Bản giao hưởng Pháp - Phần I - Chương 13-14

13

Jean-Marie đã bị thương hai ngày trước đó: anh ở trên chuyến tàu bị trúng bom. Lần này anh không hề hấn gì nhưng toa tàu bốc lửa. Khi anh gắng sức rời khỏi chỗ ngồi để đi ra cửa tàu, vết thương lại rách ra. Lúc người ta đỡ anh dậy và kéo anh lên xe tải, anh ở trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Anh nằm sóng sượt trên cáng, đầu ngoẹo xuống và cứ mỗi cú xóc đầu anh lại húc vào một cái thùng rỗng. Ba chiếc xe đầy lính chậm chạp nối nhau tiến trên một con đường đã bị bắn phá và rất khó đi. Phía trên đoàn xe những chiếc máy bay địch lượn qua lượn lại. Jean-Marie thoát ra khỏi cơn mê sảng một lát và nghĩ ngợi: “Lũ gà vịt chắc cũng có cảm giác như chúng ta khi chim bồ câu bay lượn...”

Anh mơ hồ thấy lại trang trại của bà vú nuôi, nơi anh thường được gửi đến nghỉ lễ Phục sinh, khi anh còn bé. Cái sân đầy ánh nắng: bầy gà mổ hạt và nô đùa trong đống tro, rồi bàn tay to xương xẩu của bà vú chộp lấy một con trong bầy gà, buộc hai chân nó lại, mang nó đi, và năm phút sau... một dòng máu tuôn ra với tiếng ồng ộc khe khẽ và kỳ cục. Đó là cái chết... Và mình cũng thế, mình cũng bị chộp lấy và mang đi, anh nghĩ,... bị chộp lấy và mang đi... và ngày mai, gầy nhom và trần trụi, bị quẳng vào trong đất, mình sẽ chẳng đẹp đẽ gì hơn một con gà...

Trán anh va vào cái thùng mạnh đến nỗi anh thốt lên một tiếng cằn nhằn yếu ớt: anh không còn sức để kêu nữa, nhưng điều đó cũng đủ để gây chú ý cho anh bạn đồng ngũ nằm bên cạnh, bị thương ở chân, nhưng nhẹ hơn.

- Sao đấy, Michaud? Michaud, có đỡ hơn không?

Cho tôi uống nước và hãy đặt đầu tôi lại cho thoải mái hơn, và đuổi con ruồi trên mắt tôi đi, Jean-Marie muốn nói, nhưng anh chỉ thở dài.

- Không...

Và anh nhắm mát lại.

- Bọn chúng lại bắt đầu rồi, - anh bạn đồng ngũ càu nhàu.

Đúng lúc ấy bom dội xuống quanh đoàn xe. Một chiếc cầu nhỏ bị phá sập: đường đi Blois đã bị cắt đứt; phải quay lại phía sau, lách một đường đi qua đám người tị nạn hay đi qua lối Vendôme, chắc họ sẽ chẳng tới nơi được trước khi đêm xuống.

Mấy gã trai tội nghiệp, viên sĩ quan quân y vừa nghĩ vừa nhìn Michaud, người bị nặng nhất. Ông ta tiêm cho anh một mũi. Họ lại lên đường. Hai chiếc xe tải chở những người bị thương nhẹ đi lên phía Vendôme; chiếc xe có Jean-Marie thì đi vào một con đường tắt có thể rút ngắn hành trình được vài cây số. Chẳng bao lâu xe đã phải dừng lại vì thiếu xăng. Viên sĩ quan quân y bèn đi tìm một ngôi nhà để đưa người của mình vào. Nơi này nằm ngoài vòng hỗn loạn, dòng xe cộ đang ở phía xa hơn. Từ trên quả đồi mà viên sĩ quan quân y đi đến, có thể nhìn thấy qua cảnh hoàng hôn tháng Sáu dịu dàng và thanh bình với một màu xanh lam ngả tím một đám đông màu đen, từ đó phát ra những âm thanh lạc điệu, không rõ rệt, của tiếng còi ô tô, tiếng kêu la, tiếng gọi, tiếng ầm ì trầm đục và thê lương làm trái tim thắt lại.

Viên sĩ quan quân y nhìn thấy một vài trang trại được xây cất cạnh nhau. Trong đó có người ở nhưng chỉ toàn đàn bà và trẻ con. Đàn ông đang ở ngoài mặt trận. Người ta đưa Jean-Marie vào một trong những trang trại ấy. Các nhà bên cạnh tiếp nhận những người lính khác, trong khi viên sĩ quan quân y, sau khi phát hiện ra một chiếc xe đạp nữ, bèn thông báo là ông sẽ đi tới thành phố gần đó nhất để tìm cứu trợ, xăng, xe tải, những thứ mà ông có thể tìm thấy được...

“Nếu cậu ta phải chết,” ông nghĩ khi từ biệt Michaud vẫn đang nằm sóng sượt trên chiếc cáng của anh trong căn bếp rộng của trang trại, trong lúc đám phụ nữ sưởi ấm giường và trải giường, “nếu cậu ta phải nằm lại thì thà rằng nằm trên những tấm vải giường sạch sẽ còn hơn là nằm ở dọc đường...”

Ông đạp xe về phía Vendôme. Sau cả đêm đi đường, khi sắp vào đến thành phố thì ông rơi vào tay quân Đức và bị bắt làm tù binh. Trong lúc đó, không thấy ông quay lại, những người phụ nữ đã chạy bộ đến tận thị trấn để báo bác sĩ và các xơ ở bệnh viện. Chính bệnh viện cũng đầy ắp người vì các nạn nhân của trận bom vừa qua đã được đưa đến. Những người lính ở lại trong làng. Đám phụ nữ phàn nàn: cánh đàn ông đã ra đi, họ cũng đã có đủ thứ chuyện phải làm với công việc đồng áng và chăn nuôi gia súc nếu không phải chăm sóc những thương binh mà người ta áp đặt cho họ! Khó nhọc mở đôi mí mắt nòng bỏng vì sốt, Jean-Marie thấy nơi đầu giường một người đàn bà già nua với cái mũi dài màu vàng đang đan len và thở dài nhìn anh: “Giá như ta biết được rằng ở nơi mà ông ấy đang ở hiện nay, ông lão tội nghiệp, ông ấy cũng được chăm sóc như cái anh chàng chẳng thân thuộc gì đối với ta này...” Anh nghe thấy trong giấc mơ lộn xộn của mình tiếng lách tách của những chiếc kim đan bằng thép; cuộn len nảy trên chiếc chăn phủ giường; trong cơn mê sảng anh thấy dường như nó có đôi tai nhọn và một cái đuôi, và anh chìa tay ra để vuốt ve nó. Thỉnh thoảng, cô con dâu của bà chủ trang trại lại đến gần anh; cô ấy còn trẻ, cô ấy có gương mặt tươi mát, đỏ hồng, với những đường nét hơi thô, và đôi mắt nâu, linh lợi và trong sáng. Một hôm, cô mang đến cho anh một chùm quả anh đào và cô đặt nó lên cái gối bên cạnh anh. Anh không được phép ăn quả này nhưng anh áp nó vào đôi má nóng như lửa của mình, và anh cảm thấy dịu đi và gần như là sung sướng.

14

Đoàn nhà Corte đã rời Orléans và tiếp tục đi về hướngBordeaux. Sự thể rắc rối thêm ở chỗ là họ không biết chính xác họ đang đi đâu. Đầu tiên họ đi về phía Bretagne rồi sau đó họ lại quyết định đi xuống miền Nam. Bây giờ thì Gabriel tuyên bố là ông sẽ rời nước Pháp.

- Còn sống thì chúng ta sẽ không đi khỏi đây, - Florence nói.

Cô cảm thấy mệt và sợ thì ít mà tức giận thì nhiều, một cơn giận dữ mù quáng, điên cuồng, trào lên trong cô và làm cô nghẹt thở. Cô cảm giác như Gabriel đã kết thúc cái hợp đồng ngấm ngầm ràng buộc họ với nhau. Xét cho cùng, giữa đàn ông và đàn bà ở hoàn cảnh của họ, ở độ tuổi của họ, tình yêu là một sự đổi chác. Cô trao mình vì hy vọng bù lại sẽ được nhận từ ông một sự che chở không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần, và cho đến giờ cô đã nhận được sự che chở đó qua tiền bạc, danh tiếng; ông đã trả cho cô đúng như phải thế. Nhưng rồi đột nhiên, ông hiện ra trước cô như một tạo vật yếu đuối và đáng khinh.

- Anh có thể cho em biết chúng ta sẽ làm gì ở nước ngoài nào? Chúng ta sẽ sống ra sao? Tất cả tiền bạc của anh đều ở đây vì anh đã dại dột cho chuyển lại từ London về, em chẳng bao giờ hiểu nổi tại sao cả, thế đấy!

- Tại vì anh tưởng rằng ở Anh thì nguy hiểm hơn ở ta. Anh tin tưởng vào đất nước của anh, vào quân đội của đất nước anh, chả lẽ em lại chê trách anh về điều đó à? Thêm nữa em lo cái gì nhỉ? Ơn Chúa, ở đâu anh cũng nổi tiếng, anh nghĩ thế!

Ông ngừng nói đột ngột, tựa đầu vào cửa xe rồi hất đầu về phía sau một cách cáu kỉnh.

- Lại còn gì nữa thế? - Florenee vừa lẩm bẩm vừa ngước mắt nhìn trời.

- Những người kia...

Ông chỉ vào chiếc ô tô vừa vượt lên trước họ. Florence nhìn những người trong xe: họ đã qua đêm ở Orléans bên cạnh những người này, trên quảng trường: thùng xe bị sây sát, người đàn bà với đứa con trong lòng, người đàn bà quấn băng trên đầu, cái lồng chim và người đàn ông đội mũ lưỡi trai rất dễ nhận ra.

- Ôi! Đừng có nhìn họ. - Florence bực tức nói.

Ông đập dữ dội nhiều lần vào cái hộp nhỏ đựng vàng và ngà voi mà ông đang tựa khuỷu tay vào.

- Nếu những thời kỳ đau thương như một cuộc bại trận hay một cuộc di tản mà lại không được nâng lên bởi một chút cao cả, bởi một chút tầm vóc, thì chúng không đáng được xảy ra! Anh không chấp nhận để những gã chủ quán kia, những mụ gác cổng kia, những bọn hèn mọn kia với những tiếng than vãn của họ, những chuyện ngồi lê đôi mách của họ, những sự thô tục của họ, làm hỏng đi một không khí bi kịch! Mà nhìn họ kìa! Nhìn họ kia! Lại thấy họ rồi đây. Anh đến chết mất với họ, anh nói thật đấy!...

Ông thét bảo tài xế:

- Henri, đi nhanh lên một tí, nào! Anh không thể vượt lên trước cái đám lộn xộn này được hay sao?

Henri thậm chí chẳng buồn trả lời. Ô tô đi được ba mét, dừng lại, bị mắc kẹt trong một sự hỗn độn không thể tưởng tượng nổi của ô tô, xe đạp và người đi bộ. Một lần nữa, cách ông hai bước, Gabriel nhìn thấy người đàn bà quấn băng trên đầu. Chị ta có cặp lông mày rậm tối sẫm, những chiếc răng dài, trắng, ánh lên, khin khít, môi trên viền lông ria. Mảnh băng thấm máu, những sợi tóc đen dính vào lớp bông lót và vải băng. Gabriel rùng mình ghê tởm và quay mặt đi, nhưng người đàn bà lại mỉm cười với ông và thử bắt chuyện.

- Chẳng đi nhanh được nhỉ? - chị ta nói một cách nhã nhặn qua tấm cửa kính hạ xuống. Cũng còn may là chúng ta đi theo đường này đấy. Ở phía bên kia người ta phải hứng biết bao nhiêu là bom! Tất cả các lâu đài vùng Loire đều bị phá hủy rồi, ông...

Cuối cùng chị ta cũng nhận ra ánh mắt trừng trừng và lạnh băng của Gabriel. Chị ta im bặt.

- Vậy em không hiểu rằng anh không thể thoát khỏi họ được sao?

- Đừng có nhìn họ nữa!

- Làm như dễ lắm ấy! Thật là ác mộng! Ôi! Cái đám đông này mới xấu xí, thô tục, đê tiện một cách ghê tởm làm sao!

Họ đến gần Tours. Gabriel cứ ngáp được một lúc rồi: ông đang đói. Từ lúc ở Orléans đến giờ ông chẳng ăn gì mấy. Giống như Byron, ông bảo, ông có thói quen đạm bạc, chỉ cần rau, quả và nước ga là được, nhưng mỗi tuần một hoặc hai lần phải có một bữa ăn thịnh soạn và bổ dưỡng. Lúc này ông thấy cần một bữa ăn như thế. Ông ngồi bất động, lặng lẽ, mắt nhắm nghiền, khuôn mặt đẹp nhợt nhạt của ông bị giày vò bởi một vẻ đau đớn giống như những lúc trong đầu ông đang hình thành những câu văn đầu tiên khô khan và trong sáng cho những cuốn sách của ông (ông thích chúng như thế, nhẹ nhàng và rì rầm như lũ ve sầu, tiếp đó là giọng điệu trầm đục và say mê, cái mà ông thường gọi là “những chiếc violon của ta” - “Hãy để những chiếc violon của ta cất tiếng nào” - sau đó ông nói vậy). Nhưng tối nay lại có những ý nghĩ khác khiến ông bận tâm. Ông thấy lại rõ mồn một những miếng sandwich mà lúc ở Orléans Florence đã đưa ông ăn: lúc đó ông thấy chúng có vẻ không ngon lắm, hơi bị ỉu đi vì nóng. Đó là những chiếc bánh mì xốp nhồi đầy pa tê gan ngỗng, những cái khác: kẹp một khoanh dưa chuột và một lá xà lách đặt trên bánh mì đen, hẳn là có vị dễ chịu, tươi mát, chua chua. Ông lại ngáp, mở giỏ ra, thấy một cái khăn có vệt bẩn và một lọ dưa góp.

- Anh tìm gì thế? - Florence hỏi.

- Một miếng sandwich.

- Không còn nữa đâu.

- Sao? Vừa lúc nãy có ba cái ở đây cơ mà.

- Xốt mayonnaise bị chảy, bánh không thể ăn được nữa, em vứt đi rồi. Chúng ta có thể sẽ được ăn tối ở Tours, em hy vọng thế. - Cô nói thêm.

Họ nhìn thấy những vùng ngoại ô của Tours ở phía chân trời nhưng những chiếc ô tô không tiến thêm được nữa; một thanh chắn đường đã được dựng lên ở một chỗ đường giao nhau. Phải đợi đến lượt mình. Một tiếng đồng hồ trôi qua như vậy. Gabriel tái nhợt đi. Ông không còn mơ đến sandwich nữa, mà mơ đến món súp nhẹ bụng và nóng hổi, đến những miếng bánh pa tê nhỏ rán bơ mà ông đã từng được ăn một lần ở Tours khi từ Biarritz trở về (lúc đó ông đi cùng với một phụ nữ. Ông từ Biarritz về. Thật lạ lùng, ông không còn nhớ tên, nhớ mặt người phụ nữ ấy nữa; điều duy nhất còn lại trong ký ức của ông là những miếng bánh pa tê nhỏ rán bơ, mỗi miếng có một khoanh nấm củ ẩn trong lớp bột láng mịn). Rồi ông nghĩ đến món thịt: một miếng thịt bò đỏ nướng tái, với một cục bơ từ từ tan ra trên lớp thịt mềm, ngon tuyệt... Phải, đó chính là thứ mà ông cần... một miếng thịt bò nướng, một miếng bít tết... một miếng thịt kiểu chateaubriand(2)... cùng lắm thì đành một lát thịt mỏng hay một miếng sườn cừu vậy. Ông hắt ra một hơi thở dài thật sâu.

Đó là một buổi tối dìu dịu và ánh vàng, không một làn gió thổi, không quá nóng, kết thúc của một ngày tuyệt đẹp, một màn tối nhè nhẹ trải ra trên những cánh đồng và trên những con đường, như một chiếc cánh. Mùi dâu tây thoang thoảng bay đến từ cánh rừng gần đó. Chốc chốc người ta lại cảm thấy mùi hương ấy trong bầu không khí nặng nề vì mùi xăng và khói thuốc. Những chiếc ô tô nhích thêm một tí và đến dưới một chiếc cầu. Có những người phụ nữ đang bình thản giặt quần áo bên sông. Cái khủng khiếp và lạ thường của thời cuộc được cảm thấy rõ rệt hơn trước những hình ảnh thanh bình này. Một chiếc cối xay đang quay bánh ở tít tận đằng xa.

2. Thịt bò nướng miếng thật dày.

“Chỗ này chắc là nhiều cá lắm,” Gabriel mơ mộng nói. Ở Áo, hai năm trước, bên một dòng sông nhỏ nước chảy xiết và trong veo như con sông này, ông đã ăn cá hồi sông nhúng tái! Thịt cá, dưới lớp da màu xanh óng ánh xà cừ, trông hồng như thịt da một em bé. Và những củ khoai tây hấp nữa... thật đơn giản, thật thông thường, với một ít bơ tươi và rau mùi tây xay nhỏ... Ông nhìn những bức tường của thành phố với vẻ hy vọng. Cuối cùng, cuối cùng thì cũng vào được đến đây. Nhưng họ vừa mới thò đầu ra cửa xe thì đã thấy ngay một hàng người lánh nạn đang đứng đợi trên đường phố. Một tổ chức phát chẩn đang phân phát đồ ăn cho những người bị đói, người ta bảo vậy, nhưng chẳng còn chỗ nào để ăn cả ngoài chỗ đó ra.

Một phụ nữ ăn mặc lịch sự, dắt tay một đứa bé, quay về phía Gabriel và Florence.

- Chúng tôi ở đây đã bốn tiếng đồng hồ rồi, - chị ta nói, - trẻ con kêu khóc, thật kinh khủng...

- Thật kinh khủng, - Florence nhắc lại.

Phía sau họ người đàn bà quấn băng trên đầu xuất hiện.

- Đừng mất công chờ đợi. Người ta đang đóng cửa. Chẳng còn gì nữa hết.

Chị ta khẽ vẩy tay một cách dứt khoát.

- Chẳng có gì, chẳng có gì hết. Không có đến một mẩu bánh mì. Cô bạn đi cùng với tôi vừa mới đẻ được ba tuần mà chẳng ăn gì từ hôm qua rồi và cô ấy lại phải cho con bú nữa chứ. Thế mà người ta còn bảo: hãy sinh con đẻ cái. Khốn khổ! Con với chả cái, vâng! Đến là nực cười!

Dọc theo hàng người lan ra một tiếng rì rầm thê thảm.

- Chẳng có gì, chẳng có gì, họ chẳng còn gì nữa đâu. Họ bảo “ngày mai quay lại đây”. Họ bảo rằng quân Đức đang đến gần, rằng trung đoàn sẽ ra đi đêm nay.

- Bà đã đi xem thấy trong thành phố không còn gì nữa à?

- Tất nhiên là không! Cả thành phó đều bỏ đi rồi, có thể nói đây là một thành phố chết. Rồi lại có những người đã tích trữ sẵn đồ nữa, các vị thừa biết đấy!

- Thật kinh khủng, - Florence lại rên rỉ.

Trong cơn xúc động cô quay sang những người ngồi trong chiếc ô tô bị bẹp. Người phụ nữ với đứa con trong lòng trông nhợt nhạt như xác chết. Người kia lắc đầu với vẻ ủ dột.

- Thế này ấy à? Ăn thua gì. Đúng là cái kiểu của dân nhà giàu, giới thợ mới là người khổ nhất.

- Chúng ta làm gì đây? - Florence quay về phía Gabriel nói với một cử chỉ tuyệt vọng.

Ông ra hiệu cho cô đi ra xa. Ông sải những bước dài. Trăng vừa lên và dưới ánh trăng họ có thể dễ dàng đi trong cái thành phố này, thành phố với những cánh cửa sổ đóng kín, với những cánh cửa ra vào khóa chặt, nơi không có một ngọn đèn nào thắp sáng, nơi không có bóng người nào hiện ra bên ô cửa sổ.

- Em hiểu không, - ông hạ giọng nói, - tất cả những chuyện này đều là trò đùa thôi... Không thể có chuyện trả tiền mà lại không tìm được cái gì ăn. Tin anh đi, có một lũ hốt hoảng và có những kẻ khôn ngoan biết cất đồ ăn dự trữ ở nơi an toàn. Vấn đề là phải tìm được những kẻ khôn ngoan đó.

Ông dừng lại.

- Đây là Paray-le-Monial, đúng không nào? Vào đây mà xem cái anh đang tìm kiếm. Cách đây hai năm anh đã ăn tối ở nhà hàng này. Ông chủ chắc còn nhớ anh, đợi nhé.

Ông đập dồn dập vào cánh cửa khóa chặt và gọi bằng một giọng hách dịch:

- Mở cửa ra, mở cửa ra, ông bạn! Chỗ bạn bè đây!

Và phép màu đã được thực hiện! Họ nghe thấy tiếng bước chân; một chiếc chìa khóa quay trong ổ khóa, một cái mũi lo ngại thò ra.

- Nào, ông nhận ra tôi chứ, phải không nào? Tôi là Corte, Gabriel Corte. Tôi đói đến chết đi được đây, ông bạn thân mến của tôi. Phải, phải, tôi biết không có gì cả, nhưng mà để cho tôi... nếu tìm kỹ thì... Ông không còn lại cái gì hay sao? A! A! Bây giờ thì ông nhớ ra rồi chứ?

- Thưa ông, tôi rất tiếc, tôi không thể mời ông vào nhà tôi được, - ông chủ nhà thì thào, - tôi sẽ bị bao vây mất! Ông hãy đi xuống góc phố và đợi tôi. Tôi sẽ ra chỗ ông. Tôi cũng muốn làm vui lòng ông lắm, thưa ông Corte, nhưng chúng tôi thiếu thốn quá, khốn khổ quá. Tóm lại, nếu tìm kỹ thì...

- Đúng, chính thế, nếu tìm kỹ...

- Thế đấy, ông sẽ không nói với ai chứ? Ông không thể hình dung nổi chuyện gì đã xảy ra hôm nay đâu. Những cảnh điên rồ, vợ tôi đến phát ốm lên đây. Họ ăn ngấu nghiến mọi thứ rồi bỏ đi không trả tiền!

- Tôi trông cậy vào ông đấy, ông bạn của tôi, - Gabriel nói và luồn tiền vào tay ông ta.

Năm phút sau, Florence và ông trở lại ô tô, bí mật mang theo một cái giỏ bọc trong khăn.

- Anh hoàn toàn không biết là có cái gì ở trong giỏ, - Gabriel thì thầm bằng một giọng rành rọt và mơ mộng mà ông thường dùng để nói chuyện với phụ nữ, với những người phụ nữ mà ông thèm muốn và vẫn chưa từng có được. - Không, hoàn toàn không biết... Nhưng anh nghĩ là có ngửi thấy mùi pa tê gan ngỗng...

Đúng lúc ấy, một bóng đen chui vào giữa Gabriel và Florence, giật lấy cái giỏ mà họ đang cầm, đẩy họ ra bằng một cú đấm.Florence, hoảng hốt, vừa lấy hai tay ôm cổ vừa kêu lên: “Dây chuyền của tôi, dây chuyền của tôi!”, nhưng dây chuyền cũng như hộp đồ nữ trang mà họ mang theo vẫn còn nguyên. Bọn cướp chỉ lấy đồ ăn. Cô bình yên vô sự bên cạnh Gabriel trong lúc ông vừa thấm quai hàm và cái mũi bị đau của mình vừa nhắc đi nhắc lại:

- Đây là một chốn luật rừng, chúng ta bị mắc kẹt ở một chốn luật rừng...