Sử ký Tư Mã Thiên - Chương 35 - Phần 01

Ngụy Kỳ, Vũ An Hầu liệt truyện

1. Ngụy Kỳ Hầu Đậu Anh là con người anh chú bác của Hiếu Văn hoàng hậu. Cha ông đời đời ở đất Quan Tâm, thích tân khách. Trong thời Hiếu Văn, Đậu Anh làm Thừa tướng nước Ngô, bị bệnh nên thôi. Khi Hiếu Cảnh mới lên ngôi, Anh làm thiêm sự (1), Lương Hiếu Vương là em của Hiếu Cảnh, được mẹ là Đậu thái hậu yêu. Lương Hiếu Vương vào chầu, ăn tiệc uống rượu theo lễ anh em. Lúc bấy giờ nhà vua chưa lập Thái tử. Uống rượu say, nhà vua ung dung nói :

- Sau khi mất, ta sẽ truyền ngôi cho Lương Vương.

Thái hậu mừng rỡ, Đậu Anh giơ chén rượu tiến về phía trước dâng lên nhà vua nói :

- Thiên hạ là thiên hạ của Cao Tổ, cha truyền con nối đó là điều nhà Hán đã giao ước. Tại sao bệ hạ lại có thể tự tiện truyền cho Lương Vương.

Thái hậu vì vậy ghét Đậu Anh, Đậu Anh cũng cho chức quan của mình là nhỏ, nhân có bệnh xin thôi. Thái hậu gạch sổ tên Đậu Anh trong sổ ra vào cửa cung không cho vào triều yết.

Năm thứ ba đời Hiếu Cảnh (năm 154 trước Công nguyên), nước Ngô, nước Sở làm phản (2), nhà vua xét ở trong tôn thất và những người họ Đậu (3)

không ai giỏi bằng Đậu Anh nên muốn mời Anh. Anh vào yết kiến, mượn cớ bệnh hoạn từ chối nói mình không đủ sức. Thái hậu cũng thẹn. Bấy giờ nhà vua nói :

- Ngày nay thiên hạ đang gặp chuyện nguy cấp, lẽ nào Vương Tôn (4) lại nhường chức ấy hay sao?

Bèn cho Anh làm Đại tướng quân cho một ngàn cân vàng. Anh bèn nói :

- Viên Áng, Loan Bố (5) là những viên tướng có danh và những kẻ sĩ có tài hiện nay về nhà, nên dùng họ.

Được nhà vua cho bao nhiêu vàng, Anh đều bày ngoài hành lang, dưới mái cửa, thấy các tướng sĩ đi qua liền bảo họ lấy mà dùng, không cho vàng vào nhà.

Đậu Anh giữ đất Huỳnh Dương, cai quản quân Tề và Triệu. Sau khi quân bảy nước đã bị tiêu diệt, Anh được phong làm, Ngụy Kỳ Hầu. Bọn du sĩ, tân khách tranh nhau theo Ngụy Kỳ Hầu. Trong thời Hiếu Cảnh mỗi khi ra triều bàn việc lớn, những người được phong hầu không ai dám xem mình ngang hàng với Điều Hầu (6) và Ngụy Kỳ Hầu.

Năm thứ tư đời Hiếu Cảnh (153 trước Công nguyên) lập Thái tử Lật, sai Ngụy Kỳ Hầu làm Thái phó của Thái tử.

Năm thứ bảy đời Hiếu Cảnh. Lật thái tử bị truất, Ngụy Kỳ mấy lần can ngăn không được. Ngụy Kỳ cáo bệnh rút lui về ở ẩn ở chân núi phía Nam Lam Điền mấy tháng. Các tân khách, biện sĩ khuyên ông, nhưng không ai làm cho ông trở về triều. Cao Toại người nước Lương bèn nói với Ngụy Kỳ :

- Người có thể làm cho tướng quân giàu sang là nhà vua, người có thể làm tướng quân thành người thân tín của triều đình là Thái hậu. Nay tướng quân làm Thái phó Thái tử, Thái tử bị phế truất, tướng quân không can ngăn được; can ngăn đã không được, lại không dám chết, rút lui cáo bệnh ôm gái nước Triệu lui về nơi nhàn dật không chịu vào triều. Nếu căn cứ vào sự việc mà xem thì đó là tướng quân muốn nêu lên cái sai lầm của nhà vua, nhỡ cả hai cung đều giận tướng quân thì vợ con sẽ chẳng còn sống sót được đâu.

Ngụy Kỳ Hầu cho là phải, bèn đứng dậy vào triều như cũ.

Đào Hầu (7) thôi làm Thừa tướng. Đậu thái hậu mấy lần tiến cử Ngụy Kỳ Hầu. Hiếu Cảnh Đế nói :

- Thái hậu cho tôi tiếc rẻ diều gì, mà không cho Ngụy Kỳ làm Thừa tướng hay sao? Ngụy Kỳ là người tự phụ tự đắc, dễ khinh suất trong công việc, khó lòng làm Thừa tướng, một chức vụ cần con người thận trọng.

Vì vậy nhà vua không dùng Đậu Anh, mà dùng Kiến Lăng Hầu là Vệ Uyển làm Thừa tướng.

2. Vũ An Hầu Điền Phân là người em cùng mẹ với Hoàng hậu vua Hiếu Cảnh, sinh ở Trường Lăng. Lúc Ngụy Kỳ Hầu đã làm Đại tướng quân, thịnh đạt thì Phân làm quan lang chưa được quý trọng, thường qua lại hầu rượu ở nhà Ngụy Kỳ, quỳ xuống đứng lên như bọn con cháu vậy.

Đến cuối đời Hiếu Cảnh, Phân càng được vua yêu quý, làm Thái trung đại phu. Phân có tài nói năng, biện luận, học văn tự cổ. Vương thái hậu là người hiền. Khi Hiếu Cảnh mất, liền trong ngày ấy Thái tử được lập lên nối ngôi.

Hoàng thái hậu thay vua trị vì, thường dùng kế của bọn tân khách của Điền Phân để trấn áp và vỗ về dân chúng. Em của Phân là Điền Thắng, vì là em Thái hậu, cho nên Hiếu Cảnh làm vua được ba năm thì Phân được phong làm Vũ An Hầu, Thắng được phong làm Chu Dương Hầu.

Lúc đầu Vũ An Hầu tưởng rằng mình sẽ được làm Thừa tướng nên khiêm tốn với các tân khách, tiến cử các danh sĩ, người nào ở nhà thì mời ra làm quan muốn để áp đảo các quan văn vũ theo Ngụy Kỳ. Năm thứ nhất niên hiệu Kiến Nguyên (năm 140 trước Công nguyên) (8) Thừa tướng Uyển bị bệnh nên thôi không làm nữa, nhà vua bàn việc cử người làm Thừa tướng và Thái úy. Tịch Phúc nói với Vũ An Hầu :

- Ngụy Kỳ lâu nay được tôn quý, kẻ sĩ trong thiên hạ vốn theo ông ta.

Nay tướng quân mới nổi lên chưa bằng Ngụy Kỳ. Nếu như Hoàng thượng cho tướng quân làm Thừa tướng thì cứ nhường cho Ngụy Kỳ. Ngụy Kỳ làm Thừa tướng thì tướng quân thế nào cũng làm Thái úy, Thái úy và Thừa tướng cũng tôn quý như nhau thôi. Ngài lại được tiếng nhường cho người hiền.

Vũ An Hầu đem điều đó nói bóng nói gió với Thái hậu để Thái hậu nói lại với nhà vua. Kết quả Ngụy Kỳ Hầu được làm Thừa tướng và Vũ An Hầu làm Thái úy. Tịch Phúc mừng Ngụy Kỳ Hầu, nhân đấy có lời khuyên :

- Ngài tính yêu người thiện, ghét người ác. Nay người thiện khen ngài cho nên ngài làm đến Thừa tướng nhưng ngài lại ghét người ác mà người ác lại đông, thế nào họ cũng gièm pha ngài. Nếu có thể bao dung được cả hai hạng người thì ngài sẽ được làm lâu; nếu không ngài sẽ bị người ta gièm pha mà rời bỏ địa vị Thừa tướng.

Ngụy Kỳ không nghe.

Ngụy Kỳ và Vũ An đều thích đạo Nho (9), tiến cử Triệu Quán làm ngự sử đại phu, Vương Tang làm lang trung lệnh, đón Lỗ Thần Công. Muốn đặt nhà minh đường (10), khiến chư hầu về nước của mình (11), bỏ việc cấm ra vào cửa ải, làm các lễ phục theo phép tắc, để nêu rõ thiên hạ thái bình. Ngụy Kỳ xét những người họ Đậu và họ tôn thất, ai phẩm hạnh kém thì gạch tên ở trong sổ.

Lúc bấy giờ những người họ ngoại đều làm tước hầu, các vị hầu đều lấy công chúa, không ai muốn về nước. Vì vậy người ta ngày ngày gièm pha với Đậu thái hậu. Thái hậu thích thuyết của Hoàng Đế, Lão Tử, trái lại bọn Ngụy Kỳ, Vũ An, Triệu Quán, Vương Tang lại muốn suy tôn Nho giáo dìm Đạo giáo. Vì vậy Đậu thái hậu càng không thích bọn Ngụy Kỳ.

Năm thứ hai niên hiệu Kiến Nguyên (năm 139 trước Công nguyên) ngự sử đại phu là Triệu Quán xin đừng tâu công việc với đông cung (12). Đậu thái hậu giận lắm, bèn phế truất bọn Triệu Quán, Vương Tang và bãi Thừa tướng, Thái úy cho Bách Chí Hầu là Hứa Xương làm Thừa tướng. Vũ Cương Hầu là Trang Thanh Địch làm Ngự sử đại phu. Ngụy Kỳ, Vũ An vì vậy vẫn giữ tước hầu mà về ở nhà.

Vũ An Hầu tuy không làm quan, nhưng nhờ Vương thái hậu (13) nên được tin yêu, mấy lần bàn công việc đều có kết quả.

Các quàn lại và kẻ sĩ ham thế lợi đều bỏ Ngụy Kỳ theo Vũ An. Vũ An ngày càng kiêu căng.

Năm thứ sáu niên hiệu Kiến Nguyên (năm 135 trước Công nguyên). Đậu thái hậu chết, Thừa tướng là Xương, Ngự sử đại phu là Thanh Địch bị bãi vì không lo việc tang. Nhà vua cho Vũ An Hầu Điền Phân làm Thừa tướng, cho quan đại tư nông Hàn An Quốc làm ngự sử đại phu. Kẻ sĩ trong thiên hạ, các quan ở các nước và chư hầu lại càng xu phụ Vũ An. Vũ An mặt mày xấu xí nhưng lại được tôn quý. ông ta cho rằng chư hầu nhiều người lớn tuổi, nhà vua thì mới lên ngôi, tuổi còn nhỏ (14), mình nhờ là người thân thích nên được làm Thừa tướng ở kinh, nếu không dùng nghi lễ để bắt họ phải nhất nhất phục tùng mình thì thiên hạ không sợ.

Lúc bấy giờ Thừa tướng vào tâu, ngồi nói chuyện suốt buổi, nói gì cũng được nhà vua nghe theo. Có lần tiến cử người ta từ chỗ chưa làm gì lên đến làm chức quan hai nghìn thạch, quyền lấn át cả nhà vua. Nhà vua nói :

- Ông bổ nhiệm quan lại đã xong chưa? Tôi cũng muốn bổ nhiệm quan lại đây.

Có lần Phân xin đất của nha môn để mở rộng thêm nhà cửa của mình, nhà vua nổi giận nói:.

- Sao ông không lấy luôn cả kho vũ khí cho rồi.

Sau đó, ông ta mới bớt xin xỏ.

Có lần Điền Phân mời tân khách uống rượu để người anh là Cái Hầu ngồi ngoảnh mặt về hướng Nam còn mình ngồi ngoảnh mặt về hướng Đông (15). Ý ông ta cho rằng mình làm Thừa tướng nhà Hán là giữ địa vị cao, không thể vì chỗ anh em mà giảm bớt sự tôn quý. Vì vậy An Vũ càng kiêu ngạo, sửa sang nhà cửa đẹp hơn tất cả các chư hầu. Ruộng vườn đều hết sức màu mỡ còn những người đi các chợ ở các quận huyện để mua các sản vật về thì gặp nhau từng đoàn ở ngoài đường. Trước nhà bày chuông trống, đặt cờ khúc chiên (16).

Ở phòng sau, đàn bà kể đến hàng trăm. Chư hầu mang vàng, ngọc, chó, ngựa đồ chơi đến biếu không kể xiết.

Ngụy Kỳ không còn Đậu thái hậu (17) nên càng không được dùng, không có thế lực. Tân khách dần dần đổi thái độ, tỏ ra kiêu ngạo. Chỉ có một mình Quán tướng quân vẫn đối xử như cũ. Ngụy Kỳ thường ngày lầm lì không vui, chỉ chơi thân với một mình Quán tướng quân.

3. Quán tướng quân tên là Phu người ở huyện Dĩnh Âm. Cha Phu là Trương Mạnh có lần làm môn hạ của Dĩnh Âm Hầu Quán Anh. Mạnh được yêu quí, do đó được tiến cử làm đến chức quan hai nghìn thạch. Mạnh lấy họ Quán, gọi là Quán Mạnh.

Trong thời Ngô, Sở làm phản, Dĩnh Âm Hầu Quán Hà làm tướng quân ở dưới quyền của Thái úy, mời Quán Mạnh làm Hiệu úy. Phu đem một ngàn người theo cha. Quán Mạnh tuổi già, Dĩnh Âm Hầu cố nài mãi Mạnh mới được dùng.

Vì thế Mạnh bực bội không bằng lòng. Lúc chiến đấu Mạnh thường xông vào nơi quân địch mạnh (18) và cuối cùng chết ở giữa quân Ngô.

Theo pháp lệnh trong quân, nếu cha con cùng tòng quân có người chết thì người còn sống có thể mang hài cốt về. Quán Phu không chịu về lo việc chôn cất, khẳng khái nói :

- Xin lấy đầu của Ngô Vương hay đầu của tướng quân nước Ngô để trả thù cho cha.

Quán Phu bèn mang áo giáp, cầm giáo, chọn những tráng sĩ trong quân đội mà mình quen biết, người tình nguyện đi theo được mấy chục. Nhưng khi ra khỏi cửa thành không ai dám tiến lên. Chỉ có hai người và mười mấy người tòng nô (19) phi ngựa vào trong quân của Ngô, đến dưới cờ đại tướng của Ngô, giết và làm bị thương mấy chục người, không tiến lên được nữa, họ lại phi ngựa về, khi vào thành của Hán thì những người tòng nô đều chết hết chỉ còn một quân kỵ đi theo. Phu bị hơn mười vết thương nặng, may có thứ thuốc quý giá ngàn vàng mới khỏi chết.

Thương tích mới hơi bớt. Phu lại xin với tướng quân :

- Tôi đã biết thêm ngõ ngách ở trong thành của quân Ngô, xin cho tôi đi lần nữa.

Tướng quân khen ngợi lòng can đảm nghĩa khí của Phu, nhưng sợ Phu chết mất nên nói với Thái úy. Thái úy bèn cố sức can ngăn. Sau khi quân Ngô bị phá, Quán Phu vì vậy nổi tiếng trong thiên hạ.

Dĩnh Âm Hầu nói với nhà vua, nhà vua cho Phu làm Trung lang tướng.

Được mấy tháng, phạm sai lầm thôi không làm quan.

Sau đó nhà ở Trường An, những người giàu sang ở Trường An không ai không khen ngợi Phu.

Thời Hiếu Cảnh, Phu làm đến Thừa tướng nước Đại. Khi Hiếu Cảnh mất, Kim thượng (20) mới lên ngôi cho rằng Hoài Dương là nơi then chốt trong thiên hạ; quân mạnh tụ tập ở đấy nên cho Quán Phu đến làm Thái thú Hoài Dương.

Năm thứ nhất mền hiệu Kiến Nguyên, Phu về kinh làm thái bộc. Năm thứ hai Phu uống rượu ở cung Trường Lạc với Vệ úy là Đậu Phủ, hai người cãi nhau không ai chịu ai. Phu say, đánh Phủ, Phủ là hàng em của Đậu thái hậu. Nhà vua sợ Đậu thái hậu giết Phu nên dời Phu đi làm Thừa tướng nước Yên. Được mấy năm, phạm lỗi, bỏ quan về, nhà ở Trường An.

Quán Phu là người cương trực, uống rượu say thì hung hăng, không thích người ta nịnh ở trước mặt. Đối với những người bên ngoại nhà vua, có thế lực hơn mình, không muốn dùng lễ đối xử với mình thì thế nào Phu cũng tranh hơn với họ; trái lại đối với những kẻ sĩ kém mình thì càng nghèo hèn thì Phu càng kính trọng, coi ngang hàng. Ở nơi tụ tập đông người, Phu tiến cử những người hậu bối. Kẻ sĩ cũng vì vậy khen ngợi ông ta.

Tính Phu không thích văn học, thích nghĩa hiệp. Một khi đã ừ với ai thì nhất định làm. Những người Phu đi lại toàn là hạng hào kiệt hay những bọn đại gian, đại ác. Nhà Phu giàu có đến mấy ngàn lạng vàng, khách ăn mỗi ngày ngót trăm người. Họ hàng khách khứa cướp đoạt ruộng vườn, ao hồ, đê đập tranh quyền giành lợi cho mình, hoành hành ở Dĩnh Xuyên. Trẻ con Dĩnh Xuyên có bài hát: “Nước Dĩnh Xuyên trong họ Quán được vinh; nước Dĩnh Xuyên đục, họ Quán bị giết cả gia tộc”.

Tuy Quán Phu nhà giàu nhưng vì mất thế lực nên các quan khanh, tướng, thị trung, khách khứa ngày càng ít đến chơi. Đến khi thất thế, Ngụy Kỳ Hầu cũng muốn dựa vào Quán Phu để che chở cho nhau và gạt bỏ những người trước kia hâm mộ nhưng sau bỏ mình. Quán Phu cũng dựa vào Ngụy Kỳ để được đi lại với các liệt hầu, tôn thất, đặng đề cao danh tiếng của mình. Hai người nâng đỡ nhau, tôn trọng nhau, chơi với nhau như cha với con rất là vui vẻ, không lúc nào chán, chỉ tiếc biết nhau quá muộn.

Quán Phu có tang, qua nhà Thừa tướng. Thừa tướng ung dung nói :

- Ta muốn cùng Trọng Nhụ (21) sang nhà Ngụy Kỳ Hầu nhưng Trọng Nhụ lại có tang.

Quán Phu nói :

- Tướng quân hạ cố đến thăm Ngụy Kỳ Hầu, thì Phu này đâu dám vì chuyện có tang mà từ chối. Tôi xin nói lại với Ngụy Kỳ Hầu chuẩn bị rượu thịt, tướng quân sáng mai sẽ đến.

Vũ An bằng lòng. Quán Phu nói lại với Ngụy Kỳ Hầu tất cả những điều Vũ An Hầu đã nói. Ngụy Kỳ cùng vợ mua thêm rượu thịt ban đêm quét tước, dậy sớm sắp đặt cho đến sáng. Từ tảng sáng đã sai đầy tớ đứng chực ở ngoài cửa. Mãi đến trưa Thừa tướng vẫn không đến. Ngụy Kỳ nói với Quán Phu :

- Thừa tướng quên hay sao?

Quán Phu bực mình nói :

- Phu xin không ngại có tang phục đến mời, thế nào ông ta cũng đến.

Phu bèn lên xe ngựa, thân hành đi đón Thừa tướng. Trước đấy Thừa tướng chỉ nói đùa với Quán Phu thôi chứ thực ra không có ý đến. Khi Quán Phu đến cửa, Thừa tướng còn đang nằm trên giường. Quán Phu bèn vào gặp mặt, nói :

- Hôm qua tướng quân có hứa đến nhà Ngụy Kỳ, vợ chuẩn bị thức ăn đợi từ sáng đến giờ chưa dám ăn.

Vũ An kinh ngạc xin lỗi :

- Hôm qua tôi say quên mất những điều đã nói với Trọng Nhụ.