Thiên táng - Chương 04 phần 1

Vẫn bồng bềnh ở một nơi nào đó giữa sự sống và cái chết, Văn cố mở mắt ra. Cô đang nằm trên nền đất, nhưng thật ấm áp và dễ chịu. Tia sáng chói chang chiếu từ trên xuống khiến cô khó nhìn mọi thứ xung quanh. Cô gắng sức di chuyển cái cơ thể yếu ớt. Bản năng mách bảo cô rằng mọi bộ phận cơ thể của cô ở đó, nhưng đầu óc thì trống rỗng kỳ lạ.

“Đây có phải là ánh nắng trên trần gian không,” Văn tự hỏi, “hay là ánh hào quang linh thiêng trên Thiên đường?”

Một khuôn mặt thân quen cúi xuống chỗ cô.

“Cô thế nào, menba?” Đó là Zhuoma.

“Zhuoma ư?” Văn có thể cảm thấy mình đang quay trở lại với cuộc sống. “Chúng ta ở đâu vậy?”

“Chúng ta đang ở trong nhà một gia đình dân du mục, đây là lều của họ. Thật là may cho chúng ta, chúng ta đã đi đến rìa những vùng đất thấp, mùa đông họ sống ở đây. Chị đã gục xuống. Tôi không biết phải làm gì nếu Gela, ông chủ gia đình, không nhìn thấy chúng ta.”

Văn cố gượng dậy.

“Đừng cử động,” Zhuoma nhắc nhở. “Họ đã bôi ít thuốc mỡ lên trán chị. Chị cảm thấy thế nào?”

“Ba lô của tôi…” Văn sờ soạng xung quanh khu vực cô nằm, tìm bọc đồ mà cô đã mang theo rất cẩn thận từ Trịnh Châu.

“Mất rồi,” Zhuoma nói. “Nhưng cuốn sách chị mang trong túi áo vẫn còn. Tôi đặt nó cạnh gối của chị. Chắc hẳn nó rất có ý nghĩa đối với chị. Ngay cả khi bất tỉnh, chị vẫn khư khư giữ nó.”

Một bé gái chừng mười một hay mười hai tuổi đi vào trong lều mang theo một cái bát làm bằng đất nung, bẽn lẽn đưa cho Zhuoma rồi lại chạy ra ngoài. Zhuoma bảo Văn rằng cái bát đựng nước mới lấy về, do một trong những đứa con gái của gia đình mang vào. Những người khác trong gia đình đang làm việc bên ngoài lều. Họ định sớm chuyển tới các bãi chăn thả mùa xuân, nhưng từ giờ tới đó Văn có thể ở lại đây nghỉ ngơi.

“Nhưng làm sao tôi có thể buộc họ phải chấp nhận tôi?” Văn hỏi. “Chắc chắn là dù không có cái gánh nặng của một người ốm thì cuộc sống của họ cũng đủ khó khăn rồi.”

“Người Tây Tạng mở rộng cửa cho tất cả lữ khách,” Zhuoma khẽ nói, “cho dù họ giàu hay nghèo. Đây là truyền thống của đất nước chúng tôi.” Sau đó cô đi ra nói chuyện thêm với gia đình này.

Ngay khi cô gái đi, Văn mở cuốn sách những bài tiểu luận của Lương Thực Thu và lấy tấm hình Khả Quân ra xem. Giữa mọi thứ xa lạ này, anh vẫn đang mỉm cười với cô. Sau đó cô tranh thủ quan sát kỹ nơi trú ngụ khác thường mà cô đang ở. Căn lều có bốn mặt được ghép từ những tấm lông lớn, căng lên trên bốn cọc gỗ vững chắc. Có một cửa sổ ở đỉnh lều, mở ra đóng vào nhờ một miếng nắp đậy. Chính đó là nơi chiếu xuống luồng sáng đã làm Văn lóa mắt khi cô thức giấc. Bây giờ cô quan sát làn khói từ bếp lò đang nhảy nhót hết lẫn vào lại tỏa ra khỏi tia sáng đó. Một cái bếp lò đơn giản làm từ một tảng đá lớn hình con thuyền kê trên hai tảng đá nhỏ, đặt ở giữa lều. Cạnh bếp là một cặp ống thổi và những chồng bát, đĩa và lọ sơn rực rỡ, cùng với vài vật dụng gia đình mà Văn không biết tên gì. Một bên lều, Văn nhận ra một thứ chắc hẳn là ban thờ của gia đình. Phía trên chiếc bàn đặt những đồ tôn giáo có treo một bức hình Đức Phật Tây Tạng thêu trên mảnh gấm kim tuyến nhiều màu. Phía bên phải là một vật lớn hình trụ làm bằng đồng thiếc. Xa hơn nữa là một đống nào nỉ nào thảm, cả chăn lẫn quần áo. Phía bên kia ban thờ là những bao tải chất cao ngút đựng đầy thứ gì đó có mùi giống phân thú vật. Cửa ra vào là một vạt lều, người lớn phải cúi khom người mới đi qua được. Ở hai bên vạt lều người ta sắp xếp những đồ dùng gia đình và dụng cụ dành cho súc vật.

Từ chiếc nệm trên nền đất, Văn cố suy đoán đôi điều về những vị chủ nhà, nhưng cô thấy không thể đoán được gia đình này sung túc đến mức nào nếu chỉ dựa vào rất nhiều đồ trang trí bằng vàng và bạc treo trên tường, hay những đồ dùng mòn vẹt, rất nhiều bát, vại cùng chỗ ngủ đơn sơ. Với cô mọi thứ đều rất mới mẻ và lạ lẫm, nhất là cái mùi kỳ lạ của phân, của mồ hôi và mùi da sống của thú vật.

Tiếng bước chân từ ngoài đi vào và lần đầu tiên trong đời, Văn cảm thấy thật yên bình biết bao khi ghé sát tai xuống cỏ mà nghe tiếng chân người. Khi Zhuoma bước lại vào căn lều, xung quanh cô là cả một đám kẻ cao người thấp, đủ mọi lứa tuổi. Khi Văn nằm đó nhìn lên những khuôn mặt xa lạ, đầu cô choáng váng.

Zhuoma giới thiệu những vị chủ nhà. Gela (Cách Lạp), chủ gia đình, vợ anh ta là Saierbao (Tái Nhĩ Bảo), em trai là Ge”er (Cách Nhĩ). Gia đình họ có sáu đứa trẻ nhưng lúc này chỉ bốn đứa có mặt bởi hai đứa con trai đã vào tu viện ròi. Văn khó mà nghe kịp những cái tên Tây Tạng của sáu đứa trẻ. Mấy cái tên đó thậm chí còn có vẻ khó hiểu hơn cả những cái tên La tinh trong từ điển y khoa mà cô chưa bao giờ có thể nhớ nổi. Zhuoma giải thích rằng mỗi cái tên chứa một âm tiết của câu thần chú thiêng liêng mà mỗi người Tây Tạng thốt ra hàng trăm lần mỗi ngày: Án ma ni bát mê hồng. Cô gái gợi ý rằng Văn chỉ cần gọi mỗi đứa trẻ theo từng âm tiết đơn của câu thần chú: điều này có nghĩa cậu con trai cả là “Án” và cậu con trai tiếp theo, hiện ở trong tu viện là “Ma”. Hai đứa bé gái sẽ là “Ni” và “Bát”. “Mê” sẽ dành cho cậu con trai khác, cũng đã vào tu viện, và đứa nhỏ nhất là “Hồng”. Văn nhờ Zhuoma nói lời cảm ơn tới gia đình họ giúp cô và nhìn họ cười bẽn lẽn khi Zhuoma dịch lại.

Suốt những tuần kế tiếp, Văn được Gela và cô vợ Saierbao hiền lành của anh ta chăm sóc cho khỏe lại, họ cho cô uống trà sữa pha với thuốc thảo mộc hàng ngày. Zhuoma bảo cô là gia đình họ hoãn việc chuyển tới những đồng cỏ mùa xuân cho tới khi cô đủ sức khỏe để kham nổi chuyến đi.

Hai người phụ nữ thảo luận hồi lâu xem họ sẽ tiếp tục cuộc tìm kiếm như thế nào. Zhuoma nghĩ họ nên ở lại với gia đình này cho đến khi thời tiết ấm lên. Đến mùa hè, cả hai người hẳn đã học đủ để biết làm cách nào để sống sót được ở ngoài trời, và gia đình này hẳn đã tích trữ được đủ thực phẩm dự trữ để có thể san sẻ cho họ một ít đồ ăn và một đôi ngựa. Văn thấy lo lắng trước cái dự định phải chờ đợi lâu đến thế. Điều gì có thể xảy ra với Khả Quân trong khoảng thời gian chờ đợi này? Nhưng Zhuoma trấn an cô. Gia đình này đang lên kế hoạch đi về phía Bắc tìm những đồng cỏ mùa xuân. Có thể, cô gái nói, họ sẽ gặp những dân du cư khác hoặc khách lữ hành dọc đường đi, và những người đó có thể cung cấp cho họ tin tức về Khả Quân và Thiên An Môn.

Văn không có lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận tình thế hiện tại, mặc dù nằm yếu ớt trên giường, không thể cùng Zhuoma giúp đỡ gia đình một số công việc, lại còn bị đứng ngoài lề cuộc nói chuyện bởi cô không biết nói tiếng của họ, cô cảm thấy ngày dài ra vô tận. Trong thời gian hồi phục, cô quan sát những công việc thường làm của gia đình Tây Tạng này. Cô bị ấn tượng bởi cái trình tự nghiêm ngặt hàng ngày của họ, dường như ngày nào cũng theo một khuôn mẫu đã tồn tại trong nhiều thế hệ. Mỗi thành viên rất hạn chế trao đổi bằng lời khi bắt đầu công việc. Dường như ai cũng biết chỗ của mình và ngày nào họ cũng có hàng núi việc để làm.

Gela và Ge”er, cùng với sự trợ giúp của cậu con cả Án, chịu trách nhiệm về những công việc quan trọng bên ngoài, như chăn thả, giết mổ bò và cừu, thuộc da, sửa chữa dụng cụ gia đình và tu bổ căn lều. Zhuoma bảo cô rằng theo định kỳ những người đàn ông này phải rời khỏi nhà để đi mua những vật dụng gia đình cần thiết. Saierbao và hai đứa con gái thì vắt sữa, đánh sữa lấy bơ, nấu nướng, đi lấy nước và nặn phân thành bánh để đốt, nhóm chất đốt thắp sáng cho căn lều. Họ còn xe chỉ và làm dây thừng nữa.

Văn vô cùng khâm phục các kỹ năng tạo dựng cuộc sống tự cung tự cấp của gia đình này, nhưng cô thấy nản lòng vì phải học quá nhiều. Thậm chí để ăn cho được các bữa ăn của họ cũng đòi hỏi phải học một loạt quy tắc mới. Ngoài các dụng cụ nấu nướng ra thì trong căn lều không có dĩa, cũng chẳng có thìa hay đũa. Đồ dùng duy nhất khi ăn chỉ là một con dao dài mười xăng ti mét giắt ở thắt lưng. Lần đầu ăn khi Văn cố dùng con dao này để cắt miếng thịt cừu, cô suýt cứa vào tay. Bọn trẻ xúm xít quanh cô tò mò thích thú như thể chúng đang xem một con thú diễn trò, mồm há hốc vì khiếp sợ.

Ngày nào gia đình này cũng ăn đều ba bữa. Buổi sáng họ ăn món “jiaka liếm”. Đó là một loại bột nhào gồm bột lúa mạch rang và pho mát tươi rồi nướng trên lò, đặt vào một bên bát. Sau đó trà sữa được rót vào nửa bát bên kia. Trong lúc uống trà, họ sẽ nghiêng chiếc bát đề trả ngấm vào jiaka, làm nó từ từ bở tan ra. Không cần phải dao kéo gì. Lần đầu tiên người ta đưa cho Văn bữa sáng, cô uống một hơi hết toàn bộ trà trong bát rồi sau đó hỏi Zhuoma ăn jiaka ra làm sao. Tuy nhiên một khi quen với cách ăn này, cô đâm thích cái cảm giác nửa ăn nửa uống kia, và tìm được cách tránh làm bỏng miệng.

Bữa trưa thì “hỗn hợp”. Trong bữa này đòi hỏi phải làm món “tsampa” từ lúa mạch nhào kỹ với pho mát tươi. Dùng một tay giữ bát, tay kia vê các thứ thành viên tròn. “Một xoa, hai lật, ba nắm,” cô lặp lại với chính mình. Bữa trưa luôn rất thịnh soạn: thêm vào với tsampa và trà sữa còn có thịt sấy ninh cả xương, khi ăn thì dùng dao xiên từng tảng lên. Cậu bé Hồng chỉ cho Văn cách dùng tay xé thịt và gặm xương. Cũng có những món rán thơm ngon chiên bằng bơ. Văn có thể thấy đây là bữa ăn quan trọng đối với mọi người: nó có thể kéo dài gần hai tiếng đồng hồ và những thành viên thường hay kiệm lời trong gia đình này sẽ dành chút thời gian để thảo luận những vấn đề xảy ra trong ngày. Buổi tối, mọi người lại ăn thịt và bột lúa mạch, nhưng nấu thành một thứ cháo theo cách làm Văn nhớ đến món canh hồ lạt mà cô đã ăn ở Trịnh Châu.

Mỗi bữa ăn đều mang lại nhiều sức khỏe và năng lượng khiến làn da nứt nẻ của Văn mịn màng trở lại và hai gò má cô hồng lên từng ngày. Cô cảm thấy cơ thể ngày càng khỏe khoắn, da cô trở nên dày dạn hơn do thích nghi dần với những cơn gió khắc nghiệt, giá lạnh và ánh nắng gay gắt. Gia đình này dường như chấp nhận sự có mặt của cô, nhưng họ không bao giờ thử nói chuyện với cô. Họ chỉ nói với Zhuoma, người họ có vẻ rất kính sợ. Sau đó, Zhuoma sẽ nói lại với Văn là họ vừa trnah luận những gì. Bị gạt ra ngoài lề mọi cuộc chuyện trò, đôi khi Văn cảm thấy mình giống như một trong những vật nuôi của gia đình họ: được bảo vệ, được đối xử nhẹ nhàng, được cho ăn cho uống, nhưng bị tách ra khỏi thế giới con người.

Những nề nếp tôn giáo của gia đình họ càng khiến cô cảm thấy mình là người ngoài hơn nữa. Họ cầu nguyện liên tục, thì thầm câu Án ma ni bát mê hồng trong hơi thở thậm chí ngay cả khi làm việc. Họ thường cùng nhau thực hiện các nghi thức cầu nguyện ở chỗ người cha Gela sẽ xoay cái khối trụ nặng bằng đồng thiếc đặt trên bàn thờ nhờ một đoạn dây thừng, sau đó anh ta đọc trước mọi người những câu thần chú của gia đình trong khi cả nhà quay những cái bánh xe nhỏ cắm trên gậy. Zhuoma giải thích với Văn rằng cả khối trụ lơn lẫn những bánh xe nhỏ hơn đều là bánh xe cầu nguyện. Trong mọi chuyện cô phụ thuộc rất nhiều vào sự giải thích của Zhuoma, nên cô thấy rất biết ơn vì mình may mắn gặp được một thiếu nữ thông minh, dũng cảm như thế. Nếu không có Zhuoma, chắc hẳn cô chửang bao giờ hiểu được gia đình này cùng với tâm linh sâu sắc và cuộc sống tự cung tự cấp vô ưu của họ, so với người Trung Quốc thì họ khác xa một trời một vực.

Tuy nhiên những hiểu lầm vẫn thường xảy ra. Trong những khoảnh khắc hiếm hoi khi Văn ở một mình, cô thường mang bức ảnh của Khả Quân ra mà vuốt ve khuôn mặt tươi cười của anh. Một ngày kia, cậu bé Hồng bước vào lều khi cô đang cầm bức ảnh trong tay. Cậu bé liếc một cái vào tấm hình rồi chạy ra khỏi lều, kêu la đầy vẻ khiếp sợ. Lo lắng cực độ, Văn đi tìm zhuoma để hỏi xem cô đã làm cậu bé sợ hãi như thế nào. Zhuoma giải thích rằng cậu bé không biết bức ảnh là gì và cậu sợ người đàn ông “ngủ say” ở trong đó.

Cuối cùng, gia đình nọ cảm thấy sức khỏe Văn đã phục hồi đủ để họ lên đường. Vào hôm khởi hành, Văn thức giấc lúc rạng đông thì thấy bóng Gela và Saierbao thấp thoáng trong ánh sáng tờ mờ. Cô nhận thấy rất nhiều đồ đạc trong lều đã được gói lại thành từng cuộn đặt trên lưng bò. Vì cô vẫn chưa học cách cưỡi ngựa nên Ge”er, em trai của Gela dùng vài cuộn hành lý làm cho cô một kiểu yên ngựa giống như chiếc ghế có lưng dựa tròn, như thế nếu ngủ gật cô cũng sẽ không bị ngã khỏi ngựa. Anh ta ra hiệu cho cô biết anh ta sẽ đảm trách việc dắt cương ngựa cho cô.

Cũng như độ cao, việc cưỡi ngựa nhọc nhằn và đồ ăn không quen bắt đầu ăn dần ăn mòn sức khỏe và tinh thần của cô, cô chìm vào nỗi chán chường tuyệt vọng. Liệu Khả Quân có đang phải chịu đựng như cô? Và cô sẽ tìm anh ấy giữa những cánh đồng băng tuyết như thế nào đây, ở đây cô chẳng biết ngôn ngữ, cũng chẳng có những kỹ năng để sinh tồn hay bất cứ phương tiện đi lại nào? Cô đã mất cảm giác về thời gian. Từng ngày trôi qua đều giống nhau và cô không biết họ đã đi được vài ngày hay vài tuần.

Cuối cùng họ cũng đến đích, Zhuoma bảo cô rằng họ đang ở gần dãy núi Ba Nhan Khách Lạp và sẽ dựng trại mùa xuân trên vùng đồng cỏ tươi tốt gần sông Nhã Lung. Gela cùng mấy đứa con trai mất nửa ngày đóng cọc, căng lều và siết thật chặt những sợi dây thừng giữ cho lều khỏi nghiêng ngả. Khi dựng xong lều, Saierbao và mấy đứa con gái khéo léo sắp xếp các dụng cụ gia đình. Văn ngồi cạnh đống hành lý, vụng về giúp đỡ họ vài công việc nhẹ nhàng. Đúng lúc cô định đưa bánh xe cầu nguyện cho Saierbao thì Zhuoma ngăn cô lại và nhắc cô rằng người ngoài không nên chạm vào những vật dụng tôn giáo.

Theo phong tục của họ, sau khi dựng nhà, gia đình sẽ bày tiệc với thịt, tsampa, món rán và rượu lúa mạch. Cũng như lúc trước đó trên đường đi, Saierbao đã chuẩn bị cho Văn ít trà sữa chữa bệnh. Sau bữa ăn thịnh soạn, Gela lại làm chủ lễ trong buổi cầu nguyện của gia đình. Đêm đó, khi mọi người nằm cùng nhau trên nền đất, Văn nằm giữa Zhuoma và bé gái Ni, Zhuoma thì thầm với cô rằng khi cầu nguyện cho đàn bò và cừu được béo khỏe, Gela khẩn cầu thần linh bảo vệ cho Văn. Văn cảm động sâu sắc và, khi nghĩ là không có ai lắng nghe mình, cô khẽ khàng lẩm nhẩm câu thần chú của Đức Phật: Án ma ni bát mê hồng.

Ngày hôm sau, có Saierbao giúp, lần đầu tiên Văn mặc một bộ quần áo Tây Tạng. Đó là loại “quần áo trinh nữ” Saierbao mặc trước khi cưới, gồm một bộ quầ áo lót trắng bằng vải thô, một áo sơ mi không cổ dài tay cài cúc một bên, và một chiếc quần được trang trí rườm rà chun lại ở gót chân. Ở bên ngoài Văn mặc một cái áo choàng màu xanh có lớp lót dày, những mảnh vải màu tía và hồng đính dọc chiều dài áo xuống tận chân cô. Saierbao chỉ cho cô cách quấn nó ngang qua đằng trước thân, rồi buộc chặt bằng một chiếc thắt lưng rộng làm từ gấm thêu kim tuyến. Sau đó cô buộc ở đằng trước một đoạn vải có sọc cầu vồng trông giống một cái tạp dề hơn. Văn vẫn còn yếu, nên để giúp cô chống chọi được với những cơn gió lạnh buốt ở trên núi, Saierbao đưa cho cô một chiếc áo gi lê da cừu cổ cao và vài đôi giày ống nỉ. Mấy đôi giày hình như quá rộng, nhưng Zhuoma nói chẳng sao cả: khi thời tiết lạnh họ có thể nhồi một lớp len lông bò dày vào trong cho ấm.

Cuối cùng, Saierbao buộc một chiếc bùa hộ mệnh bằng ngọc bích và thắt lưng Văn và quàng một chuỗi tràng hạt gỗ quanh cổ cô. “Chúng sẽ bảo vệ cho chị,” Zhuoma giải thích. “Chúng sẽ ngăn không cho tai ương lại gần và đuổi tà ma đi”. Sau đó cô gái mỉm cười và lặng lẽ quàng một chuỗi hạt carnelian của chính cô quay cổ Văn.

Saierbao ra hiệu bảo Văn ngồi xuống rồi đứng trước mặt Văn, chị ta dùng lược chia tóc cô ra và tết thành hai bím ở hai bên. Bé gái nhỏ tuổi nhất Bát đứng một bên, rồi ra hiệu cho Văn nhìn chính mình trong một bát nước mà cô bé đã để sẵn. Văn khó có thể tin vào mắt cô: ngoại trừ hai bím tóc của cô quá ngắn do tóc cô chỉ dài ngang vai thì trông cô giống một phụ nữ Tây Tạng chính gốc. Cô đút cuốn sách quý kẹp tấm ảnh Khả Quân cùng con sếu giấy của chị gái vào trong cái túi rộng của chiếc áo choàng Tây Tạng.

Vài ngày sau, Văn để ý thấy ai đó đã đặt một bọc vải lên chỗ nằm của cô. Đó là bộ đồng phục của cô, lúc này được giặt sạch và vá lại. Văn quá cảm động không biết nói gì hơn. Cô nâng bộ quần áo bằng cả hai tay, hít cái mùi nắng cao nguyên nồng đượm đậm đặc, và cúi mình thật thấp trước Saierbao.

Zhuoma bảo Văn rằng người Tây Tạng nói ở xứ họ chỉ có hai mùa, mùa hè và mùa đông, bởi vì ở Tây Tạng mùa xuân và mùa thu quá ngắn ngủi. Nhưng mùa xuân năm đó là một mùa quá dài trong cuộc đời Văn: nhiều đêm cô không ngủ được vì nhớ Khả Quân và băn khoăn trong tâm trí về tương lai vô định. Cô không hình dung nổi bằng cách nào mình có thể tiếp tục sống sót được trong những điều kiện khắc nghiệt đến thế, hay học thứ ngôn ngữ mà dường như đối với cô là hoàn toàn không thể lĩnh hội được. Mặc dù cô biết chắc còn có những gia đình du cư khác ở trong vùng này bởi vì Zhuoma nói với cô rằng Gela và Ge”er gặp những người chăn gia súc khác ở ngoài đồng cỏ, nhưng đám đàn bà con gái thì lại nói không nhìn thấy ai. Cô bắt đầu nghi ngờ liệu Zhuoma cóđúng hay không khi nghĩ là sẽ có cơ hội biết được tin tức của Khả Quân và Thiên An Môn. Cả cô và Zhuoma đều quá chú tâm vào nỗ lực thích nghi với cách sống du mục đến mức mỗi người đều chìm vào thế giới riêng của mình và họ hiếm khi thảo luận là sẽ làm gì tiếp theo. Tuy nhiên, bất chấp nỗi cô đơn của mình, Văn bắt đầu cảm thấy vô cùng yêu thương gia đình này, đặc biệt là chị chủ nhà, Saierbao.

Khuôn mặt Saierbao trông dạn dày nắng gió đến nỗi khó có thể nói chị bao nhiêu tuổi, nhưng Văn đoán chị cỡ chừng ba mươi. Chị là một phụ nữ cực kỳ điềm tĩnh và nghiêm trang, dường như chị thích thú khi làm tất cả những công việc vặt trong gia đình, mặc dù những việc không tên đó cực nhọc và vắt kiệt sức đến đâu đi nữa. Chẳng bao giờ thấy chị la hét hay trách mắng. Thậm chí nếu có ai đánh rơi món tsampa kỳ công của chị hay làm đổ trà sữa thì chị cũng không bực dọc. Cùng lắm chị trề môi và thoáng cười như thể đã nhìn thấy trước sẽ xảy ra như thế. Saierbao rất thích nữ trang, thậm chí trong cả ngày thường chị cũng trang điểm cho mình từ đầu đến chân toàn những đồ nữ trang quý giá: chuỗi hạt, vòng tay và những đồ trang sức đeo ở thắt lưng bằng nào đá mã não, nào ngọc bích, nào vàng, nào bạc, trông chị giống một chiếc chuông gió nhiều màu sắc. Hiếm khi Văn thấy Saierbao nghỉ ngơi: tiếng leng keng của chị bắt đầu vào khoảnh khắc những tia sáng đầu tiên lẻn vào căn lều; về đêm, cứ khi nào những tiếng lanh canh của chị tắt hẳn thì toàn bộ gia đình biết đã tới lúc đi ngủ. Thông qua cử chỉ của Saierbao, Văn tưởng tượng ra việc mình sẽ thực hiện những công việc thường ngày trong cuộc sống với Khả Quân: sinh nở và nuôi con, vợ chồng cùng làm việc tâm đầu ý hợp. Nhưng hằng đêm, khi mà động tác cuối cùng trong chuỗi công việc hàng ngày của Saierbao kết thúc, Văn lại quay trở về với cảm giác tuyệt vọng, với nỗi khao khát và tình trạng bị cô lập của mình, khuôn mặt cô đầm đìa nước mắt.

Gela có vẻ lớn tuổi hơn Saierbao. Anh ta ít nói, nhưng lại là người phát ngôn cho gia đình. Người Trung Quốc vẫn thường cho rằng hễ là người Tây Tạng thì đàn ông đều cao to lực lưỡng, nhưngGela lại chẳng cao hơn vợ mấy. Không béo cũng không gầy, khuôn mặt anh ta chẳng phải khiêm tốn cũng chẳng ra cao ngạo, không vui mừng cũng không giận dữ, anh ta mang đến cho người ta cảm giác tin cậy, nhưng không phải là người dễ hiểu. Văn phát hiện ra rằng ngay cả những con vật, chúng cũng thừa nhận phẩm cách và uy quyền của Gela: khi Gela ở gần thì không con cừu nào dám đi lang thang, không con ngựa nào dám đi lang thang, không con ngựa nào dáng kháng cự không cho đóng móng guốc. Ai ai, từ con người đến súc vật, đều nhận mệnh lệnh từ ngôn ngữ cơ thể của Gela: anh là một chủ gia đình mẫu mực.

Ge”er gần bằng tuổi người anh Gela. Hai người rất giống nhau, ngoại trừ Ge”er gầy hơn. Văn thấy băn khoăn tự hỏi phải chăng anh ta câm. Không bao giờ thấy anh ta nói, thậm chí ngay cả trong lúc chơi với Hồng, cậu bé nhỏ tuổi nhất mà anh ta rất yêu quý. Zhuoma nói với Văn rằng cô ấy nghe Saierbao nói Ge”er là thợ thủ công khéo léo nhất trong gia đình, và Văn thường thấy anh ta sửa chữa những đồ dùng với sự tập trung đặc biệt.

Một đêm, khi ngày bắt đầu rạng, Văn quyết định thử bất chấp lại gió mạnh để đi ra ngoài lều cho khuây khỏa. Khi cô nhón chân đi qua những người đang ngủ, cô kinh ngạc khi nhìn thấy Saierbao ở bên dưới tấm chăn của Ge”er, cánh tay họ ôm nhau quấn quýt. Cô đứng đó một lát, không thể cử động, nhìn họ ngủ.

Từ khi đến sống với gia đình Gela, Văn dần dần quen với việc nằm ngủ chung cùng mọi người, đàn ông lẫn đàn bà. Tuy cô không thể hình dung nổi các ông chồng và bà vợ quan hệ tình dục thế nào trước mắt tất cả mọi người, nhưng cô biết rất nhiều chủng tộc đã sống như vậy trong hàng thế kỷ. Nhưng cô chưa bao giờ nghĩ rằng một người điềm tĩnh đáng trọng như Saierbao lại dan díu ăn nằm với một người đàn ông khác ngay trước mũi chồng mình. Chỉ sống với riêng chồng chị là điều tuyệt vời và đáng trọng nhất trên thế gian này, Văn muốn hét lên như vậy với Saierbao. Tất nhiên là cô không làm thế, nhưng cũng không thể ngủ lại được.

Ngày hôm sau, Văn vẫn ray rứt với điều cô phát hiện ra. Cô không biết đối diện với Saierbao và Ge”er như thế nào nên cố tránh mặt họ. Mọi người nhận ra có điều gì đó không ổn với Văn, nhưng cho rằng chỉ là do cô nhớ nhà. Ni cứ kéo Zhuoma đến chỗ Văn để cố gắng thuyết phục Văn nói cho cô bé biết có chuyện gì, nhưng Văn chỉ đỏ mặt, và họ không thể hiểu được bất cứ cảm xúc nào của cô. Zhuoma biết vào ban ngày Văn thường nhìn chăm chú vào khoảng không, còn ban đêm lại khóc, nên cô cho rằng Văn lơ đễnh như vậy ắt hẳn là do nhớ Khả Quân, và cô sợ nhỡ khi mình lại hỏi những câu hỏi vụng về.