Hai kẻ thù - Phần 1

Hai kẻ thù

VÀO LÚC MƯỜI GIỜ, một buổi tối tháng Chín không trăng không sao, Anđrây sáu tuổi, đứa con trai duy nhất của bác sĩ hội đồng tự quản địa phương tên là Kirilốp đã bị chết vì bệnh bạch hầu. Khi bà vợ ông bác sĩ đang quỳ bên giường con mới chết, và lả đi vì đau khổ, tuyệt vọng, thì có tiếng chuông rung mạnh ở ngoài hành lang.

Do đứa trẻ bị bệnh bạch hầu mà từ sớm mấy người làm công trong nhà đều được bảo đi khỏi nhà. Không mặc áo veston, mặc mỗi chiếc áo gilê mở cúc, chưa kịp lau mặt còn đẫm nước, không kịp lau đôi tay bóng lộn vì phênôn, Kirilốp tự mình ra mở cửa. Ngoài hành lang rất tối, chỉ có thể nhận thấy người lạ mới bước vào tầm vóc trung bình, quàng một chiếc khăn màu trắng, gương mặt to bè nhợt nhạt, nhợt nhạt đến mức tưởng rằng hành lang sáng lên được một chút nhờ có gương mặt đó xuất hiện...

- Bác sĩ có nhà không? - người mới vào hỏi nhanh.

- Tôi có nhà đây, - Kirilốp trả lời. - Ông cần gì vậy?

- Ồ, ông đấy ư? Thật may quá! - người mới vào mừng rỡ rồi tìm trong bóng tối chập choạng bàn tay của bác sĩ, và nắm chặt trong đôi tay của mình. - Thật may quá... may quá! Tôi với ông có quen nhau đấy... Tôi là Abôghin... đã có lần hân hạnh được gặp ông dạo hè ở nhà Gơnutsép. Tôi rất mừng là thấy ông ở nhà... Vì Chúa xin ông chớ từ chối mà hãy theo tôi. Vợ tôi bị ốm nặng... Tôi có mang theo xe...

Qua cử chỉ và giọng nói của người mới vào có thể thấy rõ là ông ta đang ở trong trạng thái tâm thần bị kích động mãnh liệt. Hệt như đang sợ hãi vì cháy nhà hay chó dại cắn mà ông ta khó nhọc thở gấp, giọng nói nhanh run run, có cái gì thật thà, con trẻ, nhút nhát lộ ra qua lời nói của ông ta. Giống như tất cả những người đang ở trong trạng thái sợ hãi và kinh ngạc, ông ta nói những lời ngắn ngủi, rời rạc và chêm vào nhiều câu thừa, chẳng ăn nhập gì vào câu chuyện.

- Tôi sợ không gặp được ông, - người mới và nói tiếp - Trên đường đi đến nhà ông, tôi đau khổ vô cùng... Ông mặc áo vào đi và cùng lên xe với tôi, làm ơn làm phúc... Chuyện xảy ra như thế này. Có ông Páptsinxki Alếchxanđrơ Xêmiônôvíts đến chơi chỗ tôi, người này ông biết đấy... Chúng tôi ngồi nói chuyện... sau đó uống nước chè, thế rồi bất thình lình vợ tôi thét lên một tiếng, tay tự túm lấy ngực mình chỗ con tim và ngã người xuống thành ghế. Chúng tôi đỡ nàng ra giường, và... tôi lấy rượu chứa amôniác xoa vào thái dương, vẩy nước lên mặt... nàng vẫn nằm yên như chết... Tôi sợ rằng nàng bị bệnh giãn mạch máu. Ông đi với tôi nhé... Bố vợ tôi cũng đã chết vì bệnh giãn mạch máu đó...

Kirilốp lắng nghe và im lặng, dường như ông không hiểu tiếng Nga nữa.

Khi Abôghin một lần nữa nhắc đến tên Páptsinxki, nhắc đến bố vợ, và lại lần tìm trong bóng tối nhờ nhờ bàn tay của Kirilốp thì bác sĩ hơi ngửng đầu lắc lắc và nói giọng uể oải kéo dài từng chữ:

- Xin lỗi ông, tôi không thể đi được... Cách đây năm phút con trai tôi... vừa bị chết...

- Lại thế ư? - Abôghin thì thào nói, bước lùi về đằng sau. - Trời ơi, tôi đã gặp phải giờ phút chẳng lành! Thật là một ngày bất hạnh vô cùng... vô cùng! Một sự trùng hợp vậy ư... hệt như là có sự xếp đặt!

Abôghin cầm lấy núm vặn nơi cửa, đầu cúi xuống suy nghĩ. Trông cũng biết rằng ông ta do dự, không biết xử sự ra làm sao: hoặc là bỏ đi hay là tiếp tục yêu cầu bác sĩ.

- Ông nghe tôi nhé, - Abôghin nắm lấy ống tay áo bác sĩ hăm hở nói, - tôi rất biết hoàn cảnh của ông. Có trời chứng giám, tôi rất xấu hổ là đã định chinh phục sự chú ý của ông và những phút như thế này, nhưng mà tôi còn biết làm gì cơ chứ? Ông cứ tự nghĩ mà xem, tôi đã tìm đến ai? Vì rằng ngoài ông ra ở đây không còn bác sĩ nào khác nữa. Làm ơn làm phúc xin ông đi cho! Không phải tôi cầu xin cho tôi... tôi có ốm đau đâu!

Im lặng chợt đến. Kirilốp quay lưng lại phía Abôghin, đứng lặng một lúc rồi chậm rãi bước từ hành lang vào phòng. Nhìn vào dáng đi loạng choạng như người mất hồn, nhìn vào vẻ chăm chú của ông khi sửa lại chiếc chụp đèn bọc da đặt trên cái đèn không cháy trong gian phòng, và liếc nhìn vào cuốn sách dày nằm trên bàn, có thể biết rằng trong những phút này ông chẳng có một dự định, một ý muốn nào hết, ông không nghĩ ngợi điều gì cả và chắc là đã không còn nhớ rằng có một người lạ đang đứng chờ ông ngoài hành lang. Bóng tối và sự im lặng trong căn phòng càng làm tăng thêm lên vẻ đờ đẫn của ông. Đi từ gian ngoài vào phòng làm việc của mình, ông nhấc chân phải cao hơn bình thường, hai tay sờ soạng tìm khung cửa buồng, và vào lúc đó, từ cả thân hình ông toát ra một cái gì hồ nghi khó hiểu, hệt như ông đi nhầm vào nhà người khác hoặc như lần đầu tiên trong đời ông uống rượu say và bây giờ ông ngập ngừng để cho cơ thể mình chịu đựng cái cảm giác mới mẻ đó. Một vệt sáng dài in trên một bên tường buồng làm việc, qua mấy chiếc tủ đựng sách, cùng với mùi phênôn, mùi ete nồng nồng, nằng nặng, vệt sáng ấy đổ sang từ cánh cửa buồng làm việc he hé mở thông với buồng ngủ... Bác sĩ ngồi xuống chiếc ghế bành đặt bên bàn; ông lim dim nhìn lên những cuốn sách của mình in vệt sáng, sau đó ông đứng dậy và bước sang phòng ngủ.

Ở đấy, trong phòng ngủ, bao trùm một bầu không khí chết lặng. Tất cả từng vật nhỏ một, đều gợi nhớ sâu sắc đến cơn bão vừa qua, đến một sự mệt mỏi rã rời, và bây giờ tất cả đều yên nghỉ. Cây nến đặt trên chiếc ghế đẩu chen lẫn vào giữa những hộp, chai lọ ngổn ngang và chiếc đèn lớn để trên chiếc tủ soi sáng cả căn buồng. Trên giường, ngay bên cửa sổ là đứa trẻ nằm yên, mắt mở to, vẻ mặt như kinh ngạc điều gì. Đứa trẻ không động đậy gì nữa, những tưởng như đôi mắt mở to của nó mỗi lúc một mờ sẫm đi và chìm sâu vào hộp sọ. Người mẹ quỳ bên giường, đầu gục xuống đệm chăn, hai tay đặt lên mình con. Giống như đứa trẻ, bà cũng không nhúc nhích, nhưng trên đường cong của tấm lưng và đôi tay toát ra bao nhiêu sức sống! Toàn thân bà ngả áp vào chiếc giường như ghì riết lấy, dường như bà sợ làm hỏng mất tư thế thuận tiện mà cuối cùng bà đã tìm được cho thân thể mệt rã rời của mình. Chăn đệm, khăn lau, chậu rửa, những vũng nước loang trên nền nhà, bút lông nhỏ, thìa con vứt lung tung, một chai to đựng nước vôi và cả không khí nặng nề, ngột ngạt nữa - tất cả đều như lặng đi và chìm sâu vào yên tĩnh.

Bác sĩ đứng lại bên cạnh vợ, hai tay cho vào túi quần, đầu cúi xuống lệch sang một bên và chăm chú nhìn đứa con trai. Vẻ mặt ông không biểu lộ một điều gì, chỉ qua những hạt nước nhỏ xíu còn lấp loáng đọng lại trên râu mới biết rằng lúc nãy ông vừa khóc.

Sự sợ hãi khủng khiếp mà người ta vẫn nghĩ đến khi nói tới cái chết, hoàn toàn không thấy trong căn buồng ngủ này. Từ trong vẻ bất động tuyệt đối, trong dáng quỳ phủ phục của người mẹ, khuôn mặt lãnh đạm của người bác sĩ toát ra một cái gì làm trái tim thắt lại xúc động, đó chính là cái vẻ đẹp thanh mảnh, rất khó thấy trong nỗi đau khổ của con người, một vẻ đẹp mà còn lâu người ta mới học được cách hiểu, cách mô tả, một vẻ đẹp mà có lẽ chỉ có âm nhạc mới truyền đạt được. Vẻ đẹp ấy ẩn trong cả sự im lặng ủ dột; Kirilôp và vợ ông đều không nói, không khóc, dường như ngoài gánh nặng mất mát, hai người còn ý thức được tất cả tính trữ tình của hoàn cảnh họ bây giờ: vào một lúc nào đấy ngày xưa tuổi trẻ của họ đã trôi qua và bây giờ, cùng với đứa trẻ này, cái quyền được có con của họ đã vĩnh viễn biến mất. Bác sĩ bốn mươi tư tuổi, đầu đã bạc và trông như một ông già; người vợ xanh xao ốm yếu của ông đã ba mươi lăm tuổi. Anđrây không chỉ là đứa con duy nhất mà còn là đứa con cuối cùng.

Ngược lại với vợ, bác sĩ thuộc loại người lúc gặp phải nỗi đau khổ về tinh thần lại cảm thấy cần phải đi lại. Đứng bên cạnh vợ chừng năm phút, ông lại nhấc cao chân phải lên và, từ buồng ngủ, ông bước sang một buồng nhỏ đặt chiếc đivăng to rộng choán hết nửa buồng, từ đây ông đi xuống bếp. Đi loanh quanh gần lò đun và giường ngủ của mụ bếp, ông hơi cúi xuống rồi qua lối cửa nhỏ hẹp bước ra ngoài hành lang.

Ở đây ông lại nhìn thấy cái khăn quàng trắng và khuôn mặt trắng nhợt.

- Có thế chứ! - Abôghin thở dài nói, tay cầm lấy núm vặn cửa. - Ông đi với tôi đi, tôi van ông!

Bác sĩ rùng mình, nhìn lên người lạ và sực nhớ lại...

- Này, tôi đã nói với ông rồi mà, tôi không thể đi được! - ông nói, giọng nói vẻ hoạt bát hơn. - Lạ lùng thật!

- Thưa bác sĩ, tôi không là kẻ ngu si, tôi rất hiểu hoàn cảnh của ông... tôi cảm thông nỗi đau khổ của ông! - Abôghin nói giọng van lơn, tay đặt lên chiếc khăn quàng cổ. - Nhưng mà tôi đâu có xin cho bản thân tôi... Vợ tôi đang hấp hối! Nếu ông nghe được tiếng thét ấy, nhìn thấy mặt cô ta, thì ông đã hiểu được vì sao tôi lại yêu cầu ông dai dẳng như thế này! Trời ơi, thế mà tôi cứ tưởng là ông đi thay áo! Thưa bác sĩ, một phút bây giờ là quý vô cùng! Ông đi với tôi đi, tôi van ông!

- Tôi không thể đi được! - Kirilốp nói rời rạc từng chữ rồi bước vào phòng.

Abôghin đi theo sau và nắm lấy tay áo ông.

- Ông vừa có tang, tôi hiểu lắm, nhưng mà tôi đâu có mời ông đi chữa răng, đi khám nghiệm y tế, mà là đi cứu sinh mạng một con người! - Abôghin tiếp tục nói, giọng cầu khẩn như kẻ ăn xin. - Sinh mạng này cao hơn tất cả mọi nỗi đau khổ riêng! Tôi mong ông bày tỏ nghị lực dũng cảm! Vì lòng nhân đạo!

- Lòng nhân đạo là một cây gậy hai đầu, - Kirilốp nói giọng cáu kỉnh, - cũng vẫn vì lòng nhân đạo ấy mà tôi yêu cầu ông đừng bắt tôi đi đâu. Và quả thật là lạ lùng, tôi không còn sức đứng vững, mà ông thì lại đem lòng nhân đạo ra dọa tôi! Bây giờ tôi không làm được việc gì hết... không vì bất cứ lý do gì mà tôi đi đâu, còn vợ tôi nữa, tôi bỏ ở nhà cho ai trông nom? Không, không thể được...

Kirilốp khoa khoa cánh tay lên và từ từ bước lùi lại.

- Đừng... đừng yêu cầu tôi nữa! - ông sợ hãi nói tiếp. - Tha lỗi cho tôi... Theo tập thứ mười ba của bộ luật thì tôi phải đi, và ông có quyền nắm lấy cổ áo tôi mà lôi đi... Được rồi, ông cứ lôi tôi đi... nhưng tôi không làm được gì đâu... Thậm chí tôi không còn sức để nói được nữa... Xin lỗi ông...

- Thưa bác sĩ, bác sĩ nói với tôi những lời như vậy phỏng có ích gì! - Abôghin nói và lại níu lấy ống tay áo bác sĩ. - Đừng nghĩ gì đến cái tập thứ mười ba ấy! Tôi không có một chút quyền nào cưỡng bức ý muốn của ông được. Ông muốn thì ông đi, ông không muốn thì đó là quyền của ông, nhưng tôi không muốn kêu gọi lý trí của ông, tôi muốn kêu gọi tình cảm của ông. Một người phụ nữ trẻ đang hấp hối! Vừa nãy ông nói rằng con trai ông bị chết, vậy thì còn ai khác ngoài ông hiểu được nỗi kinh hoàng của tôi bây giờ?

Giọng nói của Abôghin run run vì xúc động, cái giọng run run ấy còn nhiều sức thuyết phục hơn cả lời nói. Abôghin rất chân thành, nhưng điều đáng để ý là bất cứ câu nào ông nói ra cũng đều có vẻ khô khan, thiếu tự nhiên, văn hoa không phải lúc, và hình như lại còn xúc phạm đến cả không khí trong căn nhà bác sĩ, đến người phụ nữ đang hấp hối ở một nơi xa. Bản thân ông cũng cảm thấy điều đó, và vì sợ hiểu lầm, ông cố hết sức nói một giọng dịu dàng, mềm mại, hi vọng rằng nếu không thuyết phục được bằng lời nói thì ít ra cũng bằng sự chân thành trong giọng nói. Nói rộng ra thì lời nói dù hoa mỹ và đầy ý nghĩa đến đâu cũng chỉ tác động đến những người dửng dưng ngoài cuộc; mà không bao giờ tác động đến được những người có hạnh phúc hoặc không có hạnh phúc, vì vậy mà biểu hiện cao nhất của niềm hạnh phúc hay nỗi đau thường là sự im lặng; những đôi trai gái yêu nhau hiểu nhau nhiều hơn khi im lặng, và điếu văn thống thiết, lâm ly đọc bên một người chết chỉ làm xúc động những người không thân thích, còn đối với bà quả phụ và những đứa con của người chết thì lời điếu ấy thật lạnh lùng và vô nghĩa.

Kirilốp đứng yên và im lặng. Khi Abôghin nói thêm mấy câu về sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc, về đ hi sinh, v.v. thì bác sĩ hỏi một câu, giọng cau có:

- Đi có xa không?

- Đâu khoảng gần mười ba, mười bốn vécxta. Cỗ ngựa kéo xe của tôi rất tuyệt, bác sĩ ạ! Xin cam đoan với ông rằng tôi sẽ chở ông đến đấy và quay về đây trong vòng một tiếng. Chỉ một tiếng thôi!

Câu nói cuối cùng tác động đến bác sĩ mạnh hơn là những lời triết lý về lòng nhân đạo, về sứ mệnh của người thầy thuốc. Ông nghĩ một lúc rồi vừa thở dài vừa nói:

- Được rồi, ta đi thôi!

Ông nhanh nhẹn quay đi, bước những bước chắc chắn về phía buồng làm việc của mình và một lát sau ông quay lại trong bộ áo veston dài. Abôghin mừng rỡ, tất bật đi bên cạnh Kirilốp, đôi giày khẽ chạm vào nhau; ông ta giúp bác sĩ mặc áo bành tô rồi cùng bác sĩ bước ra khỏi nhà.

Ngoài sân cũng tối, nhưng còn đỡ tối hơn trong hành lang. Trong bóng tối chập choạng đã hiện ra rõ dáng người bác sĩ cao cao, gù gù, bộ râu nhỏ dài với cái mũi khoằm khoằm. Abôghin thì ngoài bộ mặt trắng bệch bây giờ còn có thể thấy cái đầu to và chiếc mũ sinh viên bé nhỏ chỉ vừa đủ che phần đỉnh đầu. Chiếc khăn quàng cổ chỉ lộ ra trăng trắng phía trước ngực, còn phía sau thì bị mái tóc để dài che khuất.

- Ông hãy tin rằng, tôi có đủ khả năng để đánh giá được đức hy sinh cao thượng của ông, - Abôghin vừa đỡ bác sĩ lên xe vừa lẩm bẩm. - Xe chúng ta sẽ lao đi vun vút. Này, Luka thân mến, cố đánh xe cho càng nhanh càng tốt! Cho đi thôi!

Người xà ích cho xe đi nhanh. Thoạt tiên xe đi qua những ngôi nhà xấu xí xây bên sân bệnh viện, màn đêm bao phủ khắp nơi, duy chỉ có ở phía sân trong, từ khung cửa sổ nhà ai có ánh đèn sáng lọt qua chiếc vườn có rào bao quanh, còn ba khung cửa sổ ở tầng trên dãy nhà bệnh viện thì trông còn ngột ngạt hơn cả trời đêm. Sau đó chiếc xe đi vào khoảng tối dày đặc; ở đấy thoang thoảng thấy mùi nấm ẩm ướt và tiếng lá cây xào xạc; những con quạ bị tiếng động bánh xe đánh thức dậy, nhốn nháo trong tán lá và kêu lên những tiếng kêu đầy âu lo, buồn thảm, dường như chúng biết rằng con trai bác sĩ vừa mới chết còn vợ Abôghin thì ốm nặng. Rồi tiếp đến những bóng cây mọc cách xa nhau thấp thoáng, những bụi cây loang loáng một mặt hồ phẳng lì trên đó còn in những hì gì đen sẫm đang yên ngủ, và chiếc xe chạy qua một vùng đất rộng bằng phẳng. Tiếng quạ kêu nghe đã nhỏ đi, vọng lại rất xa từ phía xa và ít lúc sau thì mất hẳn.

Hầu như suốt dọc đường đi Kirilốp và Abôghin đều im lặng. Chỉ có một lần Abôghin thở dài và làu bàu nói:

- Thật là một trạng thái tinh thần đau khổ! Chưa bao giờ ta thấy yêu những người thân như khi ta cảm thấy có thể sắp phải mất họ.

Khi xe đi chầm chậm qua sông, Kirilôp bỗng giật mình, hệt như tiếng oàm oạp nước sông làm ông sợ hãi, rồi quay người sang phía Abôghin.

- Này, ông nghe đây, ông cho tôi quay về đi, - Kirilốp nói, giọng rầu rĩ. - Tôi sẽ đến nhà ông sau. Tôi còn phải bảo người y tá đến trông nom giùm vợ tôi. Vợ tôi đang ở nhà một mình!

Abôghin im lặng. Chiếc xe khẽ lắc lư, bánh lăn lách cách trên đường đá, qua một bờ cát rồi tiếp tục chạy. Kirilốp ngồi không yên, mắt nhìn quanh, lòng buồn rười rượi. Từ phía sau, qua ánh sáng yếu ớt của những vì sao, trông rõ con đường mờ mờ hiện ra và những hàng cây liễu rủ mọc gần bờ sông biến vào bóng đêm. Phía bên phải, một dải đất chạy dài cũng bằng phẳng và mênh mông không bờ bến như bầu trời; mãi phía xa trên vùng đất ấy đó đây lập lòe những đốm lửa vàng quạch, có lẽ là trên những đầm lầy. Phía bên trái song song với con đường là một cái đồi thấp nằm dài, mọc lô nhô những bụi cây nhỏ, phía trên ngọn đồi một vành trăng lưỡi liềm đỏ lựng bất động in trên nền trời, một màn sương mỏng và những đám mây nhỏ bao quanh, dường như những đám mây ấy đang chăm chú nhìn vành trăng từ mọi phía và canh cho vành trăng khỏi bỏ trốn.

Phong cảnh chung quanh như thấm đượm một cái gì ốm yếu, tuyệt vọng; mặt đất, như một người phụ nữ sa đọa ngồi một mình trong căn phòng tối tăm và cố không nghĩ về quá khứ, đang trăn trở với những hồi ức về mùa xuân, mùa hè và đang uể oải chờ mùa đông sắp đến. Dù đưa mắt nhìn về phía nào, đâu đâu thiên nhiên cũng hiện ra như một vực thẳm tối đen, lạnh lẽo và sâu không đáy, mà từ đó, cả Kirilốp, Abôghin, cả vành trăng lưỡi liềm đỏ lựng kia đều không thoát ra được...