Bản giao hưởng Pháp - Phần II - Chương 20

20

Bọn Đức đã chuẩn bị mọi thứ từ lâu để tổ chức một ngày hội ở lâu đài De Montmort vào đêm 21 rạng ngày 22 tháng Sáu. Đó là lễ kỷ niệm ngày trung đoàn tiến vào Paris, nhưng sẽ không có một người Pháp nào được biết lý do chính xác để chọn ngày này chứ không phải các ngày khác: đã có mệnh lệnh do các cấp chỉ huy ban ra, cần phải đối xử khéo léo với lòng tự hào dân tộc của người Pháp. Các dân tộc biết rất rõ nhược điểm của chính mình; họ biết điều đó rõ hơn cả một kẻ quan sát ngoại quốc ác ý nhất có thể biết được. Trong một cuộc trò chuyện thân mật mới đây giữa Bruno von Falk với một thanh niên Pháp, anh thanh niên này đã nói:

- Chúng tôi quên tất cả rất nhanh, đó là điểm yếu đồng thời là sức mạnh của chúng tôi! Sau năm 1918 chúng tôi đã quên rằng chúng tôi thắng trận, đó là điều khiến cho chúng tôi bị thua; sau năm 1940 có lẽ chúng tôi sẽ quên đi rằng chúng tôi đã bị đánh bại, điều đó có thể sẽ cứu vớt chúng tôi!

- Đối với người Đức chúng tôi, điều vừa là nhược điểm dân tộc đồng thời lại là phẩm chất lớn nhất của chúng tôi, đó là sự thiếu tế nhị, nói một cách khác là sự thiếu trí tưởng tượng; chúng tôi không có khả năng đặt mình vào vị trí người khác; chúng tôi xúc phạm họ một cách không cố ý; chúng tôi khiến người ta thù ghét mình, nhưng điều đó cho phép chúng tôi hành động không nao núng và không sai sót.

Bởi người Đức dè chừng sự thiếu tế nhị này; nên bọn chúng đặc biệt chú ý giữ gìn lời ăn tiếng nói của mình khi nói chuyện với dân bản xứ; điều đó lại khiến bọn chúng bị dân bản xứ coi là đạo đức giả. Ngay cả đối với Lucile, khi cô hỏi hắn: “Buổi dạ hội này để mừng gì vậy?”, Bruno cũng chỉ trả lời thoái thác rằng họ có thói quen tụ họp vào quãng 24 tháng Sáu, đêm ngắn nhất trong năm, nhưng ngày 24 đã được dành cho các cuộc tập trận lớn rồi; thành thử họ làm sớm lên.

Tất cả đã sẵn sàng. Sẽ có những chiếc bàn được bày trong trang viên; dân chúng được yêu cầu cho mượn những chiếc khăn trải bàn đẹp nhất của họ trong vài tiếng đồng hồ. Với vẻ kính trọng và với sự cẩn thận hết mức, bọn lính dưới sự lãnh đạo của chính Bruno đã lựa khăn từ những chồng vải damas được lấy ra từ những chiếc tủ sâu. Các bà tư sản, mắt ngước nhìn trời - như thể họ chờ mong, Bruno tinh nghịch nghĩ, được nhìn thấy nữ thánh Geneviève đích thân từ trên đó đi xuống làm sét đánh vào những tên Đức phạm thượng, phạm tội thò tay vào cái kho báu gia đình gồm những tấm vải mịn, những đường rua thang và những chữ đầu tên viết tắt có thêu hoa và chim, - các bà tư sản cảnh giác và đếm trước mặt bọn chúng những chiếc khăn ăn. “Tôi có bốn tá: bốn mươi tám cái, thưa ông trung úy, giờ tôi chỉ thấy còn có bốn mươi bảy. - Cho phép tôi được đếm cùng bà, thưa bà. Tôi tin chắc rằng chúng tôi không lấy của bà cái gì hết, vì xúc động nên bà nhầm đấy, thưa bà. Đây, cái khăn thứ bốn mươi tám rơi dưới chân bà đây. Cho phép tôi nhặt nó lên và trao cho bà.

- À! Phải rồi, tôi thấy rồi, xin lỗi ông - bà tư sản trả lời với nụ cười chua chát nhất - nhưng khi người ta xáo lộn tất cả lên thế này, các thứ sẽ biến mất nếu như ta không chú ý đến.” Tuy nhiên hắn đã tìm được một cách để lấy lòng họ, hắn nói với một cử chỉ cúi đầu chào duyên dáng: “Đương nhiên, chúng tôi không có quyền đòi hỏi bà điều đó. Bà cũng hiểu là điều đó không nằm trong phần đóng góp cho cuộc chiến...”

Hắn thậm chí còn nói bóng gió rằng nếu như vị tướng biết được... “Ông ấy nghiêm khắc lắm... ông ấy có thể mắng chúng tôi vì chúng tôi đã hành động sỗ sàng một cách tội lỗi... Nhưng chúng tôi đang buồn chán quá... Chúng tôi muốn có một ngày hội đẹp. Đó là một việc mà chúng tôi muốn xin bà giúp cho, thưa bà. Bà hoàn toàn có thể từ chối.” Những lời nói màu nhiệm! Bộ mặt cau có nhất cũng sáng lên ngay lập tức bởi một thứ na ná như nụ cười (một mặt trời mùa đông nhợt nhạt và khó chịu rọi trên mộc trong những ngôi nhà cũ kỹ giàu có và lụ khụ của họ, Bruno nghĩ).

- Nhưng thưa ông, tại sao lại không làm vui lòng ông nhỉ? Ông sẽ giữ cẩn thận những chiếc khăn trải bàn vốn là của hồi môn của tôi chứ?

- A! Thưa bà, tôi thề với bà là chúng tôi sẽ trả lại bà những chiếc khăn ấy sau khi đã giặt xà phòng, là phẳng, nguyên vẹn...

Không! Không! Cứ để nguyên thế mà đưa lại cho tôi! Xin cám ơn! Giặt xà phòng những chiếc khăn trải bàn của tôi ấy à! Nhưng thưa ông, chúng tôi đây, chúng tôi không có giao những thứ ấy cho thợ giặt đâu! Gia nhân phải giặt ngay trước mắt chúng tôi! Chúng tôi sử dụng một thứ tro mịn...

Đến lúc này, chỉ cần nói với một nụ cười hiền lành:

- Thế à, thế thì giống như mẹ tôi...

- A, thật vậy à? Bà rnẹ của ông cũng làm thế à...? Lạ nhỉ... Có lẽ ông còn cần cả khăn ăn nữa chứ?

- Thưa bà, tôi không dám yêu cầu bà cái đó.

- Tôi xếp cho ông hai, ba, bốn tá nhé. Ông có muốn các bộ đồ ăn không?

Bọn chúng đi ra tay chất đầy những tấm khăn sạch và thơm, túi áo nhét đầy dao để ăn tráng miệng, một vài cái bát kiểu cổ để chứa rượu punch, một vài bình pha cà phê kiểu Napoléon có quai trang trí hình lá cây, được cầm trên tay như cầm Thánh Thể. Tất cả những thứ đó được đặt vào khu vực bếp của lâu đài trong lúc đợi ngày hội.

Các cô gái trẻ vừa hỏi bọn lính vừa cười:

- Các ông sẽ làm thế nào để khiêu vũ khi không có phụ nữ?

- Chúng tôi đành chịu vậy thôi, các cô ạ. Chiến tranh mà.

Các nhạc công sẽ chơi đàn trong vườn kính. Ở lối vào trang viên người ta đã dựng lên những chiếc cột và những thanh phủ dây trang trí, trên đó phấp phới những lá cờ - có của trung đoàn đã từng tham gia các chiến dịch ở Ba Lan, Bỉ và Pháp và đi qua ba thủ đô với tư cách kẻ thắng trận, rồi đen cờ chữ thập ngoặc nhuộm toàn bộ máu của châu Âu, Lucile khẽ nói. Than ôi, đúng vậy, của toàn châu Âu, kể cả nước Đức, thứ máu quý phái nhất, trẻ trung nhất, nồng nhiệt nhất, thứ máu đổ xuống đầu tiên trong những trận chiến đấu, và sau đó với những thứ còn sót lại cần phải hồi sinh thế giới. Chính vì vậy mà những ngày sau chiến tranh mới khó khăn biết nhường nào...

Từ Chalon-sur-Saône, từ Moulins, từ Nevers, từ Paris và từ Épernay, những chiếc xe tải quân sự hàng ngày đi tới với những thùng rượu sâm banh. Nếu như không có phụ nữ, thì vẫn có rượu, âm nhạc và pháo hoa trên bờ ao.

- Chúng tôi sẽ đi xem hội, - các cô gái Pháp nói. - Kệ xác giờ giới nghiêm đêm hôm đó. Các ông nghe rõ chứ? Các ông vui đùa, thì ít ra chúng tôi cũng vui chơi một tí chứ. Chúng tôi sẽ đi ra con đường cạnh trang viên và xem các ông khiêu vũ.

Các cô gái vừa cười vừa thử những chiếc mũ dạ hội, những chiếc mũ cabriolet viền đăng ten màu bạc, những chiếc mặt nạ, những kiểu tóc cài hoa giấy. Những thứ này vốn được dành cho ngày hội nào? Tất cả đều đã hơi nhàu nát, hơi phai màu, đã từng được dùng hoặc thuộc về một lô hàng dự trữ mà một vài ông chủ hộp đêm nào đó đã cất giấu ở Cannes hoặc ở Deauville, trước tháng Chín năm 1939, để dành cho những mùa sắp tới.

- Các ông sẽ ngộ lắm, nếu đội những thứ này, - đám phụ nữ nói.

Bọn lính vừa đi lại vênh vang vừa làm điệu bộ nhăn nhó.

Rượu sâm banh, âm nhạc, khiêu vũ, một thoáng vui... có cái để mà quên đi trong chốc lát cuộc chiến tranh và thời buổi hiện giờ. Bọn chúng chỉ lo lắng về một cơn giông có thể xảy ra tối hôm đó. Nhưng các đêm đều thật yên lành... Và, đùng một cái, xảy ra tai họa lớn này! Một đồng đội bị giết chết, ngã xuống không chút vẻ vang, bị một gã nông dân say rượu bắn một cách hèn nhát. Bọn chúng đã nghĩ đến việc hủy bỏ ngày hội. Nhưng không! Tinh thần chiến binh ngự trị ở đây. Tinh thần ấy ngầm công nhận rằng anh vừa nhắm mắt xuôi tay là các đồng đội sẽ tùy ý sử dụng áo của anh, giày của anh và họ sẽ chơi bài suốt đêm trong khi anh yên nghỉ ở một góc lều... nếu như họ tìm thấy xác của anh! Nhưng bù lại, đó là một tinh thần biết chấp nhận cái chết của người khác như một điều tự nhiên, một số phận bình thường của người lính, và từ chối hy sinh một thú tiêu khiển nhỏ nhoi nhất vì điều đó. Ngoài ra, các sĩ quan trước hết cần phải nghĩ đến cấp dưới, những người cần được kéo càng nhanh càng tốt ra khỏi những suy nghĩ vẩn vơ làm suy sụp tinh thần về những mối nguy hiểm trơng lai, về sự ngắn ngủi của cuộc sống. Không! Bonnet chết mà không đau đớn lắm. Người ta đã tổ chức một lễ tang trang trọng cho hắn. Bản thân hắn chắc cũng chẳng muốn đồng đội phải thất vọng vì hắn. Lễ hội sẽ diễn ra đúng ngày đã định.

Bruno thả người theo sự kích động trẻ thơ vừa hơi điên rồ vừa gần như tuyệt vọng, sự kích động xâm chiếm binh lính vào những lúc trận chiến tạm ngừng và họ hy vọng có được đôi chút khuây khỏa thay vào nỗi buồn chán hàng ngày. Hắn không muốn nghĩ đến Bonnet, cũng chẳng muốn tưởng tượng ra những điều xì xào trong những ngôi nhà xám xịt, lạnh lẽo, thù địch, với những cánh cửa đóng kín kia. Hắn muốn nói, giống như một đứa trẻ rnà người ta đã hứa cho đi xem xiếc và rồi người ta lại muốn giữ ở nhà với cái cớ là có một người họ hàng lớn tuổi và chán ngắt đang bị ốm: “Nhưng chuyện đó chẳng có dính dáng gì cả. Đó là chuyện của bố mẹ chứ. Chuyện đó đâu có liên quan đến con?” Chuyện đó đâu có liên quan đến hắn, Bruno von Falk? Hắn không chỉ là người lính của đế quốc Đức. Hắn không chỉ bị thôi thúc bởi những lợi ích của trung đoàn và của Tổ quốc. Hắn là kẻ người nhất trong các con người. Hắn nghĩ rằng cũng như tất cả mọi người hắn tìm kiếm hạnh phúc, sự tự do phát triển những khả năng của mình và (cũng như tất cả những người khác, than ôi, vào cái thời buổi này) điều mong muốn chính đáng ấy đã luôn luôn bị ngăn trở bởi một thứ lý do quốc gia có tên gọi là chiến tranh, an ninh công cộng, sự cần thiết phải duy trì uy thế của đội quân chiến thắng. Có chút gì giống như những đứa con của các hoàng tử chỉ sống vì những ý đồ của các vị vua, cha của họ. Hắn cảm thấy cái vương quyền ấy, cái ánh hào quang uy thế của cường quốc Đức hắt lên người hắn ấy khi hắn đi trên những đường phố Bussy, khi hắn cưỡi ngựa qua một làng, khi hắn gõ đinh thúc ngựa vang lên trên ngưỡng cửa của một ngôi nhà Pháp. Nhưng điều mà dân Pháp không thể hiểu, đó là hắn không kiêu căng cũng chẳng ngạo mạn, mà khiêm nhường một cách chân thành, hoảng sợ trước tầm quan trọng của trách nhiệm của mình.

Nhưng chính hôm nay, hắn không muốn nghĩ đến chuyện đó. Việc hắn thích hơn là giải khuây bằng cách nghĩ về vũ hội hoặc là mơ mộng tới những điều không thể thực hiện được, về một Lucile ngay sát bên hắn chẳng hạn, một Lucile có thể theo hắn đi dự hội... Ta thật hoang tưởng, hắn mỉm cười tự nhủ. Chà! Mặc kệ! Trong tâm hồn ta, ta tự do. Trong tâm trí mình, hắn vẽ lên một chiếc váy cho Lucile, không phải một chiếc váy của thời này, mà giống như bản sao một bức tranh của trường phái lãng mạn; một chiếc váy trắng với những diềm rộng bang mousseline, xòe ra như một tràng hoa, để khi khiêu vũ với nàng, ôm nàng trong tay, thỉnh thoảng hắn lại cảm thấy, quanh chân mình, những bọt sóng đăng ten của nàng đập vào. Hắn tái nhợt người đi và cắn môi. Nàng thật đẹp... Người phụ nữ ấy ở bên hắn, trong một đêm như đêm nay, trong trang viên của gia đình De Montmort, với những tiếng kèn đồng và pháo hoa xa xa... nhất là một người phụ nữ có thể hiểu, có thể chia sẻ sự run rẩy gần như thiêng liêng ấy của tâm hồn, nảy sinh từ nỗi cô đơn, từ tăm tối và từ ý thức về cái đám đông tăm tối và khủng khiếp kia - trung đoàn, những người lính ở phía xa - và xa hơn nữa là đội quân đau thương chiến đấu và đội quân chiến thắng đóng trong các thành phố.

“Với người phụ nữ ấy, ta có thể thành thiên tài được,” hắn tự nhủ. Hắn đã làm việc nhiều. Hắn đã sống trong niềm hứng khởi sáng tạo không ngừng, phát điên lên vì âm nhạc, hắn mỉm cười nói. Phải, với người phụ nữ ấy và với một chút tự do, một chút hòa bình, hắn có thể làm được những điều lớn lao. “Thật đáng tiếc,” hắn thở dài, “thật đáng tiếc... một trong những ngày sắp tới sẽ có lệnh ra đi, và lại chiến tranh, những con người khác, những miền đất khác, một sự mệt mỏi thể chất đến mức ta thậm chí sẽ chẳng bao giờ kết thúc nổi đời lính của ta. Và vẫn phải tiếp nhận nó... Và trên ngưỡng cửa chen chúc những tiết nhạc, những hợp âm tuyệt vời, những nghịch âm tinh tế... những tạo vật có cánh và hoang dã mà tiếng động của vũ khí làm cho hoảng sợ. Thật đáng tiếc, Bonnet có yêu thích gì khác ngoài chiến đấu không nhỉ? Ta không biết. Người ta chẳng bao giờ biết được trọn vẹn về một con người. Nhưng có chứ... chính là như vậy mà... cậu ấy đã sống hết mình hơn ta, cậu ấy, một người chết lúc mười chín tuổi, ta thì vẫn đang sống.”

Hắn dừng lại trước ngôi nhà của gia đình Angellier. Hắn đang ở nhà hắn. Trong ba tháng, hắn đã có thói quen coi là của mình cái cánh cửa bọc sắt ấy, cái ổ khổa nhà tù ấy, cái phòng đợi có mùi tầng hầm ấy và mảnh vườn phía sau nhà, mảnh vườn ngập ánh trăng và những khu rừng xa xa ấy. Đó là một buổi tối tháng Sáu, êm dịu tuyệt trần; những bông hồng đã nở, nhưng hương thơm của chung không mạnh bằng mùi cỏ khô và mùi dâu phảng phất trong vùng từ hôm trước, bởi đang là mùa thu hoạch. Trên đường đi viên trung úy gặp những chiếc xe chở đầy cỏ khô mới do bò kéo vì thiếu ngựa. Hắn lặng lẽ chiêm ngưỡng bước đi của những con bò chậm chạp, oai vệ, đi trước những gánh nặng tỏa hương. Các nông dân quay đi khi hắn đi qua; hắn thấy rõ điều đó... nhưng... Hắn cảm thấy lại tâm trạng vui vẻ, và nhẹ nhõm. Hắn vào bếp và yêu cầu cho ăn. Bà đầu bếp phục vụ hắn với vẻ vội vã bất thường, nhưng không trả lời những câu đùa của hắn.

- Bà chủ đâu rồi? - cuối cùng hắn hỏi.

- Tôi đây. - Lucile nói.

Cô đã lặng lẽ bước vào khi hắn đang ngốn ngáu ăn nốt một lát giăm bông sống trên một miếng bánh mì tươi to tướng. Hắn ngước mắt nhìn cô:

- Bà nhợt nhạt quá, - hắn nói với vẻ trìu mến và lo ngại.

- Nhợt nhạt à? Không đâu. Nhưng suốt cả ngày nóng quá.

- Bà mẹ của bà đâu rồi? - hắn vừa hỏi vừa mỉm cười. - Chúng ta đi dạo một vòng bên ngoài đi. Bà ra gặp tôi ở ngoài vườn nhé.

Một lát sau, khi hắn đang chậm rãi bước trên lối đi lớn, giữa những hàng cây ăn quả, hắn nhìn thấy cô. Cô tiến về phía hắn, cúi đầu. Cách hắn vài bước, cô do dự, rồi, như thường lệ, ngay khi họ được cây đoạn to che khuất khỏi mọi cặp mắt, cô đi tới chỗ hắn và khoác tay han. Họ bước vài bước trong im lặng.

- Người ta đã cắt cỏ rồi - cuối cùng cô nói.

Hắn hít thở mùi thơm, mắt nhắm lại. Trăng có màu mật ong trên một vòm trời đục như sữa nơi những đám mây nhẹ nhàng trôi. Trời hãy còn sáng.

- Thời tiết đẹp, cho buổi hội của chúng tôi, ngày mai.

- Ngày mai à? Tôi cứ tưởng...

Cô ngừng nói.

- Tại sao không? – hắn vừa nói vừa nhướn mày.

- Không sao cả, tôi cứ tưởng...

Với chiếc roi đang cầm ở tay, hắn bồn chồn đập vào những bông hoa.

- Trong vùng mọi người nói gì vậy?

- Nói về...?

- Bà biết rõ đấy. Về vụ ám sát.

- Tôi không biết. Tôi chẳng gặp ai cả.

- Thế bản thân bà, bà nghĩ gì về điều đd?

- Thật là khủng khiếp, tất nhiên rồi.

- Khủng khiếp và khó hiểu. Tóm lại, chúng tôi đây, với tư cách con người, chúng tôi đã làm gì họ nào? Nếu như đôi khi chúng tôi làm phiền họ, thì đó không phải là lỗi của chúng tôi, chúng tôi chỉ thực hiện mệnh lệnh thôi; chúng tôi là lính. Và tôi ý thức được rằng trung đoàn đã làm tất cả những gì có thể để tỏ ra đúng đắn, nhân đạo, có đúng thế không?

- Hẳn là như vậy.

- Tất nhiên, với một phụ nữ khác, tôi sẽ không nói điều này đâu... Giữa chúng tôi đã có sự nhất trí rằng không nên thương xót cho số phận của một đồng đội bị giết chết. Điều đó trái với tinh thần quân nhân là thứ đòi hỏi chúng tôi chỉ được nghĩ đến mình khi đã nghĩ đến tập thể. Binh lính có thể chết, miễn là trung đoàn vẫn còn! Chính vì thế mà chúng tôi không hoãn buổi hội ngày mai - hắn nói tiếp. - Nhưng với bà, Lucile ạ, tôi có thể nói điều đó. Trái tim tôi ứa máu khi nghĩ đến chàng trai mười chín tuổi bị giết chết ấy. Cậu ta có họ xa với tôi. Gia đình chúng tôi quen biết nhau... Và thêm nữa. Còn có một điều ngu xuẩn nhưng khiến tôi phải phẫn nộ. Tại sao hắn ta lại giết con chó ấy, con vật nuôi lấy khước của chúng tôi, con Bubi tội nghiệp của chúng tôi. Nếu có lúc tôi tìm được hắn, cái kẻ ấy, tôi sẽ rất vui sướng được giết hắn bằng chính tay tôi.

- Chắc đó là điều mà có lẽ chính hắn ta cũng đã tự nhủ suốt một thời gian dài! - Lucile khẽ nói. – Nếu như ta tóm được một trong những tên Đức kia, và nếu không tóm được bọn chúng, thì là một con chó của chúng, thật vui sướng biết chừng nào!

Họ nhìn nhau, bàng hoàng; những lời nói đã buột khỏi miệng họ, mà họ gần như không hay biết. Sự im lặng chỉ làm cho những lời nói đó trở nên trầm trọng hơn.

- Đó là một câu chuyện cũ, - Bruno nói, cố gắng lấy giọng điệu thoải mái, - es ist die alte Geschichte. Người thắng trận không hiểu được tại sao người ta lại giận họ. Sau năm 1918, các vị đã uổng công khi cố gắng thuyết phục chúng tôi rằng chúng tôi xấu tính vì chúng tôi đã không thể quên được chuyện hạm đội của chúng tôi bị đánh đắm, các thuộc địa của chúng tôi bị mất, Đế chế của chúng tôi bị phá hủy. Nhưng làm sao có thể so sánh được sự oán hận của một dân tộc lớn với cú bột phát hận thù mù quáng của một nông dân?

Lucile ngắt một vài cọng cỏ mộc tê, hít mùi của nó, vò nát nó trong tay mình.

- Người ta không tìm thấy hắn à? - cô hỏi.

- Không. Ồ! Giờ thì hắn đã ở xa rồi. Sẽ chẳng có ai trong số những người tử tế kia dám che giấu hắn đâu. Họ biết quá rõ họ mạo hiểm cái gì và họ quý cái mạng của mình, có phải thế không? Cũng gần như là quý tiền của họ vậy...

Với nụ cười phớt nhẹ, hắn nhìn tất cả những ngôi nhà thấp, to ngang, kín đáo, thiêm thiếp ngủ trong ánh hoàng hôn ấy, những ngôi nhà đang dồn ép khu vườn từ mọi phía. Có thể thấy hắn đang tưởng tượng rằng sống trong những ngôi nhà ấy là những bà già lắm điều và đa cảm, những bà tư sản thận trọng, tỉ mẩn, tham lam, và xa hơn nữa, ở trong làng, là những nông dân giống như lũ vật. Đó gần như là sự thật, một phần sự thật. Còn lại, là phần khuất bóng, tối tăm, bí ẩn, thực chất không thể truyền đạt được và đối với phần ấy, đột nhiên Lucile nghĩ, khi nhớ lại một bài đọc thời học trò, “tên bạo chúa kiêu hãnh nhất cũng không bao giờ có nổi quyền lực”.

- Chúng ta ra xa hơn đi, - hắn nói.

Đường đi ven bờ trồng hoa loa kèn; những nụ hoa dài bóng mịn đã bừng nở dưới những tia nắng mặt trời cuối ngày và bây giờ những bông hoa kiêu hãnh, cứng cáp, thơm ngát xòe ra trước làn gió buổi tối. Kể từ ba tháng họ quen nhau, Lucile và gã người Đức đã cùng nhau đi dạo nhiều lần, nhưng chưa bao giờ vào một lúc thời tiết đẹp như vậy, thuận lợi như vậy cho tình yêu. Bằng một thỏa thuận chung, họ cố quên đi tất cả những gì không phải là chính họ. “Điều đó không liên quan đến chúng ta, không phải lỗi của chúng ta. Trong trái tim của mỗi một người đàn ông và mỗi một người đàn bà đều tồn tại một thứ Vườn Địa Đàng, nơi không có cả chết chóc lẫn chiến tranh, nơi thú dữ và hươu nai chơi đùa trong hòa thuận. Chỉ cần tìm thấy cái Thiên Đường ấy, nhắm mắt lại trước những thứ không phải là như vậy. Chúng ta là một người đàn ông và một người đàn bà. Chúng ta yêu nhau.”

Họ tự nhủ rằng lý trí, thậm chí cả trái tim nữa có thể biến họ thành kẻ thù, nhưng có một sự hòa hợp xác thịt không gì có thể phá hủy nổi, một sự thông đồng thầm lặng gắn kết người đàn ông đang yêu và người đàn bà thuận tình lại với nhau bởi một ham muốn chung. Dưới bóng một cây anh đào đầy quả, gần đài phun nước nhỏ nơi vang lên tiếng những con cóc ỉ ỏi gọi mưa, hắn muốn chiếm đoạt cô. Hắn kéo cô vào vòng tay mình bằng hành động thô bạo mà hắn không làm chủ được nữa, hắn giật tung váy áo cô, bóp ngực cô. Cô kêu lên: “Không bao giờ! Không! Không! Không bao giờ!” Sẽ không bao giờ cô thuộc về hắn cả. Cô sợ hắn. Cô không muốn những cái vuốt ve của hắn nữa. Cô không đủ hư hỏng (có lẽ còn quá trẻ?) để từ nỗi sợ này nảy sinh một khoái lạc. Tình yêu mà cô từng đón nhận một cách hài lòng đến nỗi cô đã không chịu tin rằng hắn là kẻ có tội, bỗng vụt hiện ra trước cô như một sự hoang tưởng đáng hổ thẹn. Cô nói dối; cô phản bội hắn. Có thể gọi cái đó là tình yêu chăng? Thế rồi sao? Chỉ một giờ khoái lạc? Nhưng chính khoái lạc cô cũng không thể cảm thấy được. Điều biến họ thành kẻ thù, không phải là lý trí lẫn trái tim mà là những chuyển động âm thầm của máu huyết, thứ mà họ đã tưởng rằng sẽ liên kết họ với nhau, thứ mà đối với nó họ chẳng có quyền lực. Hắn chạm vào cô bằng đôi bàn tay đẹp đẽ thanh tú, nhưng đôi bàn tay mà cô từng mong vuốt ve mình ấy, cô lại không cảm nhận được, trong khi sự lạnh lẽo của chiếc khóa đai lưng quân dụng đang ép vào ngực cô lại khiến cô giá buốt đến tận tim. Hắn thì thầm với cô những lời tiếng Đức. Ngoại quốc! Ngoại quốc! Kẻ thù, dù thế nào đi nữa và mãi mãi vẫn là kẻ thù với bộ quân phục màu lục của hắn, với mái tóc đẹp của hắn, vàng một thứ màu vàng không phải của nơi đây và cái miệng tự tin của hắn. Đột nhiên chính hắn là người đẩy cô ra.

- Tôi sẽ không dùng sức chiếm đoạt bà đâu. Tôi không phải là một kẻ võ biền say rượu... Bà đi đi.

Nhưng dải dây lưng bằng mousseline của váy cô mắc vào những chiếc cúc kim loại của viên sĩ quan. Nhẹ nhàng, tay run run, hắn gỡ dải dây lưng đó ra. Trong lúc đó, cô lo sợ nhìn về phía ngôi nhà. Những ngọn đèn đầu tiên đã sáng lên. Liệu bà Angellier có nhớ ra rằng cần phải kéo cẩn thận hai lớp rèm cửa lại để bóng kẻ trốn chạy không hiện lên trên cửa kính? Người ta không đề phòng đúng mức đối với những buổi hoàng hôn tháng Sáu tươi đẹp này. Chúng làm lộ ra bí mật của những căn phòng để mở không che chắn, khiến các ánh mắt nhìn thấu được bên trong. Người ta chẳng đề phòng gì cả. Tiếng đài phát thanh Anh nghe rõ mồn một từ một ngôi nhà láng giềng; cỗ xe đi ngang qua đường chất đầy những hàng hóa buôn lậu; trong mỗi ngôi nhà đều có vũ khí được cất giấu. Đầu cúi thấp, Bruno cầm trong tay mình những dải dây lưng dài phấp phới. Hắn không dám động đậy cũng chẳng dám nói nữa. Cuối cùng hắn buồn bã nói:

- Tôi đã tưởng...

Hắn không nói hết, lưỡng lự, rồi lại nói tiếp:

- Rằng đối với tôi bà có... một chút tình cảm...

- Tồi cũng đã tưởng như vậy.

- Và không phải sao?

- Không. Điều đó không thể được.

Cô đi xa ra và đứng lại cách hắn vài bước. Trong khoảnh khắc, họ nhìn nhau. Những âm thanh chói tai của một chiếc kèn đồng vang lên: giờ giới nghiêm. Bọn lính Đức đi qua giữa những nhóm người trên quảng trường. “Nào, đi ngủ thôi!” bọn chúng nói không thô bạo. Đám phụ nữ phản đối và cười. Tiếng kèn vang lên lần thứ hai. Dân chúng trở về nhà. Bọn Đức còn lại một mình. Tiếng động của cuộc tuần tra đơn điệu cho đến tận lúc trời sáng của chúng sẽ là thứ duy nhất khuấy động giấc ngủ.

- Giới nghiêm, - Lucile nói bằng giọng đều đều. - Tôi phải về đây. Tôi phải đóng tất cả các cửa sổ lại. Hôm qua ở Bộ Chỉ huy người ta nói với tôi rằng ánh sáng ở phòng khách chưa được che đủ.

- Một khi tôi ở đây, bà đừng lo lắng gì cả. Họ sẽ để bà yên.

Cô không trả lời. Cô chìa tay cho hắn hôn lên đó rồi cô đi về nhà. Quá nửa đêm đã lâu, hắn vẫn đi dạo trong vườn. Cô nghe thấy những tiếng điểm danh ngắn ngủi đơn điệu của lính gác trên phố và, dưới các ô cửa sổ nhà cô, là tiếng bước chân chậm rãi và chừng mực như của cai ngục ấy. Đôi lúc, cô nghĩ: “Anh ta yêu mình, anh ta không nghi ngờ”, và đôi lúc: “Anh ta ngờ vực, anh ta rình, anh ta chờ đợi.”

“Thật đáng tiếc,” đột nhiên cô nghĩ, trong một giây lát chân thành vụt đến. “Thật đáng tiếc, một đêm đẹp trời... dành cho tình yêu... không nên để mất nó. Những cái còn lại chẳng quan trọng gì.” Nhưng cô không hề nhúc nhích để đứng dậy rời khỏi giường, để lại gần cửa sổ. Cô tự cảm thấy mình - bị trói buộc - bị giam hãm - bị gắn kết với vùng đất đang bị cầm tù này, một vùng đất đang khẽ thở dài nôn nóng và mơ ước; cô để cho đêm trôi qua vô ích.