Buồn nôn - Chương 10

Tôi rất muốn bảo cho gã biết rằng người ta đang lừa gạt gã, rằng gã đang chơi cái trò những nhân vật quan trọng. Những tay nhà nghề của kinh nghiệm? Họ đã kéo lê đời sống mình trong sự tê cóng trì độn, và trạng thái mơ mơ màng màng; rồi vì thiếu kiên nhẫn, họ đã vội kết hôn, và đã sinh ra những đứa con do tình cờ. Họ đã gặp gỡ những người khác trong những quán cà phê, nơi những lễ cưới, những đám táng. Đôi khi, bị cuốn vào trong một cơn xoáy động, họ vùng vẫy quần lộn mà không hiểu những gì đang xảy đến cho mình. Tất cả những gì diễn ra chung quanh họ đã bắt đầu và được kết thúc ngoài tầm thấy hiểu của họ; những hình thể dài dặc tối tăm, những biến cố đến từ xa xôi đã phớt chạm qua họ nhanh như lằn chớp và, khi họ muốn nhìn rõ chúng, tất cả mọi sự đã kết thúc. Rồi, khi xấp xỉ bốn mươi, họ đặt cho những cơn ương ngạnh vụn vặt của mình và một vài câu cách ngôn cái tên là kinh nghiệm. Họ khởi sự làm những chiếc máy phân bố tự động: hai đồng xu bỏ vào khe hở bên trái và chiếc máy nhả ra những câu chuyện vặt được gói kỹ trong tờ giấy bạc; hai xu bỏ vào khe bên phải và người ta nhận được những lời khuyên nhủ quý báu dính chặt vào răng như những thứ đường ngào mềm mại. Theo điệu ấy, cả tôi nữa, tôi cũng có thể làm cho họ mời tôi đến giữa nhà bọn họ, và họ sẽ bảo với nhau rằng tôi là một nhà đại du hành trước Vĩnh Cửu. Vâng: những người Hồi giáo đi tiểu bằng cách ngồi xổm; những bà mụ Ấn Độ dùng thủy tinh tán nhỏ trong phân bò, thay cho chất ergotine; tại Bornéo, khi một người con gái có kinh, cô phải leo lên ở trên mái nhà ba ngày ba đêm. Ở đô thị Venise, tôi đã nhìn thấy những đám táng bằng du thuyền, ở Séville những buổi lễ của tuần Thánh, tôi đã nhìn thấy cảnh chúa Giê-su thụ khổ nạn ở Oberammergau. Hiển nhiên, tất cả những thứ đó chỉ là một kiểu mẫu ít ỏi trong số những gì tôi biết được: tôi còn có thể ngả người trên một chiếc ghế và khởi đầu trong vẻ thích thú:

“Thưa bà, bà biết Iihlava chứ? Đấy là một thành phố nhỏ bé đầy kỳ lạ ở Moravie, nơi tôi đã lưu ngụ vào năm 1924...”

Và viên chánh thẩm toà án, người ta đã từng gặp thấy nhiều cảnh ngộ đặc biệt, sẽ lên tiếng khi tôi kể dứt câu chuyện:

“Quả thật thế, thưa ông, quả thật như thế là thường tình. Tôi đã gặp một trường hợp giống như vậy khi mới bắt đầu vào nghề. Năm đó là năm 1902. Lúc ấy tôi đang giữ chức thẩm phán dự khuyết tại Limoges...”

Chỉ thế, người ta đã làm tôi quá bực mình với loại chuyện đó trong thời thanh niên. Tuy nhiên, tôi đã không thuộc vào một gia đình gồm những người chuyên nghiệp. Song cũng có những tay tài tử. Đấy là những người thư ký, những công nhân, những thương gia, tất cả những người nghe kẻ khác kể chuyện nơi quán cà phê: họ cảm thấy lòng mình phồng căng lên bởi một kinh nghiệm mà họ không thể tiêu thụ ra ngoài được, khi xấp xỉ tuổi bốn mươi. May mắn thay, họ tạo ra những đứa bé và cưỡng bách chúng tiêu thụ kinh nghiệm đó tại chỗ. Họ muốn làm cho chúng ta tin rằng quá khứ họ đã chẳng hề mất đi, những hoài niệm của họ chẳng hề bị cứng đọng lại, bị hoán cải dịu dàng thành sự Khôn Ngoan. Dĩ vãng tiện lợi! Một thứ dĩ vãng loại bỏ túi, theo kiểu một quyển sách nhỏ mạ vàng đầy những câu châm ngôn đẹp đẽ. “Hãy tin nơi tôi, tôi đang nói với anh bằng kinh nghiệm, tất cả những gì tôi biết được, tôi đều đón nhận từ đời sống”. Có phải là Đời Sống đã nhận lãnh trách nhiệm suy tưởng thay cho họ? Họ giải thích cái mới mẻ bằng cái cổ xưa, và cái cổ xưa lại được giải thích bằng những biến cố cổ xưa hơn nữa, như thể những tay sử gia đã biến Lénine thành một Robespierre nước Nga, và biến Robespierre thành một Cromwell nước Pháp: rốt cuộc, họ đã chẳng hề hiểu gì cả... Đằng sau cái bộ điệu quan trọng của họ, người ta đoán thấy một sự biếng lười đầy ảo não: họ nhìn thấy những ngoại ảnh diễn qua trước mắt, họ ngáp dài, họ nghĩ rằng chẳng có gì mới mẻ dưới bầu trời này. “Một gã điên điên tàng tàng trước đây” - và lão bác sĩ Rogé mơ hồ nghĩ đến những người điên điên tàng tàng khác trước đấy, mà ông chẳng còn đặc biệt nhớ lại một khuôn mặt nào. Hiện tại, chẳng có hành vi nào của ông Achille lại có thể làm cho chúng ta ngạc nhiên: Bởi vì đấy là một gã trước đây đã điên điên tàng tàng!

Đó không phải một người trước đây đã điên điên tàng tàng: y đang sợ hãi. Y sợ hãi điều chi? Khi muốn hiểu thấu đáo một sự vật, người ta tự đặt mình đối diện với sự vật, trong tình trạng thật là đơn lẻ, không nơi cầu viện; tất cả quá khứ của mọi người thiên hạ đều không thể dùng làm gì được cả. Và rồi, sự vật biến dạng và những gì người ta đã hiểu được cũng biến dạng theo với nó.

Những ý tưởng tổng quát lại còn mơn trớn phỉnh phờ hơn. Rồi thì những tay tài tử và ngay cả những người chuyên nghiệp, rốt cuộc, lại luôn luôn có lý. Sự khôn ngoan đòi hỏi họ gây ra một tiếng động tối thiểu, sống tối thiểu, tự để mình bị quên lãng đi. Những câu chuyện hay ho nhất của họ là những chuyện về các sự cẩu thả, các sự độc đáo đã bị trừng phạt. Vâng, mọi sự diễn ra như thế và không ai nói lời ngược lại. Có thể ông Achille không được yên ổn lương tâm. Có thể gã đang tự nhủ rằng không đến nỗi như thế nếu trước đây gã đã chịu nghe những lời khuyên lơn của cha, của người chị cả. Lão bác sĩ có quyền được nói: lão chẳng làm hỏng đời mình; lão đã biết làm cho cuộc đời ấy thành hữu ích. Trên cái tàn vật nhỏ bé nọ, lão dựng đứng lên, yên tĩnh và mạnh mẽ, như một tảng đá.

Bác sĩ Rogé đã uống cốc rượu tần. Cái thân thể to lớn của lão thu nhỏ lại và đôi mí mắt nặng nề khép xuống. Lần đầu tiên, tôi nhìn thấy khuôn mặt lão không có mắt: như tuồng một tấm mặt nạ bằng giấy bìa, như những tấm mặt nạ đang bày bán nơi các cửa hiệu. Đôi gò má lão phủ một màu hồng gớm ghiếc... Sự thật đột nhiên hiển lộ ra với tôi: người đang ngồi đấy chẳng bao lâu nữa sẽ chết. Chắc chắn là lão ta biết rõ điều đó; chỉ cần lão tự nhìn mình trong một tấm gương: mỗi ngày lão lại càng giống hệt thêm một chút với cái thây ma trong tương lai. Đấy chính là bản chất kinh nghiệm của họ, đấy chính là lý do vì sao tôi thường hay tự nhủ rằng kinh nghiệm ấy tỏa ra mùi chết: đó là sự tự vệ cuối cùng của họ. Lão bác sĩ rất muốn tin vào nó, lão muốn dùng mặt nạ để che kín cái thực tại bất khả biện giải: rằng lão đang cô đơn, không kinh nghiệm, không dĩ vãng, với một trí thông minh đang làm lão mập phệ ra, một thể xác đang tàn lụn. Lúc bấy giờ, lão đã khéo kiến tạo, khéo chỉnh đốn, bố trí, khéo nhồi độn cái cơn mê sảng bù trừ của mình: lão tự nhủ rằng mình đang tiến bộ. Lão có những lỗ hổng trong tư tưởng ư? Những giây phút mà cái đó xoay cuồng vô bổ trong đầu lão? Đấy là vì phán đoán của lão không còn tính hấp tấp của tuổi thanh niên. Lão không còn hiểu nổi những gì được viết ra trong những cuốn sách nữa? Đấy chỉ vì hiện giờ, lão quá cách xa với sách vở. Lão không còn có thể làm ái tình được nữa? Nhưng mà lão đã có làm rồi. Đã làm ái tình thì tốt đẹp vạn lần hơn là còn đang làm ái tình nữa: với một khoảng thụt lùi, người ta phán đoán, so sánh và phản tỉnh. Và cái khuôn mặt kinh khủng của người chết đó, để có thể chịu đựng nổi khi nhìn ngắm nó trong gương, lão đang cố sức tin rằng những bài học của kinh nghiệm đã in hằn lên đấy.

Lão bác sĩ hơi quay đầu đi. Mí mắt hé mở, lão nhìn tôi với đôi mắt đỏ hồng vì buồn ngủ. Tôi mỉm cười với lão. Tôi muốn rằng nụ cười này tỏ lộ cho lão biết tất cả những gì lão đang gắng sức che đậy. Chính nụ cười đó sẽ đánh thức lão dậy, nếu lão có thể tự bảo mình: “Kìa là một kẻ đang biết rằng ta sắp sửa tàn đời đây!”. Song hai mí mắt lão lại hạ xuống: lão ngủ yên. Tôi bỏ đi, tôi để cho ông Achille nọ canh chừng giấc ngủ.

Mưa đã dứt hột, không khí mát dịu, bầu trời trải chậm những hình ảnh xinh đẹp màu đen: thật quá tuyệt hảo để làm khung cho một giây phút hoàn hảo; để phản ảnh những hình ảnh nọ, Anny sẽ làm nảy sinh trong lòng chúng tôi những ngọn triều u ám nhỏ. Tôi, tôi không biết lợi dụng cơ hội: lòng rỗng không và bình thản tôi bước đi theo sự tình cờ, dưới bầu trời tinh khôi chưa người sử dụng đó.

Thứ tư.

Đừng nên sợ hãi.

Thứ năm.

Viết được bốn trang. Kế đó, là một thời gian hạnh phúc dài. Đừng nên suy nghĩ quá nhiều về giá trị của Lịch Sử. Người ta dễ có cơ chán ngán. Đừng nên công bố rằng: vào lúc này, ông De Rollebon tượng trưng cho sự biện chính duy nhất của đời tôi.

Tám ngày nữa, tôi sẽ đi thăm Anny.

Thứ sáu.

Sương mù dày đặc trên đại lộ Redoute, đến nỗi tôi cho rằng nên cẩn thận đi men theo những bức tường của trại binh; bên phải tôi, những ngọn đèn pha xe hơi phóng ra trước mặt một luồng ánh sáng ẩm ướt, và không thể nào biết được lề đường kết thúc ở đâu. Có nhiều người xung quanh; tôi nghe được tiếng chân họ bước đi, hoặc đôi khi, cả tiếng rù rì nho nhỏ của những lời trò chuyện; nhưng tôi chẳng nhìn thấy ai. Có một lần, một gương mặt đàn bà hiện ra ngang tầm vai tôi, song sương mù đã lập tức nuốt chửng khuôn mặt ấy ngay; lần khác, một người nào đó đi chạm phớt qua và thở thật mạnh. Tôi không biết mình đi đâu, tôi đang quá bận tâm: phải tiến bước cẩn thận, dùng đầu bàn chân dọ giẫm mặt đất và có khi lại phải dang tay ra về đằng trước. Tôi chẳng thích thú gì lắm cái trò thể thao này. Tuy thế, tôi không nghĩ đến chuyện quay trở về, tôi đã bị vướng bẫy. Sau cùng, quãng nửa tiếng đồng hồ, tôi nhận ra một đám hơi mềm xanh đằng xa. Hướng về đấy, chẳng bao lâu tôi đi đến gần một luồng sáng rộng lớn mờ mờ; ở trung tâm, xuyên thủng sương mù bằng những ngọn đèn hiệu, tôi nhận ra quán cà phê Mably.

Quán cà phê Mably có mười hai ngọn đèn điện; song chỉ có hai ngọn được thắp lên, một trên quầy thâu ngân, và một treo sát trần nhà. Gã bồi độc nhất trong quán đẩy mạnh tôi vào một góc tối ám.

“Thưa ông, đừng bước qua lối này, tôi đang lau chùi.”

Gã vận bộ veston, không khoác gi-lê cũng chẳng có cổ giả, với một chiếc sơ mi trắng kẻ vạch tím. Gã ngáp dài, gã vừa nhìn tôi bằng một vẻ gắt gỏng cau có vừa luồn những ngón tay vào tóc.

“Một cà phê đen với bánh croissant.”

Gã chà chà tay vào mắt, không trả lời và đi xa ra. Bóng tối dâng lên tận mắt tôi, một bóng tối bẩn thỉu giá lạnh. Chắc hẳn lò sưởi chưa được đốt lên.

Tôi không cô độc. Một thiếu phụ màu da bóng sáp đã ngồi trước mặt tôi và đôi tay nàng cử động không ngớt, khi thì để vuốt ve chiếc áo choàng, khi thì sửa chiếc mũ đen cho thẳng. Nàng ngồi chung với một gã tóc vàng lớn vóc, gã đang im lìm ăn một chiếc bánh bơ. Sự im lặng đầy ngột ngạt đối với tôi. Tôi muốn thắp ống vố lên, song lại khó chịu vì tiếng bật diêm sẽ lôi cuốn sự chú ý của họ.

Một hồi chuông điện thoại. Đôi bàn tay dừng lại: chúng bíu chặt vào chiếc áo choàng. Gã bồi không vội vã. Gã ngưng quét nhà một cách chậm rãi, trước khi đi nhấc ống nghe lên. “Alô, ông Georges? Chào ông... Vâng, thưa ông... Ông chủ không có đây... Vâng, lẽ ra ổng đã xuống... A! Trời sương mù như thế này... Thường lệ thì ổng xuống hiệu khoảng tám giờ... Vâng, thưa ông, tôi sẽ làm điều ông nhờ cậy. Chào tạm biệt, ông Georges.”

Sương mù đè nặng trên những cửa gương, tương tự một tấm màn nặng trĩu bằng nhung xám. Một khuôn mặt dán sát vào ô vuông trong thoáng chốc rồi biến mất.

Người thiếu phụ, giọng rên rỉ:

“Cột giày lại cho em với.”

“Giày em có sút ra đâu”, người đàn ông nói song chẳng nhìn. Thiếu phụ bực tức. Đôi tay nàng vuốt dài theo chiếc áo choàng và trên cổ, tựa như những con nhện khổng lồ.

“Có, có mà, cột lại cho em đi.”

Gã nọ khom người xuống trong một vẻ bực mình và sờ nhẹ vào chân nàng dưới gậm bàn:

“Xong rồi.”

Nàng mỉm cười hài lòng. Người đàn ông gọi bồi.

“Bồi, bao nhiêu tiền đây?”

“Ông dùng mấy chiếc bánh bơ?”, gã bồi hỏi.

Tôi đã hạ thấp mắt xuống để đừng có vẻ đang nhìn ngắm kỹ gương mặt họ. Sau vài giây, tôi nghe những tiếng răng rắc và nhìn thấy hiện ra mép của một chiếc váy và hai chiếc giày cao cổ nhem nhuốc bùn khô. Đôi giày của người đàn ông đi tiếp theo, bóng loáng và nhọn lễu. Chúng tiến bước về phía tôi, đứng dừng bất động đoạn quay nửa vòng: người đàn ông đang khoác áo choàng. Vào lúc đó, dài theo chiếc váy đầm, một bàn tay khởi sự lần xuống, ở đầu của một cánh tay thẳng đơ; bàn tay hơi do dự, đoạn gãi vào váy.

“Em sẵn sàng rồi chứ?”, người đàn ông hỏi.

Bàn tay mở rộng ra và đến chạm vào một bệt bùn hình ngôi sao lớn trên chiếc giày bên phải, đoạn biến mất.

“Thôi đi!”, người đàn ông nói.

Gã đã xách lên một chiếc va-li gần móc áo. Họ đi ra, và tôi nhìn thấy họ dấn mình vào sâu trong sương mù.

“Hai người đó là nghệ sĩ, gã bồi bảo với tôi khi mang cà phê lại, họ là những người trình diễn trong lúc tạm nghỉ giữa phim tại rạp xi-nê Palace. Người vợ tự bịt mắt lại và đọc vanh vách tên tuổi những khán giả. Hôm nay họ đi vì là thứ sáu và người ta thay đổi chương trình.”

Gã bồi đi tìm bánh sừng trâu trên chiếc bàn hai vợ chồng người nghệ sĩ vừa rời khỏi.

“Thôi, khỏi mất công anh”.

Mấy chiếc bánh sừng trâu đó, quả thật tôi chẳng muốn ăn nữa.

“Tôi phải tắt điện đây. Hai ngọn đèn cho một người khách, vào lúc chín giờ sáng: ông chủ sẽ rầy tôi lắm.”

Bóng tối mờ mờ tràn ngập quán cà phê. Một vùng sáng yếu ớt, nhem nhuốc bởi màu xám và nâu, đang phủ xuống từ những khung cửa kính trên cao.

“Tôi muốn gặp ông Fasquelle.”

Tôi đã không nhìn thấy bà già nọ đi vào quán. Một làn không khí giá lạnh làm tôi rùng mình.

“Ông Fasquelle hãy còn trên phòng.”

“Bà Florent nhờ tôi đến đây, bà già nọ bảo, không ổn rồi. Hôm nay bà ấy sẽ không đến được.”

Florent là người thu ngân, người đàn bà tóc hoe đỏ.

“Thời tiết này không tốt cho bụng của bả”, bà già nói tiếp.

Gã bồi làm bộ quan trọng:

“Tại sương mù, gã trả lời, cũng như ông Fasquelle đây: tôi lấy làm lạ sao ổng chưa xuống hiệu. Có người đã gọi điện thoại hỏi ổng rồi đó.

Thường lệ thì ổng xuống đây vào lúc tám giờ.”

Bà già nhìn lên trần một cách máy móc:

“Ổng ở trển à?”

“Vâng, trên ấy là phòng ổng,”

Bà lão nói bằng giọng dề dà, như thể đang tự nhủ với chính mình:

“Những lần lẽ ra ông ta chết...”

“Á à! - gương mặt của gã bồi lộ vẻ tức giận cùng cực - Á à! Cám ơn bà.”

Những lần mà ông ta sắp chết... Tư tưởng này đã phớt qua trí tôi. Đấy chính là loại ý tưởng người ta thường nghĩ đến vào những lúc trời nổi sương mù như thế này.

Bà già đi ra. Tôi phải bắt chước bà: trời đang lạnh lẽo và tối đen. Sương mù len vào dưới ngạch cửa, sương mù sắp dâng lên chậm chạp và nhấn chìm tất cả. Tại thư viện thành phố, tôi sẽ tìm được ánh sáng và lửa ấm.

Lại một khuôn mặt đến dán sát vào cửa kính; khuôn mặt đang nhăn nhó.

“Xin ông chờ một chút” gã bồi giận dữ bảo, và chạy vụt ra khỏi quán.

Khuôn mặt nhòa tan, tôi còn lại một mình. Tôi tự thống trách mình cay đắng vì đã rời phòng ra đây. Hiện giờ, sương mù hẳn đã tràn ngập căn phòng, tôi sợ phải trở về lại đấy.

Đằng sau quầy thu ngân, trong bóng tối, một tiếng gì kêu răng rắc. Tiếng động ấy đến từ chiếc cầu thang riêng: viên quản lý đang xuống hiệu chăng? Nhưng không phải: không ai xuất hiện cả; những bậc thang tự kêu một mình. Ông Fasquelle hãy còn đang ngủ. Hay là ông ta đang chết trên đầu tôi, cũng chưa biết chừng. Tìm thấy chết trên giường, một buổi sáng sương mù. - Ở dưới hàng “tít” lớn: trong quán cà phê, khách hàng đang ăn uống và không ngờ chi cả...

Nhưng ông ta có còn ở trên giường chăng? Hay ông lại chẳng lộn nhào, kéo lôi những tấm chăn theo mình và đụng đầu xuống sàn nhà?

Tôi biết rất rõ ông Fasquelle; đôi khi ông có hỏi thăm sức khỏe của tôi. Ông là một người to lớn, vui tính, với bộ râu được chăm sóc kỹ lưỡng: nếu ông chết thì là do một cơn bệnh cấp phát. Thân thể ông sẽ mang màu tím nhạt, lưỡi lè ra khỏi miệng. Bộ râu vểnh lên trời; chiếc cổ tím bầm dưới lớp lông dờn dợn sóng.

Chiếc cầu thang riêng chìm mất trong tối đen. Tôi có thể nhìn thấy lờ mờ đoạn đầu lan can thang gác. Phải băng qua vùng bóng tối này. Cầu thang sẽ kêu răng rắc. Trên cao kia, tôi sẽ tìm gặp cánh cửa phòng...

Thân thể nằm đó, ngay trên đầu tôi. Tôi vặn nút bấm điện: tôi sẽ chạm phải cái làn da ấm nóng nọ, để nhìn thấy. - Tôi không chịu nổi nữa, tôi đứng dậy. Nếu gã bồi bắt chợt tôi đang ở cầu thang, tôi sẽ bảo gã rằng tôi nghe có tiếng động đâu đây.

Gã bồi bước vào thình lình, thở hổn hển.

“Vâng, thưa ông!” gã kêu to lên.

Đồ ngốc! Gã tiến lại phía tôi.

“Hai mươi đồng.”

“Tôi có nghe thấy tiếng động ở trên kia”, tôi bảo gã.

“Không quá sớm như thế đâu.”

“Vâng, nhưng tôi cho rằng có chuyện không ổn đây: hình như có tiếng khò khè, rồi là một tiếng động không rõ.”

Trong căn phòng tối ám này, với làn sương mù bao phủ sau những khung cửa kính, câu đó vang dội hoàn toàn tự nhiên. Tôi sẽ không bao giờ quên được đôi mắt của gã bồi lúc đó.

“Anh phải leo lên xem thử”, tôi bảo thêm với vẻ âm hiểm.

“A, không! Gã trả lời; đoạn tiếp: Tôi sợ bị ổng bổ lắm. Mấy giờ rồi?”

“Mười giờ.”

“Mười giờ rưỡi tôi sẽ đi, nếu như ổng không xuống.”

Tôi bước một bước về phía cửa ra.

“Ông đi à? Ông không ở lại sao?”

“Không.”

“Có thực là tiếng khò khè không?”

“Tôi cũng chẳng biết rõ, tôi vừa bước ra cửa vừa trả lời gã bồi, có thể là vì tôi đang nghĩ đến chuyện đó.”

Sương mù đã hơi tan bớt. Tôi vội vã đi về đường Tournebride: tôi đang cần ánh sáng của con đường này. Quả là một cơn thất vọng ánh sáng, hiển nhiên là đang có sẵn, ánh sáng đang tuôn tràn trên khung kính của những thương điếm. Nhưng đấy không phải là làn ánh sáng vui tươi: ánh sáng trắng bệch vì sương mù và rơi xuống vai như một vòi nước tắm.

Có nhiều người, nhất là đàn bà: những người hầu gái, những bà giúp việc trong nhà cả những bà chủ nữa, những người đang bảo “Tự tôi đi mua hàng, như thế chắc hơn”. Họ đánh hơi, rình mò một chút trước mặt hàng; và rốt cuộc bước vào bên trong:

Tôi dừng lại trước hàng thịt Julien. Thỉnh thoảng, tôi lại thấy xuyên qua mặt kính một bàn tay đưa ra chỉ trỏ những khúc dồi nhồi nấm và những khúc dồi nhỏ. Lúc đó, một cô gái béo tròn, tóc vàng, khom người xuống ngực bày rõ ra, và nhấc lấy đầu mẩu thịt chết giữa những ngón tay. Trong phòng của ông, cách đó độ năm phút đường đi, ông Fasquelle đã chết.

Tôi tìm quanh mình một chỗ tựa vững chãi, một sự tự vệ chống lại những tư tưởng của chính tôi. Chẳng có gì cả: dần dà sương mù bị xuyên thủng, xé rách, nhưng một điều gì đó đầy âu lo vẫn còn kéo lê trên đường phố. Có thể không phải là một mối đe doạ thực sự: nó bị xóa nhòa, trong suốt. Song đấy chính là điều mà rốt lại, làm cho người ta sợ hãi. Tôi tựa trán vào khung cửa kính. Trên nước xốt ma-dôn-ne của món trứng làm theo lối Nga, tôi lưu ý tới một giọt màu đỏ quệt: máu. Màu đỏ nổi trên màu vàng làm tôi nôn mửa.

Đột nhiên, tôi nảy ra một thị kiến: một người nào đó đã ngã xuống, khuôn mặt rơi xuống trước và bật máu ra trên đĩa. Quả trứng đã lăn tròn trong máu; khoanh cà chua tròn viền quanh nó đã rời rã, nằm trải rộng, màu đỏ đè lên màu đỏ. Chất nước sốt hơn chảy rịn ra: một vũng kem màu vàng chia đường rãnh máu thành hai ngành.

“Thật quá sức ngu xuẩn, phải nhúc nhích người mới được. Mình sẽ đến làm việc tại thư viện.”

Làm việc? Tôi biết rõ rằng tôi sẽ chẳng viết được dòng nào. Lại một ngày tiêu tán. Khi băng ngang qua khu công viên, tôi nhìn thấy trên chiếc băng tôi thường ngồi, một chiếc áo choàng lớn màu xanh da trời nằm bất động. Đấy là một kẻ không thấm lạnh.

Khi tôi bước vào phòng đọc, chàng Tự Học sắp bước ra. Y chạy bổ đến tôi:

“Thưa ông, tôi phải cám ơn ông mới đặng. Các tấm ảnh của ông đã hiến cho tôi những giờ phút tuyệt diệu khó quên.”

Khi nhìn thấy y, tôi thoáng hy vọng: với hai người, có thể sẽ dễ sống qua ngày hôm nay. Nhưng, với chàng Tự Học, người ta chỉ cặp đôi ở bề ngoài.

Y đập đập tay trên một cuốn sách khổ gấp tư. Đấy là một cuốn Lịch sử các tôn giáo.

“Thưa ông, chẳng ai đủ tư cách hơn Nouçapié để đưa ra cái tổng hợp vĩ đại này. Đúng vậy chứ?”

Y có vẻ chán nản mỏi mệt và đôi bàn tay run run.

“Ông có vẻ đau yếu”, tôi bảo y.

“A! Thưa ông, quả thế! Tôi vừa gặp một chuyện ghê gớm.”