Buồn nôn - Chương 24 (Hết)

Nó đang bắt đầu.

Có những người ngu ngốc cứ muốn tìm lời phủ dụ, an ủi trong mỹ thuật. Như bà cô Bigeois của tôi: “Những khai tấu khúc của Chopin đã nâng đỡ cô biết bao nhiêu khi người cậu đáng thương của con chết đi”. Và những phòng hòa nhạc tràn đầy những người khiêm cung, những kẻ bị xúc phạm, những kẻ mắt nhắm kín, tìm cách chuyển biến những khuôn mặt xanh xao của họ thành những sợi dây trời tiếp nhận. Họ tưởng tượng ra rằng những âm thanh bắt được đang dạt dào chảy trong họ, êm dịu và bồi dưỡng và những nỗi đau khổ của họ đang biến thành âm nhạc, như những nỗi đau khổ của chàng Werther: họ tưởng rằng vẻ đẹp đang tỏ lòng trắc ẩn với họ. Những tên ngu ngốc.

Tôi muốn họ bảo cho tôi biết họ có thấy điệu nhạc này có lòng trắc ẩn không. Mới lúc nãy đây, chắc chắn là tôi đã rất xa với chuyện bơi lội trong hạnh phúc triền miên. Ở trên bề mặt, tôi đã tính toán tiền nong một cách máy móc. Ở bên dưới, ứ đọng lại tất cả những thứ tư tưởng khó chịu này, những tư tưởng đã mặc lấy hình thức những lời tru rống không được thốt ra, những mối ngạc nhiên câm lặng và suốt ngày, suốt đêm chúng không rời khỏi tôi nữa. Và rồi thì, ở bên dưới nữa, cơn Buồn Nôn, còn rụt rè như một buổi bình minh. Nhưng vào lúc đó, lúc chưa có âm nhạc, tôi còn ảo não và trầm tĩnh. Tất cả những đồ vật đang vây quanh tôi đều được làm bằng cùng một chất liệu như tôi, bằng một loại đau khổ tồi tàn. Thế giới đã quá xấu xí, ở bên ngoài tôi, quá xấu xí những chiếc ly bẩn trên những chiếc bàn, và những bệt nâu trên gương và cái tạp dề của Medeleine và dáng điệu khả ái của anh chàng to béo tình nhân của bà chủ quán, quá xấu xí ngay chính hiện hữu của thế giới, đến độ tôi cảm thấy mình dễ chịu, như đang ở trong gia đình.

Bây giờ, có giọng hát của chiếc kèn đồng này. Và tôi xấu hổ, một cơn đau khổ nhỏ đầy vinh quang vừa khởi sinh, một cơn đau khổ điển hình. Bốn âm điệu kèn đồng. Chúng đến và đi, chúng có vẻ như muốn nói: “Phải làm như chúng tôi, phải đau khổ có tiết điệu”. Vâng! Dĩ nhiên, tôi rất muốn đau khổ theo tiết điệu, không chiều lòng, không thương hại chính mình, với một vẻ thuần khiết khô khan. Nhưng có phải lỗi của tôi không nếu chất rượu bia ấm nóng ở đáy ly tôi, nếu có những bệt nâu trên chiếc gương, nếu như tôi là dư thừa, nếu như nỗi đớn đau thành khẩn nhất của tôi, nỗi đớn đau khô khan nhất lại kéo lôi đi và thu giảm lại, với nhiều thịt nhưng đồng thời ít da, như thể con voi biển, với đôi mắt to ẩm ướt và làm động lòng người nhưng lại quá xấu xí? Không, chắc chắn người ta không thể nào bảo rằng nỗi đau khổ đó mang lòng trắc ẩn, nỗi đau khổ bé nhỏ của chất kim cương, đang xoay tròn trên mặt đĩa và làm tôi loé mắt. Ngay cả khi không nói mỉa mai: nó đang xoay tròn nhẹ nhàng, hoàn toàn bận tâm về chính mình; nó đã chặt vỡ tan cái bề mặt trong nhạt nhẽo của thế giới như một điều lầm lẫn và bây giờ, nó đang xoay tròn và tất cả chúng tôi, Madeleine, anh chàng to con, bà chủ, chính tôi và những chiếc bàn, những chiếc băng nhỏ, chiếc gương bị vấy bẩn, những chiếc ly, tất cả chúng tôi, những người đang phó mình cho hiện hữu, vì lẽ chúng tôi đang hiện thể giữa chúng tôi, chẳng có gì ngoài chúng tôi, nó đã bắt chợt chúng tôi trong con người ăn mặc xộc xệch, trong cái đà bỏ mặc mọi sự trôi đi thường ngày: tôi xấu hổ cho chính mình và cho những gì đang hiện hữu trước mặt nó.

Nó không hiện hữu. Ngay cả điều đó  cũng làm ta bực mình; nếu tôi đứng dậy, nếu tôi rứt đĩa ra khỏi chiếc mâm đang nâng nó và nếu tôi đập vỡ đĩa nhạc làm hai, tôi sẽ không đạt được đến Nó. Nó ở bên kia - luôn luôn ở bên kia một cái gì đó, một giọng nói, một nốt vĩ cầm. Xuyên qua những chiều dày và những chiều dày chập chùng của hiện hữu, nó tự hiển lộ, mảnh mai và quả quyết và khi người ta muốn nắm bắt nó, người ta chỉ gặp được những vật thể, người ta chạm phải những vật thể chẳng mang ý nghĩa nào. Nó ở đằng sau chúng: tôi cũng chẳng nghe được nó, tôi nghe những âm thanh, những rung động không khí đang làm hiển lộ nó ra. Nó không hiện hữu, vì lẽ nó chẳng có gì dư thừa: chính những cái còn lại mới dư thừa đối với nó. Nó đang hiện thể.

Và cả tôi nữa, tôi đã muốn mình hiện thể. Tôi đã chỉ ước muốn có thế, đó là chữ cuối của đời tôi: ở đáy sâu của tất cả những toan tính dường như chẳng dính líu gì với nhau, đó, tôi tìm gặp lại cùng một ước vọng: xua đuổi hiện hữu ra khỏi tôi, vắt kiệt những khoảnh khắc cho cạn hết những chất mỡ béo tạo nên chúng, vặn vẹo, vắt cạn chúng, tự lọc sạch tôi, tự làm khô cứng tôi, để sau cùng biến thành cái âm thanh rõ rệt và chính xác của một nốt kèn đồng. Cái đó lại còn có thể tạo nên một ngụ ngôn: có một gã đáng thương đã bị thế giới lừa gạt. Y hiện hữu như những người khác, trong thế giới của những khu công viên, những chủ quán rượu, những đô thị thương mại và y đã muốn tự thuyết phục mình rằng y đang sống ở một nơi nào khác, đằng sau lớp vải của những bức tranh, với những viên đại thống lĩnh của Tintoret, với những người Florence dũng cảm của Gozzoli, đằng sau những trang sách, cùng với Fabrice del Dongo và Julien Sorel, đằng sau những đĩa hát, với những tiếng than dài khô khan của những điệu jazz. Và rồi, sau khi đã làm một người ngu ngốc, y đã hiểu rõ, y đã mở mắt, y đã thấy rằng một sự lộn lạo gì đó: y đang ở trong một quán rượu, ngay bây giờ đây, trước một ly bia ấm nóng. Y bị đè bẹp trên chiếc băng nhỏ; y đã nghĩ: mình là một kẻ ngu ngốc. Và ngay vào khoảnh khắc quý báu ấy, từ bên kia bờ của hiện hữu, trong cái thế giới khác chỗ kia, thế giới mà người ta có thể nhìn thấy từ xa nhưng không bao giờ tiến lại gần được, một ca khúc véo von bắt đầu nhảy múa, hát ca: “Phải hiện thể như ta đây; phải đau khổ trong tiết độ”.

Giọng hát cất lên:

Some of these days

You’ll miss me honey

Hẳn đĩa nhạc đã bị xóa ngay chỗ đó, vì nó phát ra một âm thanh kỳ quặc. Và rồi có một cái gì làm se thắt tâm hồn: đây là vì ca khúc tuyệt đối chẳng bao giờ bị đụng chạm đến vì sự trục trặc của cây kim trên đĩa nhạc. Nó ở rất xa - rất xa đằng sau. Cả điều đó nữa, tôi cũng hiểu: chiếc đĩa bị xóa và hao mòn, người nữ ca sĩ có lẽ đã chết rồi; còn tôi, tôi sắp bỏ đi, tôi sẽ đáp chuyến tàu sắp đến. Nhưng đằng sau vật thể rơi từ một hiện tại này đến một hiện tại khác, không dĩ vãng, không tương lai, đằng sau những âm thanh mà từ ngày này sang ngày khác cứ rã rời, tróc rụng và lướt trôi về cõi chết, ca khúc vẫn còn nguyên như thế, tươi trẻ và quả quyết, như một người chúng không thương xót.

Giọng hát câm lặng, chiếc đĩa nhạc hơi cọ mạnh đoạn dừng lại. Được giải thoát khỏi một giấc mộng rầy rà trái thời, quán cà phê lại nhơi đi nhơi lại nỗi khoái lạc được hiện hữu. Bà chủ mặt đỏ hồng, nàng đang tát vào đôi gò má trắng bệu của người tình mới, nhưng không nhuộm hồng chúng được. Đôi gò má chết. Tôi, tôi đang bị tù hãm, tôi ngủ gà ngủ gật. Trong mười lăm phút nữa, tôi sẽ ở trên tàu, nhưng tôi không nghĩ đến chuyện đó. Tôi đang nghĩ đến một người Mỹ râu cạo nhẵn nhụi, đôi lông mày dày đen đang ngạt thở dưới sức nóng ở tầng lầu thứ hai mươi của một khu nhà Nữu Ước. Bên trên thành phố Nữu Ước, bầu trời đang bốc lửa, màu xanh da trời đã bị cháy bùng, từng ngọn lửa khổng lồ màu vàng liếm mạnh vào các nóc nhà; các cậu bé khu Brooklyn, mặc quần tắm, sắp sửa hứng vào mình những tia nước tắm. Căn phòng tối tăm ở tầng thứ hai mươi đang bị nung chín trong lò sưởi. Người Mỹ có lông này đen thở dài, hổn hển và mồ hôi lăn tròn trên đôi má. Y chỉ mặc áo trong, và đang ngồi trước cây dương cầm: trong miệng y, còn vị cay của thuốc lá và trong đầu y, mơ hồ một điệu nhạc hư ảo như bóng ma. “Some of these days”. Một giờ nữa Tom sẽ đến với bầu rượu; lúc bấy giờ cả hai sẽ cùng buông mình xuống trong chiếc ghế bành bọc da và họ sẽ cùng uống từng ngụm rượu lớn và lửa của bầu trời đến đốt cháy cổ họng họ, họ cảm nghiệm sức nặng của một giấc ngủ mệt mê nóng bức. Nhưng trước hết phải ghi lại điệu nhạc nọ, “Some of these days”. Bàn tay nhấp nhấp mồ hôi cầm lấy cây bút chì trên chiếc dương cầm. “Some of these days; you’ll miss me honey”.

Chuyện đã xảy ra như thế đó. Như thế hay khác đi, nhưng chẳng quan hệ gì. Bản nhạc đã được khai sinh ra như thế. Nó đã chọn cái thân xác mỏi mòn của người Do Thái có đôi lông mày màu than để làm nơi khai sinh. Y cầm lỏng cây bút chì trong tay và những giọt mồ hôi rơi từ trên những ngón tay đeo nhẫn của y xuống mặt giấy. Và tại sao lại không là tôi? Tại sao phải đúng là cái con bê to xác đầy rượu bia bẩn thỉu và rượu nặng để phép lạ đó được hoàn tất?

“Madeleine, xin cô vui lòng quay lại đĩa nhạc đó lần nữa. Đúng một lần nữa thôi, trước khi tôi khởi hành”.

Madeleine cười to. Nàng quay chiếc tay quay vào đấy, nó lại bắt đầu lại. Song tôi không nghĩ đến mình nữa. Tôi nghĩ đến cái gã nơi kia, người đã sáng tác ra điệu nhạc này, vào một ngày tháng bảy, trong hơi nóng đen nồng của căn phòng trú ngụ. Tôi cố gắng nghĩ đến y xuyên qua ca khúc, xuyên qua những âm thanh trắng và chua của chiếc kèn đồng. Y đã sáng tác ra nó. Y đã có những nỗi phiền muộn, mọi chuyện không trôi chảy theo đúng ước mơ: những biên lai thu tiền - và rồi chắc hẳn ở một nơi nào đó, y cũng có một người đàn bà không nghĩ tưởng đến y theo lòng y mong ước - và rồi còn có cái hơi nóng khủng khiếp đang biến người ta thành những đợt mỡ lỏng. Tất cả những cái đó chẳng có chi là vinh hiển lắm. Nhưng khi tôi nghe bài hát và khi nghĩ rằng chính gã nọ đã tạo ra nó, tôi thấy rằng nỗi đau khổ và cơn đổ mồ hôi của gã thực là... cảm động. Y đã có nguồn cảm hứng. Vả lại, hẳn y đã không hiểu rõ như thế. Hẳn y đã nghĩ rằng: với một ít cảm hứng, ngón đó sẽ mang lại cho ta năm mươi đô la! A! Đây là lần đầu tiên kể từ nhiều năm nay, một người mới gây cảm xúc cho tôi. Tôi muốn biết sơ qua về gã nọ. Tôi sẽ thích thú nếu biết được y đã gặp những nỗi phiền muộn nào, y có vợ chưa hay vẫn còn sống độc thân. Đó tuyệt nhiên chẳng phải vì chủ trương nhân bản gì cả: trái lại. Nhưng bởi vì gã đã tạo ra nó. Tôi không muốn quen biết gã - vả lại có lẽ gã đã chết. Tôi chỉ muốn biết được vài điều nho nhỏ về gã và thỉnh thoảng lại có thể tưởng nghĩ đến gã khi nghe đĩa nhạc này. Đấy, tôi giả thử rằng chuyện đó có lẽ chẳng làm cho gã nóng thêm hay lạnh thêm, nếu như có người bảo gã rằng, trong thành phố đứng vào hàng thứ bảy của nước Pháp, ở ven nhà ga, có một người đang nghĩ tưởng đến gã. Nhưng tôi, nếu ở vào địa vị của gã, tôi sẽ sung sướng, tôi thèm muốn được như thế. Bây giờ tôi phải đi. Tôi đứng dậy, nhưng tôi còn do dự một lúc, tôi muốn nghe người nữ ca sĩ da đen cất lên tiếng hát. Lần cuối cùng.

Nàng hát. Đấy là hai người đã được giải thoát: gã Do Thái và người danh ca da đen. Được cứu thoát. Có lẽ họ đã tưởng mình thua thiệt tận cùng, bị dìm sâu vào trong hiện hữu. Và tuy thế, lại chẳng có ai nghĩ đến tôi như tôi đang nghĩ đến họ, với lòng trìu mến. Chẳng có ai, ngay cả Anny. Đối với tôi, họ vừa tương tự những người chết, vừa tương tự những nhân vật chính trong tiểu thuyết, họ đã được rửa sạch tội hiện hữu. Cố nhiên là không toàn vẹn - nhưng ít ra cũng ở trong khả năng của một con người. Ý tưởng này đột nhiên làm tôi rối loạn, vì tôi chẳng còn hy vọng cả đến chuyện đó nữa. Tôi cảm thấy có một cái gì đó đang rụt rè rình mò tôi và tôi không dám động đậy vì tôi sợ nó rời bỏ tôi. Một cái gì đó tôi không biết nữa. Một thứ hân hoan vui sướng.

Người đàn bà da đen đang hát. Vậy thì người ta có thể biện chính cho hiện hữu của nàng? Biện chính một tí tẹo thôi? Tôi cảm thấy mình bị khinh khiếp dị thường. Đấy không phải vì tôi mang nhiều hi vọng. Nhưng tôi hiện như một gã hoàn toàn bị đông cứng lại sau một chuyến du hành trong miền tuyết lạnh, lại đột ngột bước vào trong một căn phòng ấm nóng. Tôi nghĩ rằng y sẽ đứng bất động gần cửa ra vào, người hãy còn giá buốt, và những cơn rùng mình chậm rãi truyền suốt thân thể y.

Some of these days

You’ll miss me honey

Có phải tôi sẽ không thể nào thử... cố nhiên, đấy không phải là một điệu nhạc... nhưng có phải tôi không thể nào, trong một lãnh vực khác?... Đấy phải là một quyển sách: tôi chẳng biết làm cái gì khác. Nhưng không phải là một cuốn sách lịch sử: lịch sử nói về những gì đã hiện hữu - không bao giờ một vật thể đang hiện hữu lại có thể biện chính cho hiện hữu của một vật thể khác. Lầm lẫn của tôi, là muốn phục sinh De Rollebon. Một loại sách khác. Tôi không biết rõ là loại nào - nhưng đằng sau những dòng chữ in, đằng sau những trang giấy, người ta phải đoán ra được một cái gì sẽ không hiện hữu, một cái gì sẽ ở trên hiện hữu. Một câu chuyện, chẳng hạn, như nó không thể xảy đến, một cuộc phiêu lưu. Nó phải đẹp và rắn như thép và phải làm cho con người xấu hổ vì hiện hữu của họ.

Tôi bỏ đi, tôi cảm thấy mình bất quyết. Tôi không dám quyết định. Nếu tôi chắc rằng mình có tài... Nhưng chưa bao giờ - chưa bao giờ tôi đã viết gì về loại này; những bài về lịch sử, vâng, và còn nữa. Một quyển sách. Một cuốn truyện. Và sẽ có những người đọc quyển truyện đó và bảo: “Chính Antoine Roquentin đã là tác giả cuốn này, hắn là một gã tóc hoe lê lết trong các quán cà phê”, và họ nghĩ đến đời sống tôi như tôi đang nghĩ đến đời sống của người nữ ca sĩ da đen này: như nghĩ đến một cái gì quý báu và hơi huyễn hoặc. Một cuốn sách. Dĩ nhiên, thoạt tiên đó chỉ là một công việc đầy buồn chán và làm ta mệt mỏi, nó không ngăn cản tôi tiếp tục hiện hữu và cảm nghiệm rằng mình đang hiện hữu. Nhưng sẽ có một lúc mà cuốn sách được viết xong, cuốn sách ở đằng sau tôi và tôi nghĩ rằng một chút ánh sáng rực rỡ của nó sẽ rọi xuống quãng đời quá khứ của tôi. Lúc bấy giờ, xuyên qua nó, có lẽ tôi có thể nhớ lại mà không kinh tởm cuộc đời của mình. Có lẽ vào một ngày nào đó, khi nghĩ đến đúng giờ phút này, cái giờ phút ủ ê, cái giờ phút mà, lưng khòm xuống, tôi đang chờ lúc để leo lên tàu, có lẽ tôi sẽ cảm thấy tim mình đập nhanh hơn và tôi tự nhủ mình: “Chính vào ngày đó, giờ đó, mọi sự đã khởi đầu” và tôi sẽ đi đến dĩ vãng, chỉ toàn là dĩ vãng - chỗ tự chấp nhận mình.

Màn đêm buông xuống, ở tầng nhất của khách sạn Printania, hai khung cửa sổ vừa bật sáng. Con lộ nhỏ dẫn đến nhà ga mới bốc lên nồng nặc mùi gỗ ẩm: ngày mai, mưa sẽ rơi trên thành phố Bouville.

- End -

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách

Chimcanhcut100786 – Kú đốm – Diên Vĩ

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)