Buồn nôn - Chương 19

Những hình ảnh dị kỳ, chúng biểu tượng cho một mớ những sự vật. Không phải những sự vật đích thực, nhưng là những sự vật khác tương tự. Những đối vật bằng gỗ tương tự những chiếc ghế, những đôi guốc, những đối vật khác tương tự với những cây cối. Và rồi là hai khuôn mặt: đấy là cặp nhân tình đã dùng bữa gần bàn tôi hôm chủ nhật, tại quán Vézelize. To béo, nóng sốt, gợi cảm, phi lý, với đôi lỗ tai đỏ nhừ. Tôi đã nhìn thấy đôi vai và chiếc cổ họng của người đàn bà. Hiện hữu trần truồng. Hai người trẻ tuổi đó, điều này đột nhiên làm tôi khiếp hãi, hai người ấy lại tiếp tục hiện hữu ở nơi nào đó trong thành phố Bouville; một nơi nào đó, giữa những mùi vị nào? Chiếc cổ họng êm ái nọ còn tiếp tục ve vuốt làn vải êm mát, tiếp tục nép mình trong những chiếc dây treo, và người đàn bà tiếp tục cảm thấy cổ họng mình hiện hữu trong lần áo lót, hắn phải nghĩ rằng: “Đôi nhũ hoa, những quả cây tươi ngon của tôi” với nụ cười bí ẩn, chăm chú chờ đôi nhũ hoa căng phồng lên làm nàng nhột nhạt. Và rồi tôi đã la to lên và tôi đã tìm gặp lại đôi mắt mở lớn.

Có phải tôi đã mộng thấy sự hiện diện vĩ đại kia không? Nó đấy, dựng đứng trên khu công viên, ngã nhào xuống trong những lùm cây, mềm nhũn, nhiễm độc cả, dày đặc, một thứ mứt ngọt. Và tôi, tôi đã hiện hữu trong đó, cùng với toàn thể khu vườn? Tôi sợ hãi, nhưng nhất là, tôi đã nổi giận, tôi cho rằng điều đó quá ngu ngốc, quá bất ổn, tôi thù ghét chất mứt đê tiện nọ. Chất mứt dẫy đầy, chất mứt tràn lan! Nó bay lên tận trời, nó tỏa khắp mọi nơi, nó phủ đầy tất cả bằng vẻ chán nản nhừa nhựa của mình và tôi nhìn thấy những chiều sâu, sâu hút xa hơn cả những giới hạn của khu vườn, những ngôi nhà và Bouville, tôi còn ở Bouville nữa, không ở nơi nào cả, tôi đang bồng bềnh trôi. Tôi không kinh ngạc, tôi biết rằng đó là thế giới, thế giới trần truồng đột nhiên lộ xuất, và tôi tức giận đến nghẹn thở cái hữu thể phi lý vĩ đại kia. Người ta chẳng có thể tự hỏi cái đó nảy sinh từ đâu, tất cả những cái đó cũng chẳng tự hỏi được làm sao mà thế giới lại hiện hữu, thay vì không gì cả. Điều ấy chẳng có nghĩa gì, thế giới đã hiện diện khắp nơi, đằng trước, đằng sau. Tuyệt chẳng có gì trước khi thế giới hiện hữu. Chẳng có gì. Chẳng có giây phút nào mà thế giới đã không thể không hiện hữu. Chính điều này làm tôi giận dữ: hiển nhiênlà chẳng có bất cứ lý do nào cho nó hiện hữu, cái loài côn trùng mềm nhão này. Nhưng không thể nào nó lại không hiện hữu. Đấy là điều không thể nghĩ tưởng được: để tưởng tượng ra hư vô thì người ta lại đã hiện hữu rồi, giữa lòng thế giới và đôi mắt mở to, sinh động; hư vô, hư vô chỉ là một ý tưởng trong đầu óc tôi, một ý tưởng đang hiện hữu bềnh bồng trong cõi bao la này: trạng thái hư vô đó đã không đến trước hiện hữu, nó là một hiện hữu khác, và đã xuất hiện sau nhiều hiện hữu khác. Tôi la lên: “Nhơ bẩn, chó chết!”. Và tôi lắc đầu để giải thoát mình ra khỏi tình trạng nhơ bẩn hiểm độc này, nhưng hiện hữu vẫn còn đó và có vô số, hàng ngàn hàng vạn hiện hữu, hoài hoài không dứt: tôi nghẹn thở dưới đáy sâu của nỗi kinh tởm bao la nọ. Và rồi đột nhiên, khu vườn biến mất tựa hồ chìm hẳn vào trong một chiếc lỗ hổng vĩ đại, thế giới đã biến dạng theo cùng lối như khi nó đến, hoặc là tôi đã tỉnh dậy - dù sao, tôi cũng không còn nhìn thấy nó nữa; chỉ còn lại màu đất vàng chung quanh tôi, từ đó nảy lên những cành khô dựng đứng lên trời.

Tôi đứng lên, bước ra khỏi vườn. Đến bên chiếc cửa lưới sắt, tôi quay lại. Lúc đó khu vườn đã mỉm cười với tôi. Tôi tựa người vào chiếc cửa lưới và tôi đã nhìn sững giờ lâu. Nụ cười mỉm của những chiếc cây, của đám nguyệt quế, đã muốn nói lên điều gì; đấy chính là nỗi bí ẩn đích thực của hiện hữu. Tôi nhớ lại rằng vào một ngày chủ nhật nọ, cách đây không lâu hơn ba tuần, tôi đã bắt chợt trên những sự vật một thứ dáng điệu đồng lõa. Có phải dáng điệu đó nhằm gởi đến tôi không? Tôi buồn bã cảm nhận rằng tôi đã chẳng có bất cứ phương tiện nào để hiểu cho thấu đáo. Chẳng có bất kỳ phương tiện nào. Tuy nhiên, nó đấy, trong niềm chờ đợi, nó tương tự một cái nhìn. Nó đấy, trên thân cây dẻ... nó chính là cây dẻ. Những vật thể, người ta đã bảo chúng là những tư tưởng dừng lại nửa vời, những tư tưởng tự quên lãng mình, những tư tưởng quên lãng những gì chúng đã muốn suy tưởng đến và chúng tồn tại như thế đó, đong đưa, dao động, với một chút ý nghĩa kỳ dị vượt thoát khỏi chúng. Mỗi ý nghĩa bé nhỏ đó đều làm tôi bực bội: tôi đã không thể hiểu nó, dẫu cho tôi có trải qua một trăm kiếp tựa người vào cửa lưới; về hiện hữu, tôi đã học biết tất cả những gì có thể biết được. Tôi đã cất bước, quay về khách sạn và ở đấy, tôi đã viết lại những dòng này.

Giữa đêm.

Tôi đã quyết định. Không còn lý do gì nữa để lưu lại Bouville vì tôi chẳng viết tiếp cuốn sách; tôi sẽ đến sống tại Ba Lê. Ngày thứ sáu, tôi sẽ đáp chuyến tàu hỏa năm giờ, thứ bảy tôi sẽ gặp lại Anny; tôi nghĩ rằng hai đứa sẽ sống chung nhau vài ngày. Kế đó tôi sẽ quay lại đây để thanh toán một vài công việc và sửa soạn hành lý. Chậm lắm là vào ngày 1 tháng ba, tôi sẽ vĩnh viễn lập nghiệp tại Ba Lê.

Thứ sáu.

“Au Rendez-vous des Cheminots”. Chuyến tàu tôi đi sẽ khởi hành trong hai mươi phút nữa. Chiếc máy hát. Ấn tượng phiêu lưu mãnh liệt.

Thứ bảy.

Anny ra mở cửa đón tôi, trong chiếc áo dài đen. Dĩ nhiên, nàng không đưa tay cho tôi bắt, nàng không chào tôi. Tôi để bàn tay phải trong túi áo khoác. Nàng nói bằng một giọng hờn dỗi và rất nhanh, để tránh những hình thức xã giao:

“Anh vào đi, và ngồi đâu thì ngồi, trừ chiếc ghế bành gần cửa sổ”.

Đúng là nàng, đúng thật là nàng. Nàng buông thõng hai tay, khuôn mặt ảo não, khuôn mặt ngày xưa đã làm cho nàng có vẻ một cô gái ở tuổi dậy thì. Nhưng bây giờ nàng chẳng giống một cô gái nữa. Nàng mập ù, bộ ngực nàng thật vĩ đại.

Nàng đóng cửa lại, trầm ngâm tự nói một mình:

“Không biết có nên ngồi trên giường... hay không...”

Cuối cùng nàng buông người trên một loại thùng phủ bằng một tấm thảm. Dáng điệu nàng không còn như xưa. Nàng đi đứng với một vẻ nặng nề trang trọng nhưng không kém phần duyên dáng: nàng có vẻ lúng túng vì sự mập mạp đầy mới lạ của mình. Tuy nhiên, dù sao cũng chính là nàng, chính là Anny.

Anny phá lên cười.

“Tại sao em cười?”

Nàng không trả lời ngay, đó là thói quen của nàng, và tỏ một dáng điệu gàn bướng:

“Hãy nói tại sao?”

“Tại vì cái cười độ lượng của anh khi mới bước vào phòng. Anh có vẻ một ông bố vừa mới gả chồng cho con gái. Nào, đừng đứng như thế nữa. Hãy cất áo choàng đi và ngồi xuống, ừ, ngồi đấy cũng được”.

Một lúc im lặng tiếp theo, mà Anny không tìm cách phá vỡ. Căn phòng trơ trọi làm sao! Ngày xưa, trong tất cả cuộc du lịch, Anny đều đem theo một chiếc va li lớn đầy những khăn choàng, khăn bịt đầu, khăn trùm đầu, mặt nạ Nhật Bản, những hình ảnh Épinal. Ngay khi vừa bước xuống, vào một khách sạn - và nàng chỉ ở lại đó một đêm - công việc đầu tiên của nàng là mở va li, lấy hết những “của cải” của nàng ra, rồi nàng treo lên tường, móc lên cây đèn, trải trên bàn hay dưới đất theo một thứ tự biến đổi và phức tạp: trong không đầy nửa giờ, căn phòng tầm thường nhất mặc lấy một nhân cách nặng nề và gợi cảm hầu như không thể chịu đựng nổi. Có lẽ chiếc va li đã bị lạc mất và đang còn ở phòng gởi hành lý... Căn phòng lạnh lẽo này, với chiếc cửa mở hé sang phòng rửa mặt, bao phủ một vẻ gì ảm đạm. Nó giống với căn phòng của tôi ở Bouville, ngoại trừ tính cách xa hoa và buồn thảm hơn.

Anny vẫn cười. Tôi nhận ngay ra đúng là giọng cười rất cao và hơi chịt trong lỗ mũi.

“Này, anh đã chẳng thay đổi gì cả: anh đang tìm gì với cái vẻ mặt hoảng hốt như thế?”

Nàng mỉm cười, nhưng cái nhìn của nàng soi bói tôi với một vẻ tò mò hầu như đầy ác cảm.

“Anh chỉ nghĩ rằng căn phòng này chẳng có vẻ đang được em lưu ngụ cả.”

“Thế à?” nàng đáp trổng.

Một khoảng im lặng nữa. Bây giờ Anny đã ngồi xuống giường, nàng trông rất xanh xao trong chiếc áo dài đen, nàng nhìn chăm tôi, bằng một vẻ trầm lặng, lông mày hơi nhướng cao lên một tí. Nàng chẳng có gì để nói với tôi sao? Tại sao nàng lại mời tôi đến? Không khí im lặng này thật khó chịu.

Đột nhiên, tôi bảo nàng giọng thương hại:

“Anh vui mừng gặp lại em.”

Chữ cuối cùng tắc nghẹn trong cuống họng tôi: nếu chỉ để nói như thế, thì chẳng thà tôi im lặng còn hơn. Chắc chắn nàng sắp sửa nổi giận, tôi nghĩ rất đúng rằng giờ khắc đầu tiên sẽ rất nhọc nhằn. Xưa kia, khi gặp lại Anny, dù rằng chỉ sau một thời gian vắng mặt lâu hai mươi bốn tiếng đồng hồ, dù rằng vào buổi sáng khi thức dậy, chẳng bao giờ tôi biết tìm ra được những lời nàng đang chờ đợi, những lời thích hợp với chiếc áo nàng đang mặc, với thời tiết, với những lời cuối cùng chúng tôi đã thốt ra đêm trước. Nhưng mà nàng đang muốn gì? Quả thật tôi chẳng thể đoán ra.

Tôi nhướng mắt lên. Anny nhìn tôi, thoáng vẻ dịu dàng.

“Vậy ra, anh chẳng thay đổi gì cả? Anh luôn luôn “ngố” thế sao?”

Khuôn mặt nàng biểu lộ sự thỏa mãn. Nhưng nàng có vẻ nhọc mệt làm sao!

“Anh là một cột trụ chỉ đường, nàng tiếp, một cây trụ chôn bên vệ đường. Anh trơ trơ giải thích và anh sẽ dùng cả đời mình để giải thích rằng Melun cách hai mươi bảy cây số và Montargis cách bốn mươi hai cây. Đó là lý do vì sao em cần đến anh như thế.”

“Cần đến anh? Em đã cần đến anh trong suốt bốn năm, bốn năm anh chẳng hề gặp em? Này, em kín đáo thật đấy nhé.”

Tôi vừa nói vừa cười: nàng có thể tưởng rằng tôi đang giữ lòng oán hận đối với nàng. Tôi cảm thấy nụ cười đó rất giả tạo, gượng gạo tận miệng, tôi khó chịu.

“Anh quả là ngốc nghếch! Dĩ nhiên, em đã chẳng cần gặp anh, nếu đấy là điều anh muốn nói. Anh biết chứ, anh tuyệt chẳng có gì đặc biệt làm vui thích mắt nhìn. Em đang cần anh hiện hữu, và anh không thay đổi. Anh tựa như chiếc thước mẫu bằng bạch kim mà người ta bảo tồn đâu đó tại Ba Lê hay các vùng phụ cận. Em chẳng nghĩ rằng có kẻ lại nảy ra ý muốn nhìn thấy nó.”

“Đấy là điều làm em lầm lẫn.”

“Rốt cuộc, chẳng quan hệ gì, em không lầm đâu. Này, em hài lòng được biết rằng nó hiện hữu và đo đúng một phần mười ngàn của một phần tư kinh tuyến trái đất. Em nghĩ đến điều đó mỗi lần người ta đo đạc trong một ngôi nhà hay bán vải từng thước cho em.”

“Thế à?” tôi lạnh nhạt bảo.

“Nhưng anh biết, em rất có thể chỉ nghĩ đến anh như nghĩ đến một đức hạnh trừu tượng, một loại giới hạn. Anh phải cám ơn em vì em cứ nhớ gợi khuôn mặt anh mỗi lần.”

Vậy là những cuộc tranh luận dẳng dai mà ngày xưa nàng thường bắt tôi tham dự đã tái diễn, khi trong lòng tôi có những thèm muốn đơn giản và tầm thường, như bảo nàng rằng tôi yêu nàng, như ôm nàng trong đôi tay. Ngày hôm nay, tôi chẳng thèm muốn, khát khao gì. Có lẽ ngoại trừ nỗi thèm muốn được im lặng nhìn ngắm nàng, nỗi thèm muốn được thể hiện trong im lặng tất cả tầm quan trọng của biến cố dị thường đang diễn ra: sự hiện diện của Anny trước mặt tôi. Và đối với Anny, ngày này có giống với những ngày khác chăng? Đôi bàn tay nàng không run rẩy. Hẳn nàng phải có một điều gì cần nói vào ngày nàng viết thư cho tôi - hoặc có lẽ, đấy chỉ là một hứng thích nhất thời, bất chợt. Hiện giờ, chẳng có câu hỏi nào được thốt lên, từ khá lâu.

Đột nhiên Anny mỉm cười với tôi bằng một vẻ dịu dàng rõ rệt, đến độ nước mắt dâng lên trên mắt tôi.

“Em đã nhìn đến anh nhiều hơn là đến chiếc thước bằng bạch kim. Chẳng có ngày nào em lại không nghĩ đến anh. Và em nhớ anh rõ rệt cho đến cả chi tiết nhỏ nhặt nhất của con người anh.”

Nàng đứng dậy và đến đặt tay trên vai tôi.

“Em đố anh dám nói rằng anh nhớ mặt em; anh, người thường phàn nàn than vãn.”

“Thật quỷ quyệt, tôi bảo, em biết rõ rằng trí nhớ anh tồi lắm.”

“Anh vừa thú nhận đấy nhé: anh đã hoàn toàn quên em. Anh sẽ nhận ra được em ngoài phố không?”

“Dĩ nhiên là có. Không phải vấn đề đó đâu.”

“Anh còn nhận ra nổi màu tóc em không?”

“Còn chứ! Tóc em hoe vàng.”

Nàng cười rũ ra.

“Anh bảo thế một cách kiêu hãnh. Bây giờ, khi đã nhìn thấy tóc em, anh chẳng còn công lao gì nhiều nữa đâu.”

Nàng dùng tay quét tóc tôi.

“Còn anh, tóc anh màu đỏ hoe, nàng nhại lại tôi; lần đầu khi gặp anh, em chẳng bao giờ quên được - anh đội một chiếc mũ mềm xìu ngả sang màu hoa cà, trông thật chối mắt với bộ tóc hoe đỏ của anh. Quả rất bực dọc khi nhìn anh. Mũ anh đâu rồi? Em muốn biết anh có luôn luôn kém “gu” như thế không.”

“Anh chẳng đội mũ nữa.”

Nàng thổi nhẹ một hơi, vừa hé mắt nhìn.

“Anh đã không tự lực nhận ra điều ấy một mình đấy chứ? Này, em ngợi khen anh đó. Dĩ nhiên! Duy có điều, phải nghĩ đến nó. Mái tóc anh chẳng đội gì lên được đâu, chúng tương phản với mọi kiểu mũ, với những đệm ghế bành, ngay cả với tấm thảm trải tường dùng làm “phông”. Hoặc giả anh phải ấn mũ xuống tận mang tai in như chiếc mũ nỉ anh đã mua ở Luân Đôn. Anh thu giấu tóc mình dưới mũ, chẳng ai có thể biết được nữa là anh còn tóc hay không.”

Nàng nói thêm, bằng cái giọng quả quyết nàng thường dùng kết thúc những lần gây gổ trước đây:

“Nó hoàn toàn chẳng đi đôi với anh chút nào”. Tôi chẳng biết là nàng đang có ý muốn nói đến chiếc mũ nào nữa.

“Nếu như anh bảo rằng nó “đi” với anh?”

“Em tin chắc là anh nói thế! Anh chỉ chuyên môn nói thế thôi. Và anh tự ngắm mình một cách lén lút trong những chiếc gương, khi anh tưởng rằng em không nhìn thấy anh.”

Sự hiểu biết về quá khứ này đè nặng lên tôi. Anny cũng chẳng tỏ vẻ gì đang gợi lại những kỷ niệm, giọng nói nàng chẳng có âm độ làm động lòng và xa vắng, thích hợp với loại chuyện đó. Tuồng như nàng đang nói về những chuyện xảy ra ngày hôm nay, hay nhiều nhất là hôm qua; nàng đã duy trì trọn vẹn những ý kiến, những sự ương ngạnh, những mối ác cảm, ghét hận ngày xưa. Đối với tôi, trái lại, tất cả đều chìm ngập trong một tình trạng mơ hồ thơ mộng; tôi sẵn sàng cho mọi nhượng bộ.

Đột nhiên nàng thốt ra bằng một giọng không âm điệu:

“Anh thấy chứ, em đã béo ra, em đã già, em phải tự săn sóc đến mình.”

Vâng, và nàng có vẻ mỏi mệt làm sao! Vì thấy tôi muốn nói, nàng lập tức thêm:

“Em đã diễn kịch, tại Luân Đôn.”

“Với Candler à?”

“Không, không phải với Candler. Em đã nhận ra đúng là anh. Anh cứ cố nhét vào đầu óc ý nghĩ rằng em sẽ diễn kịch với Candler. Biết bao nhiêu lần rồi em phải bảo anh: Candler là một nhạc trưởng! Không, em diễn trong một hí viện nhỏ, Soho Square. Tại đó người ta cho trình diễn vở Emperor Jones, các vở kịch của Sean O'Casey, của Synge, và vở Britannicus.”

Britannicus?” tôi ngạc nhiên hỏi lại.

“Vâng, Britannicus. Chính vì thế mà em đã bỏ đi. Chính em là người đưa ý kiến dựng vở Britannicus; và họ đã muốn em thủ vai Junie.”

“Em nhận chứ?”

“Dĩ nhiên là em chỉ có thể thủ vai Agrippine thôi.”

“Và hiện giờ, em đang làm gì?”

Tôi đã lầm lẫn khi hỏi thế. Sự sống rút lui toàn diện khỏi gương mặt nàng. Tuy nhiên, nàng trả lời ngay:

“Em chẳng diễn kịch nữa. Em đi du lịch. Có một gã đang “bao” em. Vả lại, đấy là một lão già, lão chẳng làm em bực mình.”

“Một lão người Anh chắc?”

“Chuyện đó có ăn thua gì đến anh cơ chứ? Nàng bực dọc hỏi. Chúng ta sẽ không nói về lão đó nữa. Lão chẳng quan trọng gì cả đối với anh lẫn em. Anh dùng trà không?”

Nàng bước vào phòng rửa mặt. Tôi nghe nàng đi đi lại lại, lay động những son quánh và nói một mình; một lời thầm thì the thé và khó hiểu. Trên chiếc bàn đêm gần giường nàng, như thường lệ, có một quyển Lịch Sử Pháp Quốc của Michelet. Bên trên giường, bây giờ tôi mới nhận rõ nàng đã treo một tấm ảnh, tấm ảnh độc nhất, một bản sao lại chân dung Emily Bronté do anh của nữ văn sĩ họa.

Anny trở lại và đột ngột bảo tôi:

“Bây giờ, phải nói về anh cho em nghe.”

Đoạn nàng lại biến dạng vào phòng rửa mặt. Về chuyện đó thì mặc dù trí nhớ rất tồi, tôi vẫn nhớ rõ: nàng đặt ra những câu hỏi trực tiếp như thế, làm tôi quá đỗi bực bội, bởi vì tôi cảm thấy trong những câu hỏi đó vừa biểu lộ một sự chú tâm thành thực, vừa lòng ham muốn kết thúc nó càng chóng càng hay. Dù sao, sau câu hỏi, tôi chẳng còn được phép nghi ngờ gì nữa: nàng muốn một điều gì đó nơi tôi. Lúc này, mới chỉ là những giai đoạn sơ bộ: người ta tự tháo gỡ ra khỏi những gì có thể gây bực bội; người ta vĩnh viễn thanh toán với những cậu hỏi thứ yếu; “Bây giờ, phải nói về anh cho em nghe”. Chốc nữa đây, nàng sẽ nói cho tôi nghe về nàng. Đột nhiên, tôi chẳng muốn thuật lại với nàng bất cứ điều chi. Nào có ích gì? Cơn Buồn Nôn, sự sợ hãi, hiện hữu... Tốt hơn tôi nên giữ riêng cho mình tất cả những thứ đó.

“Nào, nhanh đi”, nàng kêu lên xuyên qua vách ngăn.

Nàng trở lại với một bình trà.

“Anh đang làm gì thế? Anh hiện ở Ba Lê?”

“Anh đang ở Bouville.”

“Bouville? Tại sao? Anh chưa cưới vợ chứ, em hy vọng thế?

“Cưới vợ?” tôi giật mình hỏi nàng.

Tôi rất khó chịu khi thấy Anny có thể nghĩ đến điều ấy. Tôi bảo cho nàng biết.

“Thật phi lý. Đấy thuần là những cái thứ tưởng tượng chất phác mà em đã trách anh ngày xưa. Em biết chứ: khi anh tưởng tượng em góa bụa và là mẹ của hai đứa bé. Và tất cả những câu chuyện mà anh đã thuật cho em về tình trạng của chúng ta. Em ghét chuyện đó mà.”

“Còn anh thì anh thỏa thích với nó, nàng trả lời không chút bối rối. Anh nói thế để làm vẻ mạnh. Vả lại anh giận dữ như thế trong khi chúng ta đàm đạo, nhưng anh có đủ phản bội để một ngày kia lén lút cưới vợ. Trong suốt một năm, anh đã giận dữ phản đối rằng sẽ không đi xem phim “Violettes Impériales”. Rồi ngày nọ, khi em bệnh, anh đã một mình đi xem phim đó ở một rạp nhỏ trong khu phố.”

“Anh đang ở Bouville, vì anh đang viết một cuốn sách về hầu tước De Rollebon”, tôi nói bằng giọng nghiêm trang.

Anny nhìn chăm tôi với một vẻ thích thú đầy chăm chú.

“Hầu tước De Rollebon? Ổng sống vào thế kỷ XVIII chắc?”

“Phải”.

“Anh đã nói với em về chuyện đó, quả thế, nàng bảo một cách trống không. Đấy là một cuốn sách lịch sử?”

“Vâng”.

“Ha! Ha!”

Nếu nàng đặt thêm cho tôi một câu hỏi nữa, chắc tôi sẽ thuật lại hết mọi chuyện với nàng. Song nàng chẳng hỏi thêm gì. Bề ngoài nàng cho rằng đã hiểu biết khá đầy đủ về tôi. Anny rất biết lắng nghe, nhưng chỉ khi nào nàng muốn. Tôi nhìn nàng: nàng đã hạ thấp mi mắt xuống, nàng đang nghĩ đến chuyện sắp nói với tôi, đến cái cách thức nàng sẽ bắt đầu. Đến phiên tôi, tôi có phải đặt câu hỏi cho nàng không? Tôi không tin rằng nàng chịu để tâm đến những lời tôi hỏi. Nàng sẽ nói khi nào nàng cho là nên nói. Tim tôi đập thật mạnh.

Đột nhiên nàng bảo:

“Còn em, em đã thay đổi.”

Đấy là khởi đầu. Nhưng rồi nàng im lặng. Nàng pha trà trong những chiếc tách bằng sứ trắng. Nàng đang chờ tôi mở lời: tôi phải nói lên điều gì, mà phải đúng ngay điều nàng đang chờ đợi. Tôi đang bị khổ hình. Quả thật nàng đã thay đổi chăng? Nàng đã béo ra, nàng đã có vẻ mệt mỏi: chắc chắn đấy không phải là điều nàng muốn nói.

“Anh không biết nữa, anh không nhận ra. Anh đã tìm gặp lại được nụ cười của em, cách thức em đứng dậy và đặt tay lên vai anh, chứng hay lẩm bẩm một mình của em. Em luôn luôn đọc quyển Lịch Sử của Michelet. Và rồi thì một lô những chuyện khác...”

Mối chú tâm sâu xa mà nàng dành cho cái yếu tính vĩnh cửu của tôi và sự dửng dưng hoàn toàn của nàng đối với tất cả những gì có thể xảy đến cho tôi trong cuộc sống - và rồi là cái tính chất cầu kỳ quái dị, vừa thông thái rởm, vừa duyên dáng - và rồi, cái cách thức bãi bỏ ngay từ đầu tất cả những định thức máy móc của phép xã giao thân hữu, tất cả những gì làm dễ dàng những mối tương quan giữa người với nhau, cái cách thức bó buộc những người đối thoại với mình phải luôn luôn sáng tạo, bày đặt ra những gì mới lạ.

Nàng nhún vai:

“Có chứ, em đã thay đổi, nàng bảo với giọng khô khan, em đã hoàn toàn thay đổi. Em chẳng còn y như trước nữa. Em đã nghĩ rằng anh đã nhận ra ngay lúc mới gặp nhau. Và anh lại vừa đem nói với em về cuốn Lịch Sử của Michelet”.

Nàng đến đứng im trước mặt tôi:

“Chúng ta sẽ xem thử anh chàng này quả có mạnh như anh ta thường tự hào không. Nào, tìm đi: em đã thay đổi ở những điểm nào?”

Tôi do dự, nàng giậm chân, miệng vẫn còn mỉm cười nhưng đã thực sự bực mình,

“Ngày xưa, cũng có một điều gì làm anh phải than vãn. Hay ít ra anh cũng cho là như thế. Và bây giờ mọi chuyện đều kết thúc, mất tăm. Anh phải nhận ra điều đó. Anh có còn cảm thấy dễ chịu nữa hay không?”

Tôi chẳng dám trả lời rằng không: hệt như ngày xưa, tôi đang ghé mông ngồi trên ghế, lo lắng tìm cách lẩn tránh những cạm bẫy, làm khuây những cơn giận dữ khó giải thích của nàng.

Nàng đã ngồi xuống lại.

“Này, nàng vừa nói vừa gục gặc đầu với vẻ tin tưởng chắc chắn, nếu như anh không hiểu, thì đấy là vì anh đã quên mất nhiều điều. Nhiều hơn em tưởng nữa. Sao, anh chẳng còn nhớ gì hết về những hành động ác đức của anh ngày xưa à? Anh đến, anh nói, anh bỏ đi. Tất cả đều vào một lúc trái cựa. Anh hãy tưởng tượng rằng đã chẳng có gì thay đổi cả: anh bước vào phòng, sẽ có những mặt nạ, những khăn quàng treo trên tường, em sẽ ngồi trên giường và sẽ bảo anh (nàng ngả đầu ra sau, thở căng lỗ mũi và nói bằng giọng phường tuồng, như để tự chế nhạo chính mình): “Sao?” Anh còn chờ gì nữa? Ngồi xuống đi”. Và dĩ nhiên là em sẽ cẩn thận tránh bảo anh: “Trừ trên chiếc ghế bành gần cửa sổ.”

“Em đang giăng bẫy anh.”

“Không phải là những cạm bẫy đâu... Dĩ nhiên là lúc ấy, về phần anh, sẽ đi thẳng đến ngồi lên chiếc ghế.”

“Và rồi chuyện gì sẽ xảy đến cho anh?”

Tôi vừa hỏi vừa quay lại và tò mò quan sát chiếc ghế bành.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3