Buồn nôn - Chương 15

Chàng Tự Học cười với vẻ ngây thơ và mặt trời vẽ vời ánh sáng trên những sợi tóc hiếm hoi của y:

“Ông có muốn tự chọn thực đơn không?”

Y đưa cho tôi tấm giấy bìa: tôi có quyền chọn tùy ý một món ăn chơi: năm lát xúc xích hay củ cải hay món tôm xám hay một đĩa củ cải rau cần nước xốt. Món ốc sên Bourgogne được phụ thêm.

“Cô cho tôi một đĩa chả”, tôi bảo người hầu gái.

Y giật tấm bìa thực đơn ra khỏi tay tôi:

“Bộ không có gì khá hơn sao? Có ốc sên Bourgogne đây này”

“Tôi không thích ốc sên lắm”.

“A! Vậy thì ông dùng sò nhé?”

“Chỉ trả thêm bốn mươi đồng nữa”, người hầu gái lên tiếng.

“Nào, cô làm ơn cho món sò - còn tôi thì củ cải”.

Y vừa giải thích cho tôi hiểu vừa đỏ mặt lên:

“Tôi thích món củ cải lắm”

Tôi cũng thế.

“Và tiếp theo?” y hỏi.

Tôi đọc lướt qua danh sách những món thịt. Món thịt bò hầm cám dỗ tôi. Song tôi biết trước rằng tôi sẽ phải dùng món gà giò chasseur, đấy là món thịt duy nhất phụ thêm.

“Cô cho một gà giò chasseur cho ông đây, y bảo. Còn tôi, xin cô dọn cho món thịt bò hầm nhừ”.

Y quay tấm bìa lại: danh sách những thứ rượu ở mặt sau:

“Chúng tôi sắp dùng rượu” y bảo với một vẻ hơi long trọng.

“Hôm nay, ông đâm ra đổ đốn rồi; người tớ gái nhận định. Ông chẳng bao giờ uống rượu mà”.

“Nhưng gặp dịp tôi cũng chịu nổi được một cốc. Cô cho tôi xin bình rượu vang hồng Anjou”.

Chàng Tự Học đặt tấm thực đơn xuống, bẻ bánh mì thành từng miếng nhỏ và dùng khăn lau mạnh muỗng nĩa. Y đảo mắt thoáng nhìn qua người đàn ông tóc trắng đang ngồi đọc báo, đoạn mỉm cười với tôi:

“Thói thường, tôi hay đến đây với một quyển sách, dù có một y sĩ đã khuyên tôi đừng nên như thế: khi ăn khá nhanh, người ta nhai không kỹ. Song bao tử tôi là loại bao tử đà điểu, tôi có thể nuốt bất cứ thứ gì. Trong mùa đông năm 1917, khi bị cầm tù, lương thực quá tệ đến đỗi tất cả mọi người đều ngã bệnh. Dĩ nhiên, tôi phải làm ra bộ bệnh hoạn như những người khác: song tôi chẳng hề hấn gì”.

Y đã là một tù nhân chiến tranh... Đây là lần đầu tiên y thổ lộ với tôi điều này; tôi sẽ không nhắc lại, tôi không thể nào tưởng tượng y là kẻ nào khác hơn là Chàng Tự Học.

“Ông đã bị giam tại đâu?”

Y không trả lời. Y đã đặt chiếc nĩa xuống và nhìn tôi với cái nhìn mãnh liệt. Y sắp thuật lại cho tôi nghe những nỗi phiền muộn của mình: giờ đây, tôi mới nhớ lại rằng có một cái gì đó không ổn, tại thư viện. Tôi vểnh tai chăm chú: tôi chỉ đòi mình cảm thương những nỗi phiền muộn của người khác, điều đó sẽ làm tôi thay đổi. Tôi chẳng bao giờ có những nỗi phiền muộn, tôi có tiền nhờ vào lợi khoản, tôi chẳng có cấp chỉ huy, không vợ cũng không con, tôi đang hiện hữu, chỉ có thế. Và nỗi phiền muộn nọ thì quá mơ hồ, quá mang chất siêu hình đến đỗi làm tôi xấu hổ về nó.

Chàng Tự Học không có vẻ muốn lên tiếng. Y nhìn tôi kỳ dị làm sao: đấy không phải là một cái nhìn cốt để trông thấy nhưng đúng hơn là để hai tâm hồn cảm thông nhau. Tâm hồn chàng Tự Học đã trào dâng lên đến tận đôi mắt huy hoàng như của người mù, nơi tâm hồn ấy trỗi lên. Ước sao tâm hồn của tôi cũng làm y như thế, ước sao nó đến dán sát mũi vào những khung cửa kính: cả hai sẽ trao đổi với nhau những nghi thức xã giao.

Tôi không muốn chuyện cảm thông giữa những tâm hồn, tôi không sa sẩy quá thấp như thế. Tôi lui lại. Nhưng chàng Tự Học đã trườn cả thân người trên bàn, mắt vẫn không rời mắt tôi. Quả là may mắn, người hầu gái vừa mang món củ cải lại cho y. Y ngã người xuống trở lại trên chiếc ghế, tâm hồn y biến mất khỏi đôi mắt, y khởi sự dùng bữa một cách ngoan ngùy.

“Những phiền muộn của ông rồi cũng yên chứ.”

Y giật mình:

“Những phiền muộn nào, thưa ông?” y hỏi với vẻ sợ sệt.

“Ngày nọ ông có nói với tôi rồi đó.”

Y đỏ bừng mặt.

“À! Y nói với một giọng khô khan. Ờ! Vâng, ngày nọ. À, thưa ông, cái gã người đảo Corse, cái gã đảo Corse ở thư viện đó.”

Y lại do dự lần nữa, với một vẻ cứng đầu của con chiên.

“Đấy chỉ là những chuyện tào lao thôi thưa ông, tôi chẳng muốn làm phiền ông với những thứ đó làm gì.”

Tôi không nài nỉ. Y đang ăn nhanh dị thường dù bề ngoài khó nhận ra. Y đã dùng xong món củ cải khi người hầu dọn món sò lên cho tôi. Trên đĩa y chỉ còn lại một đống những chiếc đuôi cải xanh lục và một ít muối ẩm nước.

Bên ngoài hiệu, hai người trẻ tuổi dừng lại trước tấm thực đơn, do một người bếp bằng giấy bìa cầm đưa ra bằng tay trái (ở tay mặt, gã cầm một chiếc lò chiên). Cả hai ngần ngừ. Người đàn bà đang thấm lạnh, nàng giấu cằm vào trong cổ áo lông ngự hàn. Người đàn ông quyết định trước tiên, y mở cửa ra và nép vào một bên để người bạn gái bước vào.

Nàng bước vào trong quán. Nàng nhìn chung quanh bằng vẻ thật dễ thương và hơi thoáng rùng mình:

“Ấm thật”, nàng bảo bằng một giọng nghiêm trang. Người thanh niên khép cánh cửa lại.

“Chào các ông, các bà”, gã lên tiếng.

Chàng Tự Học quay lại và nhã nhặn đáp lễ:

“Chào ông bà.”

Những khách hàng khác không chào trả, nhưng cái nhà ông có gương mặt nổi bật đang hạ thấp tờ báo xuống một chút và dò xét những người đến bằng một cái nhìn sâu thẳm.

“Cám ơn, không đáng nhọc công ông”.

Trước khi người hầu gái, đã chạy tới tiếp tay, có thể làm một cử chỉ nào, gã thanh niên đã nhẹ nhàng cởi chiếc áo đi mưa ra. Thay cho bộ vét tông, gã mặc một chiếc blouson da với nút kéo sáng choang. Người hầu gái, hơi thất vọng, quay sang người thiếu phụ. Nhưng gã nọ lại ra tay trước nàng và bằng những cử chỉ dịu nhẹ, chính xác, giúp người bạn gái cởi bỏ chiếc măng tô. Họ ngồi xuống cạnh chúng tôi, dựa sát vào nhau. Họ chẳng có vẻ gì đã quen biết nhau từ lâu. Người thiếu phụ có một khuôn mặt mệt mỏi chán chường và thanh khiết, hơi mang vẻ nũng nịu dỗi hờn. Đột nhiên nàng giở mũ ra và vừa lắc những sợi tóc đen trên đầu vừa mỉm cười.

Chàng Tự Học ngắm nhìn họ nãy giờ với lòng từ hậu; đoạn y quay sang phía tôi, nháy mắt cảm động như muốn nói:

“Hai người kia đẹp tợn!”

Cặp nọ chẳng xấu. Họ ngồi lặng im, họ hạnh phúc vì được ngồi chung nhau, hạnh phúc vì người khác thấy họ ngồi chung nhau. Một đôi lần, khi chúng tôi bước vào trong một nhà hàng ở Piccadilly, Anny và tôi đã có phen cảm thấy mình là những đối tượng chiêm ngắm làm động lòng người khác. Anny đã bực mình vì chuyện đó, nhưng còn tôi, thú thật tôi hơi lấy làm hãnh diện. Nhất là kinh ngạc; tôi đã chẳng khi nào có được bộ dạng sạch sẽ, cái bộ dạng nổi bật nơi chàng thanh niên này và người ta lại càng không thể bảo rằng vẻ xấu xí của tôi để làm cho người ta cảm xúc. Duy có điều chúng tôi đang còn trẻ: hiện tại, tôi đang ở vào tuổi cảm xúc đối với tuổi trẻ của những kẻ khác. Tôi không chạnh lòng cảm xúc. Người thiếu phụ có đôi mắt u uẩn và dịu dàng; gã thanh niên nước da màu cam nhạt, pha lẫn những hạt lấm chấm và một chiếc cằm nhỏ đầy cương nghị, duyên dáng. Chàng ta làm tôi khích động, quả vậy, nhưng chàng ta cũng hơi làm tôi phiền tởm. Tôi cảm thấy cả hai người đều quá cách xa với tôi: hơi nóng đã làm cho họ uể oải, họ theo đuổi cùng một giấc mộng trong lòng, giấc mộng rất dịu dàng, rất yếu ớt. Họ đang thoải mái, họ nhìn những bức tường màu vàng, nhìn những người khác trong sự tin cậy, họ thấy rằng thế giới quả đang thiện hảo đúng như bản tính, đúng y như bản tính nó, và mỗi người trong bọn họ, tạm thời, múc nguồn ý nghĩa đời mình trong cuộc đời người kia. Chẳng bao lâu nữa đâu, riêng hai người đó, họ sẽ nhập lại thành một đời sống duy nhất, một đời sống chậm rãi và ấm nóng, tuyệt chẳng mang ý nghĩa gì - nhưng họ sẽ không nhận ra thế.

Họ có vẻ nể sợ lẫn nhau. Sau cùng, bằng một vẻ vụng về và quả quyết, gã thanh niên cầm nhẹ bàn tay người bạn gái. Nàng thở mạnh và cả hai cùng chúi đầu trên tấm thực đơn. Vâng, họ đang hạnh phúc. Và rồi thì, sau đó?

Chàng Tự Học có vẻ vui thích, giọng hơi bí ẩn:

“Hôm kia, tôi có trông thấy ông.”

“Ở đâu thế!”

“Ha! Ha!” y đáp lời trong vẻ trêu ghẹo đầy tôn kính.

Y chờ tôi một lúc đoạn bảo:

“Ông từ viện bảo tàng đi ra.”

“À, vâng, tôi đáp, không phải hôm kia: thứ bảy.”

Ngày hôm kia, hẳn tôi chẳng có tâm địa nào thả rong nơi các viện bảo tàng.

“Ông có thấy cái bản khắc bằng gỗ diễn tả lại cuộc mưu sát Orsini không ?”

“Tôi chẳng biết bức đó.”

“Thật vậy sao ? Nó treo trong một căn phòng nhỏ, ở bên phải khi vừa bước vào. Đấy là tác phẩm của một tay nổi loạn thuộc phong trào Công xã. Ông ấy đã sống tại Bouville cho đến tận lúc được ân xá, bằng cách trốn trong một vựa lúa. Ông đã muốn đáp tàu trốn sang Mỹ châu, nhưng ở đây cảnh sát hải cảng canh phòng cẩn mật lắm. Thật là một con người phi thường. Ông ta đã dùng những thì giờ rỗi rảnh bất đắc dĩ để khắc một bức hoành bằng gỗ sồi. Ngoài một con dao nhỏ và dùng những móng tay làm giũa, ông chẳng có dụng cụ nào khác. Ông đã tạo ra những mẫu khắc tế vi bằng chiếc giũa: những bàn tay, những cặp mắt. Bức hoành dài một thước rưỡi, rộng một thước; toàn thể tác phẩm đều hoàn thành liền một hơi; có đến bảy mươi nhân vật, mỗi người lớn bằng chiều cao bàn tay tôi, không kể hai con ngựa đang kéo chiếc xe của hoàng đế. Và những khuôn mặt đó, thưa ông, những khuôn mặt giũa trên gỗ đó, tất cả đều mang một khí diện, một dáng 

vẻ “người” hết sức. Thưa ông, nếu được phép, thì tôi xin thưa rằng đó quả là một công trình đáng xem.”

Tôi không muốn đi sâu vào câu chuyện:

“Hôm đó tôi chỉ có ý muốn xem lại những bức tranh của Bordurin.”

Chàng Tự Học đột nhiên đâm ra buồn bã:

“Những bức tranh trong phòng trưng bày chính đó à? Thưa ông, y bảo, với một nụ cười run rẩy, tôi chẳng hiểu gì về hội hoạ. Cố nhiên, tôi cũng được biết rằng Bordurin là một hoạ sĩ lớn, tôi thấy rõ rằng ông ta có “nét” lắm, có... nói như thế nào kìa? Nhưng thưa ông, cái nỗi khoái cảm thẩm mỹ quả là xa lạ với tôi.”

Tôi đáp lời y với vẻ thân ái:

“Đối với ngành điêu khắc, tôi cũng y hệt như ông vậy.”

“A! Thưa ông, than ôi, chính tôi đây cũng thế. Và đối với âm nhạc, và đối với khiêu vũ. Tuy nhiên, tôi đại khái cũng biết sơ qua ít chút. Này, có một điều quả thật khó tưởng tượng nổi: tôi đã gặp nhiều người trẻ tuổi mà kiến thức chẳng bằng lấy phân nửa những gì tôi biết được, thế mà khi đặt họ trước một bức tranh, họ lại ra vẻ cảm được mới chết chứ.”

“Hẳn họ làm bộ thế”, tôi đáp bằng một giọng đầy khích lệ.

“Có lẽ...”

Chàng Tự Học hơi mơ mộng một chút:

“Điều làm tôi sầu não, không phải là bị rút đi một loại hưởng thụ vui thú nào đó cho bằng, nói đúng ra, đây là cả một ngành hoạt động của con người lại xa lạ với tôi... Tuy thế, tôi lại là một con người và những con người khác đã sáng tạo nên những bức tranh đó...”

Đột nhiên y tiếp, giọng thay đổi:

“Thưa ông, có lần tôi đâm ra liều lĩnh nghĩ rằng cái đẹp chỉ là một chuyện thuộc sở thích mỗi người. Há chẳng có những quy luật khác biệt cho mỗi thời đại sao? Ông cho phép tôi giải bày ý kiến chứ, thưa ông? ”

Tôi ngạc nhiên nhìn thấy y rút từ trong túi ra một quyển sổ tay bìa đen. Y lật thoáng qua một lúc: nhiều trang để trắng và cách khoảng xa, những dòng chữ viết bằng mực đỏ. Mặt y trở nên xanh nhạt. Y đã đặt quyển sổ tay nằm dài trên khăn bàn và y đang đặt bàn tay to lớn của mình lên trang giấy mở rộng, y khẽ ho với vẻ bối rối:

“Đôi khi, trong trí tôi nảy ra những... tôi không dám bảo đó là những ý tưởng. Thật là kỳ dị: tôi ngồi đó, tôi chăm chú đọc và rồi đột nhiên, tôi chẳng biết nó đến từ đâu, tôi như được giác ngộ. Thoạt tiên, tôi chẳng để tâm đề phòng, nhưng rồi sau đó tôi quyết định mua một quyển sổ tay.”

Y dừng lại và nhìn tôi: y đang chờ đợi.

“Á! À!” tôi bảo.

“Thưa ông, hiển nhiên là những câu châm ngôn này chỉ có tính cách nhất thời tạm bợ: tôi chưa học xong.”

Y cầm lấy quyển sổ trong đôi bàn tay run rẩy, y rất xúc động: “Đây là vài điều về hội hoạ. Tôi sẽ rất sung sướng nếu được ông cho phép đọc lên.”

“Rất sẵn lòng”, tôi đáp.

Y đọc:

“Hiện nay không ai còn có thể tin được vào những gì mà thế kỷ XVIII đã xem là thật nữa. Tại sao người ta lại muốn chúng ta cứ vui thích với những tác phẩm đã được họ quan niệm là đẹp?”

Y nhìn tôi bằng một vẻ nài nỉ.

“Thưa ông, ông nghĩ sao về những ý tưởng trên? Có lẽ nó hơi nghịch lý? Đấy là vì tôi nghĩ có thể gán cho nó hình thức của một lời hờn dỗi.”

“À, tôi... tôi thấy điều đó rất hay.”

“Ông đã từng đọc thấy nó ở đâu chưa?”

“Không, không, chắc chắn là không.”

“Thật vậy à, không đâu cả à? Vậy thì thưa ông, y bảo bằng vẻ ủ dột, chắc là vì ý tưởng đó không đúng. Nếu quả thực nó đúng thì đã có người nghĩ đến rồi.”

“Khoan đã, tôi bảo y, bây giờ nghĩ kỹ thì tôi chắc rằng tôi đã đọc một câu nào tương tự như vậy.”

Đôi mắt y sáng rực hẳn lên, y rút bút chì ra.

“Của tác giả nào?” y hỏi tôi bằng một giọng rõ ràng.

“Của... của Renan.”

Y cười rạng rỡ như trẻ thơ.

“Ông có thể làm ơn đọc lại cho tôi nguyên văn câu đó?” y vừa nói vừa ngậm đầu bút chì.

“À, tôi đọc câu đó cách đây lâu lắm rồi.”

“Ồ, chẳng hề gì, chẳng hề gì.”

Y viết tên Renan trên cuốn sổ tay, bên dưới câu châm ngôn của y.

“Tâm hồn tôi đã gặp gỡ Renan! Tôi viết tên ông bằng bút chì, nhưng chiều nay tôi sẽ đồ lại bằng mực đỏ”. Y giải thích với vẻ say sưa.

Y nhìn cuốn sổ tay của mình trong dáng điệu xuất thần một lúc và tôi chờ y đọc cho tôi nghe những câu châm ngôn khác. Song y đã gập sổ lại với vẻ cẩn trọng và nhét kỹ vào túi. Hẳn y cho rằng chỉ một lần như thế, là đã quá đủ hạnh phúc.

“Thật là thoải mái khi một vài lần trong đời có thể trò chuyện với lòng buông thả như thế này”. Y bảo bằng giọng thân tình.

Như người ta đoán được, lời tán tụng vụng về này đã đè bẹp cuộc trò chuyện uể oải của chúng tôi. Một khoảng im lặng dài tiếp theo.

Kể từ khi hai người trẻ tuổi bước vào, không khí của nhà hàng đã chuyển biến. Hai người đàn ông da đỏ hồng đã im lặng, họ chăm chú nhìn không biết ngượng những vẻ duyên dáng của người đàn bà trẻ tuổi. Cái ông có nét mặt cao nhã nổi bật đã đặt tờ báo xuống và nhìn đôi nhân tình với vẻ dễ dãi, dung thông, gần như với tính cách đồng lõa. Ông đang nghĩ rằng tuổi già thì khôn ngoan, tuổi trẻ thì xinh đẹp, ông gục gặc đầu với vẻ đỏm dáng ít nhiều: ông biết rõ mình đang còn đẹp, đường nét đang còn được giữ gìn một cách tuyệt diệu, và với màu da nâu cùng tấm thân mảnh mai ấy ông còn có thể quyến rũ được người. Ông đang chơi cái trò cha hiền. Những tình cảm của người hầu gái thì đơn giản hơn: nàng ta đứng sững trước hai người trẻ tuổi và há hốc miệng ngắm họ.

Họ đang thầm thì trò chuyện. Người ta đã dọn lên các món ăn chơi, nhưng họ chẳng động đến. Lắng tai, tôi có thể nghe hiểu được từng đoạn ngắn trong cuộc đàm thoại. Tôi hiểu rõ những lời người đàn bà nói hơn, nhờ giọng sung mãn và khàn đục của nàng.

“Không, Jean, không.”

“Tại sao lại không?”, chàng thanh niên thầm thì với một vẻ hăng hái nhiệt tình.

“Em đã nói với anh rồi.”

“Đấy không phải là một lý do.”

Có một vài tiếng vuột thoát khỏi tai tôi, đoạn người đàn bà trẻ tuổi làm một cử chỉ mệt mỏi đầy duyên dáng:

“Em đã quá nhiều phen thử thách. Em đã trải qua cái tuổi mà người ta có thể khởi đầu lại cuộc đời. Em già rồi, anh thấy đó.”

Người thanh niên cười chế giễu. Nàng thủ thỉ tiếp:

“Em không thể chịu đựng được một... cơn thất vọng.”

“Phải có lòng tin mới được, người thanh niên thuyết phục. Đấy, như em trong giây phút này, em có sống được gì đâu.”

Nàng thở dài:

“Em biết chứ!”

“Hãy nhìn Jeannette xem.”

“Vâng,” nàng bĩu môi.

“Này, riêng anh, anh lại thấy thế là rất đẹp, những gì Jeannette đã làm. Nàng thật can đảm”.

“Anh biết, người thiếu phụ bảo, nói đúng ra là Jeannette đã vội vã quá. Nói thật với anh nếu muốn thì em đã có hàng trăm cơ hội kiểu đó. Em thích chờ đợi hơn.”

“Em đã có lý, chàng nọ dịu dàng bảo, em có lý khi chờ anh.”

Đến phiên nàng nọ cười to.

“Rõ nỡm! Em không có ý nói thế.”

Tôi không lắng nghe họ nữa: họ làm tôi bực mình. Họ sắp ngủ với nhau. Họ biết thế, mỗi người đều biết rằng người kia biết rõ điều đó. Nhưng vì họ còn trẻ trung, trinh tiết và đoan trang, vì mỗi người đều muốn bảo tồn lòng quý mến của mình và lòng quý mến của người kia, vì tình yêu là một cái gì vĩ đại, thơ mộng người ta không nên làm kinh động, nên nhiều lần trong tuần họ đi đến các buổi dạ vũ và các nhà hàng, phô bày trước mắt thiên hạ những cuộc khiêu vũ có tính cách nghi lễ và máy móc của mình...

Dù sao, thì cũng phải giết thì giờ. Họ còn trẻ và cường tráng, họ sẽ còn như thế trong ba mươi năm nữa. Vì vậy, họ không hấp tấp, họ trì hoãn và quả họ đã không lầm. Khi ngủ chung với nhau, họ còn phải tìm ra một điều gì khác để che giấu cái tính chất phi lý lớn lao của hiện hữu họ. Thật cũng... có quả tuyệt đối cần nên tự dối mình, hay không?

Tôi rảo mắt nhìn khắp phòng. Quả là một trò hề! Mọi người đều ngồi trong những dáng điệu nghiêm trang, họ đang ăn uống. Không, họ không ăn: họ đang bồi bổ sức lực để hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ được giao cho họ. Mỗi người trong bọn đều mang một chứng ngoan cố riêng, ngăn không cho họ nhận ra mình đang hiện hữu; trong bọn họ, chẳng có một kẻ nào lại không tin rằng mình là tôi cần cho một người hay một việc nào đó. Ngày hôm nọ, chẳng phải chàng Tự Học đã bảo với tôi: “không ai xứng đáng hơn Noucapié để đưa ra cái tổng hợp vĩ đại này?” Sao? Mỗi người trong bọn họ đều đang làm một công việc gì đó và chẳng có ai xứng đáng hơn họ để thực hiện công việc ấy. Chẳng ai xứng đáng hơn người khách thương đang ngồi kia để bán kem đánh răng hiệu Swan. Chẳng ai đủ tư cách hơn anh chàng thanh niên đáng yêu kia để sờ soạng dưới váy của cô gái ngồi bên, và tôi, tôi đang ở giữa họ và nếu nhìn đến tôi, hẳn họ phải nghĩ rằng chẳng ai xứng đáng hơn tôi để làm điều tôi đang làm. Nhưng tôi thì tôi biết rõ. Tôi làm bộ như chẳng để ý đến, nhưng tôi biết tôi đang hiện hữu và họ đang hiện hữu. Nếu biết được nghệ thuật thuyết phục người khác, tôi sẽ đến ngồi cạnh cái nhà ông tóc bạc xinh đẹp kia và giải thích cho ông ta rõ bản chất của hiện hữu là gì. Vừa nảy ra ý tưởng đó trong đầu, tôi phá lên cười. Chàng Tự Học nhìn tôi kinh ngạc. Tôi rất muốn ngưng lại, nhưng không thể được, tôi cười chảy cả nước mắt.

“Ông có chuyện gì vui thế”, chàng Tự Học hỏi tôi với vẻ thận trọng.

“Tôi đang nghĩ rằng chúng ta đây, tôi vừa cười vừa trả lời y, tất cả chúng ta đây, mỗi khi còn hiện hữu, đều phải ăn và uống để bảo tồn cuộc hiện sinh quý báu của mình nhưng lại chẳng có gì, chẳng có lấy một lý do cỏn con nào để hiện hữu cả.”

Chàng Tự Học đã trở nên nghiêm trang, y đang cố gắng để hiểu tôi. Tôi đã cười quá lớn: tôi nhìn thấy nhiều chiếc đầu quay về phía tôi. Và rồi, tôi lại hối tiếc mình đã nói nhiều như thế. Dù sao, chuyện đó cũng chẳng liên can đến ai. Y chậm rãi lặp lại:

“Chẳng có một lý do nào để hiện hữu... Thưa ông, hẳn ông muốn nói rằng chẳng có mục đích gì? Đó có phải là điều người ta gọi là thái độ bi quan?”

Y lại suy nghĩ một lúc, đoạn dịu dàng nói tiếp:

“Cách đây vài năm, tôi được đọc một cuốn sách của một tác giả người Mỹ, tựa là Đời đáng sống không? Đấy có phải là câu hỏi ông tự đặt ra cho mình?”

Hiển nhiên là không, đấy chẳng phải là câu hỏi mà tôi tự đặt ra. Song tôi tuyệt chẳng muốn giải thích lôi thôi.

“Tác giả đã kết luận bằng cách chủ trương thái độ lạc quan tự ý, chàng Tự Học bảo tôi với giọng an ủi. Cuộc đời có một ý nghĩa nếu ta muốn ban cho nó một ý nghĩa. Trước hết, phải hành động, lao mình vào một công việc. Sau đó, nếu phản tỉnh lại thì sự việc đã nhất định rồi, người ta đã bị đưa vào cuộc. Tôi không biết ông nghĩ gì về chủ trương đó, thưa ông.”

“Chẳng nghĩ gì cả”, tôi đáp.

Hay đúng hơn, tôi đang nghĩ rằng: đấy chính là cái thứ dối trá mà người khách thương, cặp nhân tình trẻ tuổi, và cái ông tóc bạc kia suốt đời tạo ra cho mình.

Chàng Tự Học mỉm cười với một vẻ hơi ranh mãnh và nhiều tính cách trang trọng:

“Đấy cũng chẳng phải ý kiến của tôi. Tôi nghĩ chúng ta chẳng phải cần đi tìm ý nghĩa cuộc đời ở xa như thế.”

“À?”

“Có một mục đích, thưa ông, có một mục đích... còn có loài người.”

Đúng thế; tôi đã quên bẵng y là một kẻ theo chủ nghĩa nhân bản. Một lúc im lặng nữa, thời gian để làm tiêu tán một cách vén khéo, tàn khốc, phân nửa đĩa thịt bò hầm và cả một khúc bánh mì của y. “Còn có loài người...”. Cái tình yêu mến đó vừa được phác họa nên toàn vẹn. - Vâng, nhưng y chẳng biết thốt ra điều ấy một cách hay ho. Tâm hồn y tràn trề trên đôi mắt, đó là điều hiển nhiên, nhưng tâm hồn không thôi, chưa đủ. Xưa kia, tôi đã từng năng lui tới với những người theo chủ nghĩa nhân bản ở Ba Lê, đã hàng trăm lần tôi nghe họ nói “Còn có nhân loại”, thế nhưng đó lại là một điều khác! Virgan quả là kẻ không ai sánh kịp. Ông ta gỡ cặp kính ra, như thể để lộ diện trần truồng trong cái da thịt con người của ông, ông nhìn chằm chặp tôi bằng đôi mắt xúc cảm, bằng một cái nhìn nặng nề, mệt mỏi cơ hồ như muốn lột hết quần áo tôi ra để nắm bắt lấy cái yếu tính “người” của tôi, đoạn ông ta thầm thì, một cách êm ái: “Còn có những con người, ông bạn ạ, còn có nhân loại”, bằng cách nhấn mạnh vụng về vào hai chữ “còn có” tựa hồ tình yêu của ông đối với loài người, vĩnh viễn mới mẻ và rung động, đang bị lúng túng trong đôi cánh khổng lồ.

Những trò nhại lại của chàng Tự Học không đạt đến được vẻ mướt dịu đó; tình yêu loài người của y còn mang chất ngây thơ và hoang dại: y chỉ là một tay nhân bản tỉnh nhỏ.

“Nhân loại, tôi bảo y, những con người... dù sao ông cũng chẳng có vẻ lưu tâm đến họ lắm: ông luôn luôn một mình, luôn luôn chúi mũi vào một cuốn sách.”

Chàng Tự Học đập hai tay vào nhau, y cười ranh mãnh:

"Ông lầm rồi. Ồ, thưa ông, ông cho phép tôi tỏ thật với ông: ông lầm biết bao nhiêu!”.