Buồn nôn - Chương 07
Hết rồi: đám đông ít đông đúc hơn, những pha giở mũ chào nhau trở nên hiếm hoi hơn, những cửa kính của các cửa hàng có một vẻ gì kém thanh lịch hơn: tôi ở cuối đường Tournebride. Tôi có nên băng qua đường và đi ngược lại trên vệ đường bên kia? Tôi tin rằng tôi đã chán ngấy, tôi đã thấy quá đủ những chiếc sọ hồng kia, những gương mặt nhỏ nhen, nổi bật, ẩn khuất. Tôi sẽ băng qua công trường Maringan. Đang khi tôi cẩn trọng tách mình ra khỏi hàng người, một chiếc đầu của một ông bảnh choẹ nọ lộ ra kề cận tôi từ một chiếc mũ đen. Đấy là chồng của bà vận y phục màu xanh dương. A! Chiếc sọ đẹp của người có đầu dài, dựng đứng lên những sợi tóc ngắn và chi chít, bộ râu mép Hoa Kỳ xinh xắn, rải rác những sợi bạc. Và nhất là nụ cười mỉm, nụ cười tuyệt diệu được trau luyện kỹ càng. Ông ta cũng có một chiếc mắt kính, ở đâu đó trên mũi ông.
Ông quay lại bảo bà vợ:
“Y là một họa công mới của xưởng máy. Anh đang tự hỏi y làm gì ở đây. Y là một thanh niên tốt, có vẻ nhút nhát, y làm anh vui”.
Dựa vào tấm gương của cửa hàng thịt Julien, người họa công trẻ tuổi vừa mới đội mũ trở lại, mặt hãy còn đỏ bừng, đôi mắt hạ thấp xuống, vẻ bướng bỉnh.
Quả đúng đây là ngày chúa nhật đầu tiên mà anh dám băng ngang đường Tournebride. Anh mang vẻ lúng túng cảm động của một người được thọ lĩnh thánh thể lần đầu. Anh chắp tay sau lưng và quay mặt vào tấm gương với vẻ hổ thẹn hoàn toàn kích động, anh nhìn chăm chú, song không thấy, bốn khúc dồi lợn nhỏ sáng bóng vì giá đông, tươi tắn trên những rau mùi rắc làm hoa vị.
Một thiếu phụ bước ra khỏi hiệu thịt nguội và khoác tay anh. Đấy là vợ anh, nàng trông còn trẻ mặc dù màu da mòn mỏi. Nàng rất có thể lượn qua lượn lại ở những vùng phụ cận con đường Tournebride mà không ai có thể tưởng nàng là một cô gái đã có chồng, người ta chỉ nhận ra biển hiệu của sự kiện ấy ở ánh sáng trân tráo của đôi mắt, ở cái bề ngoài khôn ngoan và lịch duyệt của nàng. Những người đàn bà thực sự không biết đến giá trị các vật, các bà ưa thích những cơn điên cuồng mỹ diệu, đôi mắt họ là những đóa hoa thuần khiết xinh đẹp, những bông hoa trong khu nhà gương trồng kiểng.
Tôi đến quán rượu bia Vézelizer khi chuông đổ một giờ. Những ông già đang có mặt ở đó, như thường lệ. Hai người trong bọn đã bắt đầu bữa ăn trưa. Bốn người đang chơi bài manille và uống rượu khai vị. Những người khác đang đứng nhìn họ chơi trong khi những người hầu việc đặt khăn ăn. Người lớn nhất trong bọn, cái lão có bộ râu thậm thượt, là nhân viên sở hối đoái. Một người khác là ủy viên của hệ thống danh bộ hải quân, nay đã về hưu. Họ ăn và uống như những người hai mươi tuổi. Ngày chúa nhật, họ dùng món dưa cải bắp thái nhỏ. Những người đến sau hỏi những người khác, đã ăn trước:
“Sao? Vẫn món cải bắp ngày chúa nhật chứ?”
Họ ngồi xuống và thở ra hoan hỉ:
“Mariette cưng, một đờ-mi không bọt và cải bắp nghe.”
Nàng Mariette nọ là một người đàn bà lẳng lơ. Khi tôi ngồi xuống chiếc bàn trong cùng, một lão già da đỏ thắm khởi sự ho dữ dội khi nàng dọn lên cho lão một cốc rượu “vẹt-mút.”
“Rót thêm nữa đi, cô em”, lão vừa bảo vừa ho.
Song đến lượt nàng nổi giận: nàng chưa ngừng tay rót rượu:
“Nhưng hẳn để tôi rót đã chứ, ai có nói gì với cụ đâu nào? Cụ giống như một người lên tiếng phản đối trước khi người khác hầu chuyện cùng mình”.
Những người khác cười phá lên.
“Nhào!”
Khi đến chỗ ngồi, lão nhân viên sở hối đoái nắm vai Mariette:
“Chúa nhật rồi, Mariette ơi. Chiều nay đi xem chiếu bóng với bồ mình nhé.”
“Chứ sao! Hôm nay là ngày của Antoinette. Về chuyện bồ mình đó, tôi “bao thầu” cả đấy.”
Lão nhân viên hốì đoái đã ngồi xuống, đối diện với một ông già râu cạo nhẵn nhụi, có vẻ khốn khổ. Ông già cạo râu bắt đầu kể ngay một câu chuyện sinh động. Lão nhân viên hối đoái chẳng nghe ông nói: lão nhăn mặt và mân mê bộ râu. Họ chẳng bao giờ nghe nhau.
Tôi nhận ra những người ngồi bên cạnh: đấy là những tiểu thương gia gần nhà. Ngày chúa nhật, người hầu gái của họ nghỉ việc. Lúc bấy giờ, họ đến đây và luôn luôn ngồi yên tại cùng một bàn như hôm trước. Người chồng đang ăn một đĩa thịt sườn màu hồng. Y nhìn sát vào khúc thịt và thỉnh thoảng lại hít hít mũi. Người vợ đang nhấm nháp đĩa thức ăn. Đấy là một người đàn bà mạnh khoẻ, tóc vàng nâu, cỡ bốn mươi tuổi, đôi gò má đỏ hồng phủ lông tơ. Đôi nhũ hoa đẹp đẽ căng cứng dưới lớp áo thụng bằng hàng sa tanh. Nàng ta nốc một hơi cả chai rượu Bordeaux ở mỗi bữa ăn, như một người đàn ông.
Tôi sắp đọc Eugénie Grandet. Không phải vì tôi tìm thấy hứng cảm lớn lao trong sách: nhưng vì tôi phải làm một cái gì đó. Tôi lật sách ra tình cờ; người mẹ và cô gái đang nói về tình yêu mới chớm nở của Eugénie:
“Eugénie hôn tay mẹ và nói:
“- Mẹ tốt quá, mẹ yêu dấu!
“Những lời này làm rạng rỡ gương mặt già nua của bà mẹ đã bị cằn cỗi, héo tàn trong những nỗi khổ đau dằng dặc:
“- Mẹ thấy chàng tử tế đấy chứ? Eugénie hỏi bà.
“Bà Grandet chỉ trả lời bằng một nụ cười mỉm; đoạn sau một lúc im lặng, bà thấp giọng bảo:
“- Vậy ra con đã yêu rồi à? Sẽ tai hại lắm đấy nghe.
“- Tai hại, Eugénie lặp lại, tại sao? Chàng làm mẹ hài lòng, chàng làm Nanon hài lòng, tại sao chàng sẽ không làm con hài lòng chứ? Này, mẹ ạ, chúng ta hãy dọn bàn ăn cho chàng dùng bữa trưa.
“Nàng bỏ dở công việc thêu thùa, bà mẹ cũng thế và bảo nàng:
“- Con điên rồi!
“Song bà lại hài lòng với việc biện minh sự điên rồ của cô con gái yêu dấu bằng cách cùng nàng chia sẻ cơn điên rồ đó.
‘‘Eugénie gọi Nanon.
“- Cô còn muốn thêm gì nữa đó, thưa cô?
“- Nanon, đúng giữa trưa, u chắc là có kem được đấy chứ?
“- À! Giữa trưa, vâng, người tớ già trả lời.
“- Này, u nhớ pha cà phê thật đậm cho chàng nhá, hôm ở nhà ông Les Grassins tôi có nghe bảo rằng cà phê ở Ba Lê được pha rất đậm. U cứ đổ nhiều cà phê vào.
“- Cô muốn tôi lấy cà phê ở đâu ra đây chứ?
“- U cứ đi mua đi.
“- Lỡ ông nhà gặp thì sao?
“- Ông đang ở ngoài đồng mà... ’’
Những người bên cạnh đã giữ im lặng từ khi tôi đến, song đột nhiên, giọng nói của người chồng kéo tôi ra khỏi trang sách đọc.
Người chồng, với một vẻ vui tươi và bí mật:
“Nói anh biết đi, em đã gặp rồi hả?”
Người vợ giật mình, nhìn chồng chăm chú, nàng vừa ra khỏi cơn mộng. Lão nọ ăn và uống, đoạn y tiếp tục, với cùng vẻ tinh nghịch:
“Ha, ha!”
Một lúc im lặng, người vợ lại đã rơi trở vào cơn mộng.
Đột nhiên, nàng giật mình và hỏi:
“Anh nói gì vậy?”
“Chuyện Suzanne hôm qua ấy.”
“À, vâng! Người vợ bảo, nàng đã gặp Victor.”
“Anh đã nói với em gì thế?”
Người vợ đẩy chiếc đĩa đi với vẻ nóng nảy.
“Tệ thật.”
Mép đĩa của nàng rải rác những viên chả thịt màu xám nàng đã nhả ra. Người chồng vẫn theo đuổi ý tưởng của mình:
“Cái cô nàng nọ...”
Y lặng thinh và cười mơ hồ. Đối diện chúng tôi, lão nhân viên hối đoái đang vuốt ve cánh tay trần của Mariette và thở nhẹ vào đấy. Độ một lúc sau:
“Ngày nọ, em đã nói với anh chuyện đó rồi.”
“Em đã nói với anh chuyện gì thế?”
“Chuyện Victor, nàng ta sắp thăm Victor. Gì thế, đột nhiên lão ta hỏi với vẻ hoảng hốt, em không thích chuyện đó à?”
“Tệ thật.”
“Chẳng phải thế nữa đâu, lão ta tiếp với vẻ quan trọng, chẳng phải như vào thời của Hécart nữa đâu. Em biết y hiện đang ở đâu chứ, anh chàng Hécart đó?”.
“Bộ anh ta không ở Domrémy sao?”
“Có, có ai bảo với em thế?”
“Anh chứ ai, anh đã nói với em hồi chúa nhật trước.”
Nàng ta ăn một miếng ruột bánh mì nằm lộn xộn trên chiếc khăn bàn bằng giấy. Đoạn, bàn tay miết sát phần giấy trên mép bàn, nàng ngần ngại:
“Anh biết đó, anh đang lầm, Suzanne còn...”
“Rất có thể, em cưng, rất có thể như thế lắm”, lão nọ lơ đãng trả lời. Lão đang đưa mắt tìm Mariette, lão ra dấu cho nàng:
“Trời nóng quá”.
Mariette tựa mình thân mật trên mép bàn.
“Ồ, phải, trời nóng lạ, người vợ rên rỉ, ở đây người ta đến nghẹt thở mất, và rồi món thịt bò thật tệ, em sẽ nói cho lão chủ biết điều đó, cô Mariette ơi, làm ơn mở hộ tôi chiếc cửa sổ con một tí.”
Người chồng lấy lại vẻ tươi vui:
“Nói cho anh biết đi, em không thấy đôi mắt đó à?”
“Nhưng mà khi nào thế, anh yêu?”
Lão ta bắt chước nàng với vẻ nóng nảy:
“Nhưng mà khi nào thế, anh yêu? Đúng là em: vào mùa hè, khi trời rơi tuyết.”
“Anh muốn nói hôm qua? À!”
Lão ta cười, nhìn ra xa, rồi lão đọc lại rất nhanh, với sự chú tâm nào đó:
“Những đôi mắt mèo trong than gỗ hồng.”
Lão có vẻ thỏa mãn quá đến đỗi quên bẵng những gì mình muốn nói. Đến phiên nàng nọ đùa cợt, không hậu ý:
“Ha, ha, đại ma lanh.”
Nàng đập đập vào vai lão.
“Đại ma lanh, đại ma lanh.”
Lão nọ lặp lại với nhiều tự tin hơn:
“Con mèo trong than hồng.”
Nhưng nàng không cười nữa:
“Không, đứng đắn mà, anh biết, nàng ta đoan trang mà.”
Lão nọ nghiêng mình xuống, thầm thì bên tai nàng một câu chuyện dài. Nàng chăm chú, miệng há hốc, khuôn mặt hơi căng thẳng và tươi vui, như thể một người sắp sửa phá lên cười, đoạn đột nhiên, nàng ngã hẳn người ra sau và cấu lấy tay lão nọ.
“Không phải thế, không đúng thế.”
Lão ta nói bằng giọng sành sỏi và nghiêm nghị:
“Nghe anh nói này, cưng, bởi vì hắn ta đã nói thế: nếu không đúng như vậy thì tại sao hắn ta lại nói thế?”.
“Không, không.”
“Nhưng mà hắn ta đã bảo thế: nghe này, giả thử...”
Nàng phá lên cười:
“Em cười vì đang nghĩ đến René.”
“Phải.”
Lão nọ cũng cười. Nàng nói tiếp, bằng giọng trầm xuống và quan trọng:
“Thế thì, hắn đã biết được chuyện ấy vào ngày thứ ba.”
“Thứ năm chứ.”
“Không, thứ ba, anh biết rõ là vì...”
Nàng vẽ phác trong không khí một loại hình bầu dục.
Một lúc im lặng lâu. Người chồng nhúng mẩu ruột bánh mì vào trong nước xốt, Mariette thay đĩa và mang đến cho họ bánh nhân kem. Bất thình lình, người đàn bà hơi mơ mộng, trên môi thoáng nụ cười kiêu hãnh và hơi tức giận, lên tiếng bằng một giọng dề dà:
“Ồ không, anh biết rõ mà!”
Có nhiều nhục cảm trong giọng nói của nàng đến nỗi lão nọ cảm xúc, lão ta ve vuốt mơn man chiếc gáy nàng bằng bàn tay thô mập.
“Charles, thôi anh, anh đang làm em bị kích thích đấy, anh yêu”, nàng thì thầm và mỉm cười, miệng đầy bánh.
Tôi cố gắng đọc tiếp:
“- Cô muốn tôi lấy cà phê ở đâu ra đây chứ?
“- Ừ, cứ đi mua đi.
“- Lỡ ông nhà gặp thì sao?”
Song tôi còn nghe người đàn bà nói:
“Marthe này, anh sắp làm nàng cười, anh sẽ thuật lại cho nàng...”
Những người ngồi cạnh tôi đã lặng im. Sau món bánh nhân kem. Mariette đã dọn lên cho họ những trái ô mai và người đàn bà đang bận bịu nhả những chiếc hạt vào trong chiếc cùi dìa một cách duyên dáng. Người chồng, mắt lơ đãng nhìn lên trần nhà, tay vỗ nhè nhẹ một bản hành khúc trên bàn. Như thể trạng thái bình thường của họ là im lặng và lời nói
một bản hành khúc trên bàn. Như thể trạng thái bình thường của họ là im lặng và lời nói là một cơn sốt nhỏ băng qua họ một đôi khi.
“- Cô muốn tôi lấy cà phê ở đâu ra đây chứ?
“- Ừ, cứ đi mua đi.”
Tôi khép sách lại, tôi sắp dạo chơi.
Khi ra khỏi quán rượu Vézelize, đã gần ba giờ: tôi cảm thấy buổi xế trưa trong toàn thân nặng trĩu của mình. Không phải buổi trưa của tôi; buổi xế trưa của họ, khoảng thời gian mà một trăm ngàn người dân Bouville sắp sống chung với nhau. Vào cùng giờ này, sau bữa ăn thịnh soạn và dài dặc ngày chúa nhật, họ đang đứng dậy khỏi bàn, và đối với họ, một cái gì đó đã chết đi. Ngày chúa nhật đã làm mòn tuổi thanh xuân nhẹ nhàng của họ. Họ phải tiêu hóa thịt gà và bánh ngọt, vận y phục để ra phố.
Hồi chuông của rạp chiếu bóng Eldorado giòn giã reo vang bầu không khí trong sáng. Âm thanh quen thuộc ngày chúa nhật, hồi chuông giữa ban ngày. Hơn trăm người đứng nối đuôi nhau, dọc theo bức tường màu xanh lá cây. Họ đang khát khao chờ đợi cái giờ khắc của bóng tối êm dịu, của sự thoải mái, sự buông thả phóng túng, cái giờ mà màn bạc, bóng loáng như một hòn cuội trắng dưới mặt nước, sẽ thốt ra lời và mộng mơ vì họ. Khát vọng vô ích: có cái gì đó trong họ bị thu rút lại; họ đã quá sợ rằng người ta làm hỏng ngày chúa nhật tươi đẹp của mình. Chốc nữa đây, cũng như mọi chúa nhật khác, họ sẽ thất vọng tràn trề: cuốn phim thật ngốc nghếch, người bên cạnh hút ống điếu phì phà và cứ nhổ nước bọt vào giữa hai đầu gối họ, hay Lucien quá khó chịu, anh chẳng thốt ra được một lời đáng yêu, hoặc nữa, như cố ý, đúng vào ngày này, cơn đau nhức ở xương sườn lại tái phát. Chốc nữa đây cũng như mọi chúa nhật khác, những cơn giận dữ vụn vặt âm thầm sẽ lớn dần lên trong phòng tối.
Tôi đi dài theo con đường Bressan yên tĩnh. Mặt trời đã làm tan những cụm mây, trời đang đẹp. Một gia đình vừa ra khỏi biệt thự “La Vague”. Cô con gái đang cài nút đôi găng tay trên vệ đường. Nàng trạc ba mươi tuổi. Người mẹ, đang đứng trên bậc thang đầu tầng cấp, nhìn thẳng trước mặt với vẻ vững dạ và bà ta thở mạnh, về người cha, tôi chỉ thấy được chiếc lưng to lớn. Khom người trên ổ khóa, ông đang khóa cửa lại. Căn nhà sẽ trống rỗng và tối đen cho đến khi họ trở về. Trong những ngôi nhà lân cận, đã hoen rỉ và hoang vắng, những đồ đạc và rầm nhà bằng ván kêu lên nhè nhẹ. Trước khi đi khỏi, người ta đã dụi tắt lửa trong lò sưởi ở phòng ăn. Người cha bắt kịp hai người đàn bà, và cả gia đình bắt đầu bước đi, không nói một lời. Họ đi đâu? Ngày chúa nhật, người ta đến khu nghĩa trang, hay đến thăm những người thân thuộc, hoặc nữa, nếu hoàn toàn tự do, người ta sẽ dạo chơi trên đường Jetée. Tôi hoàn toàn tự do: tôi đi theo đường Bressan đổ ra đường Jetée-Promenade.
Trời xanh xao: một vài đụn khói, một vài túp lông trên đầu chim; thỉnh thoảng, một đám mây trong khi trôi giạt bay ngang qua mặt trời. Đằng xa, tôi nhìn thấy chiếc bao lơn bằng xi măng trắng chạy dọc theo đường Jetée-Promenade, mặt biển lấp loáng xuyên qua những khung hở. Gia đình nọ đi về bên phải, con đường Aumônier-Hilaire, leo đến tận khu Đồi Xanh. Tôi nhìn họ bước lên từng bước chậm, tạo thành ba vệt đen trên sắc màu lấp loáng của nhựa đường. Tôi rẽ về bên trái và tôi sẽ nhập vào đám đông đang lượn chơi trên bãi biển.
Đám đông hỗn loạn hơn buổi sáng. Dường như tất cả những người này đều không còn sức để duy trì cái thẩm cấp xã hội đẹp đẽ mà họ đã rất hãnh diện trước khi dùng bữa trưa. Những thương gia và những công chức đi cạnh nhau; họ để mặc cho những khuỷu tay va đụng vào nhau, có khi còn va phải và bị xô đẩy bởi những người làm công tầm thường, dáng vẻ nghèo nàn. Những nhà quý tộc, những kẻ thượng lưu, những nhóm người tụ hội theo nghề nghiệp đã tan loãng trong đám đông ẩm nóng nọ. Chỉ còn lại những con người hầu như một mình, và không còn biểu trưng cho gì nữa.
Một vùng ánh sáng đằng xa, đấy là mặt biển đang cơn sóng hạ. Một vài tảng đá ngầm bắn tung bọt nước thành những đóa hoa, đang nhô đầu chọc thủng bề mặt sáng sủa nọ. Trên bãi cát, nằm yên những chiếc thuyền đánh cá, không xa những khối đá nhờn mà người ta vứt lộn xộn ở chân đập, để che chở đập chống lại những cơn sóng vỗ, và lưu lại những lỗ hổng đầy những tiếng rì rầm. Ở lối vào ngoại cảng, trên nền trời nhuộm trắng bởi vầng dương, một chiếc tàu vét bùn in bóng hẳn lên. Mỗi buổi chiều, cho đến tận nửa khuya chiếc máy tru tréo, rền rĩ, và làm ầm ĩ như quỷ phá nhà chay. Song vào ngày chúa nhật, những công nhân dạo chơi trên đất liền, chỉ còn lại một người gác dan trên mạn tàu: con tàu câm tiếng.
Mặt trời sáng và trong mờ: một thứ rượu vang trắng. Ánh sáng mặt trời phớt chạm qua thân thể, không in thành bóng đen trên nền cát, cũng không làm nổi bật thân thể lên: những khuôn mặt và những bàn tay tạo thành những vệt vàng nhợt nhạt xanh xao. Tất cả những người đang mang áo khoác ngoài này tuồng như đang nhẹ nhàng phất phới là đà trên mặt đất. Thỉnh thoảng ngọn gió đẩy về phía chúng tôi những chiếc bóng đen run rẩy như làn nước; những khuôn mặt phai mờ đi một khoảnh khắc, trở nên vương bụi phấn.
Ngày chúa nhật; bị thu vào giữa dãy hành lang và những chiếc cửa lưới sắt của những ngôi nhà nghỉ mát, đám đông chảy đi thành từng cơn sóng nhỏ, để rồi mất tăm trong muôn ngàn con suối đằng sau khách sạn lớn của công ty Xuyên Đại tây dương. Biết bao nhiêu là trẻ con! Những đứa trẻ nằm trên xe, ẵm trong lòng, dắt nơi tay hay đi thành hai, ba đứa trước mặt cha mẹ chúng, với một vẻ đứng đắn nghiêm nghị. Tất cả những khuôn mặt này, tôi đã có phen nhìn thấy, chừng vài giờ trước đây, lúc ấy chúng hầu như hớn hở đắc ý, trong buổi sơ sinh của một sáng mai chúa nhật. Hiện tại, tràn trề ánh mặt trời, chúng chẳng còn diễn tả được gì ngoài sự yên tĩnh, thoải mái, một loại bướng bỉnh gan lì.
Rất ít những cử chỉ: người ta cũng hãy còn giở mũ chào nhau, song vung tay không rộng, và không cả vẻ tươi vui nôn nóng của buổi ban mai. Tất cả mọi người đều tự để cho mình đi chậm bước về sau một tí, đầu ngẩng cao, mắt nhìn vào cõi xa, mặc cho ngọn gió làm căng phồng những chiếc áo khoác, đẩy đưa họ đi. Thỉnh thoảng, một tiếng cười khô khẳng, vụt tắt ngay sau đó; tiếng la của một bà mẹ, Jeannot, Jeannot, con chịu chứ. Rồi là sự im lặng. Làn hương nhẹ nhàng của loại thuốc vàng nâu: những người thư ký đang hút thuốc. Salammbô, Aicha; những loại thuốc điếu ngày chúa nhật. Trên vài khuôn mặt, cô đơn trơ trọi hơn, tôi tưởng đọc được một thoáng buồn bã, nhưng không, những người nọ không buồn cũng không vui: họ đang ngơi nghỉ. Đôi mắt mở lớn đăm đăm phản chiếu lại mặt biển và bầu trời một cách thụ động. Chốc nữa đây, họ sẽ quay trở về nhà, cùng với gia đình uống một tách trà trên chiếc bàn nơi phòng ăn. Hiện giờ, họ đang muốn sống với ít phí tổn nhất, đang muốn tiết kiệm những cử chỉ, lời nói, tư tưởng, muốn mở đường làm gương cho kẻ khác theo: họ chỉ có một ngày độc nhất để xóa nhòa những vết nhăn, những đường nhăn trên khoé mắt, những làn nếp đắng cay gây ra do công việc suốt tuần. Chỉ một ngày duy nhất. Họ đang cảm nghiệm những giây phút chảy luồn qua kẽ tay mình; liệu họ có đủ thời gian thu nhặt lấy khối lượng trẻ trung cần thiết để khởi đầu lại vào chín giờ sáng mai chăng? Họ thở căng lồng ngực vì khí biển làm họ phục sinh: duy có những hơi thở, đều và sâu như hơi thở những người đang ngủ, chứng tỏ họ hãy còn sống. Tôi đi nhẹ bước, tôi chẳng biết làm gì với cái thân thể nặng nề và tươi mát của mình, ở giữa đám đông đang hồi ngơi nghỉ nọ.
Bây giờ, biển đang khoác màu đá đen; biển dâng lên chậm chạp. Khi đêm đến, nước biển sẽ ngập cao, con đường Jetée Promenade này sẽ còn hoang vu hơn đại lộ Victor Noir. Đằng trước mặt, về bên trái, một đốm lửa đỏ lấp lánh trong vụng.
Mặt trời chầm chậm lăn trên biển. Ánh sáng nhuộm đỏ rực khung cửa sổ một ngôi biệt thự gỗ kiểu Normandie, khi lướt ngang qua. Một người đàn bà bị quáng mắt đang uể oải đưa tay lên che ánh sáng và cựa quậy chiếc đầu.
“Gaston, em chói mắt quá”, nàng nói với một tiếng cười e ấp.
“Hê! Mặt trời này tốt chứ, người chồng bảo, mặt trời không sưởi ấm, song cũng làm mọi người vui thú”.
Nàng nói tiếp nữa, mặt xoay về hướng biển:
“Em cho rằng người ta đã nhìn thấy nó.”
“Đừng hy vọng hão, người đàn ông bảo, nó đang ở trong mặt trời kia.”
Hẳn họ đang nói về hòn đảo Caillebotte, mà lẽ ra người ta phải nhìn thấy được mũi đất hướng Nam ở giữa chiếc đập và bến tàu khu ngoại cảng.
Ánh sáng dịu hẳn lại. Trong giây phút mỏng manh này, có một nỗi gì mơ hồ đang báo tin buổi chiều đang đến. Ngày chúa nhật hôm nay đã có một dĩ vãng. Những ngôi biệt thự và dãy bao lơn xám xịt tựa hồ những hoài niệm rất gần gũi. Lần lượt, những khuôn mặt mất đi vẻ nhàn rỗi, thảnh thơi, nhiều khuôn mặt đã trở nên êm dịu hơn.
Một người đàn bà mang thai đang tựa vào một gã thanh niên tóc vàng, vẻ thô bạo.
“Kìa, kìa, anh nhìn xem”, nàng bảo.
“Gì thế?”
“Kia kìa, những con hải âu.”
Gã nọ nhún vai: “chẳng có con hải âu nào cả. Bầu trời đã trở nên gần như trong suốt, và hơi nhuốm hồng ở phía chân trời”.
“Em có nghe thật mà. Anh lắng tai xem, chúng đang kêu đó.”
Gã trả lời:
“Cái gì đang kẽo kẹt đấy chứ.”
Một chiếc mỏ hơi sáng bật lên. Tôi nghĩ rằng người phu thắp đèn lồng đã đi qua. Những đứa trẻ đang chờ, vì ông ra hiệu trở về. Nhưng đấy chỉ là phản ánh cuối cùng của mặt trời. Mặt trời vẫn còn trong sáng, song đất đã tắm đẫm trong vùng bóng tối lờ mờ. Đám đông thưa dần, người ta nghe rõ âm thanh rền rĩ của biển nổi bật lên. Một thiếu phụ tựa hai tay vào bao lơn, ngẩng khuôn mặt xanh mét lên trời, khuôn mặt bị vạch đen bởi nước phấn trên đôi môi. Trong thoáng chốc, tôi tự hỏi không biết mình có sắp sửa thương yêu loài người chăng. Nhưng dẫu sao, đây là ngày chúa nhật của họ chứ không phải của tôi.
Ánh sáng đầu tiên được đốt lên là luồng sáng của ngọn hải đăng trên đảo Caillebotte, một cậu bé dừng lại cạnh tôi, thầm thì trong dáng điệu xuất thần: “Ô! Hải đăng.”
Lúc bấy giờ tôi cảm thấy tâm hồn mình phồng căng một tình cảm phiêu lưu tràn trề.
*
Tôi rẽ về bên trái và, do đường Voiliers, tôi đi đến khu Prado tí hon. Người ta đã hạ các màn sắt trên những cửa kính. Con đường Tournebride sáng sủa nhưng hoang vu, nó đã mất đi nỗi vinh hiển ngắn ngủi của buổi ban mai, vào giờ này chẳng có gì phân biệt nó với những con đường lân cận. Một ngọn gió khá mạnh đã trỗi lên. Tôi nghe tiếng kẽo kẹt của chiếc mũ giám mục làm bằng tôn.
Tôi một mình, phần lớn mọi người đã trở về nhà, họ vừa đọc báo buổi chiều vừa nghe vô tuyến. Ngày chúa nhật đang kết thúc đã lưu lại nơi họ mùi vị của tro tàn và tư tưởng họ đã hướng về thứ hai. Song đối với tôi chẳng có thứ hai cũng chẳng có chúa nhật; chỉ có những tháng ngày xưa đẩy nhau rối loạn, và rồi đột nhiên, có những lằn chớp như ngày hôm nay.