sống lại như hiện ra trước mắt.

(34) Lưng là “bối” có thể đọc là “bội”. Ý nói phản là Hán Vương đấy dùng lối chơi chữ.

(35) Ý nói bị chặn ở ngọn núi phía Tây Thành Cao.

(36) Ý nói cả hai đều nguy khốn, người khôn là chỉ Lưu Bang, người mạnh chỉ Hạng Vũ.

(37) Đây là nói đem quân từ Yên, Triệu xuống phía Nam uy hiếp hậu phương của Lưu Bang và Hạng Vũ. Đó là nơi đất trống vì không có quận đội của hai bên.

(38) Ý nói đem binh về hướng Tây khiến cho quân Hán và quân Sở phải thôi không đánh nhau nữa do đó cứu sống được trăm họ.

(39) Bên ngoài tỏ vẻ khiêm nhường để bảo vệ thực lực bên trong.

(40) Lại dùng một thành ngữ để đáp lại thành ngữ của Khoái Thông.

(41) Vì Hàn Tín nói đến chuyện trung thành, nên Khoái Thông đem những thí dụ về sự trung thành và thân tín ra bẻ lại.

(42) Thường Sơn Vương tức là Trương Nhĩ, Thành An Quân là Trần Dư (xem Hạng Vũ bản kỷ và Trương Nhĩ, Trần Dư liệt truyện).

(43) Câu này nhắc đi nhắc lại nhiều lần có chủ ý.

(44) Một biện pháp khác của các thuyết khách không nói thẳng đó là ý của mình mà gói ghém nói dưới hình thức châm ngôn, tục ngữ cho nó có cái vẻ dễ tin.

(45) Tác giả lột tả hết sức công phu ngôn ngữ của hạng thuyết khách. Họ thường gói ghém ý của họ ở trong hình thức châm ngôn, nhìn bên ngoài cái vẻ khách quan vĩnh viễn bình thản như một quyển sách đạo lý, nhưng có sức thuyết phục rất mạnh. Chỉ thấy bàn là cách ngôn tục ngữ, so sánh vu vơ, không nhắc một chữ đến đối tượng. Mạnh Tử nhiều lúc cũng viết như thế. Chú ý phần lớn là câu không chủ ngữ.

(46) Nguyên văn: “Tập đoạt Tề Vương quân” theo nghĩa đen là đánh úp cướp mất quân của Tề Vương. tức là nhân lúc Hàn Tín không phòng bị, Lưu Bang cướp mất binh quyền. Câu này ám chỉ Lưu Bang đã xem Tín là đối thủ của mình.

(47) Đoạn 5: Hàn Tín không chịu nghe theo lời Vũ Thiệp, Khoái Thông khuyên phản lại nhà Hán. Đoạn này gộp hai nuộc du thuyết, nội dung và ý nghĩa như nhau, nhưng cách trình bày khác hẳn nhau, một cái là khách, một cái là chủ.

(48) Cũng như nói không có lý do xác đáng.

(49) Hai câu này ở liền nhau, trái hẳn nhau, chứng tỏ Tín không những không có tội mà lại không có làm phản. Tất cả bài này đều có những câu biểu lộ tác giả không tin rằng Tín làm phản.

(50) Vì không có tội nên mới tha.

(51) Giáng tức là Giáng Hầu Chu Bột, Quán là Quán Anh.

(52) Về cái tội của Tín đó là một nghi án. Sách Sử ký chí nghi của Lương Ngọc Thắng nói: Tín chết oan vậy! Những người hiền ngày trước đều thấy ông không có tội trạng gì tỏ ra làm phản chỉ có mấy lời tố giác vu vơ đấy thôi... Qua Sử ký, dựa vào giấy tờ làm án mà viết ra cũng thấy rõ là sai. Bữa cơm ngàn vàng, cởi áo nhường cơm, lẽ nào phụ bạc Cao Đế. Không nghe Thiệp, Thông, không giữ quân làm vua đất Tề thì thế nào cũng không làm liều khi nhà ở Hoài Âm. Không nghĩ đến việc liên kết các vua lớn như Kinh Bố, Bành Việt thì ắt không giao ước dễ dàng với viên tướng ở ngoài biên giới xa xôi... Ai nghe lời nói “khi nắm tay đuổi người xung quanh ra”, việc mưu phản chưa chắc lại sơ xuất như vậy? Số người và năng lực bọn tôi tớ bao lăm, Tín tất không dùng họ một cách liều lình. Mới hay Cao Tổ sợ Tín không phải một sớm một chiều, Trương Lương giẫm vào gót chân, ghé tai mà nói ở Vu Thai, Cao Tổ cướp binh phù, đoạt quân dội, bắt trói cũng chưa cho là vừa, giết cả họ mới mừng. Xét câu: “Dẹp xong quân Trần Hy trở về vừa mừng vừa thương”, đủ rõ Tín không có tội mà chết.

(53) Lộc: Con hươu chỉ địa vị đế vương, vì nó đồng âm với lộc là tước lộc lại có nghĩa là địa vị.

(54) Chích: Tên người ăn trộm hung ác trong truyền thuyết cổ.

(55) Đoạn 6: Hàn Tín hai lần bị vu làm phản, bị giáng chức rồi bị giết và Khoái Thông được tha.

(56) Đạo: Đây chỉ đạo của Lão Tử: Đạo đức kinh: “Không khoe nịnh nên có công, không tự phụ nên sống lâu”. Ý trách Hàn Tín sao không làm như Trương Lương.

(57) Đoạn 7: Ý kiến tác giả về Hàn Tín.

Văn của Tư Mã Thiên bắt chước văn Xuân Thu. Lời nói kín đáo, nếu đợc qua thì hiểu lệch ngay. Đây là văn mỉa mai, cảm thương cho cái tài, cái công vô song của Hàn Tín và uất ức cho cảnh ngộ của vị anh hùng. Cho nên nói: “đã định rồi lại mưu phản nghịch kia chứ”, thực ra Hàn Tín đâu đến nỗi ngu như vậy.

Vì vậy nói “đáng đời”. Đó là giọng nói uất ức trách Lưu Bang, tệ bạc không đối xử với Tín như Vũ Vương đối xử với Chu Công. Thái độ cho Hàn Tín ngang với Chu Công xứng đáng xếp Tư Mã Thiên vào hàng du hiệp!