Thiên táng - Chương 09 phần 2 [Hết]

Zhuoma và Thiên An Môn không đi cùng Văn trong chuyến trở về Tô Châu. Bà yêu cầu họ đợi bà ở Bắc Kinh. Bà muốn một mình gặp lại gia đình.

Suốt cuộc hành trình, nước mắt Văn cứ tuôn thành dòng xuống vạt áo, mãi không dứt. Mỗi khi nhân viên tàu hay những người đi cùng hỏi thăm xem có chuyện gì không, bà chỉ lắc đầu. Một trong các nhân viên quan tâm đến nỗi anh ta thông báo qua loa phóng thanh hỏi xem trên tàu có ai biết ngôn ngữ dấu hiệu hoặc tiếng Tây Tạng thì đến giúp.

Khi tàu từ từ tiến vào Tô Châu, nhà ga không giống gì với ký ức của Văn về nhà ga ngày trước. Bà cứ ngỡ đó là nhà ga mới nên liền hỏi xem đến nhà ga Tô Châu cũ thì đi lối nào. Người ta cho bà biết rằng nhà ga cũ bị phá rồi. Bà gọi taxi, nhưng nơi bà định tới, tài xế chưa nghe nói bao giờ. Trao đổi một hồi lâu, anh ta mới vỡ lẽ rằng bà đang nhắc tới một con phố ở vùng ngoại ô đã bị giải tỏa từ mười năm trước. anh ta cứ nhìn bà như thể bà là thứ quái vật gì đó, và bà cứ phải nài nỉ anh ta đưa bà tới đấy. Khi tới nơi, bà sửng sốt trước quang cảnh chào đón bà.

Căn nhà của chị bà có sân vườn với những “nguyệt môn” cùng khu vườn nhỏ đẹp ven sông đã biến mất, thay vào đó là những nhà cao tầng hàng nối tiếp hàng. Bà đứng đó, choáng váng, không biết phải làm gì hay phải hỏi ai. Bà lại gần một vài công nhân xây dựng đang sửa đường, nhưng không hiểu lấy một chữ họ nói. Cuối cùng bà mới hiểu ra rằng họ từ miền nam tỉnh An Huy tới và chẳng hè hay biết chuyện gì xảy ra ở Tô Châu trong ba mươi năm qua. Văn cảm thấy hoàn toàn lạc lối.

Khi chiều xuống, Văn cố trấn tĩnh và tìm một khách sạn không xa chỗ ngày xưa là căn nhà của chị mình. Một bảng hiệu với hai ngôi sao nhỏ treo phía trên bàn tiếp tân, mặc dù Văn chẳng hề biết như thế nghĩa là sao. Nơi bàn tiếp tân, người ta hỏi chứng minh thư của bà nhưng bà chẳng biết đó là cái gì. Thay vào đó, bà đưa cho họ xem thư giới thiệu mà Ban Quân sự Tây Tạng đã cho bà. Cô tiếp tân lưỡng lự không muốn tự mình quyết định có để cho Văn ghi tên thuê phòng không, nên bèn bảo bà đợi một chút rồi đi mất. Khi quay lại, cô ta bảo Văn rằng bà có thể thuê phòng, nhưng bà cũng nên tới đồn công an để đăng ký.

Đêm đó, Văn nằm mơ thấy mình trở về Tây Tạng cùng Khả Quân để tìm cha mẹ và chị trên các ngọn núi thiêng. Trước khi trời sáng bà bị tiếng xe cộ gầm rú đánh thức dậy. Bà ngồi nhìn qua cửa sổ quan sát cảnh xe cộ cho tới khi cảm thấy chóng mặt. Mắt bà đã quen với cảnh thảo nguyên trập trùng không dứt. Mọi thứ ở đây đều có vẻ đông đúc chật chội đến nỗi bà không thể nhận ra một cái gì. Thị trấn quê nhà bà vẫn hằng mơ về đã biến mất không dấu vết.

Ngay lúc đó, bà nghe tiếng phách tre gõ lách cách dưới cửa sổ. Tim bà đập rộn lên bởi ký ức mà âm thanh đó khơi dậy trong lòng bà: hồi bà còn bé ở Nam Kinh, những người bán cơm dạo đều mang theo cặp phách tre, mỗi lần họ đi qua nhà, mẹ bà luôn mua cho bà một bát nhỏ cơm rượu ngọt. Văn chạy ào ra khỏi phòng, hướng về phía âm thanh đó. Bên ngoài bà thấy cảnh tượng quen thuộc: một người bán cơm mang quang gánh dài trên vai, hai đầu gánh là hai cái thùng. Một trong hai thùng đựng nước nóng nghi ngút khói dùng để chan cơm được đun bằng một lò than nhỏ phía dưới; thùng kia đựng cơm rượu dậy mùi thơm say lòng quen thuộc. Chẳng có gì thay đổi: ngay cả cái áo gi lê người bán hàng kia mặc cũng giống y như bà vẫn nhớ.

Văn vội vã lại gần người bán rong. Ông ta ngừng gõ phách.

“Ăn ở đây hay mang đi?” ông ta hỏi.

“Ở đây,” bà nói.

Bà đợi ông ta khéo léo trút một muôi nước nóng vào bát, rồi dùng một cái bằng tre múc hai tảng cơm rượu.

“Bà có ăn trứng không?” ông ta hỏi bà, “Hay rắc ít hoa mộc? Bao nhiêu đường?”

“Cho hết vào, và một thìa đường đầy,” Văn đáp. Khi ông ta đưa bát cho bà, bà trào nước mắt.

“Chuyện gia đình à?” người bán rong hỏi. “Đừng buồn. Sống ở đời này cứ sống từng ngày một, rồi thì ngày này ngày khác sẽ qua nhanh thôi.”

Vừa uống nước cơm rượu ngọt lịm lúc này đã hòa cùng nước mắt của mình, Văn vừa cố giữ bình tĩnh.

“Ông sống ở đây bao lâu rồi?” bà hỏi bằng giọng run run.

“Tôi tới đây mười năm trước,” người bán rong đáp. “Tôi chẳng làm được trò gì khác thành thử chỉ còn nước đi gõ phách tre thôi. Nhưng việc này chẳng phải việc tồi đâu, ngày nào cũng có chuyện mới cả. Ngay cả con đường tôi đi lại cũng mỗi năm một khác.”

Văn hỏi ông ta liệu ông ta có biết chị cùng cha mẹ của bà không, rồi bà mô tả cho ông ta căn nhà mà trước kia họ sống. Người bán rong ngẫm nghĩ một lát.

“Tôi e là không,” ông ta nói. “Trong mười năm tôi ở đây, khu này đã bị giật xuống rồi xây lại ba lần. Lần đầu là trong thời “Ba xây dựng” hay gì gì đó. Rồi người ta làm đường và xây cầu, rồi sau đó lại phá. Kế đến họ bán một khu đất to cho Singapore. Quanh đây nhiều người đến rồi lại đi. Dạo này càng ngày càng ít nghe giọng địa phương hơn.”

Ông ta lại tiếp tục gõ phách.

Văn đứng ngay giữa đường, đờ đẫn bởi sự xa lạ của thành phố quê hương. Bà quá đắm mình trong suy nghĩ đến nỗi không nghe thấy cả tiếng gõ phách lẫn âm thanh những ô tô xe đạp chạy vù vù qua chỉ cách bà mười phân. Tất cả những gì bà có lúc này là hồi ức. Liệu bà sẽ có lại lòng can đảm để khởi đầu một cuộc tìm kiếm thứ hai quá muộn màng trong đời bà không? Nếu không thì bây giờ bà sẽ đi đâu?

Bà đút tay vào túi áo nơi cất ảnh Khả Quân. Đặt mấy ngón tay lên bức ảnh từng chia sẻ ngọt bùi cay đắng, sẻ chia những đổi thay lớn lao của cuộc đời bà, bà thì thầm mấy chữ Án ma ni bát mê hồng.

Trên cao, một gia đình ngỗng trời bay về quê hương.

Nơi đây không có kền kền thiêng, thiên táng cũng không.

Thư Văn ngừng nói, nhưng tôi không thể ngừng suy nghĩ. Nghĩ về chuyện bà đã chuyển hóa từ một phụ nữ Trung Quốc hai mươi sáu tuổi thành một Phật tử có tuổi người Tây Tạng. Về mối quan hệ giữa tự nhiên và tôn giáo. Về không gian và im lặng. Về chuyện bà đã mất mát bao nhiêu, đã nhận được bao nhiêu. Về ý chí của bà, sức mạnh và tình yêu của bà.

Thư gửi Thư Văn

Thưa bà Thư Văn thân quý,

Bà đang ở đâu?

Cuốn sách này nằm trong tim tôi đã mười năm, ngấu dần như rượu vang. Giờ đây, rốt cuộc, tôi có thể đưa nó cho bà xem.

Tôi hy vọng rằngb một lúc nào đó, bà sẽ nghe được những tiếng trầm trồ khâm phục người ta phải thốt lên trước vẻ đẹp trong câu chuyện của bà.

Tôi hy vọng rằng một lúc nào đó, bà sẽ trả lời được vô số câu hỏi mà tôi muốn hỏi bà. Ít nhất, tôi muốn biết Zhuoma và Thiên An Môn, Saierbao và gia đình cô ấy, họ giờ đây ra sao.

Tôi đã bỏ nhiều năm để tìm bà, những mong chúng ta có thể lại ngồi với nhau nơi vùng châu thổ sông Dương Tử ngát hương chè để bà kể tôi nghe chuyện cuộc đời bà sau Thiên Táng.

Thư Văn thân quý, nếu bà thấy cuốn sách và lá thư này, tôi khẩn thiết xin bà liên lạc với tôi qua nhà xuất bản của tôi càng sớm càng tốt.

Hân Nhiên

London, 2004

Hết