Buồn nôn - Chương 11
Người gác dan tiến đến gần chúng tôi: đấy là một gã đảo Corse, nhỏ người và hay nổi giận, với bộ râu mép của một chàng trưởng nhạc đội. Gã đi đi lại lại suốt nửa giờ giữa những chiếc bàn, vừa nện gót giày cộp cộp. Mùa đông, gã khạc nhổ trong một chiếc khăn tay mà sau đó gã hong khô cạnh lò sưởi.
Chàng Tự Học tiến sát gần cho đến khi thở chạm mặt tôi:
“Tôi sẽ chẳng nói gì với ông trước anh chàng này”, y bảo tôi bằng một vẻ thân mật. “Ông vui lòng chứ, thưa ông?...”
“Gì thế?”
Y đỏ mặt và đôi hông y rún rẩy duyên dáng:
“Thưa ông, à! Thưa ông: tôi mạo muội xin ông cho tôi hân hạnh mời ông dùng bữa vào trưa thứ tư?”
“Rất sẵn lòng.”
Tôi muốn được dùng bữa trưa với y cũng như muốn treo cổ tự vẫn.
“Ông làm tôi sung sướng khôn xiết”. Chàng Tự Học bảo. Y vội thêm: “Tôi sẽ đến nhà đón ông, nếu ông muốn” và biến dạng ngay, hẳn là y sợ tôi thay đổi ý kiến nếu như y để tôi có đủ thời gian.
Lúc ấy là mười một giờ rưỡi. Tôi đã làm việc đến hai giờ kém mười lăm. Công việc thật tệ: tôi có đặt một cuốn sách ngay dưới tầm mắt, nhưng tư tưởng tôi không ngừng quay trở lại quán cà phê Mably. Bây giờ, ông Fasquelle đã xuống hiệu chưa? Thật ra, tôi chẳng tin lắm vào cái chết của ông ta, và đấy chính là điều làm tôi khó chịu! Đấy là một ý tưởng bềnh bồng mà tôi không thể nào thuyết phục mình tin hẳn hay gạt bỏ nó đi! Đôi giày của gã đảo Corse nghiến trên sàn nhà. Nhiều phen, gã đứng thẳng im trước mặt, với vẻ muốn nói cùng tôi. Song gã lại thay đổi ý kiến và lãng xa.
Vào khoảng một giờ, những độc giả cuối cùng đã bỏ đi. Tôi không đói bụng; nhất là tôi chẳng muốn đi. Tôi làm việc thêm một lúc nữa, đoạn tôi giật mình, tôi cảm thấy mình bị chôn vùi trong sự im lặng.
Tôi ngẩng đầu lên: tôi chỉ còn một mình. Anh chàng đảo Corse hẳn đã đi xuống nhà vợ, giữ việc gác cổng cho thư viện, tôi thèm muốn những tiếng động của bước chân gã. Tôi nghe thật rõ tiếng rơi nhẹ của một hòn than trong lò sưởi. Sương mù đã tràn ngập căn phòng: không phải sương mù thật, vốn đã tan từ lâu, - nhưng là một thứ sương mù khác, thứ sương mù hãy còn tràn đầy trên các đường phố, bốc ra từ các bức tường, các vỉa hè. Một thứ trạng thái rời rạc của sự vật. Dĩ nhiên, những cuốn sách vẫn luôn nằm yên đó, sắp theo thứ tự mẫu tự trên các kệ sách, với những chiếc gáy màu đen hay nâu và những chiếc nhãn DC vhp. 7996 (Dùng Chung - Văn học Pháp) hay DC vv. (Dùng Chung - Vạn vật). Nhưng... nói thế nào bây giờ đây? Mạnh mẽ và bậm bạp, cùng với chiếc lò sưởi, những ngọn đèn xanh lá cây, những khung cửa sổ lớn, những chiếc thang, tất cả chúng thường thường đều hạn chế tương lai. Chừng nào người ta còn ở lại giữa những bức tường này, điều gì sẽ xảy ra, phải xảy ra ở bên trái hay bên phải lò sưởi. Ngay cả Thánh Denis cũng sẽ đi vào bằng cách xách chiếc đầu trên đôi tay, ông phải đi vào lối tay mặt, phải đi giữa những kệ sách dành cho ngành văn học Pháp và chiếc bàn dành riêng cho những nữ độc giả. Và nếu không chạm mặt đất, nếu ông lơ lửng cách đất hai mươi phân, thì chiếc cổ đẫm máu của ông sẽ vừa đúng ngay với chiều cao của chiếc kệ sách thứ ba. Như thế, ít ra những đồ vật này được dùng để ấn định những giới hạn cho cái có-vẻ-thực.
Song hôm nay đây, chúng chẳng ấn định cho cái gì cả: dường như chính sự hiện hữu của chúng cũng bị đặt trở thành vấn đề, dường như chúng phải rất khó nhọc để sống từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc tiếp theo. Tôi siết chặt trong tay quyển sách đang đọc; song những cảm giác mãnh liệt, tàn bạo nhất đã cùn nhụt đi. Chẳng gì có vẻ thật cả; tôi cảm thấy mình bị vây phủ trong một bối cảnh bằng giấy bìa, có thể đột nhiên bị dời chỗ lúc nào không hay. Thế giới đang đợi chờ, bằng cách kìm giữ hơi thở, bằng cách thu hình nhỏ lại - thế giới đang chờ đợi cơn khủng hoảng, cơn Buồn Nôn của mình, như ông Achille ngày hôm nọ.
Tôi đứng dậy. Tôi không thể nào ngồi yên được nữa giữa những sự vật đang cơn suy tàn này. Tôi sẽ đến nhìn thoáng qua trên chiếc sọ của Impétraz. Tôi sẽ thầm thì: Tất cả mọi sự đều có thể xảy ra, tất cả mọi sự đều có thể xảy đến. Hiển nhiên, đấy không phải là cái thứ kinh khủng mà con người đã bày đặt ra; Impétraz, sẽ không khởi sự khiêu vũ trên bệ tượng đâu: đấy là một chuyện khác.
Tôi chăm chú nhìn những hữu thể mong manh nọ với niềm kinh hoàng thảng thốt, những hữu thể mà trong một giờ, trong một phút tới đây có thể sẽ tiêu tan mất hút: phải, tôi đứng đó, tôi đang sống giữa những cuốn sách chứa đầy kiến thức, cuốn thì mô tả những hình thái bất biến của những chủng loại sinh vật, cuốn thì giải thích rằng số lượng năng lượng vẫn được bảo tồn nguyên vẹn trong vũ trụ; tôi đang hiện hữu ở đó, đang đứng trước một khung cửa sổ mà những ô vuông có một chiết suất nhất định. Nhưng đó là những rào cản mỏng manh làm sao! Chính là do óc lười biếng, tôi giả thiết như thế, mà người ta thấy thế giới giống nhau từ ngày này sang ngày khác. Hôm nay, thế giới có vẻ muốn thay đổi. Và lúc bấy giờ, tất cả mọi sự, tất cả mọi sự đều có thể xảy đến.
Tôi chẳng có nhiều thời giờ để mất mát: khởi đầu tình trạng khó chịu này, có câu chuyện tại quán cà phê Mably. Tôi phải quay trở lại đấy, phải nhìn thấy rõ ông Fasquelle đang sống, nếu cần thì tôi phải sờ vào râu hay tay ông ta. Lúc bấy giờ, có thể tôi sẽ được giải thoát.
Tôi vội vã nhặt lấy chiếc áo khoác, vắt lên vai mà không chui vào; đoạn bỏ chạy. Khi băng qua khu công viên, tôi lại thấy ngay cùng chỗ cũ gã khoác áo choàng xanh da trời; gương mặt to xanh mét của gã hiện ra giữa hai lỗ tai đỏ ửng vì khí lạnh.
Quán cà phê Mably lấp lánh đằng xa: hẳn lần này mười hai ngọn đèn đã được thắp sáng cả lên. Tôi rảo bước: phải kết thúc chuyện này cho xong. Thoạt tiên tôi nhìn thoáng qua cửa kính: căn phòng hoang vắng. Bà thu ngân không có mặt đấy, gã bồi cũng không nốt - cả ông Fasquelle nữa.
Tôi phải cố gắng lắm mới bước vào nổi; tôi không ngồi xuống ghế. Tôi gọi to: “Bồi!”. Chẳng ai trả lời. Một cái tách trống không trên một chiếc bàn. Mẩu đường trên một chiếc đĩa nhỏ.
“Không có ai hết à?”
Một chiếc áo khoác treo lủng lẳng trên móc áo. Trên một chiếc bàn tròn xoay, những tờ tạp chí được xếp đống trong những tấm giấy bìa cứng màu đen. Tôi cố rình chờ một âm thanh nhỏ nhặt nhất, tôi kìm giữ hơi thở lại. Chiếc cầu thang riêng kêu lên nhè nhẹ. Ở bên ngoài, hồi còi của một chiếc tàu. Tôi bước giật lùi ra, mắt không rời khỏi cầu thang.
Tôi biết rõ: vào hai giờ trưa, hiếm khi có khách. Ông Fasquelle đã bị cúm: hẳn ông đã sai người bồi đi đâu đó - có lẽ đi tìm một viên y sĩ. Vâng, nhưng mà tôi cần nhìn thấy ông Fasquelle, ở lối vào con đường Tournebride, tôi quay lại, tôi nhìn ngắm quán cà phê đang lấp lánh và hoang bóng người với vẻ ghê tởm. Trên tầng lầu nhất, những tấm cửa lá sách đã được đóng kín.
Một nỗi khủng khiếp thật sự xâm chiếm lấy tôi. Tôi chẳng biết mình đi đâu nữa. Tôi chạy dọc theo đường Docks, tôi rẽ vào trong những con đường hoang vắng của khu Beauvoisis: những ngôi nhà đứng nhìn tôi chạy trốn, bằng đôi mắt ảo não, rầu rĩ. Tôi lặp đi lặp lại với lòng xao xuyến: đi đâu? Đi đâu? Tất cả mọi sự đều có thể xảy ra. Thỉnh thoảng, tim đập thình thịch, tôi đột ngột xoay mình lại, chuyện gì đã xảy ra ngay sau lưng tôi? Có thể chuyện ấy sẽ bắt đầu sau lưng tôi và, khi tôi quay người lại, thình lình, thì đã quá muộn, chừng nào tôi còn có thể nhìn đăm đăm vào những sự vật, sẽ chẳng có gì xảy ra: tôi đã nhìn chúng chăm chú quá mức, những vỉa hè, những ngôi nhà, những mỏ hơi; đôi mắt tôi lướt nhanh từ vật nọ sang vật kia để bắt chợt chúng và lưu định chúng lại ngay giữa cơn biến hình. Chúng không có vẻ quá tự nhiên, song tôi cố sức tự nhủ mình: đấy là một mỏ hơi, đấy là một chiếc trụ máy nước; và bằng sức mạnh cái nhìn, tôi cố thu giảm chúng vào những bộ dạng thường nhật. Nhiều lần, tôi gặp những quán giải khát trên đường: quán Café des Bretons, Bar de la Marine. Tôi dừng lại, tôi ngần ngừ trước những tấm màn tuyn màu hồng của chúng: có thể những chiếc hộp kín mít này đã được miễn trừ chăng, có thể chúng hãy còn chứa một mẩu nhỏ của thế giới hôm qua, nay đã bị cô lập, lãng quên. Song lại phải đẩy cửa, bước vào. Tôi không dám; tôi lại đi. Nhất là những cánh cửa của các ngôi nhà càng làm tôi hãi sợ. Tôi sợ rằng chúng sẽ mở ra một mình. Rốt cuộc, tôi đành bước đi giữa đường.
Đột nhiên tôi đổ ra bến tàu Bassins khu phía Bắc. Những chiếc ghe đánh cá, những chiếc du thuyền nhỏ. Tôi đặt chân trên một vòng sắt gắn chặt vào trong mặt đá. Ở đây, xa những ngôi nhà, xa những cánh cửa, tôi sẽ được hưởng một khoảnh khắc nghỉ ngơi, triển hoản. Trên mặt nước yên tĩnh và điểm những hạt đen, một chiếc nút chai bập bềnh.
“Còn bên dưới mặt nước? Mi chẳng nghĩ đến những gì có thể có được bên dưới mặt nước sao?”
Một con vật? Một chiếc mai lớn, cắm sâu một nửa trong sình? Mười hai đôi chân chậm chạp quẫy bùn. Thỉnh thoảng, con vật lại hơi trồi lên một tí. Dưới tận đáy sâu. Tôi tiến lại gần, rình chờ một cơn nước cuộn, một hồi sóng nhẹ dợn. Chiếc nút chai vẫn nằm yên, giữa những hạt đen.
Vào ngay lúc ấy, tôi nghe thấy những giọng nói. Đúng lúc rồi. Tôi quay người một vòng và tiếp tục cuộc chạy trốn.
Tôi bắt kịp hai người đang trò chuyện, trên đường Castiglione. Nghe tiếng chân tôi, họ giật nảy mình và cùng quay lại. Tôi nhìn thấy đôi mắt đầy lo âu của họ hướng về tôi, đoạn quay nhìn sau tôi để xem có xảy ra chuyện gì khác. Vậy ra, họ cũng như tôi, họ cũng đang sợ hãi? Khi tôi vượt qua họ, chúng tôi đưa mắt nhìn nhau: suýt chút nữa, chúng tôi đã ngỏ lời với nhau. Song thình lình những tia nhìn biểu lộ sự hồ nghi: vào một ngày như ngày hôm nay, người ta không nói chuyện với bất luận ai mình gặp.
Tôi chạy đến đường Boulibet, hụt cả hơi. Này, số phận đã định rồi: tôi sẽ quay trở lại thư viện, lấy một cuốn tiểu thuyết, cố đọc cho trôi. Khi men theo hàng rào sắt khu công viên, tôi lại nhận ra gã mặc chiếc áo choàng xanh da trời. Gã vẫn luôn ngồi tại đấy, trong khu vườn hoang bóng người; lỗ mũi gã đã trở thành đỏ ửng như hai lỗ tai.
Tôi sắp sửa đẩy chiếc cửa lưới, song vẻ mặt của gã làm tôi cứng người lại: gã nheo mắt lại và cười khẩy với một vẻ ngu đần và ngọt ngào giả dối. Nhưng cùng lúc, gã nhìn đăm đăm trước mặt mình một vật gì đó mà tôi không thể thấy được, với một cái nhìn trì trệ và căng thẳng đến độ làm tôi đột ngột quay người trở ra.
Trước mặt gã, một chân ghếch lên trời, chiếc miệng hé mở, một cô bé độ mười hai tuổi, vẻ quyến rũ, đang vừa chăm chú nhìn gã vừa mân mê một cách tức bực chiếc khăn choàng và chẩu khuôn mặt nhọn về phía trước.
Gã nọ tự mỉm cười với mình, như một kẻ nào đó sắp diễn trò bông lơn đầy lý thú. Thình lình, gã đứng thẳng dậy, hai tay thọc trong túi áo tơi, chiếc áo rơi phủ xuống tận chân. Gã bước đi hai bước, hai mắt láo liên lộn nhào. Tôi tưởng gã sắp ngã xuống. Song gã vẫn tiếp tục mỉm cười, với vẻ mộng du.
Đột nhiên tôi hiểu ra: chiếc áo choàng! Tôi muốn ngăn cản điều đó. Tôi chỉ cần ho lên một tiếng hay đẩy cửa lưới bước vào. Song đến phiên tôi lại bị dụ hoặc bởi gương mặt của cô bé. Mặt cô căng thẳng vì sợ hãi, tim cô hẳn đang đập dữ dội: có điều tôi cũng đọc được trên chiếc mõm nhọn như chuột ấy một vẻ gì mãnh liệt và xấu xa. Đấy không phải do tò mò nhưng đúng hơn là một thứ chờ đợi dạn dĩ. Tôi thấy mình bất lực; tôi đang ở bên ngoài, cạnh công viên, cạnh tấn thảm kịch nhỏ của họ; nhưng còn họ, họ đã bị đóng chặt vào nhau bởi cái sức mạnh tối tăm của những dục vọng mang trong mình, họ đã tạo thành một đôi. Tôi kìm giữ hơi thở lại, tôi muốn nhìn thấy những nét nào sẽ hiện ra trên khuôn mặt già khằn nọ, khi gã nọ, đằng sau lưng tôi, lách vạt áo tơi ra.
Song đột nhiên, như được giải thoát, cô bé lắc đầu và bỏ chạy. Gã mặc áo choàng đã nhìn thấy tôi: đấy là lý do ngăn gã lại. Trong một giây, gã đứng bất động giữa lối đi, đoạn lảng xa, chiếc lưng tròn. Chiếc áo choàng đập đập vào bắp chân.
Tôi đẩy tấm cửa lưới và nhảy theo, bắt kịp gã.
“Ê, bảo nào!” tôi la lớn.
Gã bắt đầu run lên.
“Một mối đe dọa to lớn đang đè nặng trên thành phố”, tôi bảo gã một cách nhã nhặn khi đi ngang qua.
Tôi đã bước vào phòng đọc và trên một chiếc bàn, tôi cầm lên cuốn La Chartreuse de Parme. Tôi cố đắm mình vào trong việc đọc sách, cố tìm thấy một miền trú ẩn nơi xứ Ý Đại Lợi đầy tươi sáng của Stendhal. Tôi đạt đến mục tiêu bằng những cơn bộc phát, những ảo giác ngắn ngủi, đoạn tôi lại rơi trở vào cái ngày đầy đe dọa này, đối diện với một ông già khò khè trong họng, một người đàn ông đang ngả người trên ghế mơ mộng.
Thời gian trôi qua, các khung cửa kính đã trở nên tối đen. Chúng tôi cả thảy bốn người, không kể gã đảo Corse đang ngồi tại bàn giấy đóng dấu vào những cuốn sách mới nhận được tại thư viện. Trong phòng đọc có ông già nọ, gã thanh niên tóc vàng, một người đàn bà trẻ tuổi đang soạn thi bằng cử nhân - và tôi. Thỉnh thoảng, một người trong bọn ngẩng đầu lên, nhìn thoáng qua thật nhanh và đầy nghi ngại trên các người khác, như thể đang sợ hãi họ. Có một lúc, ông già phát ra cười to: tôi nhìn thấy người đàn bà sởn gai ốc từ đầu đến chân. Song tôi đã đọc ngược được cái tựa cuốn sách ông ta đang đọc: một cuốn tiểu thuyết vui.
Bảy giờ kém mười. Đột nhiên, tôi nghĩ rằng thư viện sẽ đóng cửa vào lúc bảy giờ. Tôi lại bị vứt ra đường phố một lần nữa. Tôi sẽ đi đâu? Tôi sẽ làm gì đây?
Ông già đã đọc xong cuốn tiểu thuyết. Song ông không rời phòng đọc. Ông miết ngón tay trên bàn, với những nhịp vô vị và đều đặn.
“Thưa quý ông, thư viện sắp đóng cửa rồi”, gã đảo Corse nói.
Gã thanh niên giật mình, nhìn đảo qua tôi. Người đàn bà trẻ tuổi đã quay về phía gã đảo Corse, đoạn nàng lại cầm sách lên và có vẻ đắm mình trong sách.
“Thư viện đóng cửa”, gã Corse bảo, lối năm phút sau.
Ông già lúc lắc cái đầu với vẻ dùng dằng lưỡng lự. Người đàn bà trẻ tuổi đẩy cuốn sách ra, nhưng chưa đứng dậy.
Gã đảo Corse không trở lại bàn. Gã bước đi vài bước do dự, đoạn vặn nút công tắc. Trên những bàn đọc sách, những ngọn đèn tắt phụt. Chỉ ngọn đèn chính còn sáng.
“Phải đi à?” ông già hỏi một cách nhẹ nhàng.
Gã thanh niên, chậm chạp, hối tiếc, đứng dậy. Gã là người mất nhiều thời giờ nhất để khoác áo măng tô vào. Khi tôi bước ra, người đàn bà vẫn còn ngồi tại chỗ, một bàn tay đặt xuôi trên cuốn sách.
Dưới kia, cánh cổng ra vào mở rộng ra đêm tối. Gã thanh niên bước đi trước hết, quay trở lại, chậm chạp xuống thang lầu, băng qua phòng tiền đường; trên ngưỡng cửa, gã hơi dừng lại một chốc đoạn đắm mình vào trong bóng đêm và mất hút.
Đến dưới chân thang, tôi ngẩng đầu lên. Trong một thoáng chốc, ông già đã rời phòng đọc, vừa đi vừa cài nút áo khoác. Khi ông bước xuống ba bậc thang đầu tiên tôi đã lấy lại được đà và lặn sâu vào đêm tối với đôi mắt nhắm kín.
Tôi cảm thấy trên mặt mình một vuốt ve mát dịu. Đằng xa, một người nào đang huýt sáo. Tôi nhướng mi mắt lên: trời đang mưa. Một cơn mưa dịu nhẹ và yên bình. Khu công trường đang được soi sáng lặng lẽ bởi bốn ngọn đèn lồng. Một công trường tỉnh lỵ dưới cơn mưa. Gã thanh niên xa dần với những bước dài: chính gã là người đang huýt sáo, với hai người kia, hãy còn chưa biết rõ, tôi muốn kêu to lên rằng họ có thể ra khỏi phòng mà không sợ, rằng mối đe dọa đã qua.
Ông già xuất hiện trên ngưỡng cửa. Ông bối rối đưa tay lên chà chà má, đoạn ông mỉm cười đại lượng và căng rộng chiếc dù ra.
Sáng thứ bảy.
Một mặt trời mỹ lệ, với một làn sương mù nhẹ nhàng, hứa hẹn một ngày đẹp trời. Tôi đã dùng điểm tâm tại quán cà phê Mably.
Bà Florent, người thu ngân, đã duyên dáng mỉm cười với tôi. Từ chỗ bàn ăn, tôi kêu to:
“Ông Fasquelle bệnh hả?”
“Vâng, thưa ông; bị cúm nặng: ổng nằm liệt giường mấy ngày rồi. Sáng nay, con gái ổng đã từ Dunkerque đến. Cô ta ở luôn đây để săn sóc cho cha”.
Lần đầu tiên kể từ khi nhận được thư, tôi thành thực sung sướng vì gặp lại được Anny. Từ sáu năm nay, nàng đã làm những gì? Chúng tôi có khó chịu khi gặp lại nhau không? Anny không biết gì đến sự khó chịu, phiền hà. Nàng sẽ đón tiếp tôi hệt như tôi vừa mới rời nàng hôm qua. Miễn là tôi đừng dại dột, miễn là tôi đừng làm nàng nổi giận, khi khởi sự. Phải nên nhớ kỹ đừng chìa tay cho nàng, khi mới đến: nàng ghét chuyện đó lắm.
Chúng tôi sẽ ở chung với nhau trong bao nhiêu ngày? Có thể tôi sẽ đưa nàng về Bouville. Chỉ cần nàng sống ở đấy một vài giờ; chỉ cần nàng ngủ qua một đêm tại khách sạn Printania. Sau đó, chuyện sẽ không như thế nữa; tôi sẽ không thể sợ hãi nữa.
Xế trưa.
Năm rồi, khi viếng thăm viện bảo tàng Bouville lần đầu tiên, bức chân dung của Olivier Blévigne đập mạnh vào mắt tôi. Thiếu cân xứng? Thiếu phối cảnh? Tôi chẳng biết nói sao, nhưng có một cái gì đó làm tôi khó chịu: viên nghị sĩ này chẳng có được vẻ quân bình, cân đối trên mặt vải.
Kể từ đó, tôi đã trở lại nhìn bức chân đung nhiều lần. Nhưng nỗi khó chịu của tôi vẫn còn. Tôi không muốn chấp nhận rằng Bordurin, giải thưởng Rome và sáu lần được tặng huy chương, lại phạm một lỗi về hội họa.
Vậy mà, vào xế trưa nay, trong khi lật lật một bộ sưu tập cổ của tờ Satirique Bouvillois, tờ báo chuyên gây áp lực có viên chủ nhiệm bị buộc tội đại phản trong thời chiến tranh, tôi đã hé thấy sự thật. Ngay lập tức, tôi rời khỏi thư viện và đi viếng viện bảo tàng.
Tôi băng nhanh qua vùng mờ tối của gian tiền sảnh. Trên những tấm gạch lát trắng và đen, những bước chân tôi không gây ra tiếng động. Chung quanh tôi, cả một lô những pho tượng thạch cao đang vặn vẹo tay chân. Qua hai lỗ hở, khi đi ngang qua, tôi đã
thoáng nhìn thấy những chiếc bình da rạn, những chiếc đĩa, một dương thần màu xanh và vàng đứng trên một chiếc bệ. Đấy là phòng Bernard-Palissy, dành riêng cho đồ gốm và những ngành tiểu công nghệ. Song đồ gốm không làm tôi cười. Một người đàn ông và một bà có tang đang kính cẩn ngắm nghía những đồ vật nung chín nọ.
Ở bên trên lối vào phòng triển lãm chính, - hay phòng Bordurin-Renaudas, - người ta đã treo thêm một bức tranh lớn mà tôi không biết, hẳn là mới đây thôi. Bức tranh được ký tên Richard Séverand và chủ đề là Cái chết của Người độc thân. Đấy là một tặng vật của chính phủ.
Trần truồng cho đến tận thắt lưng, thân mình hơi xanh màu lá cây như thường gặp nơi những người chết, gã độc thân đang nằm dài bất động trên một chiếc giường rời rã. Chăn mền rối loạn chứng tỏ một cơn hấp hối kéo dài. Tôi mỉm cười khi nghĩ đến ông Fasquelle. Ông ta không một mình: con gái ông đang săn sóc ông. Trên bức tranh, người tớ gái, một nữ tỳ kiêm tình nhân với những nét hằn rõ bởi tội lỗi, đã mở ngăn kéo chiếc tủ và đang đếm tiền. Một cánh cửa mở rộng cho thấy trong vùng ánh sáng mờ mờ, một người đội cát kết đang đứng chờ, điếu thuốc dán chặt vào môi dưới. Gần bức tường, một con mèo dửng dưng liếm sữa.
Gã nọ đã chỉ sống cho chính mình. Do một hình phạt nghiêm khắc và xứng đáng, chẳng có ai đến vuốt mắt gã trên giường. Bức tranh này thông báo cho tôi một lời cáo tri cuối cùng: hãy còn kịp, tôi còn có thể quay trở lại. Nhưng, nếu tôi đi quá đà, tôi phải biết rõ điều này: trong phòng triển lãm chính mà tôi sắp bước chân vào, có hơn một trăm năm mươi bức chân dung được móc vào tường; nếu trừ ra vài người trẻ tuổi đã bị dứt đi quá sớm khỏi gia đình hay mẹ bề trên của một viện mồ côi, thì không một ai trong số những người được trưng bày đã chết trong tình trạng độc thân; không một ai trong bọn họ chết không con cái và không lưu lại di chúc; không một ai chết mà không chịu phép bí tích cuối cùng. Theo đúng cách, ngày đó cũng như những ngày khác, với Thượng đế và với thế giới, những người nọ đã chuồi mình nhẹ êm vào trong cõi chết, để đi đòi phần đời sống vĩnh cửu mà họ có quyền tham dự.
Bởi lẽ họ đã có quyền với tất cả: với đời sống, với công việc, với sự giàu có, sự chỉ huy, sự kính trọng và rốt lại, với sự bất tử.
Tôi đứng trầm mặc một hồi và bước vào. Một người gác dan đang ngủ say gần cửa sổ. Một làn ánh sáng vàng hoe, rơi từ trên những khung kính, tạo nên các chỗ lốm đốm trên các bức tranh. Chẳng có gì sống động trong căn phòng hình chữ nhật này, trừ một con mèo sợ hãi khi thấy tôi vào và bỏ chạy. Nhưng tôi cảm thấy trĩu nặng trên mình cái nhìn của một trăm năm chục đôi mắt.
Tất cả những người thuộc giới thượng lưu Bouville giữa khoảng năm 1875 và 1910 đều đang ở đấy, những người đàn ông và đàn bà, được vẽ lại cẩn trọng bởi tay Renaudas và Bordurin.
Những người đàn ông đã xây dựng nên ngôi giáo đường Thánh nữ Cécile-de-la-Mer. Vào năm 1882, họ đã sáng lập nên Liên hiệp những người chủ tàu và Những thương gia Bouville “để quy tụ lại trong một tập đoàn mạnh mẽ tất cả những người thiện chí, cộng tác với nhau nhằm tái dựng quốc gia và đánh bại những phe nhóm gây rối...”. Họ đã biến Bouville thành một thương cảng Pháp thuận lợi nhất cho những cuộc cất dỡ than, gỗ. Công trình nối dài và mở rộng các bến tàu là công trình của họ. Họ đã phát triển vượt mức nhà ga Maritime và bằng những công cuộc vét bùn lâu dài, đã làm cho mực nước chỗ tàu thả neo khi nước ròng lên đến độ sâu 10 thước 70. Trong vòng hai mươi năm, nhờ họ, sức trọng tải của những chiếc tàu đánh cá - vào năm 1869 là 5.000 tấn - đã tăng lên đến 18.000 tấn. Không lùi bước trước bất cứ hy sinh nào để khuyến khích sự thăng tiến những đại biểu xứng đáng nhất của giai cấp thợ thuyền, do sáng kiến riêng của mình, họ đã tạo ra nhiều trung tâm giáo dục kỹ thuật và nghề nghiệp khác nhau, những trung tâm này đã hưng thịnh dưới sự bảo trợ tối cao của họ. Họ đã phá vỡ cuộc đình công ở các bến tàu vào năm 1898 và đã hiến dâng con mình cho tổ quốc vào năm 1914.
Những người đàn bà, những bạn đường xứng đáng của những tay tranh đấu trên, đã sáng lập nên phần lớn những Hội bảo trợ, những Ấu nhi viện, những Bần nữ công trường. Nhưng trước hết, họ là những người vợ và những người mẹ. Họ đã nuôi dưỡng, giáo dục những đứa bé xinh đẹp, đã dạy cho chúng biết những bổn phận và quyền lợi của mình, tôn giáo, lòng tôn kính truyền thống đã tạo nên nước Pháp.