Bản giao hưởng Pháp - Phần I - Chương 11-12

11

Maurice và Jeanne Michaud nối nhau bước đi trên con đường rộng ven bờ trồng cây dương. Xung quanh họ, phía trước họ, đằng sau họ là những người chạy loạn. Mỗi lần lên đến một trong những đỉnh dốc thoai thoải cứ quãng quãng lại cắt ngang con đường, họ lại nhìn thấy tận phía chân trời, ở nơi xa nhất mà tầm nhìn của họ có thể phóng đến được, một đám đông hỗn độn lê chân trong cát bụi. Những người khá giả nhất thì có được một chiếc xe cút kít, một chiếc xe đẩy trẻ con, một chiếc xe chở hàng làm bằng bốn tấm ván ghép lại trên những bánh xe to để chở hành lý, chúng trĩu xuống dưới sức nặng của các túi bị, của quần áo cũ, của những đứa trẻ đang ngủ. Đó là những người nghèo, những người không may mắn, những kẻ yếu, những người không biết xoay xở, những người đi đầu cũng bị đẩy xuống hàng cuối cùng, và cũng có cả một vài người quá thận trọng, một vài kẻ quá hà tiện đã trì hoãn đến phút cuối cùng trước giá vé, trước những phí tổn và nguy hiểm của chuyến đi. Nhưng đột nhiên cơn hoảng loạn đã xâm chiếm họ như những người khác. Họ không biết vì sao họ bỏ chạy: cả nước Pháp chìm trong khói lửa, nguy hiểm hiện hữu khắp nơi. Họ không biết chắc là họ đi đâu. Khi họ buông mình ngã quỵ xuống, họ nói rằng họ sẽ không đứng dậy nữa, rằng họ sẽ chết ở đây, rằng chết thì chết, thà rằng cứ nằm yên còn hơn. Họ là những người đầu tiên vùng dậy khi có một chiếc máy bay tới gần. Giữa họ có sự thương xót, lòng nhân từ, một sự thông cảm tích cực và cảnh giác mà giới thường dân chỉ bày tỏ với những người trong bọn họ, chỉ với những người nghèo, và thêm nữa, chỉ trong những thời kỳ đặc biệt đầy hãi hùng và khốn khổ. Đến cả chục lần có những thím những mợ sồ sề to khỏe đưa tay ra đỡ Jeanne Michaud để giúp bà bước đi. Bản thân bà thì dắt tay lũ trẻ trong khi chồng bà vác trên vai khi thì một ba lô quần áo, khi thì cái giỏ đựng một con thỏ sống và khoai tây, những tài sản duy nhất trên đời của một bà già bé nhỏ lên đường đi bộ từ Nanterre. Tuy mệt, đói, lo lắng nhưng Maurice Michaud không cảm thấy quá khổ sở. Ông đang ở một trạng thái tinh thần đặc biệt, ông không cho bản thân mình là quan trọng lắm; trong mắt ông, ông không phải là thứ tạo vật hiếm hoi và không thể thay thế được như cánh đàn ông vẫn quan niệm khi nghĩ về bản thân mình. Đối với những người đồng cam cộng khổ cùng ông, ông cảm thấy thương xót, nhưng đó là một tình cảm tỉnh táo và lạnh lùng. Dù sao đi nữa, những cuộc di tản lớn như vậy của con người dường như đều bị các quy luật tự nhiên điều khiển, ông nghĩ. Hẳn là những cuộc thuyên chuyển định kỳ ồ ạt là cần cho dân chúng cũng như việc chuyển đổi bãi chăn thả là cần cho bầy súc vật. Ông tìm thấy ở đó một sự an ủi kỳ cục. Những người xung quanh ông cho rằng sự rủi ro cứ đặc biệt bám riết theo họ, theo thế hệ khốn khổ của họ; nhưng ông, ông nhớ rằng những cuộc di tản thì thời nào cũng có. Biết bao nhiêu người đã ngã xuống trên mảnh đất này (cũng như trên tất cả những mảnh đất khác của thế giới) với máu hòa nước mắt, khi họ chạy trốn kẻ địch, để lại những thành phố bốc lửa, ôm chặt con cái của mình trước ngực: chẳng có một ai đã từng cảm thông nghĩ đến những người chết nhiều không kể xiết ấy. Trong mắt những hậu duệ của họ, họ cũng chẳng quan trọng hơn lũ gà bị cắt cổ. Ông hình dung thấy những bóng người kêu than ấy đứng dậy trên đường, nghiêng về phía ông, thì thầm vào tai ông:

- Chúng ta đã biết tất cả những thứ này trước ngươi. Tại sao ngươi lại có thể sung sướng hơn chúng ta cơ chứ?

Một bà to béo, bên cạnh ông, rên rỉ:

- Chưa từng bao giờ có những chuyện khủng khiếp như thế này!

- Có chứ, có chứ bà ơi, - ông nhẹ nhàng trả lời.

Họ đi được ba ngày thì thấy những trung đoàn đầu tiên thua chạy. Niềm tin được củng cố vững chắc trong lòng dân Pháp đến nỗi khi nhìn thấy quân lính, những người đi lánh nạn cứ tưởng rằng họ sắp giao chiến, rằng Bộ Chỉ huy Tối cao đã ban lệnh quy tụ các lực lượng vũ trang còn nguyên vẹn như vậy ra mặt trận, bằng cách đi thành từng toán nhỏ, qua những con đường quanh co. Niềm hy vọng này nâng đỡ họ. Quân lính không tỏ ra nhiều lời. Hầu như tất cả đều rầu rĩ và trầm tư. Một vài người ngủ trong góc xe tải. Những chiếc xe tăng nặng nề tiến trong cát bụi, được ngụy trang bằng những cành cây nhẹ. Giữa những chùm lá úa tàn vì ánh nắng gay gắt hiện ra những gương mặt nhợt nhạt, mệt mỏi, vẻ tức giận và kiệt quệ.

Giữa những gương mặt ấy, bà Michaud không ngớt tưởng như nhận ra con trai mình. Không có ngày nào bà nhìn thấy số của trung đoàn anh cả nhưng có một thứ ảo giác cứ xâm chiếm lấy bà: mỗi một khuôn mặt không quen biết, mỗi một ánh mắt, mỗi một giọng nói trai trẻ vang đến tai bà đều gây cho bà một sự xúc động đột ngột đến nỗi bà bất thình lình dừng lại, đặt tay lên ngực và yếu ớt thì thầm:

- Ôi! Maurice, có phải là...

- Gì vậy?

- Không! Chẳng có gì cả...

Nhưng ông chẳng dễ bị lừa. Ông lắc đầu.

- Em cứ nhìn thấy con trai em ở khắp nơi thôi, Jeanne tội nghiệp của anh!

Bà chỉ thở dài.

- Cậu ta giống con nó nhỉ, anh có thấy thế không?

Dù sao thì chuyện đó có thể xảy ra lắm chứ. Nó có thể bất ngờ xuất hiện bên cạnh bà, thằng con trai của bà, thằng Jean-Marie của bà thoát chết trở về, kêu lên với bà bằng cái giọng vui vẻ và âu yếm của nó, cái giọng nói mạnh mẽ và dịu dàng mà nó vốn có, bà tưởng như vẫn còn nghe thấy: “Bố mẹ làm gì ở đây cả hai người thế này?”

Ôi! Chỉ cần được nhìn thấy nó, siết chặt nó vào người mình, cảm thấy cái má tươi mát và rắn chắc của nó chạm vào môi mình, thấy đôi mắt đẹp của nó ánh lên cạnh mắt mình, cái ánh mắt sắc sảo và linh hoạt ấy. Nó có đôi mắt màu hạt dẻ với hàng mi dài như con gái và nhìn được biết bao nhiêu là thứ! Ngay từ khi nó còn bé bà đã dạy nó biết nhìn nhận khía cạnh khôi hài và cảm động của những người khác. Bà thích cười và hay thương xót mọi người, “mẹ có tinh thần Dickens, mẹ ạ”, nó thường nói như thế. Hai mẹ con bà hiểu nhau biết bao! Họ chế giễu một cách vui vẻ, đôi khi cay độc, đối với những người khiến họ phải phàn nàn; thế rồi một lời nói, một cử chỉ, một tiếng thở dài lại làm họ nguôi đi. Maurice thì khác: ông điềm tĩnh hơn và lạnh lùng hơn. Bà yêu và ngưỡng mộ Maurice, nhưng Jean-Marie là... Ôi! Lạy Chúa, đó là tất cả những gì mà bà mong muốn trở thành, tất cả những gì mà bà đã từng mơ ước, và là cái tốt đẹp nhất trong bà, và là niềm vui của bà, hy vọng của bà... “Con trai của mẹ, con bé bỏng yêu dấu của mẹ, Jeannot của mẹ,” bà nghĩ, lại gọi con trai bằng cái biệt danh của cậu hồi năm tuổi, những lúc bà dịu dàng nắm tai cậu để hôn cậu, lật ngửa đầu cậu về phía sau và dùng miệng cù cậu trong khi cậu phá lên cười.

Đi càng lâu thì những suy nghĩ của bà càng trở nên bồn chồn và lẫn lộn hơn. Bà vốn là người đi bộ giỏi: khi Maurice và bản thân bà còn trẻ trung, họ thường đi lang thang, ba lô trên lưng, về vùng thôn quê, trong những kỳ nghỉ ngắn ngủi của họ. Khi không có đủ tiền để ở khách sạn, họ cứ lên đường đi bộ như vậy, với một ít đồ ăn dự trữ và túi ngủ. Do vậy giờ đây bà không bị mệt bằng những người cùng đi với bà, nhưng cái kính vạn hoa thay đổi không ngừng ấy, những gương mặt không quen biết ấy lướt qua trước bà, hiện ra, lùi xa, biến mất, nó gây ra cho bà một cảm giác đau đớn còn tệ hơn cả sự mệt mỏi về thể chất. “Một cái vòng quay, trong một cái bẫy,” bà nghĩ. Trong đám đông, những chiếc ô tô bị mắc kẹt như những cọng cỏ mà người ta thường thấy bập bềnh trên mặt nước, bị giữ lại bồi những sợi dây vô hình, trong khi dòng thác cuốn đi tất cả các thứ xung quanh. Jeanne quay mặt đi để khỏi phải nhìn thấy những chiếc ô tô ấy. Chúng đầu độc không khí bằng mùi xăng, chúng làm điếc tai người đi bộ bằng tiếng còi vô ích, đòi hỏi một lối đi mà người ta không thể cho chúng được. Nhìn sự tức giận đầy bất lực của những người lái xe hay sự nhẫn nhục ủ ê của họ, những người đi lánh nạn thấy được an ủi trong lòng. Họ nói với nhau: “Bọn kia không đi nhanh hơn chúng ta đâu!” và cảm xúc về một nỗi bất hạnh chung xem ra có vẻ ngọt ngào với họ.

Những người chạy loạn đi thành từng nhóm nhỏ. Chẳng rõ sự ngẫu nhiên nào đã xô đẩy họ vào với nhau ở các cửa ô Paris và bây giờ thì họ không rời xa nhau nữa, dù rằng chẳng ai biết đến tên của người đi cạnh. Cùng đi với vợ chồng Michaud có một phụ nữ cao và gầy, mặc một cái áo măng tô thảm hại đã cũ sờn và đeo đồ nữ trang giả. Jeanne thoáng tự hỏi lý do nào có thể xui khiến người ta khi đi chạy loạn lại đeo vào tai hai viên ngọc trai nhân tạo với một tí tẹo kim cương bao quanh, đeo vào ngón tay những viên thạch anh xanh đỏ, đính vào ngực áo một cái trâm thủy tinh giả ngọc nạm những viên hoàng ngọc bé tí xíu. Tiếp đến là một bà gác cổng đi cùng con gái, bà mẹ nhỏ bé và nhợt nhạt, đứa bé nặng nề và to khỏe, cả hai đều mặc đồ đen và kéo theo trong đống hành lý của họ bức ảnh chân dung một người đàn ông to béo có bộ ria mép dài và đen. “Chồng tôi, làm bảo vệ nghĩa địa,” người đàn bà nói. Em gái bà ta cũng đi cùng, cô này đang có bầu và đẩy một chiếc xe có đứa bé đang ngủ. Một cô gái trẻ măng! Mỗi khi có một đoàn xe quân đội đi qua, cô cũng rùng mình và tìm kiếm ai đó trong đám đông. “Chồng tôi đang ở đằng ấy,” cô nói; ở đằng ấy hay có lẽ là ở đây... tất cả đều có thể. Và Jeanne thổ lộ với cô, hẳn là đến lần thứ một trăm rồi... nhưng bà không còn biết rõ lắm là bà đang nói gì nữa: “Con trai tôi cũng vậy, con tôi cũng vậy...”

Lúc ấy họ vẫn chưa bị nã súng máy. Khi điều đó xảy ra, thoạt tiên họ không hiểu gì cả. Họ nghe thấy một tiếng nổ, một tiếng nữa, rồi những tiếng kêu thét: “Ai chạy được thì chạy đi! Nằm xuống đất! Nằm xuống đi!” Họ tức khắc lao người nằm bẹp xuống đất, và Jeanne lơ mơ nghĩ: “Chắc chúng mình trông lố bịch lắm!” Bà không sợ, nhưng tim bà đập mạnh đến nỗi bà phải lấy hai bàn tay ép nó lại, thở hổn hển, áp ngực vào một phiến đá. Bà cảm thấy sượt qua dưới miệng mình là một ngọn cỏ phía trên đầu gắn một bông hoa chuông nhỏ màu hồng. Sau đó bà nhớ lại rằng trong lúc họ nằm ở đấy, có một con bướm nhỏ màu trắng bay nhởn nhơ từ bông hoa này sang bông hoa khác. Cuối cùng bà nghe thấy một giọng nói vào tai bà: “Hết rồi, bọn chúng đã đi rồi.” Bà đứng dậy và máy móc phủi chiếc váy dính đầy bụi của mình. Hình như không ai bị sao cả. Nhưng bước đi được một lát thì họ nhìn thấy những người chết đầu tiên: hai người đàn ông và một người đàn bà. Thân thể những người này nát bấy và ngẫu nhiên cả ba khuôn mặt đều còn nguyên vẹn, những khuôn mặt thật ủ ê, thật tầm thường, với vẻ sửng sốt, chăm chú và ngớ ngẩn như thể họ cố mà không sao hiểu nổi điều gì đã xảy ra với họ, những gương mặt chẳng được chuẩn bị là bao, trời ơi, cho một cái chết thời chiến, chẳng được chuẩn bị là bao cho cái chết. Người đàn bà kia, cả đời, chắc chẳng nói điều gì khác ngoài “tỏi tây lại tăng giá” hay “con lợn nào làm bẩn sàn nhà của tôi đây?”

Nhưng mình biết gì về họ nhỉ? Jeanne tự hỏi. Biết đâu lại là cả kho trí tuệ và tình cảm đằng sau cái trán thấp kia, dưới những sợi tóc xỉn màu và rối bù kia. Chúng ta là ai trong mắt mọi người, Maurice và mình, nếu không phải là một cặp vợ chồng viên chức nghèo xoàng xĩnh? Điều đó đúng ở một nghĩa, nhưng ở nghĩa khác thì chúng ta lại đáng quý và hiếm hoi. Điều đó thì mình cũng biết. “Thật là một sự lãng phí ghê tởm,” bà lại nghĩ.

Bà tựa vào vai Maurice, run rẩy và má đẫm nước mắt.

- Chúng ta đi nữa đi, - ông vừa nói vừa nhẹ nhàng kéo bà đi.

Cả hai đều nghĩ: “Để làm gì nhỉ?” Chắc họ chẳng bao giờ đến được Tours. Nhà băng có còn không chứ? Liệu ông Corbin có bị vùi dưới đống đố nát cùng với những hồ sơ của ông ta? Với những cổ phiếu của ông ta? Với cô vũ nữ của ông ta? và với những đồ nữ trang của vợ ông ta? Nhưng nếu thế thì lại quá đẹp, Jeanne nghĩ với một cảm xúc độc ác trào dâng. Tuy vậy, bước thấp bước cao, Maurice và bà lại lên đường. Họ chẳng có việc gì để làm nữa ngoài việc bước đi và phó thác mình vào bàn tay Thượng đế.

12

Cái nhóm nhỏ gồm vợ chồng Michaud và những người đồng hành đã được thu nhận vào tối thứ Sáu. Một chiếc xe tải quân sự đã đón họ lên. Họ đi xe trong phần đêm còn lại, nằm giữa những chiếc hòm. Họ tới một thành phố mà có lẽ họ chẳng bao giờ biết tên. Đường sắt vẫn còn nguyên vẹn, người ta thông báo với họ như vậy. Họ có thể đi thẳng đến Tours. Jeanne bước vào ngôi nhà đầu tiên mà bà thấy trên đường đi ở vùng ngoại ô và xin phép được rửa ráy. Căn bếp đã chật ních những người đi lánh nạn đang giặt đồ trong bồn rửa, nên người ta đưa Jeanne ra vườn và bà rửa ráy ở ống bơm nước. Trước đó Maurice đã mua một cái gương bé được gắn vào một sợi dây chuyền nhỏ; ông treo gương lên một cành cây và cạo râu. Sau đó họ cảm thấy dễ chịu hơn, sẵn sàng đương đầu với việc phải chờ đợi thật lâu trước cửa doanh trại, nơi người ta phân phát súp, và còn đợi lâu hơn nữa trước các quầy bán vé hạng ba ở ga. Họ đã ăn xong; họ đang đi ngang qua quảng trường trước nhà ga thì nổ ra một trận ném bom. Những chiếc máy bay địch đã bay lượn không ngừng phía trên thành phố từ ba ngày nay. Người ta không ngớt kéo chuông báo động. Thực ra thì đó là một cái máy báo hỏa hoạn cũ được dùng làm chuông báo động; trong tiếng ồn ào huyên náo của xe cộ, của tiếng trẻ con kêu khóc, của đám đông hoảng hốt, người ta chỉ thoáng nghe thấy tiếng chuông lanh canh yếu ớt và lố bịch ấy. Dân chúng đi đến, xuống khỏi tàu hỏa và hỏi: “Này, báo động đấy à?” Người ta trả lời: “Không đâu, hết rồi”, và năm phút sau tiếng chuông yếu ớt lại vang lên. Mọi người cười. Ở đây vẫn còn những cửa hàng mở cửa, những bé gái chơi lò cò trên hè phố, những con chó chạy trong đám bụi bên cạnh tòa nhà thờ cũ. Người ta thậm chí còn không lo ngại trước những chiếc máy bay Ý và Đức lặng lẽ lượn phía trên thành phố. Rốt cuộc người ta đã quen với chúng.

Bỗng nhiên một chiếc máy bay trong số đó tách khỏi bầu trời, đâm bổ về phía đám đông. Jeanne nghĩ: “Nó đang rơi”, rồi: “Nhưng nó bắn kìa, nó sắp bắn, chúng ta tiêu rồi...” Theo bản năng bà đưa tay bịt miệng để khỏi kêu rú lên. Những quả bom dội xuống nhà ga và xa hơn một chút, chúng dội trên con đường sắt. Những tấm mái kính nhà ga sụp xuống và bắn tung tóe ra quảng trường, làm bị thương và giết chết những người đang ở đó. Có những người đàn bà lên cơn hoảng loạn, vứt bỏ con mình như vứt những gói đồ vướng víu và bỏ chạy. Những người đàn bà khác thì túm lấy con mình và ghì chúng vào người chặt đến mức như thể họ muốn cho chúng vào lại trong bụng, và như thể đó là nơi che chở chắc chắn duy nhất. Một người đàn bà khốn khổ nằm lăn dưới chân Jeanne: đó là người đàn bà đeo ngọc giả. Những viên ngọc lấp lánh trên cổ và trên những ngón tay bà ta và từ cái đầu bị vỡ của bà ta máu tuôn ra. Những giọt máu nóng ấy bắn vào váy của Jeanne, vào tất và giày của bà. May thay, bà không có thời gian để ngắm những người chết xung quanh mình! Những người bị thương kêu cứu dưới đống gạch đá và kính vỡ. Bà chạy ra chỗ Maurice và mấy người đàn ông khác đang cố dỡ đống đổ nát. Nhưng công việc này quá nặng đối với bà. Bà không thể làm được. Bà bèn nghĩ tới những đứa trẻ đang đi lang thang một cách thảm thương trên quảng trường, tìm mẹ. Bà gọi chúng, dắt tay chúng, tập hợp chúng ra xa một chút, dưới cổng nhà thờ, rồi bà quay lại đám đông và khi thấy một phụ nữ cuống cuồng, gào rú, chạy từ chỗ này sang chỗ khác, bà lên tiếng bằng một giọng bình tĩnh và mạnh mẽ, thật bình tĩnh và thật mạnh mẽ đến nỗi chính bà cũng phải ngạc nhiên:

- Lũ trẻ đang ở cửa nhà thờ đấy. Các chị ra đó nhận con đi. Ai để lạc mất con thì hãy ra nhà thờ tìm con nhé.

Những người đàn bà lao bổ về phía nhà thờ. Lúc thì họ khóc, lúc thì họ phá lên cười, lúc thì họ phát ra một thứ tiếng gào rú hoang dại, tắc nghẹn, nghe không giống tiếng gì hết. Lũ trẻ bình tĩnh hơn nhiều. Nước mắt chúng khô nhanh chóng. Các bà mẹ mang con đi, ôm chặt chúng vào lòng. Không ai nghĩ đến chuyện cám ơn Jeanne. Bà quay lại quảng trường, ở đó người ta nói với bà rằng thành phố bị tổn hại ít thôi nhưng có một đoàn tàu y tế đã bị trúng bom khi đang vào ga; tuy vậy tuyến đường đi Tours vẫn không bị hư hại. Hiện giờ chuyến tàu tới đó đang chuẩn bị và quãng mười lăm phút nữa sẽ khởi hành. Lập tức quên ngay những người chết và bị thương, mọi người vội vã ra ga, nắm chặt lấy va li và những thùng các tông của mình như những người đắm tàu bám vào phao cứu hộ. Họ tranh nhau giành chỗ. Vợ chồng Michaud nhìn thấy những chiếc băng ca đầu tiên chở lính bị thương. Đám đông chen lấn nhau đến nỗi hai vợ chồng họ không thể đến gần mà cũng không thể nhìn thấy mặt mũi những người lính bị thương. Người ta đưa những người này lên các xe tải, các xe ô tô dân sự và quân sự vừa được vội vã trưng dụng. Jeanne thấy một viên sĩ quan đi tới một chiếc xe tải chở đầy trẻ em, dưới sự dẫn dắt của một linh mục. Bà nghe thấy:

- Tôi rất tiếc, thưa Cha linh mục, nhưng tôi buộc phải lấy chiếc xe tải này. Chúng tôi phải chở các thương binh của chúng tôi đến Blois.

Linh mục ra hiệu cho lũ trẻ bắt đầu xuống xe.

Viên sĩ quan nhắc lại:

- Tôi rất tiếc, thưa Cha linh mục. Chắc đây là một trường học?

- Một viện mồ côi.

- Tôi sẽ gửi xe tải trả lại Cha nếu tôi kiếm được xăng.

Lũ trẻ, những thiếu niên từ mười bốn đến mười tám tuổi, tất cả đều xách túi hành lý nhỏ của mình trên tay, xuống xe và tập hợp xung quanh linh mục. Maurice quay về phía bà vợ.

- Đi thôi chứ?

- Vâng. Khoan đã.

- Có chuyện gì vậy?

Bà cố nhìn những chiếc cáng thương nối nhau xuyên qua đám đông. Nhưng có nhiều người quá: bà chẳng nhìn thấy gì hết. Bên cạnh bà có một phụ nữ khác cũng đứng kiễng chân. Môi chị mấp máy nhưng không thốt lên được một lời nào rõ ràng: chị đang cầu nguyện hay đang lặp đi lặp lại một cái tên. Chị nhìn Jeanne.

- Lúc nào ta cũng nghĩ là sẽ thấy người nhà mình, bà nhỉ? - chị nói.

Bà thở dài yếu ớt. Quả thực chẳng có lý do gì để chính là con trai bà chứ không phải là người nhà của ai đó hiện ra, đột ngột, trước mắt bà, con bà, con trai của bà, tình yêu thương của bà. Có thể nó đang ở một góc yên tĩnh nào đó chăng? Những trận chiến khủng khiếp nhất vẫn chừa lại những vùng nguyên vẹn, yên ổn giữa những hàng rào lửa.

Bà hỏi người phụ nữ bên cạnh:

- Chị có biết chuyến tàu này từ đâu đến không?

- Không.

- Có nhiều nạn nhân không?

- Nghe nói có hai toa đầy người chết.

Bà thôi không cưỡng lại khi Maurice kéo bà đi nữa. Một cách vất vả, họ lách đường đi ra đến ga. Chốc chốc họ lại bước qua những viên đá vụn, những khối đá và những đống kính vỡ. Cuối cùng họ cũng đến được đường ke số ba, nơi đỗ của chuyến tàu điTours, một chuyến tàu chợ tỉnh lẻ, yên tĩnh và màu đen, đang nhả khói.