Buồn nôn - Chương 20

Chiếc ghế mang một bề ngoài bình thường, có vẻ hiền từ và tiện nghi.

“Chỉ toàn là điều xấu”, Anny trả lời cụt ngủn.

Tôi chẳng nằn nì hỏi thêm. Anny luôn tự vây quanh mình bằng những vật cấm kỵ.

“Anh nghĩ rằng anh đang đoán ra được một đôi điều, đột nhiên tôi bảo nàng. Nhưng nó lại quá đỗi lạ thường. Khoan đã, hãy để anh tìm xem: quả vậy, căn phòng này hoàn toàn trơ trụi. Em phải công bằng mà nhận rằng anh đã lưu ý ngay đến điều đó. Được rồi, anh sẽ bước vào phòng, và anh sẽ nhìn thấy những chiếc mặt nạ treo trên tường và những chiếc khăn choàng và tất cả mọi thứ đó. Luôn luôn khách sạn dừng bước trước ngưỡng cửa phòng em. Phòng em là một cái gì khác hẳn... Em sẽ không ra mở cửa đón anh. Anh sẽ nhận ra em đang nấp vào trong một xó, có lẽ đang ngồi dưới đất trên con chim mồi màu đỏ em luôn mang theo, và em nhìn anh với đôi mắt không tha thứ, trong dáng điệu đợi chờ... Vừa khi anh thốt ra một lời, phác một cử chỉ, lấy lại hơi thở, là lập tức em khởi sự nhíu mày và anh sẽ cảm thấy sâu xa rằng mình là kẻ có tội mà không biết tại sao. Rồi từng phút lại từng phút, anh sẽ dồn chứa những việc vụng về, bước sâu vào trong lầm lỗi...”

“Chuyện ấy đã xảy ra bao nhiêu lần rồi?”

“Hàng trăm lần”.

“Này! Hiện giờ anh có khôn ngoan, tinh tế hơn không?”

“Không!”

“Em thích nghe anh nói thế. Rồi sao nữa.”

“Rồi thì chẳng còn...”

“Ha! Ha! Nàng kêu lên bằng một giọng phường tuồng, anh lại dám nghĩ như thế!”. Nàng êm ái tiếp lời:

“Này, anh có thể tin em: chẳng còn nữa.”

“Chẳng còn giây phút hoàn hảo nữa?”

“Không.”

Tôi sửng sốt. Tôi nài nỉ hỏi thêm:

“Rốt lại, em không... Thế là hết những... bi kịch thoáng qua, trong đó những mặt nạ, những chiếc khăn quàng, những đồ đạc và cả anh nữa, mỗi thứ đều thủ vai tuồng bé nhỏ của mình - còn em, một vai tuồng chính?”

Nàng mỉm cười.

“Đồ bạc bẽo! Đôi khi em đã giao cho giây phút hoàn hảo đó những vai tuồng quan trọng hơn cả chính em: song nó chằng hề biết đến. Ừ, phải: thế là hết. Anh kinh ngạc lắm à?”

“À, vâng, anh kinh ngạc lắm! Anh đã tưởng rằng đó chính là thành phần cần thiết của em và nếu người ta loại bỏ nó đi, thì cũng tương tự như rứt tim em khỏi lồng ngực”.

“Em cũng tin như thế”, nàng nói bằng một vẻ chẳng hối tiếc gì cả. Nàng lại tiếp thêm bằng một thứ giọng mỉa mai gây cho tôi ấn tượng rất khó chịu:

“Nhưng anh thấy rõ rằng em có thể sống mà không cần những thứ đó.”

Nàng đã đan những ngón tay vào nhau và lồng tay ôm đầu gối. Nàng ngước nhìn lên không với một nụ cười mơ hồ làm tươi trẻ lại toàn thể khuôn mặt. Nàng có vẻ một cô bé lớn xác đầy huyền bí và thỏa mãn.

“Vâng, em hài lòng khi thấy anh vẫn y nguyên như cũ. Nếu người ta lại dời chỗ, sơn phết lại, rồi đem chôn anh vào bên lề một con người khác, thì em chẳng còn có gì cố định nữa để nhắm hướng cho mình. Anh đối với em là tối cần. Em thì em thay đổi; còn anh, dĩ nhiên là anh bất động luôn, và em đo lường những sự thay đổi của mình so với anh.”

Tuy thế, tôi cũng cảm thấy hơi bị phật lòng.

“Này, quả thật chẳng đúng chút nào, tôi hăng hái trả lời. Trái lại, anh đã tiến hóa nhiều trong thời gian qua, và thực ra, anh...”

“Ồ, nàng đáp với một vẻ khinh bỉ nặng nề, những thay đổi về mặt trí thức! Em, em đã thay đổi đến cả tròng trắng con mắt.”

Đến cả tròng trắng con mắt... Cái gì trong giọng nói nàng làm tôi rối loạn đến thế? Dù sao, đột nhiên tôi cũng thực hiện một bước nhảy! Tôi thôi còn tìm kiếm một Anny đã mất dạng. Chính cô gái đó, cô gái béo mập với vẻ hoang tàn, đang làm tôi cảm động và là người tôi yêu.

“Em có một loại chắc tâm... thuộc phạm vi thể xác. Em cảm nghiệm rằng chẳng có được những giây phút hoàn hảo. Em cảm nghiệm điều đó đến tận đôi chân khi em bước đi. Em không thể nào quên được nó. Thực ra, chẳng hề có một điều gì có thể được xem như một dấu hiệu mặc khải; em chẳng thể nào nói rõ: kể từ ngày nào, giờ nào, cuộc đời em đã bị chuyển đổi. Nhưng hiện tại, em luôn luôn ở trong tình trạng tựa hồ điều đó vừa mới đột nhiên hiển lộ ra với em vào hôm ưước. Em bị quáng mắt, khó chịu, em chưa tự thích nghi được”.

Nàng nói những lời trên bằng một giọng trầm tĩnh có pha lẫn chút kiêu hãnh rằng mình đã thay đổi nhiều đến như thế. Nàng đong đưa người trên chiếc thùng, với một vẻ duyên dáng lạ thường. Kể từ khi tôi bước vào, chẳng có lúc nào như lúc này nàng lại giống, hết sức giống với Anny ngày xưa, Anny của Marseille. Nàng đã chiếm lại được tôi. Tôi lại chìm sâu vào trong cái vũ trụ kỳ bí của nàng, một vũ trụ ở bên kia sự lố bịch, sự cầu kỳ, sự tinh tế. Tôi còn tìm gặp lại cơn sốt nhẹ luôn luôn lay động tôi mỗi khi nàng hiện diện, và cái mùi vị cay đắng trong tận cùng miệng mình.

Anny đã thôi đan những ngón tay vào nhau và thả lỏng đầu gối xuống. Nàng im lặng. Đấy là một sự im lặng hiệp hòa; như khi ở hí viện, sân khấu rỗng không, trong một thời gian đúng bảy nhịp của bản nhạc. Nàng uống trà. Đoạn đặt tách xuống và giữ thân thể thẳng đơ bằng cách tựa đôi bàn tay nằm lại trên mép thùng.

Đột nhiên, trên mặt nàng lộ ra khuôn mặt diễm lệ của nữ thần Méduse mà tôi hằng yêu say đắm, khuôn mặt phồng căng lên vì thù hận, méo mó, độc hại, Anny chẳng thay đổi cách diễn tả; nàng chỉ thay đổi khuôn mặt: như những diễn viên thời cổ đổi thay mặt nạ: đột ngột. Và mỗi chiếc mặt nạ này được dùng để tạo không khí thích hợp, để làm mẫu cho những gì sắp xảy ra. Chiếc mặt nạ xuất hiện và vẫn giữ nguyên không biến đổi suốt lúc nàng nói. Đoạn, mặt nạ rơi xuống, tách rời khỏi nàng.

Nàng đăm đăm nhìn nhưng dường như không thấy tôi. Nàng sắp sửa nói. Tôi chờ đợi một lời bi thảm, được nâng lên cho xứng với chiếc mặt nạ của nàng, một điệu nhạc tang.

Nàng chỉ thốt lên vỏn vẹn:

“Em đang sống thừa ra.”

“Giọng nói tuyệt chẳng tương xứng với khuôn mặt. Nó không bi thảm, nó... khủng khiếp: nó diễn tả một cơn thất vọng khô cằn, không nước mắt, không xót thương. Vâng, trong con người nàng đã có một cái gì bị khô cằn đi vĩnh viễn.

Chiếc mặt nạ rơi xuống, nàng mỉm cười.

“Em chẳng buồn chút nào. Em thường ngạc nhiên về điều đó, nhưng em đã lầm: tại sao lại buồn chứ? Ngày xưa, em đã có thể có được khá nhiều những đam mê điên cuồng. Em đã thù ghét mẹ em cuồng dại. Còn anh, nàng bảo với vẻ thách đố, em lại yêu anh cuồng nhiệt.”

Nàng chờ một câu đáp trả. Tôi chẳng thốt ra lời nào.

“Tất cả những thứ đó, thế là hết, dĩ nhiên.”

“Làm sao em biết được như vậy?”

“Em biết chứ. Em biết rằng mình sẽ chẳng bao giờ gặp bất cứ cái gì hay bất cứ người nào gợi được trong em nỗi đam mê ngày trước. Anh biết, muốn khởi sự yêu ai, quả là cả một công trình. Mình phải có một nghị lực, một lòng quảng đại, một sự mù quáng... Rồi, ngay từ đầu, có khi còn phải nhảy qua một vực thẳm: nếu suy nghĩ, trù định, người ta sẽ không nhảy qua nữa. Em biết rằng sẽ chẳng bao giờ em còn nhảy qua vực thẳm ấy nữa.”

“Tại sao?”

Nàng liếc nhìn tôi đầy mỉa mai, không trả lời.

“Hiện tại, nàng tiếp, em đang sống trong sự vây phủ của những nỗi đam mê quá vãng. Em thử tìm lại cơn quẫn nộ cuồng dại buổi ban đầu đã xô em nhảy từ trên lầu ba xuống khi em mười hai tuổi, ngày em bị mẹ đánh đòn.”

Nàng nói thêm bằng một vẻ xa vời, chẳng có tương quan rõ rệt.

“Điều không tốt nữa là em chẳng nên nhìn những đồ vật quá lâu. Em nhìn chúng để biết chúng là gì, rồi em lại phải quay mặt đi chỗ khác tức khắc.”

“Nhưng tại sao chứ?”

“Chúng làm em kinh tởm.”

Nhưng người ta có nói rằng?... Dù sao, chắc chắn là có những sự trùng hợp. Đã có lần ở Luân Đôn, chuyện ấy đã xảy ra, hai đứa chúng tôi đã suy nghĩ tách biệt nhau, nhưng lại y như nhau về cùng những đề tài, và gần như cùng một lúc. Tôi muốn rằng... Những tư tưởng của Anny đã xoay quanh bẻ quẹo đi nhiều, chẳng bao giờ người ta chắc chắn hiểu được hoàn toàn. Tôi cần phải hiểu cho rõ mới được.

“Nghe này, anh muốn nói với em: em biết rằng anh chẳng bao giờ hiểu rõ những giây phút hoàn hảo là gì; em đã chẳng khi nào giải thích cho anh nghe cả.”

“Vâng, em biết anh đã chẳng cố gắng tí nào. Bên em, anh làm một chiếc cọc chỉ đường câm lặng.”

“Trời đất! Anh biết chuyện đó đáng giá cho anh những gì rồi.”

“Anh đáng bị hưởng tất cả những gì đã xảy ra cho anh vì anh đáng tội lắm, anh làm em bực mình với cái dáng điệu kiên cố, vững chãi của anh, có vẻ như muốn nói: anh, anh là hình, thường và anh lo thở hút sức khoẻ, anh đầm đìa sức khoẻ tinh thần.”

“Tuy thế, đã hơn trăm lần, anh yêu cầu em giải thích thế nào là một...”

“Đúng thế, nhưng anh yêu cầu bằng một giọng điệu thế nào đó, nàng giận dữ đáp; anh ân cần tới việc học hỏi của mình, đó là sự thực. Anh đã hỏi điều đó với một vẻ thân ái lơ đãng, như thể những bà già hỏi em ngày xưa khi còn bé, em chơi những gì. Thực ra, nàng mơ màng tiếp, em tự vấn không biết có phải anh là người em thù ghét nhất hay không?”

Nàng cố gắng với chính mình, định tĩnh lại và mỉm cười, đôi má còn bốc lửa hồng. Nàng đẹp tuyệt vời.

“Em rất muốn giải thích cho anh biết nó là gì. Hiện giờ, em đủ già để nói cho những bà già chất phác như anh biết những trò chơi thời thơ ấu của em, mà không giận dữ. Nào, nói đi, anh muốn biết chi?”

“Giây phút hoàn hảo là gì?”

“Em đã nói rõ với anh về những hoàn cảnh đặc cách rồi chứ?”

“Chắc là chưa.”

“Rồi, nàng bảo với vẻ tự tin. Hồi ở Aix, nơi cái công trường mà bây giờ em chẳng còn nhớ tên. Chúng mình ngồi trong vườn của một quán cà phê, trời nắng to, dưới những chiếc dù màu da cam. Anh không nhớ à: chúng mình uống nước chanh và em đã tìm thấy những con ruồi chết trong đường bột.”

“À, à, có lẽ...”

“Này, em đã nói điều đó với anh, trong quán cà phê. Em đã nói với anh nhân câu chuyện ấn bản vĩ đại của cuốn Lịch sử Pháp Quốc của Michelet, ấn bản em có được khi còn nhỏ. Nó lớn hơn thế này nhiều và các trang sách mang một màu xanh mét, như bên trong một cây nấm, và chúng cũng bốc lên mùi nấm nữa. Khi cha em chết, cậu Joseph đã cuỗm lấy và mang đi trọn bộ sách. Chính vào ngày đó, em đã gọi cậu là đồ lợn lòi, và mẹ đã đánh đòn em, rồi em nhảy qua cửa sổ.”

“Vâng, vâng... hẳn em đã nói với anh về cuốn Lịch sử Pháp Quốc đó. Có phải em đã đọc nó trong một căn gác sát mái nhà không? Em thấy đó, anh còn nhớ chứ. Em thấy là lúc nãy đây em đã bất công khi buộc tội anh là đã quên tuốt luột mọi chuyện.”

“Thôi im anh đi. Vậy thì, như anh đã nhớ rất kỹ, em đã mang những cuốn sách khổng lồ đó lên gác. Chúng rất ít hình ảnh, mỗi cuốn chỉ ba hay bốn hình gì đó. Nhưng mỗi tấm lại chiếm riêng hẳn một trang lớn, một trang mà mặt sau chừa trắng. Chuyện đó tạo nên trong em nhiều hậu quả hơn vì người ta đã in bản văn thành hai cột để đỡ choán chỗ ở những trang khác. Em thích những bức hình ấy một cách lạ lùng; em thuộc lòng tất cả chúng, và khi đọc lại một cuốn sách của Michelet, em đã chờ đợi những bức ảnh đó từ năm mươi trang trước; em luôn luôn cho là một phép lạ khi tìm gặp lại chúng, và rồi thì có một sự tinh luyện: cái cảnh mà chúng biểu tượng chẳng bao giờ ăn khớp với bản văn của những trang bên cạnh, người ta phải tìm biến cố đó ở chừng ba mươi trang về sau.”

“Anh van em, hãy nói cho anh nghe về những giây phút nào hoàn hảo.”

“Em đang nói với anh về những hoàn cảnh đặc cách. Đấy là những hoàn cảnh mà người ta diễn tả trên những bức họa. Chính em đã gọi chúng là những hoàn cảnh đặc cách, em tự nhủ rằng hẳn chúng phải rất quan trọng nên người ta mới lấy chúng làm đề tài cho những bức ảnh hiếm hoi nọ. Anh hiểu chứ, người ta đã chọn chúng trong tất cả những hoàn cảnh: và tuy thế, còn có nhiều câu chuyện có một giá trị tạo hình lớn lao hơn, những câu chuyện khác lại có nhiều lợi ích lịch sử hơn. Chẳng hạn như, cho suốt cả thế kỷ thứ XVI, chỉ có ba bức ảnh: một dành cho cuộc băng hà của Henri đệ II, một cho cuộc ám sát công tước De Guise, và một cho cuộc nhập Ba Lê của Henri đệ IV. Lúc bấy giờ, em đã tưởng tượng rằng những biến cố đó mang một bản chất đặc biệt. Ngoài ra những bức hình còn khiến em vững tin thêm trong ý tưởng đó: những bức hoạ bị mờ vì lâu ngày, những cánh tay và chân chẳng bao giờ gắn sát vào thân thể. Nhưng chúng đầy vẻ cao đại hùng tráng. Chẳng hạn khi công tước De Guise bị ám sát, những người chứng kiến cảnh tượng lộ vẻ kinh hãi và phẫn nộ, đưa tất cả lòng bàn tay ra đằng trước, đầu quay đi nơi khác; thật đẹp, trông như một ban hợp xướng. Và anh đừng tưởng rằng người ta đã quên đi những chi tiết lý thú, hay mang tính chất giai thoại. Người ta nhìn thấy những chú thị giả ngã bổ xuống đất, những con chó nhỏ bỏ chạy, những tên hề ngồi trên những bậc thang ngai vàng. Song tất cả những chi tiết đó được diễn tả với biết bao là hùng tráng và vụng về đến độ chúng hòa hợp toàn hảo với phần còn lại của bức tranh: em tin rằng mình chẳng gặp những bức tranh nào mang một tính cách nhất thống chặt chẽ đến như thế. Đấy, chúng đã bắt nguồn từ đó.”

“Những hoàn cảnh đặc cách à?”

“Sau cùng, ý tưởng mà em có về chúng. Đấy là những hoàn cảnh có một tính chất đặc biệt hiếm hoi và quý giá của văn thể, nếu anh muốn. Chẳng hạn, khi em lên tám, “làm vua” đối với em là một hoàn cảnh đặc cách. Hay là “chết”: anh cười, nhưng có bao nhiêu người được họa hình vào lúc chết, và có biết bao nhiêu kẻ trong bọn họ đã thốt ra những lời cao đẹp vào lúc đó, như em, em đã thực lòng tin rằng... rốt lại em đã nghĩ rằng khi hấp hối, người ta đã được chuyển vị lên cao hơn chính mình. Vả lại, chỉ cần hiện diện trong căn phòng một người chết: cái chết là một hoàn cảnh đặc cách, một nỗi gì đó bốc tỏa lên từ nó và truyền thông cho tất cả mọi người đang có mặt. Một thứ hùng tráng. Khi cha em chết, người ta bắt em leo lên phòng để nhìn ông lần cuối. Trong khi leo thang, em rất khổ sở, nhưng em cũng như đang say sưa trong một thứ niềm vui có tính cách tôn giáo; rốt lại em đã bước vào một hoàn cảnh đặc cách. Em đứng tựa vào tường, em đã cố gắng để làm những cử chỉ cần thiết bắt buộc phải có. Nhưng còn có dì và mẹ em đang quỳ ở cạnh giường, hai người đã làm hỏng cả mọi chuyện vì những cơn nức nở của họ.”

Anny thốt ra những lời sau cùng này với vẻ khó chịu, tựa như kỷ niệm đó hãy còn làm não lòng nàng. Nàng ngưng ngang câu chuyện; đôi mắt đăm đăm, đôi lông mày nhướng cao, nàng lợi dụng cơ hội để sống lại khung cảnh đó một lần nữa.

“Sau này, em đã nới rộng quan niệm về tất cả những chuyện đó: thoạt tiên em đã thêm vào đấy một hoàn cảnh mới, ái tình (em muốn nói hành vi làm tình). Nghe này, nếu anh đã chẳng bao giờ hiểu được tại sao em lại từ chối... một vài đòi hỏi của anh, thì đây là một dịp để anh hiểu rõ: đối với em, có một cái gì đó cần được cứu vãn. Và rồi lúc bấy giờ em đã tự nhủ rằng hẳn phải có nhiều hoàn cảnh đặc cách hơn là những hoàn cảnh em có thể đếm được, rốt cuộc, em đã chấp nhận có vô số những hoàn cảnh đó.”

“Ừ, nhưng rốt cuộc, thế nghĩa là gì?”

“Này, em đã nói cho anh nghe rồi mà, nàng ngạc nhiên bảo, đã mười phút rồi em cắt nghĩa cho anh nghe chuyện đó.”

“Rốt lại, có phải là mọi người nhất thiết phải đam mê dữ dội, phải bị lòng thù hận hay tình yêu lôi cuốn, chẳng hạn; hoặc là cái khía cạnh bên ngoài của biến cố phải lớn lao, anh muốn nói rằng: điều người ta có thể nhìn thấy từ đó...”

“Cả hai... cái đó còn tuỳ”, nàng bực bội trả lời.

“Còn những giây phút hoàn hảo? Chúng xảy đến làm gì trong những hoàn cảnh đó?”

“Chúng đến sau. Thoạt đầu, có những dấu hiệu báo trước. Kế đó, cái hoàn cảnh đặc cách đó chậm rãi, đường bệ đi vào trong cuộc đời người ta. Lúc bấy giờ vấn đề được đặt ra là tìm biết xem thử người ta có muốn biến nó thành một giây phút hoàn hảo không?”

“Vâng, tôi nói, anh hiểu rồi. Trong mỗi một hoàn cảnh đặc cách đó; có một vài cử chỉ, hành vi nào đẩy ta phải thực hiện, có những thái độ ta phải chọn lấy, những lời nói phải được thốt ra - và những thái độ, những lời nói khác đều bị tuyệt đối cấm đoán. Phải thế không?”

“Tuỳ anh muốn...”

“Tóm lại, hoàn cảnh đó chỉ là một chất liệu: nó cần phải được bàn giải.”

“Đấy, đấy, nàng bảo: trước tiên phải đắm mình vào trong một cái gì ngoại lệ và cảm nghiệm rằng người ta đã sắp xếp thứ tự ở trong ấy rồi. Nếu tất cả những điều kiện trên đây được thỏa mãn, giây phút đó sẽ là giây phút hoàn hảo.”

“Nói tóm lại, đấy là một loại công trình nghệ thuật.”

“Anh đã bảo em như thế rồi, nàng đáp với vẻ bực bội. Nhưng mà không: đấy là... một bổn phận: phải chuyển hoán những hoàn cảnh đặc cách thành những giây phút hoàn hảo. Đấy là một vấn đề đạo đức. Vâng, anh có thể cười nhạo: đạo đức.”

Tôi chẳng hề cười.

“Nghe này, đột nhiên tôi bảo nàng, anh nữa, anh cũng sẽ nhìn nhận những lỗi lầm của mình. Anh đã chẳng hề hiểu rõ em, anh chẳng bao giờ thành tâm cố gắng giúp đỡ em. Giá như anh biết...”

“Cám ơn, cám ơn anh lắm, nàng đáp bằng một giọng mỉa mai. Em hi vọng rằng anh không chờ đợi em tỏ lòng biết ơn đối với những hối tiếc muộn màng đó. Vả lại, em không thù ghét anh; em đã chẳng bao giờ giải thích rõ ràng cho anh nghe, em bị buộc chặt trong cuộc, em chẳng thể tỏ điều đó với bất cứ ai, ngay cả với anh - nhất là không tỏ ra với anh. Luôn luôn có một cái gì đó ngân vang một cách lạc điệu trong những giây phút đó. Lúc bấy giờ em như người bị lạc lối. Tuy nhiên em có cảm tưởng mình đã làm tất cả những gì có thể.”

“Nhưng phải làm gì chứ? Phải hành động ra sao?”

“Anh ngố thật, người ta không thể nêu ra ví dụ được, cái đó còn tuỳ.”

“Nhưng mà em kể cho anh nghe những gì em đã cố gắng thực hiện đi.”

“Không, em không muốn nói. Nhưng nếu anh muốn biết, đây là câu chuyện đã gây nhiều khích động trong tâm hồn em khi em còn đi học. Có một ông vua nọ bại trận và bị bắt làm tù binh. Ông ngồi đó, trong một xó, nơi trại của phe chiến thắng. Ông nhìn thấy con trai và con gái mình, thân thể bị xiềng xích, đi qua trước mặt. Vua không khóc cũng chẳng thốt ra lời nào. Kế đó, ông lại nhìn thấy một trong những gia nhân của mình cũng bị xiềng xích, đi qua mặt. Lúc đó nhà vua nói gào lên và giật đầu giật tóc. Anh có thể tự mình bày đặt ra những thí dụ. Anh thấy đó: có những trường hợp mà người ta không được phép khóc - nếu không, người ta sẽ bị ghê tởm. Nhưng nếu đánh rơi một khúc cây trên chân, người ta có thể làm bất cứ gì mình muốn, kêu rêu, nức nở, nhảy cà tưng cà tưng. Điều ngu ngốc nhất là bất cứ lúc nào cũng giữ thái độ khắc kỷ: người ta sẽ kiệt lực chẳng vì gì cả.”

Nàng mỉm cười:

“Những trường hợp khác, ta còn phải đi xa hơn thái độ khắc kỷ. Cố nhiên, anh chẳng nhớ đến lần đầu em đã ôm hôn anh.”

“Có chứ, anh nhớ rất rõ, tôi bảo bằng giọng long trọng, chúng mình hôn nhau lần đầu trong vườn Kiew, bên bờ sông Tamise.”

“Nhưng chuyện mà anh chẳng hề biết được là lúc đó em đã ngồi trên những cây gai: chiếc áo em đã vén lên, bắp đùi em đầy những vết chích và hễ hơi nhúc nhích người, em lại bị một loạt châm chích nữa. Này, đó, thái độ khắc kỷ không đủ. Anh hoàn toàn chẳng làm em luống cuống, em chẳng thèm khát điên cuồng đôi môi anh, chiếc hôn mà em sắp ban cho anh có một tầm quan trọng lớn lao hơn, đấy là một lời tâm ước, một bản hợp đồng. Vậy anh hiểu rồi chứ, nỗi đau đớn ấy không hợp lúc chút nào, em không được phép nghĩ đến hai bắp đùi mình trong một giây phút như giây phút đó. Cũng không phải chỉ cần đừng biểu lộ sự đau đớn của em là đủ: phải đừng đau đớn.”

Nàng kiêu hãnh nhìn tôi, lúc đó hãy còn kinh ngạc vì những gì nàng thổ lộ:

“Trong hơn hai mươi phút, suốt thời gian anh năn nỉ để em hôn anh, chiếc hôn em đã nhất quyết ban cho anh, suốt thời gian mà em làm vẻ cao kỳ - vì em phải hôn anh theo đúng cách thức - em đã đi đến chỗ làm cho mình vô cảm hoàn toàn. Tuy thế, chỉ có Trời biết là da em nhạy cảm lắm: em đã chẳng hề cảm giác được điều chi, cho đến khi hai đứa mình đứng lên.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3