Cơn bệnh thần kinh - Chương 6 - 7

VI.

VỀ ĐẾN NHÀ, anh nằm xuống giường và lẩm bẩm nói, toàn thân run lên:

- Trời, bọn họ còn sống cả! Còn sống cả!

Anh tìm mọi cách khơi sâu thêm trí tưởng tượng của mình, anh tự hình dung ra mình khi thì ở địa vị anh trai của người đàn bà sa đọa, khi thì là cha đẻ ra chị ta, khi thì chính là chị ta với đôi má bết phấn son; và điều này làm anh kinh hãi.

Không hiểu vì lẽ gì anh có cảm tưởng rằng, anh phải giải quyết ngay vấn đề đó, trong bất cứ hoàn cảnh nào, và vấn đề này không phải chuyện của người ngoài mà là của chính anh. Anh thu hết sức lực, cố nén sự tuyệt vọng của mình lại, ngồi dậy trên giường, hai tay ôm lấy đầu, và bắt đầu tìm cách giải quyết: làm thế nào cứu thoát được tất cả những người đàn bà hôm nay anh vừa trông thấy? Trình tự giải quyết mọi vấn đề đối với anh, một người có học vấn đã rõ từ lâu. Vậy nên dù cho đầu óc có bị kích động đến đâu, anh vẫn tỉnh táo theo đúng trình tự ấy. Anh nhớ lại cả lịch sử của vấn đề, những tài liệu đã đề cập đến vấn đề đó; và tới lúc bốn giờ sáng, anh đi đi lại lại trong phòng mình, cố ớ hết tất cả những biện pháp mà trong thời gian qua người ta đã áp dụng để cứu vớt những người đàn bà ấy. Anh có rất nhiều người bạn tốt đã từng ở trong những căn phòng của Phanxphâynơ, Galiaskin, Nêtraép, Etskin... Trong bọn họ có không ít người trung thực, dũng cảm. Một số người trong bọn họ đã từng ra tay cứu vớt những người đàn bà ấy...

“Tất cả những biện pháp ít ỏi đó, - Vaxilép nghĩ, - có thể chia thành ba loại, sau khi chuộc người phụ nữ ra khỏi nhà thổ, thuê cho cô ta căn buồng, mua về một chiếc máy khâu và cô ta trở thành thợ may. Người chuộc cô ta ra dù muốn hay không đã biến cô ta thành nhân tình của mình, rồi sau khi tốt nghiệp trường đại học, người ấy đã nhường lại cô ta như nhường lại một đồ vật cho một kẻ đứng đắn khác. Và người đàn bà vẫn tiếp tục hư hỏng. Một loại khác, chuộc người đàn bà ra, cũng thuê phòng cho ở, rồi thế nào cũng mua chiếc máy khâu, dạy cho cô ta học chữ, đọc sách, mở mang kiến thức. Cô ta sẽ khâu vá, sẽ sống như thế chừng nào cô ta còn cảm thấy mới mẻ, thích thú, rồi ít lâu sau, khi đã buồn chán, bắt đầu vụng trộm, giấu giếm tiếp đàn ông hoặc là lui trở lại nơi có thể ngủ đến 3 giờ chiều, uống cà phê và ăn no nê. Loại thứ ba gồm những người hăng hái nhất, táo bạo nhất, đã thi hành biện pháp dứt khoát nhất. Họ lấy những người đàn bà ấy làm vợ. Và khi từ một cuộc sống như súc vật, nhầy nhụa, thô lỗ, ngu độn, những người đàn bà ấy trở thành vợ, thành người tề gia nội trợ, thành mẹ thì tất cả những thay đổi đó đã làm đảo lộn tất cả cuộc đời và quan niệm sống của họ đến mức sau đó khó lòng mà nhận ra được dấu vết của con người sa đọa xưa kia trong người vợ, người mẹ hôm nay. Phải rồi, lấy họ làm vợ có lẽ là biện pháp tốt nhất và chắc là duy nhất”.

- Nhưng cái đó không thể được! - Vaxilép nói ra miệng và nằm phịch xuống giường. - Tôi là người đầu tiên không thể lấy loại người ấy làm vợ được! Muốn làm được thế phải là một bậc thánh, không biết thù ghét, không biết ghê tởm. Nhưng cứ giả thử rằng, tôi, anh sinh viên y khoa, và chàng họa sĩ tự nén mình để lấy loại đàn bà ấy, giả thử rằng tất cả bọn họ đều sẽ ưng thuận lấy chồng. Thì kết cục sẽ ra sao? Kết luận thế nào? Kết luận sẽ là, trong khi ở đây, ở Maxcơva, những người đàn bà ấy đi lấy chồng, thì gã kế toán ở Xmôlenxkơ sẽ lại đẩy một cô gái khác vào cảnh trụy lạc, và cô ta sẽ lại trôi dạt đâu đây thế vào những chỗ trống cùng với chị em cùng cảnh ngộ từ Xaratốp, Nigiơni Nốpgôrốt, Vácsava... Và một trăm nghìn gái điếm ở Luân Đôn thì đưa đi đâu? Còn gái điếm ở Hămbua thì giải quyết thế nào?

Chiếc đèn cạn dầu bắt đầu tỏa khói. Vaxilép cũng không thấy điều đó. Anh lại đứng dậy đi lại trong phòng, nghĩ ngợi triền miên. Bây giờ anh đặt vấn đề theo cách khác: phải làm gì để những người đàn bà sa đọa kia không cần cho ai nữa cả? Muốn thế thì phải làm sao cho tất cả những người đàn ông mua bán, giết dần giết mòn họ, nhận ra tất cả tính chất vô đạo đức ở địa vị kẻ chủ nô của mình rồi kinh sợ những điều chính mình đã gây ra. Cần phải cứu bọn đàn ông.

“Khoa học và nghệ thuật chắc là không giúp ích gì đây... - Vaxilép nghĩ. - Lối thoát duy nhất là lòng sùng đạo”.

Anh mơ ước ngay chiều tối ngày mai anh sẽ đứng ở góc ngõ phố ấy và nói với từng người qua đường:

- Ông đi đến đây làm gì vậy? Ông không sợ bị Chúa trời trừng phạt ư?

Anh sẽ bước lại gần mấy người xà ích lạnh lùng và nói với họ:

- Sao mấy ông lại đứng chờ ở đây làm gì? Tại sao các ông không thấy tức giận? Các ông cũng là người theo đạo và biết rằng như thế là tội lỗi, rằng những kẻ chơi bời kia rồi sẽ phải xuống địa ngục, thế mà các ông lại im lặng ư? Quả thật đối với các ông họ là những người xa lạ, nhưng mà chẳng phải là họ cũng có cha mẹ, anh em như các ông sao?...

Một người bạn nào đó của Vaxilép có lần đã nói về anh rằng anh là một người có tài. Có nhiều loại tài năng: tài viết văn, tài diễn kịch, tài hội họa, còn anh thì có một tài năng riêng biệt - đó là tài làm người. Anh nhạy cảm đặc biệt đối với những nỗi đau nói chung. Như một diễn viên xuất sắc giỏi lắp lại giọng nói, cử chỉ, điệu bộ của người khác, tấm lòng Vaxilép cũng dội lại rất nhanh những nỗi đau của mọi người. Nhìn thấy người khác khóc, anh cũng rưng rưng nước mắt, bên cạnh người thể xác đau đớn, anh cũng rên rỉ đau đớn; và nếu có ai bị đánh đập thì anh cảm thấy như chính mình bị đánh đập, anh hoảng sợ như một đứa trẻ nhưng rồi anh vẫn chạy đến che chở, bênh vực người yếu đuối. Sự đau khổ của người khác kích động anh, đẩy anh vào tâm trạng bất bình thường...

Tôi không biết người bạn của Vaxilép nói có đúng không nhưng cái tâm trạng mà anh đang trải qua khi vừa tìm được cách giải quyết cho vấn đề ấy giống như là sự cảm hứng. Anh khóc, anh cười, anh nói to lên những lời mà ngày mai anh sẽ nói, anh cảm thấy một tình yêu sôi nổi với những người sẽ theo lời anh, cùng đứng bên anh trên góc ngõ ấy để mà khơi gợi tấm lòng sùng đạo của mỗi người; anh ngồi xuống viết thư, tự thề thốt với mình...

Tâm trạng ấy giống như trạng thái cảm hứng cũng bởi vì nó không kéo dài. Chẳng mấy chốc mà Vaxilép cảm thấy mệt mỏi rã rời. Cả cái con số khổng lồ những gái điếm ở Luân Đôn, ở Hămbua, Vácsava đè nặng lên tâm trí anh như núi đè xuống đất; anh cảm thấy sợ sệt, trước cả cái đám người đông đúc vô số đó; anh nhớ ra rằng, anh không phải là người biết cách nói năng, rằng tính nết anh vốn rụt rè, yếu đuối, rằng liệu những con người dửng dưng kia có nghe lời anh không, có hiểu anh không, một sinh viên luật năm thứ ba, một người sợ sệt và chẳng có địa vị gì, rằng lòng sùng đạo thực sự không phải chỉ thể hiện trong lời thuyết giáo mà còn ở việc làm...

Khi trời đã sáng và ngoài phố tiếng xe ngựa đã chạy lóc cóc, Vaxilép nằm bất động trên đivăng và nhìn chăm chăm vào một điểm. Anh không còn nghĩ về phụ nữ, về đàn ông, về sùng đạo nữa. Anh chỉ còn thấy một nỗi đau đang day dứt tâm hồn anh. Đó là nỗi đau âm ỉ, mơ hồ, không rõ rệt, vừa giống như một nỗi buồn, lại vừa giống như niềm sợ hãi ở mức tột đỉnh, vừa giống như niềm tuyệt vọng. Anh có thể định rõ được nỗi đau đó ở chỗ nào, nó ở trong lồng ngực, bên dưới trái tim; nhưng anh không thể so sánh với một kiểu đau nào khác. Trước đây anh đã từng bị đau răng, đau màng phổi, đau dây thần kinh, nhưng so với nỗi đau trong lòng anh giờ đây, những nỗi đau đó không thấm thía gì. Lúc này, khi lòng anh đang đau tấy, cuộc đời bỗng trở nên ghê tởm. Luận văn xuất sắc mà anh đã viết xong, những người bạn thân, việc cứu vớt những phụ nữ sa đọa - tất cả những gì hôm qua anh còn tha thiết hoặc dửng dưng, bây giờ chỉ vừa thoáng nghĩ đến là đã làm anh bực tức như tiếng xe lăn lóc cóc, tiếng người hầu phòng tất tả chạy ngoài hành lang, ánh sáng ban ngày lóa mắt... Nếu bây giờ trước mắt anh, có ai đó làm một chuyện gì thật tốt lành hay là gây sự đánh đập người vô tội thì cả hai việc đó chắc sẽ cũng đều gây cho anh một ấn tượng ghê tởm như nhau. Trong tất cả những ý nghĩ lười biếng lẩn quất trong đầu anh, chỉ có hai ý nghĩ là không làm anh tức tối: điều thứ nhất là bất cứ lúc nào anh vẫn còn có quyền tự giết mình, hai là nỗi đau này sẽ không kéo dài quá ba ngày. Điều sau anh biết rõ qua kinh nghiệm bản thân.

Nằm một chốc, anh đứng dậy, bẻ bẻ tay, rồi không đi từ góc này sang góc khác trong phòng như lệ thường, mà đi theo hình vuông, men ven tường. Anh thoáng nhìn mình trong gương. Mặt anh nhợt nhạt, hốc hác đi, thái dương lõm vào, lưỡng quyền nhô lên, đôi mắt trông to hơn, đen hơn, trông dại hẳn đi như không phải là mắt anh nữa và lộ rõ một nỗi đau bên trong không sao chịu nổi.

Vào buổi trưa, chàng họa sĩ đến gõ vào cửa phòng anh.

- Grigôri, cậu có nhà không đấy? - anh ta hỏi.

Không nghe thấy tiếng trả lời, chàng họa sĩ đứng chờ một lát nghĩ ngợi điều gì rồi tự trả lời cho mình bằng tiếng Ucraina:

- Khôông cố nhà. Chắc thằng tểu ló đi vào trường tại hôộc rồi...

Và anh ta bỏ đi. Vaxilép nằm xuống giường, chui đầu xuống dưới gối và khóc nức nở vì đau đớn, nước mắt càng trào ra bao nhiêu thì nỗi đau trong lòng anh càng đáng sợ hơn bấy nhiêu. Khi trời tối xuống, anh lại nhớ đến cái đêm đầy khổ ải đang chờ anh, và anh cảm thấy tuyệt vọng ghê gớm. Anh vội mặc quần áo vào, để ngỏ cửa, chạy khỏi phòng mình, cửa mở toang, rồi cứ thế đi ra ngoài phố không mục đích, không để làm gì hết. Không tự hỏi mình rằng sẽ đi đâu, anh rảo bước theo phố Xađôvaia.

Tuyết vẫn rơi như hôm qua, tiết trời trở ấm. Xỏ tay vào trong ống tay áo, anh run rẩy sợ hãi từng tiếng chuông của xe ngựa, tiếng giày người bộ hành gõ xuống mặt đường; anh đi dọc phố Xađôvaia đến tháp Xukharép, sau đó đến Krátxnưê Vôrôta rồi từ đấy rẽ qua phố Baxmannaia. Anh rẽ vào tiệm rượu uống một cốc vại vốtka nhưng không vì thế mà cảm thấy dễ chịu hơn. Đi đến quảng trường Radgulai, anh rẽ sang phải và bước trên những ngõ phố mà trước đây anh chưa từng đặt chân đến. Anh đi tới tận chiếc cầu cũ kỹ bắc qua sông Iauda, từ đó có thể nhìn thấy rõ những dãy cửa sổ sáng ánh đèn của trại lính Krátxnưê. Để xua đuổi nỗi đau trong lòng bằng một cảm giác mới lạ hoặc là bằng một nỗi đau khác, không biết làm thế nào khác nữa, Vaxilép vừa khóc vừa run rẩy cởi cúc áo bành tô, cởi cúc áo trong và phanh ngực trần ra trước gió tuyết lạnh ẩm ướt. Nhưng mà cả điều này nữa cũng không làm nỗi đau dịu bớt. Lúc ấy anh vươn người ra ngoài lan can cầu và nhìn xuống phía dưới, nhìn xuống dòng sông Iauda cuồn cuộn nước màu đen sẫm, và anh muốn đâm đầu xuống đấy, không phải vì kinh tởm cuộc sống, không phải để tự tử, mà chỉ là để tự làm thương tổn thân thể mình, tìm một nỗi đau mới để xua đuổi nỗi đau đang dằng xé lòng anh. Nhưng dòng nước đen sẫm, bóng tối dày đặc, những bờ đất trơ trọi ven sông phủ tuyết - tất cả đều thật đáng sợ. Anh rùng mình và cất bước đi tiếp. Anh đi qua bên trại lính Krátxnưê, quay ngược trở lại, rẽ xuống một cánh rừng, rồi lại bước lên cầu...

“Thôi, về nhà thôi, về nhà thôi! - anh nghĩ. - Có lẽ ở nhà sẽ dễ chịu hơn

Và anh quay lại. Về đến nhà, anh trút bỏ chiếc áo bành tô đẫm tuyết ướt, quăng mũ ra rồi đi quanh phòng men theo tường, và cứ đi như thế không biết mệt cho đến sáng.

VII.

NGÀY HÔM SAU, khi chàng họa sĩ và anh sinh viên y khoa đến nhà anh, thì đã thấy anh mặc chiếc áo sơ mi rách bươm, môi cắn tím bầm đang vội vã, quay cuồng bước đi trong phòng, miệng rên rỉ đau đớn.

- Lạy trời! - anh nức nở òa lên, khi nhìn thấy các bạn đến. - Các cậu làm ơn dẫn mình đi đâu thì dẫn, làm gì mình thì làm, mau mau cứu mình với. Không mình đến tự sát mất!

Chàng họa sĩ tái mặt, hoảng hốt. Anh sinh viên y khoa cũng suýt nữa thì khóc, nhưng rồi nghĩ rằng, ở mọi trường hợp trong cuộc đời, người làm nghề y phải tỏ ra bình tĩnh, nghiêm nghị, nên anh lấy giọng lạnh lùng nói:

- Đấy là cậu bị lên cơn bệnh thần kinh đấy. Nhưng không sao đâu. Ta cùng đi đến chỗ bác sĩ ngay bây giờ thôi.

- Cậu muốn dẫn mình đi đâu tùy ý, chỉ làm ơn dẫn nhanh cho!

- Cậu đừng quá xúc động. Cần phải tự kiềm chế mình chứ!

Chàng họa sĩ và anh sinh viên y khoa tay run run mặc áo vào cho Vaxilép rồi dẫn anh ra ngoài phố.

- Bác sĩ Mikhain Xerghêíts từ lâu đã muốn làm quen với cậu, - lúc ra đến đường phố, anh sinh viên y khoa nói. - Ông ấy là một người rất đáng yêu và rất thạo nghề mình làm. Ông tốt nghiệp y khoa năm 1882, kinh nghiệm chữa bệnh rất phong phú. Đối xử với sinh viên rất bình đẳng, thân mật.

- Đi nhanh lên thôi, nhanh lên thôi... - Vaxilép giục

Mikhain Xerghêíts, một vị bác sĩ người béo, tóc màu vàng, đã tiếp mấy bạn sinh viên một cách lịch sự, trịnh trọng, lạnh lùng và chỉ cười nhếch một bên mép.

- Anh họa sĩ và anh Maierơ đã nói với tôi về bệnh trạng của anh, - ông ta nói. - Tôi rất hân hạnh được thăm bệnh cho anh. Thế nào? Bây giờ thì xin anh ngồi xuống một chút nhé...

Ông để Vaxilép ngồi vào một chiếc ghế bành tô đặt sát bàn và đẩy hộp thuốc lá về phía anh.

- Thế đấy? - ông nói, đặt hai tay trên đùi mình xoa xoa. - Bây giờ bắt đầu... Anh bao nhiêu tuổi rồi?

Ông ta đặt câu hỏi, còn anh sinh viên y khoa thì trả lời. Ông hỏi, trước kia bố của Vaxilép có mắc phải bệnh tật gì đặc biệt không, có nghiện rượu một thời gian dài không, tính tình có dữ tợn quá không hay có trái tính trái nết gì không. Ông cũng đặt những câu hỏi như thế về ông nội, mẹ, anh chị em. Biết được rằng mẹ anh có giọng hát rất hay và đã từng đóng kịch trong rạp, ông bỗng hào hứng hẳn lên và hỏi tiếp:

- Xin lỗi, anh có thể nhớ lại xem sân khấu có phải là một say mê lớn của mẹ anh không?

Chừng hai mươi phút trôi qua, Vaxilép cảm thấy tẻ ngắt khi bác sĩ vẫn vừa xoa xoa đầu gối vừa hỏi đi hỏi lại mãi một vài điều.

- Thưa bác sĩ, theo như tôi hiểu, - anh nói, - thì có lẽ là, đặt những câu hỏi ấy, ông muốn tìm xem rằng căn bệnh của tôi có phải là đã được di truyền hay không. Căn bệnh của tôi không phải là do di truyền đâu.

Tiếp đó bác sĩ hỏi Vaxilép rằng, hồi nhỏ anh có mắc tật bệnh nào bí ẩn không, có bị tổn thương hộp sọ bao giờ không, có yêu đương, khát vọng, thiên hướng gì độc đáo, khác thường không. Đối với chừng một nửa số câu hỏi mà các vị bác sĩ tận tình vẫn thường đặt ra, có thể không cần trả lời mà không sợ phương hại gì đến việc thăm bệnh, nhưng vẻ mặt bác sĩ và anh sinh viên y khoa thì lại ra chiều chăm chú đến nỗi trông chừng như nếu Vaxilép không trả lời dù chỉ một câu hỏi thôi thì mọi việc sẽ hỏng hết. Khi nghe trả lời, bác sĩ ghi lại trong cuốn số của mình không hiểu để làm gì. Biết rằng Vaxilép đã tốt nghiệp về khoa học tự nhiên và bây giờ đang theo học luật, ông tỏ vẻ tư lự, đăm chiêu...

- Hồi năm ngoái, Vaxilép đã viết một bản luận văn xuất sắc... - anh sinh viên y khoa nói.

- Xin lỗi, đề nghị anh đừng nói chen ngang, ngăn trở tôi tập trung, - bác sĩ nói và nhếch mép cười. - Phải rồi, điều đó tất nhiên là sẽ có ảnh hưởng đến việc tìm hiểu bệnh lịch. Thế là đã có một sự lao động trí óc căng thẳng, quá mệt mỏi... Phải rồi, phải rồi... Anh có thường hay uống rượu không? - ông quay sang Vaxilép.

- Ít uống lắm.

Lại hai mươi phút nữa trôi qua. Anh sinh viên y khoa bắt đầu thì thầm nói với bác sĩ ý kiến riêng của mình về những nguyên nhân trực tiếp đã làm cho Vaxilép bị lên cơn bệnh thần kinh, anh kể cho bác sĩ biết rằng ngày hôm kia Vaxilép cùng với anh và chàng họa sĩ đã đi chơi ngõ X.

Cái giọng lạnh lùng, lãnh đạm mà bạn bè và vị bác sĩ đang nói về những người phụ nữ và ngõ phố bất hạnh kia đã làm Vaxilép hết sức kinh ngạc...

- Thưa bác sĩ, xin bác sĩ hãy chỉ trả lời cho tôi biết một điều thôi, - Vaxilép nói, cố kìm mình lại cho giọng khỏi trở nên gay gắt, - mãi dâm có phải là một điều ác không?

- Anh bạn thân mến ơi, nhưng mà có ai phản đối điều đó đâu kia chứ! - bác sĩ nói với vẻ mặt như là từ lâu lắm ông đã tự giải đáp cho mình tất cả những vấn đề này. - Ai phản đối mới được chứ?

- Ông là bác sĩ tâm thần phải không? - Vaxilép hỏi với giọng bốp chát.

- Phải rồi, tôi là bác sĩ tâm thần.

- Có thể rằng tất cả các ông đều đúng cả! - Vaxilép nói và đứng dậy đi đi lại lại trong phòng từ góc này sang góc kia. - Có lẽ thế thật! Nhưng mà đối với tôi, tất cả cái đó thật đáng kinh ngạc. Tôi theo học hai khoa - người ta coi đó là kỳ tích ghê gớm; tôi viết ra một bản luận văn mà ba năm sau sẽ bị quên đi và xếp xó - thì người ta tâng bốc tôi lên tận mây xanh; còn khi tôi không thể nói đến những người đàn bà sa đọa với giọng dửng dưng như nói đến cái bàn, cái ghế này, thì người ta cho tôi là điên loạn, mất trí, người ta chữa cho tôi và thương hại tôi!

Bất giác Vaxilép bỗng cảm thấy trào lên một niềm thương cảm vô hạn cho bản thân mình, cho bạn bè mình, cho tất cả những ai mà anh đã thấy ngày hôm kia, cho cả vị bác sĩ này; anh òa lên khóc và ngã xuống ghế bành.

Bạn bè anh đưa mắt nhìn bác sĩ vẻ dò hỏi. Vị bác sĩ ra chiều rất hiểu những giọt nước mắt cùng nỗi tuyệt vọng như thế, ông muốn tỏ ra là chuyên gia thành thạo về những trường hợp như vậy; ông bước lại gần bên Vaxilép và im lặng đưa cho anh uống thuốc gì đấy, rồi sau đó khi anh đã bình tâm trở lại, ông từ từ cởi áo ngoài của anh và quay sang nghiên cứu độ nhạy cảm trên da anh, xem xét phản xạ đầu gối và nhiều điều khác nữa.

Và Vaxilép cảm thấy dễ chịu. Khi ra khỏi nhà vị bác sĩ, anh đã bắt đầu thấy ngượng ngùng, tiếng bánh xe lăn không làm anh tức tối, trái tim anh mỗi lúc một nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn, hệt như tảng đá đè nặng lên đó đã rơi đâu mất. Tay anh cầm hai đơn thuốc: một đơn ghi kali bromua, còn đơn kia là thuốc moócphin... Cả hai thứ này trước đây anh đã uống nhiều lần.

Ra đến phố, anh dừng lại một lát, nghĩ ngợi, chia tay với bạn bè, rồi uể oải lững thững bước về phía trường đại học.