Bản giao hưởng Pháp - Phần II - Chương 21

21

Ngay từ đầu buổi chiều, thị trấn đã có vẻ vui tươi. Bọn lính đã phủ lá và hoa lên những cột cờ trên quảng trường, và trên ban công của Tòa Thị chính, phía dưới lá cờ chữ thập ngoặc, phấp phới những chiếc cờ đuôi nheo bằng giấy màu đỏ và màu đen mang những dòng chữ kiểu gô-tích. Thời tiết tuyệt vời. Một làn gió mát và nhẹ lay động những lá cờ và những dải ruy băng. Hai tên lính trẻ mặt mũi hồng hào kéo một chiếc xe ba gác đầy hoa hồng.

- Cái này để bày bàn ăn phải không? - đám phụ nữ tò mò hỏi.

- Đúng đấy, - bọn lính kiêu hãnh trả lời. Một trong hai tên lính chọn một nụ hoa vừa hé nở và tặng nụ hoa đó kèm cái chào trang trọng cho một cô gái trẻ đang đỏ mặt lên.

- Đó sẽ là một ngày hội đẹp.

- Wir hoffen so. Chúng tôi hy vọng thế. Chúng tôi bỏ ra khá nhiều công sức, - bọn lính trả lời.

Các đầu bếp nấu nướng ngoài trời để làm những chiếc bánh pa tê và những bánh ngọt có hình trang trí cho bữa ăn đêm. Họ đặt chỗ làm việc tránh xa bụi bặm dưới bóng những cây đoạn to quanh nhà thờ. Bếp trưởng, mặc quân phục, nhưng đội một chiếc mũ bon-nê cao và đeo một chiếc tạp dề trắng lóa để che cho chiếc áo nẹp của mình, đang làm công đoạn cuối của một chiếc bánh ga tô. Hắn trang trí chiếc bánh bằng những đường kem uốn lượn và nhồi mứt quả vào. Mùi đường tràn ngập không gian. Lũ trẻ hò reo vui sướng. Bếp trưởng, nổ mũi vì kiêu hãnh nhưng không muốn để lộ ra điều đó, nhướn mày và nghiêm khắc nói với lũ trẻ: “Nào, tránh ra một tí đi, ai mà làm việc được với lũ chúng mày hả?” Đám phụ nữ mới đầu làm ra vẻ không quan tâm đến bánh ga tô: “Hừ!... Ăn cái này chỉ tổ béo ra thôi... Bọn họ không có thứ bột thích hợp...” Dần dần, họ tiến lại gần, mới đầu còn rụt rè, rồi tự tin, rồi ngạo mạn, họ đưa ra ý kiến của mình theo cách thức đàn bà.

- Này, ông ơi, phía này trang trí chưa đủ đâu... Thưa ông, ông nên cho mứt bạch chỉ vào.

Cuối cùng họ bèn hợp tác làm cùng. Đẩy lũ trẻ đang vui sướng ra, họ lăng xăng quanh chiếc bàn cùng bọn Đức; một phụ nữ nghiền hạnh nhân; một cô khác tán đường.

- Cái này để cho các sĩ quan à? Hay là lính cứng sẽ được ăn? - các bà các cô hỏi.

- Tất cả mọi người, tất cả mọi người.

Các bà các cô cười khẩy.

- Trừ chúng tôi ra!

Bếp trưởng dùng hai tay nâng lên chiếc đĩa sành đặt một chiếc bánh ga tô to tướng và hắn vừa khẽ cúi chào vừa giới thiệu chiếc bánh với đám đông, mọi người cười và vỗ tay hoan hô. Họ hết sức cẩn thận đặt chiếc bánh ga tô lên một tấm ván to do hai tên lính khiêng (một người đi đầu, một người đi sau) và chiếc bánh cũng lên đường đi về phía lâu đài. Trong lúc đó, từ khắp mọi phía đổ về các sĩ quan của những trung đoàn đóng gần đó và đã được mời đến dự hội. Những tấm áo choàng dài màu lục của chúng phấp phới bay phía sau chúng. Những người bán hàng đứng chờ chúng trên bậc cửa với những nụ cười. Từ buổi sáng, người ta đã mang từ các tầng hầm lên những lô hàng cuối cùng: bọn Đức mua tất cả những gì mà chúng có thể mua và trả giá cao. Một sĩ quan vơ hết những chai rượu bénédictine cuối cùng, một gã khác mua đồ lót phụ nữ hết một ngàn hai trăm franc; bọn lính chen chúc trước các của hàng và ngắm nhìn những chiếc yếm trẻ con màu hồng và màu xanh với vẻ cảm động. Cuối cùng, một tên lính không thể cầm lòng được, và ngay khi viên sĩ quan vừa đi xa, gã bèn gọi cô bán hàng và chỉ cho cô những thứ quần áo tã lót trẻ con: đó là một gã lính trẻ măng có cặp mắt xanh.

- Con trai? Con gái? - cô bán hàng hỏi.

- Tôi không biết, - gã hồn nhiên nói. - Vợ tôi viết thư cho tôi; đó là kết quả của đợt về phép vừa rồi, cách đây một tháng.

Tất cả mọi người xung quanh gã cười phá lên. Gã đỏ mặt nhưng có vẻ rất hài lòng. Mọi người khuyên gã mua một cái lúc lắc và một cái váy nhỏ. Gã đi qua phố với vẻ hân hoan.

Nhạc đang được diễn tập trên quảng trường, và bên cạnh cái vòng tròn gồm những tay đánh trống, những tay thổi kèn trompette và những tay thổi sáo, có một vòng tròn khác vây quanh viên bưu tá quân đội. Dân Pháp nhìn cảnh đó, miệng há hốc, mắt ngời hy vọng, và vừa gật đầu với về thân tình và sầu muộn vừa nghĩ: “Biết thế là thế nào rồi... khi mà người ta mong tin từ quê nhà... Tất cả chúng ta đều đã trải qua cảnh ấy...” Trong lúc đó, một gã Đức trẻ có thân hình khổng lồ, với cặp đùi to tướng và cái mông bự như muốn làm nứt toác chiếc quần đùi cưỡi ngựa căng trên người hắn như một chiếc găng, đi vào Khách sạn Du khách lần thứ ba và xin xem khí áp kế. Khí áp kế vẫn chỉ trời còn đẹp lâu. Mặt ngời lên vì thỏa mãn, gã Đức nói:

- Chẳng có gì đáng ngại cả. Không có giông tối nay. Gott mit uns.

- Đúng rồi, đúng rồi, - cô phục vụ bày tỏ ý kiến.

Sự thỏa mãn chất phác ấy lan sang cả ông chủ (vốn là người theo quan điểm thân Anh) vì các khách hàng; tất cả đều đứng dậy và đi đến gần khí áp kế: “Chẳng có gì đáng ngại cả. Chẳng có gì. Cái đó tốt, ngày hội tốt” họ nói bằng cách cố gắng sử dụng một thứ tiếng Pháp giả cầy để dễ hiểu hơn, và tất cả mọi người đều vỗ vai gã Đức với một nụ cười thoải mái và nhắc lại:

- Gott mit uns.

- Tất nhiên, tất nhiên, Gốt-mi-u, hắn ta đã uống rượu đấy, cái gã Fritz này, - họ thì thầm sau lưng gã với giọng thiện cảm, - biết thế này là thế nào rồi. Hắn đã uống rượu mừng ngày hội của hắn từ hôm qua... Một gã đẹp trai... Thế đấy! Thế thì sao nào? Tại sao lại phải mong cho bọn họ gặp chuyện bực mình chư? Dù sao đi nữa, đó cũng là những con người!

Sau khi tạo ra một không khí thiện cảm bằng vẻ mặt và lời nói của mình và nốc cạn liên tiếp ba chai bia, gã Đức hớn hở rút lui. Thời gian trong ngày càng trôi qua, tất cả dân chúng càng cảm thấy dễ chịu hơn và say sưa như thể chính họ cũng sẽ đi dự hội. Trong các gian bếp, các cô gái uể oải rửa cốc chén và chốc chốc lại nghiêng người ra cửa số để nhìn bọn Đức đi từng toán về phía lâu đài.

- Cậu có thấy gã thiếu úy sống ở nhà cha xứ không? Anh ta đẹp trai và cạo râu nhẵn nhụi nhỉ! Tay phiên dịch mới cùa Bộ Chỉ huy kìa! Cậu nghĩ hắn bao nhiêu tuổi? Theo tớ, gã này không quá hai mươi tuổi đâu! Tất cả bọn họ đều trẻ lắm. Ô, đây là viên trung úy nhà các bà Angellier. Anh chàng trai trẻ này có thể làm tớ phát điên lên được đấy. Thấy rõ là anh ta rất có giáo dục. Con ngựa đẹp quá! Sao mà họ lại có những con ngựa đẹp thế cơ chứ, trời ạ, - các cô gái trẻ thở dài.

Và giọng nói chua chát của một ông lão nào đó đang thiu thiu ngủ bên bếp lửa cất lên:

- Tất nhiên rồi, đó là ngựa của chúng ta!

Ông lão vừa nhổ nước bọt vào tro vừa lẩm bẩm những lời nguyền rủa mà các cô gái không nghe thấy. Các cô chỉ có một điều vội vã: rửa cho xong bát đĩa và đi xem người Đức ở lâu đài. Một con đường ven bờ trồng cây keo, cây đoạn và những cây dương rung xinh đẹp sum sê cành lá run rẩy không ngừng, lay động không ngừng; chạy dọc theo trang viên. Giữa những cành cây, có thể nhìn thấy hồ nước, thảm cỏ, ở đó những chiếc bàn ăn đã được bày biện và, phía trên cao là lâu đài, với những cánh cửa ra vào và cửa sổ để mở, nơi người ta chơi nhạc của trung đoàn. Lúc tám giờ, cả vùng đều ở đây; các cô gái trẻ đã kéo theo bố mẹ; các thiếu phụ không muốn để con cái mình ở nhà, một vài đứa ngủ trong tay mẹ, những đứa khác chạy và hò hét và nghịch sỏi; những đứa khác nữa vạch những cành keo mềm mại ra, tò mò nhìn quang cảnh: các nhạc công ngồi ngoài sân hiên, các sĩ quan Đức ngồi trên cỏ hoặc chậm rãi dạo chơi giữa những hàng cây, các bàn ăn phủ những chiếc khăn trải bàn lộng lẫy, những bộ đồ ăn bằng bạc lấp lánh dưới những tia nắng mặt trời cuối ngày, và sau mỗi chiếc ghế, là một người lính đứng bất động như lúc duyệt binh: những viên tùy tùng chịu trách nhiệm phục vụ. Cuối cùng, người ta chơi một điệu nhạc đặc biệt vui nhộn và cuốn hút; các sĩ quan vào chỗ. Trước khi ngồi xuống, người chiếm vị trí đầu bàn (“vị trí danh dự... một viên tướng,” dân Pháp thì thầm) và tất cả các sĩ quan đứng nghiêm vừa hô to một tiếng vừa nâng cốc lên: “Heil Hitler!”, bọn chúng hô vang; tiếng hô mãi mới tắt đi hẳn; nó rung lên trong không khí với một âm vang như kim loại, hoang dã và thuần khiết. Sau đó, người ta nghe thấy tiếng nói chuyện ồn ào, tiếng bát đĩa lách cách và tiếng hót của những con chim khuya.

Dân Pháp thử nhận biết, từ đằng xa, những gương mặt quen thuộc. Ngồi cạnh viên tướng tóc bạc, nét mặt thanh tú, mũi dài và gồ, là các sĩ quan của Bộ Chỉ huy.

- Cái gã mà cậu thấy ở bên trái ấy, đây này, chính hắn đã lấy xe của tớ đấy, thật là một gã độc ác! Cái gã nhỏ bé tóc vàng hồng hào ngồi bên cạnh thì tử tế, hắn nói tiếng Pháp tốt đấy. Gã người Đức của nhà Angellier đâu rồi? Hắn tên là Bruno… Một cái tên đẹp... Tiếc thật, trời sắp tối rồi; sẽ chẳng nhìn thấy gì cả... Gã Fritz nhà ông thợ giày bảo tôi là bọn chúng sẽ thắp đuốc! Ồ, mẹ ơi, sẽ đẹp lắm đấy! Chúng ta sẽ ở lại cho đến tận lúc đó. Những người trong lâu đài nói gì về chuyện này? Họ sẽ không thể ngủ được đêm nay! Ai sẽ ăn đồ ăn thừa? Hả, mẹ? Ông xã trưởng à? Im đi nào, nhóc con ngốc nghếch, sẽ không thừa gì đâu, này, họ ăn ngon miệng lắm!

Bóng tối dần dần lan trên bãi cỏ; người ta thấy những chiếc huân chương vàng trên các bộ quân phục, những mái tóc vàng của người Đức, những nhạc cụ bằng đồng của các nhạc công trên sân hiên vẫn ánh lên, nhưng độ sáng đã yếu đi. Toàn bộ ánh sáng ban ngày, khi rời bỏ trái đất, dường như ẩn náu giây lát ngắn ngủi trên vòm trời; những đám mây hồng hình vồ ốc bao quanh mặt trăng tròn có một màu kỳ lạ, một màu xanh lá cây rất nhợt nhạt như món kem pistache và một độ trong cứng như băng đá; trăng soi bóng xuống hồ. Hương thơm tao nhã của cỏ, của cỏ khô mới cắt và của dâu rừng tràn ngập không gian. Nhạc vẫn vang lên. Đột nhiên, những ngọn đuốc được thắp sáng; những cây đuốc do những tên lính cầm và rọi sáng cái bàn ăn lộn xộn, những chiếc cốc rỗng, bởi các sĩ quan đã ra chen chúc quanh hồ, hò hát và cười đùa. Người ta nghe thấy tiếng nút chai sâm banh nảy tung với tiếng nổ mạnh và vui tai.

- A! Đồ đểu, - dân Pháp nói, nhưng không có vẻ hiềm thù lắm, vì mọi sự vui vẻ đều dễ lây lan và làm lòng người nguôi đi hận thù, - cứ nghĩ là chúng nó đang uống rượu của mình...

Vả chăng, bọn Đức có vẻ như thấy thứ sâm banh này rất ngon (và chúng đã mua rất đắt), đến nỗi là dân Pháp thầm hãnh diện về khẩu vị tốt của mình.

- Bọn chúng tiêu khiển kìa, may thay không phải lúc nào cũng là chiến tranh. Đừng lo, bọn chúng sẽ còn thấy chiến tranh nữa… Bọn chúng bảo là năm nay sẽ kết thúc. Chắc chắn, nếu như bọn chúng thắng thì thật là tai họa, nhưng mà làm gì được, cũng cần phải kết thúc chứ... Dân ta ở trong các thành phố đến là khốn khổ... và cũng cần để các tù binh của chúng ta được trả lại cho chúng ta.

Các cô gái trẻ ôm eo nhau khiêu vũ trên đường, trong khi tiếng nhạc vang lên, rung cảm và nhẹ nhàng. Tiếng trống và tiếng kèn đồng đem lại cho những điệu nhạc ấy, điệu valse và opérette, một âm thanh vang dội, có cái gì đó chiến thắng, vui vẻ, hào hùng và đồng thời hân hoan, khiến các trái tim đập mạnh; và thỉnh thoảng một tiếng kèn trầm, kéo dài và mạnh mẽ, đột ngột nổi lên giữa những nốt nhạc vui tươi kia như tiếng vọng của một cơn bão xa xăm.

Khi đêm đã buông xuống hẳn, những bản hợp xướng vang lên. Những nhóm quân nhân hát đáp nhau từ sân hiên ra trang viên, từ ven bờ cho đến tận mặt hồ nơi những chiếc thuyền trang hoàng hoa lướt qua. Dân Pháp lắng nghe, bị cuốn hút ngoài ý muốn của họ. Đã gần nửa đêm nhưng không ai nghĩ đến chuyện rời bỏ chỗ của mình trên thảm cỏ mọc cao, giữa những cành cây.

Chỉ có những ngọn đuốc và những cột lửa Eiengale rọi sáng cây cối. Những giọng hát tuyệt vời tràn ngập trời đêm. Đột nhiên, không khí trở nên hết sức yên lặng. Người ta thấy những tên Đức chạy như những cái bóng trên cái nền làm bằng ánh lửa xanh và ánh trăng.

- Sắp có pháo hoa! Chắc chắn là sắp có pháo hoa! Con biết mà. Bọn Fritz đã nói với con như thế, - một chú bé kêu lên.

Giọng nói chói tai của nó vang qua hồ. Mẹ nó mắng nó.

- Im đi. Không được gọi họ là bọn Fritz hay bọn Boche. Không bao giờ! Họ không thích như vậy. Im đi và nhìn xem.

Nhưng họ không nhìn thấy gì hết ngoài những bóng người lăng xăng chạy qua chạy lại. Ai đó từ trên sân hiên hô lên một điều gì đó mà người ta không nghe thấy; một tiếng hô dài và trầm đáp lại như một tiếng ì ầm của sấm.

- Họ kêu cái gì thế? Các bác có nghe thấy không? Chắc là “Heil Hitler, Heil Goering! Heil Đệ tam đế chế!”, một cái gì đó kiểu như thế. Chẳng nghe thấy gì nữa. Họ chẳng nói gì nữa. Này, các nhạc công đang ra về kìa. Hay là họ nhận được một tin mới? Có khi bọn họ đã đổ bộ vào Anh rồi chăng? Theo tôi, họ bị lạnh ở ngoài trời và họ sẽ tiếp tục đêm hội trong lâu đài, - ông dược sĩ, lo ngại khí ẩm buổi tối không tốt cho bệnh thấp khớp của mình, nói với vẻ đầy ngụ ý.

Ông khoác tay cô vợ trẻ của mình.

- Hay là chúng ta cũng về đi, Linette nhỉ?

Nhưng bà dược sĩ không muốn nghe gì hết.

- Ồ! Chúng ta cứ ở lại, đợi một tí nữa. Họ sẽ lại tiếp tục hát, hay thật đấy.

Dân Pháp chờ đợi nhưng không có hát lại nữa. Những tên lính mang đuốc chạy từ lâu đài ra trang viên như để truyền mệnh lệnh. Những chiếc thuyền trên hồ bồng bềnh, rỗng không, dưới ánh trăng; các sĩ quan đã nhảy hết lên mặt đất. Bọn chúng vừa đi dạo trên bờ vừa cao giọng tranh luận sôi nổi. Người ta có thể nghe thấy những lời của bọn chúng, nhưng không ai hiểu. Các cột lửa Bengale lần lượt tắt. Các khán giả bắt đầu ngáp. “Muộn rồi. về thôi. Chắc chắn là hết hội rồi.”

Các cô gái trẻ khoác tay nhau, các bậc cha mẹ đi sau, bọn trẻ con ngái ngủ lê chân, họ hợp thành từng nhóm nhỏ lên đường về làng. Trước cửa ngôi nhà đầu tiên, một ông lão đang hút tẩu thuốc, ngồi trên một chiếc ghế rơm ven đường.

- Thế nào? - ông lão hỏi. - Hết hội rồi à?

- Đúng thế. Ô! Bọn chúng tiêu khiển vui lắm.

- Chúng sẽ không còn vui lâu nữa đâu, - ông già nói bằng giọng bình thản. - Trên đài vừa thông báo là bọn chúng đang trong tình trạng chiến tranh với nước Nga.

Ông lão đập đập chiếc tẩu của mình vào thanh gỗ của chiếc ghế cho tàn thuốc rơi xuống và vừa nhìn trời vừa nói khẽ:

- Ngày mai vẫn hạn hán; thời tiết thế này rồi cuối cùng sẽ làm tổn hại đến vườn tược đây!