Buồn nôn - Chương 04

Có một đầu đường buồn thảm: trên lề đường bên phải, một khối hơi màu xám với những vạch lửa tạo nên một âm thanh của loài sò ốc: đấy là nhà ga cũ. Sự hiện diện của nó đã mang lại trù phú cho độ một trăm thước đường lộ đầu tiên của đại lộ Noir - kể từ đại lộ Redoute cho đến con đường Paradis - và đã khai sinh ra ở đấy chừng một tá đèn lồng và bốn quán cà phê nằm cạnh nhau, quán “Rendez - Vous des Cheminots” và ba quán khác, nằm buồn nản cả ngày, nhưng tối đến lại rực lên và chiếu rọi những khung sáng hình chữ nhật trên vỉa hè. Tôi còn phải tắm đẫm ba lần trong màu ánh sáng vàng nữa, tôi nhìn thấy một thiếu phụ đi ra từ hiệu thực phẩm Rabache đưa tay sửa lại chiếc khăn choàng trên đầu và khởi sự chạy: rồi thế là hết. Tôi đang ở trên vệ đường Paradis, cạnh chiếc đèn lồng cuối cùng. Dải hắc ín đứt khúc rõ rệt. Bên kia là màn đêm và bùn lầy. Tôi băng ngang đường Paradis. Chân phải tôi giẫm vào trong một vũng nước, bít tất tôi ướt đẫm; cuộc dạo chơi bắt đầu.

Người ta không cư ngụ trong vùng này của đại lộ Noir. Khí hậu nơi đây quá khắt khe, còn đất đai thì quá xấu để đời sống có thể an định và phát triển. Ở hướng Tây, ba xưởng cưa của hãng Les Frères Soleil (hãng này đã cung cấp chiếc vòm lát ván cho nhà thờ Sainte-Cécile de-la-Mer, trị giá một trăm ngàn quan) mở tất cả những cửa lớn và cửa sổ của chúng về phía đường Jeanne Berthe-Coeuroy, con đường êm dịu bị chúng tràn ngập bằng những tiếng động ù ù. Chúng xoay ba cái lưng ra đại lộ Victor Noir, tiếp nối bằng những bức tường. Những tòa nhà này chạy viền lề đường bên trái gần bốn trăm thước: chẳng hề có cửa sổ, cũng chẳng có lấy một chiếc cửa trổ trên mái nhà.

Lần này tôi đã bước cả hai chân vào con suối nhỏ. Tôi băng qua đường: bên kia lề có một ngọn đèn hơi độc nhất, như một ngọn hải đăng ở địa đầu thế giới rọi sáng dãy hàng rào nhạt màu, gãy đổ ở nhiều nơi.

Những mẫu bích chương còn dính liền vào những tấm ván. Một khuôn mặt đẹp đầy hận thù đang nhăn nhó trên một nền màu xanh lục, bị xé rách tươm; bên trên chiếc mũi, một người nào đang vẽ một bộ râu ngạnh trê bằng bút chì. Trên một mảnh giấy tả tơi khác, người ta còn đọc được chữ “Purâtre” bằng màu trắng từ đó rơi xuống những giọt đỏ, có lẽ là những giọt máu. Rất có thể khuôn mặt nọ và chữ kia cùng thuộc về một tấm bích chương. Hiện tại, tấm bích chương đã bị xé rách, những mối liên lạc đơn thuần và cố ý nối kết chúng đã biến mất, nhưng một sự thống nhất khác đã được thiết lập từ chính nó, giữa cái miệng vặn vẹo, những giọt máu, những chữ trắng, ngữ vĩ “âcre” tựa như một đam mê tội lỗi và không ngừng tìm cách tự biểu lộ ra bằng những dấu hiệu huyền bí nọ. Giữa những tấm ván, người ta có thể thấy lấp lánh những đèn hiệu của con đường sắt. Một bức tường dài chạy tiếp theo dãy hàng rào. Một bức tường không thủng lỗ, không cửa lớn, không cửa sổ sẽ dừng lại cách xa đây hai trăm thước, tựa vào một ngôi nhà. Tôi đã vượt khu vực soi sáng của chiếc đèn lồng; tôi đi vào trong lỗ hổng đen ngòm. Khi nhìn bóng mình dưới chân tan hòa trong bóng tối, tôi có cảm tưởng đang dìm người vào nước lạnh. Trước tôi, ở tít đàng xa, xuyên qua những chiều dày đen thẳm, tôi nhận rõ được một đóa hồng nhợt nhạt: đại lộ Galvani. Tôi quay lại, đằng sau ngọn đèn hơi, rất xa, có một luồng sáng mơ hồ: nhà ga với bốn quán cà phê. Đằng sau tôi, đằng trước tôi, đang có những người giải khát và chơi bài trong những quán rượu bia. Ở đây chỉ toàn một màu đen thẳm. Từng chặp ngọn gió lại mang đến một hồi chuông lẻ loi, vẳng lại từ xa. Những tiếng động quen thuộc, tiếng rừ rừ của những chiếc xe hơi, những tiếng la hét, tiếng chó sủa vẫn không xa rời những con đường sáng sủa, những âm thanh ấy vẫn được sưởi ấm. Những hồi chuông văng vẳng đó xuyên thủng bóng đêm vang đến tận đây: chúng cứng nhắc và ít tính chất người hơn những tiếng động khác.

Tôi dừng lại lắng nghe. Tôi lạnh run, hai tai đau nhức, hẳn chúng đã đỏ nhừ. Nhưng tôi không còn cảm thấy điều ấy nữa; tôi đã bị cuốn hút bởi vẻ thuần khiết của những gì vây quanh, không một cái gì sống động ở đây cả; gió thổi, những đường nét cứng đờ chạy xa trong đêm tối. Đại lộ Noir không mang vẻ đĩ thõa của những con đường trưởng giả, luôn luôn khoe mẽ với những khách bộ hành. Không ai để tâm đến việc trang điểm nó. Nó đúng là một mặt trái. Mặt trái của đường Jeanne-Berthe-Coeuroy, của đại lộ Galvani. Chung quanh nhà ga, dân Bouville cũng hơi săn sóc đến con đường chút đỉnh; thỉnh thoảng họ quét rửa nó, vì có những du khách. Nhưng liền sau đó, họ bỏ bê và chuồn thẳng đến đại lộ Galvani để chén chú chén anh một cách mê muội. Thành phố đã lãng quên con đường. Đôi khi một chiếc xe vận tải lớn màu đất chạy hết tốc lực ngang đường, với tiếng ầm ì kinh khủng. Ở đấy người ta cũng không ám sát ai nữa, vì lẽ thiếu những kẻ sát nhân và những nạn nhân. Đại lộ Noir không người chút nào. Đấy là một khoáng vật. Như một hình tam giác. Thật may mắn khi có được một đại lộ như thế ở Bouville. Thông thường người ta chỉ tìm được nó trong những đô thị ở Bá Linh, cạnh Neukôlln hay về hướng Friedrichshain - ở Luân Đôn, đằng sau Greenwich. Những dãy hành lang thẳng và bẩn, đầy gió, với những lề đường rộng không cây. Hầu như chúng luôn ở bên ngoài thành, trong những khu vực kỳ lạ nọ, nơi người ta kiến tạo nên các thành phố, gần những nhà ga hàng hóa, những nhà kho tàu điện, những lò sát sinh, những máy đo hơi. Hai ngày sau cơn mưa rào, khi toàn thành phố ẩm mốc dưới ánh mặt trời và tỏa ra những hơi nóng ẩm ướt, chúng vẫn còn lạnh cứng, vẫn còn lưu giữ bùn lầy cùng những vũng nước trên thân thể. Chúng cũng có những vũng nước không bao giờ khô, trừ vào một tháng trong năm, tháng tám.

Cơn Buồn Nôn ở đằng kia, trong vùng ánh sáng vàng. Tôi đang hạnh phúc: cơn lạnh này thật thuần khiết, đêm tối thật trong lành; chính tôi, há tôi không phải là một làn hơi lạnh lẽo sao? Không máu, không nhựa sống, không da thịt. Chảy dài theo con kênh này về hướng xanh xao mờ nhạt đằng kia. Chỉ thuần là sự lạnh lẽo.

À, có người kia rồi. Hai bóng đen. Họ cần gì mà đến đây?

Đấy là một thiếu phụ nhỏ nhắn, nàng đang vịn tay áo một gã đàn ông. Nàng nói bằng giọng nhanh và thì thào. Vì gió bạt, tôi không hiểu những lời nàng nói.

“Em không câm mồm lại, hả?” Người đàn ông hỏi.

Nàng vẫn luôn mồm nói. Đột nhiên, chàng đẩy nàng ra.

Họ nhìn nhau, ngần ngừ, đoạn người đàn ông thọc tay vào túi và bỏ đi không quay đầu lại.

Người đàn ông đã biến mất. Tôi cách người đàn bà khoảng ba thước. Bất thình lình những âm thanh trầm đặc, khàn khàn xé rách nàng, nổ tung ra khỏi nàng và tràn đầy cả đường phố, với một sức dữ đội phi thường:

“Charles, tôi van anh, anh biết tôi đã nói với anh gì chứ? Charles, hãy trở lại, tôi chán lắm rồi, tôi quá đau khổ!”

Tôi đi gần đến nỗi có thể sờ đụng nàng. Đó là... Nhưng làm sao tin được rằng khối da thịt đang bốc lửa kia, gương mặt đang ngập tràn những nỗi đau khổ kia? Tuy thế tôi cũng nhận ra chiếc khăn choàng, chiếc áo khoác và cái bớt lớn màu rượu trên tay phải nàng; chính là nàng, chính là Lucie, người hầu gái. Tôi không dám dâng hiến cho nàng nơi nương tựa, nhưng cần phải để nàng có thể cầu cứu đến khi cần: tôi đi chầm chậm qua trước mặt và nhìn nàng. Đôi mắt nàng tuy nhìn đăm đăm vào tôi nhưng dường như không thấy tôi; nàng có vẻ chưa định tĩnh lại trong cơn đau khổ. Tôi bước đi vài bước. Tôi quay lại...

Vâng, đúng là nàng, đúng là Lucie. Nhưng là một Lucie đã bị biến hình, thoát ra ngoài mình, đau khổ với một lòng quảng đại điên cuồng. Tôi thèm muốn nàng. Nàng đứng đó, thẳng người, hai tay buông thõng, như đang chờ những dấu vết ô nhục, nàng hé miệng ra, thở hào hển. Tôi có cảm tưởng những bức tường đã lớn dần lên ở mỗi góc đường, và chúng tiến lại gần nhau, còn nàng thì đang ở tận đáy một cái giếng sâu. Tôi chờ một chốc: tôi sợ nàng sẽ ngã lăn quay ra: nàng quá yếu ớt để có thể chịu đựng được nỗi đau đớn thảm khốc này. Song nàng không động đậy, nàng có vẻ đã bị biến thành khoáng vật như tất cả những gì vây quanh. Trong thoáng chốc tôi tự hỏi mình có lầm lẫn về nàng không, đấy có phải là bản tính chân thật của nàng đột nhiên hiển lộ ra với tôi hay không...

Lucie thốt ra một tiếng rên nhỏ. Nàng đặt tay lên cổ họng, hai mắt mở lớn kinh ngạc. Không, không phải từ trong nàng mà nàng rút ra được sức mạnh đau đớn như thế. Sức mạnh ấy đến với nàng từ bên ngoài... đó là đại lộ này. Phải nắm lấy vai nàng, dìu nàng ra ánh sáng, giữa đám đông, trên những con đường êm dịu và hồng tươi: ở đấy, người ta không thể nào đau khổ mãnh liệt như thế được; nàng sẽ mềm nhũn, nàng sẽ tìm lại được vẻ tích cực và mức độ thông thường của những nỗi đau khổ của mình.

Tôi xoay lưng lại. Nói cho cùng, nàng còn gặp may. Phần tôi, từ ba năm nay, tôi quá yên bình. Tôi không còn có thể nhận được gì từ những nỗi cô đơn bi thảm kia, ngoài một ít sự thuần khiết rỗng không. Tôi bỏ đi.

Thứ năm, 2 giờ rưỡi.

Tôi đã làm việc hai giờ liền trong phòng đọc. Tôi đi xuống sân Hipothèques để hút một tẩu thuốc. Công trường lát gạch hồng. Những người dân Bouville hãnh diện với nó, vì lẽ công trường được xây từ thế kỷ XIII. Ở ngõ vào của con đường Chamade và Suspédard, những cây sồi già ngăn đường xe chạy. Những bà mặc áo đen dẫn chó dạo chơi, dọc theo các bức tường, lướt qua dưới những vòm cây hình bán nguyệt. Hiếm khi họ đi đến chỗ có nhiều ánh sáng, song họ liếc xiên về một bên những cái nhìn con gái vụng trộm và thỏa mãn trên pho tượng Gustave Impétraz. Chắc họ không biết tên ông khổng lồ bằng đồng nọ, nhưng họ thấy rõ rằng với bộ áo quần và tướng tá cao lớn như thế, hẳn ông ta là một dân thượng lưu. Ồng đưa tay trái lên giữ nón và đặt bàn tay phải trên một chồng sách khổ giấy gấp đôi: như thể ông nội của họ đang ở đấy, trên chiếc bệ đúc bằng đồng. Các bà đó không cần nhìn ông ta lâu để hiểu rằng ông cũng suy nghĩ như họ, y hệt như họ, về tất cả mọi vấn đề. Để phụng sự những ý tưởng nhỏ bé, hẹp hòi và vững chãi của họ, ông ta đã sử dụng uy quyền cùng sự thông thái rút tỉa được từ những trang sách khổ to đang bị ông đè bẹp dưới bàn tay nặng nề. Những bà mặc y phục đen cảm thấy được an ủi, họ có thể chăm sóc nhà cửa một cách bình thản, dắt chó đi dạo: Những ý tưởng lành mạnh, những ý tưởng tốt đẹp mà họ có từ các đấng tổ phụ, họ không còn trách nhiệm bảo vệ chúng nữa; một người bằng đồng đã đứng ra làm kẻ canh giữ chúng.

Quyển Bách khoa đại từ điển có dành vài hàng cho nhân vật này; tôi đã đọc qua vào năm ngoái. Tôi đọc quyển sách trên bục gỗ một cửa sổ; xuyên qua cửa kính, tôi có thể nhìn thấy chiếc sọ màu xanh lục của Impétraz. Tôi được biết ông nổi danh từ khoảng 1890. Lúc ấy ông là thanh tra Hàn lâm viện, ông vẽ những bức họa nhỏ rất tài hoa và viết ba cuốn sách: “Về dân-vọng nơi những người cổ Hy Lạp” (1887), “Khoa sư phạm của Rolin” (1891) và một bản Chúc thư bằng thơ năm 1899. Ông qua đời năm 1902, mang theo nỗi hối tiếc bùi ngùi của những người trong ngành và những kẻ sành điệu.

Tôi đi dọc theo mặt tiền của thư viện. Tôi gõ vào chiếc ống điếu đang muốn tắt. Tôi nhìn thấy một bà cụ đang sợ hãi đi ra khỏi hành lang vòng bán nguyệt và nhìn Impétraz với vẻ cứng đầu, quỷ quyệt. Đột nhiên bà cụ bạo dạn lên, bà chạy hết tốc lực băng qua sân và ngừng lại một chốc trước pho tượng, tay mân mê hàm dưới. Đoạn bà bỏ chạy, thành một vệt đen trên lề đường màu hồng, và biến mất trong một khe hở của bức tường.

Có lẽ vào năm 1800, công trường này tràn đầy sự vui tươi, với những viên gạch màu hồng và những ngôi nhà vây quanh. Hiện tại, công trường có vẻ khô khan và xấu xí, âm thầm gây cho ta sự sợ hãi. Điều đó phát sinh từ người đàn ông trung tuổi đang đứng nơi bệ tượng, trên cao kia. Khi đúc viên đại học sĩ đó thành tượng đồng, người ta đã biến ông thành một tên phù thủy. 

Tôi nhìn ngay mặt Impétraz. Ông không có mắt, lỗ mũi chỉ hơi lộ ra, một bộ râu bị gặm nhấm bởi những vết sần sùi kỳ dị, đôi khi ăn phủ lên tất cả những pho tượng trong cùng một khu, như một chứng bệnh đậu mùa. Ông đang chào; chiếc áo gi-lê vấy một vết bẩn lớn màu xanh tươi bên trái tim. Ông có vẻ ốm yếu và xấu xí. Ông không sống động, không, nhưng cũng không bất động. Một sức mạnh âm ỉ thoát ra từ nơi ông: nó như thể một ngọn gió đẩy lùi tôi: Impétraz muốn đuổi tôi ra khỏi sân Hipothèques. Tôi sẽ không bỏ đi trước khi hút xong mồi thuốc này.

Một bóng đen cao gầy xuất hiện thình lình sau lưng. Tôi giật nảy mình.

“Xin lỗi, tôi không muốn quấy rầy ông. Tôi đã nhìn thấy môi ông động đậy. Hẳn ông đang nhẩm lại những câu trong cuốn sách của mình”, y cười. “Ông đang tìm vần thơ chắc?".

Tôi sững sờ nhìn chàng Tự Học. Song y cố vẻ ngạc nhiên về sự ngạc nhiên của tôi:

“Thưa ông, ông đã biết rằng phải cẩn thận tránh làm thơ mười hai âm trong văn xuôi hay sao?”

Tôi đã hơi bị y bớt kính trọng. Tôi hỏi y làm gì ở đây, vào giờ này. Y giải thích rằng người chủ cho y nghỉ việc và y đến thẳng thư viện, y chưa ăn tối, y sẽ đọc sách cho đến khi thư viện đóng cửa. Tôi không còn nghe y nói nữa, nhưng hẳn là y vừa rời bỏ đề tài lúc ban đầu vì thình lình tôi nghe:

“… có được hạnh phúc viết một cuốn sách như ông”.

Tôi cần phải nói lên một điều gì.

“Hạnh phúc...”, tôi nói bằng vẻ hoài nghi.

Y hiểu lầm ý nghĩa câu trả lời của tôi và nhanh nhảu sửa lại:

“Thưa ông, có lẽ tôi phải nói: công lao”.

Chúng tôi leo thang lên phòng đọc. Tôi không còn muốn làm việc nữa. Một người nào đã để lại quyển Engénie Grandet trên bàn, quyển sách được mở ra ở trang hai mươi bảy. Tôi cầm lấy một cách máy móc, tôi bắt đầu đọc trang hai mươi bảy, đoạn, trang hai mươi tám: tôi không can đảm khởi sự bằng chỗ bắt đầu. Chàng Tự Học tiến đến những kệ sách dựa tường bằng một bước đi hăng hái; y mang về hai quyển sách và đặt trên bàn, với điệu bộ của một con chó tìm được khúc xương.

“Ông đọc gì thế?”

Dường như y không thích nói tên sách y đang đọc với tôi: y do dự một lúc, đôi mắt bối rối đảo lộn, đoạn y miễn cưỡng chìa sách cho tôi. Đấy là quyển La tourbe et les tourbières của Larbalétrier, và cuốn Hitopadèsa ou l’ Instruction utile của Lastex. Sao? Tôi chẳng thấy có chi làm y lúng túng: đối với tôi, những sách đó rất đứng đắn. Để khỏi bị bứt rứt sau này, tôi lật xem qua loa cuốn Hitopadèsa, và tôi chỉ thấy trong ấy toàn những điều cao nhã.

Ba giờ.

Tôi rời quyển Eugénie Grandet. Tôi đã khởi sự làm việc, nhưng trong sự nản lòng. Thấy tôi viết, chàng Tự Học chăm chú quan sát tôi với một vẻ thèm thuồng đầy tôn kính. Thỉnh thoảng, tôi hơi ngẩng đầu lên, tôi nhìn thấy chiếc cổ áo giả to lớn thẳng đơ, từ đấy ló ra chiếc cổ khẳng khiu của y. Y vận bộ âu phục xơ sờn song màu vải còn trắng tinh. Trên cùng kệ sách, y vừa lấy ra một quyển sách khác, mà tôi đọc được cái tựa ở tư thế đảo ngược: La Flèche de Caudabec, ký sự Normandie, của cô Julie Lavergne. Những sách đọc của chàng Tự Học luôn làm tôi sửng sốt, bối rối.

Đồng một loạt, những tên tác giả mà y tham khảo lại hiện ra trong trí nhớ của tôi: Lambert, Langlois, Larbalétrier, Lastex, Lavergne. Như một thoáng linh cảm, tôi đã hiểu phương pháp của chàng Tự Học: y tự học hỏi theo thứ tự các mẫu tự.

Tôi nhìn ngắm y với một thứ tình cảm ngưỡng phục. Y há không sử dụng đến một ý chí sắt đá vô biên để thực hiện một cách chậm chạp, kiên quyết, một chương trình rộng lớn dường kia? Một ngày nọ, cách đây bảy năm (y đã bảo với tôi y học hỏi nghiên cứu từ bảy năm nay) y đã trang trọng đi vào phòng này. Y đã lướt nhìn qua vô khối cuốn sách đang phủ kín các bức tường, và hẳn y đã nói, gần như Rastignac: “Chỉ hai chúng ta thôi, hỡi nàng Khoa học nhân văn”. Đoạn y đi đến lấy quyển sách thứ nhất, ở trên kệ thứ nhất, phía cực hữu; y mở trang sách đầu tiên ra với một tình cảm tôn kính và sợ hãi, dính liền với một quyết định không gì lay chuyển nổi. Ngày hôm nay, y đã đọc đến vần L, K sau J, L sau K. Y đã chuyển bước tàn bạo từ sự nghiên cứu những loài bọ tiêu sí đến sự nghiên cứu học thuyết lượng tử, từ một tác phẩm viết về Tamerlan đến một bài văn phúng thích của Ky-tô giáo chống lại thuyết Darwin: không có giây phút nào y bị rối loạn.Y đã đọc qua mọi sách, y đã tích trữ trong đầu phân nửa những gì người ta biết được về hiện tượng đơn tính sinh dục, phân nửa những chứng lý chống lại sự giải phẫu cơ thể sinh vật. Trước y, sau y, là cả một vũ trụ. Và đang tiến gần đến ngày mà, gấp quyển sách cuối cùng ở chiếc kệ cuối cùng, tận cùng bên trái, y tự bảo mình: “Và bây giờ?”.

Đang giờ quà chiều của y, y ăn bánh mì và một thỏi Sô-cô-la Gala Peter, với một vẻ ngây thơ. Mí mắt của y đã hạ thấp xuống và tôi có thể mặc tình chiêm ngưỡng đôi hàng lông mi cong đẹp - thứ lông mi của phụ nữ. Từ người y bốc ra mùi vị thuốc lá cũ trộn lẫn mùi thơm dịu của Sô-cô-la, khi y thở.

Thứ sáu, 3 giờ.

Suýt chút nữa tôi rơi vào cạm bẫy của chiếc gương soi mặt. Tôi tránh nó, nhưng là để rơi vào bẫy của chiếc cửa kính. Nhàn rỗi, hai tay buông thõng, tôi bước đến gần cửa sổ. Con Đường, Hàng Rào, Nhà Ga Cũ - Nhà Ga Cũ, Hàng Rào, Con Đường. Tôi ngáp quá mạnh đến đỗi một giọt nước mắt trào lên. Tôi cầm chiếc ống điếu bên tay phải và hộp thuốc bên tay trái. Phải nhồi thuốc vào ống điếu. Song tôi không có can đảm làm thế. Hai tay buông thõng, tôi tựa trán vào tấm kính cửa. Người đàn bà kia làm tôi bực dọc. Bà chạy lúp xúp với sự ương ngạnh gàn bướng, đôi mắt trầm ngâm. Đôi khi bà ngừng lại với vẻ khiếp hãi, như thể một nỗi nguy hiểm vô hình đang lướt chạm qua. Bà ta kia kìa, dưới cửa sổ tôi đang đứng, gió dán sát váy bà vào đầu gối. Bà ngừng lại, vuốt chiếc khăn choàng cho ngay ngắn. Hai tay bà run run. Bà lại bước đi: bây giờ, tôi nhìn thấy bà từ phía sau. Đồ mọt đất già nua! Tôi giả sử bà ta sẽ rẽ phía trái trên đại lộ Victor Noir. Nếu thế, bà phải chạy qua chừng một trăm thước nữa: từ chiếc xe lửa bà đi, bà phải mất trọn mười phút, mười phút trong đó tôi sẽ như thế này đây, đứng nhìn bà, trán dán vào cửa kính. Bà ta sắp sửa ngừng lại đến hai mươi lần, lại đi, dừng lại...

Tôi nhìn thấy tương lai. Nó đấy, nó được bài trí ra trên đường, hơi xanh xao hơn hiện tại chút đỉnh. Nó cần gì để tự thể hiện? Điều đó sẽ ban thêm cho nó gì? Người đàn bà xa dần trong bước chân khập khiễng, bà ta ngừng lại, vén lọn tóc màu xám vừa xổ tung ra khỏi chiếc khăn choàng. Bà bước đi, bà ở kia, bây giờ bà đang ở đây... tôi bối rối hết sức: có phải tôi đang nhìn thấy những cử động kia, có phải tôi đang thấy trước những cử động đó? Tôi không còn phân biệt được hiện tại với quá khứ nữa; tuy nhiên tình trạng ấy kéo dài, tình trạng ấy được thể hiện dần dần; người đàn bà tiến bước trên con đường hoang bóng người: bà di động đôi giày đàn ông to lớn của mình. Đấy, đấy là thời gian, thời gian trơ trụi, nó đến chậm rãi với cuộc hiện sinh, nó làm người ta chờ đợi và khi nó đến, người 

ta đâm ra phiền tởm vì nhận ra rằng nó đã hiện hữu ở đấy từ lâu rồi. Người đàn bà tiến đến gần góc đường, bây giờ chỉ còn lại như một đống nhỏ vải đen. Vâng, vâng, đó là điều mới mẻ, tôi rất muốn thế, quả thật lúc này đây bà ta không có ở đấy. Song đó là một thứ mới mẻ ám đục, một thứ mới mẻ đã bị lấy mất đi vẻ thanh tân, và không bao giờ có thể làm người ta kinh ngạc. Bà ta sắp sửa rẽ ở góc đường, bà ta rẽ vào - trong một thời gian miên viễn.

Tôi rời khỏi cửa sổ và đi suốt qua căn phòng, thân hình xiêu vẹo; tôi mắc cứng vào tấm gương, tôi nhìn mình, tôi kinh tởm mình: cũng lại một thời gian miên viễn nữa. Sau cùng, tôi thoát ra khỏi hình ảnh tôi và đến ngả lưng trên giường. Tôi nhìn lên trần nhà, tôi muốn ngủ.

Yên bình. Yên bình. Tôi không còn cảm nghiệm nữa trạng thái lướt trôi, những cơn lướt chậm của thời gian. Tôi nhìn thấy những hình ảnh trên trần nhà. Trước hết là những vòng tròn sáng, kế đến là những dấu thập ác. Chúng chạy loạn xạ vào nhau. Rồi tiếp đến, một hình ảnh khác được tạo thành; ở sâu trong mắt tôi, hình ảnh ấy. Một con thú to lớn quỳ trên đất. Tôi nhìn thấy hai chân trước và chiếc yên của nó. Phần lớn lại bị vây phủ trong sương mù. Tuy thế, tôi nhận ngay ra: đấy là một con lạc đà bị buộc vào một tảng đá, tôi đã gặp tại Marrakech. Con thú quỳ xuống và đứng thẳng dậy liên tiếp sáu lần; các cậu bé cười rộ la hét khích lệ con vật.

Chỉ mới cách đây hai năm thôi, thật là kỳ diệu: tôi chỉ cần khép mắt lại là lập tức đầu tôi dấy lên tiếng kêu rì rầm như một bộng ong; tôi nhìn thấy lại những khuôn mặt, những cây cối, những ngôi nhà, một người đàn bà Nhật Kamaishi tắm khỏa thân trong một chiếc thùng lớn, một người Nga nằm chết và bị khô kiệt vì một vết thương lớn sâu hoắm, bao nhiêu máu trên người chảy tuôn ra. Tôi ngửi lại được mùi vị món couscuss, mùi dầu nhớt tràn ngập các đường phố Burgos vào giữa trưa, mùi hương tiểu hồi bềnh bồng trên các đường phố Tetuan, những tiếng còi của những người mục phu Hy Lạp; tôi xúc động. Từ rất lâu, niềm vui đó đã bị hao mòn, cùn nhụt. Hôm nay chúng sẽ sống trở lại chăng?

Trong đầu tôi, một mặt trời nóng bức lướt vút qua, như tấm gương nơi chiếc đèn chiếu ảnh. Tiếp theo là một mảng trời xanh lơ; sau vài lay động, mặt trời đứng yên; tôi hoàn toàn bị nhuộm vàng bên trong.