Lê Vân - Yêu và sống - Chương 09 phần 4

Ngày 26/5

Mọi chuyện với cơ quan thế là xong. Các lãnh đạo đều tỏ ra thoải mái, không gây khó dễ gì cho em cả. Ai ai, kể cả bố cũng phải bảo sao mà em may mắn và sung sướng thế.

Hôm nay, em lại muốn kể để khoe với anh là người ta khen vợ anh dễ thương và ngoan đấy. Trưa đi làm về, bố đèo em đi nộp giấy tờ và chụp ảnh nộp cho họ. Trong đoàn đi chỉ còn có em là chậm nhất. Ông lo việc này là một người em chưa hề quen bao giờ, vậy mà ông ta rất nhiệt tình và cởi mở. Ông bảo: Tuy ở trong nghề nhưng vì ít xem nên mặc dù cứ nghe nhiều người nói về em mà vẫn chưa gặp lần nào. Nhiều người bảo rằng em là người tuy ở trong nghề ấy, cái nghề họ thường cho là không hay lắm về đạo đức, nhưng em lại khác hẳn, rất dễ thương và ngoan lắm. Mà đối với việc đi đứng như thế này, em không thuộc loại sốt sắng gì. Mấy lần liền, ông ấy cứ nói với bố là sao có cô con gái được trời phú cho cả về mặt nghề nghiệp lẫn vẻ người “xinh xắn” thế. Về điều này mà em tự nhận về mình thì chỉ có mà ngượng thôi phải không anh? Nhất là bây giờ em gầy và xạm đi nhiều vì nắng.

Em đang nghĩ làm sao xin được tem để gửi thư cho anh. Em nghĩ liều, hay cứ xuống hỏi xin hẳn nhà mình? Mà em sẽ bảo nếu viết thư cho anh thì cho em gửi lời hỏi thăm và chào, vì rất có thể là chào vĩnh biệt. Em chỉ mong anh biết được tin này, vì em muốn biết anh sẽ thế nào khi biết rằng anh đã để mất em mãi mãi, mất hẳn thật rồi. Em muốn khi về anh sẽ kể em nghe cảm giác ấy của anh, anh đau khổ bàng hoàng như thế nào? Anh sẽ hiểu vì sao em không thể xa anh được. Hôm nay, lại bao nhiêu lần mong thư anh, mấy lần hồi hộp vì cứ tưởng hàng xóm sắp báo tin. Thấy một người lạ vào nhà người khác em cũng tưởng chắc họ đang tìm em để đưa cho em lá thư quí báu. Tất cả chỉ là tưởng tượng. Nhưng em vẫn hi vọng vì em biết hôm nay ông N về, may ra sẽ có thư cho em? Mai, hoặc thứ hai cũng nên.

Ngày 27/5

Rất may là em bị hút vào việc đi nên cũng đỡ hành hạ mình. Em đã tự lên lịch, nếu mọi người không đi Sài gòn, em sẽ đi làm phim đến ngày 10 thì về. Sau đó, em sẽ lại đi tiếp.

Nếu không em sẽ hành hạ anh sao không dành cho em nhiều thời gian hơn nữa. Chỉ có lối thoát ấy mới làm em đỡ tủi thân. Còn nếu cả nhà đi Sài Gòn, em sẽ không đi làm phim trong thời gian ấy nữa, bằng mọi cách em sẽ về nhà. Như vậy đấy lúc nào em cũng phải lo tìm lối thoát cho mình.

Vẫn chưa có thư.

Ngày 28/5

Càng mong càng bặt tin. Dù anh có dặn thế nào cũng không thể làm em yên lòng được. Vì sao vậy? Thế mới biết, phải trải qua những ngày mong chờ thế này mới thấy những lời dặn dò chẳng có tác dụng gì cả. Rất may là em cũng mất thì giờ vào việc đi chứ không thì em còn khổ sở biết chừng nào. Em tiếc là cái quyền phải có mặt trên đời này lại không phải do em. Nếu em có được cái quyền đó thì em sẽ không bao giờ sống làm gì.

Ngày 29/5

Lại một lần nữa em liều gửi thư cho anh. Em thật liều lĩnh vì đó là lá thư bỏ ngỏ. Đành phó thác tất cả cho sự may rui.

Ngày đi đã hoãn lại đến 20/6. Cũng may, vì càng chóng đến anh về. Em thú thực là trong lá thư ấy em đã cố tình làm cho anh phải buồn vì cảm giác sẽ mất em. Em chỉ muốn biết anh bàng hoàng ngơ ngác thế nào, thì anh sẽ hiểu sâu sắc nỗi đau của em. Về phía em, tất nhiên là không còn ý nghĩ sẽ “cắt bỏ vĩnh viễn niềm yêu thương” nữa, chính vì vậy mà em mới bình tĩnh lại đôi chút. Hôm kia, em mơ thấy ông H.N về, em đến hỏi xem ông ta có gửi thư của em vào thùng không?

Em hơi khó hiểu về sự im lặng của anh. Chẳng lẽ vì quá giữ gìn mà anh hành hạ em hay sao? Em thì hoàn toàn mất thăng bằng trong việc gửi thư đi cũng như chờ thư về.

Đừng để em bị mất trí như hồi ở Nh. Tr nữa. Em không đủ sức chịu đựng đâu.

Ngày 31/5

Vẫn hoàn toàn im lặng. Không một tin tức gì? Biết đâu cũng giống như ở dưới nhà, mấy thư liền sẽ về cùng một lúc.

Tính đến hôm nay đã là 35 ngày. Thật kinh khủng khi con những 45 ngày nữa. Nếu không buộc mình hút vào một cái gì đó thì sẽ bị thần kinh mất.

Ngày l/6

Dạo này em hay mượn băng ồn ã về nghe để đừng kịp nghĩ ngợi gì. Chợt nghĩ, có lẽ anh cố tình thử thách nghị lực của em hay sao? Ngày nào cũng dò hỏi trẻ con, hôm nay người đưa thư có đến không? Bỗng dưng lại chỉ mong chờ ông đưa thư. Kể ra anh cũng nhiều nghị lực thật đấy.

Hôm nay đi trên ô tô, mấy đứa bảo em, chỉ cần tô tí môi son là trông sẽ khác hẳn. Em bảo, không ạ, bồ tôi chỉ khen tôi có mỗi cái giản dị này thôi đấy, chứ lại bôi trát như mấy cô văn công thì hỏng cả. Anh ấy sợ văn công lắm. Thế là chúng nó bảo, chồng chúng nó cũng chẳng thích vợ mình hóa trang.

Em lại đến nhà mình, thật là không may, nhà mình đi vắng từ chiều. Em tranh thủ hỏi C có tin gì mới không? Đã 5 thư rồi, thư nào cũng dày kín các trang giấy, thư nào cũng đầy thương nhớ. Tưởng rằng buổi tối đỡ buồn nào ngờ càng buồn hơn.

Những gì tự nhiên nhất giữa những người ruột thịt ngày càng xâm chiếm trong em. Em bảo nhà mình, có lẽ em không trở về nữa đâu. Ở đây buồn lắm. Nhà mình nói, em không thể xa người thân được đâu. Em bảo, em không có người thân, chỉ là những người ruột thịt mà thôi… Không có ai là người thân cả. Đúng là không có ai cả.

Ngày 2/6

Anh gan thật đấy. Anh định để em mất trí hay sao?

Thế mà cứ bảo em đừng lo lắng suy diễn. Làm sao em không suy diễn cho được? Không một lời nào cho em trong khi mọi người có nhiều đến nỗi không đọc hết nổi.

Em có cảm giác những người ruột thịt của em đều mong em có thể đi khỏi nơi này, để có thể bù đắp cho mọi người trong cuộc sống khó khăn khổ sở này. Em không giận đâu em còn nói đùa là định bán tình cảm ruột thịt để đổi lấy xe Pơgiô chắc? Mà em cũng không buồn vì thế đâu, nếu có buồn thì chỉ mãi mãi là cái buồn của riêng em thôi.

À quên em chưa kề với anh về giấc mơ đêm qua. Em được đọc thư của anh gửi cho nhà mình, em chỉ còn nhớ dòng chữ cuối cùng anh viết là hôn… và hôn… Em buồn kinh khủng, chợt hiểu rằng thế là hết. Điều đó nghĩa là tự trong suy nghĩ sâu kín của mình, em đã chấp nhận. Tỉnh dậy, em như phát hiện ra một cái gì hết sức bất ngờ và mới mẻ. Nó làm em như chợt tỉnh về những điều đã có và sẽ có.

Ngày 4/6

Em lại mang hai lá thư của anh ra nhưng bây giờ thì em không muốn đọc lại thư anh nữa. Đọc làm gì nhỉ? Em hoài nghi cả những gì anh đã viết cho em. Em tự hỏi, có thật là như những dòng chữ này không? Chẳng lẽ anh không thèm để ý gì đến những lời khẩn cầu mà em đã gửi. Chẳng lẽ anh không hiểu là em đang sống trong hoàn cảnh tuyệt vọng như thế nào. Ví như phải được cấp cứu mới đúng. Đáp lại là sự im lặng. Có thể khi anh về rồi, những điều giằn vặt này sẽ biến thành ngu ngốc? Hay anh cố tình im lặng để khiến em phải ghét anh như có lần anh nói? Ôi, đầu óc em không được bình thường nữa đâu. Trạng thái thần kinh này chỉ vài dòng của anh là khỏi, nhưng em cũng biết chỉ khỏi được vài ngày thôi rồi lại điên cuồng.

Ngày 7/6

Em lại có thêm chứng cớ để kết luận rằng anh đã cố tình không viết thư cho em. Chỉ mong rằng đây chỉ là hiểu lầm, có thể thư của em sẽ mắc ở đâu đó hai ba cái liền?

Nhưng thật là viển vông và hão huyền. Đêm nằm, cứ nghĩ đến là em lại ấm ức ứa nước mắt. Còn ai hiểu em nếu không phải là anh? Vậy mà anh đã tàn nhẫn với em như vậy đấy. Có lẽ anh sẽ thanh minh rằng không được sơ hở? Rằng vì muốn em được sung sướng? Rằng vì thương em v.v. Anh thật có lỗi rất nhiều với em. Em cũng chưa đoán được khi gặp anh sẽ như thế nào, chỉ biết lúc này em rất giận anh, lần đầu tiên suốt những năm tháng chúng ta có nhau.

Mà bây giờ liệu em còn có thể nói được anh là của em không nhỉ? Khi mà anh có thừa yêu thương để gửi về nơi ruột thịt? Em càng thấy, em không phải là người mà anh thương nhất, không phải là ý nghĩa của anh trong cuộc đời khốn khổ này. Có thể anh đã thành công trong việc cố tình dẫn em đến con đường tuyệt vọng? Có thể lắm. Anh đã cho em một điều là không còn hi vọng gì ở cuộc đời này, một cuộc đời (tha lỗi cho em) khốn nạn. Em lại khóc rồi. Khóc thương mình. Thương cho chính mình. Không có ai thương em cả. Em muốn nguyền rủa tất cả.

Ngày 8/6

Chiều nay đi học về, em rẽ vào nhà Ngh chơi, nhân thể mượn vali luôn. Sau buổi nói chuyện, em thấy dễ thở hơn.

Chẳng là vì nó hỏi em có nhận được thư của anh đều không?

Thế là em không thể không trút bớt một phần nỗi buồn của mình. Em kể với nó tất cả nỗi dằn vặt và tuyệt vọng của mình.

Một tháng rồi anh không viết thư. Anh có biết nó bảo sao không? Nó nghe những chuyện như vậy nó thấy rất buồn cười và trẻ con. Tại sao lại phải dằn vặt nhau làm gì. Nếu đã nói rằng tin nhau, nghĩ đến nhau thì không có gì phải lo nghĩ cả.

Nó bảo, ngay cả nếu người yêu nó có đi với người khác, hay bản thân nó cũng đã quan hệ với người khác, song chớ quên rằng, trong khi đó ta vẫn nghĩ đến nhau. Nghĩa là cuối cùng vẫn coi người yêu mình là hơn cả. Chỉ cần có thế.

Thế mà em vẫn bảo là em tin anh! Sao em còn tự hành hạ mình và dày vò anh? Có phải ta chỉ cần một điều: tin nhau? Nhưng con người đâu có đơn giản như vậy? Nếu như vậy đã chẳng có đau khổ nặng nề.

Dù không chấp nhận được quan điểm của Ngh nhưng em vẫn vô cùng cảm ơn nó. Em đỡ day dứt hơn và cảm thấy có lẽ em đã nặng lời với anh, không đúng với anh. Ra về nó chúc em sẽ chóng nhận được một lúc nhiều thư. Nhưng rất tiếc là em vẫn không có một chữ nào. Em đã ghi đến con số 43, còn 1 tháng 4 ngày nữa. Dù sao cũng đã quá được một nửa. Thời gian tuy chậm chạp nhưng dù sao thì nó vẫn đang trôi…

Ngày 9/6

Anh ngàn lần đau khổ của em, Cám ơn trời phật đã khiến cho lời chúc của Ngh thành sự thật. Tuy nhiên, cầm lá thư trong tay, em không còn vui mừng như mọi lần. Em đã phải trả một cái giá quá đắt cho lá thư này. Đau đớn đã làm em đủ nghị lực để không tỏ ra mừng rỡ nữa. Vừa đọc em vừa khóc. Cổ em tắc nghẹn. Đã có lần vì tuyệt vọng, em nguyền rủa sự có mặt của em trong cuộc đời này, nay lá thư lại nhắc em đến điều đó: “Bây giờ và sau này, anh đâu còn được sống cho anh nữa”. Giá anh hiểu được em sống ngắc ngoải khó khăn thế nào, anh sẽ hiểu tại sao em viết: em sẽ cố gắng sống đến ngày anh về.

Ngày 10/6

Hôm nay em mới được thanh thản đôi chút. Cả sáng em đi lo một số việc chuẩn bị cho chuyến đi. Khi đến nhà T. để mượn áo dài, cả hai đều ngạc nhiên vì cái áo em định mượn cách đây một tuần nay đã rộng không vừa nữa. Nó bảo, sao mà gầy nhanh thế? Hay em có điều gì suy nghĩ? Nó nói đúng. Những ngày vừa qua đã làm em gầy mòn héo hắt. Em gầy và đen nhiều. Có lúc em thấy chán vô cùng cái nghề này. Nó cướp đi của em quá nhiều sức lực, mà rồi chẳng để làm gì.

Hôm qua em lại đến nhà mình, vì nhà mình đi vắng nên em tự thổi cơm nấu canh. Chẳng cần hỏi, em tự biết lấy tất cả những thứ cần thiết, như muối, mì chính, thớt vung nồi… Và khi đèn vụt tắt, em còn tự mình đi đúng đến nơi để chiếc đèn to và lấy diêm ngoài bếp để thắp. Lúc không có ai, em đã định cầm đèn vào nhà nhìn cho rõ tâm ảnh ấy, xong em lại thôi. Lúc ấy, lòng em đã dịu lại, như sau cơn bão, vì em đã có thư của anh. Kể cả khi em nghe kể, chỉ trong một thang mà anh gửi về nhà 12 thư, thư nào cũng 4, 5 trang, đọc phát mệt. Thế đấy, anh có thừa dành cho mọi người, chỉ trừ em. Anh đã vô tình hành hạ em bằng sự thận trọng của anh.

Hôm nay, K. về bảo em là nhiều người đã nói với K. một cách nghiêm túc, rằng: về bảo chị, hãy suy nghĩ kỹ càng, bởi chỉ có một cơ hội này thôi, hãy đi đi. Lời họ khuyên cũng làm em suy nghĩ và em lại thấy buồn. Buồn vì nếu em lại trở về em cũng đâu có được điều em mong muốn. Lại là những buổi gặp nhau vội vã, lại là những ngày chờ đợi, lại là những buổi chiều… một tuần chỉ sống có hai ngày. Đau khổ, mong chờ anh về, rồi cũng lại chỉ là những buổi chiều lo sợ về muộn, lo lắng khó hiểu, lo sợ nhiều thứ… Em có cảm giác như em chỉ được hưởng phần thừa của mọi người. Anh đừng giận em, chỉ vì những lúc hiếm hoi chúng ta ở bên nhau, bao giờ anh cũng vân nghĩ đến những gì ở nhà.

Chẳng lẽ em lại ghen với điều vô tội thì thật là tồi tệ. Song chính những cái đó như đâm dao vào ngực em vậy. Em không thể nói với anh được. Và y như rằng, mỗi lần em để cho nỗi buồn xâm chiếm lòng mình, thì rất dễ đi đến chỗ anh hiểu lầm em. Đúng, em ở tình trạng rất khó nói. Vui ư? Chẳng có gì đáng vui cả. Buồn ư? Anh lại trách đừng dày vò anh nữa, đừng hành hạ anh nữa. Im lặng ư? Lại khiến anh dễ hiểu lầm hơn cả. Con người có nhiều cách giải khuây cho mình, còn em, em khác họ ở chỗ, em không thấy cần phải chuyện trò giao thiệp. Nếu em có đi đâu cũng chỉ là tìm cách đối phó với thời gian thôi.

Ngày 11/6

Cả sáng em phải ở nhà để chờ người ta lên báo công việc đột xuất thế là lại lấy thư anh ra đọc. Em đọc mà phải dịch theo ý mình. Tức là em chuyển chị thành anh hết, chuyển chồng chị thành vợ anh v. v.

Suốt từ chiều đến giờ hai chị em đi lo công việc với nhau suốt, và chúng em nói rất nhiều chuyện thân tình. Thế mới đáng lo ngại. Nghiễm nhiên, em cũng nghĩ, sẽ chẳng có gì xảy ra cả. Đấy, trong sự thân mật đó, em vẫn ý thức được như vậy, nhưng cũng không tìm cách để thoát ra nữa.

Em đèo nhà mình suốt, có lúc nhà mình còn thò cả tay vào lưng em xem mồ hôi đã ra ướt cả áo. Em dứt khoát không để cho nhà mình đèo, vì em biết nhà mình rất mệt. Sáng nay, một mình nhà mình đi sang sân bay để lấy hàng. Em rất tiếc là không biết trước để đi cùng.

Ngày 12/6

Đầu óc em quay cuồng vì lo chuẩn bị. Nào đi vay tiền, nào lo mượn áo dài, nào tìm nơi dễ mua… Trong đợt này, đúng là hai chị em cùng khổ, cùng vất vả. Em rất thương nhà mình. Nhà mình đối với em thật hết lòng, không kể giờ giấc, mệt nhọc. Nhất là nhà mình không được khỏe lắm. Phải chăng, bằng sự ân tình, nhà mình đang cố lấy lại một điều đã mất? Em cho rằng có cả điều đó nữa. Và nếu như vậy thì chắc là nhà mình thành công mất. Sự việc càng ngày càng tiến triển bất lợi cho em biết bao… Có nhiều lý do để em không nghĩ đến chuyện liều mình vì tuyệt vọng nữa. Khi nào anh về em sẽ kể anh nghe. Chắc không đời nào anh muốn em tìm lối thoát như vậy đâu.

Thật khủng khiếp, còn hơn cái chết nhiều.

Anh có mừng không nếu khi anh về anh vẫn còn có em? Chắc chúng ta lại giằn vặt nhau vì đau khổ, nhưng thà đau khổ mà có nhau…

Ngày 27/3/85

Tối hôm nọ, ông T. hỏi em, thế nào, cháu có định chuyển hướng lâu dài sang học đạo diễn không? Em trả lời ngay không phải nghĩ ngợi gì: Không ạ, cháu nghĩ, phụ nữ hãy làm nhiệm vụ của một người vợ thôi. Và dù gì đi nữa, phụ nữ vẫn nên chỉ là phụ nữ thôi. Mọi người có vẻ ngạc nhiên bảo em: cũng hay đấy, mà đúng là nên như vậy.

Tối nay, ăn cơm xong, mấy người rủ nhau đến nhờ hai vợ chồng một nhà văn đưa đi xem phim Ấn Độ, nhưng hụt.

Lúc ấy, em càng thấy rằng, phụ nữ chỉ nên làm vợ làm mẹ thôi. Em trông bà ấy ngồi, tay cầm điếu thuốc, ngẫm nghĩ… em đã thấy ngay anh chẳng thích vợ anh như vậy. Thỉnh thoảng anh có hỏi em điều này điều khác, đấy chỉ là một phần nhỏ nào đó thôi, chứ nếu mà em cũng tham gia, cũng tranh luận, chắc anh cũng chẳng thích bằng như bây giờ. Tức là bao giờ em cũng nghe lời anh, coi tất cả những gì anh nói là đúng. Liệu anh có bảo em nói đẹp lòng?

Ngày 28/3/85

Sáng nay em đã quay xong một đoạn dài. Không biết sao em không hề cảm thấy mất chủ động một chút nào. Em nghĩ, mỗi người có một cách thể hiện của mình, không ai dạy ai cả, việc ai người đó làm. Trong lúc bàn bạc trước hôm đi quay với đạo diễn, diễn viên, quay phim, biên kịch… em thấy em mang trong người một điều giống anh. Đấy là khi em thấy họ to tiếng bàn cãi dài dòng về cách thể hiện, kể cả những diễn viên của họ nữa, cũng tỏ ra dậy đời rằng bây giờ phải biểu hiện một cách hiện đại… Em chẳng nói gì. Chỉ khi đạo diễn hỏi, ý kiến của em thế nào. Em nói, tôi nghĩ rằng đạo diễn cứ việc bàn cãi để thống nhất về đường nét, về diễn biến của tình cảm. Còn chúng tôi sẽ làm nhiệm vụ của người diễn viên. Thế là tay đạo diễn bảo: Thế hắn muốn em đóng vai Hít-le thì sao? Thật là ngớ ngẩn phải không anh? Em thầm nghĩ, nếu ông đã chọn tôi đóng Hit-le thì ông chẳng là cái thứ đạo diễn gì hết.

Ngày 11/4/85

9 giờ 30 tối.

Làm việc từ 5 giờ sáng đến giờ em mới được nghỉ.

Mệt ơi là mệt. Hôm nay quay rất nhiều cảnh. Đáng buồn là phần của em chỉ quay được một nửa, còn một nửa, họ bảo muộn rồi, ánh sáng yếu.

Hôm nay phần của em nhỏ thôi nhưng em hài lòng hơn cả, vì chỉ quay đúng một lần. Gã đạo diễn khen tốt. Còn em, nghĩ đến lời anh dặn: “Hãy cất dấu một điều nào đó…”.

Ông Đ. cứ nói ra miệng rằng em có cái dáng vẻ “liêu trai”. Em chẳng hiểu. Ông ta giải thích rằng đó là một cái gì đó hư hư thực thực, huyền ảo. Nhất là trong phim “Bao giờ cho đến tháng mười”, ông ta như thấy con người thật của em: lủi thủi, cô đơn và chịu đựng. Rằng bề ngoài em cười đấy, nhưng bên trong mang một cái gì không thanh thản. Đấy chẳng qua là họ bắt mạch em đấy thôi. Thôi, em đi ngủ đây. Hôm nay em mệt lắm.