Buồn nôn - Chương 01
Điều tốt nhất là ghi lại những biến cố từng ngày một. Tạo giữ một cuốn nhật ký để nhìn thấy rõ ở đấy. Đừng để vuột thoát những sắc thái, những sự kiện nhỏ nhặt, ngay cả khi chúng không có vẻ gì cả, và nhất là xếp hạng chúng. Phải nói rõ tôi thấy chiếc đèn này, con phố, đám đông, gói thuốc lá của tôi như thế nào, vì lẽ chính điều đó đã thay đổi. Phải xác định một cách chính xác phạm vi và bản chất của sự thay đổi này.
Chẳng hạn, đây là một chiếc hộp giấy đang đựng lọ mực của tôi. Phải cố nói rõ tôi đã thấy nó trước đấy thế nào, và làm thế nào hiện tại tôi nó.
1. Một chữ để trống
Này! Đây là một chiếc hộp chữ nhật, nổi bật lên trên - thật ngu xuẩn, chẳng có gì để nói về nó cả. Đó là điều phải tránh, không nên đặt vẻ lạ lẫm vào một nơi chẳng có gì cả. Tôi nghĩ rằng đó là nỗi nguy hiểm khi viết nhật ký: người ta phóng đại mọi sự, người ta bị rình mò và cứ liên tục cưỡng bách sự thật. Đằng khác, từ lúc này sang lúc nọ, chắc chắn là tôi có thể - và nhất là nhân câu chuyện chiếc hộp ở trên hay bất cứ một đồ vật nào khác - tìm thấy lại cái cảm giác ngày hôm kia. Tôi phải luôn luôn sẵn sàng, nếu không, cảm giác ấy sẽ còn lọt qua những kẽ tay tôi. Tuyệt đối không nên nhưng phải ghi chú cẩn thận và trong từng chi tiết tỉ mỉ, tất cả những gì xảy ra.
2. Một chữ bị xóa (có thể là “forcer” hay “forger”) một chữ khác được viết thêm vào, nhưng không đọc ra được.
Dĩ nhiên, tôi không còn viết được chi rõ ràng về những câu chuyện xảy ra vào thứ bảy và ngày hôm kia, tôi đã quá cách xa với chúng, điều duy nhất tôi có thể nói được là, trong cả hai trường hợp, tuyệt nhiên chẳng có gì thuộc về cái mà thói thường người ta gọi là một biến cố. Ngày thứ bảy, những đứa trẻ chơi ném đá cuội lan thành vòng tròn trên mặt nước và tôi đã muốn, như chúng, ném một viên đá cuội lên mặt biển. Vào đúng lúc đó, tôi đã dừng lại, tôi để rơi viên đá xuống và bỏ đi. Hẳn lúc ấy tôi có vẻ lơ láo, chắc thế, vì mấy đứa trẻ đã cười rộ lên sau lưng tôi.
Đấy là về phần ngoại diện. Còn những gì đã diễn ra trong tôi thì lại không để lại những dấu vết rõ ràng. Có một cái gì đó mà tôi đã thấy và làm tôi phiền tởm, song tôi không biết nữa là mình đã nhìn vào mặt biển hay hòn cuội. Hòn cuội phẳng lì, khô khan ở một mặt và ẩm ướt, vấy bùn ở mặt kia. Tôi cầm nó ngoài mép, với những ngón tay rón rén, để tránh vấy bẩn.
Ngày hôm kia, chuyện lại càng phức tạp hơn nữa. Và cũng lại có một chuỗi những sự trùng hợp, những điều lẫn lộn quàng xiên, mà tôi không tự giải thích được. Song tôi sẽ không khuây vui khi viết lại tất cả những thứ đó trên mặt giấy. Sau cùng, chắc chắn là tôi đã sợ hãi hay đã có một tình cảm nào đó cùng loại. Nếu chỉ biết được là mình sợ gì, tôi cũng đã thực hiện được một bước tiến lớn lao.
Điều kỳ dị là tôi chẳng hề tin rằng mình điên: tôi lại còn thấy rất rõ rằng tôi không điên; tất cả những biến đổi kể trên chỉ liên quan đến sự vật. Ít nhất đó cũng là điều mà tôi muốn chắc tâm.
Mười giờ rưỡi.
3. Hiển nhiên là vào buổi tối. Đoạn tiếp theo đó được viết sau những đoạn trước một thời gian rất lâu. Chúng tôi tin rằng nó được viết sớm nhất là vào ngày hôm sau.
Rốt cuộc, rất có thể đấy là một cơn khủng hoảng thoáng qua của bệnh điên. Nó không còn lưu lại vết tích gì. Ngày hôm nay, những tình cảm kỳ cục của tôi tuần trước lại mang vẻ lố bịch: tôi không còn bị sa vào đấy nữa. Tối nay, tôi thấy dễ chịu trong người, dễ chịu một cách trưởng giả. Đây là phòng tôi, xoay mặt về hướng Đông Bắc ở bên dưới con đường Mutilés và con lộ của nhà ga mới. Từ cửa sổ phòng, tôi nhìn thấy ngọn lửa đỏ và trắng của quán “Rendez-vous des Cheminots”, ở góc đại lộ Victor Noir, chuyến xe lửa từ Ba Lê vừa đến. Người người túa ra từ nhà ga cũ và tản mát trên các đường phố. Tôi nghe những bước chân và những giọng nói. Nhiều người đang chờ chuyến tàu điện cuối cùng. Hẳn họ đang tụ tập thành một nhóm nhỏ ủ dột chung quanh ngọn đèn hơi, ngay dưới cửa sổ tôi. Ừ, họ còn phải chờ vài phút nữa: chuyến tàu điện sẽ không qua đây trước mười giờ bốn mươi lăm. Quý hồ những người khách thương đừng đến vào đêm nay: tôi thèm ngủ nhừ người và thèm khát như điên một giấc ngủ muộn. Một đêm ngon giấc, chỉ một đêm thôi, và mọi chuyện đó sẽ bị quét sạch.
11 giờ kém 15.
Không còn gì phải sợ nữa, chắc họ đến đấy rồi. Trừ khi đây là ngày của ông Rouen. Ông đến mỗi tuần, người ta dành cho ông căn buồng số 2, tầng nhất, căn buồng có một chiếc chậu vệ sinh. Ông còn có thể đến được mà: thường ông uống một ly “bốc” ở quán “Rendez-vous des Cheminots” trước khi đi nằm. Vả lại ông không làm ồn quá. Ông rất nhỏ người, sạch sẽ, với bộ râu mép đen bóng loáng và bộ tóc giả. Ổng kia rồi.
Khi nghe ông ta leo thang lầu, tim tôi thắt lại, đồng lúc tôi an tâm: có gì phải sợ hãi đối với một thế giới đều đặn thế kia? Tôi tin rằng tôi đã bình phục.
Và kia là chuyến tàu điện số bảy “Abattoirs-Grands Bassins”. Chuyến tàu chạy đến với tiếng sắt va chạm ầm ĩ. Nó lại đi. Bây giờ, trên thân chất đầy va li và những đứa trẻ đang ngủ say, nó lao mình về hướng Grands Bassins, về các xưởng máy, trong miền Đông đen tối. Đấy là chuyến tàu điện áp chót, chuyến cuối cùng sẽ qua đây trong một giờ nữa.
Tôi sắp đi nằm. Tôi đã bình phục, tôi từ chối ghi lại những cảm tưởng của tôi từng ngày một trong một cuốn vở mới xinh xắn như những thiếu nữ. Chỉ có một trường hợp duy nhất là có hứng thú để viết một nhật ký: đó là nếu.
4. Bản văn của tờ rời không ngày tháng dừng lại ở đây.
NHẬT KÝ
Thứ hai, 29 tháng Giêng, 1932.
Một điều gì đó đã xảy đến cho tôi, không thể nghi ngờ gì nữa. Nó đến kiểu như một cơn bệnh, chứ không như một sự chắc tâm thông thường hay một sự hiển nhiên. Nó an trú trong tôi một cách âm hiểm, dần dà; tôi cảm thấy mình hơi kỳ cục, hơi bực bội, chỉ có thế. Một khi yên vị thì nó không còn động đậy nữa, nó lặng câm và tôi có thể tự thuyết phục mình rằng không có gì cả, đấy chỉ là một cuộc báo động hoảng. Rồi bây giờ, nó lại nổ bùng ra trong tôi.
Tôi không nghĩ rằng nghề sử gia lại thuận tiện cho việc phân tích tâm lý. Trong nghề này, chúng tôi chỉ liên hệ đến những tình cảm toàn vẹn mà người ta đặt ra cho chúng những cái tên thuộc loại, như Tham Vọng, Lợi Ích. Tuy nhiên nếu có được chút hiểu biết nào về chính mình, thì đây là lúc tôi phải sử dụng nó.
Chẳng hạn trong tay tôi có một cái gì mới mẻ, một cách thức nào đó để cầm lấy cái ống điếu hay chiếc nĩa. Hoặc là hiện tại, chính chiếc nĩa đã có một cách thức nào đó để được cầm nắm đến, tôi không biết nữa. Mới vừa đây, khi đi vào phòng, tôi khựng lại vì cảm thấy trên tay mình một đồ vật lạnh lẽo, làm tôi chú tâm đến như do một loại nhân cách riêng. Tôi mở tay ra, nhìn: té ra chỉ là một cái hột xoài cửa. Sáng nay, tại thư viện, khi chàng Tự Học đến chào tôi, tôi phải để mất mười giây mới nhận ra anh ta. Tôi đã nhìn thấy một khuôn mặt xa lạ, hao hao như một khuôn mặt. Và rồi bàn tay anh ta như thể một con sâu lớn màu trắng nằm trên tay tôi. Tôi buông anh ra lập tức, cánh tay rơi xuống mềm xèo.
5. Ogier P... : người hay được nói đến trong tập Nhật ký này. Ông là một viên thư ký thừa phát lại, Roquentin quen biết ông vào năm 1930, tại thư viện Bouville.
Cả trên đường phố, cũng có một số lớn tiếng động ám muội vật vờ khắp nơi.
Vậy thì đã có một sự thay đổi, trong những tuần lễ qua. Nhưng ở đâu? Đó là một sự thay đổi trừu tượng không dựa trên cái gì cả. Có phải tôi đã thay đổi chăng? Nếu không phải tôi, thì lúc bấy giờ chính là căn buồng này, thành phố này, thiên nhiên này. Phải chọn lựa.
*
Tôi tin rằng chính tôi đã thay đổi: đó là giải pháp đơn giản nhất. Và cũng là giải pháp khó chịu nhất. Song cuối cùng tôi phải nhận rằng tôi đã chịu những sự biến đổi thình lình nọ. Điều xảy ra là tôi rất hiếm khi suy nghĩ; trong khi ấy vô số những sự biến hình nho nhỏ tích tụ trong tôi mà tôi không đề phòng và rồi, một ngày đẹp trời nọ, một cuộc cách mạng thực sự xảy ra. Đó là điều đã làm cho đời tôi có vẻ bị vấp phạm và thiếu mạch lạc. Chẳng hạn như khi rời nước Pháp, đã có nhiều người bảo tôi rằng tôi đã ra đi một cách bốc đồng. Và khi đột nhiên tôi trở về Pháp, sau sáu năm du lịch, người ta cũng rất có thể còn nói đến sự bốc đồng. Tôi còn thấy mình cùng với Mercier, trong bàn giấy của người công chức Pháp đã từ chức năm rồi vì vụ Pétrou. Mercier đã đến Bengale với đoàn khảo cổ. Tôi đã luôn mơ ước đi Bengale, và anh đã thúc hối tôi đến gặp anh. Lúc này tôi tự hỏi tại sao. Tôi cho rằng anh không tin cậy Portai và anh tin vào tôi để coi chừng y. Tôi không thấy có một lý do gì để từ chối. Và ngay cả vào thời đó, nếu tôi đã linh cảm sự thông đồng nhỏ nhặt nọ về vụ anh chàng Portai, thì đó lại là một lý do nữa để nồng nhiệt chấp nhận. Tôi đã bị tê liệt, tôi không thể nói một tiếng nào. Tôi nhìn chăm vào một pho tượng nhỏ Cao Miên, đặt trên tấm thảm xanh cạnh chiếc máy điện thoại. Dường như chất chua hay sữa ấm gì đấy đã dồn ứ cả cổ họng tôi. Mercier bảo tôi, với một sự nhẫn nại kinh khủng che giấu chút giận dữ:
“Có phải thế không, tôi cần ở cố định một chỗ chính thức. Tôi biết rằng rốt cuộc anh sẽ thuận: tốt hơn là nên nhận lời ngay”.
Anh ta có một bộ râu màu đen hơi hoe, sực nức mùi thơm. Mỗi khi anh lúc lắc cái đầu, tôi lại ngửi thấy nồng nực một làn hương. Và rồi, đột nhiên tôi thức dậy từ một giấc ngủ sáu năm.
Pho tượng đối với tôi có vẻ chướng mắt, ngu xuẩn, và tôi cảm thấy mình buồn nản sâu xa. Tôi chịu không hiểu tại sao tôi đã ở Đông Dương. Tôi đã làm gì ở đấy? Tại sao tôi đã nói chuyện với những người kia? Tại sao tôi đã mặc y phục kỳ cục như vậy? Nỗi đam mê của tôi đã chết lịm. Nó nhận chìm tôi xuống và lăn tròn tôi trong suốt nhiều năm; hiện tại, tôi cảm thấy mình trống rỗng. Nhưng đó không phải là điều tệ hại nhất: trước mặt tôi, có một ý tưởng vĩ đại và nhạt phèo, hiện thân trong một vẻ uể oải. Tôi không biết rõ cái đó là gì, song tôi không thể nhìn ngắm nó chừng nào nó còn làm tôi kinh tởm. Tất cả những điều ấy đối với tôi đều được trộn lẫn cùng mùi hương từ bộ râu của Mercier.
Tôi lắc đầu, giận y ngập cổ và trả lời khô khan:
“Cảm ơn anh, nhưng tôi cho rằng mình đã đi du lịch khá nhiều, bây giờ tôi phải trở về Pháp”.
Hai ngày sau đó, tôi đáp tàu đi Marseille.
Nếu tôi không lầm, nếu tất cả những dấu hiệu được tích tụ lại là những điểm báo trước cho một cuộc rối loạn mới trong đời tôi, thì quả thật là tôi đang sợ. Không phải là đời tôi phong phú, nặng nề hay quý báu gì cả. Song tôi sợ điều sắp phát sinh, sắp xâm chiếm lấy tôi - và sắp lôi cuốn tôi đến đâu? Liệu tôi có phải bỏ đi nữa không, và để mặc cho những nghiên cứu, để mặc cuốn sách của mình vẫn còn là những dự định? Liệu tôi sẽ thức tỉnh trong vài tháng, trong vài năm, mệt nhoài, thất vọng, giữa những điêu tàn mới? Tôi muốn nhìn rõ trong tôi trước khi đã quá muộn.
Thứ ba, 30 tháng Giêng.
Chẳng có gì mới.
Tôi đã làm việc từ chín giờ đến một giờ tại thư viện. Tôi đã hoàn tất chương XII và tất cả những gì liên can tới cuộc lưu trú của Rollebon tại Nga, cho đến khi hoàng đế Paul đệ I băng hà. Công việc đã xong: sẽ không còn vấn đề gì nữa cho đến khi sao chép nó lại rõ ràng. Bây giờ là một giờ rưỡi. Tôi ngồi tại tiệm cà phê Mably, ăn một cái sandwich, mọi sự gần như bình thường. Vả lại, trong các quán cà phê, mọi sự đều luôn luôn bình thường, và đặc biệt là ở quán Mably, nhờ người quản lý, ông Fasquelle, có một khuôn mặt bần tiện rất rõ rệt và làm ta an tâm. Chốc nữa đây là giờ ngủ trưa của ông, mắt ông đã hồng lên, nhưng dáng điệu còn linh hoạt và quả quyết. Ông đi giữa những chiếc bàn và tiến đến gần những thực khách, với vẻ thân mật:
“Phải thế chứ, ông nhỉ?”
Tôi mỉm cười khi thấy ông linh hoạt như thế: vào những giờ hàng ăn của ông trống khách, đầu óc của ông cũng trống rỗng theo luôn. Từ hai đến bốn giờ, quán cà phê vắng người, lúc ấy ông Fasquelle bước tới bước lui với vẻ ngớ ngẩn, các người bồi tắt đèn và ông chuồi mình vào cõi vô thức: khi chỉ có một mình, ông ngủ.
Hiện giờ còn chừng hai mươi khách hàng, những người độc thân, những anh chàng kỹ sư tỉnh nhỏ, những công nhân. Họ đã ăn vội bữa trưa trong những nhà trọ gia đình mà họ gọi đó là nhà hàng công cộng, và vì cần một ít xa xỉ, họ đến đây sau bữa ăn, dùng một tách cà phê và chơi bài; họ ồn ào chút đỉnh, một thứ ồn ào rời rạc không làm phiền đến tôi. Cả họ nữa, muốn hiện hữu, họ phải bắt đầu bằng số đông.
Tôi, tôi sống một mình, hoàn toàn một mình. Tôi chẳng bao giờ nói với ai; tôi không nhận gì, cũng không cho gì. Không kể anh chàng Tự Học. Cả đến Françoise, bà chủ quán “Rendez-vous des Cheminots”. Nhưng có phải tôi nói với nàng không? Đôi khi sau bữa ăn, khi nàng dọn cho tôi một ly “bốc”, tôi hỏi nàng:
“Chiều nay em rảnh không?”
Chưa bao giờ nàng đáp “không” và tôi theo nàng vào một trong những căn buồng lớn ở tầng nhất, căn buồng nàng thuê từng giờ hoặc từng ngày. Tôi không trả tiền cho nàng: chúng tôi cùng làm ái tình với nhau. Nàng tìm thấy khoái cảm trong đó (mỗi ngày nàng cần một người đàn ông và nàng đã có nhiều người khác ngoài tôi ra) và như thế tôi tự thanh lọc mình khỏi một vài nỗi sầu muộn mà tôi quá biết rõ nguyên do. Song chúng tôi cũng trao đổi sơ qua vài lời. Nào có ích gì? Mỗi người sống cho mình; vả lại đối với nàng, trước hết tôi vẫn là một khách hàng của tiệm cà phê do nàng làm chủ. Nàng bảo tôi, khi cởi áo ra:
“Này anh biết chứ, rượu Bricot là một thứ rượu khai vị phải không? Vì tuần này có hai khách hàng đặt mua. Con bé chiêu đãi không biết nên đến báo cho em. Họ là du khách, chắc họ đã uống thứ rượu đó tại Paris. Nhưng em không thích mua những gì mình không biết rõ. Nếu anh không phiền, em cứ mang bít tất nhé”.
- Hồi xưa ngay cả sau khi nàng đã rời khỏi tôi rất lâu - tôi đã nghĩ về Anny. Bây giờ, tôi không suy nghĩ về ai cả, tôi lại còn chẳng lo lắng đến chuyện tìm chữ nữa. Chữ nghĩa tự trôi chảy trong tôi, với ít nhiều nhanh chóng, tôi không dừng nó lại, tôi cứ để nó trôi. Phần lớn thời gian, vì lẽ thiếu gắn bó với từ ngữ, những tư tưởng của tôi tựa như những đám sương mù. Chúng vẽ nên những hình thể mơ hồ, buồn cười, và nuốt chửng lẫn nhau: ngay tức khắc, tôi quên chúng.
Những chàng thanh niên nọ làm tôi kinh ngạc: trong khi uống cà phê, họ thuật lại những câu chuyện rõ rệt và gần-như-thật. Nếu bạn hỏi ngày hôm qua họ đã làm gì, thì họ không bối rối chút nào: họ sẽ cho bạn biết rõ trong chừng hai chữ. Ở vào vị trí họ, tôi sẽ điên cái đầu. Quả thật từ rất lâu nay, chẳng ai lưu tâm đến việc sử dụng thời gian của tôi. Khi sống một mình, người ta không biết cả đến “thuật lại” là cái gì nữa, sự gần-như-thật tan biến cùng lúc với những người bạn. Cả những biến cố nữa, người ta cũng để chúng trôi đi; đột nhiên người ta thấy xuất hiện những con người nói năng lảm nhảm rồi bỏ đi, người ta dìm mình vào trong những câu chuyện không đầu không đuôi: người ta là một chứng nhân kinh tởm. Nhưng bù lại, tất cả mọi sự khó tin, tất cả những gì đáng lẽ không thể tin được trong những quán cà phê, người ta lại không thiếu. Chẳng hạn hôm thứ bảy, vào khoảng bốn giờ chiều, ở đầu lề đường lót ván của con lộ nhỏ đưa đến nhà ga, một thiếu phụ nhỏ nhắn y phục xanh da trời chạy giật lùi, vừa cười vừa vẫy chiếc khăn tay. Đồng lúc, một người da đen vận áo mưa màu kem, giày vàng, đội mũ xanh lá cây, đang đổi hướng đường cho xe lửa và huýt còi. Người thiếu phụ va phải anh ta, luôn luôn là ở cái tư thế chạy giật lùi ấy, bên dưới một ngọn đèn treo lơ lửng trên hàng rào và sẽ được thắp lên vào chiều tối. Vậy là cùng lúc, đã có cái hàng rào nồng nặc mùi gỗ ẩm, chiếc đèn lồng nọ, người thiếu phụ nhỏ nhắn tóc vàng kia ở trong vòng tay của người da đen, dưới một bầu trời lửa. Trong nhóm bốn hay năm người, tôi giả thiết rằng chúng tôi đã để ý đến sự động chạm nọ, tất cả những màu sắc êm dịu kia, chiếc áo khoác xinh đẹp màu xanh da trời giống như một chiếc mền bằng lông chim, chiếc áo mưa màu tươi sáng, những ô vuông màu đỏ của chiếc đèn lồng; chúng tôi đã cười khi thấy sự thảng thốt hiện lên trên hai nét mặt trẻ thơ đó.
Hiếm khi một người sống cô độc lại muốn cười: đối với tôi toàn thể đã được khuấy động bằng một ý nghĩa rất mạnh mẽ và có khi tàn bạo nữa, nhưng thuần khiết. Rồi thì toàn thể ấy bị phân liệt rã rời: chỉ còn lại chiếc đèn lồng, hàng rào và bầu trời. Như thế kể cũng còn khá. Một giờ sau, chiếc đèn được thắp lên, gió thổi, bầu trời đen thẳm: tuyệt chẳng còn gì nữa cả.
Tất cả những điều đó không có gì là mới mẻ; tôi đã chẳng bao giờ từ chối những cảm xúc vô hại đó, trái lại là khác. Muốn cảm nghiệm chúng, chỉ cần hơi cô đơn một chút, vừa đủ để tự giải thoát đúng lúc khỏi tình trạng gần-như-thật. Nhưng tôi vẫn còn gần gũi đám đông, vẫn còn ở trên mặt của sự cô đơn, còn vững dạ tìm đến trú ẩn trong bọn họ, vào trường hợp có báo động: thực ra, cho đến nay tôi vẫn chỉ là một kẻ hời hợt.
Hiện giờ, khắp nơi đều có những sự vật như thể ly bia đang đặt trên bàn kia. Khi nhìn thấy nó, tôi muốn nói: thôi, tao không chơi nữa. Tôi hiểu rõ mình đã đi quá xa. Tôi giả thiết rằng người ta không thể “định giới hạn” cho sự cô đơn. Điều đó không có nghĩa tôi phải nhìn kỹ dưới gầm giường trước khi đi nằm hay sợ hãi thấy cửa phòng mình đột ngột mở ra vào giữa đêm khuya. Duy có điều là tôi lo lắng: đã nửa giờ rồi tôi tránh nhìn ly bia kia. Tôi nhìn bên trên, bên dưới, bên phải, bên trái: nhưng cái ly bia thì tôi lại không muốn nhìn. Và tôi biết rất rõ rằng tất cả những người độc thân đang vây quanh đây đều không thể giúp được gì cho tôi cả: đã quá muộn, tôi không còn có thể đến trú ẩn giữa họ được. Họ sẽ đến vỗ vai tôi và bảo: “này, ly bia kia có gì thế? Nó cũng như mọi chiếc ly khác. Nó cũng có mép tròn, với một chiếc quai, nó mang một nhãn hiệu nhỏ vẽ một cái mai, và trên nhãn hiệu người ta có viết chữ Spatenbrau”. Tôi biết tất cả những điều đó, nhưng tôi lại biết còn có một cái gì khác hơn. Một cái hầu như chẳng là gì cả. Nhưng tôi không thể giải thích những điều tôi thấy nữa. Với bất cứ ai. Đấy: tôi chuồi mình nhẹ nhàng xuống tận đáy nước sâu, hướng về sự sợ hãi.
Tôi một mình ở giữa những giọng nói vui vẻ và hợp lý này. Tất cả những gã đó đều dùng thời gian để tự biện minh, để sung sướng nhận ra rằng họ đồng ý với nhau các thứ. Trời đất quỷ thần ơi, họ xem là quan trọng dường nào cái việc cùng có ý nghĩ như nhau về một điều. Chỉ cần nhìn cái đầu ngúc ngoắc của họ khi có một người với đôi mắt lờ đờ như cá chết đi ngang qua giữa họ, đôi mắt có vẻ như đang nhìn vào nội tâm, là người ta không thể hoàn toàn đồng ý với họ được. Khi lên tám, đang chơi đùa trong vườn Lục Xâm Bảo, tôi thấy một người như thế đến ngồi trong một chiếc ghế có mái che, dựa vào hàng rào sắt dọc theo đường Auguste Comte. Ông ta lặng thinh, nhưng thỉnh thoảng lại duỗi chân ra và nhìn bàn chân mình với một vẻ kinh hãi. Bàn chân đó mang một chiếc giày cao cổ, nhưng bàn chân kia lại nằm trong một chiếc băng chân. Người gác dan đã nói với chú tôi rằng đó là một viên cựu giám học. Người ta đã cho ông về hưu, vì lẽ ông đến đọc các điểm thi tam cá nguyệt trong lớp với y phục hàn lâm. Chúng tôi đã sợ khiếp vì biết rằng ông ta cô đơn. Một ngày nọ ông đã cười với Robert và dang tay chào đón từ xa: Robert suýt chết ngất. Không phải vẻ khốn khổ của ông nọ đã làm chúng tôi sợ, cũng không phải chiếc bướu trên cổ ông, chiếc bướu đang cạ vào cổ áo giả: nhưng chúng tôi biết rằng ông đang tạo nên trong đầu óc mình những tư tưởng cong quẹo như tôm cua. Và đó chính là điều làm chúng tôi kinh khủng: ấy là người ta có thể có những ý tưởng cong quẹo lăng nhăng về chiếc ghế, về những chiếc vòng chúng tôi đang chơi; về những bụi cây.
Có phải cảnh ngộ đó đang chờ đợi tôi hay không? Lần đầu tiên trong đời, tình trạng sống đơn chiếc một mình làm tôi buồn nản. Tôi muốn nói với một người nào đó về những điều xảy đến cho tôi trước khi đã quá muộn, trước khi tôi làm cho những đứa trẻ sợ hãi. Tôi muốn Anny có mặt ở đây.
Thật kỳ lạ: tôi vừa viết đầy mười trang giấy và lại không nói được sự thật - ít ra cũng không nói được tất cả sự thật. Khi dưới chỗ ghi ngày tháng, tôi ghi “chẳng có gì mới”, đó là tôi viết với một thái độ ngụy tín: thật ra có một câu chuyện nhỏ, không đáng xấu hổ và cũng chẳng có gì là phi thường, không chịu lộ diện ra. “Chẳng có gì mới”. Tôi thán phục khi thấy ta có thể nói dối đến mức nào khi về phe với lý trí. Hiển nhiên là chẳng có gì mới mẻ xảy ra, nếu người ta muốn: sáng nay, lúc tám giờ mười lăm, khi ra khỏi khách sạn Printania để đến thư viện, tôi đã không thể nhặt được một mảnh giấy đang chập choạng trên mặt đất. Đấy, chỉ có thế và đó cũng không là một biến cố. Vâng đúng thế. Nhưng muốn nói tất cả sự thật, thì quả là tôi đã bị khích động sâu xa: tôi đã nghĩ rằng mình đã không còn tự do nữa. Tại thư viện tôi đã tìm cách xua đuổi ý tưởng này nhưng không được. Tôi đã muốn trốn chạy nó tại quán cà phê Mably. Tôi hy vọng rằng nó sẽ tan biến trước ánh sáng. Nhưng nó vẫn còn đấy, trong tôi, nặng nề và đau đớn. Chính ý tưởng đó đã xui tôi viết nên những trang trên.
Tại sao tôi đã không nói đến nó? Đó chắc là vì lòng kiêu hãnh, và rồi một phần cũng là vì vụng về. Tôi không có thói quen tự thuật lại những gì xảy đến cho mình, trong khi tôi không tìm ra được cái chuỗi liên tục những biến cố, trong khi tôi chưa phân biệt được điều nào là quan trọng. Nhưng hiện tại, thế là hết rồi: tôi đọc lại những gì mình đã viết tại quán cà phê Mably và tôi xấu hổ, tôi không ưa muốn những điều bí mật, những trạng thái tâm hồn, cũng như những điều không thể nói lên được, tôi không phải là trinh nữ hay mục sư gì cả, để mà chơi cái trò đời sống nội tâm.
Quả thật chẳng có chuyện gì lớn lao đáng nói; tôi đã không thể nhặt được mảnh giấy, chỉ có thế.