Hành trình về phương Đông - Chương 03 phần 3

- Một nhà chiêm tinh giỏi có thể lấy lá số tử vi để xem cá nhân liên hệ với cung nào, điều này đòi hỏi rất nhiều thời giờ, kinh nghiệm. Một phương pháp khác là hãy nhìn hành động mỗi người. Người thuộc cung 1 sẽ đạt đến mục đích bằng sức mạnh ý chí. Người thuộc cung 2, phân tích kỹ lưỡng vấn đề để lựa chọn phương pháp nào hữu hiệu nhất. Người thuộc cung 3 nghiên cứu rất kỹ về thời gian, giờ khắc thuận lợi nhất v..v… Một thí dụ khác như trong việc chữa bệnh, người cung 2 sẽ tìm hiểu nguyên nhân và phương pháp nào thích hợp nhất để chữa bệnh, khi người ở cung 3 sẽ nghiên cứu thời gian nào thuận lợi để chữa. Người ở cung 6 sẽ tìm cách chữa bệnh bằng đức tin. Người thuộc cung 7 sẽ chữa bằng các nghi lễ, cúng tế, v..v.. Tuy nhiên,cách tốt hơn hết là tự mình, xét lấy mình. Hãy dẹp bỏ những điều mình vẫn khoác lên bản ngã như danh vọng, địa vị, ham muốn. Hãy thành thật với chính mình thì ta có thể xem được mình thuộc về cung nào. Nếu ta là người có ý chí mạnh mẽ, cương quyết làm việc trong tinh thần khoa học thì có lẽ ta ở cung 1. Nếu là người khôn khéo, thích lý luận và làm việc một cách hiệu quả thì có lẽ ở cung 2. Nếu là người nhạy cảm, thích hoạt động xã hội, từ thiện thì có lẽ ta thuộc cung 5. Nếu là người có đức tin mạnh mẽ, cẩn thận, có thể ta thuộc cung 7, v..v… Đề tài các cung rất khó giải thích trong một thời gian ngắn. Tôi chỉ có thể nói vắn tắt thôi. Cái vật chất sơ khai nguyên thủy bắt đầu tiến hóa qua 7 con đường vận hà hay 7 đức tính quan trọng. Chỉ khi nào con người phát triển toàn vẹn cả 7 đức tính này, y sẽ trở nên toàn thiện. Dĩ nhiên , chúng ta đều bất toàn dù mỗi cá nhân đã nảy nở các đức tính cần thiết căn bản. Người Âu tây đã khai mở rất nhiều khả năng suy luận, khoa học, nhưng thiếu khả năng sùng tín, bác ái. Vì lý trí nảy nở nhiều hơn tình cảm nên họ có vẻ thiếu thiện cảm, lạnh lùng, thích chống báng thay vì dung hòa. Trong khi đó, người Á châu phát triển mạnh mẽ về sự sùng tín, bác ái, nhưng thiếu khả năng suy luận, để tình cảm chi phối nên họ có vẻ chịu đựng, nhượng bộ, khoan dung, dễ dãi. Cả hai đều không quân bình tuyệt đối, nên trong tương lai sẽ có các biến chuyển mạnh, xáo trộn để cả hai dân tộc có dịp học hỏi, hòa hợp với nhau.

Babu im lặng suy nghĩ một lúc rồi trầm giọng:

- Trong cuộc đời nghiên cứu sách vở bí truyền của các tôn giáo, tôi không hề thấy có sự khác biệt giữa các giáo lý, nếu không nói là giống hệt nhau. Tiếc thay, con người chỉ thích đi tìm sự khác biệt để chỉ trích, phê bình và càng ngày càng đi xa đến chỗ vô minh cùng cực.

- Nhưng các tôn giáo có khác biệt nhau chứ?

Babu nhẹ nhàng:

- Này các bạn, mỗi quốc gia có phong tục, tập quán riêng biệt. Mỗi thời buổi đều có các thay đổi, giá trị khác nhau. Do đó, một chân lý cũng có thể được giảng dạy bằng các phương pháp khác nhau. Phương pháp, ngôn ngữ có thể khác, nhưng chân lý vẫn là một cũng như thượng đế có 7 con đường vận hà khác nhau qua bảy cung. Nguyên tử mỗi cung có các rung động khác nhau, có màu sắc khác nhau, tính chất khác nhau, nhưng nó đều là nguyên tử xuất phát từ thượng đế. Nếu bạn thay đổi áo mặc khác nhau thì bạn đâu có thay đổi, chiếc áo có thể khác nhưng người mặc áo vẫn chỉ là một. Nếu các ông đi ngược về cội nguồn các ông sẽ hiểu sự thay đổi từng thời kỳ qua ảnh hưởng tinh tú.

Giáo sư Allen thắc mắc:

- Xin ông giải thích thêm về việc này.

Babu trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi trả lời:

- Trong 7 vị tinh quân có những biến đổi diễn ra từng thời kỳ giống như sự tuần hoàn của hơi thở trong bộ máy hô hấp, hay sự vận động của quả tim. Các sự biến đổi này diễn ra vô cùng phức tạp, dưới thiên hình vạn trạng. Vì lẽ thể vía con người được cấu tạo cùng một nguyên tử với thể vía các vị tinh quân, nên khi vị tinh quân thay đổi , tự nhiên mọi người trên thế gian cũng ít nhiều ảnh hưởng theo. Nói một cách khác, khi vị tinh quân cai quản một cung thay đổi thì những người đã đi qua cung đó, nguyên tử cấu tạo có chứa đựng nhiều tỷ lệ của cung đó sẽ thay đổi theo. Trong lịch trình tiến hóa, đã có những sự thay đổi trong đầu óc loài người, từng thời kỳ và do đó, văn minh nhân loại cũng đổi thay. Theo sự nghiên cứu của tôi thì mỗi chu kỳ kéo dài khoảng 100 năm, nhưng cứ 25 năm cuối lại có các biến chuyển gây ảnh hưởng cho chu kỳ kế tiếp.

- Như vậy thì sự biến chuyển kỳ này sẽ bắt đầu vào khoảng 1975 cho đến năm 2000 và ảnh hưởng đến thế kỷ 21?

Babu gật đầu:

- Thật ra chu kỳ không hoàn toàn trùng hợp từng năm, từng tháng, vì niên lịch thông thường không chính xác. Khoa chiêm tinh sử dụng một thứ lịch khác theo sự vận chuyển của các tinh tú. Tuy nhiên, để giản dị hóa vấn đề này ta có thể nói rằng cứ 25 năm cuối của mỗi thế kỷ là buổi giao thời có nhiều sự thay đổi mãnh liệt.

Giáo sư Mortimer buột miệng:

- Nhưng đã có bằng chứng nào rằng cuối thế kỷ này sẽ có các thay đổi lớn?

Babu mỉm cười nhìn tất cả mọi người:

- Các ông đều là người Âu, tôi xin dẫn chứng bằng lịch sử Âu châu cho dễ hiểu. Các ông có thể coi nó là sự trùng hợp ngẫu nhiên cũng được. Năm 1275, Roger Bacon phát động phong trào phục hưng văn hoá, rồi suốt 100 năm sau, toàn thể Âu châu đều thay đổi. Năm 1375, Chirstian Rosenkreuz phổ biến nền văn hóa này khắp từng lớp dân chúng, đưa Âu châu thoát khỏi nền tảng hắc ám của thời kỳ Trung cổ. Năm 1275 và 1375 chả là 25 năm chót của thế kỷ 13 và 14 hay sao?

Giáo sư Mortimer, một nhà bác học về cổ ngữ và lịch sử Âu châu suy nghĩ:

- Quả thế, phong trào phổ thông văn hóa bằng đường lối phục hưng đã cứu nguy cho sự suy đồi của Âu châu, nhưng đó chỉ là hai trường hợp. Tôi thiết nghĩ muốn kết luận ta cần nhiều dữ kiện rõ ràng hơn.

Babu mỉm một nụ cười bí mật và xác định:

- Thế thì ông nghĩ sao về việc phát minh ra máy in, kỹ thuật ấn loát vào năm 1473? Nhờ thế tư tưởng các triết gia, giáo sĩ mới phổ thông khắp quần chúng, nâng cao dân trí Âu châu? Ông nghĩ sao về Francis Bacon và cao trào nghiên cứu khoa học năm 1578, sử dụng Anh ngữ thay vì Latin để phổ biến kiến thức khoa học. Có phải những việc này đã đem khoa học vào xã hội để cải thiện cuộc sống hay không? Việc này xảy ra vào 25 năm cuối của thế kỷ 15 và 16. Phải phục hưng văn hóa, đưa Âu châu khỏi các thành kiến bảo thủ đã, rồi cải cách, phát triển khoa học để mọi người biết suy luận sau đó, mới thay đổi xã hội được chứ. Văn hóa đi trước phổ biến tư tưởng để dọn đường cho các thay đổi chính trị, xã hội về sau. Năm 1675, các Hội Kín bắt đầu mọc lên, kêu gọi san bằng giai cấp, dẹp tan bất công xã hội, gây nên bởi chế độ Bảo Hoàng. Năm l789, cuộc cách mạng Pháp đã bùng nổ, và thay đổi hẳn lịch sử Âu châu. Hai biến cố này đều xảy ra trong vòng 25 năm cuối của thế kỷ 17 và 18. Từ đó đến nay chắc các ông đã thấy?

Giáo sư Mortimer toát mồ hôi trán. Lịch sử Âu châu đối với ông nào có xa lạ gì, nhưng sự giải thích của Babu đã làm ông bừng tỉnh.

Toàn thể phái đoàn đều bàng hoàng, khâm phục Babu. Trong một buổi chiều, nhà chiêm tinh xứ Ấn đã hùng biện, dẫn chứng về toán học, sinh vật học, triết học, tôn giáo và cả lịch sử Âu châu như một học giả uyên bác nhất. Kiến thức của y đã chinh phục tất cả mọi người.

Giáo sư Mortimer run giọng:

- Vậy thì theo ông việc gì sẽ xảy ra cho thế kỷ 20 này?

Babu im lặng suy nghĩ một lúc rồi trả lời:

- Năm 1875 đánh dấu một bước tiến quan trọng, đó là sự phát triển khoa học văn minh cơ giới cùng thuyết “Tiến hóa” của Darwin, và phong trào Thiên chúa giáo tự do. Từ đây bắt đầu một cuộc tranh chấp giữa tinh thần và vật chất. Có hai mãnh lực rất mạnh phát xuất từ hai bầu tinh tú đối cực, gây nên phong trào Duy tâm và Duy vật. Thế kỷ 20 bắt đầu với sự phát triển cực thịnh của thuyết Duy vật. Con người sẽ bị thúc đẩy vào các sự kiện vật chất, họ sẽ gặp các thử thách mà nhu cầu bao tử, khoái cảm xác thân tranh đấu với nhu cầu tâm linh một cách mãnh liệt. Đến khoảng 25 năm cuối, từ 1975 trở đi thì phong trào Duy tâm sẽ phát triển mạnh mẽ và được phổ biến sâu rộng để thúc đẩy sự tiến hóa tâm linh. Cuối thế kỷ 20, phong trào Duy vật sẽ sụp đổ, hiện tượng nghiên cứu các giáo lý bí truyền sẽ bắt đầu. Này các ông bạn, các bạn đều là những người tiên phong. Trước khi một sự phổ thông Bí giáo được thực hiện phải có những hạt giống gieo sẵn và nẩy mầm. Đó là lý do các bạn được thúc đẩy để nghiên cứu các hiện tượng huyền bí phương Đông. Tôi không thể tiết lộ thêm điều gì, nhưng qua lá số tử vi của Oliver, tôi quả quyết những điều tiên đoán đều sẽ thành sự thật. Chắc chắn trong 25 năm cuối của thế kỷ này, sẽ có nhiều thay đổi và có những cố gắng giúp cho sự tiến bộ của nhân loại, giai đoạn này rất quan trọng. Có hai loại người trên thế gian: một loại đã thấy ánh sáng rực rỡ nơi cuối chân trời và định hướng để tiến tới đó. Dĩ nhiên, họ sẽ phải chiến đấu cam go với các cám dỗ, các hoàn cảnh bất lợi xảy ra chung quanh. Nhưng ở họ, hy vọng luôn luôn sáng rỡ. Hạng thứ hai, không cảm xúc được các tư tưởng thanh cao, không tin tưởng những điều cao thượng. Họ là những người lạc lõng, đáng thương vì họ sẽ phải học các bài học hết sức đau khổ cho đến khi họ hiểu biết và quay đầu về phía ánh sáng. Điều này đã và đang xảy ra.

- Chuyện gì sẽ xảy ra cho những người không hiểu biết này?

Babu bật cười:

- Các ông nghĩ rằng thượng đế sẽ trừng phạt họ ư? Không đâu, họ sẽ phải tự học lấy những bài học trong lầm lỗi, trong đau khổ. Thí dụ như một người muốn đi từ quê lên tỉnh. Y có thể đi theo các đường lộ xây cất sẵn sàng, theo bản đồ chỉ dẫn. Nhưng có người cứ khăng khăng đi theo ý mình bất tuân theo luật lệ, đường dọn sẵn không đi, bản đồ có sẵn không thèm nhìn. Y sẽ đi vào rừng, dẫm lên gai góc, đau đớn, lạc lối lung tung. Sau đó, mới ý thức được sự ngu xuẩn của mình. Đời là một bài học vô cùng quý giá mà ai cũng phải học. Cõi đời đầy những vô thường, khi thế này, lúc thế khác chứ đâu êm xuôi bằng phẳng.

Babu ngưng nói đưa mắt nhìn về sông Hằng. Bên kia bờ sông là một câu lạc bộ với những ánh đền màu cùng tiếng nhạc dập dìu. Y thở dài:

- Đó là nơi hội họp của một hội đồng thương mại. Hội này quy tụ toàn các thương gia, các bậc thượng lưu, trí thức, giàu có bậc nhất thành phố này. Tuần nào họ cũng hội họp ăn uống. Đa số đều đã ngoài 60 mà vẫn còn ham vui. Cơ thể họ đã suy nhược, nhưng lòng hưởng thụ vật chất còn mãnh liệt. Họ tụ tập nhau để nói chuyện mưa gió, thời tiết, thú vui đời người. Không ai ý thức được rằng chỉ ít lâu nữa, ai cũng phải từ giã cõi trần. Nghe họ vui đùa, tưởng như họ có thể lột da như giống rắn để sống mãi mãi như thế.

Babu nhìn lên bầu trời đầy sao trầm ngâm:

- Mọi vật trong vũ trụ đều quân bình tuyệt đối, không dư, không thiếu, từ hạt bụi bé nhỏ đến những dãy thiên hà vĩ đại. Đời người quá ngắn, và luôn bị lôi cuốn vào sinh hoạt quay cuồng. Đâu mấy ai ý thức được sự phung phí hôm nay, dọn đường cho sự đau khổ ngày mai. Tất cả chỉ là những ảo ảnh chập chờn, thế mà người ta cứ coi như thật. Nếu biết thức tỉnh quan sát, ta có thể học hỏi biết bao điều hay. Tiếc rằng khi đắc thời người ta quên đi quá khứ rất nhanh. Chỉ trong đau khổ, nhục nhã ê chề mới chịu học. Có thể đó cũng là lý do luôn luôn có các biến động vô thường, thúc dục con người học hỏi.

- Ông nghĩ rằng con người sẽ học hỏi trong đau khổ.

Babu thở dài:

- Đúng thế, chúng ta có tính hay quên, nên cứ phải học đi, học lại cái bài học khổ. Chỉ khi bị khổ sở, bị đàn áp, tự do bị chà đạp, con người mới quay về với niềm hy vọng cuối cùng là đức tin. Khi sung sướng ít ai nghĩ đến việc tu thân cầu giải thoát. Khi cơ thể bệnh hoạn, ta mới thấy khỏe mạnh là hạnh phúc. Khi bị tù đày, ta mới thấy giá trị của tự do. Tiếc rằng khi khỏi bệnh, ta không ý thức nguyên nhân đã gây nên bệnh đó, mà lại tiếp tục một đời sống như trước; do đó, ta cứ bị bệnh hoài.

- Nhưng con người cũng học hỏi rất nhiều, và đã có tiến bộ lớn lao.

Babu ngắt lời:

- Các ông gọi như thế nào là tiến bộ? Trên phương diện vật chất, con người ta đã tiến bộ chút ít so với những thế kỷ trước. Nhưng phương diện tinh thần vẫn nghèo nàn như xưa, chả tiến được chút nào, bằng cớ là họ vẫn tiếp tục các lỗi lầm quá khứ.

- Ông muốn nói đến chiến tranh ư?

Babu im lặng nhìn lên bầu trời đầy tinh tú, ngẫm nghĩ một điều gì.

Toàn thể mọi người im lặng chờ đợi. Sau cùng, giáo sư Allen lên tiếng:

- Theo ông, thì hòa bình có thể thực hiện một ngày gần đây không?

Babu mỉm cười trả lời:

- Các ông nghĩ rằng, với khả năng bé nhỏ của tôi mà có thể biết hết được ư? Từ khi con người có mặt trên trái đất này, đã có hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác. Chiến tranh có bao giờ chấm dứt được? Thực ra chiến tranh chỉ là sự biểu lộ trạng thái bên trong chúng ta, là sự phóng đại các động tác hàng ngày của chúng ta. Sở dĩ mỗi ngày, nó một trầm trọng hơn, là do kết quả các hoạt động kỹ nghệ, và óc sáng tạo của con người. Chiến tranh không thể chấm dứt nếu các nguyên nhân gây nên cuộc chiến vẫn còn. Nếu có một cây cổ thụ thật lớn và ta muốn tiêu diệt nó. Ta không thể leo lên vặt hết lá cây được, vặt lá này nó lại mọc lá khác phải không các bạn? Cách duy nhất là đốn tận gốc rễ. Nguyên nhân chiến tranh bắt nguồn từ các tham vọng, giận dữ, oán hận, đầu óc quốc gia, bộ lạc, tinh thần phe phái, đố kỵ, ganh ghét, v…v… Tận diệt được các thói xấu này là chấm dứt chiến tranh. Phương pháp duy nhất là làm một cuộc cách mạng trong tâm hồn. Chỉ khi nào loài người ý thức điều này và thay đổi quan niệm sống, xóa bỏ lòng thù hận, thì họ sẽ thấy bình an. Tiếc rằng ai cũng chỉ nhìn thấy sự sai quấy nơi người khác, nên mới có tình trạng ngày nay. Hoà bình và thiện chí cần đi đôi với nhau, nên không ai có thể thực hiện hòa bình khi lòng còn đầy oán thù, ghen ghét, muốn bốc lột kẻ khác để mưu lợi cho cá nhân mình hay phe phái mình. Tất cả các hội nghị, các mưu tính để mang lại hòa bình cho nhân loại đều thất bại, vì con người không chịu thực hiện hòa bình ở chính mình.

Babu mỉm cười nhìn tất cả mọi người một lúc, rồi trầm giọng:

- Các ông đều biết Đại đế Alexander, người đã chinh phục thế giới. Trong việc xây dựng hòa bình cho Hy Lạp, ông đã càn quét, tiêu diệt tất cả những nước láng giềng, có thể đe dọa xứ sở của ông. Rồi cứ thắng xong trận này, lại phải lo đến trận khác, và cuộc chiến tranh để mang lại hòa bình cứ kéo dài. Alexander là một người thông minh theo học với hiền triết Aristotle. Khi lên ngôi hoàng đế, ông đã tâm sự với thầy, “con sẽ chiến thắng Ai cập và Thổ nhĩ kỳ”. Aristotle hỏi, “Rồi sao nữa?”. Alexander suy nghĩ, “Sau đó, con có thể ngủ một cách bình an”. ( Thời đó người Hy Lạp chỉ biết đến Ấn độ, chưa biết đến các nước khác ở Á châu). Aristotle mỉm cười, “ Con hỡi, tại sao con không ngủ bình an ngay đêm nay có hơn không?”.

Babu kết luận:

- Tôi nghĩ con người cần đặt cho mình một câu hỏi tương tự. Hãy quan sát lòng mình một cách thành thật xem mình muốn gì? Chúng ta muốn bình an hay kích động? Phải chăng chúng ta đều náo nức muốn cái gì? Mỗi buổi sáng, chúng ta vội vã cầm lấy tờ báo để tìm các tin tức sôi nổi nhất. Nếu không có tin gì về chiến tranh, thiên tai, xáo trộn, khó khăn kinh tế - - thì chúng ta vất tờ báo xuống đất, và than rằng chả có gì đáng xem. Có phải thế không? Chúng ta muốn sống yên ổn, không thích xáo trộn, nhưng rất thích thú nghe nói về các sự xáo trộn của kẻ khác. Chúng ta dành nhiều giờ để bàn cãi sôi nổi về người này, người nọ, chê bai ông này, diễu cợt bà kia. Phải chăng chúng ta vẫn làm thế? Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi, tại sao chúng ta lại làm thế không? Lòng ta còn ham tiền bạc, danh vọng, địa vị, sức khỏe, và chỉ cầu bình an cho chính mình thôi, nên chẳng bao giờ thỏa mãn. Nếu ai có hỏi thì ta cũng sẽ chối quanh như đại đế Alexander chỉ xin một giấc ngủ bình an mà thôi. Giấc ngủ bình an nào có khó, nào xa xôi diệu vợi, tốn công nhọc sức mới có. Làm sao ta có thể lao đầu vào vật chất phù du, xây dựng danh vọng địa vị, thỏa mãn cái phàm ngã hữu hình hoại đồng thời tìm sự bình an, yên tĩnh? Chính các điều trên đã phá vỡ sự yên tĩnh sung mãn của nội tâm ta. Phiền não là do chính ta tạo nên, chứ đâu phải hoàn cảnh phải không các bạn? Ngày hôm nay chúng ta đã nói chuyện rất lâu rồi. Các bạn sẽ còn trải qua một hành trình dài, gặp gỡ nhiều bậc danh sư, hiền triết. Tôi chúc các bạn tìm được niềm an tĩnh của tâm hồn.

Babu mỉm cười, giơ tay tiễn khách, vầng trăng đã lên cao, lấp loáng phản chiếu trên sông Hằng.