Cơn bệnh thần kinh - Chương 4 - 5

IV.

KHI CHÚNG TÔI NHẢY, tôi và người đàn bà bây giờ mới nói chuyện, - anh sinh viên y khoa kể, khi cả ba đã đi ra phố. - Chuyện về mối tình đầu của cô ta. Anh ta, nhân vật chính ở đây là một chàng kế toán nào đó ở Xmôlenxkơ đã có vợ và năm con. Còn cô ta mới mười bảy tuổi và ở với bố mẹ, bán xà phòng và nến.

- Làm sao mà hắn ta chiến thắng được trái tim cô ấy? - Vaxilép hỏi.

- Bằng cách mua cho cô ta cái áo khoác năm chục rúp. Có quỷ biết được tại sao!

“Những cậu ấy đã moi được ở người đàn bà câu chuyện về mối tình của cô ta, - Vaxilép nghĩ về anh sinh viên y khoa. - Còn ta chẳng biết gì...” - Hỡi các anh, tôi về nhà đây. - Vaxilép nói.

- Tại sao?

- Bởi vì rằng tôi không biết cư xử thế nào ở đây. Hơn nữa, tôi buồn và khó chịu. Có gì vui ở đấy? Giá kể có người, đằng này lại toàn người man rợ và giống vật. Tôi đi còn các anh thì theo ý muốn

- Ồ, Gơrisa, anh bạn đáng yêu... - chàng họa sĩ nói bằng cái giọng nhịp nhàng, siết chặt bên Vaxilép. - Chúng ta cùng đi! Chúng ta cùng đi đến một chỗ, kệ cho họ chửi rủa... Nào!

Họ rủ Vaxilép và dẫn anh lên cầu thang. Trong các tấm thảm và các lan can thếp vàng, trong người gác cửa, trong các tấm pa-nô tô điểm trên tiền sảnh, người ta đều cảm thấy phong cách ngõ X. chỉ có điều hoàn thiện hơn, đáng kính trọng hơn.

- Quả thật, phải về nhà thôi, - Vaxilép nói, khi cởi áo bành tô.

- Ồ, con bồ câu đáng yêu... - Chàng họa sĩ nói và hôn vào cổ Vaxiiép. - Đừng làm nũng thế... Chẳng gì chúng ta cũng là bạn. Đã cùng đi thì phải cùng về. Anh quả thật vớ vẩn quá.

- Tôi có thể đợi các anh ngoài phố. Trời ơi, ở đây tôi thấy khó chịu quá!

- Ồ... khó chịu thì cậu hãy quan sát. Cậu có hiểu không? Hãy quan sát!

- Cần phải xem xét các sự vật một cách khách quan, - anh sinh viên y khoa nói một cách nghiêm chỉnh.

Vaxilép lại đi vào gian phòng và ngồi xuống. Ngoài anh và các bạn, trong gian phòng còn có nhiều vị khách khác: hai sĩ quan bộ binh, một ngài tóc bạc và trán hói đeo kính gọng vàng, hai sinh viên còn chưa có râu thuộc học viện đạc điền, và một người say, với khuôn mặt có vẻ nghệ sĩ. Tất cả các tiểu thư trong nhà bận tiếp các vị khách này và không ai để ý gì đến Vaxilép nữa. Chỉ có một người ăn mặc theo kiểu Aiđa(8) ngó nhìn vào anh, lại cười cười theo kiểu gì đó và vừa nói, vừa ngáp:

- Chàng tóc đen đã tới...

Trái tim Vaxilép đập mạnh và mặt nóng bừng lên. Anh thấy xấu hổ trước các vị khách vì đã có mặt ở đây, sinh ra khó chịu như bị hành hạ. Anh bị dày vò bởi ý nghĩ rằng mình, một người vốn đứng đắn và yêu mến mọi người (trước nay anh vẫn tự coi mình như vậy) nay sinh ra căm thù những người phụ nữ này và không cảm thấy gì khác, ngoài sự chán ghét. Anh không cảm thấy thương cả những người phụ nữ, lẫn các nhạc công, những người đầy tớ trong nhà.

“Đó là bởi vì ta không cố gắng hiểu họ, - Vaxilép nghĩ. - Tất cả họ đều giống loài vật hơn là loài người, nhưng họ vẫn là con người, ở họ vẫn có tâm hồn. Cần phải hiểu. Sau đó sẽ xét đoán họ...”

- Gơrisa, anh đừng đi vội, đợi chúng tôi đã! - chàng họa sĩ kêu lên và lại biến ngay đâu mất.

Lúc sau cả anh sinh viên y khoa cũng biến luôn.

“Đúng, cần phải cố hiểu, nếu không không thể...” - Vaxilép tiếp tục nghĩ.

Và anh gượng gạo nhìn vào khuôn mặt mỗi người phụ nữ, cố tìm lấy một nụ cười lầm lỗi. Nhưng - hoặc là anh không biết đọc các khuôn mặt này, hoặc là không một người phụ nữ nào trong bọn cảm thấy mình có lỗi - trong mỗi khuôn mặt anh chỉ đợi được biểu hiện mờ đục của một nỗi buồn và sự hài lòng bình thường, vớ vẩn. Những con mắt ngu ngốc, những nụ cười ngu ngốc, những giọng nói gay gắt, ngu ngốc, những cử chỉ trắng trợn, càn rỡ - và ngoài ra, không có gì nữa. Có thể, mỗi người trước đây, từng có một mối tình với một anh kế toán, và việc mua cái áo khoác cho cô ta năm chục rúp, và bây giờ chẳng có điều thú vị nào khác trong cuộc sống, ngoài cà phê, bữa trưa có ba đĩa thức ăn, rượu vang, quadrille, và ngủ cho đến hai giờ chiều...

Không tìm thấy một nụ cười có lỗi nào, Vaxilép quay ra tìm xem có nét mặt thông minh nào không. Và anh chú ý tới một khuôn mặt xanh xao, mệt mỏi có vẻ buồn ngủ một chút... Đó là một cô gái tóc đen không còn trẻ nữa, mặc bộ quần áo thêu lấp lánh. Cô ngồi trên một chiếc ghế bành, nhìn xuống sàn và nghĩ ngợi một điều gì đó. Vaxilép kịp đi đi lại lại và ra vẻ ngẫu nhiên ngồi cạnh cô ta.

“Cần phải bắt đầu từ một chuyện gì đó tầm thường, - Vaxilép nghĩ, - và sau đó, chuyển dần sang những câu chuyện nghiêm chỉnh...” - Ôi, cô em có bộ quần áo khá quá! - Vaxilép nói và lấy ngón tay chạm vào lớp tua viền trên chiếc khăn choàng.

- Có gì đâu... - cô tóc đen nói một cách uể oải.

- Cô người tỉnh

- Em à? Xa lắm... Tỉnh Tsernigốp.

- Một tỉnh rất tốt. Sống ở đấy dễ chịu.

- Nơi nào dễ chịu, nơi đó không có chúng ta.

“Thật tiếc là mình không biết miêu tả thiên nhiên, - Vaxilép nghĩ. - Giá kể có thể làm cô ta cảm động bằng việc miêu tả lại cảnh sắc thiên nhiên ở tỉnh Tsernigốp. Có lẽ cô ta rất thích, nếu cô đã sinh ở đấy”.

- Cô ở đây có buồn không? - anh hỏi.

- Tất nhiên, buồn lắm.

- Sao cô không đi khỏi đây, nếu cô buồn vậy?

- Tôi biết đi đâu bây giờ? Đi ăn mày sao?

- Ăn mày cũng còn dễ chịu hơn là sống ở đây.

- Sao anh biết? Chẳng nhẽ anh đã đi ăn mày?

- Tôi sẽ đi ăn mày khi không có gì để trả tiền học. Mặc dù tôi chưa đi ăn mày, tôi cũng hiểu mọi chuyện như vậy. Người nghèo khổ dẫu sao cũng là người tự do, còn cô như là kẻ nô lệ.

Cô tóc đen vươn người và liếc mắt về phía người đầy tớ, mang vào một khay đựng cốc và các thứ nước khoáng.

- Hãy mời em uống bia đi, - cô ta nói và lại ngáp.

“Bia ư... - Vaxilép nghĩ. - Và chuyện sẽ ra sao, nếu ngay bây giờ anh cô và mẹ cô bước vào đây. Cô sẽ nói gì? Còn họ cũng nói gì? Tôi tưởng tượng khi đó bia sẽ...”

Bỗng nghe có tiếng khóc. Từ phòng bên, nơi người đầy tớ vừa mang bia vào thấy bước ra một người tóc vàng, với khuôn mặt đỏ bừng v tức giận. Tiếp theo sau là mụ chủ người cao lớn, đẫy đà và kêu lên bằng giọng the thé:

- Không ai cho phép anh vuốt má con gái như vậy! Chỗ chúng tôi có những người khách sộp hơn anh nhiều họ không vuốt má bao giờ cả. Đồ bịp bợm!

Có tiếng ồn. Vaxilép sợ hãi, mặt tái xanh đi. Trong phòng bên cạnh có tiếng khóc rưng rức, khóc chân thành, như một người bị xúc phạm khóc vậy. Và anh hiểu rằng trong nhà ấy cũng sống những con người, những con người chân chính, họ, cũng như ở khắp nơi, bị sỉ nhục, đau khổ, khóc lóc, cầu mong giúp đỡ... Lòng căm thù ghê gớm và cảm giác kinh tởm nhường chỗ cho sự thương xót và phẫn nộ gay gắt đối với kẻ đã gây ra nỗi khổ cho người khác. Anh lao vào căn phòng có tiếng khóc; qua hàng loạt chai rượu, đặt trong cái khay sẫm trên bàn, anh nhìn thấy một khuôn mặt đau khổ, ướt đẫm nước mắt. Anh bước gần tới bàn, định đưa tay đỡ lấy khuôn mặt này, nhưng lập tức sợ hãi rụt lại. Người đang khóc là một người đàn bà say.

Lách người qua đám đông ồn ào, đang quây quanh người tóc vàng, Vaxilép thấy suy sụp hết tinh thần, nhát sợ như một đứa trẻ, và anh cảm thấy rằng trong cái thế giới xa lạ mà anh không thể hiểu nổi này, người ta muốn đuổi bắt anh, đánh anh, quăng những lời lẽ bẩn thỉu về phía anh... Anh giật chiếc áo bành tô trên mắc áo và lao chí tử xuống dưới cầu thang.

V.

TÚM LẤY HÀNG RÀO, anh đứng gần ngôi nhà và đợi xem khi nào mấy người bạn của anh bước ra. Tiếng dương cầm và vĩ cầm, vui vẻ, xa xôi, trắng trợn, buồn bã lẫn vào trong không khí, thành một mớ hỗn loạn kỳ cục, và cũng như trước đây, cái mớ âm thanh rắc rối đó gợi cho ta nghĩ rằng dường như trên mái, có một dàn nhạc vô hình. Nếu nhìn lên cả màn tối, thì trên nền đen, thấy đang vận động rải rác những điểm trắng: đó là tuyết rơi. Những bông tuyết khi rơi còn uể oải quay tròn trong không khí, như một thứ lông tơ mảnh rồi càng uể oải hơn nữa khi rơi xuống đất. Tuyết mảnh như bụi lượn thành đám gần Vaxilép và đậu lên râu cằm, lên mi, lên mày anh ta... Những người đánh xe ngựa, những con ngựa và những người qua đường, đều một màu trắng toát.

“Làm sao tuyết có thể rơi vào cả cái ngõ nhỏ này nữa! - Vaxilép nghĩ. - Ngôi nhà thật khốn nạn!

Vì anh chạy vội xuống cầu thang, chân anh muốn khuỵu xuống vì mệt mỏi; anh thở hển hển, như khi leo núi, trái tim đập mạnh khiến anh nghe thấy cả tiếng đập của nó. Mong mỏi nhanh chóng rời khỏi căn ngõ và đi về nhà khiến anh mệt mỏi, nhưng còn mạnh hơn là ý muốn đợi các bạn và chia sẻ với họ cảm giác nặng nề của mình.

Nhiều thứ trong ngôi nhà anh không hiểu, tâm hồn những người phụ nữ đang chết đối với anh vẫn còn là một bí mật như cũ, nhưng rõ ràng lúc này anh thấy sự việc còn xấu hơn rất nhiều, so với anh vẫn nghĩ. Nếu như những người phụ nữ lầm lạc và tự đầu độc kia, được gọi là sa ngã thì những kẻ lúc này đang nhảy múa trong mớ âm thanh hỗn độn và nói những câu dài dòng đáng ghét kia, khó lòng tìm được tên gọi là gì cho thích hợp. Đấy không phải những kẻ đang chết, mà đã chết.

“Họ xấu vậy, - anh nghĩ, - nhưng họ không có ý thức gì về sự lỗi lầm của mình, không chút hi vọng sẽ tự cứu mình. Người ta mua họ, bán họ, họ bị say, dầm chân trong lỗi lầm và những chuyện nhỏ nhặt, nhưng cũng như những con cừu, họ đờ đẫn, thản nhiên và không hiểu gì cả. Trời ơi, trời ơi!”

Đối với Vaxilép cũng rất rõ ràng là tất cả những gì gọi là nhân phẩm, nhân cách, vật sáng tạo theo hình mẫu của Chúa, bị lăng nhục đến tận cùng, “đến tận giọt cặn”, như những người say rượu vẫn nói, và kẻ có lỗi ở đây không phải chỉ là cái ngõ với những người phụ nữ ngu ngốc.

Một đám sinh viên, người trắng vì tuyết, vui vẻ nói chuyện và cười thật to, đi ngang qua Vaxilép. Một người trong bọn cao và gầy, dừng lại nhìn vào mặt anh và nói bằng giọng say:

- Bọn ta cả! Uống nhiều quá phải không bạn! Không sao hãy đi chơi, đi chơi đi. Không việc gì phải buồn cả, cậu ạ!

Anh ta ôm lấy vai Vaxilép và lấy hàng ria lạnh, ẩm ướt, cọ vào má anh, sau đó trượt dài, lắc lư người, dang rộng hai tay, kêu lên:

- Giữ lấy! Khéo không ngã!

Rồi lại cười, chạy đuổi theo đồng bọn.

Q tiếng ồn ào, có thể nghe thấy tiếng chàng họa sĩ:

- Các anh đừng đánh phụ nữ! Tôi không cho phép các anh, quỷ tha các anh đi. Các anh đều là đồ tồi.

Trước cửa nhà hiện ra anh sinh viên y khoa. Anh nhìn quanh mọi phía rồi, liếc mắt về phía Vaxilép, nói một cách lo lắng:

- Cậu ở đây à? Hãy nghe đây, trời ạ, không thể đi đâu với Iegor cả! Sau con người này là cái gì, tớ không hiểu! Toàn gây ra lộn xộn. Cậu có nghe không? Iegor! - anh ta kêu lên ở cửa. - Iegor!

- Tôi không cho phép anh đánh phụ nữ! - giọng nói the thé của chàng họa sĩ vang lên ở phía trên.

Một cái gì nặng nề và cồng kềnh lăn từ cầu thang xuống. Đó là chàng họa sĩ ngã lộn nhào xuống. Rõ ràng, người ta đã xô đẩy anh.

Anh đứng dậy, phủi sạch cái mũ vẻ mặt tỏ ra độc ác, phẫn nộ, giơ quả đấm lên và kêu to:

- Đồ khốn nạn! Quân độc ác! Quân hút máu người! Ta không cho phép các ngươi đánh vậy! Đánh một người phụ nữ yếu ớt, say rượu! Ôi, các người...

- Iegor... Nào Iegor... - anh sinh viên y khoa bắt đầu van vỉ. - Thề với cậu, lần sau tớ không bao giờ đi chơi với cậu nữa. Xin thề!

Anh họa sĩ lặng đi một chút và mấy người bạn cùng đi về nhà.

- Bất chợt một sức mạnh mơ hồ nào, - anh sinh viên y khoa cằn nhằn, - thu hút tôi đến những bến bờ buồn bã ấy...

- Và kia là cối xay gió, - một lúc sau chàng họa sĩ hát theo. - Nó đã đổ nát rồi. Tuyết vẫn đầy cả ra, trời ơi! Gơrisa, tại sao cậu lại bỏ đi? Đồ nhát gan, đồ đàn bà, chẳng có gì hơn cả.

Vaxilép đi đằng sau các bạn, nhìn vào lưng họ và nghĩ:

“Cái nào đó trong hai cái này: hoặc là chúng ta chỉ cảm thấy rằng nghề làm điếm là một điều ác, và chúng ta cường điệu nó lên, hoặc là nếu việc làm điếm tệ hại đến thế, như người ta thường nghĩ, thì những người bạn đáng yêu này của mình cũng là những chủ nô, những kẻ đi cưỡng bức và giết người, cũng như những người dân Xi Ri và Lơ Ke được vẽ trong tạp chí “Nhiva”(9). Giờ đây, họ hát hỏng, cười ồ ồ, thảo luận một cách sôi nổi, nhưng chẳng phải bây giờ họ cũng hưởng thụ kết quả của nạn đói, nạn dốt và những sự ngu ngốc? Chính họ, còn mình là một kẻ chứng kiến. Ở đây, tính nhân đạo của họ, nghề y, hội họa phụ thuộc vào cái gì? Khoa học, nghệ thuật và những tình cảm cao thượng của những kẻ giết người này làm cho mình nhớ một miếng mỡ lợn trong một giai thoại. Hai tên cướp giết chết một người nghèo trong rừng. Chúng chia nhau quần áo của người này và tìm thấy ở trong cái túi một miếng mỡ lợn: “Tiện quá, - một tên nói, - chén luôn”. “Mày làm sao thế, ăn đâu có được? - tên kia dọa. - Phải chăng mày đã quên rằng hôm nay thứ tư?” Và thế là chúng không ăn. Sau khi giết người, chúng đi khỏi rừng với niềm tin rằng chúng là hai người ăn chay. Cũng như những người này, sau khi mua một phụ nữ bây giờ vẫn nghĩ rằng họ là các họa sĩ và các nhà bác học...”

- Các anh hãy nghe đây! - anh nói một cách giận dữ và quyết liệt. - Các anh tới đây để làm gì? Phải chăng, phải chăng các anh không biết rằng đây là một điều khốn nạn? Nghề của anh nói rằng mỗi người phụ nữ này sẽ chết sớm vì ho lao hay là một chứng gì khác; nghệ thuật cũng nói rằng về mặt đạo đức thì người phụ nữ đó còn chết sớm hơn nữa. Mỗi người trong họ sẽ chết vì trong đời của mình, họ phải tiếp trung bình khoảng năm trăm người. Năm trăm người giết một người. Trong số năm trăm này có các anh! Bây giờ nếu hai anh trong suốt đời đến đây hay đến những chỗ tương tự như thế này hai trăm năm chục lần, thì có nghĩa là do anh đã có một người phụ nữ bị chết! Phải chăng đây không phải là điều đương nhiên? Không phải là điều khủng khiếp? Hai người, ba người, năm người hùa lại giết một người phụ nữ nghèo đói, ngu ngốc! Ôi, chẳng nhẽ đây không phải là một điều ghê gớm, hở trời?

- Tôi cũng đã biết rằng mọi việc kết thúc như vậy, - chàng họa sĩ nói. - Không nên gắn với những tên khốn nạn ngu ngốc này! Cậu nghĩ rằng lúc này trong đầu óc cậu đang có một tư tưởng vĩ đại chứ gì? Không, có quỷ biết là cái gì, chứ không phải tư tưởng! Bây giờ cậu nhìn vào mình với lòng căm thù và ghê tởm, còn theo mình, tốt hơn hết là xây dựng hai mươi ngôi nhà như vậy, hơn là nhìn đời kiểu ấy. Cái nhìn của cậu còn xấu xa hơn, so với mọi cái ngõ nọ! Chúng ta đi đi, Vôlôđia, kệ hắn! Thằng khốn nạn, thằng ngu, và chả có gì hơn nữa...

- Chúng ta là những con người giết lẫn nhau, - anh sinh viên y khoa nói. - Cái này, tất nhiên, là phi đạo lý, nhưng bằng lập luận, anh chẳng giúp được gì. Vĩnh biệt!

Mấy người bạn chia tay nhau ở quảng trường Tơrúpnaia và mỗi người một ngả. Còn lại một mình, Vaxilép bước nhanh trên đại lộ. Anh thấy sợ hãi cảnh trời nhá nhem tối, sợ những bông tuyết đang rải đầy trên mặt đất, và hình như còn muốn trùm lên cả thế giới, sợ ánh đèn lồng đang tỏa ánh mờ mờ nhạt nhạt qua làn tuyết trắng. Một nỗi sợ hãi mơ hồ không rõ rệt bao phủ tâm trí anh. Thỉnh thoảng mới gặp một người đi ngược lại, nhưng anh rụt rè tránh sang bên. Anh có cảm tưởng rằng chỗ nào cũng có những người đàn bà đang đi, chỗ nào họ cũng nhìn chằm chằm vào anh, chỉ toàn là đàn bà thôi...

“Thế là ta bắt đầu, - anh nghĩ. - Bắt đầu lên cơn thần kinh rồi...”

__________

8. Aiđa - nhân vật chính trong vở ô-pê-ra cùng tên của Verđi.

9. “Nhiva” - tạp chí văn học nghệ thuật và phổ biến khoa học, có minh họa, ra hàng tuần. Lưu hành ở Pêtérburg từ 1870 đến 1918.