Thảo nguyên - Chương 6 phần 1

VI.

ĐOÀN XE đỗ suốt ngày hôm ấy bên bờ sông, mãi đến khi mặt trời lặn mới lại lên đường.

Iegoruska lại lăn trên kiện lông cừu, chiếc xe khẽ kêu cót két và lắc lư, lão Pantelây đi ở phía dưới, chốc chốc lại giẫm mạnh chân, vỗ vào đùi và nói lẩm bẩm; điệu nhạc của thảo nguyên lại rả rích như hôm qua.

Iegoruska nằm ngửa lưng trên xe, gối đầu lên hai bàn tay nhìn lên trời. Nó trông thấy ráng chiều cháy bùng lên, rồi lụi dần; các thiên thần hộ mệnh dang rộng đôi cánh vàng che khuất cả chân trời và thu xếp chỗ nghỉ đêm; một ngày đã trôi êm thấm; một đêm yên tĩnh, vô ưu đã đến và các thiên thần có thể yên tâm nghỉ ở nhà, trên thiên đường... Iegoruska thấy bầu trời dần dần tối sẫm lại và bóng đêm buông dần xuống mặt đất, từng ngôi sao lần lượt thắp lên trên nền trời.

Những khi ta nhìn đăm đăm lên nền trời cao lồng lộng, không hiểu sao những ý nghĩ và tâm tư của ta cứ hòa lẫn vào một cảm giác cô đơn. Ta bắt đầu cảm thấy mình bơ vơ một cách tuyệt vọng, và tất cả những gì mà trước kia ta cho là gần gụi và thân thuộc thì bây giờ đều trở nên xa xôi vô cùng và không có giá trị gì nữa. Những vì sao đã lấp lánh từ hàng ngàn hàng vạn năm nay, cả bầu trời bí ẩn và bóng đêm nữa, đều thờ ơ đối với kiếp sống ngắn ngủi của con người, khi ta một mình diện đối diện với nó, và cố thấu hiểu nghĩa của nó, nó cứ làm thinh, và sự im lặng của nó đè nặng lên tâm hồn ta, ta bất giác nghĩ đến cái cảnh cô đơn đang chờ đợi mỗi chúng ta dưới huyệt, và thực chất của cuộc đời hiện ra như một cái gì tuyệt vọng, khủng khiếp...

Iegoruska nghĩ đến bà nó bây giờ đang ngủ yên trong nghĩa địa dưới rặng anh đào; nó nhớ lại cái cảnh bà nó nằm trong quan tài, có hai đồng tiền đậy lên hai mắt, rồi sau đó cả tiếng những nắm đất rơi bình bịch lên nắp quan tài đã hạ huyệt. Nó hình dung thấy bà nó nằm trong cỗ quan tài chật chội và tối tăm, bơ vơ một mình, bị mọi người bỏ mặc. Trí tưởng tượng của nó phác ra cái cảnh bà nó đột nhiên bừng tỉnh dậy, không hiểu mình đang ở đâu, đấm thình thịch lên tấm ván thiên, kêu cứu, rồi rốt cục kiệt sức và kinh hãi, lại chết đi. Nó tưởng tượng thấy mẹ nó, cha Khrixtophor, bá tước phu nhân Đranítxkaia, gã Xolomon, đều đã chết cả. Nó cố gắng tưởng tượng bản thân nó nằm dưới mộ, xa nhà, bơ vơ, bị mọi người bỏ mặc và chỉ còn là một cái xác. Nhưng dù nó có cố gắng bao nhiêu cũng không sao tưởng tượng nổi; riêng đối với bản thân, nó không thể chấp nhận là mình có thể chết và cảm thấy mình sẽ không bao giờ chết...

Còn lão Pantelây người đã đến tuổi có thể chết, về cõi thọ thì vẫn bước đi ở phía dưới lỏng cho những ý nghĩ của mình đối đáp nhau.

- Khá đấy... cũng là những ông chủ tốt... - ông lão lẩm bẩm. - Họ cho cậu bé đi học, nhưng rồi lên trên ấy sẽ ra sao thì chưa biết... Ở Xlavianoxerbxkơ không có trường để học cho cao... Không có đâu, đúng thế... Mà cậu bé thì khá lắm, rất tốt... Lớn lên rồi sẽ giúp đỡ bố. Iegoruska ạ, cậu bây giờ còn bé lắm, nhưng sau rồi lớn lên phải phụng dưỡng bố mẹ nhé. Lẽ trời đất là như vậy... Hãy kính thờ cha mẹ: đó là luật của Chúa... Như lão đây cũng có con cái như ai, nhưng rồi chết cháy hết... Vợ lão cũng chết cháy, con lão cũng chết cháy... Đúng thế đấy, dạo ấy gần đến lễ Ba Vua thì đang đêm nhà lão bỗng bốc cháy... Lúc ấy lão không nhà, lão đi Ôriôn. Đi Ôriôn... Bà Marya chạy được ra đường, nhưng lại sực nhớ là các con đang ngủ trong nhà, thế là bà lại chạy vào và chết thiêu với các con... Phải... Hôm sau bới ra chỉ còn thấy mấy mẩu xương...

Khoảng nửa đêm mấy người đi áp tải và Iegoruska lại ngồi quanh một đống lửa nhỏ. Trong khi họ đốt những nắm củi dẻ khô, Kiriukha và Vaxia đi lấy nước đâu ở dưới một cái khe, họ mất hút trong đêm tối, nhưng vẫn nghe tiếng mấy cái xô nước của họ kêu xủng xoảng và tiếng họ nói chuyện với nhau; như thế tức là cái khe kia cũng không xa mấy. Ánh lửa chiếu ra khoảng đất ở xung quanh thành một cái vệt lớn chập chờn, tuy sáng trăng, nhưng ở ngoài cái vệt này mọi vật đều có vẻ như tối om. Ánh sáng hắt vào mặt mấy người áp tải, nên họ chỉ trông thấy một quãng ngắn trên con đường cái lớn; trong đêm tối, mấy chiếc xe chở lông cừu cùng với ngựa thắng vào xe trông loang loáng như những cái gò hình dáng mơ hồ. Cách đống lửa vài chục bước, ở chỗ con đường cái tiếp giáp với cánh đồng có một cây thánh giá bằng gỗ cắm trên một ngôi mộ, đã đổ xiêu về một bên. Lúc nãy khi lửa chưa đốt lên hãy còn có thể nhìn ra xa, Iegoruska đã để ý thấy có một cây thánh giá nữa, cũng cũ kỹ xiêu vẹo như thế, ở bên kia đường cái.

Xách nước về, Kiriukha và Vaxia rót đầy một nồi và bắc nồi lên bếp lửa. Xtépka tay cầm cái muôi mẻ ngồi bên đám khói bên cạnh nồi, đăm chiêu nhìn nồi nước đợi khi có bọt sủi lên. Lão Pantelây và Emelian ngồi cạnh nhau, im lặng suy nghĩ điều gì. Đưmốp nằm sấp, tay chống cằm, nhìn ngọn lửa; bóng của Xtépka chờn vờn trên người hắn, thành thử khuôn mặt đẹp trai của hắn khi thì tối đen lại, khi thì sáng bừng lên... Kiriukha và Vaxia lững thững cách đấy một quãng xa xa, kiếm thêm cành khô và cỏ héo để đun bếp. Iegoruska hai tay thọc vào túi đứng cạnh lão Pantelây xem lửa ngốn cỏ.

Mọi người đều nghỉ ngơi, suy nghĩ điều gì, thỉnh thoảng liếc nhìn cây thánh giá phản chiếu những ánh lửa đo chập chờn. Cảnh ngôi mộ lẻ loi có một cái gì buồn bã, mơ mộng và hết sức nên thơ... Có thể nghe rõ cái im lặng của nó, và trong cái im lặng này người ta cảm thấy có sự hiện diện của linh hồn con người vô danh đang nằm yên dưới cây thánh giá. Yên nghỉ giữa thảo nguyên, hồn người ấy có thanh thản không? Trong đêm trăng thanh vắng hồn có buồn không? Còn cảnh thảo nguyên quanh mộ thì có vẻ rầu rĩ, hiu quạnh và trầm ngâm, cỏ xem ra có buồn hơn mọi nơi và hình như tiếng dế ri rỉ cũng dè dặt hơn... Và không có một người qua đường nào lại có thể không tưởng niệm tới cái linh hồn cô đơn kia và không ngoái lại nhìn ngôi mộ cho đến khi nó lùi xa về phía sau và chìm hẳn trong sương mù...

- Ông ơi, cây thánh giá cắm ở đây để làm gì thế hả ông? - Iegoruska hỏi.

Lão Pantelây nhìn cây thánh giá, rồi nhìn Đưmốp và hỏi:

- Mikôla này, đây có phải là chỗ mấy tay thợ gặt giết chết hai cha con người lái buôn không nhỉ?

Đưmốp uể oải chống tay nhổm người lên, nhìn ra đường và đáp:

- Đúng đấy...

Im lặng một lúc. Kiriukha vò một mớ cỏ khô kêu soàn soạt, nắm nó lại cho gọn rồi đút xuống dưới cái nồi. Lửa bùng lên sáng rực. Một đám khói đen trùm lên khắp người Xtépka, và bóng cây thánh giá trườn nhanh trên quãng đường cái cạnh đoàn xe.

- Đúng, chính chỗ này họ đã giết hai cha con ông lái... - Đưmốp nói miễn cưỡng. - Hai cha con đi bán tượng thánh, ghé lại nghỉ ở cái quán trọ gần đây, bây giờ là quán ông Igơnát Phomin ấy. Ông bố uống quá chén, ba hoa khoe mình có nhiều tiền trong người. Xưa nay mấy ông lái buôn vốn có thói quen khoe khoang, lạy Chúa che chở... Họ chỉ nóng lòng mong có dịp lòe anh em. Hôm ấy có đám thợ gặt nghỉ đêm ở quán trọ. Ấy, họ mới nghe ông ta nói khoe tiền, nên rắp tâm tìm cách cướp đoạt.

- Lạy Chúa tôi... lạy Đức mẹ! - lão Pantelây thở dài.

- Ngày hôm sau, còn chưa sáng hẳn, - Đưmốp tiếp tục, hai cha con ông lái buôn sửa soạn lên đường, đám thợ gặt lân la đến làm quen! “Mời ông, ta cùng đi một thể, cho nó vui, với lại cũng đỡ sợ, vì vùng này hẻo lánh lắm...” Hai cha con ông lái buôn cho ngựa đi bước một để khỏi vỡ các tượng thánh, thế là đám thợ gặt tha hồ ngon ăn...

Đưmốp quỳ lên và vươn vai.

- Phải, - hắn vừa ngáp vừa nói tiếp. - Lúc đầu thì vui vẻ cả, nhưng vừa đi đến chỗ này thì đám thợ gặt bắt đầu dùng hái làm thịt hai cha con. Anh con trai chẳng phải tay vừa, anh ta giật được một cái hái, cũng vung lên, làm thịt mấy đứa... Dĩ nhiên rốt cục đám kia thắng thế, vì chúng có đến tám đứa cả thảy. Chúng nó chém hai cha con không còn lấy một chỗ nào nguyên lành trên người nữa; xong đâu đấy, chúng kéo xác hai cha con sang hai bên đường, cha bên này, con bên kia. Đối diện với cây thánh giá này, bên kia đường có một cây nữa đấy... Không biết bây giờ có còn nữa không... Ngồi đây chẳng trông thấy gì...

- Còn đấy, - Kiriukha nói.

- Nghe nói sau khi lục người trong hai bố con đám thợ gặt chẳng thấy được nhiều tiền.

- Ít lắm, - lão Pantelây xác nhận, - chỉ có khoảng một trăm rúp.

- Đúng, mấy lại có ba đứa về sau cũng chết, vì anh lái buôn kia khua hái cũng hăng lắm... Một cuộc huyết chiến thực sự. Một tên bị anh lái buôn chém đứt cánh tay, nghe nói hắn ta chạy bốn vécxta với cái tay cụt, về sau người ta tìm thấy hắn ở mãi gần Kurikovo, trên một cái gò. Hắn ngồi xổm, đầu gục xuống hai đầu gối như đang suy nghĩ, nhưng nhìn kỹ thì chỉ còn là cái xác không hồn, nó chết từ lúc nào ấy...

- Người ta lần theo vết máu mới tìm thấy đấy... - lão Pantelây nói.

Ai nấy đều nhìn ra cây thánh giá và lại im lặng. Đâu đây, hình như từ bên kia cái khe, văng vẳng tiếng chim kêu buồn bã. “Ngủ đây! Ngủ đây! Ngủ đây!...”

- Trên đời kể cũng lắm người ác thật, - Emelian nói.

- Nhiều lắm, nhiều lắm! - lão Pantelây tán đồng rồi ngồi xích lại gần đống lửa, như thể cảm thấy rờn rợn. - Nhiều lắm, - lão nói tiếp rất khẽ. - Trong đời tôi, tôi đã gặp khối những người như thế... Người ác đấy... Những bậc thánh và những người trung hậu tôi gặp cũng đã nhiều, nhưng những người tội lỗi thì đếm không xuể nữa... Lạy Đức bà cứu giúp và tha tội... Tôi nhớ có một lần cách đây dễ đến ba mươi năm rồi, có lẽ lâu hơn nữa là khác, tôi chở cho một ông lái buôn ở Morsanxkơ. Ông lái buôn này tốt lắm, người có thanh thế, lại lắm tiền của... cái ông lái ấy... Một người rất khá... Thế rồi chúng tôi đánh xe đi và ghé nghỉ đêm ở một quán trọ. Mà ở Nga thì quán trọ không phải như ở vùng này đâu. Sân quán có lợp như cái lán che lúa mới cắt hay như cái nhà chứa rơm trong các cơ ngơi khá giả. Có điều là cái nhà chứa rơm to cao hơn. Ấy, thế là chúng tôi ghé vào nghỉ trọ, và lúc đầu mọi việc đều êm thấm. Ông lái buôn nghỉ trong phòng trọ, còn tôi ngủ ngoài sân để trông ngựa, mọi việc đều ổn thỏa cả. Tôi mới đọc kinh cầu nguyện để ngủ cho ngon rồi dạo quanh sân một lát. Đêm hôm ấy tối đen như mực, xung quanh chẳng nhìn thấy cái gì. Tôi đi được mấy bước, khoảng bằng từ đây ra chỗ mấy chiếc xe kia thì chợt trông thấy một ánh đèn. Chuyện gì thế này nhỉ? Tưởng nhà chủ đã đi ngủ từ lâu, và ngoài tôi với ông lái buôn ra, không còn có khách nào trọ nữa kia mà!... Thế thì ánh đèn ở đâu ra? Tôi sinh nghi... Tôi mới rón rén lại gần... tức là gần chỗ có ánh đèn ấy... Lạy Chúa xót thương, lạy Đức bà cứu vớt! Tôi nhìn kỹ thì thấy ở sát mặt đất có một cái cửa sổ nhỏ có chấn song... ở trong nhà ấy... Tôi nằm rạp xuống đất ghé mắt nhìn vào; tôi chết khiếp.

Kiriukha cố thật lặng lẽ, đút vào bếp lửa một bó cỏ khô. Đợi cho cỏ hết nổ lách tách và phun hơi phì phò, ông già kể tiếp:

- Tôi nhìn vào thì thấy một căn hầm to bằng ngần này này, tối tăm ảm đạm lắm... Trên một cái thùng tròn có ngọn đèn đang cháy leo lét. Ở giữa căn hầm có khoảng chục người mặc áo đỏ xắn tay đứng mài mấy con dao dài... Ái chà! Thế tức là chúng tôi đã lọt vào một ổ cướp mất rồi... Biết làm thế nào bây giờ? Tôi mới chạy vào chỗ ông lái buôn, khẽ đánh thức ông ta dậy, và nói: “Này ông lái, đừng phát hoảng lên nhé, nhưng chúng mình nguy đến nơi rồi... Ông với tôi đã lọt vào một ổ cướp rồi đây”. Tôi nói thế. Ông ta chết khiếp đi rồi hỏi: “Thế bây giờ biết làm thế nào, hở Pantelây? Tôi có giữ nhiều tiền của trẻ mồ côi... Tâm hồn tôi thuộc Chúa, tôi không sợ chết, nhưng sợ mất tiền của trẻ mồ côi”. Trong tình thế này phải làm thế nào? Cổng thì đóng kín, không có lối nào ra, dù đi xe hay đi bộ cũng chịu... Giá là sân có hàng rào, thì còn tính chuyện chui qua, đằng này sân lại xây kín, có lợp mái hẳn hoi!... - “Thôi, tôi nói thế, ông đừng sợ, cầu nguyện Chúa. Có lẽ Người sẽ không để thiệt lũ mồ côi. Ông cứ nằm yên đấy, vờ như không hay biết gì, trong khi đó may ra tôi sẽ nghĩ được một kế nào chăng...” Thôi được... thế là tôi cầu nguyện Chúa và Chúa đã rọi sáng trí tôi... Tôi liền leo lên cái xe của tôi khẽ... khẽ để không thể ai nghe, bắt đầu éo lớp rạ lợp trên sân, làm thành một lỗ hổng và trèo ra ngoài. Ra hẳn ngoài ấy... Xong tôi nhảy từ trên mái sân và cứ theo đường cái chạy cật lực. Tôi cứ thế cắm cổ chạy, chết thôi... Tôi chạy một mạch đến năm vécxta, có lẽ còn hơn nữa... Đội ơn Chúa. Tôi thấy phía trước có làng mạc. Tôi chạy đến một nhà, gõ vào cửa sổ. “Bà con chính giáo ơi, - tôi nói thế, - xin bà con đừng để chúng nó giết một mạng người vô tội...” Tôi đánh thức cả làng dậy... Nông dân tập hợp lại và đi theo tôi... Người thì cầm thừng, người thì cầm gậy, cầm nạng chĩa... Chúng tôi phá cổng quán trọ và lập tức xông vào hầm... Lúc bấy giờ quân kẻ cướp đã mài xong dao và đang sắp sửa hạ thủ ông lái buôn. Có bao nhiêu đứa đều bị dân làng họ trói gô cả lại, giải lên quan. Ông lái buôn mừng quá thưởng họ ba trăm rúp, còn tôi thì ông ấy cho năm rúp. Nghe nói sau đó người ta tìm thấy trong hầm có vô khối xương người. Xương ấy mà... Thế là chúng nó cướp cả người ta, rồi đem chôn xác đi phi tang... Ấy, về sau cả lũ bị xử tử ở Morsanxkơ.

Lão Pantelây kể xong đưa mắt nhìn qua đám thính giả một lượt. Họ im lặng nhìn ông già. Nước đã sôi, và Xtépka đang vớt lớp bọt.

- Đã có mỡ chưa? - Kiriukha hỏi thì thầm.

- Đợi tí... Có ngay.

Xtépka mắt không rời lão Pantelây, và như thể sợ cụ già lại bắt đầu kể chuyện trong khi mình bỏ đi, chạy nhanh về phía đoàn xe và chỉ một thoáng đã quay trở lại, tay cầm cái bát gỗ nhỏ. Hắn bắt đầu vét mỡ lợn trong bát.

- Có một lần khác tôi cũng đi với một ông lái buôn... - lão Pantelây nói tiếp, giọng vẫn khe khẽ như trước, mắt không chớp. - Tôi còn nhớ tên ông ta là Pêtơrơ Grigôríts. Ông ta tốt lắm... ông lái buôn ấy... Chúng tôi cũng nghỉ lại một cái quán trọ như thế... Ông ta nằm trong buồng còn tôi ở ngoài trông ngựa... Chủ nhà có hai vợ chồng, xem ra là người tốt cả, ăn nói rất hiền lành niềm nở, bọn người ở cũng có vẻ hiền lành, ấy thế nhưng tôi không sao ngủ được anh em ạ, trong lòng cứ thấy nôn nao thế nào ấy. Thôi cũng mặc. Cổng thì mở toang, quanh đấy người ở khá đông, ấy thế nhưng tôi vẫn thấy rờn rợn thế nào ấy. Mọi người đã nghỉ yên từ lâu, đêm đã khuya lắm rồi, chẳng bao lâu nữa đã phải dậy, thế nhưng tôi nằm một mình trong chiếc xe không sao chợp đi được, mắt cứ thao láo như mắt cú vọ ấy. Được một lát, tôi nghe có tiếng chân bước rón rén: có ai đến cạnh chiếc xe của tôi. Tôi thò đầu ra thì thấy một người đàn bà, mình chỉ mặc chiếc áo ngủ, đi chân không... “Chị kia có việc gì đấy?”, - tôi hỏi thế. Còn chị ta thì người run cầm c đúng thế, chết khiếp... “Dậy đi, ông ơi! - chị ta nói thế. - Khốn to rồi... Ông bà chủ nghĩ ra chuyện chẳng lành... Họ định giết chết ông lái buôn nhà ông đấy. Chính tôi, - chị ta nói thế, - chính tôi nghe lỏm được hai ông bà chủ đang thì thầm với nhau...” Ấy đấy, tôi thấy trong lòng nôn nao chẳng phải là vô cớ! Tôi mới hỏi chị ta: “Thế chị là ai?” - “Tôi là con ở nhà họ...” Biết vậy... Tôi ra khỏi xe vào đánh thức ông lái buôn dậy nói rõ đầu đuôi: “Thế đấy ông Pêtơrơ Grigôríts ạ, không xong rồi... Ông muốn ngủ thì sau hẵng ngủ cho đẫy, còn bây giờ thì hãy mặc quần áo mà đi ngay khỏi cái nơi tội lỗi này...” Ông ta vừa bắt đầu mặc áo quần thì cửa buồng mở toang, và... tôi trông thấy... Trời ơi! Ông chủ, bà chủ và ba người làm công xô vào... Thế ra họ cũng xúi được cả người làm công cùng nhập bọn... Ông lái buôn rất nhiều tiền, họ sẽ chia nhau mà... Cả năm người đều cầm dao dài... Mỗi người cầm một con... Ông chủ khóa cửa lại rồi nói: “Hai ông khách trọ hãy cầu nguyện Chúa đi... Còn nếu kêu la, - ông ta nói khẽ, - thì đến cầu Chúa trước khi chết chúng tôi cũng không để cho cầu nữa...” Còn kêu la cái nỗi gì? Chúng tôi sợ quá họng cứ tắc lại, còn nói gì kêu la... Ông lái buôn khóc òa lên nói: “Bà con chính giáo! Bà con đã quyết giết tôi, ông ta nói thế, vì thích cái món tiền của tôi, thì tôi cũng xin chịu. Tôi chẳng phải là người đầu tiên, cũng chẳng phải là kẻ cuối cùng chịu cái số phận này. Anh em lái buôn chúng tôi bị cắt cổ ở các quán trọ cũng nhiều lắm. Nhưng còn cái anh xà ích của tôi, bà con chính giáo ơi, ông ta nói thế, anh xà ích của tôi thì có tội tình gì mà bà con cũng giết? Tại sao anh ta lại phải vì tiền của tôi mà thiệt mạng?” Ông ta nói nghe thảm quá. Ông chủ mới nói: “Nếu chúng tôi để cho hắn sống thì hắn sẽ là người đầu tiên đi báo chúng tôi. Giết một hay giết hai cũng thế thôi, - ông ta nói thế. - Bảy tội cũng chỉ một đền... Các ông hãy cầu nguyện đi, thế là xong không phải nói gì lôi thôi nữa!” Tôi với ông lái buôn quỳ xuống cạnh nhau mà khóc và bắt đầu cầu nguyện Chúa. Ông ấy nhớ mấy đứa con, còn tôi hồi ấy còn trẻ, còn muốn sống lắm... Chúng tôi nhìn lên tượng thánh cầu nguyện, thảm thiết đến nỗi bây giờ nhớ lại tôi còn ứa nước mắt... Còn bà chủ thì nhìn chúng tôi rồi nói: “Các ông là người lành, sang thế giới bên kia đừng oán giận gì chúng tôi và đừng cầu Chúa trừng phạt chúng tôi, vì chúng tôi túng thiếu mới phải làm thế này”. Chúng tôi cầu nguyện, và khóc lóc một hồi thì Chúa nghe thấy tiếng chúng tôi. Thế là Chúa rủ lòng thương xót... Ngay khi ông chủ túm lấy râu ông lái buôn để kề dao vào cứa cổ ông ta, thì bỗng ngoài sân có ai gõ gõ mạnh vào cửa sổ! Chúng tôi giật thót người lên một lượt, còn ông chủ thì rụng rời tay chân... Có ai đang gõ cửa sổ và quát: “Pêtơrơ Grigôríts, anh đang ở đây phỏng? Sửa soạn đi, ta lên đường!” Hai ông bà chủ thấy có người đến tìm ông lái buôn, sợ quá ba chân bốn cẳng chuồn thật nhanh... Còn chúng tôi hối hả ra sân thắng ngựa đi một mạch...

- Thế ai gõ cửa.

- Gõ cửa ấy à? Chắc là ông phước lộc hay là một vị thiên thần nào đấy. Vì ra ngoài chẳng thấy ai... Khi chúng tôi ra khỏi sân quán, ngoài đường không có lấy một bóng người... Đấy là bàn tay của Chúa!

Lão Pantelây còn kể thêm một vài câu chuyện gì nữa, và trong tất cả những câu chuyện lão kể, mấy “con dao dài” đều có vai trò quan trọng như nhau, và người ta đều cảm thấy rõ sự bịa đặt. Không biết ông lão nghe một người khác kể lại những chuyện này hay ông lão tự bịa ra từ thuở nào xa xưa lắm, rồi về sau sự nhớ suy yếu đi, ông lão lẫn lộn những việc mình đã trải qua với những chuyện bịa đặt, không còn phân biệt được nữa? Hai khả năng đều có cả, nhưng có một điều lạ là bây giờ trong suốt cuộc hành trình, mỗi lần có dịp kể chuyện ông lão lúc nào cũng dành địa vị độc tôn cho loại chuyện bịa chứ không bao giờ thèm kể chuyện thật nữa. Nhưng lúc này Iegoruska đinh ninh rằng đó đều là chuyện có thật và tin ông lão từng lời từng chữ. Về sau nó mới lấy làm lạ, không hiểu sao một con người bình sinh đã đi khắp nước Nga, đã trông thấy và biết được rất nhiều, một con người mà vợ con đều đã chết thiêu, lại không thấy cuộc đời phong phú của mình có chút gì là đáng giá, và cứ mỗi lần ngồi bên đống lửa lại chỉ làm thinh hoặc toàn nói những chuyện không hề có thật.

Trong khi ăn cháo mọi người đều lặng thinh suy nghĩ đến những chuyện vừa nghe, cuộc sống thật là đáng sợ và lắm chuyện kỳ dị, cho nên trên đất Nga dù người ta có kể chuyện gì, dù người ta có tô điểm câu chuyện bằng những ổ trộm cướp, những con dao dài và những phép thần thông ra sao, người nghe bao giờ cũng cảm thụ như trước một việc có thật, và họa chăng cũng chỉ có người nào đã chịu ảnh hưởng sâu xa của chữ nghĩa mới có thái độ hoài nghi, vả chăng, người ấy cũng sẽ ngồi im không nói gì. Cây thánh giá bên đường, mấy đống lông cừu chất lù lù trên xe, khoảng không gian rộng mênh mông và số phận của những con người quây quần quanh đống lửa - ngay tất cả những cái đó cũng đã có một cái gì kỳ dị và dễ sợ, đến nỗi cái chất hoang đường của câu chuyện bịa đặt cũng phải mất đi và hòa lẫn với cuộc sống.