Vợ người du hành thời gian - Phần I - Chương 09 phần 1

Giáng sinh, ba

Thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, 24, 25, 26/12/1991 (Clare 20 tuổi, Henry 28 tuổi)

CLARE: 8 giờ 32 phút sáng ngày 24 tháng Mười Hai, tôi và Henry đang trên đường đến biệt thự Sáo Bắc Mỹ cho kỳ nghỉ Giáng Sinh. Hôm nay là một ngày sáng đẹp, ở Chicago lúc này không có tuyết, nhưng ở Nam Haven, tuyết rơi dày sáu inch. Trước khi lên đường, Henry đã dành thời gian bảo trì xe, kiểm tra lốp và nhìn cả vào đầu máy. Tôi không nghĩ anh ấy biết mình đang nhìn gì một chút nào. Xe của tôi là một chiếc Honda Civic năm 1990 màu trắng đáng yêu, và tôi rất thích nó, nhưng Henry cực kỳ ghét đi xe, đặc biệt là những chiếc xe nhỏ. Anh ấy là một hành khách khó tính, lúc nào cũng bám chặt lấy tay vịn trên ghế và đạp thắng mỗi khi chúng tôi vượt qua xe ai đó. Có lẽ anh ấy sẽ bớt sợ nếu có thể cầm lái, nhưng vì một số lý do hiển nhiên, Henry không có bằng lái. Vậy nên chúng tôi rong ruổi dọc cao tốc Indiana trong ngày mùa đông đẹp trời này; tôi thì điềm tĩnh và mong đợi được gặp gia đình, còn Henry thật vô phương cứu chữa. Chưa kể sáng nay anh ấy đã không tập chạy; tôi nhận ra rằng Henry cần một lượng lớn hoạt động thân thể mọi lúc để có thể trở nên vui vẻ. Giống như thể đi chơi cùng chó săn nhỏ. Ở bên Henry trong thời gian thực thật khác. Khi tôi còn nhỏ, Henry đến rồi đi, và những lần chúng tôi gặp mặt đều tập trung, kịch tính và đáng lo nghĩ. Có rất nhiều điều Henry đã chẳng nói cho tôi, và hầu hết mọi thời gian anh ấy không chịu để tôi lại gần, nên tôi luôn có cảm giác không thỏa mãn mãnh liệt. Khi cuối cùng cũng tìm được anh ấy ở hiện tại, tôi những tưởng nó cũng sẽ như vậy. Nhưng không, nó tuyệt hơn nhiều, ở nhiều mặt. Điểm đầu tiên và quan trọng nhất là thay vì từ chối đụng vào tôi, Henry lại không ngừng chủ động lại gần, hôn tôi và quan hệ cùng tôi. Tôi cảm thấy như mình đã trở thành một con người khác, một người được tắm trong hồ nước của dục vọng. Và anh ấy kể cho tôi nghe nhiều thứ. Bất kể điều gì tôi hỏi anh ấy về bản thân, cuộc sống và gia đình, anh ấy đều kể cho tôi nghe, với đầy đủ tên, địa chỉ, và ngày tháng. Những điều đã có vẻ kì bí khi tôi còn là một đứa trẻ giờ đây trở nên hoàn toàn hợp lý. Nhưng điều tuyệt vời hơn hết thảy là tôi được gặp anh trong khoảng thời gian dài - hàng giờ, hàng ngày. Tôi biết phải tìm anh ở đâu. Anh ấy đi làm, rồi trở về nhà. Đôi lúc, tôi mở sổ địa chỉ ra và cứ nhìn đăm đăm vào: Henry DeTamble, 714 Dearborn, lie, Chicago, IL 60610, 312-431-8313. Họ tên, địa chỉ và số điện thoại. Tôi có thể gọi điện cho anh.  Đây là một phép màu. Tôi cảm thấy như Dorothy, khi ngôi nhà của cô ấy hạ cánh xuống Oz và thế giới chuyển sang chỉ có màu trắng và đen. Chúng tôi không còn ở Kansas nữa.

Thực tế, chúng tôi đang chuẩn bị vào tới Michigan, và có một trạm nghỉ phía trước. Tôi tấp xe vào bãi đỗ, rồi chúng tôi ra ngoài và duỗi tay chân. Chúng tôi bước vào trong tòa nhà, có nhiều bản đồ, tờ rơi cho khách du lịch, và một dãy dài những chiếc máy bán hàng tự động.

“Ồ”, Henry nói. Anh ấy lại gần và xem xét đống đồ ăn tạp nhạp, rồi bắt đầu đọc bộ sách quảng cáo. “Hãy đi đến Frankenmuth nhé! 365 ngày Giáng Sinh mỗi năm! Chúa ơi, anh sẽ tự mổ bụng chỉ sau nửa giờ đồng hồ ở đó. Em có tiền lẻ không?”

Tôi tìm thấy một nắm tiền lẻ ở đáy túi xách và chúng tôi hân hoan dùng chúng để mua hai lon Cô-ca, một hộp Good & Plenty, và một thỏi Hershey. Chúng tôi bước trở ra không khí khô lạnh, tay trong tay. Chúng tôi ngồi trong xe, mở nắp cô-ca và hấp thu các món đường. Henry nhìn đồng hồ của tôi nói, “Thật suy đồi. Mới chỉ có 9 giờ 15.”

“Một vài phút nữa sẽ là 10 giờ 15.”

“Ồ phải. Thời gian ở Michigan sớm hơn 1 tiếng. Thật không tưởng.”

Tôi nhìn anh ấy. “Mọi thứ đều không tưởng. Em không thể tin anh thực sự đang trên đường đến gặp gia đình em. Em đã mất biết bao thời gian để che giấu anh khỏi họ.”

“Chỉ vì yêu mến em nên anh mới làm thế này. Anh đã dành biết bao thời gian lảng tránh những chuyến đi đường dài, gặp gỡ gia đình bạn gái vào Giáng Sinh. Việc anh đang làm cả ba điều một lúc chứng tỏ anh yêu em biết nhường nào.”

“Henry…” Tôi quay sang phía anh ấy; chúng tôi hôn nhau. Nụ hôn chuyển sang thứ gì đó nhiều hơn thế khi tôi nhìn thấy qua khóe mắt ba cậu bé còn chưa dậy thì và con chó to lớn đang đứng cách chúng tôi chỉ vài thước, nhìn chúng tôi với vẻ thích thú. Henry quay sang để xem tôi đang nhìn gì và cả ba cậu bé mỉm cười rồi ra dấu tán thưởng. Chúng đi nước kiệu về phía xe tải nhỏ của bố mẹ chúng.

“Nhân tiện, việc nghỉ ngơi ở nhà em được sắp xếp như thế nào nhỉ?”

“Ồ. Hôm qua Etta gọi cho em về chuyện đó. Em sẽ ở phòng riêng của em còn anh ở phòng màu xanh. Chúng ta ở hai đầu hành lang, phòng của bố mẹ em và Alicia ở giữa.”

“Và chúng ta quyết tâm nghe theo sự sắp xếp này đến khi nào?”

Tôi khởi động xe và chúng tôi trở lại xa lộ. “Em không biết vì em chưa từng làm việc này bao giờ. Mark thường đưa các cô bạn gái của anh ấy xuống phòng tập và quan hệ với họ trên ghế bành trong vài giờ. Tất cả mọi người giả vờ như không biết. Nếu chuyện trở nên khó khăn, chúng ta lúc nào cũng có thể xuống phòng đọc; em vẫn thường giấu anh dưới đó mà.”

Henry nhìn ra ngoài cửa sổ. “Việc này cũng không đến nỗi tệ.”

“Việc gì cơ?”

“Đi đường. Trong xe. Trên xa lộ.”

“Chao ôi! Tiếp theo anh sẽ dám đặt chân lên máy bay.”

“Không bao giờ.”

“Paris. Cairo. London. Kyoto.”

“Không đời nào. Anh luôn tin rằng mình sẽ biến mất khi đang ở trên máy bay và chỉ có Chúa mới biết anh có thể hiện hình trở lại trên một con chim đang phóng đi với tốc độ 350 dặm một giờ hay không. Anh sẽ rơi từ trên trời xuống như Icarus.”

“Thật sao?”

“Chắc chắn anh sẽ không kiểm chứng.”

“Anh có thể đi đến những nơi đó bằng cách đi xuyên thời gian không?”

“Giả thiết của anh là, nhớ, đây chỉ là giả thiết đặc biệt về du hành thời gian với tư cách người du hành trải nghiệm Henry DeTamble chứ không phải giả thiết chung về du hành thời gian đâu nhé.”

“Được rồi.”

“Đầu tiên, anh nghĩ đó là vấn đề não bộ. Anh nghĩ nó rất giống với chứng động kinh, vì nó có xu hướng xảy ra khi anh bị áp lực, và có một số tín hiệu vật chất, như đèn chớp, có thể dẫn đến việc du hành. Và vì những việc như chạy bộ, tình dục và thuốc có thể giúp anh bám trụ lại với hiện tại. Thứ hai, anh hoàn toàn không có khả năng điều khiển nơi chốn và thời gian sẽ đến, hay độ dài của mỗi cuộc hành trình, hay khi nào sẽ trở lại. Vậy nên du lịch thời gian vòng quanh vùng duyên hải miền nam châu Âu hiếm có thể xảy ra. Nói vậy vì tiềm thức của anh có vẻ can thiệp rất nhiều vào chuyện kiểm soát du hành, vì anh dành rất nhiều thời gian trong quá khứ của mình, quay trở lại những sự kiện thú vị hoặc quan trọng, hiển nhiên anh sẽ dành một khoảng thời gian tương đối để ghé thăm em, mà anh đang rất nóng lòng chờ đợi. Anh có khuynh hướng đi tới những nơi ngẫu nhiên. Nhưng về cơ bản, anh có xu hướng trở về quá khứ nhiều hơn là đi tới tương lai.”

“Anh đã đi tới tương lai? Em không biết anh có thể làm vậy.”

Henry trông có vẻ thỏa mãn với chính mình. “Cho đến giờ, phạm vi của anh dao động trong khoảng 50 năm theo mỗi chiều. Nhưng rất ít khi anh đi đến tương lai, và anh không nghĩ mình có thể thấy gì hữu ích ở đó. Nó luôn ngắn ngủi. Và có thể tại vì anh không biết mình đang nhìn gì. Quá khứ kéo anh lại nhiều hơn. Khi ở trong quá khứ, anh cảm thấy chắc chắn hơn. có lẽ vì bản thân tương lai ít ổn định hơn? Anh không biết. Anh luôn có cảm giác không khí loãng hơn ở tương lai: cảm giác khác biệt. Khó hơn để chạy ở đó.” Henry trầm ngâm nói những điều này, và bất chợt tôi có cảm giác kinh hãi thoáng qua vì phải ở những nơi, những thời điểm xa lạ, không quần áo, không bạn bè…

“Đó là lý do vì sao chân anh…”

“Như da thuộc.” Lòng bàn chân Henry có những vết chai sạn dày, như thể chúng đang cố gắng biến thành một đôi giày. “Anh là con quỷ móng guốc. Nếu có chuyện gì xảy ra với chân anh thì bắn chết anh luôn cho rồi.”

Chúng tôi lái xe trong im lặng một hồi. Xa lộ nhấp nhô, cao lên rồi hạ xuống, những cánh đồng ngập xác ngô chết vụt qua mặt. Các nông trang đứng tắm trong ánh nắng mùa đông, những chiếc xe tải nhỏ, xe ngựa kéo và ô tô xếp dọc trên đường vào nhà. Tôi thở dài. Về thăm gia đình thật là một trải nghiệm lăn lộn. Tôi nóng lòng muốn gặp Alicia và Etta, tôi lo lắng cho mẹ và không muốn phải đối mặt với bố và Mark. Nhưng tôi tò mò muốn biết họ sẽ đối mặt với Henry, cũng như anh ấy sẽ đối mặt với họ như thế nào. Tôi tự hào vì đã giữ Henry như một bí mật trong suốt thời gian dài như vậy. Suốt 14 năm. Khi bạn là một đứa trẻ, 14 năm là bất tận.

Chúng tôi đi qua Wal-Mart, Dairy Queen, McDonald’s, nhiều cánh đồng ngô khác, một vườn cây ăn quả. Vườn dâu tây, vườn cây việt quất cho khách tự hái. Vào mùa hè, con đường này là một hành lang dài của hoa quả, ngũ cốc và chủ nghĩa tư bản. Nhưng giờ những cánh đồng đã chết và khô cằn; xe cộ chỉ biết tăng tốc dọc con đường cao tốc lạnh đầy nắng và lờ đi các bãi đỗ xe đang vẫy gọi.

Tôi chưa bao giờ nghĩ nhiều về Nam Haven cho tới khi chuyển đến Chicago. Nhà của chúng tôi lúc nào cũng như một hòn đảo, nằm trong khu vực tư nhân, bao quanh bởi đồng cỏ, vườn cây ăn quả, rừng và nông trại, còn Nam Haven chỉ là thị trấn, như trong Hãy đi đến thị trấn và mua kem nhé. Thị trấn là cửa hàng tạp hóa, là tiệm dụng cụ đồ bếp, cửa hàng bánh ngọt Mackenzie và cửa hàng băng đĩa, nhạc phổ ở trung tâm mua sắm Music, cửa hàng ưa thích của Alicia. Chúng tôi thường đứng trước tiệm ảnh của Appleyard và vẽ lên những câu chuyện về các cô dâu, các cậu bé sơ sinh và các gia đình đang nở nụ cười khó ưa sau ô cửa sổ. Chúng tôi đã không nghĩ thư viện trông buồn cười trong vẻ tráng lệ nhái Hi Lạp của nó, hay đã không thấy việc nấu nướng thật tẻ nhạt và hạn chế, hay các bộ phim ở Michigan thật đơn giản. Những suy nghĩ này xuất hiện về sau này, khi tôi đã trở thành một cư dân của thành phố, một người xa quê khắc khoải ngăn cách chính mình khỏi những cung cách quê mùa thời tuổi trẻ của cô ấy. Một nỗi luyến tiếc cho cô gái nhỏ là tôi, người đã yêu những cánh đồng và tin vào Chúa, người đã dành những ngày nghỉ ốm mùa đông ở nhà đọc Nancy Drew và mút từng giọt thuốc ho vị bạc hà, người có thể giữ bí mật. Tôi liếc nhìn Henry và thấy anh đã lăn ra ngủ.

Nam Haven, 50 dặm.

Hai mươi dặn, mười hai, ba, một.

Đường Phoenix.

Cao tốc Blue Star.

Và rồi: ngõ Meagram. Tôi với tay sang đánh thức Henry nhưng anh ấy đã tỉnh từ lâu. Anh ấy mỉm cười lo lắng và nhìn ra cửa sổ tới đường hầm hun hút những ngọn cây trơ trọi giữa mùa đông trong lúc chúng tôi rầm rập tiến tới. Khi cánh cửa ló dạng, tôi dò dẫm trong ngăn đựng đồ nhỏ trên xe để tìm điều khiển, rồi cánh cửa bật ra và chúng tôi đi qua nó.

Căn nhà hiện ra như bật lên từ trang sách. Henry há hốc miệng, rồi bắt đầu phá lên cười.

“Sao vậy?” Tôi hỏi.

“Anh không nghĩ nó khổng lồ đến thế. Con quái vậy này có tất cả bao nhiêu phòng?”

“Hai mươi tư”, tôi trả lời anh ấy. Etta đang vẫy tay với chúng tôi từ cửa sổ đại sảnh trong lúc tôi đi vòng quanh con đường và dừng lại trước cửa chính. Tóc bà đã bạc nhiều hơn so với lần cuối tôi ở nhà, nhưng mặt bà đang ửng hồng trong niềm hân hoan. Trong lúc chúng tôi trèo ra khỏi xe, Etta thận trọng bước xuống những bậc thang phủ băng, bà không mặc áo choàng, chỉ độc chiếc váy màu xanh nước biển với cổ viền ren, thận trọng giữ thăng bằng cho thân thể mập mạp trên đôi giày bệt. Tôi chạy lại định đỡ tay bà nhưng bà xua tôi ra cho đến khi xuống bậc thềm cuối cùng rồi ôm lấy tôi và hôn (tôi ngửi mùi Noxzema và mùi phấn của Etta một cách hân hoan) trong lúc Henry đứng bên cạnh, chờ đợi. “Và chúng ta có gì ở đây thế này?” bà nói như thể Henry là cậu bé tôi mang theo về mà không báo trước. “Etta Milbauer, Henry DeTamble”, tôi giới thiệu. Tôi nhìn thấy vẻ “Ồ” thoáng qua trên mặt Henry và tôi tự hỏi không biết anh ấy đã nghĩ bà là ai? Etta cười toét miệng với Henry trong lúc chúng tôi trèo lên bậc thềm. Henry hạ giọng và hỏi tôi, “đồ đạc chúng ta thì thế nào?” tôi bảo anh ấy rằng Peter sẽ lo việc đó. “Mọi người đâu hết ạ?” tôi hỏi, Etta bảo rằng bữa trưa sẽ được chuẩn bị trong 15 phút nữa, chúng tôi có thể cởi áo khoác ngoài, đi rửa ráy rồi vào dùng bữa. Bà bỏ chúng tôi đứng giữa tiền sảnh rồi lẩn vào bếp. Tôi quay người, cởi áo khoác và treo nó trong tủ quần áo ở tiền sảnh. Khi tôi quay người lại Henry đang vẫy tay với ai đó. Tôi liếc nhìn xung quanh anh ấy và nhận ra Nell đang thò khuôn mặt với cái mũi hếch, to kềnh ra từ cửa phòng ăn, mỉm cười và tôi chạy lại trao cho bà một nụ hôn sướt mướt, bà khúc khích cười với tôi, nói, “Một anh chàng đẹp trai đấy, đồ khỉ cái”, rồi lại lẩn vào phòng trước khi Henry có thể đuổi kịp chúng tôi.

“Nell?” anh ấy đoán và tôi gật đầu. “Không phải bà xấu hổ đâu, chỉ bận thôi”, tôi giải thích. Tôi dẫn anh ấy tới cầu thang hậu lên tầng hai. “Anh sẽ ở đây”, tôi bảo anh ấy, mở cửa căn phòng ngủ màu xanh. Anh ấy nhìn vào trong rồi theo tôi xuống cuối hành lang. “Đây là phòng của em”, tôi bồn chồn nói và Henry lách qua tôi, đứng giữa tấm thảm trải sàn, chỉ nhìn quanh và khi anh ấy quay qua tôi, tôi biết anh ấy chẳng nhận ra thứ gì; không có gì trong căn phòng này có ý nghĩa gì với anh ấy, và con dao của sự nhận thức cứa sâu hơn vào tôi: tất cả những kỷ vật trong bảo tàng quá khứ này của chúng tôi giống như những bức thư tình được gửi tới cho một người không biết chữ. Henry cầm một tổ chim hồng tước lên (đó tình cờ là tổ chim đầu tiên trong rất nhiều tổ chim mà anh ấy đã đưa cho tôi suốt nhiều năm trời) và nói, “Thú vị đấy”. Tôi gật đầu, rồi mở miệng nói cho anh ấy biết và anh ấy đặt nó trở lại trên giá, nói, “Cửa này có thể khóa không?” Tôi vặn ổ khóa và chúng tôi muộn giờ ăn trưa.

HENRY: Tôi điềm tĩnh đi theo Clare xuống cầu thang, qua hành lang tối lạnh và đi vào phòng ăn. Mọi người đều đã đang dùng bữa. Căn phòng thấp trần và thoải mái theo kiểu William Morris; không khí ấm áp tỏa ra từ ngọn lửa bập bùng trong một chiếc lò sưởi nhỏ; và những ô cửa sổ mờ đi vì băng giá đến nỗi tôi không thể nhìn thấy gì bên ngoài. Clare lại gần một người phụ nữ gầy với mái tóc đỏ nhạt mà chắc hẳn là mẹ của cô ấy, người đang nghiêng đầu đón nụ hôn của Clare, người khẽ nhướn người đứng lên để bắt tay tôi. Clare giới thiệu với tôi bà ấy là “mẹ em” và tôi gọi bà là “cô Abshire”, ngay lập tức bà nói, “Ồ, nhưng cháu phải gọi ta là Lucille, ai cũng gọi vậy cả”, rồi mỉm cười mệt mỏi nhưng nồng hậu, như thể bà là mặt trời rực rỡ ở một thiên hà khác. Chúng tôi ngồi xuống đối diện nhau. Clare ngồi giữa Mark và một người phụ nữ luống tuổi, bà dì Dulcie; còn tôi ngồi giữa Alicia và một cô gái tóc vàng xinh đẹp bụ bẫm, người được giới thiệu với cái tên Sharon và có vẻ như đi cùng Mark. Bố của Clare ngồi ở đầu bàn và ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là ông có vẻ cực kỳ bối rối khi nhìn thấy tôi. Anh chàng đẹp trai ngỗ ngược Mark cũng có vẻ cùng cảm xúc. Họ đã nhìn thấy tôi trước đó. Tôi tự hỏi mình đã làm gì để họ phải chú ý, nhớ và giật nảy mình có thoáng chút ác cảm khi Clare giới thiệu tôi, Nhưng Philip Adshire là một luật sư, một bậc thầy biểu cảm, nên chỉ chưa đến một phút sau ông ấy đã trở nên nhã nhặn và mỉm cười, đã là chủ nhà, là bố của bạn gái tôi, một người trung niên đang dần hói với cặp kính rộng bản và một thân thể cường tráng đã trở nên mềm nhũn và phì nộn, nhung có đôi bàn tay mạnh mẽ, bàn tay của một người chơi tennis, đôi mắt xám vẫn nhìn tôi cảnh giác bất kể nụ cười kín đoán. Mark gặp khó khăn trong việc che đậy nỗi bất an của mình, và cứ mỗi lần tôi bắt gặp ánh mắt của anh ta là anh ta lại nhìn vội xuống đĩa của mình. Alicia không giống với những gì tôi hình dung; con bé thẳng tính và tốt bụng, nhưng hơi kỳ quái, bất thần. Con bé có mái tóc sẫm của Philip, giống Mark, và đường nét của Lucille, tương đối; Alicia trông như thể ai đó tìm cách dung hòa giữa Clare và Mark nhưng bỏ cuộc nên ném Eleanor Roosevelt vào thay thế. Philip nói gì đó và Alicia cười, đột nhiên con bé trở nên đáng yêu. Tôi quay sang con bé, ngạc nhiên khi thấy nó đứng dậy khỏi bàn.

“Em phải đi đến St.Basil’s”, con bé cho tôi biết. “Em có buổi tập dượt. Anh sẽ đến nhà thờ chứ?” Tôi liếc nhanh sang Clare, cô ấy khẽ gật đầu, rồi tôi bảo Alicia, “dĩ nhiên rồi”. Mọi người thở dài vẻ… nhẹ nhõm? Theo tôi nhớ Giáng Sinh là một ngày lễ Cơ Đốc, bên cạnh việc là ngày chuộc tội của cá nhân tôi. Alicia bỏ đi. Tôi hình dung ra mẹ đang cười vào tôi, cặp lông mày tỉa cẩn thận của bà nhướn lên cao trước cảnh cậu con trai nửa Do Thái của bà lạc lõng giữa kỳ Giáng Sinh ở Goyland, và tôi lắc ngón tay về phía bà. Mẹ mà cũng cười sao, tôi bảo bà. Mẹ đã cưới một người theo đạo Tân giáo. Tôi nhìn xuống đĩa của mình; nó gồm thịt lợn muối, đậu và lèo tèo chút salad. Tôi không ăn thịt lợn và tôi ghét đậu.

“Clare nói với chúng tôi cậu là một thủ thư.” Philip dò hỏi, tôi thừa nhận rằng đúng là vậy. Chúng tôi có một cuộc thảo luận nho nhỏ sôi động về Newberry và các ủy viên quản trị của Newberry, những người đồng thời là khách hàng của hãng luật của Philip mà hóa ra có trụ sở tại Chicago khiến tôi không rõ tại sao gia đình Clare lại sống tận Michigan này.

“Các biệt thự mùa hè”, ông ấy giải thích, rồi tôi nhớ ra Clare đã nói với tôi rằng bố cô ấy chuyên về di chúc và các khoản quỹ. Tôi tưởng tượng ra cảnh các bô lão giàu có nằm trên bãi biển tư nhân của họ, tắm mình trong kem chống nắng, quyết định cắt con cháu ra khỏi di chúc và với tay lấy điện thoại gọi cho Philip. Rồi tôi nhớ ra đồng nghiệp của bố tôi trong dàn nhạc giao hưởng Chicago có một căn nhà đâu đó gần đây. Tôi đề cập đến điều này và tai của mọi người vểnh lên.

“Cậu có biết ông ấy không?” Lucille hỏi.

“Chắc rồi. Ông ấy và bố cháu ngồi cạnh nhau.”

“Ngồi cạnh nhau?”

“Cô biết đấy, violin chính và thứ.”

“Bố cậu là nghệ sĩ violin?”

“Vâng.” Tôi quay sang Clare, người đang nhìn mẹ cô ấy chằm chằm với vẻ đừng làm con xấu hổ trên mặt.

“Và ông ấy chơi cho dàn nhạc giao hưởng Chicago?”

“Phải.”

Mặt của Lucillie ngập trong màu hồng; giờ thì tôi đã biết Clare thừa hưởng vẻ ngượng ngùng của cô ấy từ ai. “Cậu có nghĩ ông ấy sẽ lắng nghe Alicia chơi nếu chúng tôi đưa cho ông ấy cuộn băng ghi âm?”

Tôi hy vọng rằng Alicia chơi cực kì, cực kì giỏi. Mọi người vẫn thường gửi băng thu âm tới cho bố tôi. Rồi tôi có một ý tưởng khác hay hơn.

“Alicia chơi vi-ô-lông-cen phải không?”

“Phải.”

“Cô ấy có đang tìm thầy dạy chăng?”

Philip xen vào, “con bé đang học với Frank Wainwright ở Kalamazoo.”

“Cháu có thể đưa băng ghi âm cho Yoshi Akawa. Một trong những học trò của ông ấy vừa nghỉ để nhận việc ở Paris.” Yoshi là một người tuyệt vời và là vi-ô-lông-cen chính. Tôi biết ít nhất ông ấy sẽ lắng nghe đoạn băng; bố tôi, người không hề dạy dỗ, sẽ đơn giản chỉ ném nó đi. Lucille rất hứng khởi; thậm chí cả Philip cũng có vẻ hài lòng. Clare trông nhẹ nhõm. Mark vẫn ăn. Bà dì Dulcie, nhỏ xíu và có mái tóc hồng, hoàn toàn mù tịt về vụ trao đổi này. Có lẽ bà bị điếc? Tôi nhìn sang Sharon, người đang ngồi bên tay trái của tôi và vẫn chưa hé răng nói nửa lời. Cô ấy có vẻ khổ sở. Philip và Lucille đang thảo luận nên đưa cho tôi cuộn băng nào, hay có lẽ Alicia nên thu một cuộn băng mới? Tôi hỏi Sharon có phải lần đầu tiên cô ấy đến đây không và cô ấy gật đầu. Đúng lúc tôi định hỏi tiếp thì Philip hỏi tôi mẹ tôi làm nghề gì và tôi nháy mắt; tôi nhìn Clare như muốn nói Em chưa kể cho họ nghe bất cứ điều gì sao?

“Mẹ cháu từng là ca sĩ. Bà đã qua đời.”

Clare nói khẽ, “mẹ của Henry là Annette Lyn Robinson”. Chẳng thà cô ấy cứ bảo mẹ tôi là Đức mẹ đồng trinh Marry; mặt Philip bừng sáng. Lucille khua tay xúc động.

“Thật không thể tin nổi - thật tuyệt vời! Chúng ta có tất cả các đĩa nhạc của bà ấy…” và một tràng dài nữa. Nhưng rồi Lucille nói, “cô đã được gặp bà ấy khi cô còn trẻ. Bố cô đã đưa cô đi xem Madame Butterfly, và người quen của ông dẫn chúng ta ra phía sau sân khấu khi màn trình diễn kết thúc, chúng ta đi đến phòng thay đồ của bà, và bà ấy đang ở trong đó, với hàng đống hoa được tặng! Có một cậu bé trong đó… đó là cậu!”

Tôi gật đầu, cố tìm lại giọng nói của mình, Clare hỏi, “bác ấy trông như thế nào?”

Mark nói, “Trưa nay chúng ta sẽ đi trượt tuyết chứ?” Philip gật đầu. Lucille mỉm cười, chìm trong ký ức. “Bà ấy đẹp tuyệt vời, vẫn đội nguyên tóc giả, một mái tóc đen dài, và bà ấy đang dùng nó để giỡn với cậu bé, thọc lét cậu bé, và cậu bé nhảy quanh phòng. Bà ấy có đôi tay thật đáng yêu, bà ấy chỉ cao cỡ ta, rất mảnh mai, và là người Do Thái, nhưng ta nghĩ bà ấy giống người Ý hơn…” Lucille bất ngờ ngừng lại và đưa một tay lên che miệng, mắt nhìn vào cái đĩa trống trơn chỉ còn vài hạt đậu.

“Cậu có theo đạo Do Thái?” Mark thích thú hỏi.

“Tôi đoán vậy, nếu tôi muốn, nhưng chưa ai từng bàn rõ chuyện này. Mẹ tôi mất khi tôi lên sáu, và bố tôi vốn theo đạo Tân giáo.”

“Trông cậu giống hệt bà ấy”, Lucille nói, và tôi cảm ơn. Đĩa của chúng tôi được Etta dọn đi, bà hỏi Sharon và tôi có muốn uống cà phê không. Cả hai chúng tôi đồng thanh nói , dứt khoát đến nỗi cả nhà Clare bật cười. Etta nở một nụ cười mẫu tử với chúng tôi rồi vài phút sau bà đặt cà phê trước mặt chúng tôi, và tôi nghĩ Cũng không quá tệ. Mọi người nói chuyện về trượt tuyết, về thời tiết; tất cả chúng tôi đều đang đứng, Philip và Mark dẫn nhau đi xuống hành lang; tôi hỏi Clare nếu cô ấy muốn đi trượt tuyết, cô ấy nhún vai và hỏi tôi có muốn đi không, tôi giải thích rằng tôi không biết trượt và không có hứng học. Cô ấy vẫn quyết định đi sau khi nghe Lucille nói bà ấy cần người giúp đi ván trượt. Trong lúc đi lên lầu tôi nghe tiếng Mark nói, “... giống nhau đến lạ thường…” và tôi mỉm cười một mình.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3