Buồn nôn - Chương 02

Tôi rất thích nhặt những hạt dẻ, những mảnh vụn cũ kĩ, nhất là những mảnh giấy. Tôi khoái chết được khi cầm nó lên, khi nắm nó trong tay, chỉ thiếu điều tôi sắp sửa đưa nó lên miệng như những đứa trẻ thường làm. Anny nổi tam bành lục tặc lên khi tôi nhón lấy một mảnh giấy nặng nề và lộng lẫy, nhưng chắc đã vấy bẩn. Vào mùa hạ hay đầu mùa thu, người ta tìm thấy trong những khu vườn những mẩu giấy báo mà mặt trời đã nung chín, cứng khô và dễ vỡ như những chiếc lá rụng vàng đến nỗi người ta tưởng chúng đã được ngâm vào Acide picric. Vào mùa đông những tờ giấy khác bị nện dập, nghiền nát, vấy bẩn. Chúng quay trở lại mặt đất. Những tờ khác còn mới nguyên và có khi bị đóng giá, trắng tinh, còn rung rẩy đậu trên mặt đất như những con thiên nga, nhưng đất đã phủ lên chúng ở mặt dưới. Chúng vặn mình, dứt ra khỏi bùn lầy, nhưng là để đến nằm dài vĩnh viễn ở chỗ xa hơn một chút. Tất cả những mẩu giấy đó mà được cầm lên thì thật tuyệt. Đôi khi tôi chỉ sờ chúng và nhìn thật sát, những lần khác tôi xé chúng ra để nghe tiếng lẹt đẹt kéo dài, hoặc nếu chúng quá ẩm ướt, tôi nhóm chúng lên lửa, điều đó không phải dễ dàng gì, đoạn tôi chùi lòng bàn tay đầy bùn của mình vào một vách tường hay vào một thân cây.

Vậy thì ngày hôm nay, tôi nhìn đôi giày ống màu hung hung của một viên sĩ quan kỵ binh, vừa ra khỏi trại lính. Khi nhìn theo đôi giày ống, tôi thấy một mảnh giấy nằm bên một vũng nước. Tôi tưởng rằng viên sĩ quan sẽ dùng gót giày nghiền nát mảnh giấy trong bùn; nhưng không, anh đã nhảy một bước qua cả mảnh giấy và vũng nước. Tôi tiến đến gần: đó là một trang giấy có kẻ hàng hẳn đã được xé ra từ một quyển vở học trò. Mưa đã làm nó ướt đẫm và xoắn lại, tờ giấy đầy những vết phồng như một bàn tay bị bỏng. Đường gạch đỏ chia lề đã phai nhạt thành một vết nhòa màu hồng; mực loang chảy ra từng chỗ. Phần dưới của trang giấy biến mất dưới một lớp bùn. Tôi cúi xuống. Tôi đã khoái chết vì được sờ đến đống bột mềm mát đang lăn tròn dưới những ngón tay tôi thành những cục nhỏ màu xám... Tôi đã không thế.

Tôi vẫn cúi mình xuống, trong một giây, tôi đọc được “Chính tả: con Cú trắng”, đoạn tôi đứng thẳng người dậy, hai bàn tay trống không. Tôi không còn tự do nữa, tôi không còn có thể làm những gì mình muốn nữa. Những đồ vật, người ta không nên đụng chạm đến chúng, vì chúng không sống động. Người ta sử dụng chúng, đặt chúng trở lại đúng vị trí. Sống giữa chúng: chúng hữu ích, thế thôi. Còn tôi, chúng lại đụng chạm đến tôi, đó 1à, điều không thể chịu đựng nổi. Tôi sợ phải tiếp xúc với chúng, như thể chúng là những con vật sống.

Giờ đây tôi nhìn rõ, tôi nhớ lại chính xác hơn những gì mình đã cảm nghiệm trên bờ biển vào ngày nọ, khi tôi cầm viên đá nhỏ. Đó là một nỗi kinh tởm dịu nhẹ. Thật khó chịu biết bao! Và nỗi kinh tởm ấy đến từ viên đá, tôi chắc thế, nó chuyền từ viên đá sang tay tôi. Vâng, đúng nó, đúng là nó: một thứ Buồn Nôn nơi hai bàn tay.

Sáng thứ năm, tại thư viện.

Mới đây, khi xuống cầu thang khách sạn, tôi đã nghe Lucy than phiền với bà chủ của nàng lần thứ một trăm, trong lúc nàng lau bóng các bậc thang. Khi nói, bà chủ phải cố gắng và chỉ dùng những câu ngắn vì chưa mang răng giả vào; bà hầu như trần truồng trong chiếc áo ngủ màu hồng với đôi giày đế thấp. Lucy thì dơ dáy, như thói quen, thỉnh thoảng nàng dừng tay chà bóng và quỳ thẳng dậy trên đầu gối để nhìn bà chủ. Nàng nói không dứt, với một vẻ hợp lý khôn ngoan:

“Tôi sẽ ngàn lần khoái hơn nếu ảnh sống lang bạt, nàng nói; tôi không thiết đến điều ấy nếu nó không có hại cho ảnh”.

Nàng đang nói về chồng: người đàn bà nhỏ bé tóc hung da nâu trạc tứ tuần này tự hiến mình, cùng số tiền dành dụm được, cho một chàng bảnh trai làm thợ lắp máy ở xưởng Lecointe. Nàng không được hạnh phúc trong gia đình. Chồng nàng không đánh đập, cũng chẳng lừa dối nàng: chàng ta chỉ phải tật uống rượu và mỗi chiều về nhà đều say khướt. Chàng kém sức khoẻ; ba tháng nay, tôi thấy chàng vàng bủng và ỉu xìu. Lucy nghĩ rằng đó là do rượu. Tôi lại cho rằng chàng bị lao phổi.

“Phải tỏ ra cao thượng”, Lucy bảo.

Ý tưởng đó gặm nhấm nàng, tôi chắc thế nhưng gặm nhấm chậm chạp và kiên nhẫn, nàng cố tỏ ra cao thượng nên không thể tự an ủi cũng như phớt mình cho sự đau khổ. Nàng nghĩ đến nó một tí; một tí tẹo thôi, ở chỗ nọ, nàng sống bám vào nỗi buồn khổ. Nhất là khi ở trong đám đông, vì đám đông an ủi nàng và cũng vì nàng bớt sầu não hơn khi nói về nó bằng một giọng trầm tĩnh, với vẻ như đang khuyên nhủ ôn tồn. Khi chỉ còn một mình trong phòng, tôi nghe nàng hát nho nhỏ để tránh khỏi suy nghĩ. Nhưng suốt ngày nàng buồn thảm, chán nản và mệt nhoài liền một lúc:

“Đấy, đấy, chuyện không ổn rồi”, nàng vừa nói vừa sờ cổ họng. Nàng đau khổ trong sự keo kiệt. Hẳn nàng cũng phải bủn xỉn đối với những khoái lạc của mình. Tôi tự hỏi không biết có đôi lúc nào nàng mong ước được giải thoát khỏi nỗi đau đớn buồn tẻ này, khỏi những lời lẩm bẩm nguyền rủa cứ bắt đầu vang lên ngay khi nàng thôi hát, không biết nàng có mong ước chịu khổ đau một lần cho cùng tận, chịu dìm mình trong cơn tuyệt vọng hay không. Nhưng dù sao nàng cũng không thể làm thế được: Nàng đã bị mắc vào tròng.

Xế trưa thứ năm.

“De Rollebon là người rất xấu xí. Nữ hoàng Marie Antoinette gọi đùa ông là “con khỉ cưng” của bà. Tuy vậy, ông lại được tất cả những mệnh phụ trong triều yêu thương, không phải bằng cách làm trò hề như kiểu Voisenon, con người xấu xí như khỉ, mà bằng một áp lực kỳ lạ như nam châm, đưa những cuộc chinh phục tuyệt diệu của ông đến mức tệ hại thái quá của dục vọng. Ông âm mưu và đóng một vai trò khá ám muội trong vụ Collier và biến mất vào năm 1790 sau khi đã liên lạc liên tục với Mirabeau Tonneau và Nerciat. Người ta gặp lại ông ở Nga, nơi dường như ông đã mưu sát hoàng đế Paul đệ I, và từ Nga, ông du lịch những xứ xa xôi nhất, như Ấn Độ, Trung Hoa, Turkestan. Ông buôn lậu, lập đảng bí mật, do thám. Vào năm 1813, ông trở lại Paris. Năm 1816, ông đã đến tột đỉnh quyền thế: ông là người tâm giao duy nhất của bà công tước d’Angoulême. Người đàn bà già bốc đồng và cố chấp đối với những kỷ hiệm kinh khủng của thời ấu thơ này lại dịu xuống và mỉm cười khi nhìn thấy ông. Qua bà công tước, ông ban phước giáng họa cho triều đình. Vào tháng 3-1820, ông cưới cô De Roquelaure, một giai nhân mười tám tuổi. De Rollebon lúc ấy đã bảy mươi tuổi, và đang ở tuyệt đỉnh của danh vọng. Bảy tháng sau, bị buộc tội phản bội, ông bị bắt giữ, bị vất vào trong một khám tối, và chết ở đấy sau năm năm giam cầm, mà không được người ta tuyên xử”.

Tôi buồn bã đọc lại lôi ghi chú trên của Germain Berger(6). Tôi đã biết đến De Rollebon trước hết là nhờ những dòng trên. Ông có vẻ quyến rũ tôi mãnh liệt, và ngay tức khắc, căn cứ trên ít dòng nhỏ nhặt đó, tôi yêu ông xiết bao! Chính vì ông, vì cái con người xấu xí dễ thương đó, tôi mới có mặt tại đây. Khi đi du lịch về, tôi đã có thể ở luôn tại Paris hay Marseille. Nhưng phần lớn các tài liệu liên quan đến những ngày lưu trú lâu dài tại nước Pháp của viên hầu tước lại ở trong thư viện thành phố Bouville. Rollebon đã là chủ lâu đài Marommes. Trước chiến tranh, người ta còn tìm thấy trong thị trấn nhỏ này một trong những hậu duệ của ông, một kiến trúc sư tên là Rollebon-Campouyré, và người này khi qua đời năm 1912, đã để lại một di sản rất quan trọng cho thư viện Bouville: những lá thư của viên hầu tước, một đoạn nhật ký, những giấy tờ đủ loại. Tôi vẫn chưa lục soạn tất cả những thứ đó.

6. Germain Berger: Mirabeau-Tonneciu et ses amis, trang 406, ghi chú số 2. Champion, 1906. (chú thích của người xuất bản)

Tôi hài lòng vì đã tìm gặp những ghi chú trên. Đã mười năm nay, tôi chưa hề đọc lại. Chữ viết của tôi đã thay đổi, dường như thế: tôi đã viết chữ sít nhau hơn. Năm đó tôi yêu De Rollebon ngần nào! Tôi nhớ lại một buổi chiều - một chiều thứ ba, tôi đã làm việc suốt ngày tại Mazarine; tôi đã vừa dựa theo những thư tín của Rollebon trong những năm 1789-1790 để phỏng đoán cái cách thức kỳ diệu ông đã dùng để đánh lừa Nerciat. Đêm tối đen, tôi xuống đại lộ Du Maine và ở góc đường Gaité, tôi đã dừng lại để mua hạt dẻ. Tôi sung sướng vô vàn! Tôi cười một mình khi nghĩ đến sự điên đầu của Nerciat khi ông ta từ Đức trở về. Gương mặt viên hầu tước cũng tựa như thứ mực này: nó xanh xao, kể từ khi tôi lưu tâm nhìn nó.

Thoạt tiên, bắt đầu từ năm 1801, tôi không còn biết gì nữa về hành vi của ông. Đó không phải vì tài liệu thiếu thốn: những bức thư, những đoạn hồi ký, những phúc trình mật, những công văn sở cảnh sát. Ngược lại, tôi hầu như có quá nhiều tài liệu nữa là khác. Tuy nhiên, điều thiếu thốn trong tất cả những chứng từ này, là sự quả quyết, sự chắc chắn. Không, chúng không trái ngược nhau, nhưng chúng cũng không phù hợp với nhau nữa: chúng có vẻ như không cùng nói về một người. Tuy vậy, các sử gia khác lại làm việc dựa trên những tài liệu cùng loại. Họ đã làm thế nào? Có phải tôi quá cẩn thận hay kém thông minh hơn họ? Vả lại vấn đề này cũng làm tôi dửng dưng. Thực ra, tôi đang tìm cái gì? Tôi cũng không biết nữa. Đã từ lâu, con người đó - Rollebon - làm tôi thích thú hơn là quyển sách phải viết. Nhưng bây giờ, con người... con người đó bắt đầu làm tôi buồn nản. Chính tôi gắn bó với quyển sách, tôi cảm thấy một nhu cầu ngày càng mạnh để viết nên nó - khi tôi càng già thêm ra, tuồng như thế.

Hiển nhiên, người ta có thể chấp nhận rằng Rollebon đã giữ một phần tích cực trong việc mưu sát hoàng đế Paul đệ I, rằng kế đó ông dã nhận một nhiệm vụ do thám cao cấp ở Đông phương cho hoàng đế Nga và thường xuyên phản bội Alexandre để phục vụ cho Napoléon. Cùng lúc ông đã có thể liên lạc thư tín chặt chẽ với bá tước d'Artois và báo cho ông này biết những tin tức ít quan trọng để chiếm được lòng tin về sự trung thành của ông: tất cả những điều đó không có chi là đáng ngờ cả; ở vào cùng thời, Fouché đã đóng một vở kịch còn phức tạp và nguy hiểm hơn. Cũng rất có thể viên hầu tước này đã buôn súng cho các tiểu quốc thuộc châu Á để kiếm lời.

Vâng, ông đã có thể làm tất cả những thứ đó, nhưng điều đó lại không được chứng nghiệm; tôi bắt đầu tin rằng không bao giờ người ta có thể chứng thật được cái gì cả. Đó chỉ là những giả thuyết thích nghi giúp ta hiểu các sự kiện: nhưng tôi cảm thấy rõ ràng rằng chúng phát xuất từ tôi, chúng chỉ là một cách hợp nhất những điều hiểu biết của tôi. Không một tia sáng nhỏ nào rọi đến từ phía Rollebon. Chậm chạp, lười biếng chán chường, những sự kiện uốn mình theo sự chặt chẽ của trật tự mà tôi muốn sắp đặt cho chúng, nhưng trật tự đó lại ở ngoài chúng. Tôi có cảm tưởng mình đang làm một việc thuần tưởng tượng. Lại nữa, tôi còn biết rõ ràng những nhân vật tiểu thuyết còn có vẻ thật hơn, và dù sao nữa, cũng có vẻ tươi vui hơn.

Thứ sáu.

Ba giờ. Ba giờ, thật luôn luôn quá chậm hay quá sớm đối với tất cả những gì ta muốn làm. Khoảng thời gian kỳ cục lúc xế trưa. Hôm nay, chuyện đó quả không thể dung thứ được.

Một mặt trời lạnh lẽo đang nhuộm trắng đám bụi bám trên những cửa kính. Bầu trời xanh xao, lổ đổ những đốm trắng. Những con suối đã đóng băng vào sáng nay.

Tôi suy nghĩ, tiêu hóa một cách nặng nề gần lò sưởi, tôi biết trước rằng ngày hôm nay thế là hỏng. Tôi sẽ không làm được trò trống gì, có lẽ, trừ phi đêm xuống. Đó là vì mặt trời; mặt trời nhuộm vàng mơ hồ các đám sương mù bẩn thỉu trắng bệch, lửng lơ trong không, bên trên con đường nhỏ; mặt trời chảy tràn vào phòng tôi, vàng bệch, xanh xao; mặt trời trải lên bàn tôi bốn tia phản chiếu nhợt nhạt và mờ ảo.

Chiếc ống điếu của tôi được sơn bằng một nước sơn màu vàng, thoạt tiên nó hấp dẫn mắt nhìn bằng một bề ngoài vui vẻ: nhưng khi ta nhìn nó, lớp sơn chảy ra, chỉ còn để lại một vệt nhợt lớn trên một mẩu gỗ. Và mọi sự đều như thế, mọi sự, cả đến hai bàn tay của tôi. Khi mặt trời đó bắt đầu lên, điều tốt nhất là đi nằm. Duy có điều đêm qua tôi đã ngủ như một con thú và hiện giờ tôi không buồn ngủ.

Tôi yêu biết ngần nào bầu trời hôm qua, một bầu trời hẹp, đen kịt, mưa đang đập vào cửa kính, như một khuôn mặt buồn cười và gợi cảm. Mặt trời ngày đó không có vẻ lố bịch, trái lại là khác. Trên tất cả những gì tôi ưa thích, trên vẻ hoen rỉ của con đường nhỏ, trên những tấm ván mục nát của hàng rào, mặt trời rọi xuống một luồng sáng hiếm hoi, vừa phải, tựa như cái nhìn mà, sau một đêm không ngủ, người ta phóng lên trên những quyết định nhiệt thành vào hôm trước, lên trên những trang sách người ta đã viết thẳng một mạch không bôi xóa. Bốn quán cà phê của đại lộ Victor Noir chiếu sáng vào ban đêm, nằm cạnh nhau, chúng còn hơn là những quán cà phê - những chiếc bồn nuôi cá, những vì sao, hay những con mắt màu trắng - đã mất đi cái vẻ duyên dáng mơ hồ của chúng.

Một ngày tuyệt vời để quay trở về mình: những luồng ánh sáng lạnh lẽo mà mặt trời chiếu rọi lên, như một phán đoán nghiêm khắc đối với những sinh vật - những luồng ánh sáng ấy đi vào trong tôi theo ngả mắt; tôi đã được soi sáng bên trong bằng một nguồn ánh sáng làm mình khô kiệt đi. Chỉ cần một khắc, tôi chắc thế, là đủ để tôi đi đến chỗ ghét bỏ mình cùng cực. Cám ơn lắm, tôi không chịu nổi đâu. Tôi cũng sẽ không đọc lại những gì mình đã viết ngày hôm qua về cuộc lưu trú của Rollebon ở St. Pétersbourg. Tôi ngồi yên, hai tay đong đưa, hoặc có thể là tôi đang vạch nên một vài chữ gì đó một cách chán nản; tôi ngáp dài và chờ đêm xuống. Khi đêm đen đến, những đồ vật và tôi, chúng tôi sẽ cùng ra khỏi những giới hạn mơ hồ.

Rollebon đã tham dự hay không vào cuộc ám sát hoàng đế Paul đệ I? Đấy, đấy là vấn đề trong ngày: tôi đã đi đến đó và không thể tiếp tục mà không xác định rõ.

Theo Tcherkoff, ông đã được bá tước Pahlen trả tiền. Phần lớn những người dự mưu đều đã đồng ý hạ bệ và bắt giam hoàng đế, Tcherkoff bảo vậy. (Quả thế, Alexandre dường như đã tán đồng giải pháp này). Nhưng Pahlen lại còn muốn thanh toán dứt khoát với Paul. De Rollebon đã nhận nhiệm vụ thúc đẩy từng cá nhân các người dự mưu trong cuộc ám sát.

“Ông đến thăm từng người và diễn tả cái cảnh sắp xảy ra, với một mãnh lực không bì kịp. Như thế, ông làm phát sinh hay phát triển nơi họ lòng điên cuồng sát nhân”.

Nhưng tôi không tin Tcherkoff. Đó không phải là một nhân chứng thích đáng, mà chỉ là một viên giáo sĩ bạo dâm, điên điên tàng tàng: ông biến mọi sự thành quỷ quái hết. Tôi hoàn toàn không thấy De Rollebon trong vai trò có tính cách cải lương ấy. Ông đã diễn nên cảnh sát nhân ư? Cho là vậy đi! Ông ta lạnh lùng, không lôi cuốn, như thói thường: ông không làm cho người ta thấy, mà chỉ dẫn đưa một cách khéo léo, và phương pháp xanh xao không màu sắc của ông chỉ có thể thành công với những người đứng về phe ông, những kẻ âm mưu có suy đoán, những chính trị gia.

“Adhémar De Rollebon không tô vẽ cho lời nói của mình, không làm dáng điệu và cũng chẳng thay đổi giọng nói. Mắt ông lim dim và hiếm khi người ta bắt gặp, giữa cặp lông mi, cái bờ ngoài cùng của đôi con ngươi màu xám 

mi, cái bờ ngoài cùng của đôi con ngươi màu xám. Cách đây ít năm tôi mới dám thú thật rằng ông đã làm tôi buồn nản quá mức. Ông nói hơi giống như giám mục Mably đã viết”. Bà De Charrières viết thế.

Và chính người đàn ông đó, bằng cái tài năng diễn kịch của ông... Nhưng nếu thế, làm thế nào ông quyến rũ được những người đàn bà? Và rồi lại có cái câu chuyện kỳ cục này do Ségur kể lại mà tôi cho là thật:

“Vào năm 1787, trong một quán trọ gần Moulins, một lão già bạn của Diderot đang hấp hối, lão ta được giáo dục bởi các triết gia thời đó. Các thầy tu những vùng lân cận đều mệt mỏi cùng cực: họ đã thử hết mọi cách song vô ích, lão già nọ không muốn chịu phép bí tích, lão là người phiếm thần. De Rollebon, lúc ấy đang đi qua đó và lại là kẻ chẳng tin tưởng vào chi cả, đánh cuộc với các thầy tu ở Moulins rằng ông ta không cần đến hai giờ là đủ để đưa người bệnh trở lại với những tình cảm Thiên Chúa giáo. Viên mục sư nhận lỗi và thua cuộc: bắt tay vào cuộc lúc ba giờ sáng, người bệnh xưng tội lúc năm giờ và chết lúc bảy giờ. “Sao ông tài tình trong nghệ thuật tranh biện thế? Viên giáo sĩ hỏi. Ông chiếm chỗ của chúng tôi mất!”. “Tôi không tranh luận, De Rollebon trả lời, nhưng tôi đã làm cho lão ta sợ địa ngục”.

Ông ta quả có dự phần thực sự trong việc ám sát không? Tối hôm đó, vào khoảng tám giờ, một viên sĩ quan của những bằng hữu ông đã đưa ông về đến tận nhà. Nếu đã ra khỏi nhà thì làm thế nào ông băng ngang qua St. Pétersbourg mà không bị nguy hiểm? Hoàng đế Paul, lúc đó nổi điên lên, đã ra lệnh bắt giữ kể từ chín giờ tối, tất cả những bộ hành, trừ những nữ hộ sinh và y sĩ. Ta có nên tin theo truyền thuyết phi lý, theo đó Rollebon đã phải hóa trang thành một nữ hộ sinh để đi đến cung điện? Nói cho cùng, rất có thể ông đã làm như thế. Dù sao, ông cũng không ở nhà vào đêm xảy ra cuộc ám sát, điều đó dường như được chứng thực. Alexandre hẳn đã nghi ngờ ông lắm, vì lẽ một trong những hành vi đầu tiên khi Alexandre lên trị vì là tách xa viên hầu tước với cái cớ mơ hồ là một nhiệm vụ đang chờ ông ở miền Viễn đông.

De Rollebon làm tôi chán ngấy. Tôi đứng dậy. Tôi xúc động trong luồng ánh sáng xanh xao này, tôi thấy ánh sáng thay đổi trên đôi tay mình và trên những ống tay áo: tôi không thể nói cho xiết nó làm tôi kinh tởm biết dường nào. Tôi ngáp dài. Tôi thắp đèn lên, trên bàn: có lẽ ánh sáng ngọn đèn có thể đẩy lui ánh sáng ban ngày. Nhưng không: ngọn đèn chỉ rọi một vòng ánh sáng khốn khổ dưới chân đèn. Tôi tắt đèn; tôi đứng dậy. Trên tường, có một lỗ hổng màu trắng, tấm gương. Đấy là một cái bẫy. Tôi biết rằng tôi sẽ để mình sa bẫy. Nó đấy, cái vật màu xám vừa hiện ra trong gương. Tôi tiến lại gần và nhìn nó, tôi không thể nào bỏ đi nữa.

Đấy là phản ảnh của mặt tôi. Thường khi trong những ngày phí bỏ này, tôi hay nhìn ngắm nó. Tôi chẳng hiểu gì, cái khuôn mặt đó. Khuôn mặt của những người khác có một ý nghĩa. Còn của tôi thì không. Tôi lại không thể quả quyết nó đẹp hay xấu. Tôi nghĩ rằng nó xấu, vì lẽ người ta đã bảo tôi thế. Nhưng điều đó không làm tôi xúc động. Thực ra tôi còn tức bực vì người ta lại có thể gán cho khuôn mặt những phẩm tính loại này, như thể người ta gọi một mẩu đất hoặc một khối đá là đẹp hay xấu.

Tuy vậy cũng có một vật khi nhìn làm tôi thích thú, ở bên trên những vùng mềm mại của đôi má, bên trên vầng trán: ngọn lửa xinh đẹp màu đỏ đang trang điểm chiếc sọ. Đấy là tóc tôi. Đấy, cái ấy thật dễ ưa nhìn. Ít nhất nó cũng có một màu rõ rệt: tôi khoái tóc mình màu hoe. Nó đấy, trong tấm gương, nó hiện ra và tỏa chiếu. Tôi còn gặp may: nếu trán tôi lại mang một trong những bộ tóc lờ mờ không rõ là màu đỏ hung hay màu vàng nâu, thì mặt tôi sẽ chìm mất trong tình trạng hàm hồ, và sẽ làm tôi chóng mặt.