Iônứts - Chương 3 - 4 -5

III.

TỐI HÔM SAU anh đến nhà Turkin để ngỏ lời cầu hôn. Nhưng chuyện đó xem ra không thích hợp lắm vì lúc ấy một người thợ uốn tóc đang sửa mái tóc cho Êkaterina Ivanốpna trong phòng của nàng. Nàng đang sửa soạn đi dự vũ hội.

Anh đành phải ngồi rất lâu trong phòng ăn và uống trà. Thấy khách có vẻ chán chường, ưu tư, Ivan Pêtơrơvíts rút trong túi áo gilê một mảnh giấy rồi đọc to bức thư nghe rất buồn cười của một quản gia người Đức, bức thư nói rằng trong trang ấp các khóa cửa đều bị hỏng, tức tường bị đổ(10).

“Của hồi môn họ cho cô ấy chắc cũng khá đấy”, - Xtarxép vừa nghĩ vừa lơ đãng nghe ông già đọc thư.

Sau một đêm mất ngủ, anh ở trong tâm trạng thảng thốt, hệt như toàn thân anh chứa những gì dịu ngọt, đê mê; lòng anh thấy mơ màng nhưng ấm áp, vui vui, đồng thời trong tâm trí anh hiện ra một ý nghĩ lạnh lùng, nặng nề:

“Dừng lại thôi, khi còn chưa muộn! Liệu nàng có xứng đôi với anh không? Nàng được chiều chuộng, tính tình đỏng đảnh, ngủ đến 2 giờ trưa mới dậy, còn anh chỉ là con một người tu sĩ, một bác sĩ ăn lương nhà nước ở hội đồng tự quản...”

“Thế thì sao? - anh nghĩ. - Cứ cho là thế đã sao”.

“Thêm nữa, nếu anh lấy cô ta, - ý nghĩ lạnh lùng kia lại suy đoán tiếp, - thì bố mẹ cô ấy sẽ bắt anh bỏ nghề ở Đialigiơ để sống nơi thành phố”.

“Thế thì sao? - anh nghĩ. - Thì cứ sống ở thành phố đã sao. Cô ta sẽ có của hồi môn, rồi mình lo liệu được tất...”

Cuối cùng Êkatêrina Ivanốpna bước vào phòng ăn, mặc áo dài vũ hội hở vai. Trông nàng thật đẹp và thanh khiết. Xtarxép nhìn ngắm nàng say sưa, ngây ngất đến nỗi không nói được một lời nào, chỉ biết nhìn nàng và mỉm cười.

Nàng chào mọi người để đi dự vũ hội. Chẳng còn lý do gì để ở lại đấy, Xtarxép đứng dậy nói rằng đã đến lúc anh phải về nhà, ở đó bệnh nhân đang đợi anh.

- Thôi được rồi, - Ivan Pêtơrơvíts nói, - anh về đi, nhân tiện anh đưa Kôchích đến câu lạc bộ nhé!

Ngoài sân mưa lất phất rơi, trời tối đen như mực, chỉ nhờ nghe tiếng ho húng hắng của lão Pantêlâymôn mới đoán được ngựa đứng ở đâu. Mui xe được kéo lên.

Ivan Pêtơrơvíts đỡ con gái ngồi lên xe và nói:

- Thôi đi đi! Chào tạm biệt!...

Xe ngựa chạy ra khỏi sân.

- Hôm qua tôi có ra nghĩa địa đấy, - Xtarxép bắt đầu nói. - Cô đã không độ lượng, từ tâm với tôi...

- Anh ra nghĩa địa ư?

- Vâng tôi đã ra đấy và chờ cô đến gần hai giờ đêm. Tôi đã đau khổ...

- Anh cứ việc đau khổ đi, nếu anh không hiểu được những chuyện đùa.

Êkatêrina Ivanốpna cảm thấy mãn nguyện rằng đã ranh mãnh trêu đùa người yêu mình, đã được yêu say đắm đến thế. Nàng cười phá lên nhưng bất thần nàng sợ hãi kêu lên vì đúng vào lúc ấy ngựa chạy quặt vào cổng câu lạc bộ và chiếc xe bị nghiêng sang một bên. Xtarxép ôm ngang lưng Êkatêrina Ivanốpna; còn nàng thì hoảng sợ áp sát vào anh. Không kìm mình được, Xtarxép nồng nàn hôn lên môi, lên cằm và ghì chặt lấy nàng.

- Thôi đủ rồi, - nàng nói khô khan.

Và chỉ thoáng sau nàng đã không còn trên xe. Người cảnh sát đứng gần lối vào sáng ánh đèn của câu lạc bộ cất giọng ghê tởm quát lão Pantêlâymôn:

- Ê, thằng chết tiệt kia, sao lại đỗ xe đây hở? Đánh xe đi ngay!

Xtarxép trở về nhà, nhưng ít lúc sau lại quay lại. Anh mặc bộ cánh đuôi tôm mượn của người khác, thắt chiếc cà vạt màu trắng cứng mà vẫn cộm lên và lúc nào như cũng muốn tuột ra khỏi cổ áo. Đến nửa đêm, anh ngồi trong phòng khách câu lạc bộ và say sưa nói với Êkatêrina Ivanốpna:

- Ô, những người chưa từng yêu biết thật là ít. Tôi có cảm tưởng rằng chưa ai mô tả đúng tình yêu, và kể cũng khó mà mô tả được tình cảm dịu dàng, sung sướng, đau khổ ấy. Nếu có ai dù chỉ một lần nếm trải cảm giác đó thì người ấy sẽ không lấy lời nói mà diễn tả lại. Việc gì phải mào đầu, phải diễn tả? Việc gì phải nói những lời mỹ miều? Tình yêu của tôi là không cùng... Tôi xin cô, tôi van cô, - cuối cùng Xtarxép mới thốt lên, - tôi ao ước cô thành vợ tôi.

- Anh Đơmitơri Iônứts ạ, - Êkatêrina Ivanốpna nghĩ một lát rồi nói với vẻ rất nghiêm trang. - Anh Đơmitơri Iônứts, tôi rất biết ơn anh về tình cảm tốt đẹp ấy, tôi kính trọng anh, nhưng... - nàng đứng dậy và nói tiếp, - nhưng, anh thứ lỗi cho, tôi không thể làm vợ anh được. Chúng ta sẽ nói chuyện nghiêm chỉnh với nhau. Anh Đơmitơri Iônứts ạ, anh biết đấy, tôi yêu nghệ thuật hơn mọi thứ trên đời này, tôi yêu, tôi sùng bái âm nhạc đến mất trí, tôi muốn hiến cả đời mình cho âm nhạc. Tôi muốn trở thành nghệ sĩ, tôi thèm được có vinh quang thành tích, thèm được tự do, còn anh thì lại muốn tôi tiếp tục sống trong thành phố này, tiếp tục cuộc sống trống rỗng, vô bổ này, cuộc sống mà tôi đã không thể nào chịu nổi. Làm vợ ư? Ồ không, xin lỗi anh! Con người cần phải hướng tới một cái đích cao cả, xán lạn, thế mà cuộc sống gia đình thì lại có thể trói buộc tôi suốt đời. Anh Đơmitơri Iônứts ạ (nàng hơi mỉm cười khi nói cái tên ấy vì chợt nhớ đến tên “Alếchxây Phêôphilắctứts”), anh Đơmitơri Iônứts ạ, anh là một người phúc hậu, cao thượng, thông minh, anh tốt đẹp hơn tất cả mọi người... - nước mắt rưng rưng trong khóe mắt nàng, - tự đáy lòng, tôi rất thông cảm với anh, nhưng... nhưng anh hãy biết cho rằng...

Để khỏi khóc òa, nàng quay mặt lại và bỏ ra khỏi phòng khách.

Tim Xtarxép không còn hồi hộp đập nữa, rời khỏi câu lạc bộ, việc đầu tiên anh làm là giật chiếc cà vạt cứng ra khỏi cổ áo và hít thở một hơi dài. Anh cảm thấy hơi ngượng ngùng, lòng tự ái của anh bị xúc phạm, anh không ngờ lại bị từ chối như vậy, không thể tin được rằng tất cả ước mơ, khổ đau và hi vọng của anh lại dẫn anh đến một kết cục ngu xuẩn như vậy, hệt như trong một vở kịch nhỏ trên sân khấu nghiệp dư. Anh thấy thương cho tình cảm của mình, tình yêu của mình, thương đến mức tưởng như có thể òa lên khóc hay lấy hết sức mà cầm ô đập vào cái lưng to bè bè của lão Pantêlâymôn.

Ba ngày liền anh không làm được việc gì, không ăn, không ngủ, nhưng đến khi nghe nói rằng Êkatêrina Ivanốpna đã lên Maxcơva để thi vào nhạc viện thì anh thấy yên lòng trở lại và lại bắt đầu sống như xưa.

Sau này thỉnh thoảng mỗi khi chợt nhớ lại lúc thơ thẩn trong nghĩa hay lúc đi khắp thành phố để kiếm một cái áo đuôi tôm, Xtarxép uể oải vươn mình và nói:

- Thế mà cũng lắm điều phiền toái!

IV.

BỐN NĂM TRÔI QUA. Ở thành phố, Xtarxép đã khám bệnh cho nhiều người. Sáng sáng anh vội vã tiếp bệnh nhân ở Đialigiơ, sau đó anh đi tới các bệnh nhân trên thành phố, không phải bằng xe song mã mà bằng xe tam mã có chuông rung và đến khuya mới về lại nhà. Người anh béo ra, phát phì lên, không còn thích đi bộ vì bị khó thở. Cả Pantêlâymôn cũng phát phì, lão càng to ngang ra thì lại càng thở dài thườn thượt hơn và than vãn cho số phận cay đắng của mình: lão phát khổ phát sở lên vì suốt ngày phải đánh xe đi!

Xtarxép đến nhiều nhà khác nhau, gặp đủ hạng người, nhưng anh chẳng gần gũi với ai cả. Đám người phàm tục mà anh tiếp xúc chỉ làm anh khó chịu qua những câu chuyện của họ, qua lối nghĩ về cuộc sống hay chỉ vì hình dáng của họ. Kinh nghiệm dần dà dạy anh rằng, khi anh đánh bài hay ăn điểm tâm với một kẻ phàm tục thì hắn tỏ ra là một người ôn hòa, khoan dung thậm chí cũng không đến nỗi đần; nhưng chỉ cần chuyển sang nói với hắn về một cái gì đó không ăn được như về chính trị hay khoa học chẳng hạn thì lập tức hắn bị bí và tuôn ra một thứ ngu si và độc ác đến mức chỉ còn biết khoát tay mà tránh xa. Khi Xtarxép thử bắt chuyện với một kẻ phàm tục thậm chí mang danh là cấp tiến chẳng hạn như về điều rằng nhân loại, nhờ trời, đang tiến lên phía trước và tương lai sẽ không cần phải có chứng minh thư, không có các án tử hình, thì kẻ phàm tục liếc nhìn anh với vẻ hoài nghi và hỏi: “Thế nghĩa là đến lúc ấy, người ta có thể cắt cổ bất kỳ ai ngoài phố à?” Khi bạn bè tụ tập ăn tối hay uống trà và Xtarxép nói rằng cần phải lao động, không thể sống mà không lao động thì mọi người lầm tưởng đó là lời trách móc; họ nổi cáu và hăng hái cãi lại. Tuy thế bọn họ quả thực đều không làm gì, không làm một chút gì, không quan tâm đến một việc gì, và không sao có thể nghĩ được điều gì để nói chuyện với bọn họ. Xtarxép thường tránh bắt chuyện, anh chỉ ăn và đánh bài. Nếu tình cờ ghé vào nhà nào đang có lễ lạt và được mời ăn, thì Xtarxép ngồi xuống lặng lẽ ăn, mắt nhìn xuống đĩa. Tất cả những gì người ta nói với nhau vào lúc ấy đều tẻ nhạt, vô nghĩa, ngu xuẩn; điều đó làm anh cảm thấy khó chịu, bực bội, nhưng anh chỉ im lặng. Vì anh hay nghiêm nghị ngồi im mà nhìn xuống đĩa thức ăn nên người ta gọi anh là “người Ba Lan khó đăm đăm”, mặc dù anh chẳng bao giờ là người Ba Lan cả.

Anh tránh xem các trò giải trí như hòa nhạc, sân khấu, nhưng tối nào cũng đánh bài rất say sưa đến chừng ba giờ đêm. Còn có một thú vui nữa mà anh thấy quen dần ấy là cứ tối tối rút từ các túi ra những tờ giấy bạc kiếm được do đi khám bệnh. Có khi anh đếm được chừng bảy mươi rúp giấy bạc nhét khắp các túi, những tờ giấy bạc màu vàng, màu xanh tỏa đủ thứ mùi - mùi nước hoa, mùi giấm, mùi trầm hương hay dầu cá... Khi gom góp được vài trăm rúp, anh đem gửi vào tài khoản vãng lai của Hội tương trợ tín dụng.

Trong vòng bốn năm từ sau khi Êkatêrina Ivanốpna đi khỏi, anh đến thăm nhà Turkin chỉ có hai lần, theo lời mời của Vêra Iôxipốpna - bà vẫn tiếp tục phải chữa bệnh đau đầu. Hè nào Êkatêrina Ivanốpna cũng về thăm bố mẹ, nhưng anh không có dịp nào gặp nàng.

Thế rồi bốn năm đã trôi qua. Vào một buổi sáng im lặng, ấm áp, người ta đem đến bệnh viện cho anh một bức thư. Vêra Iôxipốpna viết cho Đơmitơri Iônứts rằng bà ta rất nhớ anh, mong anh thế nào cũng ghé thăm làm khuây khỏa nỗi khổ của bà rồi nói thêm hôm nay là ngày sinh nhật của bà. Phía dưới thấy dòng chữ đề thêm: “Tôi cũng tán thành lời yêu cầu của mẹ. K.”.

Xtarxép nghĩ ngợi một lát rồi buổi tối lên xe đi đến nhà Turkin.

- A, xin chào anh! - Ivan Pêtơrơvíts đón anh, nheo mắt cười. - Xin chào anh.

Vêra Iôxipốpna già đi nhiều, tóc bạc trắng. Bà bắt tay Xtarxép, thở dài đầy kiểu cách rồi nói:

- Bác sĩ chẳng ngó ngàng gì đến tôi cả, chẳng chịu đến nhà tôi, với anh tôi đã quá già rồi mà. Nhưng đấy anh xem, có người khác trẻ hơn tôi đã về đấy, nó chắc sẽ may mắn hơn tôi.

Còn Kôchích thì sao? Cô gầy đi, nước da nhợt nhạt, trông đẹp hơn, thon thả cân đối hơn. Nhưng đó không phải là Kôchích năm xưa nữa mà chỉ là Êkatêrina Ivanốpna; không còn đâu vẻ tươi mát, ngây thơ năm nào nữa. Trong ánh mắt, trong từng cử chỉ chứa đựng một điều gì mới mẻ - e ngại và như có lỗi, hệt như ở đây, trong nhà của gia đình Turkin nàng cảm thấy mình là người xa lạ.

- Bao xuân qua đông lại rồi anh nhỉ! - nàng vừa nói vừa đưa tay ra cho Xtarxép, có thể thấy r rằng tim nàng đang đập hồi hộp; nàng chăm chăm nhìn anh với vẻ hiếu kỳ rồi nói tiếp - Anh béo ra nhiều quá. Anh rám nắng và trông oai vệ lắm, nhưng nói chung là anh cũng ít thay đổi thôi.

Đến bây giờ anh vẫn thấy thích nàng, rất thích nữa là đằng khác, nhưng trong con người nàng còn thiếu một chút gì hay thừa một cái gì đó, tự anh không thể nói được rành rẽ đó là điều gì; có cái gì đấy ngăn cản anh xúc động như trước kia. Anh không thích vẻ nhợt nhạt của nàng, không thích cách nói mới, nụ cười uể oải, giọng nói; lát sau, anh cũng cảm thấy không ưa bộ xiêm áo nàng mặc, chiếc ghế bành nàng ngồi, không thích cái gì đó trong quá khứ, khi mà suýt nữa thì anh đã lấy được nàng. Anh nhớ lại tình yêu của mình, nhớ lại những ước mơ và hy vọng từng xúc động lòng anh bốn năm về trước, và anh cảm thấy lúng túng.

Mọi người uống trà, ăn bánh ngọt. Sau đó bà Vêra Iôxipốpna lại đọc tiểu thuyết của mình; bà ta đọc lên những điều chẳng bao giờ có trong cuộc đời, còn Xtarxép thì ngồi nghe, đưa mắt nhìn mái đầu bạc trắng khá đẹp của bà và chờ xem lúc nào thì bà thôi đọc.

“Kẻ bất tài, - anh nghĩ, - không phải là người không biết viết truyện mà là người viết xong truyện rồi lại không biết giấu nó”.

- Không đến nỗi nào, - Ivan Pêtơrơvíts nói.

Sau đó Êkatêrina Ivanốpna chơi đàn dương cầm hồi lâu, tiếng đàn nghe ầm ĩ; và khi nàng kết thúc, mọi người lại cảm ơn, bày tỏ với nàng sự thán phục hồi lâu.

“Cũng may mà dạo ấy mình không lấy cô ta”, - Xtarxép nghĩ thầm.

Nàng nhìn anh với vẻ như chờ đợi anh mời nàng đi vào vườn chơi, nhưng anh lặng thinh.

- Nào, chúng ta nói chuyện với nhau đi chứ, - nàng vừa tiến gần lại chỗ anh, vừa nói - Anh sống thế nào? Anh có chuyện gì mới không? Suốt thời gian qua, lúc nào tôi cũng nghĩ tới anh, - nàng nói tiếp, giọng xúc động, - tôi đã định gửi thư cho anh, định tự mình đến Đialigiơ thăm anh, tôi đã quyết định đi rồi thì liền đó tôi lại phân vân không biết bây giờ anh đối với tôi thế nào, nên lại thôi. Hôm nay tôi hết sức xúc động đợi anh đến. Chúng ta vào vườn dạo chơi đi.

Họ vào vườn và ngồi xuống chiếc ghế dưới cây phong già như bốn năm về trước. Trời rất tối.

- Độ này anh sống thế nào? - Êkatêrina Ivanốpna hỏi.

- Không đến nỗi nào, sống thế nào xong thôi, - Xtarxép đáp.

Và anh không thể nghĩ thêm điều gì để nói. Cả hai cùng im lặng.

- Tôi thì hồi hộp, - Êkatêrina Ivanốpna nói, lòng bàn tay che lên mặt, - mà anh thì dửng dưng như không. Về đến nhà, tôi cảm thấy thật là nhẹ nhõm, tôi sung sướng được gặp lại mọi người, và vẫn còn bàng hoàng mãi không thôi. Biết bao nhiêu là kỷ niệm. Tôi tưởng rằng chúng ta sẽ nói chuyện với nhau không phút giây nào ngừng đến sáng.

Lúc này anh mới nhìn kỹ gương mặt nàng với đôi mắt sáng; ở đây, trong bóng tối, nàng trông trẻ hơn lúc ngồi trong phòng, thậm chí, dường như vẻ thơ ngây ngày xưa lại trở lại với nàng. Và quả thực là nàng cũng đã nhìn anh với vẻ hiếu kỳ hệt như cố thấy rõ và nhận biết con người trước đây đã yêu nàng nồng nàn đến thế, dịu dàng và bất hạnh đến thế; ánh mắt nàng lộ rõ lòng biết ơn với tình yêu của anh. Anh nhớ lại những gì đã xảy ra, nhớ tới từng chi tiết nhỏ, anh nhớ đã lang thang trong nghĩa địa thế nào, đã mệt mỏi trở về nhà khi gần sáng. Bất giác anh cảm thấy buồn buồn, tiếc thương cho quá khứ. Lòng anh chợt thấy chút gì ấm áp.

- Cô còn nhớ lần tôi đưa cô đến câu lạc bộ không? - anh nói. - Hôm ấy trời mưa và rất tối...

Anh thấy lòng mình dịu lại, anh muốn nói, muốn than vãn với nàng về cuộc sống...

- Ồ! - anh thở dài và nói. - Cô hỏi tôi sống thế nào ư. Chúng ta sống ra sao nào? Chẳng ra sao cả. Chúng ta già đi, béo ra, ngày một đổ đốn. Hết sáng rồi lại đêm, một ngày lại qua, mà cuộc sống thì vẫn trôi đi tẻ nhạt, không để lại một ấn tượng nào, không một ý nghĩ nào... Ban ngày thì kiếm ăn, tối thì lại đến câu lạc bộ, tụ tập với bọn người đánh bài, nghiện rượu, những kẻ tôi không thể nào chịu nổi. Có gì là tốt đẹp đâu?

- Nhưng anh còn có việc làm, còn có mục đích cao thượng trong cuộc sống. Trước đây anh hay nói về nhà thương của mình lắm cơ mà. Còn tôi dạo ấy thật là lạ lùng, tôi tưởng tượng ra mình là một nghệ sĩ dương cầm vĩ đại. Bây giờ thì các cô gái đều chơi đàn dương cầm, tôi cũng chơi đàn như mọi người và tôi cũng chẳng có điều gì đặc biệt hơn người. Tôi chơi đàn cũng như mẹ tôi viết văn vậy thôi. Tất nhiên là dạo ấy tôi đã không hiểu anh, nhưng sau này, khi ở Maxcơva, tôi nghĩ nhiều về anh. Tôi chỉ nghĩ đến anh. Thật là hạnh phúc được làm một bác sĩ giúp đỡ những người đau khổ, phụng sự nhân dân. Thật là hạnh phúc! - Êkatêrina Ivanốpna say sưa nhắc lại. - Ở Maxcơva, khi nghĩ đến anh, tôi đã hình dung ra anh là một người lý tưởng, đầy cao thượng...

Xtarxép chợt nghĩ đến những tờ giấy bạc mà tối tối anh vẫn thích thú lôi ra từ các thứ túi, và cảm giác ấm áp trong lòng anh vụt tắt.

Anh đứng dậy đi về phía nhà. Nàng khoác tay anh.

- Anh là người tốt đẹp nhất mà tôi đã được biết trong cuộc đời, -nàng nói tiếp. - Chúng ta sẽ thường xuyên gặp nhau, phải thế không anh? Anh hứa với tôi đi. Tôi không phải là nghệ sĩ dương cầm, về phần mình tôi không lầm lẫn thế nữa và sẽ không bao giờ chơi đàn, nói tới âm nhạc khi có mặt anh nữa.

Họ vào nhà và khi dưới ánh đèn sáng, Xtarxép nhìn thấy gương mặt nàng, đôi mắt nàng buồn buồn, đầy vẻ biết ơn và dò hỏi đang nhìn anh thì anh cảm thấy ái ngại, băn khoăn. Anh lại nghĩ: “Cũng may mà dạo ấy mình không lấy cô ta”.

Anh cáo từ ra về.

- Anh không được quyền rời khỏi nhà này mà không ăn tối, - Ivan Pêtơrơvíts đưa tiễn anh và nói. - Về phía anh, như vậy là không hay. Nào, Pava, biểu diễn thử xem nào! - ông ta nói với Pava khi ra đến hành lang.

Pava bấy giờ không còn là cậu bé nữa mà là một chàng trai trẻ có ria mép.

Những cảnh ấy làm Xtarxép khó chịu. Ngồi trong xe, nhìn lên ngôi nhà và khu vườn tối sẫm trước đây đã từng xiết bao gần gũi thân thiết với anh, anh chợt nhớ lại tất cả - tiểu thuyết của bà Vêra Iôxipốpna, tiếng đàn dương cầm ầm ĩ của Kôchích, những câu chơi chữ của Ivan Pêtơrơvíts, dáng đứng bi thảm của Pava. Anh nghĩ rằng nếu những người mang tiếng là giỏi giang nhất thành phố này lại bất tài đến thế thì cả thành phố này sẽ còn phải thế nào.

Ba ngày sau, Pava mang đến cho anh bức thư của Êkatêrina Ivanốpna.

“Anh không đến chúng tôi chơi. Vì sao thế? - nàng viết. - Tôi sợ rằng anh đã thay lòng, tôi sợ thế và chỉ thoáng nghĩ đến điều đó tôi đã hoảng sợ. Anh hãy trấn an tôi đi, anh hãy đến và nói rằng, mọi chuyện đều êm đẹp.

Tôi rất cần được nói chuyện với anh. Êkatêrina của anh”.

Đọc xong bức thư, nghĩ ngợi một lát anh nói với Pava:

- Này anh bạn, về nói lại rằng hôm nay ta không đến, ta bận lắm. Nói rằng chừng ba ngày nữa ta sẽ đến.

Nhưng ba ngày, rồi một tuần trôi qua, mà anh vẫn không đến. Có lần, khi đi qua nhà Turkin, anh chợt nhớ rằng nên ghé vào một lát, nhưng nghĩ lại rồi thôi.

Và không bao giờ anh đến nhà Turkin nữa.

V.

VÀI NĂM NỮA QUA. Xtarxép càng béo, càng phệ ra, thở nặng nhọc, khi đi đầu hơi ngả ra phía sau. Khi anh ta đi trên xe tam mã gắn chuông rung, mặt mày đỏ gay, người béo phệ và đằng trước là lão Pantêlâymôn, cũng béo phệ, đỏ gay, gáy nung núc những thịt, tay giơ ra phía trước thẳng như khúc gỗ, miệng quát người đi đường: “Nép vào bên phải!”, thì cái cảnh ấy trông thật oai vệ: có cảm tưởng rằng đang đi trên xe không phải là người mà là một vị thần của đạo ngẫu tượng. Anh có rất nhiều bệnh nhân ở khắp thành phố, chẳng lúc nào hết việc mà nghỉ ngơi đôi chút, đã có trang ấp riêng và hai ngôi nhà cho thuê ở thành phố. Tuy nhiên anh vẫn đang tìm thêm ngôi nhà thứ ba, cho thuê tiện lợi hơn. Khi ở Hội tương trợ tín dụng người ta nói tới một ngôi nhà nào sắp bán là anh chẳng nể nang gì đi thẳng đến nhà ấy, qua khắp các phòng, không thèm để ý tới điều rằng đàn bà, trẻ con trong nhà còn chưa kịp ăn vận quần áo tử tế và đang ngạc nhiên, lấm lét nhìn anh ta. Anh gõ gõ đầu gậy vào từng cánh cửa và hỏi:

- Buồng làm việc đây à? Hay buồng ngủ? Còn kia là buồng gì?

Những lúc ấy anh khó nhọc thở và lấy khăn lau mồ hôi trên trán.

Anh rất nhiều việc, nhưng vẫn không từ bỏ chức bác sĩ ăn lương; lòng tham thúc giục anh vừa muốn làm cả hai việc, ở cả hai nơi. Ở Đialigiơ và trên thành phố, dân chúng chỉ đơn giản gọi anh ta là Iônứts: “Iônứts đi đâu đấy?” hoặc: “Có nên mời Iônứts đến họp Hội đồng giám định y khoa không?”

Chắc vì mỡ đầy lên ở họng nên giọng nói của anh cũng thay đổi, trở nên the thé, chói tai. Tính tình cũng thay đổi: khó tính và hay cáu gắt. Khi tiếp bệnh nhân, anh thường cáu kỉnh, nôn nóng đập đập gậy xuống sàn nhà và quát lên bằng cái giọng chát chúa của mình:

- Xin trả lời vào câu hỏi cho. Đừng huyên thuyên nữa!

Anh ở một mình, sống buồn tẻ, không quan tâm đến điều gì cả.

Trong suốt cả thời gian ở Đialigiơ, tình yêu đối với Kôchích đã là niềm vui duy nhất và chắc là niềm vui cuối cùng của anh. Tối tối, anh đánh bài ở câu lạc bộ, sau đó ngồi ăn một mình bên chiếc bàn to tướng. Dọn thức ăn cho anh là Ivan, người hầu bàn cao tuổi và lành nghề nhất. Người ta đem rượu nho lafit No.17 cho anh. Và tất cả mọi người, từ chủ câu lạc bộ cho đến đám hầu bàn, đầu bếp, đều biết anh thích gì, không ưa cái gì. Họ đều cố sức làm vừa lòng anh, nếu không anh lại bất thần nổi cáu và sẽ lại đập gậy xuống sàn.

Khi đang ăn tối, cũng có lúc anh quay sang nói góp vào câu chuyện của mấy người ngồi cạnh:

- Các anh nói gì vậy? Nói đến ai thế

Cũng có khi nghe mấy người ngồi bàn bên cạnh nói về gia đình Turkin thì anh cất tiếng hỏi:

- Các anh nói về gia đình Turkin nào thế? Có phải về gia đình có cô gái đánh đàn dương cầm không?

Đấy là tất cả những gì có thể kể về anh ta.

Còn gia đình Turkin thì sao? Ivan Pêtơrơvíts hầu như không già đi, chẳng thay đổi gì, vẫn ham trò chơi chữ và kể chuyện tiếu lâm như xưa; Vêra Iôxipốpna vẫn đọc tiểu thuyết của mình cho các vị khách với niềm thích thú như xưa. Còn Kôchích ngày nào cũng chơi đàn dương cầm đến chừng bốn giờ đồng hồ. Nàng già đi rất nhanh, ốm đau luôn và mùa thu nào cũng cùng mẹ đi nghỉ ở Krưm. Ivan Pêtơrơvích tiễn hai mẹ con ra ga và khi đoàn tàu chuyển bánh, ông lau nước mắt, gọi với theo:

- Tạm biệt nhé!

Và vẫy vẫy khăn.

___________

10. Trong văn bản người Ðức viết không đúng tiếng Nga.