Buồn nôn - Chương 08
Chẳng có gì đã thay đổi, và tuy thế mọi sự lại hiện hữu theo một thể cách khác. Tôi không thể mô tả ra đây được, nó tựa hồ cơn Buồn Nôn, tuy nhiên nó chính là điều trái nghịch lại: Sau cùng, một cuộc phiêu lưu đã đến với tôi và khi tra vấn mình, tôi thấy rằng tôi là tôi, và tôi đang hiện hữu ở đây: chính tôi đã chẻ tan đêm tối, tôi đang hạnh phúc như một nhân vật trong tiểu thuyết.
Một điều gì đó sẽ diễn ra: trong bóng tối của con đường Passe-de-Vieille, có một cái gì đó đang đợi chờ tôi, chính ở đấy, ngay ở góc con đường yên tĩnh nọ, cuộc đời tôi sắp khởi đầu. Tôi nhìn thấy mình tiến bước, với cảm thức rằng đây là định mệnh. Ở góc đường, có một cái gì giống như một thứ mốc đá màu trắng. Từ xa, trông nó đen tuyền và mỗi bước tiến đến gần nó lại ngả sang màu trắng hơn một chút. Cái vật thể tối tăm nọ đang rực sáng dần dần gây cho tôi một ấn tượng dị thường; khi nó hoàn toàn sáng sủa, trắng ngần, tôi sẽ dừng lại, ngay đúng bên cạnh nó và lúc ấy sẽ bắt đầu cuộc phiêu lưu. Hiện giờ nó quá gần gũi với tôi, cái ngọn hải đăng màu trắng nọ đang thoát mình ra khỏi đêm đen và làm tôi sợ hãi: trong thoáng chốc tôi nghĩ đến việc quay trở lui. Song không thể được. Tôi tiến bước, dang rộng tay ra, tôi chạm phải mốc đá.
Đây là đường Passe-de-Vieille và cái khối khổng lồ của nhà thờ Thánh nữ Cécile đang dán chặt vào bóng đêm với các khung cửa kính lấp loáng. Chiếc mũ bằng tôn kẽo kẹt. Tôi không biết là thế giới đã đột nhiên siết chặt lại hay là chính tôi đang đặt vào giữa những âm thanh và hình thể một mối nhất thống mạnh mẽ đến như thế: tôi còn không thể quan niệm bất cứ những gì đang vây quanh lại có thể hiện hữu khác hơn hiện thể của tôi.
Tôi dừng lại một chốc, tôi đợi chờ, tôi nghe tim mình đập loạn, tôi dõi mắt kiếm tìm trên công trường hoang vắng. Tôi chẳng nhìn thấy gì cả. Một ngọn gió khá mạnh đã nổi lên. Tôi đã lầm, con đường Passe de Vieille chỉ là một trạm nghỉ chân: sự vật đang chờ đợi tôi ở tận nẻo sâu của công trường Ducoton.
Tôi không vội cất bước trở lại. Như tuồng tôi đang chạm đến đỉnh cao của hạnh phúc, ở Marseille, ở Thượng Hải, Meknès, có gì mà tôi đã chẳng làm để đạt được một cảm thức viên mãn đến thế? Ngày nay tôi chẳng còn đợi chờ chi nữa, tôi quay trở về nhà, vào cuối một buổi chiều chúa nhật trống không: hạnh phúc đang ở đấy.
Tôi lại đi. Ngọn gió vang đến tai một hồi còi rền rĩ. Tôi thật một mình, nhưng tôi đi như một đoàn người đang đổ xô xuống thành phố. Vào giây phút này, có những chiếc tàu đang vang dội âm nhạc trên đại dương, những luồng ánh sáng được đốt lên trong tất cả mọi đô thị Âu châu; những người Cộng sản và những người Quốc xã đang bắn nhau trên những đường phố Bá Linh, những người thất nghiệp đi lang thang trên vỉa hè Nữu Ước, những người đàn bà đang kẻ đường viền lông mi trước các cô thợ uốn tóc, trong một căn phòng ấm áp. Và tôi, tôi đang ở đây, trong con đường hoang vắng và mỗi một phát súng bắn đi từ một cửa sổ khu Neukõlln, mỗi một tiếng nấc trào máu của những người bị thương được mang đi, mỗi một cử chỉ chính xác và tẩn mẩn của những người đàn bà đang trang điểm lại tương ứng với mỗi một bước chân, một nhịp đập của quả tim tôi.
Đến trước hành lang Gillet, tôi phân vân chẳng biết làm gì nữa. Người ta chẳng đang đợi chờ tôi ở cuối hành lang sao? Song cũng còn có một điều gì đó cần đến tôi để được khai sinh, nơi công trường Ducoton, cuối đường Tournebride. Lòng tôi tràn đầy xao xuyến: chỉ một cử chỉ nhỏ nhặt cũng đẩy tôi vào cuộc. Tôi không thể đoán được người ta muốn gì nơi tôi. Tuy nhiên, phải chọn lựa: tôi hy sinh hành lang Gillet, tôi sẽ vĩnh viễn không biết nó đã dành cho tôi những gì.
Công trường Ducoton hoang bóng người. Tôi đã lầm chăng? Tôi cho rằng mình sẽ không thể chịu đựng được sự lầm lạc ấy. Thật sẽ chẳng có gì xảy ra chăng? Tôi tiến đến gần những màu ánh sáng của quán cà phê Mably. Tôi lúng túng, tôi không biết rằng mình có nên vào chăng: tôi nhìn thoáng qua những khung cửa kính nhòa hơi nước.
Căn phòng chật ních những người. Không khí xanh xao vì khói thuốc và hơi nước bốc ra từ những bộ y phục ẩm ướt. Người thu ngân đang ngồi tại quầy. Tôi biết rõ bà ta lắm: bà ta cũng tóc hoe đỏ như tôi; bà mắc phải chứng bệnh nơi bụng. Bà đang tàn lụn êm đềm dưới những lớp váy với một nụ cười buồn bã, tương tự mùi hương đồng thảo đôi khi thoát ra từ những thể xác đang thối rữa. Một cơn rùng mình truyền từ đỉnh đầu đến gót chân tôi: chính... chính nàng đang đợi chờ tôi. Nàng đó, tựa cả thân người bất động trên chiếc quầy, nàng mỉm cười. Từ cuối quán cà phê này, một cái gì đang trở lui trên những thời khắc phân tán của ngày chúa nhật hôm nay và hàn dính chúng lại với nhau, ban cho chúng một ý nghĩa: tôi đã trải qua suốt cả ngày nay để đạt đến đấy, chiếc trán tựa vào khung cửa kính nọ, để nhìn ngắm cái khuôn mặt thanh tú đang bừng nở như hoa trên một tấm màn màu thạch lựu. Mọi sự đều dừng lại; đời tôi đã dừng lại: cái khung cửa kính to lớn nọ, cái bầu không khí nặng nề xanh màu nước biển, cái loài cây to lớn và trắng trẻo nằm tận đáy sâu của nước, và chính tôi nữa, chúng tôi tạo thành một toàn thể bất động và tròn đầy: tôi đang hạnh phúc.
Khi bước đi trên đại lộ Redoute, chỉ còn lại trong tôi nỗi hối tiếc đầy cay đắng. Tôi tự bảo mình: “Có thể là tôi nâng niu cái cảm thức phiêu lưu nọ hơn bất cứ thứ gì trên quả đất. Song cảm thức ấy đến khi nó muốn; nó lại bỏ đi quá nhanh và tôi khô héo ngần nào khi nó đã đi mất! Có phải nó đã đến với tôi trong chớp nhoáng đầy mai mỉa để chứng tỏ cho tôi biết rằng tôi đã làm hỏng đời mình?”.
Đằng sau tôi, trong thành phố, trên những đại lộ thẳng tắp dưới làn ánh sáng lạnh lẽo của những chiếc đèn lồng, một biến cố xã hội kinh khủng vừa qua cơn hấp hối: giờ kết thúc của ngày chúa nhật.
Thứ hai.
Làm thế nào mà hôm qua, tôi đã viết nên được cái câu đầy phi lý và kênh kiệu này:
“Tôi thật một mình, nhưng tôi bước đi như thể một đoàn người đang đổ xô xuống thành phố.”
Tôi không cần làm văn chương. Tôi viết cốt để soi sáng vài trường hợp. Khinh thị văn chương. Phải viết theo sức trôi chảy tràn lan của ngòi bút; không dụng tâm tìm chữ.
Thực ra điều làm tôi kinh tởm, là ngày hôm qua tôi đã cao thượng như thế. Khi hai mươi tuổi, tôi uống rượu say khướt và kế đó tôi đã giải thích rằng mình là một mẫu người theo kiểu Descartes. Tôi cảm thấy rất rõ rằng lòng tôi đang căng phồng máu anh hùng, tôi để mặc mình trôi đi, điều đó làm tôi hài lòng. Sau đấy, vào ngày hôm sau, tôi lại kinh tởm khi được đánh thức dậy từ một chiếc giường đầy những chất bẩn do tôi mửa ra. Khi say, tôi không mửa bao giờ, song mửa được lại còn khá hơn. Ngày hôm qua, tôi lại chẳng thể biện hộ là mình đã say. Tôi đã nhiệt cuồng như một chàng ngốc. Tôi cần lau rửa đầu óc mình với những ý tưởng trừu tượng, trong suốt như nước.
Cái cảm thức phiêu lưu nọ quyết chẳng đến từ những biến cố: chứng cứ quá rõ ràng, đúng hơn đấy là cái cách thức mà những khoảnh khắc lôi cuốn theo nhau. Đấy, tôi nghĩ đấy là điều đã xảy ra: đột nhiên, người ta cảm thấy thời gian trôi chảy, và mỗi một khoảnh khắc, lại dẫn đưa một khoảnh khắc khác, khoảnh khắc này dẫn đưa khoảnh khắc tiếp theo, và cứ như thế mãi. Người ta cảm thấy rằng mỗi một khoảnh khắc đang tan biến vào hư vô và không nên nhọc công níu giữ nó lại, vân vân và vân vân. Và lúc bây giờ, người ta đem gán cái đặc tính ấy cho những biến cố xuất hiện ra với bạn trong những khoảnh khắc; những gì thuộc về hình thức, người ta lại quy chiếu nó về nội dung. Nói tóm lại, cái dòng trôi chảy nọ của thời gian đã được người ta nói đến nhiều, nhưng chẳng ai nhìn thấy được nó. Người ta nhìn thấy một người đàn bà, người ta nghĩ rằng nàng sẽ già đi, duy có điều người ta lại không nhìn thấy nàng đang già. Song thỉnh thoảng, người ta lại nhìn thấy nàng già đi và cũng tự thấy mình già theo với nàng: đấy là cảm thức phiêu lưu.
Nếu tôi nhớ không lầm, thì người ta gọi sự kiện đó là tính chất bất khả huy hồi của thời gian. Cái cảm thức phiêu lưu sẽ chỉ đơn thuần là cảm thức về cái tính chất bất khả huy hồi của thời gian. Nhưng tại sao người ta lại không có được cảm thức ấy thường xuyên? Có phải tại thời gian không luôn luôn mang tính chất bất khả huy hồi? Có những giây phút người ta sống trong cảm tưởng mình có thể làm những gì mình muốn, đi đến trước hay quay trở lại sau, rằng điều đó chẳng có gì quan hệ; và rồi có những giây phút khác người ta bảo rằng những vòng xích đã siết chặt lại trên mình, và trong những trường hợp đó người ta không được phép làm lỡ chuyện, bởi vì không thể nào tái khởi sự việc đó lại được nữa.
Anny biết dành cho thời gian tất cả những quyền hạn của nó. Vào thời nàng còn ở tại Djibouti và tôi, ở Aden, khi tôi đến thăm nàng trong hai mươi bốn giờ, nàng khôn khéo làm gia tăng những ngộ nhận giữa chúng tôi, cho đến khi chỉ còn lại vỏn vẹn đúng sáu mươi phút trước lúc tôi phải khởi hành; sáu mươi phút, đúng là cái thời gian cần có để người ta cảm nghiệm được những giây phút đang lần lượt chảy trôi. Tôi nhớ lại một trong những buổi chiều kinh khủng nọ. Tôi phải lên đường vào nửa đêm. Chúng tôi đi xem chiếu bóng giữa trời, cả hai đứa đều cùng thất vọng. Duy có điều nàng đang điều khiển cuộc chơi. Lúc 11 giờ khi cuốn phim khởi sự, nàng cầm lấy tay tôi và siết chặt trong tay nàng, không thốt nên lời nào. Tôi thấy mình tràn ngập một niềm vui chua chát và tôi đã hiểu rằng bấy giờ là 11 giờ mà không cần nhìn đến đồng hồ. Kể từ giây phút đó, chúng tôi bắt đầu cảm thấy những khoảnh khắc đang dần trôi. Lần đó, chúng tôi sẽ xa nhau trong ba tháng. Có một lúc cuốn phim rọi trên màn bạc một hình ảnh trắng toát, bóng tối trong căn phòng dịu bớt và tôi nhìn thấy Anny đang khóc. Đoạn, vào nửa đêm, nàng buông tay tôi ra sau khi đã siết chặt; tôi đứng dậy và bỏ đi không nói với nàng lời nào. Như thế càng tốt.
Bảy giờ chiều.
Ngày làm việc nhiều. Công việc tiến hành không tệ lắm; tôi đã viết được sáu trang với lòng vui thích. Huống nữa đấy lại là những nhận định trừu tượng về thời gian trị vì của Hoàng đế Paul đệ I. Sau cơn say cuồng hôm qua, tôi ở nhà suốt ngày, nằm dài trên giường. Không cần phải cổ vũ tâm hồn tôi! Song tôi cảm thấy thoải mái khi phân tích những động lực của nền chuyên chế Nga.
Duy có điều ông Rollebon nọ làm tôi khó chịu. Ông ta bí ẩn trong cả những sự việc nhỏ nhặt nhất. Ông đã có thể làm gì tại vùng Ukraine vào tháng tám năm 1804? Ông nói về cuộc du lịch của mình bằng những câu úp mở:
“Hậu thế sẽ phán đoán xem những cố gắng của tôi, những cố gắng mà sự thành công cũng không thể nào đền bù lại được, có xứng đáng hơn là một cuộc bổ báng dữ dằn và những lời nhục mạ mà người ta phải chịu đựng trong im lặng, khi tôi có ý định gì làm câm miệng những người đàm tiếu và đẩy họ vào cơn sợ hãi.”
Tôi đã để cho mình sa sẩy một lần: ông ta tỏ ra đầy những điều ẩn ước kênh kiệu nhân một cuộc du lịch ngắn của ông ở Bouville năm 1790. Tôi đã mất cả một tháng trời để kiểm chứng những hành vi và cử chỉ của ông. Rốt cuộc tôi biết rõ rằng ông đã làm cho con gái một trong những trại chủ của mình mang thai. Đấy có phải chỉ là một tay phường chèo thôi sao?
Tôi bực tức với con người hợm hĩnh đầy dối trá đó; có thể đấy là do lòng hờn giận: tôi thích ông nói dối với những người khác, nhưng muốn rằng ông trừ tôi ra; tôi cho rằng chúng tôi hiểu nhau như những tay kẻ cắp trong phiên chợ, trên tất cả những người chết nọ và muốn rằng rốt cuộc ông lại nói với tôi, với chính tôi, sự thật! Ông đã chẳng nói gì, tuyệt chẳng nói gì; cũng chẳng nói đến chuyện ông đã đánh lừa hoàng đế Alexandre hay Louis thập bát. Điều quan trọng đối với tôi Rollebon là một mẫu người tốt bụng. Đỏm dáng, cố nhiên: ai lại không thế? Nhưng là một tay làm đỏm cỡ bự hay cỡ nhỏ? Tôi không ưa thích lắm những cuộc khảo tầm lịch sử để có thể mất thì giờ của mình cho một người chết, người mà nếu còn sống, tôi cũng chẳng thèm chạm đến tay y. Tôi biết gì về Rollebon? Người ta không thể mơ mộng đến một cuộc sống nào huy hoàng hơn cuộc sống của ông ta. Song ông ta đã tạo ra cuộc sống đó cho mình? Nếu như những lá thư ông để lại không mang vẻ khoa trương đến thế... A! Còn phải biết đến cái nhìn của ông, có thể là ông cố một kiểu cách duyên dáng để nghiêng đầu xuống, hay để tạo ra một vẻ tinh quái, ngón tay trỏ dài ngoằng đặt lên mũi, hoặc là đôi khi, giữa hai điều dối trá nhã nhặn, lộ ra một cơn hung bạo ngắn ngủi mà ông dập tắt ngay lập tức. Nhưng ông đã chết rồi: ông chỉ còn để lại một cuốn “Luận về chiến lược” và “Những suy tư về đức hạnh.”
Nếu cứ để lan man, tôi sẽ tưởng tượng nên ông rất rõ: dưới cái bề ngoài hài hước đặc sắc đã gây cho biết bao nạn nhân, ông là một người đơn giản, hầu như là kẻ ngây thơ. Ông ít suy nghĩ, nhưng trong mọi trường hợp, nhờ vào một vẻ duyên dáng sâu xa, ông thực hiện đúng những gì cần thiết. Sự làm đỏm của ông mang vẻ ngây ngô, tự nhiên, đầy quảng đại và cũng thành thực như tình yêu của ông đối với đức hạnh. Và khi ông trở mặt phản bội những ân nhân cùng bằng hữu, ông lại quay về với những biến cố để rút ra từ chúng một nền đạo đức. Ông chẳng hề nghĩ rằng mình có một tí quyền nào trên những người khác, cũng như những người khác chẳng có quyền gì trên ông: những thiên năng mà cuộc đời ban cho, ông lại xem chúng như là những gì bất khả biện minh và như không. Ông gắn bó mãnh liệt với mọi sự, song lại dễ dàng tách rời mọi sự. Và những bức thư, những tác phẩm của mình, ông chẳng hề tự tay viết ra: ông giao cho những văn công tạo nên chúng.
Nếu chỉ để đi đến đó, chẳng thà tôi viết ngay một tiểu thuyết về hầu tước De Rollebon còn hơn.
Mười một giờ khuya.
Tôi đã dùng cơm tối tại quán “Rendezvous des Cheminots”. Bà chủ có mặt ở đấy, tôi đã phải hôn nàng, nhưng đấy là do phép lịch sự. Nàng làm tôi hơi kinh tởm, nàng quá trắng và lại toát ra mùi trẻ sơ sinh. Nàng siết chặt đầu tôi vào ngực trong một mối đam mê tràn bờ: nàng tưởng thế là quyến rũ lắm. Về phần tôi, tôi đưa tay mần mò dưới lớp chăn rồi tay tôi tê cứng lại. Tôi nghĩ đến De Rollebon: nói cho cùng, có gì ngăn cản tôi viết nên một thiên tiểu thuyết về đời ông? Tôi để tay mình lướt dài theo hông nàng và đột nhiên tôi nhìn thấy một khu vườn nhỏ với những lùm cây thấp và rộng, lủng lẳng những cành lá rậm rạp phủ đầy lông. Những con kiến chạy khắp nơi, những con rết, những com bướm vải. Còn có những con thú kinh khủng hơn nữa: thân thể chúng được làm bằng những phiến bánh mì nướng chín như những phiến bánh đặt dưới những con bồ câu quay; chúng đi nghiêng nghiêng một bên với những chiếc chân của loài cua. Những chiếc lá rộng đen nghẹt những con thú. Đằng sau những cây xương rồng và những cây vả Bắc Phi, cô Velléda của khu công viên đưa tay chỉ vào “sexe” của mình. “Khu vườn này bốc lên mùi nôn mửa”, tôi kêu to.
Em không muốn làm anh thức dậy, bà chủ nói, song mông em bị cấn đau và em phải xuống dưới hiệu để tiếp những người khách của chuyến tàu Paris vừa đến.”
Ngày cuối cùng trong lễ vui Carême.
Tôi đã đánh đòn Maurice Barrés. Chúng tôi là ba người lính, và một đứa trong bọn bị thủng một lỗ ngay giữa khuôn mặt. Maurice Barrés tiến đến gần, bảo chúng tôi: “Tốt lắm!”. Và ông ban cho mỗi người một bó hoa tím nhỏ. “Tôi không biết đặt nó vào đâu”, người lính có chiếc đầu thủng lỗ nói thế. Lúc bấy giờ Maurice Barres đã bảo: “Phải đặt bó hoa vào ngay giữa lỗ hổng trên đầu anh”. Người lính trả lời: “Tôi sẽ đặt nó vào lỗ đít ngài”. Và chúng tôi đã vật ngửa Maurice Barrés xuống, cởi quần ông ra”. Dưới lớp quần, ông có mặc chiếc áo hồng y màu đỏ. Chúng tôi lột chiếc áo lót ra và Maurice Barrés bắt đầu kêu la: “Coi chừng, tao mặc những chiếc quần cáo dây ghệt xuống lòng bàn chân”. Song chúng tôi đã đánh đòn ông đến có máu ra, và trên mông ông chúng tôi đã dùng những cành hoa tím vẽ nên hình chiếc đầu Déroulède.
Thời gian gần đây, tôi thường hay nhớ lại những giấc mộng của mình. Ngoài ra, hẳn tôi còn trăn trở nhiều trong giấc ngủ, vì sáng nào tôi cũng thấy chăn mền của mình bị đạp tung xuống đất. Hôm nay là ngày cuối cùng trong lễ vui Carême, nhưng ở Bouville, điều đó chẳng có nghĩa gì quan trọng: ngoại trừ trong cả thành phố có chừng một trăm người hóa trang.
Khi xuống cầu thang, bà chủ đã gọi tôi lại. “Có một lá thư cho anh.”
Một lá thư: lá thư cuối cùng tôi nhận được là của người quản thủ thư viện Rouen hồi tháng năm vừa rồi. Bà chủ dẫn tôi vào phòng làm việc của bà; bà chìa cho tôi một phong bì dài màu vàng và căng phồng: Anny đã viết cho tôi. Năm năm nay, tôi chẳng hề được tin gì về nàng. Lá thư mang địa chỉ cũ của tôi ở Paris, dấu tem đóng ngày 1 tháng hai.
Tôi bước ra ngoài; tôi cầm phong thư giữa những ngón tay, tôi không dám mở; Anny không thay đổi loại giấy viết thư của nàng. Tôi tự hỏi nàng có luôn luôn mua giấy ấy tại cửa hiệu tí hon Piccadilly? Tôi nghĩ rằng nàng cũng vẫn còn giữ mái tóc cũ, những lọn tóc hoe vàng trĩu nặng mà nàng không muốn cắt đi. Hẳn nàng phải chiến đấu kiên trì trước tấm gương để cứu vãn khuôn mặt của mình: đấy không phải là làm đỏm, cũng không phải nàng sợ mình già; nàng muốn vẫn còn là mình, đúng hệt như tình trạng nàng đang hiện hữu. Đấy có thể là điều tôi thích nhất nơi nàng, lòng trung thành mãnh liệt và nghiêm khắc với những nét nhỏ nhặt nhất của hình ảnh mình.
Dòng chữ cứng cỏi ghi địa chỉ, viết bằng mực tím (nàng cũng chẳng thay đổi màu mực) hãy còn hơi lấp lánh.
“Ông Antoine Roquentin”
Tôi thích đọc tên mình trên những chiếc phong bì nọ vô ngần. Trong một làn sương mù, tôi đã tìm gặp lại nụ cười mỉm của nàng, tôi đã đoán ra được đôi mắt và cái đầu của nàng đang cúi xuống: khi tôi ngồi, nàng đến đứng trước mặt tôi và mỉm cười. Nàng áp phục cả thân thể vào tôi, ôm lấy vai và lay tôi bằng đôi tay rộng mở.
Chiếc phong bì nặng trĩu, hẳn nó phải chứa ít ra là sáu trang thư. Những hàng chữ như ruồi bò của bà gác cửa thuở xưa chạy xiên xẹo:
“Khách sạn Printana - Bouville. ”
Những chữ nhỏ đó không lấp lánh sáng.
Khi bóc phong thư, sự vỡ mộng làm tôi trẻ lại sáu năm:
“Tôi không biết làm sao Anny lại có thể làm cho bì thư căng phồng như thế: chẳng bao giờ có gì trong bì thư.”
Câu này tôi đã lặp đi lặp lại hàng trăm lần vào mùa xuân năm 1924, trong khi chiến đấu như ngày hôm nay để rút ra từ lần giấy lót một mẩu giấy gạch ô vuông. Lần giấy lót mang một vẻ rạng rỡ: màu xanh sẫm với những ngôi sao vàng óng: tựa như một tấm vải nặng hồ. Chỉ riêng mình nó cũng đã chiếm ba phần tư trọng lượng phong bì.
Anny đã viết bằng bút chì:
“Em sẽ qua Paris trong vài ngày nữa. Hãy đến gặp em tại khách sạn Espagne, ngày 20 tháng hai. Em van anh (nàng đã gạch bỏ chữ ‘em van anh’ ở đầu dòng và đã đem nó xuống chỗ ‘gặp em’ bằng một đường xoáy trôn ốc ngộ nghĩnh). Em cần gặp anh. Anny.”
Ở Meknès, ở Tanger, khi về nhà vào buổi chiều, đôi khi tôi gặp một mảnh giấy trên giường: “Em muốn gặp anh ngay”. Tôi chạy bở hơi, Anny mở cửa đón tôi, lông mày nhướng cao, vẻ kinh ngạc: nàng chẳng có gì để nói với tôi nữa; nàng lại còn hơi bực tức vì tôi đến với nàng. Tôi sẽ đi; có thể nàng sẽ từ khước không tiếp tôi. Hoặc người ta sẽ bảo tôi tại phòng khách sạn: “Không có cô nào mang tên này ngụ tại đây”. Tôi không tin rằng nàng sẽ làm thế. Duy có điều, chỉ già một tuần thôi, nàng có thể viết cho tôi rằng nàng đã thay đổi ý kiến và chuyện gặp nhau sẽ gác lại một lần khác.
Mọi người đang làm việc. Một ngày cuối tuần trong lễ vui Carême nhạt phèo đang lộ xuất. Con đường Mutilés bốc lên nồng nặc mùi gỗ ẩm, như mỗi lần khi trời sắp mưa. Tôi không thích những ngày kỳ cục này: những rạp chiếu bóng thêm những suất buổi sáng, những cô cậu học sinh nghỉ học; trên các đường phố, có vẻ gì mơ mơ hồ hồ của những ngày lễ, luôn kích thích sự chú tâm của ta nhưng lại tan biến ngay khi ta để tâm đến nó.
Hiển nhiên là tôi sắp gặp lại Anny song tôi không thể nói được rằng ý tưởng trên làm cho tôi vui sướng. Kể từ khi nhận được bức thư, tôi cảm thấy mình rảnh rỗi. May thay, lúc ấy đang là giữa trưa; tôi không đói bụng, song tôi sắp đi dùng bữa cho qua thời giờ. Tôi vào tiệm Camille, đường Horlogers.
Tiệm là một chiếc hộp đóng kính; tại đấy có món dưa cải bắp thái nhỏ hay món thịt cừu xào đậu, suốt đêm. Người ta ghé đó dùng bữa khuya khi ra khỏi rạp hát; những đội cảnh sát chỉ dẫn lại tiệm những du khách đến vào ban đêm và đang cơn đói. Tám chiếc bàn đá hoa. Một chiếc băng nhỏ bằng da chạy dài theo các bức tường. Hai tấm gương lổ đổ những vết đỏ hoe. Khung kính của hai chiếc cửa sổ và cửa ra vào làm bằng gương mờ. Chiếc quầy rượu được đặt lùi vào trong xa. Cũng có một căn phòng nằm bên cạnh. Song tôi chưa hề bước chân vào đấy; nó được dùng cho những cặp nhân tình một đêm.
“Cho xin một đĩa trứng tráng dăm bông.”
Người hầu gái, một cô gái to lớn với đôi gò má đỏ hồng, cứ luôn miệng tươi cười khi nói với đàn ông.
“Tôi không có quyền. Ông có muốn dùng trứng tráng với khoai tây không? Dăm bông đã mốc cả rồi, chỉ có ông chủ mới cắt nó được.”
Tôi kêu một đĩa thịt cừu xào đậu. Người chủ quán tên Camille và là một gã cục cằn.
Người hầu gái bỏ đi. Tôi một mình trong căn phòng cũ kĩ tối ám này. Trong ví tôi, có một lá thư của Anny. Một sự xấu hổ nhảm nhí ngăn không cho tôi đọc lại lá thư. Tôi cố gắng nhớ lại từng câu một.
“Anh Antoine thân mến.”
Tôi mỉm cười: chắc chắn là không, chắc chắn là Anny chẳng bao giờ viết “Anh Antoine thân mến.”
Cách đây sáu nãm - chúng tôi vừa dứt khỏi một giao kết chung - tôi đã quyết định đi Đông Kinh. Tôi viết cho nàng vài dòng. Tôi không thể gọi nàng là “Tình yêu thân thiết của anh” nữa; tôi đã bắt đầu trong tất cả vẻ ngây ngô vô tội “Em Anny thân mến”.
“Em khâm phục tính bình dị dễ dãi của anh rồi đó, nàng trả lời tôi; em đã chẳng hề bao giờ là, và hiện tại, em chẳng hề đang là Anny thân mến của anh. Về phần anh, em xin anh tin rằng anh không phải là anh Antoine thân mến của em. Nếu anh chẳng biết gọi em ra sao, thì tốt hơn anh đừng gọi tên em.”