Chuyện tình vịnh Cedar (Tập 2) - Chương 11 phần 1

11

Khi Bob và Peggy Beldon chuẩn bị đi ngủ thì gió vẫn còn gào thét và mưa vẫn trút nước quanh ngôi nhà của họ. Đêm mùa đông trôi đi thật chậm chạp. Đã ba ngày nay không có ai đến thuê kể từ khi người khách cuối cùng của họ trả phòng. Đây là công việc lúc về hưu của họ, nhưng Bob lại không quan tâm việc khan hiếm khách trọ. Vì không có khách, anh và Peggy lại có thời gian mà nghỉ ngơi và thưởng thức không khí gia đình bên nhau.

Gió vẫn gào thét qua những cành lá mùa đông trơ trụi bên cửa số. Bob tắt tivi sau khi bản tin mười một giờ chấm dứt. Những ánh đèn điện vẫn lung linh bên ngoài khung cửa. “Xem ra chúng ta đã hoàn toàn ở trong bóng tối rồi”, anh nói “tốt hơn là có vài cái đèn pin trong tay”.

Peggy gật đầu, nhặt những chiếc cốc cà-phê và đi vào trong bếp. Bob chuẩn bị đi lên gác sau thì nhận ra có ánh đèn pha đằng trước. Một chiếc ôtô rẽ vào con đường nhà họ. “Chúng ta có hẹn khách nào đâu nhỉ?”. Mặc dù biết rõ câu trả lời, anh vẫn hỏi Peggy vì biết đâu cô đã hẹn rồi sau đó quên mất. “Cuối tuần chúng ta mới có khách mà”. Peggy vẫn giữ hai chiếc cốc trong máy rửa bát, dừng lại trả lời anh.

“Có vẻ như ai đó đang đến nhà mình đấy”.

Vợ anh kéo rèm và vươn người qua bồn rửa để nhìn ra ngoài cửa số. “Hình như không phải là khách quen anh ạ”.

“Mưa thế này thì biết làm sao được có phải là khách quen hay không. Nhưng anh chưa nhận ra cái xe này”. Bob gần ra đến cửa thì chuông cửa reo vang. Anh bật chiếc đèn ngủ và mở khóa. Một người đàn ông mặc áo mưa và đội mũ bẻ cong vành xuống. Anh ta mang một chiếc va-li nhỏ trong tay. Đầu cúi gằm, khuôn mặt chìm vào bóng tối càng làm cho người ta khó nhận ra anh ta hơn. “Trên đường tôi nhìn thấy ánh đèn. Ông có còn phòng nào cho thuê đêm nay không?”, anh ta hỏi với giọng trầm và khàn khàn.

“Chúng tôi có đấy”. Bob bảo anh ta và mất một lúc để đoán tuổi người lạ. Người đàn ông trạc khoảng năm nhăm tuổi, anh đoán thế, nhưng khó lòng khẳng định chắc chắn được. Anh ta khom khom người và hơi lao về phía trước khi bước vào nhà. Bob nghĩ, trông anh ta rõ ràng là rất quen. Peggy lúc nào cũng tỏ ra nồng hậu và ấm áp khi đón khách. Chị dẫn người khách vào trong bếp, nơi có mẫu đăng ký thuê phòng. Người đàn ông liếc nhìn tờ đơn Peggy đưa. “Tôi sẽ trả tiền bây giờ”. Anh ta nói, rút luôn tiền mặt trong túi.

“Chúng tôi cần anh điền vào thẻ thông tin”. Bob nói. Anh có một cảm giác rất lạ về người khách này, mặc dù anh không thể đoán được anh ta là ai.

“Tôi là Bob Beldon”, anh nói, “có thể anh thấy hơi ngớ ngẩn nhưng hình như chúng ta gặp nhau ở đâu rồi thì phải?”.

Người đàn ông lạ vẫn không trả lời.

“Anh à, đừng hỏi khách làm gì. Mất thời gian của họ”. Peggy thì thầm. Bob hơi bực nên anh cau mày một chút. Anh không thể không băn khoăn xem vì sao người lạ này lại chọn một nhà trọ xa xôi, chỉ phục vụ phòng ngủ và bữa sáng thay vì chọn một nhà khách nào tiện đường hơn.

“Tôi lấy cho ông một cái gì ấm ấm để uống nhé”. Peggy hỏi

“Không, cảm ơn bà”. Giọng anh ta nghe chẳng mấy thân thiện.

“Sao anh lại đến đây vào một đêm như thế này?”. Bob vẫn cố lục vấn “Nhà chúng tôi có nằm trên trục đường chính đâu”.

“Bây giờ thì những thứ đó có quan trọng gì”. Peggy nói, mắt nhìn Bob. Anh biết chị đã bực vì thái độ của anh. Nhưng anh thật sự cảm thấy có một chút gì đó không thoải mái.

Người đàn ông lạ chẳng đếm xỉa đến câu hỏi của Bob. “Tôi sẽ rất biết ơn nếu ông chỉ giúp tôi phòng của tôi”.

“Tất nhiên rồi”. Peggy dẫn đường dọc theo hành lang dài xuống bếp. “Anh có thể lựa chọn. Chúng tôi có phòng Chim sẻ vàng và...”

“Phòng đó được rồi”. Anh ta có vẻ thiếu kiên nhẫn và sẵn sàng chấp nhận mọi căn phòng. “Tôi sẽ điền vào mẫu đăng ký cho bà vào sáng mai”. Anh ta mở cửa và mang va-li vào trong, sau đó quay lưng lại với họ và nói “tôi hi vọng ông bà không thấy phiền nếu tôi đi nghỉ bây giờ chứ. Tôi đã đi suốt cả một ngày dài rồi”.

Bob định nói với anh ta rằng việc giấy tờ thủ tục cần phải làm trước đã nhưng Peggy đã ngăn anh lại. “Bữa sáng được phục vụ từ tám đến mười giờ sáng. Chúc ông ngủ ngon”.

“Cảm ơn”. Người khách đóng cửa và họ nghe thấy tiếng anh ta khóa bên trong.

Bob đợi cho đến khi cả hai vợ chồng lên gác mới lên tiếng, “Anh không thích cái kiểu nhìn của anh ta”.

“Anh đừng có kỳ cục như vậy”. Peggy nói khi đi vào phòng tắm lớn để tẩy trang. “Anh ta là khách thuê phòng. Anh không cần phải thích anh ta. Em đoán là sáng mai anh ta sẽ đi sớm và thế là xong chuyện”.

“Có lẽ thế. Bob nói nhỏ nhưng chẳng hiểu sao anh lại có cảm giác nặng nề rằng sẽ không phải như vậy.

Cơn mưa bão vẫn tiếp tục ngoài hiên. Bob đứng ở cửa sổ phòng ngủ nhìn ra khu cảng tối om của thị trấn Cedar. Xa xa vẫn còn vài ngôi nhà sáng ánh đèn.

Rất nhiều lần, anh băn khoăn về việc kinh doanh của mình. Đó là một nghề bắt buộc phải cho khách lạ vào nhà. Anh không thích người đàn ông trong căn phòng dưới gác kia, mặc dù anh không biết chính xác lý do tại sao mình không thích. Bản năng của anh mách bảo người đàn ông này có thể gây rắc rối.

Peggy là người phụ nữ có tâm hồn và trái tim nhân hậu. Thế nên cô chỉ nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn của một nguời bị mắc kẹt giữa cơn mưa bão, đang muốn tìm chỗ trú thân qua đêm. Bob ước gì mình cũng có cảm giác như vợ. “Anh có định đi ngủ không thế”?, Peggy hỏi, trải chiếc chăn bông và nằm dài xuống chiếc khăn trải giường sạch sẽ thơm tho.

Có lẽ Peggy đúng. Nói chung từ trước đến nay chị luôn đúng. Người đàn ông dưới căn phòng kia chỉ là khách qua đường mà thôi. Sáng mai anh ta sẽ trả phòng và họ sẽ không bao giờ gặp lại anh ta nữa. Người đàn ông lạ này đã trả tiền đầy đủ, và nếu anh ta lưỡng lự không muốn điền vào thẻ thông tin thì đó là quyền của anh ta thôi.

Sáng hôm sau, lúc Bob thức dậy thì mặt trời đã lên cao tự bao giờ. Anh giật mình mở choàng mắt, ngạc nhiên thấy trời đã sáng quá rồi. Peggy đã đi xuống gác anh có thể nghe thấy tiếng vợ hát theo chiếc đài trong khi đang nướng món bánh xốp dâu tây xanh. Đó là món bánh đặc biệt của chị, và những quả dâu tây xanh ấy cũng là do họ trồng được ở một khoảng đất nhỏ ngay cạnh vườn rau thơm - niềm tự hào của Peggy. Mùi hương quyến rũ của cà-phê bốc lên tận gác. Bob xoa tay lên mặt, nhớ lại những dư âm về một cơn ác mộng của đêm qua. Cơn ác mộng đến với anh không phải bằng những hình ảnh mà bằng những cảm giác, những ấn tượng, và chúng không hề dễ chịu. Sau khi trèo lên giường, lúc đầu còn thiu thiu sau đó anh chìm vào giấc ngủ sâu từ lúc nào, và đó là khi cơn ác mộng kéo đến. Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng anh vẫn không thể nhớ những giấc mơ đã trải qua lúc ấy.

Thường thì anh vẫn là người dậy sớm hơn Peggy và pha cà-phê. Cảm thấy áy náy vì dậy muộn nên Bob nhanh nhẹn mặc quần áo. Suy nghĩ một lát, anh bước nhanh đến bên cửa sổ. Chắc chắn rồi, chiếc xe Ford màu trắng vẫn còn đậu bên dưới. Vậy là người khách lạ lùng kia vẫn chưa chuồn mất như Bob đã nghi ngờ - và cả hi vọng rằng anh ta sẽ làm như vậy. Có lẽ sáng nay ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn đêm hôm trước, anh tự nhủ. Và Bob sẽ tìm ra được một số điều gì đó về anh ta. Bởi Bob luôn có cảm giác mình đã từng gặp nguời khách này rồi.

Peggy mỉm cười khi thấy chồng. “Chúc anh buổi sáng tốt lành. Đã lâu rồi em không thấy anh ngủ muộn thế này đấy”.

“Anh biết. Anh cũng chẳng hiểu tại sao nữa”.

Vợ anh hơi do dự. “Anh lại gặp ác mộng à”.

“Thực sự anh không nhớ gì nữa...”.

“Sáng nay anh thấy có ổn không?”. Peggy nhìn chồng, khuôn mặt nhăn nhó vì lo lắng.

“Anh vẫn ổn”, Bob lầm bầm, “anh đã dậy thật chưa ấy nhỉ?”. Trong năm nay đã hai lần Bob thức dậy ở một nơi khác ngoài phòng ngủ. Cách giải thích duy nhất là anh bị chứng mộng du.

“Lúc tỉnh dậy thì anh vẫn đang ở trên giường đấy chứ?”, Peggy trêu anh. Bob gật đầu và bỗng thấy nhẹ nhõm hẳn. Anh ôm vợ rồi rót cà-phê vào cốc cho mình. Dùng “phương pháp” của Hội cai rượu, anh bước ra phòng tắm nắng và thả mình xuống chiếc ghế tựa rồi đọc sách. Anh đã bỏ lại sau lưng hai mươi năm say khướt, nhưng đôi lúc anh vẫn muốn uống một chút. Anh đã từng bị say khi chỉ uống có một cốc rượu và sau đó không ngày nào anh không tự nhắc nhở mình về chuyện ấy. Hai mươi phút sau Peggy mang bánh xốp nướng ra khỏi lò.

Thói quen mỗi sáng của họ là thế. Đến tận gần mười giờ sáng thì vợ anh mới nhận ra rằng họ chưa nhìn thấy người khách đâu, cho dù ôtô của anh ta vẫn đậu ở sân. Trí tò mò xui khiến Bob đi ra bên ngoài và nhìn qua của số của chiếc xe. Một tấm bản đồ được trải ra trên ghế dành cho khách và một chai nước đã uống dở một nửa đựng trong hộc đồ uống. Nói chung mọi thứ đều có vẻ bình thường. “Em đã nói với anh ta là bữa sáng sẽ từ tám đến mười giờ, đúng không?”, Peggy hỏi chồng khi anh quay vào nhà.

“Có lẽ anh ta vẫn đang ngủ. Anh ta nói là đã vất vả cả ngày mà”.

“Để sau mười một giờ”. Peggy lầm bẩm hơi muộn.

“Anh ta đúng là một con vịt vớ vẩn”. Bob vẫn muốn giữ nguyên ý kiến của mình.

Nửa tiếng sau, Peggy lại băn khoăn. “Có lẽ chúng ta phải kiểm tra xem khách có ổn không anh ạ”.

“Để anh ta ngủ”. Bob bảo vợ, “biết đâu anh ta đang làm việc trong phòng thì sao. Anh ta cũng mang theo máy tính thì phải?”.

“Em cũng chẳng nhớ nữa”.

Theo như cách nghĩ của Bob, nếu người đàn ông lạ kia muốn có tự do cá nhân thì Bob sẽ để anh ta được hài lòng.

Vợ anh quẳng cho chồng một cái nhìn đầy hoài nghi, sau đó nhún vai và quay lại chỗ để tấm chăn bông mà chị vừa bắt đầu gấp cho gọn lại. Bob đi sang xưởng ga-ra; khi về hưu anh đám đương luôn công việc làm mộc với những thiết bị đồ gỗ gia đình. Nhiều năm qua, anh đã khéo léo tự chế được nhiều sản phẩm rất đẹp mắt. Anh vừa làm xong một bộ ngăn kéo và rất tự hào vì tính cần cù của mình. Sau khi đánh nốt một lớp nước áo véc-ni thì anh đi vào nhà. Bây giờ đã là mười hai rưỡi rồi. Nhìn qua cửa sổ, anh phát hiện ra chiếc xe của người đàn ông lạ lùng kia vẫn còn đỗ ở nguyên chỗ cũ.

Bob tự kẹp dăm-bông vào bánh mỳ xăng-uých và tiếp tục lang thang quanh ga-ra. Mấy phút sau, Peggy tìm được anh.

“Em nghĩ chúng ta phải đi lên đó xem sao”, vợ anh bảo, “em đã gõ cửa nhưng chẳng có tiếng trả lời cũng không ai mở cửa”.

Bob quyết định nghe lời Peggy. Đi theo vợ lên căn phòng của người khách đó, anh đấm mạnh vào cánh rửa phòng ngủ.

“Anh gì ơi, anh đã dậy rồi đấy chưa?”. Bob gọi rất to.

“Chẳng cần phải hét lên như thế đâu anh ạ”. Peggy nói thầm. Trông chị rất hồi hộp và thật sự là Bob cũng bắt đầu có chung cảm giác đó với vợ. Mặc dù họ kinh doanh được hơn mười năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên họ gặp phải chuyện rắc rối này, và đây cũng là người khách kỳ lạ đầu tiên của họ.

“Em có chìa khóa”. Peggy bảo chồng khi không thấy tiếng trả lời từ bên trong.

“Được”.

“Chúng ta có nên gọi cho Troy Davis không anh?”. Cô hỏi. Viên Cảnh sát trưởng là một người bạn tốt của hai vợ chồng Bob, nhưng Bob chưa muốn mất thời gian của Troy nếu chưa có một lời giải thích lô-gíc nào

“Chưa cần đâu”.

“Nhưng có gì đó không ổn lắm”.

“Em đừng có vội kết luận như thế, Peg ạ”. Bây giờ anh ước gì mình nghe theo cảm tính của mình đêm trước và bảo người đàn ông lạ mặt này đi tìm chỗ trọ khác.

Peggy đưa chìa khóa cho chồng. Bob lượng lự một giây rồi tra chìa vào ổ. Rất chậm rãi, anh vặn tay nắm cửa và mở hẳn ra. Người khách trọ đang nằm ngủ giữa giường. Chiếc áo khoác treo trong tủ quần áo, còn chiếc mũ thì được đặt ngay ngắn ở trên giá. Va-li hành lý thì mở tung trông như là một bác sĩ phẫu thuật đã đóng đồ vào đó vậy. Mọi thứ đều được gấp gọn gàng ngay ngắn. Chiếc va-li chẳng có biểu hiện gì là bị lục lọi cả.

“Có lẽ anh ta ốm rồi”. Peggy nói, bám chặt cánh Bob nghi ngờ điều đó. Anh nhận ra rằng mùi của người khách và da dẻ của anh ta đều gợi lại những kỷ niệm về cuộc chiến tranh trong rừng xảy ra khoảng bốn mươi năm về trước. Cảnh chết chóc ấy khiến nguời ta không dễ dàng quên đi nhanh chóng. Mục đích của người lạ này đến vịnh Cedar để làm gì thì cho đến giờ vẫn còn là một điều bí ẩn.

Bob lại gần chiếc giường và nhìn vào mặt anh ta. Đêm hôm trước, khuôn mặt anh ta bị che khuất vì anh ta kéo chiếc mũ xuống rất thấp. Bây giờ không còn bị che nữa nên trông anh ta trẻ hơn rất nhiều. Trẻ hơn và hoàn toàn thanh thản.

“Anh ta... chết rồi à?”. Peggy hỏi, khuôn mặt chị đầy lo sợ. Mặc dù biết rõ câu trả lời, nhưng Bob vẫn sờ vào nhịp mạch đập nơi cổ anh ta. Chẳng có gì cả. “Anh nghĩ đến lúc mình phải gọi Troy rồi”, anh nói. Mười lăm phút sau, sân nhà Bob đã đầy xe cấp cứu. Các nhân viên y tế, vài sĩ quan cảnh sát và bác sĩ khám nghiệm tử thi đã tụ tập khắp nhà. Bob trả lời hết câu này đến câu khác, nhưng anh không thể cung cấp nhiều thông tin cho Troy hoặc Joe Mitchell, bác sĩ khám nghiệm tử thi.

“Có lẽ phải mổ xác thôi”. Troy nói.

“Các ông sẽ đưa anh ta đi khỏi đây sớm chứ?”. Peggy hỏi. Vợ anh bị chấn động mạnh vì chuyện này. Sự thật phải được làm sáng tỏ, anh cũng nghĩ vậy.

Bác sĩ khám nghiệm ra khỏi phòng và tháo bỏ đôi găng tay nhựa. “Ông có biết làm sao anh ta chết không?”. Bob hỏi.

“Giờ thì chưa thể biết được”. Joe nói, đôi mày nhíu lại. “Bằng lái xe của anh ta cho biết tên anh ta là Whitcomb. James Whitcomb, quê ở Florida. Cái tên đó có gợi cho ông điều gì không?”

“Không”. Bob khẳng định, bất chấp thực tế tối hôm qua anh có linh cảm thấy người này quen quen. “Tôi chưa bao giờ gặp người này”.

Joe tiếp tục nhíu mày. “Anh ta phẫu thuật thẩm mỹ khá nhiều”. Bob khó mà biết được thông tin đó có nghĩa gì.

“Có một cái gì đó rất khác thường trong chuyện này”. Joe nói, chân bước theo sau chiếc băng ca chở xác người đàn ông ra khỏi phòng.

Uy tín của Maryellen ở hiệu sửa móng tay xem ra đã suy giảm sau bữa tiệc Halloween. Rachel, cô thợ sửa móng, đã gặp người bạn trai thích ôtô bị bỏ rơi của Terri. Mọi chuyện giữa hai người có vẻ tiến triển được một thời gian. Suốt cả tháng Một và tháng Mười hai, Rachel cứ rối rít khen ngợi Larry và những gì anh ấy làm cho chiếc xe của cô. Đầu tiên, anh ta thay bộ phanh trượt cho xe, mà chi phí chỉ bằng một phần rất nhỏ nếu mang ra ngoài cửa hàng để làm. Sau đó, anh lại sửa luôn bộ đèn bên trong xe cho chúng hoạt động trở lại. Thậm chí anh còn cố gắng chữa lại sàn xe cho cô nữa. Rachel hàm ơn anh vì điều đó và cố thuyết phục bản thân là phải yêu anh đến phát điên lên. Tại sao cô lại không thể yêu một người đàn ông đã tiết kiệm cho cô hàng trăm đô la được cơ chứ?

Thế rồi bộ truyền điện xe cô bị hỏng. Đó là một lần sửa chữa lớn và quan trọng. Người hùng của Rachel rất tin tưởng rằng anh ta sẽ chữa được nó. Tất cả những gì cô phải làm là mua bộ truyền điện mới cho xe. Không may Larry lại hơi quá đáng trong việc dự đoán khả năng của mình. Chẳng những anh làm hỏng thêm mà Rachel còn phải đưa xe ra tận cửa hàng để sửa. Tất nhiên cô phải trả tiền lần thứ hai cho chuyện sửa chữa đó. Đã thế, Larry còn chìa cho cô tờ hoá đơn đòi thanh toán tất cả những chi phí sửa chữa cộng với công sức anh ta bỏ ra từ trước đến nay cho chiếc xe của cô. Chẳng cần phải nói, mối quan hệ đó không thể tiến xa hơn được nữa.

Trường hợp của Jane cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Cô muốn tìm một anh chàng biết tiêu tiền. Jeannie đã từng yêu một người làm cố vấn tài chính nhưng anh chàng này rất buồn tẻ nên đã chia tay và cô giới thiệu anh này cho Jane hôm lễ hội Halloween, Jane và Geoff ngay lập tức đã bắt hồn nhau. Jane khăng khăng rằng Geoff không hề buồn tẻ như Jeannie nói. Nhưng sau đó, Geoff đã nói cho cô biết một thủ thuật để chơi chứng khoán nóng mà chỉ những người nội bộ mới biết được thông tin này. Thấy chắc chắn, Jane liền đầu tư toàn bộ tiền tiết kiệm và ngay lập tức chứng khoán bị giảm xuống tám phần trăm. “Cái mà tớ học được sau tất cả những chuyện này là”, Rachel nói khi làm xong công việc đánh bóng móng tay cho Malyellen, “nếu như một trong số chúng ta đánh gục được một anh chàng nào, thì đó chỉ có thể là một người đáng nguyền rủa”.

“Cậu nói lại xem nào”. Jane có vẻ đồng tình.

“Thế còn người đàn ông của cậu thì sao?”. Jeannie hỏi Maryellen. Maryellen nhấp nháy mắt, giả vờ như không hiểu câu hỏi của Jeannie. “Tớ có gặp ai đâu”.

“Cái anh chàng cứ bám dính lấy cậu như là keo ấy.” Terri kêu lên từ bên kia cửa hàng, nơi cô đang làm móng cho một người lớn tuổii hơn. “Tớ đã để mắt đến anh ta suốt đấy, nhưng anh ta chẳng nói chuyện gì với tớ cả”.

“Tớ chắc chắn là cậu tưởng tượng ra thế thôi”. Người cuối cùng cô muốn đề cập đến với các bạn chính là Jon Bowman.

“Không hề nhé”. Terri nói nhỏ, vẫn đứng đánh bóng móng tay cho khách. Cô nhấc một cái chai và đọc tên ở đáy chai. “Em dùng loại 'Không chỉ là nữ bồi bàn' có được không hả chị?”, cô hỏi vị khách.

May quá, thế là cô ta không chú ý đến Maryellen nữa mà chuyển sang vị khách kia.

“Cậu đã đi chơi với anh ta à?”. Rachel hỏi, cô lại tiếp tục tấn công Maryellen bằng câu hỏi của mình. “Có lẽ cậu không nhận ra là anh chàng đó thích cậu như thế nào, chỉ có chúng tớ biết thôi”.

“Tớ không gặp lại anh ta từ trước Giáng sinh. Nhưng nếu gặp, cậu có muốn tớ cho cậu số điện thoại của anh ấy không?”. Đây là cách duy nhất để thuyết phục Rachel rằng cô không thích thú gì chuyện yêu đương cùng Jon.

“Chẳng ích gì. Tớ đã từng ở cùng những anh chàng mà tâm hồn chỉ hướng tới những người con gái khác. Những gì cậu vừa nói chỉ là một liều thuốc xoa dịu nếu như cậu biết ý tớ muốn nói gì”. Vừa tô màu cho chiếc móng tay cuối cùng, Rachel hẹn giờ và vặn nhỏ đèn sấy những chiếc móng tay cho Maryellen để chúng sẽ có một màu hồng hoàn hảo.

Khi những chiếc móng tay đã khô, Maryellen đi nhanh ra khỏi cửa hàng. Cô hẹn gặp mẹ vào bữa tối nay ở nhà hàng Pancake Palace. Toàn bộ lịch làm việc của cô đã kín đặc, đã thế cô còn phải tham dự một cuộc họp bất ngờ với những người chủ phòng tranh. May mà, Rachel đã sắp xếp làm móng cho cô vào lúc chiều muộn thế này.