Buồn nôn - Chương 05

7. Món ăn A-rập nấu bằng thịt với bột gạo hay bột kê (DG.).

Vào cái ngày lưu trú nào tại Maroc (hay Algérie? Hay Syrie?) vẻ rực rỡ chói lọi đột nhiên nổi bật hẳn lên? Tôi tự buông mình chảy trôi, ngập chìm trong quá khứ.

Meknès. Gã sơn dân đã làm chúng tôi sợ hãi trên một con phố nhỏ, giữa thánh đường Hồi giáo Berdaine và cái công trường duyên dáng rợp bóng mát của một cây dâu, gã ta như thế nào? Gã tiến đến gần chúng tôi, còn Anny lúc đó ở bên phải tôi. Hay là bên trái?

Mặt trời và bầu trời xanh lơ nọ chỉ là sự lừa dối. Đây là lần thứ một trăm mà tôi để mình sa bẫy. Những hoài niệm của tôi tựa như những đồng tiền xưa trong túi vải quỷ sứ: khi mở túi ra, người ta chỉ gặp những chiếc lá khô.

Về gã sơn dân, tôi chỉ còn thấy được một con mắt lớn vỡ tung, đục như sữa. Cả hai con mắt ấy nữa, có chắc nó thuộc về chính anh ta hay không? Viên y sĩ thuyết trình cho tôi nghe nguyên tắc của những viện phá thai quốc gia, tại Bakou, cũng là người chột mắt, và khi tôi muốn nhớ lại khuôn mặt ông, cái hốc tròn màu trắng đục đó cũng lại hiện ra. Như những nữ thần Nornes trong thần thoại, hai người trên đều chỉ có một con mắt mà họ luân phiên giao chuyển cho nhau.

Đối với cái công trình nọ ở Meknès, nơi mà mỗi ngày tôi đều đến đó, thì sự việc còn đơn giản hơn: tôi tuyệt chẳng hề nhớ lại. Chỉ còn lại trong tôi cái cảm thức mơ hồ rằng công trường ấy xinh đẹp lắm, và năm chữ nối liền nhau chặt chẽ: công-trường-xinh-đẹp-Meknès. Hiển nhiên, nếu nhắm mắt lại hay nếu nhìn đắm đuối mơ hồ vào trần nhà, tôi có thể tái dựng lại khung cảnh ấy: một cây to ở đằng xa, một hình thể mờ mịt và vạm vỡ chạy xô đến tôi. Song tôi đang bày đặt những thứ đó ra vì những nhu cầu cần thiết. Người Ma Rốc ấy cao lớn và lạnh lùng, vả lại tôi chỉ nhìn thấy y khi y chạm phải tôi. Như thế tôi còn biết được rằng y cao lớn và lạnh lùng: một vài hiểu biết được thu gọn lại vẫn tồn tại trong ký ức tôi. Song tôi không còn nhìn thấy gì nữa cả: tôi hoài công lục soạn quá khứ... và chỉ rút ra được những mẩu vụn hình ảnh còn rơi rớt lại và tôi không biết rõ chúng biểu tượng cho cái gì, cũng không biết chúng có phải là những hoài niệm hay chỉ là những điều giả tưởng.

Ngoài ra, có rất nhiều trường hợp trong đó cả những hình ảnh ít ỏi nọ cũng tan biến mất: chỉ còn lại những từ ngữ: tôi còn có thể thuật lại những câu chuyện, thuật lại rất rành rọt là khác (về môn kể chuyện vặt này tôi không ngán bất cứ ai, trừ những sĩ quan hàng hải và những tay chuyên nghiệp), song đấy chỉ là những bộ xương khô khẳng. Trong những câu chuyện đó, có một gã làm cái này cái nọ, song đấy không phải là tôi, tôi chẳng có gì giống y. Y dạo chơi trên những xứ miền mà chính tôi cũng chẳng biết gì hơn nếu như chưa từng có lần ngụ tại đó. Đôi khi, trong lúc kể chuyện tôi lại xướng lên những cái tên thơ mộng người ta đọc thấy trong các tập sách địa đồ, Aranjuez hay Canterbury. Chúng làm nảy sinh trong tôi những hình ảnh hoàn toàn mới mẻ, tựa hồ các hình ảnh mà những người chưa từng đi du lịch lần nào tạo ra về chúng, sau khi đọc xong: tôi mơ mộng trên những từ ngữ, chỉ có thế.

Tuy thế, trong số những câu chuyện chết khô kia, cũng còn một hay hai chuyện sống động. Những câu chuyện đó đôi khi tôi gợi lại với lòng cẩn trọng, nhưng không thường xuyên lắm, e rằng sẽ làm hao mòn chúng đi một ít. Tôi nắm bắt lấy một chuyện, tôi nhìn thấy lại bối cảnh, những nhân vật, những thái độ. Đột nhiên, tôi dừng lại: tôi đã cảm thấy có một sự hao mòn tàn tạ, tôi đã nhìn thấy một chữ chớm mọc lên dưới dòng giao luân của những cảm giác. Chữ đó, tôi tiên đoán chẳng mấy chốc sẽ thay thế cho nhiều hình ảnh mà tôi yêu thích. Ngay khi dừng lại, tôi liền nghĩ sang một chuyện khác; tôi không muốn làm khô cạn. những hoài niệm của mình. Song vô ích, lần sau khi gợi lại những hoài niệm ấy, phần lớn hoài niệm sẽ đông cứng lại.

Tôi phác một cử chỉ mơ hồ để đứng dậy đi tìm những tấm ảnh tôi chụp tại Meknès, trong chiếc thùng tôi đã đẩy xuống gậm bàn. Nào có ích gì? Những loại kích thích ấy chẳng còn hiệu quả đối với ký ức của tôi nữa. Có một hôm tôi đã bắt gặp một tấm ảnh nhỏ nhạt màu dưới một tờ giấy thấm. Một người đàn bà đang mỉm cười, đứng bên một vùng biển. Tôi ngắm nhìn con người đó trong một lúc, song không nhận ra nàng là ai. Đoạn, tôi đã đọc được ở mặt sau tấm ảnh: “Anny, Portsmouth, 7 tháng tư 27”.

Chẳng bao giờ hơn hôm nay tôi cảm thức mạnh mẽ rằng tôi không có những chiều hướng bí mật, và luôn bị giới hạn vào thân thể của mình, vào những tư tưởng nhẹ bổng sủi lên từ thân thể đó như những bọt nước. Tôi kiến tạo những hoài niệm bằng hiện tại của tôi. Tôi bị vứt lại, bị bỏ rơi trong hiện tại. Còn quá khứ, tôi đã gắng công vô ích để bắt gặp lại nó: tôi không thể thoát ra khỏi tôi được.

Có ai gọi cửa: chàng Tự Học. Tôi đã quên bẵng đi mất. Tôi đã hứa sẽ cho y xem những bức ảnh du lịch của tôi. Cầu cho ma bắt y đi.

Y ngồi trên một chiếc ghế dựa; đôi mông căng thẳng chạm vào lưng ghế và nửa thân trên thẳng đơ nghiêng về đằng trước. Tôi nhảy xuống giường, bật đèn lên:

“Không phải để xem các bức ảnh...”

Tôi nhấc lấy chiếc nón mà y lúng túng không biết đặt đâu.

“Thật sao, thưa ông? Ông vui lòng cho tôi xem chúng à?”

“Cố nhiên”.

Đấy là một sự tính toán: tôi hy vọng y sẽ câm mồm lại, khi y nhìn các bức ảnh. Tôi chui mình xuống gậm bàn đẩy chiếc thùng tựa vào đôi giày bóng loáng của y, tôi đặt trên đầu gối y một mớ bưu ảnh và ảnh chụp: Tây Ban Nha và Ma Rốc thuộc Tây Ban Nha.

Nhưng, bằng vào vẻ mặt tươi cười và cởi mở của y, tôi thấy rõ mình đã lầm to khi định bắt y im lặng, y nhìn thoáng qua một tấm ảnh chụp phong cảnh Saint-Sébastien nhìn từ ngọn Iguelpo, thận trọng đặt trả lại trên bàn và im lặng một chốc. Đoạn y than thở:

“A! Thưa ông, ông may mắn thật. Nếu lời người ta bảo là đúng, thì quả thật những cuộc du lịch là những trường học tốt nhất cho con người. Ông đồng ý với tôi chứ?”.

Tôi phác một cử chỉ mơ hồ. May mắn thay, y chưa nói dứt.

“Đấy hẳn là một rối loạn ghê gớm lắm. Nếu có khi nào phải đi du lịch, thì trước khi đi, tôi muốn ghi lại tất cả những nét nhỏ nhặt nhất trong tính tình mình để khi trở về, có thể so sánh con người của tôi lúc trước và con người mà tôi đã trở thành. Tôi đã đọc trong sách thấy nói có những người đi du lịch đã thay đổi kinh khủng về mặt thể xác lẫn tinh thần, đến đỗi khi về lại quê hương, những người thân thuộc nhất cũng không nhận ra được họ”.

Y lơ đãng mân mê một gói ảnh lớn. Y lấy ra một tấm ảnh và đặt trên bàn song không nhìn vào; đoạn y nhìn thật chăm chú bức ảnh kế đó, chụp ông thánh Jérôme, khắc trên một chiếc ghế tại giáo đường Burgos.

“Ông có thấy đức Ky-tô bằng da thú này tại Burgos rồi chứ? Thưa ông, có một cuốn sách lạ lùng về những pho tượng bằng da thú này và cả bằng da người nữa. Còn pho tượng Thánh nữ Đồng Trinh màu đen này? Không phải ở Burgos? Ở Saragosse chắc? Nhưng có lẽ có một pho tượng như thế ở Burgos chứ? Những người hành hương đến ôm hôn pho tượng, phải thế không? - Tôi muốn nói: pho tượng ở Saragosse. Và còn có dấu chân của Thánh nữ trên một viên đá lát chứ? Ai ở trong một cái lỗ? Chỗ các bà mẹ sinh con?”.

Thân thể thẳng đơ, y dùng hai tay sinh ra một đứa bé tưởng tượng. Như thể y đang từ khước những lễ vật của Artaxerxès, hoàng đế Ba Tư.

“A! Những phong tục, thật... thật kỳ lạ, ông ạ”.

Hơi thở dốc ra, y vểnh chiếc hàm lừa to lớn của y về phía tôi. Từ thân thể y bốc ra mùi thuốc lá và nước tù. Đôi mắt đẹp lạc lõng của y chói sáng như những trái cầu lửa và bộ tóc lưa thưa đóng quầng lấy chiếc sọ đầy hơi nước đọng. Dưới chiếc sọ đó, những người Samoyètes, những người Nyams-Nyams, Mal-gachens, Fuégies, cử hành những nghi lễ kỳ dị nhất, ăn thịt những ông bố già, ăn thịt con, xoay tròn quanh mình theo điệu trống dập dồn cho đến khi bất tỉnh say mê cuồng loạn, hỏa thiêu những người chết, đặt thi thể họ trên mái nhà, bỏ thi thể trôi theo dòng nước trên một chiếc thuyền thắp sáng bằng một ngọn đuốc, giao hoan nhau theo sự tình cờ, mẹ với con trai, cha với con gái, anh với em, tự huỷ hoại thân thể, tự thiến hoạn, tự căng môi bằng những chiếc đĩa, chạm trổ những con thú quái dị trên thắt lưng.

Người ta có thể nói cùng với Pascal, rằng phong tục là bản tính thứ hai của con người không, thưa ông?”

Y dán chặt đôi mắt đen láy vào mắt tôi, khẩn nài một câu trả lời.

“Cái đó cũng tùy”, tôi bảo.

Y thở ra.

“Đấy cũng là điều tôi tự nhủ, ông ạ. Song tôi còn nghi ngờ mình lắm; cần phải đọc hết mọi thứ”.

Nhưng, khi lật sang bức ảnh kế tiếp, thì quả là một cơn mê sảng cuồng loạn, y bật kêu lên một tiếng vui mừng.

“Ségovie! Ségovie! A, tôi có đọc một quyển sách về Ségovie”.

Y nói thêm với vẻ trang nhã:

“Thưa ông, tôi chẳng còn nhớ tên tác giả cuốn sách đó nữa. Đôi khi, tôi hơi lãng trí. N... No... Nod...”

“Không thể nhớ lại được đâu, tôi nóng nảy bảo y, ông chỉ mới đọc đến Lavergne...”

Sau đó, tôi đâm ra hối tiếc ngay câu nói của mình: dù sao thì y cũng chẳng hề nói cho tôi biết về cái phương pháp đọc sách nọ của y; đấy hẳn là một nỗi đam mê bí mật. Quả thế, y mất bình tĩnh và đôi môi dày trề ra như mếu máo. Đoạn y cúi đầu xuống và nhìn cả lố hình mà không thốt nên tiếng nào.

Nhưng, tôi thấy rõ rằng, trong vòng ba mươi giây, một cơn kích động mạnh mẽ căng cứng người y và y sẽ vỡ tan nếu không mở miệng:

“Khi tôi học xong (tôi còn định dành sáu năm nữa cho việc học), nếu được thì tôi sẽ đi theo các sinh viên và các giáo sư thực hiện một cuộc du khảo thường niên ở miền Cận Đông. Tôi muốn xác định cho rõ một vài kiến thức thu thập được, y nói bằng giọng trầm trầm, và tôi cũng thích xảy đến cho tôi những điều bất ngờ, mới mẻ, nói tóm lại là những cuộc phiêu lưu”.

Y đã hạ thấp giọng và mặt lộ vẻ ranh mãnh.

“Loại phiêu lưu nào?” tôi ngạc nhiên hỏi y.

“Đủ mọi loại, ông ạ. Mình đáp lầm tàu hỏa. Mình đặt chân xuống một thành phố xa lạ. Hoặc bị mất ví, bị bắt giữ do sự lầm lẫn của nhà chức trách, ngủ qua đêm trong nhà giam. Thưa ông, tôi tưởng người ta có thể định nghĩa cho một cuộc phiêu lưu: đấy là một biến cố vượt ngoài thông lệ, song không có vẻ phi thường lắm. Người ta có nói đến sức cám dỗ của những cuộc phiêu lưu. Kiểu nói này, theo ông, có chính xác không? Tôi muốn đặt cho ông một câu hỏi, ông ạ”.

“Câu hỏi gì thế?”

Y đỏ mặt, mỉm cười.

“Có thể là quá thóc mách...”

“Ông cứ nói đi”.

Y nghiêng người về phía tôi và hỏi, đôi mắt nửa nhắm nửa mở:

“Hẳn ông đã trải qua nhiều cuộc phiêu lưu rồi chứ?”

Tôi trả lời một cách máy móc:

“Một vài” và ngã người ra phía sau, để tránh hơi thở hôi hám của y. Vâng, tôi đã nói ra điều ấy một cách máy móc mà không nghĩ đến nó. Quả thế, thường thì tôi hãnh diện vì đã có nhiều cuộc phiêu lưu như thế. Song hôm nay, vừa thốt ra những chữ này, tôi lại đâm ra giận dữ với chính mình: tuồng như tôi đang nói dối, như thể tôi chẳng hề có lấy một cuộc phiêu lưu nhỏ nhặt nào trong suốt đời mình, hay đúng hơn, tôi không còn biết rõ từ ngữ “phiêu lưu” có nghĩa gì nữa. Đồng lúc, trĩu nặng trên vai tôi cùng một nỗi chán nản đã xâm chiếm tâm hồn tôi tại Hà Nội, cách đây gần bốn năm, khi Mercier hối thúc tôi đến gặp anh và tôi nhìn đăm đăm vào pho tượng nhỏ Cao Miên, không trả lời. Và Ý Tưởng đang hiện hữu, tại đấy, cái khối lớn trắng đã làm tôi kinh tởm vào lúc ấy, tôi đã chẳng hề nhìn thấy lại từ bốn năm nay.

“Tôi có thể nào xin ông...”, chàng Tự Học hỏi.

Mẹ! Kể cho hắn nghe một trong những cuộc phiêu lưu tuyệt diệu nọ chứ gì. Song tôi chẳng còn muốn nói một lời nào nữa về chuyện này.

“Đấy, đấy là Santillane, ngôi làng xinh đẹp nhất Tây Ban Nha”, nghiêng mình xuống trên đôi vai nhỏ bé của y và chỉ tay vào một tấm ảnh, tôi bảo:

“Làng Santillane của Gil Blas? Tôi lại không tin rằng nó có trên quả đất này chứ. Ồ! Thưa ông, cuộc đàm thoại với ông thật bổ ích. Người ta thấy rõ rằng ông đã du lịch nhiều”.

Tôi tống xuất chàng Tự Học, sau khi đã nhét đầy túi y những bưu thiếp, những bức chạm và những tấm ảnh. Y ra về trong hoan hỉ và tôi tắt đèn. Bây giờ, tôi một mình. Nhưng không hoàn toàn một mình. Hãy còn có cái ý tưởng nọ đang chờ đợi, trước mặt tôi. Nó đã co tròn lại, nó đang hiện diện ở đó như một con mèo to lớn; nó chẳng hề giải thích, cũng chẳng động đậy và bằng lòng trong việc nói lên tiếng “không”. Không, trước nay tôi đã chẳng hề có cuộc phiêu lưu nào cả.

Tôi nhồi thuốc vào ống vố, châm lửa, đoạn đến nằm dài trên giường, đắp chân bằng chiếc áo khoác. Điều này làm tôi kinh ngạc là cảm thấy mình buồn bã và chán nản mỏi mệt đến thế. Ngay cả khi, quả thật tôi đã chẳng từng dự vào cuộc phiêu lưu nào đi nữa, điều ấy có thể có tác động gì đến tôi cơ chứ? Thoạt tiên, đối với tôi, dường như đấy chỉ là vấn đề thuần tuý từ ngữ. Chẳng hạn, cái vụ ở Meknès mà tôi vừa nghĩ đến: một anh chàng Ma Rốc nhảy bổ vào tôi và muốn hạ tôi bằng dao con chó, cỡ bự. Song tôi đã tống cho y một quả đấm trúng ngay dưới thái dương... Lúc ấy, y khởi sự kêu lên bằng tiếng Ả Rập và một tốp người nghèo đói hiện ra, đuổi theo chúng tôi đến tận chợ Attarin. Ừ, người ta có thể gọi biến cố đó bằng bất cứ tên gì, song, dù thế nào đi nữa, đấy cũng là một biến cố đã xảy đến cho Tôi.

Trời tối đen như mực và tôi không biết chắc ống điếu của tôi đã được đốt lên chưa. Một chuyến tàu điện băng ngang qua: lằn chớp đỏ trên trần. Kế tiếp là một chiếc xe hạng nặng làm rung chuyển ngôi nhà. Hẳn bây giờ là sáu giờ."

Tôi đã chẳng qua một cuộc phiêu lưu nào. Đã xảy đến trong đời tôi những câu chuyện, những biến cố, những việc rắc rối đột nhiên, tất cả những gì người ta muốn. Nhưng không có những cuộc phiêu lưu. Đấy không phải là một vấn đề từ ngữ; tôi đang bắt đầu hiểu rõ. Có một cái gì đó được tôi xem trọng hơn tất cả mọi cái khác - nhưng không hiểu nó là cái gì. Đấy không phải là tình yêu, Thượng đế, không, cũng chẳng phải sự vinh quang, sự giàu có. Đấy là... Rốt cuộc, tôi đã tưởng tượng ra rằng vào một vài lúc nào đó, cuộc đời tôi có thể mang một tính chất lạ thường và quý báu. Không cần đến những trường hợp phi thường: tôi chỉ đòi hỏi một chút nghiêm mặt. Cuộc đời hiện tại của tôi chẳng có chi là rực rỡ quá mức: song thỉnh thoảng, chẳng hạn khi người ta chơi nhạc trong quán cà phê, tôi lại thả hồn về dĩ vãng và tự bảo mình: hồi trước tại Luân Đôn, tại Meknès, Đông Kinh, mình đã biết đến những giây phút tuyệt vời, mình đã có những cuộc phiêu lưu. Hiện tại, đấy là điều người ta đã thu đoạt mất của tôi. Một cách đột nhiên và không lý do rõ ràng, tôi vừa biết được rằng mình đã nói dối ròng rã suốt mười năm nay. Những cuộc phiêu lưu chỉ có trong các sách vở. Và cố nhiên, tất cả những gì được thuật lại trong sách đều có thể thành sự thật, nhưng không theo cùng một kiểu như nhau. Chính cái kiểu cách trở thành đó là điều tôi lưu tâm mạnh mẽ.

Trước hết, những khởi đầu phải thực sự là những khởi đầu. Hỡi ôi! Bây giờ tôi đã thấy quá rõ điều tôi muốn. Những khởi đầu thực sự, xuất hiện như một hồi kèn rên rỉ, như những âm điệu đầu tiên của một bản nhạc jazz, đột ngột, cắt đứt gọn sự phiền muộn, làm cho kiên cố thêm cái kỳ gian nọ; những buổi chiều trong số những buổi chiều kế đó người ta nói về nó như sau: “Tôi đã dạo chơi suốt buổi, đấy là một buổi chiều tháng năm”. Người ta dạo chơi, mặt trăng vừa lộ dạng, người ta rỗi rảnh, thiếu vắng, hơi trống rỗng một ít trong hồn. Và rồi, đột nhiên, người ta nghĩ: “Một điều gì đó đang xảy đến”. Bất cứ điều gì: một tiếng lay động nhẹ trong bóng tối, một chiếc bóng nhẹ nhàng đang băng qua đường. Song cái biến cố mỏng manh ấy không giống với những biến cố khác: ngay tức khắc, người ta nhận ra rằng nó xuất hiện trước một hình thể lớn mà bản phác họa đang còn chìm ngập trong sương mù và người ta cũng tự bảo mình: “Một điều gì đó đang khởi sự”.

Một điều gì đó đang khởi sự để chấm dứt: cuộc phiêu lưu không để cho được nối dài thêm: nó chỉ có ý nghĩa do cái chết của mình. Hướng về cái chết đó, có lẽ cũng sẽ là cái chết của chính tôi, tôi bị kéo lôi đi biền biệt. Mỗi một khoảnh khắc chỉ xuất hiện để đưa dẫn những khoảnh khắc tiếp theo sau. Tôi đem hết lòng mình nâng niu từng khoảnh khắc: tôi biết rằng mỗi khoảnh khắc là độc nhất; không thể thay thế được - và tuy thế tôi sẽ không làm một cử chỉ nào để ngăn cản nó tan biến vào hư vô. Cái giây phút cuối cùng tôi sống qua - ở Bá Linh, ở Luân Đôn - trong vòng tay người đàn bà tình cờ gặp gỡ vào ngày hôm trước - cái giây phút mà tôi yêu quý cuồng nhiệt, người đàn bà mà tôi gần thương yêu - cái giây phút đó sẽ chấm dứt, tôi biết rõ thế. Chốc nữa đây, tôi sẽ khởi hành sang một xứ miền khác. Tôi sẽ không tìm lại được người đàn bà nọ cũng như sẽ vĩnh viễn chẳng gặp lại được buổi tối kia. Tôi cúi mình trên mỗi phút giây, tôi cố tâm sống cho cùng kiệt, chẳng có gì xảy ra mà tôi không nắm bắt, không lưu định vĩnh viễn trong hồn, chẳng có gì, cả vẻ trìu mến thoáng qua trên đôi mắt đẹp nọ, cả những tiếng động trên đường phố, cả vẻ rực sáng lờ mờ giả tạo của ngày vừa chớm: tuy thế, giây phút ấy vẫn trôi qua và tôi không níu giữ nó lại, tôi thích nó cứ trôi đi.

Rồi đột nhiên một cái gì đó rạn vỡ rõ rệt. Cuộc phiêu lưu đã kết thúc, thời gian lấy lại vẻ mềm nhão thường ngày. Tôi quay trở lui; đằng sau tôi, cái hình thể xinh đẹp du dương nọ hoàn toàn chìm ngập vào quá khứ. Nó thu giảm lại; trong khi tàn mạt, nó co rút vào, và giờ đây, sự chấm dứt nhập làm một với lúc khởi đầu. Dõi mắt nhìn theo cái tụ điểm vô giá ấy, tôi nghĩ rằng - ngay cả khi phải chết đi, phải mất đi cả một gia tài, một người bạn - tôi sẽ chấp nhận sống lại tất cả, trong cùng những trường hợp, từ đầu đến cuối. Nhưng một cuộc phiêu lưu không bao giờ khởi đầu lại, cũng chẳng kéo dài.

Vâng, đấy chính là điều tôi đã ước muốn - hỡi ôi! Đấy cũng lại là điều tôi đang còn ước muốn nữa trong lúc này.Tôi đã hạnh phúc tràn đầy khi một người nữ ca sĩ da đen cất lên tiếng hát: còn có đỉnh cao nào tôi chẳng hề vươn tới, nếu như chính đời sống riêng tư của tôi lại làm chất liệu cho hòa điệu du dương nọ? Ý tưởng vẫn luôn luôn hiện hữu tại đấy, cái bất khả định danh. Nó đang thanh thản đợi chờ: giờ đây, nó có vẻ muốn bảo tôi:

“Sao? Đấy chính là điều ngươi đã ước muốn? Đấy lại đúng là điều ngươi chẳng hề có bao giờ (ngươi hãy nhớ lại xem: ngươi đã tự lừa gạt mình bằng chữ nghĩa, ngươi đã gọi là cuộc phiêu lưu cái vẻ hào nhoáng bên ngoài của cuộc du lịch, tình yêu của các nàng thiếu nữ, những cuộc ẩu đả, những đồ vật thủy tinh) và đấy chính là điều ngươi sẽ chẳng bao giờ có được - cũng như bất cứ kẻ nào khác ngoài ngươi.”

Nhưng tại sao? Tại Sao?

Trưa thứ bảy.

Chàng Tự Học không nhìn thấy tôi đi vào trong phòng đọc. Y ngồi tận cuối bàn trong cùng: trước mặt có đặt một cuốn sách, song y không đọc. Y mỉm cười nhìn người độc giả ngồi cạnh tay mặt, một cậu học sinh dơ dáy, năng đến thư viện. Cậu nọ để yên cho y nhìn ngắm một hồi, rồi đột nhiên lè lưỡi ra nhạo báng, vừa làm bộ nhăn nhó khủng khiếp. Chàng Tự Học đỏ mặt. Y vội chúi mũi vào sách và sau đó đọc mê man.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3