Lê Vân - Yêu và sống - Chương 11 phần 3

11 (B)

Tôi từ chối lời đề nghị của chàng ngay lúc đó.

Cuộc đối thoại đầu tiên ngừng lại. Chàng bỏ nhà đi đâu không rõ. Bụng tôi lớn dần lên. Với thiên hạ, chưa có gì đáng ngại, bởi tôi đang có chồng. Mãi đến khi tôi gần sinh, chàng bất ngờ trở về. Và một lần, chàng đã khiến tôi vô cùng cảm động.

Do quá căng thẳng và cô đơn, tôi thường đi bộ ra ngồi nghỉ ở ghế đá vườn hoa. Cảm giác cô liêu buồn bã ào tới. Sao mình bất hạnh thế! Những lúc thế này, nếu người ta có chồng bên cạnh, chắc hẳn người chồng sẽ yêu người vợ lắm. Mặc dù hình thù người vợ thay đổi rất nhiều bởi cái mầm sống của họ đang lớn dần lên, nhưng người ta sẽ vô cùng hạnh phúc. Nếu mình có chồng ở đây, người đó sẽ đưa mình đi dạo, dưa mình đi tập, chứ không bao giờ để mình ngồi một mình như thế này. Ngồi đó, nhìn dòng đời, dòng người tấp nập ngược xuôi cười cười nói nói, càng thấy cô quạnh làm sao! Một người đàn bà cô đơn trong chiếc váy bầu rộng thùng thình. Đông người thế kia mà sao tôi chẳng thể chia xẻ với ai được, ngay cả với những người thân, người ruột thịt, về cái sự thật mà tôi đang mang trong lòng. Sẽ không ai hiểu được và không ai chấp nhận được sự thật này.

Đang miên man như thế: chàng lãng tử của tôi xuất hiện như từ trên trời rơi xuống. Chàng vô tình đi đâu đó qua đây, chợt nhìn thấy tôi, hay là chàng đi tìm tôi? Tôi không biết. Chỉ nhớ như in lời chàng nói: “Nhìn em, anh thương em quá! Nào, để anh đưa em về”'. Tôi lên xe của chàng, lòng tràn ngập niềm biết ơn. Có lẽ, chàng là người duy nhất hiểu thấu được nỗi cô đơn hoang hoải của tôi lúc này.

Gần đến ngày sinh, bụng tôi to lắm. Lặc lè bảy mươi cân, nom tôi xù ra như một con voi xấu xí. Da gần như là muốn nứt vỡ, mặt mũi sưng phồng. Không ai nhận ra tôi nữa.

Abraham tính đến ngày tôi sắp sinh thì bay về Việt Nam. Anh muốn là người đưa tôi đến bệnh viện sinh con.

Những ngày sắp sinh, chúng tôi hay đi cùng nhau. Có ngày anh đưa tôi đi bác sĩ ba lần. Hôm đó, tôi như bị biến chứng, huyết áp tăng vùn vụt. Bác sĩ bảo: “Nghe nói ở bệnh viện Việt Pháp có dịch vụ sinh con rất tốt, chị phải đến đó ngay để người ta xử lý, nếu còn muốn sống nhìn thấy mặt trời”. Ông bác sĩ nghĩ mình hoàn toàn có khả năng tài chính để đến bệnh viện Việt-Pháp, chứ đâu có biết rằng mình còn có khúc mắc gì đây. Thành thực mà nói, tôi rất sợ. Không bao giờ dám nghĩ sẽ xuất hiện ở bệnh viện Việt Pháp. Mọi người nghĩ thế nào, rồi ở nhà sẽ tung tóe ra, ai sẽ đưa minh đi viện Việt Pháp đây khi mọi thứ còn chưa chính thức. Người ta sẽ nghĩ, làm sao một mình tôi có thể vào được Việt-Pháp?

Tôi bảo anh đưa tôi về, chuẩn bị chút hành lý rồi sáng mai vào bệnh viện Việt Nam. Ít nhất nó sẽ không xáo trộn lên. Anh bảo: “Tùy em, đâu cũng được, nhưng như bác sĩ đã nói, em phải quay lại bệnh viện ngay hôm nay, Tôi không chịu. Vẫn ngoan cố lắm. Nhưng đến chiều, bỗng thấy lo lắng không yên. Không hiểu có gì bất thường mà mặt cứ phù lên. Cuối cùng, khoảng năm, sáu giờ chiều, tôi quyết định: Thôi thì bệnh viện Việt Nam cũng được. Và anh đưa tôi đến bệnh viện C. Bác sĩ khám xong bảo: “Cho bệnh nhân thay quần áo làm thủ tục nhập viện”.

Cứ ngỡ nhập viện bình thường thôi, ai ngờ, tôi vừa ngồi lên xe đẩy kiền bị đẩy vào thang máy, cách ly luôn. Lúc bấy giờ, anh mới làm thủ tục bên ngoài. Rất may là bác sĩ nói được tiếng Anh và hướng dẫn anh khai tên tuổi địa chỉ. Ở bệnh viện, ai cũng nghĩ chúng tôi là hai vợ chồng đưa nhau đi đẻ. Họ không nghĩ đến một trắc trở gì. Anh ghi tên mình vào mục người chồng như bất cứ người chồng nào đưa vợ đi đẻ phải làm. Sau đó, anh không biết làm thế nào để gặp được tôi, hoặc chí ít là biết được thông tin về tôi. Bồn chồn lo lắng. Mãi đến 10 giờ đêm, anh mới lần ra số phôn của người phiên dịch cũ, gọi điện cho anh ta. Hai người tìm được đến nhà Khanh.

Lúc này, anh buộc phải nói với Khanh tất cả sự thật về đứa bé tôi sắp sinh. Lúc ấy, không thể nói dối được nữa, vì muốn nhờ cô ấy giúp. Trong nhà, chẳng ai biết tôi đi đâu.

Không thể nào liên lạc với mọi người ở nhà vì ngại, anh chẳng biết cầu cứu ai, ngoài cô em gái. Chỉ cô ấy mới có thể giúp được. Một tiếng Việt bẻ đôi anh không biết, người ta không cho vào làm anh vô cùng hoang mang, chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra với tôi. Trong khi đó, tôi “bị trói” luôn trên bàn, đo huyết áp liên tục. Tăng huyết áp như vậy có thể dẫn đến ngộ độc thai nghén. Bác sĩ theo dõi sát sao suốt từ chiều đến đêm mà vẫn bất ổn. Họ cố chờ xem tôi có thay đổi hay ổn định lại huyết áp không. Nằm trên bàn đẻ, tôi cứ lo cho anh, không biết một mình anh ở ngoài xoay sở ra làm sao. Chắc anh cũng rối bời vì không nhận được tin tức gì của tôi Đang lo lắng thì nhìn thấy anh và Khanh đến, mừng ơi là mừng. May sao, Khanh lại quen với một cô y tá, xin cho anh lên được phòng cách ly. Khanh bảo: “Chị đừng lo, em đã nhờ cậy các bác sĩ ở đây hết rồi”. Tôi đọc thấy sự ngạc nhiên trong mắt Khanh. nhưng vào tình huống này, cô ấy chỉ biết làm tất cả những gì có thể để bày tỏ tình cảm ruột thịt.

Không phải lúc nào Khanh cũng rảnh rỗi để chầu chực ở bệnh viện, chỉ có anh là người thân duy nhất lo lắng cho tôi lúc này. Để giúp anh vào gặp tôi dễ hơn, tôi viết cho anh một mẩu giấy, dặn anh khỏi phải nói, cứ đưa mẩu giấy này cho bất kỳ ai là y tá bác sĩ, hi vọng thấy anh là người nước ngoài, họ sẽ nể mà cho anh vào. Nội dung của mẩu giấy là: “Chị làm ơn cho tôi lên thăm người nhà ở nhà đẻ”. Hết giờ, anh và Khanh phải đi về. Còn lại mình tôi trong phòng cách ly. Anh ra ngoài, cử quanh quẩn mãi ở sân bệnh viện rồi mới về khách sạn chờ đợi. Mọi tin tức bây giờ là phải thông qua Khanh.

Quãng mười giờ đêm, mạch của tôi vẫn trong tình trạng bất ổn. Tôi không cần được theo dõi nữa mà về phòng chờ các bác sĩ hội chẩn xem tôi có phải mổ hay không? Ở trong phòng, có mấy sản phụ cũng đang chờ đợi quyết định của bác sĩ. Đêm đã khuya, họ khóa cửa, tắt bớt đèn. Tôi không làm sao ngủ được. Bệnh viện có một hành lang dẫn đến các phòng nhưng hành lang này bị khóa chặt không cho người nhà vào. Bệnh nhân và bác sĩ nếu cần thiết thì đi thang máy. Tôi bồn chồn đi đi lại lại ở ngoài hành lang ấy. Bỗng nhiên, vang lên một giọng đàn ông lo lắng hớt hải: “Em ơi, em ơi” tít phía đầu hành lang bị khóa. Tôi ngạc nhiên vô cùng, không biết ai gọi mình vào cái giờ này! Tôi lê về phía cuối hành lang. Chàng lãng tử! Chồng tôi đang đứng ngoài song cửa sắt. Anh sốt sắng hỏi han: “Anh đi chơi về, nghe Khanh báo ở nhà là em phải đi cấp cứu bệnh viện rồi. Thế em có làm sao không?” Trong lúc chàng thảng thốt lên như vậy, tôi cũng kịp trấn tĩnh để nhận ra chàng là ai? Tại sao chàng lại ở đây? Oái oăm thay, chồng tôi đấy, người đang thắt ruột lo lắng cho tôi nhưng lại không phải là bố đứa con sắp chào đời của tôi? Bình tĩnh lại, tôi bảo chàng: “Có lẽ là em phải mổ, họ đang hội chẩn xem em có phải mổ đêm nay không. Giờ anh cứ về đi”. Dường như đã yên tâm phần nào vì thấy tôi vẫn bình an, chàng ra về.

Khoảng mười hai rưỡi đêm, bác sĩ chính vào. Ông hỏi tôi có sẵn sàng để mổ không, có lẽ các nghệ sĩ thường ngại mổ vì sợ xấu. Huyết áp của tôi không ổn định, nếu chờ đợi, với tuổi này, rất có nguy cơ nhiễm độc thai nghén, sợ không can thiệp kịp. Theo ý hội đồng bác sĩ thì nên mổ. Tôi quyết định ngay: “Đối với tôi bây giờ, không có gì quí bằng sự an toàn của cả hai mẹ con, tất cả là đặt sự tin cậy vào các bác sĩ, các bác sĩ thấy nên thế nào thì làm như thế. Không sợ xấu đẹp gì cả”. Bác sĩ bảo thế thì mổ nhé. Một lát sau, bỗng thấy đau dồn rồi nước ối bục ra, tôi gọi y tá. Họ cho tôi ngồi vào xe, đẩy vào thang máy, thẳng đến phòng mổ trên tầng ba.

Vào phòng mổ, một nỗi sợ bỗng nhiên dâng lên. Tôi vốn sợ bác sĩ, đến tiêm tôi cũng chẳng bao giờ dám nhìn, cứ phải nhắm tịt mắt lại. Bây giờ phải mổ, mà lại có một mình, không người thân bên cạnh. Chỉ những bóng người trắng toát xung quanh trong đêm im phăng phắc. Tôi nghe rõ cả tiếng bước chân của các bác sĩ. Không khí căng thẳng. Tôi chẳng có người nào để bấu víu. Sợ lắm, nhưng nào dám ho he gì. Nằm trên bàn mổ, nghe tiếng họ loay hoay chuẩn bị dao kéo lanh canh phía dưới, rồi thấy họ căng một tấm vải trắng to như màn ảnh chiếu phim ngang người. Tôi nghĩ, chắc họ ngăn vậy vì không muốn mình nhìn. Cũng không dám hỏi. Thế rồi, từ phía đầu tôi, tiếng một người đàn ông dịu dàng vang lên: “Hôm nay, bọn anh quyết định cho em đẻ “kiểu Pháp”. Tức là gây tê tủy sống, chứ không phải bằng thuốc mê. Bây giờ em ngồi dậy”. Ông bác sĩ. người từng tu nghiệp ở Pháp về, là một bác sĩ gây tê giỏi. Gây tê thì đỡ mệt cho bệnh nhân hơn là gây mê. Nhưng gây tê tủy sống rất nguy hiểm, chỉ cần chệch một li là có khi người bệnh liệt luôn.

Tôi ngồi dậy, họ cởi cái nút buộc ở lưng áo sản phụ ra, gây tê cho tôi, sau đó bảo tôi nằm xuống. Tôi nằm xuổng và nghĩ, bây giờ họ sẽ chờ cho mình mê man không biết gì rồi mổ đây. Nằm mãi, chẳng có cảm giác tê gì cả. Họ lại bảo: “Thế nhé, cứ nằm yên, không phải lo lắng gì cả, mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi”. Tôi nghe vậy thì nằm yên chờ đợi cái cảm giác mê man để thiếp ngủ. Chưa thấy mê man gì, chỉ cảm giác có một lưỡi dao sắc lạnh đưa ngang bụng. Tôi rú lên: “Ối các anh ơi, đừng mổ bây giờ, đợi cho em mê đã, em sợ lắm. Các anh đừng mổ vội”. Mặc cho tôi rú lên, ông bác sĩ nói tỉnh queo: “Không, đã ai làm gì đâu”. Lạ thật, rõ ràng có lưỡi dao đặt vào bụng. Lại giọng bác sĩ thao thao hỏi chuyện: “Thế em đã đóng những phim gì rồi nhỉ? Đã ai làm gì đâu. Bao giờ mổ thì phải bảo em chứ.” Tôi tin sái cổ, cứ thao thao bất tuyệt trò chuyện với người bác sĩ gây tê. “Thế à, em cứ tưởng các anh phải cho em mê chứ nhỉ. Sao mãi chưa thấy mê gì cả”.

Hóa ra, gây tê tủy sống để mổ đẻ tức là nửa người trên hoàn toàn tỉnh táo, nửa người dưới liệt hoàn toàn, người ta mổ xẻ gì cũng chẳng có cảm giác. Thế là bên trên cứ say sưa trò chuyện “Thế phim Đêm hội Long Trì là phim cuối à, còn phim Chị Dậu em đóng hồi bao nhiêu tuổi nhỉ?”; còn bên dưới thì họ vẫn đang mổ xẻ. Chuyện chuyện trò trò khoảng hai chục phút, nghe mơ hồ như người ta lạch xạch cái gì phía dưới. Bỗng một giọng bác sĩ khác hân hoan nói: “Nào, bây giờ có muốn xem không”. Tôi kêu lên: “Không, em sợ lắm. Em sợ đau lắm”. Tôi cứ đinh ninh bác sĩ dọa tôi có muốn xem ông ấy mổ không. Ai ngờ, họ đã mổ xong rồi và hỏi có muốn xem mặt con không. Hóa ra, trong khi tôi còn mải mê chuyện trò, các bác sĩ đã lấy con ra và khâu lại xong rồi. Tất cả chỉ mất hai mươi phút. Hay thật. Trút cả cái bụng như thế đi rồi mà chẳng có tí cảm giác gì. Sau này, tôi cứ ân hận mãi vì không hiểu ý bác sĩ. Thế rồi, họ đeo cho tôi một sợi chỉ có miếng sắt đánh số của em bé. Lúc đó họ mới bảo: xong rồi nhé. Tôi ngơ ngác hỏi: thật hả anh? Và cứ ân hận mãi là không được xem mặt con lúc nó vừa ra đời.

Sau cuộc phẫu thuật, tôi kiệt sức, lả đi vì đói, ngủ lịm đi Không biết họ đưa mình về thế nào, chuyển giường ra làm sao. Khoảng ba giờ sáng, tỉnh dậy vì thấy mình mẩy đau ê ẩm. Có lẽ thuốc tê đã hết. Tỉnh dậy vì vết mổ rất đau, nó cắn rút rất khó chịu, không thể ngủ tiếp được. Xung quanh tối đen, chỉ có ánh đèn bên phòng trực. Tôi gọi bác sĩ xin thuốc ngủ. Tôi nuốt mấy viên Seduxen cùng bao nhiêu là cảm xúc vui sướng, lo toan, bề bộn tràn về. Cứ thế trằn trọc tới sáng…

Sáu giờ sáng, bệnh viện mở cửa cho phép người nhà vào thăm sản phụ. Cô Khanh và anh đã chầu chực sẵn ở bệnh viện từ bao giờ. Khi tôi mở mắt ra, nhìn thấy anh, thấy đúng người của mình rồi. Mừng quá. Mừng không thể tả xiết. Cứ như thể sẽ không được gặp nữa mà nay được gặp lại. Anh nhìn tôi đầy thương xót. Anh bảo tôi không cần phải lo lắng gì nhiều, mọi thứ đã có Khanh thu xếp. Tôi tỉnh lại là yên tâm rồi. Tôi đưa anh xem miếng sắt có số của con trai, bảo anh nhớ lấy số 940, rồi xin họ cho đi gặp thăm con. Tuy chưa đến giờ thăm, Khanh vẫn xin được cho anh đi gặp con. Anh là người được nhìn thấy con trai Avi trước tôi.

Con trai chúng tôi đặc biệt giống bố ở mái tóc dày đen kịt. Mũi nó khoằm không lẫn đi đâu được. Cu cậu phải nằm cách li mẹ vì mẹ mổ nên chưa có sữa cho con bú. Họ phải cho con bú bằng bình sữa bột. Xem mặt con xong, anh ra về, hẹn đến giờ thăm con buổi trưa sẽ quay lại. Tôi thở phào.

Cám ơn các bác sĩ. Cám ơn Trời Phật. Anh đã được xem mặt con trai của chúng tôi rồi. Mẹ tròn con vuông.

Khoảng tám giờ, một cô hộ lý uỳnh uỳnh đẩy băng ca đến hỏi: “Ai tên Vân? Tôi sẽ đưa chị về khu điều trị sau mổ. Tôi là người trông nom khu ấy”. Tôi ngạc nhiên: “Làm sao mà tôi chuyển từ giường sang băng ca được, phải có người khiêng tôi chứ nhỉ”! Rất lạnh lùng, cô ta bảo: “Làm sao mà tôi khiêng được chị. Chỉ có tôi với chị thôi”. Tôi nhìn cái băng ca, một cỗ máy phát ra tiếng ồn ã chói tai, thấy nó cao hơn hẳn cái giường tôi nằm đến hai mươi phân. Tôi không thể hình dung mình có thể lăn sang cái “cỗ máy” ấy được khi mà đôi chân tôi vẫn chưa thể nhúc nhích, chưa có cảm giác.

Nó nặng tựa cái cối đá. Cô hộ sinh thản nhiên: “Vết mổ không bục ra đâu mà lo!”. Cô ta nói như một cái máy vô cảm, không chút thông cảm, an ủi hay chia sẻ. “Nào, cứ theo hướng dẫn của tôi. Đầu tiên, gác chân lên đây, tôi sẽ xốc chị, rồi chị đu người lên nhé”. Tôi gắng sức làm theo lời chỉ dẫn của cô ta vì chẳng có cách nào khác. Vật vã đau đớn một hồi, tôi thấy mình cũng nằm gọn trong cái băng ca thật!

Sau khi gồng người lên được cái băng ca, tôi lại được đẩy đi long sòng sọc dọc hành lang, cảm thấy đau buốt nơi vết mổ. Thấy tôi nhăn nhó, cô ta giãi bày: “Chị thông cảm, công việc thì nhiều mà người thì ít. Khổ lắm chị ạ”. Tôi được chuyển về căn phòng chưa đến hai chục mét vuông mà kê đến gần chục cái giường. Họ bảo, vì tôi mổ đẻ nên may mắn được nằm một mình một giường cá nhân. Những người đẻ thường bị ghép đôi hết. Giường kê sít sịt vào nhau. Đúng là tôi may mắn thật. Buổi chiều, bác Dần vào thăm rồi ở lại chăm sóc tôi. Tôi bèn ghép bác Dần vào giường của mình.

Chỉ sau một ngày, mọi việc loang ra khi chồng tôi vào thăm và thản nhiên bảo: “Tôi là chồng Lê Vân”. Các bác sĩ y tá ở đó cứ ngớ ra không hiểu có chuyện nhầm lẫn nào không. Ban đêm đưa đi đẻ là một ông Tây không biết nói tiếng Việt nhận là chồng, sáng ra là một ông lai Tây lạ hoắc vào cũng nhận là chồng! Kể cả các sản phụ nằm cùng cũng ngạc nhiên. Họ thấy rõ là tôi cư xử với hai người đàn ông khác hẳn nhau. Chồng tôi, chàng xông đến để chứng tỏ một điều: ta mới thực là chồng nàng đây! Tôi cố ngậm bồ hòn làm ngọt. Chàng lãng tử còn ngồi ngay cạnh giường sản phụ của tôi mà rằng: “Anh đề nghị với em một việc, em phải cố gắng giữ thể diện cho anh, em không được để cho ông kia ngang nhiên vào đây như thế”. Và chàng cứ ngồi đấy, rối bời, chẳng nói năng được gì. Tôi cũng rổi bời, nhưng cũng không thể cấm chàng vào thăm. Thái độ của chàng rất ngang tàng. Tôi biết, chàng muốn hành mình đây. Đến nước này thì tôi như hóa đá. Đằng nào người ta cũng biết. Tôi có hai người đàn ông đến thăm, cả hai đều nhận là chồng, vậy thì đứa bé là con ai?

Suốt ba ngày sau khi sinh con, tôi vẫn cứ có hai người đàn ông thay phiên nhau đến thăm nom. Cũng may, bố Avi nhanh trí nghĩ ra mua cho tôi một cái điện thoại di động để tôi có thể gọi điện cho anh bất cứ lúc nào tôi muốn. Và cũng để tôi báo cho anh biết lúc nào tiện để vào thăm tôi, lúc nào nên tránh. Có điện thoại thật là tiện lợi.

Một ngày rưỡi sau, tôi mới được bế thằng bé lên cho con bú để kích thích tia sữa. Nhân lúc chàng lãng tử của tôi không ở đó, anh vào và chụp ảnh khoảnh khắc hai mẹ con tôi gặp nhau lần đầu tuyệt diệu ấy.

Bác sĩ dặn, chừng nào ruột chưa thông thì chưa được ăn. Nhìn thấy giường bên cạnh ăn mà tôi thèm quá. Nhớ lại tối hôm qua, tôi tình cờ nghe được câu chuyện giữa một phụ sản và ông bác sĩ. Cô ấy được người nhà gửi gắm một người quan trọng trong bệnh viện. Ông ta đến thăm cô, dặn dò cô rất nhiều. Tôi tranh thủ lắng nghe để học lỏm. Ông bác sĩ bảo: “Cháu đừng lo, không bao giờ vết mổ bị bục cả. Cháu phải cố gắng vận động càng sớm càng tốt, đừng ngại đau.

Phải tập ngồi dậy, đứng dậy, lần giường tập đi thì mới mau bình phục, mau được ra viện. Nhiều người nhát, sợ đau, càng phải nằm viện lâu”. Nghĩ bụng, mình phải cố gắng thôi. Nhờ bác Dần nâng lên để ngồi dậy nhưng bác chỉ làm mình đau đớn hơn, thế là tôi cố gắng tự ngồi dậy. Lết, thở phì phò, thế nào mà cũng ngồi dậy được. Vì nghe lỏm được lời dặn của bác sĩ nên không sợ ảnh hưởng vết mổ. Dựng được người dậy một lúc, y như rằng, cái hơi trong người mình ra hết, ruột tự động sắp sếp lại “đội hình” của nó.

Thông ruột rồi! Cảm giác nhẹ nhõm hẳn, tôi reo lên: “Cho tôi ăn đi nào, tôi đói lắm rồi. Mấy ngày chưa được ăn”. Cô bên cạnh thấy mình kêu đói, mà bác Dần chưa đem cơm vào, cô ấy sẻ cho tôi ít cơm của cô, bảo: “Nhà em mang vào nhiều quá, em chẳng ăn hết đâu, chị đói quá thì lấy mà ăn tạm một chút”. Tôi vồ lấy. Cám ơn cô. Cơm canh bà đẻ rất đơn giản mà sao ngon thế?

Ngày chia tay anh thật là bịn rịn, hoảng hốt. Anh đi, để lại cho tôi cả một mớ bòng bong rối bời. Không biết sẽ phải lặn ngụp ra sao trong cái mớ tơ vò này, biết đường nào ra. Mọi thứ mới kinh khủng làm sao! Rồi cái gì đến cũng phải đến? Anh phải ra đi, không có cách nào khác. Con trai tôi, sau khi được đưa về cho mẹ cho bú một tí, buổi chiều hộ lý lại đưa cháu về phòng cách ly. Chỉ còn lại mình tôi. Anh, chỗ dựa tinh thần vững chắc của tôi, lúc này đã ra đi. Con trai, sợi dây nối tôi với anh, cũng bị cô y tá mang đi nốt.

Sao mà cô đơn, trống trải thế! Cứ cảm thấy như mình bị bỏ rơi. Hẫng hụt. Sợ hãi. Lo âu. Tôi không biết phải làm gì bèn cố gắng lê lết ra hành lang sau của khu nhà, gọi điện cho anh. Anh đang trên đường ra sân bay. Nghe giọng anh, tôi òa lên tức tưởi: “Sao mọi người bỏ em đi hết thế này' Con người ta vừa mang đi, anh cũng đi mất rồi, em không biết làm sao đây?”

Làm sao đây? Tôi chỉ biết cay đắng khóc một mình.

Tám ngày sau, tôi được ra viện. Cũng chẳng cần ai đón. Tôi bồng con xuống cổng bệnh viện, gọi taxi vào tận nơi. Bác Dần tay xách nách mang, đón tay thằng bé. Ba mẹ con bác cháu ra về.

Suốt thời gian đầu tôi nuôi con một mình, chồng tôi tránh mặt bỏ đi đâu không rõ. Có lẽ, chàng sợ ở lại Hà Nội, người ta đàm tiếu hoặc là chàng sợ giáp mặt với sự thật: tôi đòi li hôn. Thế là tôi một mình thui thủi nuôi con.

Lúc đó, tôi với mẹ vẫn đang trong cơn giận hờn vô cùng căng thẳng. Bà không hề bước chân vào bệnh viện hỏi thăm con gái và cháu ngoại. Thường thì trong cơn hoạn nạn, người ta sẽ dễ dàng xóa bỏ những cái khó vượt qua để đến với nhau. Nhưng không hiểu sao, nhất định bà vẫn cứng lòng không nhìn mặt cháu. Thời gian đó, mẹ đang ở Thụy Khuê với tôi. Phòng bà ngay cạnh phòng hai mẹ con, chung nhau phòng tắm, vậy mà sao như xa cách nghìn trùng!

Căn phòng của hai mẹ con tôi không nhiều ánh sáng, có lẽ vì nuôi người đẻ nên phòng lúc nào cũng tôi tối. Hai mẹ con ngồi ôm nhau, nhìn đêm xuống trong bao nhiêu là lo âu, không biết phải làm gì. Hơn lúc nào hết, tôi hiểu giá trị quí báu của bác Dần. Chị gắn bó với tôi hơn cả người ruột thịt.

Mọi thứ tôi đều trông cậy vào bác ấy. Bác Dần cũng chưa chăm sóc bà đẻ bao giờ, cả hai chị em đều không có kinh nghiệm gì. Cứ theo cảm giác, nghe người ta bảo nên thế này nên thế kia rồi làm theo. Thấy bảo thịt thăn tốt cho người đẻ thì cứ mua ngày nửa cân rim lên ăn hai bữa với canh rau ngót. Rồi lại thấy Khanh và Vi bảo hai cô phải ăn cháo chân giò cho có nhiều sữa, ngấy đến nỗi bây giờ nghĩ đến cháo vẫn thấy sợ. Cũng may, tôi bốn mươi tuổi mới sinh mà con bú không hết sữa.

Người ta vẫn nói, trông dáng dấp tôi trước sau như một, dân múa làm gì có ngực, thế mà sinh con xong, không biết làm sao mà sữa về trông to như hai cái bình tích. Tôi nuôi Avi rất nhàn. Bé toàn bú sữa mẹ và không bao giờ khóc quấy đêm. Hàng xóm chẳng ai biết trong nhà có trẻ con mới sinh. Bạn bè đến thăm, cho sữa thì toàn tôi uống. Vì cứ nghĩ dù sao, khi chất sữa ấy lọc qua người mình, có thêm chất đề kháng tốt hơn cho con và cũng an toàn hơn nữa. Tôi luôn có ý thức như thế. Tuy thực đơn cơm bà đẻ rất đơn giản, nhưng cứ nghĩ phải ăn cả cho con nữa, nên dù chán vẫn cứ ăn băng băng. Tuy sinh con chỉ có hai cân sáu, nhưng thằng bé trộm vía cứ tăng cân vù vù đến bác sĩ cũng phải ngạc nhiên. Bé tăng cân ở mức lý tưởng. Cái đồ thị tăng cân của bé là một đường thẳng dốc.

Cám ơn cuộc đời, Trời Phật thương con tôi, bù lại cho hoàn cảnh éo le của bố mẹ. Và cũng cảm ơn Trời Phật đã gửi đến cho tôi một người bạn, người chị như bác Dần. Nhiều lúc tôi thảng thốt tự hỏi, đời tôi sẽ ra sao nếu thiếu người đàn bà này!

Sau này, trong một lần trò chuyện về chuyến vượt cạn, Abraham loáng thoáng kể, hồi ấy, chàng lãng tử của tôi và anh cũng đã có một cuộc chạm trán ngay cổng bệnh viện.

Họ nói những gì với nhau, anh không kể chi tiết. Nhưng anh đã nhấn mạnh cho chàng hiểu một điều: “Hãy hỏi Vân xem cô ấy yêu ai?”. Nói lại với tôi câu ấy, mắt anh sáng rực lên, nhìn tôi đầy tự tin và trìu mến làm sao!

***

Khi con trai tôi được khoảng mười tháng tuổi, tôi và chồng tôi mới quyết định ra tòa ly hôn, một quyết định không dễ dàng.

Một lần, đưa con đến khám vị bác sĩ nay đã trở thành chỗ thân thiết, ông khuyên tôi, nếu lúc này tôi quyết định sai lần, nó sẽ kéo theo một loạt hậu quả về sau. Nghĩa là, tôi phải chọn người bố đứa bé. Nếu tôi quyết định không liên hệ gì với người bố của cháu, vẫn sống với chồng tôi, người không phải bố cháu, sẽ cực kỳ sai lầm cho tương lai. Phải quyết định ngay, không thể sống thế này được, đau thần kinh lắm.

Nhân một lần chồng tôi đảo qua nhà, tôi mời anh vào để nói chuyện ly hôn. Anh vẫn níu kéo, nhắc lại điều kiện cũ: “Nếu em hứa sẽ không bao giờ gặp và liên lạc với người đó nữa, anh sẽ coi đứa bé như con anh. Chúng mình sẽ đi khỏi đây, càng xa càng tốt”