Buồn nôn - Chương 16

Y trầm mặc một lúc và kín đáo nuốt cho xong thức ăn. Khuôn mặt y rạng rỡ như một buổi bình minh. Đằng sau y, người đàn bà trẻ tuổi phá lên cười nhẹ. Chàng thanh niên đã cúi xuống và thầm thì vào tai nàng.

“Sự lầm lẫn của ông quá thường tình, chàng Tự Học bảo, lẽ ra từ lâu tôi phải nói với ông... Nhưng tôi quá nhút nhát, thưa ông. Tôi đang tìm một cơ hội thuận tiện.”

“Cơ hội đó đây rồi”, tôi nhã nhặn bảo y.

“Tôi cũng nghĩ thế. Tôi cũng nghĩ thế! Thưa ông những gì tôi sắp tỏ bày với ông...”.

Y ngưng nói, mặt đỏ lên: “Nhưng có lẽ tôi đang làm ông khó chịu ?”.

Tôi trấn an y. Y thở ra một hơi dài sung sướng.

“Không phải bao giờ cũng gặp được những người như ông đâu, thưa ông, những người mà nơi họ sự thấy biết rộng rãi gắn liền với sự mẫn nhuệ của trí thông minh. Đã nhiều tháng nay, tôi muốn ngỏ lời với ông, giải thích cho ông rõ trước đây tôi đã là người như thế nào, tôi đã trở nên người gì...”

Chiếc đĩa của y đã sạch trơn và trống rỗng in như vừa mới mang đến. Đột nhiên, tôi khám phá ra bên cạnh đĩa của tôi, có một đĩa thiếc nhỏ, ở đó một chiếc đùi gà đang nổi lềnh bềnh trong chất nước xốt màu nâu. Tôi phải nuốt thứ đó vào.

“Khi nãy, tôi nói với ông về chuyện tôi bị bắt giam tại Đức. Chính ở đấy, mọi sự đã khởi đầu. Trước chiến tranh, tôi sống cô đơn và tôi chẳng hiểu rõ gì cả, tôi sống với cha mẹ tôi, những người tốt bụng, hiền hậu song chẳng hòa hợp được với họ. Khi nghĩ đến quãng thời gian... Nhưng làm thế nào tôi đã có thể sống như thế được? Tôi đã chết, thưa ông và tôi chẳng hồ nghi chi về điều đó; tôi có một bộ sưu tập tem thơ.”

Y nhìn tôi và ngưng câu chuyện:

“Thưa ông, ông xanh quá, ông có vẻ mệt thì phải. Tôi hy vọng không làm ông chán ngán?”

“Không, ông làm tôi vui thích lắm.”

“Chiến tranh bùng nổ, và tôi bị đẩy vào cuộc mà không hiểu tại sao. Tôi ở trong quân ngũ hai năm mà vẫn mù mờ chẳng hiểu, vì đời sống ngoài mặt trận ít dành thì giờ cho người ta suy nghĩ, rồi thì những người lính lại quá thô bạo, cục mịch. Cuối năm 1917, tôi bị bắt làm tù binh. Trước đó, người ta đã bảo tôi rằng trong khi bị bắt giữ, nhiều quân nhân đã tìm lại được đức tin thời thơ ấu. Thưa ông, chàng Tự Học vừa nói vừa hạ thấp mí mắt xuống trên đôi đồng tử quắc sáng, tôi không tin vào Thượng đế; hiện hữu của Thượng đế đã bị khoa học phủ nhận. Nhưng bù lại, trong trại tập trung, tôi đã học tin vào những con người.”

“Họ đã can đảm chịu đựng số phận mình?”

“Vâng, y nói bằng một vẻ mập mờ, quả cũng có thế nữa. Vả lại, chúng tôi đã được đối xử tử tế. Nhưng tôi muốn nói đến chuyện khác; những tháng cuối cùng của cuộc chiến, người ta chẳng bắt chúng tôi làm việc nữa. Khi trời mưa, họ lùa chúng tôi vào trong một nhà kho lớn bằng ván. Trong đó, gần hai trăm người chúng tôi đứng ép chặt vào nhau, trong một không gian gần như tối mò.”

Y ngần ngừ một lúc.

“Tôi không thể giải thích cho ông hiểu rõ được, thưa ông. Tất cả những người đó đứng đấy, người ta chỉ lờ mờ nhận ra được họ nhưng lại cảm thấy họ đang ép sát vào mình, người ta nghe tiếng họ thở... một trong những lần khi mới bị nhốt vào trong nhà kho, sức ép mạnh đến đỗi thoạt đầu tôi tưởng mình sắp chết ngạt, đoạn, đột nhiên, một niềm vui mãnh liệt tràn dâng trong tôi, tôi hầu như thất thần; lúc bấy giờ tôi cảm thấy mình đang yêu thương những con người kia như những người anh em, tôi đã muốn choàng tay ôm tất cả bọn họ. Kể từ đấy, mỗi lần quay trở lại nhà kho, tôi đều cảm nghiệm được cùng nỗi vui mừng.”

Tôi phải ăn đĩa đùi gà, lúc này hẳn đã nguội lạnh; chàng Tự Học đã xong từ lâu, và người hầu gái đang chờ thay đĩa.

“Căn nhà kho ấy mang một tính chất linh thánh đối với tôi. Đôi khi, đánh lừa được sự canh phòng của những tên lính gác, tôi lẻn vào một mình và ở lại đó, trong bóng tối, để nhớ lại nỗi vui ngày trước tại đây, tôi hầu như rơi vào trong một trạng thái xuất thần. Giờ khắc trôi qua, nhưng tôi không để ý, có phen tôi đã khóc nức nở.”

Hẳn tôi đang thọ bệnh: chẳng có lý do nào khác để giải thích cơn giận dữ khốn nạn vừa mới quấy động tôi. Vâng, một cơn giận dữ bệnh hoạn: hai bàn tay tôi run rẩy, máu dồn lên mặt và sau cùng, cả đôi môi của tôi cũng khởi sự rung rung. Tất cả những triệu chứng đó, chỉ vì món thịt gà đã nguội lạnh. Vả lại, cả tôi nữa, tôi cũng đã nguội lạnh, và đấy là điều khổ nhọc nhất: tôi muốn nói rằng bối cảnh vẫn y nguyên như thế từ ba mươi sáu tiếng đồng hồ nay, tuyệt đối, lạnh lùng băng giá. Cơn giận đã băng qua tôi trong sự xoay cuồng đó, là một nỗi gì tựa hồ một cơn rùng mình, một cố gắng của ý thức tôi để phản ứng, để chống lại sự giảm nhiệt độ này. Cố gắng vô ích: hẳn nhiên, vì một lý do không đâu, tôi đã có thể làm cho chàng Tự Học hay người hầu gái ngã quỵ trong những lời nguyền rủa. Nhưng tôi chẳng dấn trọn mình vào cuộc. Cơn phẫn nộ của tôi giãy giụa trên bề mặt và trong một lúc, tôi đã có ấn tượng đớn đau rằng mình là một khối nước đá phủ lửa nóng bên ngoài, một thứ “omelette-surprise”. Cơn động đậy nông nổi đó tan biến mất và tôi lại nghe chàng Tự Học nói tiếp:

“Mỗi chúa nhật, tôi đều đi xem lễ. Thưa ông, tôi đã chẳng bao giờ là một tín đồ. Nhưng người ta không thể nói được rằng huyền nhiệm đích thực của cuộc lễ, chính là sự thông ứng giữa những con người với nhau sao? Một giáo sĩ người Pháp, chỉ còn một cánh tay, đứng làm chủ lễ. Chúng tôi có được một cây đàn harmonium. Chúng tôi đứng im nghe, đầu trần, và trong khi những âm thanh của cây đàn đưa dẫn tôi đi, tôi cảm thấy mình nhập làm một với tất cả những người đang đứng vây quanh. A! Thưa ông, tôi đã yêu mến khôn tả những buổi lễ ấy. Cả bây giờ nữa, để nhớ đến chúng, đôi khi tôi lại đi nhà thờ vào sáng chúa nhật, ở nhà thờ Thánh nữ Cécile, chúng tôi có một tay chơi đàn tuyệt diệu”.

“Hẳn ông thường hối tiếc cuộc sống ấy lắm?”

“Vâng, thưa ông, vào năm 1919. Đấy là năm tôi được phóng thích. Tôi đã trải qua những tháng khốn khổ. Tôi chẳng biết làm gì, tôi cứ suy yếu dần. Ở khắp nơi, chỗ nào thấy có đông người tụ tập là tôi lại lẻn vào trong bọn họ. Có lần, - y vừa nói vừa mỉm cười, tôi nhập bọn đưa đám táng một người không quen biết. Một ngày kia, vì tuyệt vọng, tôi đã vứt bộ sưu tập tem vào lửa đỏ. Nhưng tôi đã tìm được đường đi.”

“Thật hay sao?”

“Có người đã khuyên tôi... Thưa ông, tôi biết có thể tin vào sự kín đáo của ông. Tôi là - có thể đây không phải là lý tưởng của ông, nhưng ông là người có tinh thần khoáng đạt dường kia - tôi là người theo xã hội chủ nghĩa.”

Y đã hạ thấp mắt xuống và đôi lông mi dài của y nhấp nháy:

“Kể từ tháng chín năm 1921, tôi đã ghi tên vào đảng xã hội Pháp S.F.I.O. Đấy là điều tôi muốn thổ lộ cùng ông.”

Mặt y rạng rỡ vẻ hãnh diện. Y nhìn tôi chăm chú, đầu ngẩng ra sau, mi mắt khép hờ, miệng hé mở, y có vẻ một Thánh tử đạo.

“Hay lắm, tôi bảo, quý lắm.”

“Thưa ông, tôi biết rằng ông sẽ tán thành. Và, làm thế nào người ta lại có thể sỉ mạ một người đến bảo với mình: tôi đã an bài đời tôi như thế này, thế nọ và hiện tại, tôi đang hoàn toàn hạnh phúc ?”

Y đã dang rộng tay và bày cho tôi thấy lòng bàn tay y, những ngón tay xoay về mặt đất, như thể sắp đón nhận những dấu ô nhục ghi bằng sắt nung. Y lờ đờ, trong miệng y tôi nhìn thấy lăn tròn một khối dị hình, ám đen và đỏ hồng.

“À, tôi bảo, hẳn vì ông đã hạnh phúc...”

“Hạnh phúc?”. Cái nhìn của y lộ vẻ bực bội, y đã ngước cao mắt lên và nhìn chăm tôi, nghiêm khắc “Ông sẽ có thể phán đoán về điều đó, thưa ông. Trước khi quyết định như trên, tôi cảm thấy mình rơi vào trong một nỗi cô đơn quá khủng khiếp, đến độ tôi đã nghĩ tới chuyện tự tử. Cái đã giữ tay tôi lại, là ý tưởng rằng không có bất cứ ai, tuyệt đối không có bất cứ ai cảm xúc vì cái chết của tôi, và tôi sẽ cô đơn trong cái chết còn hơn là trong cuộc sống.”

Y ngồi thẳng dậy, đôi gò má phồng ra.

“Tôi không còn cô đơn nữa, thưa ông. Chẳng bao giờ cô đơn.”

“A, ông quen biết nhiều người lắm à”, tôi hỏi.

Y mỉm cười và tôi lập tức nhận ra sự ngây thơ của mình:

“Tôi muốn nói rằng tôi không còn cảm thấy mình cô đơn nữa. Nhưng, thưa ông, dĩ nhiên điều đó không nhất thiết có nghĩa là tôi phải sống với một người nào đó.”

“Tuy vậy, tôi bảo, ở Chi bộ đảng xã hội...”

“À! Ở đó thì tôi biết cả mọi người. Nhưng phần lớn tôi chỉ biết được tên, họ. Thưa ông, y nói với vẻ lém lỉnh, người ta có bị bắt buộc phải chọn những bạn đồng hành của mình một cách quá hẹp hòi thế đâu? Những bạn của tôi, là tất cả những người này.

Khi tôi đến phòng làm việc vào buổi sáng, thì trước tôi, sau tôi, có biết bao người khác cũng đang đi làm công việc của họ. Tôi nhìn thấy họ, tôi nghĩ rằng tôi là người theo xã hội chủ nghĩa, và tất cả những người đó là mục tiêu của cả cuộc đời, của những cố gắng của tôi và họ lại chưa biết thế. Quả là một cuộc lễ vui đối với tôi, thưa ông.”

Y đưa mắt tra hỏi; tôi tán thành bằng cách gục gặc đầu, nhưng tôi nhận ngay ra rằng y hơi thất vọng, y muốn tôi biểu lộ nhiều nhiệt tình hơn thế. Tôi có thể làm gì đây chứ? Có phải là lỗi của tôi không nếu như trong tất cả những lời y nói, tôi đều nhận ra trong đó sự vay mượn, sự trích dẫn? Nếu trong khi y nói, tôi lại nhìn thấy tái hiện tất cả những nhà nhân bản mà tôi đã quen biết? Hỡi ôi, tôi đã biết quá nhiều bọn họ! Nhà nhân bản triệt để đặc biệt là bạn đồng chí của những công chức; nhà nhân bản gọi là “thiên tả”, chính yếu bận tâm đến việc bảo vệ những giá trị con người; ông không thuộc vào bất cứ đảng phái nào, vì lẽ không muốn phản bội nhân loại, song những thiện cảm của ông lại hướng đến những người thấp hèn, ông dành trọn cả nền văn hóa cổ điển đầy đẹp đẽ của mình cho họ. Nói chung, ông là một tay góa vợ có con mắt đẹp và luôn luôn đẫm lệ: vì ông khóc vào những dịp kỷ niệm đầy năm. Ông cũng yêu thương chó, mèo, tất cả những loài có vú thượng đẳng. Người văn sĩ cộng sản yêu thương con người kể từ kế hoạch ngũ niên thứ nhì trở đi; ông trừng phạt bởi vì ông yêu thương. Là người trọng liêm sỉ như tất cả những kẻ mạnh, ông biết che giấu tình cảm, nhưng bằng một cái nhìn, một chỗ uốn giọng ông cũng biết làm cho người đối thoại cảm nhận được nỗi đam mê khốc liệt và êm dịu của ông đối với những người anh em, đồng chí của mình đằng sau những lời nói dữ dội của vị quan toà. Nhà nhân bản Thiên Chúa giáo, kẻ đến sau, đứa con út trong đoàn, nói về loài người với một vẻ tuyệt diệu. Quả là một câu chuyện thần tiên mỹ miều, ông bảo, cuộc đời khiêm tốn nhất trong các cuộc đời, cuộc đời của người phu bến tàu Luân Đôn, của một 

người đánh giày! Ông ta đã chọn chủ nghĩa nhân bản của những thiên thần: để giáo huấn, tạo ra những thiên thần, ông thường viết những tiểu thuyết dài đầy buồn thảm và đẹp đẽ, thường chiếm giải Femina.

Đấy, đấy là những kẻ đóng vai trò quan trọng, nhưng còn những kẻ khác, một lô những kẻ khác: nhà triết gia nhân bản, nghiêng mình xuống trên những anh em của ông ta như một người anh cả và là kẻ có ý thức về những trách nhiệm của mình, nhà nhân bản yêu thương con người trong nguyên thể của họ, nhà nhân bản yêu thương con người y như hình ảnh họ phải trở thành, nhà nhân bản muốn cứu vãn loài người với sự chấp thuận của họ và nhà nhân bản cứu vãn loài người mà không cần họ có thuận hay không, nhà nhân bản muốn tạo nên những huyền thoại mới và nhà nhân bản tự mãn với những huyền thoại cũ, nhà nhân bản yêu thương cái chết nơi con người, nhà nhân bản yêu thương sự sống nơi con người, nhà nhân bản hân hoan, luôn luôn có chữ để cười, nhà nhân bản ủ dột, mà người ta gặp nơi những đám tang. Tất cả bọn họ đều thù ghét lẫn nhau: dĩ nhiên là với tư cách những cá nhân chứ không phải với tư cách con người. Nhưng chàng Tự Học không biết điều đó: y đã nhốt tất cả bọn họ vào trong tâm trí như những con mèo trong chiếc bị da và chúng mặc tình cấu xé lẫn nhau mà y không nhận thấy.

Y đã nhìn tôi với vẻ kém tin cẩn hơn.

“Thưa ông, ông không cảm thấy điều đó như tôi à?”

“Trời ạ...”

Đứng trước vẻ mặt lo lắng, hơi pha hiềm thù của y trong thoáng chốc tôi lại đâm ra hối tiếc vì đã làm y thất vọng. Song y đã tiếp lời một cách khả ái:

“Tôi biết, ông còn những cuộc nghiên cứu, những cuốn sách của ông, ông cũng phụng sự cho cùng một mục đích theo kiểu của riêng ông.”

Những cuốn sách của tôi, những nghiên cứu của tôi đồ ngốc! Y chẳng thể nào làm một việc vụng về hơn thế nữa.

“Không phải vì mục đích đó mà tôi viết.”

Trong thoáng chốc khuôn mặt của chàng Tự Học biến đổi ngay: tuồng như y đã đánh hơi thấy kẻ thù, trước đây tôi chưa từng bao giờ thấy nét mặt đó. Có một cái gì đã chết hẳn giữa hai chúng tôi.

Y hỏi, giọng giả vờ ngạc nhiên:

“Nhưng mà... mà nếu tôi không tọc mạch, xin ông cho biết vì sao ông đã viết, thưa ông?”

“À... tôi chẳng biết nữa: như thế đấy, tôi viết để viết.”

Y cố mỉm cười lấp liếm, y nghĩ rằng y đã làm tôi bực bội:

“Ông có sẽ viết văn trong một hoang đảo không? Chẳng phải là người ta luôn luôn viết để được đọc đến hay sao?”

Do thói quen, y đã làm cho câu nói của mình mang một thể điệu nghi vấn. Còn thực ra, y đang khẳng định. Cái lớp sơn phủ ngoài tạo nên bằng vẻ dịu hiền nhút nhát đã bong vảy; tôi không còn nhận ra y nữa. Những đường nét trên khuôn mặt y để lộ ra một vẻ cố chấp nặng nề; đấy là một bức tường đầy tự mãn. Tôi còn chưa hết kinh ngạc thì lại nghe nói:

“Cho là có người bảo tôi: tôi viết cho một giai tầng xã hội nào đó, cho một nhóm bạn bè. Tạm được đi. Có lẽ là ông đang viết cho hậu thế... nhưng thưa ông, bất kể ông nghĩ thế nào, ông vẫn viết cho một người nào đó.”

Y đang chờ đợi câu trả lời, vì không nghe tôi đáp, y gượng mỉm cười.

“Có lẽ ông là một, là một người yếm thế?”

Tôi biết rõ cái cố gắng hòa giải giả tạo kia đang che giấu những gì. Tóm lại, y đòi hỏi tôi rất ít: tôi chỉ cần hứng chịu một nhãn hiệu. Nhưng đấy là một chiếc bẫy: nếu tôi bằng lòng, chàng Tự Học đắc thắng, lập tức tôi bị xoay ngược, bị vặn vẹo, bị vượt bỏ, vì chủ nghĩa nhân bản tiếp nhận và hòa tan tất cả những thái độ của con người. Nếu tôi trực tiếp đối nghịch với y thì tôi cũng đang bị vướng vào trò chơi của y; y sống nhờ những nỗi trái nghịch của mình. Y là một giống người cứng đầu, thiển cận, một giống cướp đường, hủy hoại mọi sự chống lại mình: tất cả những nỗi bạo tàn, những quá đà tệ hại, y đều tiêu hóa chúng, biến chúng thành một chất nhựa trắng sủi bọt. Y đã tiêu hóa thuyết phản duy trí, thuyết thiện ác nhị nguyên, thuyết thần bí, thuyết bi quan, thuyết vô chính phủ, thuyết duy ngã: đấy chỉ là những giai đoạn, những tư tưởng bất toàn, chỉ có thể tìm được sự biện chính của chúng nơi y. Thái độ yếm thế cũng dự phần vào cuộc hòa tấu nọ: nó chỉ là một âm điệu bất hòa, cần thiết cho hòa điệu của toàn thể. Người yếm thế là con người: vậy thì nhà nhân bản chủ nghĩa phải yếm thế trong một chừng mực nào đó. Nhưng đấy là một tay yếm thế có khoa học, y biết lượng độ lòng thù ghét, thoạt tiên y chỉ thù ghét loài người để sau đó có thể yêu thương họ.

Tôi chẳng muốn người ta đồng hóa tôi, cũng chẳng muốn dòng máu đỏ kiêu hùng của tôi làm béo phệ thêm con vật sống bằng chất nhựa kia: tôi sẽ không ngu ngốc mà tự bảo rằng mình là kẻ “phản nhân bản”. Tôi không là nhà nhân bản chủ nghĩa, chỉ có thế.

“Tôi thấy rằng người ta không thể nào thù ghét con người vì cớ yêu thương họ”. Tôi bảo chàng Tự Học.

Chàng Tự Học nhìn tôi bằng vẻ chở che và xa vắng. Y thầm thì tựa hồ chẳng lưu tâm gì đến lời mình thốt ra:

“Phải yêu thương loài người, phải yêu thương loài người...”

“Ai phải yêu thương? Những người đang hiện diện ở đây à?”

“Cả những người đó nữa. Tất cả mọi người.”

Y quay đầu về phía cặp nhân tình tươi trẻ nọ: đấy chính là những kẻ mà ta phải thương yêu. Y chiêm ngưỡng cái nhà ông tóc bạc một lúc. Đoạn y quay nhìn trở lại tôi; tôi đọc thấy trên khuôn mặt y một câu hỏi câm lặng. Tôi lắc đầu tỏ ý: “không”. Y có vẻ thương hại tôi.

“Cả ông nữa, tôi bực bội bảo y, ông chẳng thương yêu gì họ.”

“Thật vậy sao, thưa ông? Chẳng hay ông có cho phép tôi có một ý kiến khác?”

Y trở lại kính cẩn tột cùng nhưng mắt y làm ra vẻ mỉa mai như một kẻ đang châm biếm. Y ghét hận tôi. Tôi quả đã lầm khi làm động lòng cái anh chàng khó tính này. Đến lượt tôi hỏi y:

“Thế thì ông yêu hai người trẻ tuổi ở đằng sau ông đấy à?”

Y nhìn họ lần nữa, y ngẫm nghĩ:

“Ông muốn cho tôi nói rằng, y trả lời với giọng điệu nghi ngờ, tôi yêu họ mà không biết họ? Này thưa ông, tôi thú nhận điều đó, tôi không quen biết họ... Đúng ra trừ phi lòng yêu thương không phải là sự quen biết thực sự”. Y nói thêm với một cái cười nhạt nhẽo.

“Nhưng ông yêu cái gì?”

“Tôi thấy rằng họ trẻ trung và tôi yêu sự trẻ trung nơi họ, trong số những điều khác, thưa ông.”

Y ngừng nói và lắng tai nghe:

“Ông có hiểu họ đang nói gì hay không?”

Giá mà tôi hiểu được! Người thanh niên dạn dĩ nhờ mối thiện cảm vây quanh y, đang kể lại bằng một giọng tự nhiên trận túc cầu mà đội của y đã thắng khi đấu với hội Le Havre năm vừa rồi.

“Y đang thuật cho cô ấy nghe một câu chuyện”, tôi nói với chàng Tự Học.

“À! Tôi không nghe rõ. Nhưng tôi nghe thấy giọng nói, cái giọng dịu dàng trang trọng: chúng xen lẫn nhau. Thật là... thật là dễ thương.”

“Duy tôi, tôi cũng đang nghe những gì họ nói, trời ạ.”

“Thế nào?”

“Sao, họ đang đóng kịch đó.”

“Thật sao? Hài kịch của tuổi trẻ, có lẽ?

Y hỏi tôi một cách đầy mỉa mai. Thưa ông, tôi mạn phép nghĩ rằng hài kịch đó rất ích lợi. Có phải chỉ cần đóng kịch như họ là trẻ lại được thế?”

Vẫn làm ra vẻ không biết đến giọng mỉa mai của y, tôi tiếp tục:

“Ông xoay lưng lại với họ, những gì họ nói đều thoát khỏi tai ông: ông có biết tóc của người thiếu phụ màu gì?”

Y lúng túng:

“À, tôi... y nhìn lướt về phía hai người trẻ tuổi và lấy lại vẻ tự tin, - màu đen”...

“Ông thấy đúng đấy.”

“Sao?”

“Ông thấy rõ rằng ông không yêu họ, hai người trẻ tuổi kia. Có lẽ ông còn không nhận ra họ trên đường phố". Đó chỉ là những biểu tượng đối với ông. Quả là ông không động lòng vì họ một chút nào, ông động lòng vì Tuổi Trẻ của Con Người, vì Tình Yêu của Đàn Ông và Đàn Bà, vì Giọng Nói của Con Người.”

“Sao? Những cái đó không hiện hữu sao?”

“Dĩ nhiên là không, những cái đó không hiện hữu! Tuổi Trẻ, Tuổi Trưởng Thành, Tuổi Già, Cái Chết... tất cả chúng đều không hiện hữu.”

Gương mặt chàng Tự Học, vàng và run như trái mộc qua, cứng đọng lại như một cơn động kinh biểu lộ vẻ khích bác. Tuy nhiên, tôi vẫn cứ tiếp tục:

“Giống như cái ông già ở đằng sau ông đang uống nước suối Vichy, ông chỉ yêu Cái Con Người Trưởng Thành nơi ông ta, tôi nghĩ thế: Con Người Trưởng Thành đang can trường tiến bước về chốn suy tàn của mình và sửa soạn chỉnh tề vì không muốn bị lôi xệch đi.”

“Đúng thế”. Y trả lời tôi, giọng đầy thách đố.

“Và ông không thấy rằng đó là một tên chó đẻ hay sao?”

Y cười, y cho tôi là dại dột, đoạn liếc nhìn thoáng qua khuôn mặt đẹp đóng khung trong mớ tóc bạc:

“Nhưng thưa ông, cứ cho rằng ông nọ đứng như ông nói thì làm sao ông có thể phán đoán người đó căn cứ vào nét mặt họ được? Thưa ông, một khuôn mặt chẳng diễn tả gì cả khi nó đang ngơi nghỉ.”

Những tên nhân bản mù quáng! Khuôn mặt nói lên rất nhiều. Khuôn mặt rất rõ rệt. Nhưng không bao giờ tâm hồn âu yếm và trừu tượng của họ chịu để cho mình xúc động vì ý nghĩa của một khuôn mặt.

“Làm sao ông lại có thể chận đứng một người lại, bảo rằng họ là thế này hay thế kia? Chàng Tự Học nói, ai có thể hiểu thấu đáo được một người? Ai có thể biết được những tiềm năng của một người?”

Hiểu thấu đáo một người! Tôi xin ngả mũ chào cái chủ nghĩa nhân bản Thiên Chúa giáo đã cho chàng Tự Học vay mượn định thức trên mà y không ngờ đến.

“Tôi biết, tôi bảo y, tôi biết rằng mọi người đều đáng thán phục. Ông đáng thán phục. Tôi đáng thán phục. Xét như là loài thụ tạo của Thiên Chúa, dĩ nhiên.”

Y nhìn tôi tỏ vẻ không hiểu, đoạn y mỉm nhẹ nụ cười:

“Thưa ông, có lẽ ông đang đùa cợt; nhưng thật ra thì mọi người đều đáng cho chúng ta kính phục. Làm người, thưa ông, quả là khó, rất khó.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3