Buồn nôn - Chương 23

Lúc đó gã đảo Corse mới bắt đầu tru tréo lên. Gã vừa đến đứng sau ghế của Chàng Tự Học mà không ai hay. Mặt gã đỏ sẫm và có vẻ như cười, nhưng đôi mắt gã nảy lửa. Tôi giật nảy người trên ghế, nhưng cảm thấy như được nhẹ nhõm: sự chờ đợi thật quá mệt nhọc. Tôi đã muốn chuyện ấy kết thúc càng sớm càng hay, tôi muốn người ta vất y ra ngoài nếu muốn, nhưng chuyện đó phải kết thúc. Hai cậu bé, mặt mày trắng bệch, lẹ tay ôm lấy cặp chạy biến đi.

“Tôi thấy ông rồi, gã đảo Corse kêu lên trong cơn cuồng nộ, tôi đã thấy ông lần này, ông sẽ không nói được là chuyện ấy không thật. Chuyến này ông sẽ nói rằng không thật nữa đi? Ông tưởng tôi không thấy thủ đoạn của ông? Tôi không mù đâu, ông bạn quý ạ. Tôi cứ bảo mình nên bền lòng! Và khi bắt được thì ông sẽ trả giá đắt lắm. Ồ, phải, ông sẽ phải trả giá đắt. Tôi biết tên ông, tôi biết địa chỉ ông, tôi đã tự tìm hiểu, ông rõ chứ? Tôi cũng biết ông chủ của ông, ông Chuillier. Chính ông chủ ông sẽ ngạc nhiên khi sáng mai, ổng nhận được một bức thư của ông chủ thư. Hở? Im đi ông, y nói trong lúc mắt y quắc lên. Trước hết đừng có tưởng rằng sự việc sẽ dừng lại ở đó. Ở Pháp có những tòa án dành cho những người thuộc loại ông. Ông ham học! Ông trau dồi văn hóa! Ông làm rộn tôi suốt buổi, hỏi han rồi mượn sách! Ông không bao giờ lừa dối được tôi, ông biết chứ?”

Chàng Tự Học không có vẻ ngạc nhiên. Hẳn đã từ lâu năm y chờ đợi kết quả này. Hàng trăm lần y đã phải tưởng tượng cảnh xảy ra, cái ngày mà gã đảo Corse rón rén lướt tới sau lưng và cái giọng nói giận dữ bỗng chốc vang dội vào tai y. Và tuy vậy mỗi chiều y đều trở lại đây, đều đọc sách một cách say sưa và rồi thỉnh thoảng, như một tên trộm, y vuốt ve bàn tay trắng muốt hay có lẽ bắp chân của một cậu bé. Điều tôi đọc thấy trên mặt y, đúng hơn là sự nhịn nhục.

“Tôi không biết ông muốn nói gì, - y ấp úng, tôi đến đây từ mấy năm nay...”

Y làm bộ tức giận, ngạc nhiên, nhưng không tin tưởng nhiều. Y biết rõ ràng chuyện đã xảy ra và không có gì ngăn lại được, và y phải sống nó từng phút từng giây.

“Đừng nghe y, tôi đã thấy hết rồi”, bà ngồi bên tôi lên tiếng. Bà đứng dậy một cách nặng nề: “Ồ không! Đây không phải là lần đầu tôi nhìn thấy chuyện đó, thứ hai vừa rồi, cũng vào gần giờ này, tôi đã thấy y và tôi đã không muốn nói gì, vì tôi không tin điều mắt tôi trông thấy và không tin rằng trong một thư viện, một nơi nghiêm trang mà người ta đến để học hỏi lại xảy ra những chuyện ô uế. Tôi, tôi không có con, nhưng tôi trách mấy bà mẹ cho con tới học ở đây và tin rằng chúng được yên bình lắm, che chở lắm, trong khi có những đồ yêu quỷ không tôn trọng cái gì cả và ngăn không cho chúng làm bổn phận của chúng”.

Gã đảo Corse tiến lại gần Chàng Tự Học: “Ông đã nghe bà đây nói gì chứ? Gã hét vào mặt y, ông không cần phải đóng kịch. Người ta đã thấy ông rồi, ông lương thiện nhơ nhớp ạ!”.

“Thưa ông, tôi buộc ông phải lễ độ”. Chàng Tự Học nói một cách đứng đắn. Y đóng trò rất khéo. Có lẽ y đã muốn thú nhận, chạy trốn, nhưng y phải thủ vai trò của y cho tới cùng. Y không nhìn gã đảo Corse, mắt y gần như khép lại. Tay y buông thõng, y xanh xao kinh khủng. Và rồi, bỗng chốc, máu nóng dâng lên hồng mặt y.

Gã Corse tức giận đến nghẹn thở.

“Lễ độ? Đồ nhơ bẩn! Có lẽ ông tưởng rằng tôi đã không thấy ông. Tôi đã rình ông từ trước, tôi cho ông biết. Tôi đã rình ông từ nhiều tháng nay rồi.”

Chàng Tự Học nhún vai và giả vờ chăm chú đọc sách trở lại. Mặt đỏ nhừ, mắt đầy nước mắt, y cố tạo lấy dáng điệu lưu tâm tột độ và nhìn chăm chú một bức tranh khảm Byzantine.

“Hắn tiếp tục đọc, hắn quả là liều lĩnh”, bà nọ vừa nói vừa nhìn gã đảo Corse.

Gã này hơi ngần ngại. Đồng thời, viên phụ tá thư viện trưởng, một thanh niên rụt rè và rất trầm mặc, bị gã đảo Corse làm kinh hoảng, đang từ từ ngẩng lên khỏi bàn giấy của mình và gọi: “Paoli, có chuyện gì thế?”. Một giây trù trừ trôi qua và tôi có thể hi vọng rằng câu chuyện ngừng ngang đấy. Nhưng gã đảo Corse, hắn đã lấy lại bình tĩnh và cảm thấy mình lố bịch. Điên tiết và không còn biết nói gì với nạn nhân câm lặng này, y đứng thẳng người dậy và đấm nắm tay vào không khí. Chàng Tự Học quay lại, sợ hãi. Y nhìn gã đảo Corse, mồm há ra; mắt y lộ vẻ lo sợ khủng khiếp.

“Nếu ông đánh tôi, tôi sẽ kiện ông, y nói một cách khó khăn, tôi sẵn sàng rời bỏ nơi này.”

Đến lượt tôi đứng dậy, nhưng đã quá muộn: gã đảo Corse phát ra một tiếng rên rỉ âm vang khoái trá và bỗng y lao nắm tay thoi mạnh trên mũi Chàng Tự Học. Trong thoáng giây, tôi chỉ còn thấy đôi mắt của chàng Tự Học, đôi mắt đẹp mở rộng vì đau đớn và xấu hổ ở trên một cổ tay và nắm tay màu nâu. Khi gã đảo Corse thu nắm tay về, mũi của Chàng Tự Học phọt máu ra. Y muốn đưa tay lên mặt, nhưng gã đảo Corse còn đánh y thêm vào nơi góc môi. Chàng Tự Học lả người trên ghế và nhìn đằng trước với đôi mắt rụt rè hiền dịu. Máu chảy từ mũi xuống y phục, tay mặt y sờ soạng để tìm cái gói trong khi tay trái y chùi hai lỗ mũi đang chảy máu chan hòa.

“Tôi đi đây”, y nói như nói một mình.

Bà ngồi cạnh tôi xanh mặt và đôi mắt long lanh.

“Đồ nhơ bẩn, bà ta nói, làm vậy là phải”.

Tôi run lên vì tức giận. Tôi đi vòng qua bàn, nắm cổ gã đảo Corse và nhấc hắn lên, người hắn giãy giụa: tôi phải đập vỡ mặt hắn trên bàn. Hắn xanh mặt đánh trả, và tìm cách cào cấu tôi; nhưng đôi tay ngắn của hắn không với tới mặt tôi. Tôi không nói một tiếng, nhưng tôi muốn đánh vỡ mũi và đập tan bản mặt của hắn ra. Hắn hiểu như vậy, nên nhấc khuỷu tay để bảo vệ mặt: tôi bằng lòng vì thấy rằng hắn đã sợ sệt. Bỗng hắn bắt đầu thở khò khè:

“Buông tôi ra, đồ vũ phu. Có phải ông cũng là một phường lắp đít nữa không đấy?”. Tôi vẫn còn tự hỏi tại sao tôi lại buông hắn ra. Phải chăng tôi sợ những vụ rắc rối? Phải chăng những năm lười biếng ở Bouville đã làm tôi bị hoen rỉ? Ngày xưa thì tôi đã không để hắn yên mà không đánh bể vài chiếc răng. Tôi quay lại phía chàng Tự Học, bấy giờ đã ngẩng đầu lên. Nhưng y tránh cái nhìn của tôi, y đi đến móc lấy áo khoác xuống, đầu vẫn cúi gầm. Y không ngừng lấy tay trái quẹt mũi, như để ngăn máu chảy. Nhưng máu cứ rịn ra mãi, và tôi sợ rằng y bị đau đớn lắm. Y lầm bầm trong miệng, không nhìn ai cả:

“Đã nhiều năm tôi đến đây...”

Nhưng vừa đứng lên được, gã Corse đã trở lại làm chủ tình thế...

“Ông cứ cút khỏi nơi này đi, gã nói với Chàng Tự Học, và đừng đặt chân tới đây nữa nếu không tôi sẽ kêu cảnh sát mời ông ra”.

Tôi đuổi kịp Chàng Tự Học ở chân cầu thang. Tôi khó chịu, hổ thẹn vì sự hổ thẹn của y, tôi không biết nói gì với y nữa. Y không có vẻ nhận ra sự hiện diện của tôi. Cuối cùng y rút khăn tay ra và khạc một cái gì vào trong. Mũi y đã bớt chảy máu.

“Đi với tôi đến nhà thuốc”, tôi nói với y một cách vụng về.

Y không trả lời. Một tiếng rì rào lớn thoát ra khỏi phòng đọc sách. Mọi người ở đấy hẳn đang cùng một lượt nói đến chuyện vừa xảy ra. Người đàn bà phát ra một tràng cười lanh lảnh.

“Không bao giờ tôi trở lại nơi đây nữa”. Chàng Tự Học nói. Y quay lại và ngần ngừ nhìn chiếc cầu thang và cửa vào phòng đọc sách. Cử động ấy làm máu chảy xuống cổ áo giả và cổ của y. Miệng và má y nhoè cả máu.

“Lại đây”, tôi vừa nói vừa nắm cánh tay y.

Y run rẩy vuột tay ra một cách hùng hổ.

“Để mặc tôi!”

“Nhưng ông không thể một mình như thế này được. Phải có người rửa mặt và săn sóc cho ông”.

Y lặp lại:

“Để mặc tôi, tôi van ông, ông cứ để mặc tôi”.

Y sắp sửa bị khủng hoảng thần kinh: tôi để y đi xa dần. Ánh trời tà còn chiếu rọi một chốc lên chiếc lưng cong của y, đoạn y biến mất. Trên ngưỡng cửa, có một vết máu, hình ngôi sao.

Trời nhá nhem, mặt trời đã lặn; trong hai giờ nữa tàu sẽ lên đường. Lần đầu tiên tôi băng qua suốt công viên, và tôi đi dạo trên đường Boulibet. Tôi biết đó là đường Boulibet, nhưng tôi không nhận ra được nó. Thường khi tôi đi vào đó, tôi tưởng như đi qua một chiều dày sâu thẳm của ngũ quan nặng nề và vuông vắn. Với vẻ nghiêm trang vô duyên, mặt đường phồng lên và có tráng nhựa, đường Boulibet nom giống với những quốc lộ khi chúng băng qua những thị trấn giàu có và khi chúng chạy dọc theo hông những ngôi nhà hai tầng to lớn, trên hơn một cây số; tôi gọi đó là con đường của những nông dân và con đường làm tôi thích thú vì nó rất lạc loài, rất mâu thuẫn trong một thương cảng. Hôm nay, những ngôi nhà đang hiện hữu ở kia, nhưng chúng đã mất đi cái vẻ thôn dã của chúng: đó là những bất động sản, và chỉ có thế. Trong công viên, tôi cũng có ngay cái cảm giác cùng loại: những cây nhỏ, những thảm cỏ, vòi nước Olivier Masqueret, tất cả đều có vẻ cứng đầu vì chúng mãi không biểu lộ gì. Tôi hiểu rồi: thành phố đã bỏ rơi tôi trước. Tôi chưa rời khỏi Bouville nhưng tôi đã không còn ở đó nữa rồi. Bouville im tiếng. Tôi cảm thấy lạ lùng khi phải lưu lại hai giờ nữa trong thành phố này, nơi không còn biết đến tôi nữa và đang sắp xếp những đồ đạc và phủ chúng dưới những lớp áo che ngoài để có thể bày ra cho những người mới đến trong tất cả vẻ mới mẻ của mình vào chiều hôm nay, vào ngày mai. Tôi cảm thấy bị quên lãng hơn bao giờ hết.

Tôi bước đi vài bước rồi đứng lại. Tôi nhấm nháp tình trạng bị quên lãng hoàn toàn mà tôi đang rơi vào. Tôi đang ở giữa hai thành phố, một chưa biết đến tôi và một không còn biết đến tôi nữa. Ai đang nhớ tôi đây? Có lẽ một thiếu phụ nặng nề, ở Luân-đôn... Và rồi, nàng có thật nghĩ đến tôi không?

Và chăng còn có gã kia, gã người Ai-cập kia. Có lẽ gã vừa về đến phòng, có lẽ gã đã ôm nàng trong vòng tay. Tôi không ghen; tôi biết rõ rằng nàng đang sống thừa ra. Ngay cả nếu nàng trọn lòng yêu gã, thì đó cũng là một tình yêu của người chết. Tôi, tôi đã hưởng cái tình yêu sống động cuối cùng của nàng, nhưng dù sao, gã còn một điều để có thể hiến dâng cho nàng, khoái lạc. Và nếu nàng đang suy nhược và chìm đắm trong sự rối loạn, thì không còn gì nơi nàng ràng buộc nàng với tôi. Nàng hưởng thụ và tôi chỉ là của nàng nếu trước đây tôi chưa bao giờ gặp nàng; nàng đột nhiên biến dạng mất tăm khỏi tôi, và tất cả những ý thức khác trên cuộc đời cũng rời khỏi tôi. Điều đó làm tôi thành lố bịch. Tuy nhiên, tôi biết rõ rằng tôi hiện hữu, rằng tôi đang ở đây.

Trong hiện tại, khi tôi nói “tôi”, tôi thấy điều đó hoàn toàn trống rỗng. Tôi không còn cảm thấy rõ tôi nữa, khi tôi đã bị quên lãng dường kia. Tất cả cái gì còn là thực trong tôi, đó là sự hiện hữu đang cảm thấy mình đang hiện hữu. Tôi nhẹ ngáp một hơi dài. Không ai cả. Antoine Roquentin không hiện hữu cho một ai cả. Điều đó làm tôi vui thích. Và Antoine Roquentin là cái gì? Đó là chuyện thuộc về lãnh vực trừu tượng, một kỷ niệm mờ nhạt nhỏ bé về tôi lung linh trong ý thức. Antoine Roquentin... và bỗng cái Tôi mờ nhạt, mờ nhạt, rồi tắt hẳn.

Sáng suốt, bất động, im lìm, hoang vu, ý thức được đặt giữa những bức tường; ý thức được hóa thân thành vĩnh cửu. Không còn ai ở trong ý thức nữa. Vậy mà một người nào cũng còn xưng tôi, ý thức của tôi. Ai? Ở bên ngoài, có những con đường đang lên tiếng nói, với những màu sắc và những mùi hương quen thuộc, vẫn còn những bức tường vô danh, một ý thức vô danh. Đây là điều đang diễn ra: những bức tường, và giữa những bức tường một khối nhỏ trong suốt sống động và vô ngã. Ý thức hiện hữu như một chiếc cây, như một ngọn cỏ. Ý thức mộng du, ý thức đang buồn bã. Những hiện hữu nhỏ bé và mong manh đang bám đầy ý thức như những con chim trên các cành cây. Bám đầy ý thức và biến mất tăm. Ý thức bị lãng quên, bị bỏ rơi giữa những bức tường này, dưới bầu trời xám nắng. Và đây là ý nghĩa của hiện hữu đó: nó là ý thức về sự kiện mình đang hiện thể một cách dư thừa. Ý thức hòa tan, phân tán, ý thức tìm cách tự đánh mất mình giữa bức tường nâu, dọc theo dãy đèn lồng hay trong làn khói chiều đang nhẹ tỏa dưới kia. Nhưng chẳng bao giờ ý thức tự lãng quên mình được; ý thức là ý thức mình là một ý thức đang tự lãng quên. Đấy là căn phần của nó. Có một giọng nói tắc nghẹn đang cất lên: “Chuyến tàu sẽ khởi hành trong hai giờ nữa,” và có ý thức về giọng nói đó. Cũng có ý thức về một khuôn mặt. Khuôn mặt chậm rãi đi qua, bê bết máu, và đôi mắt lớn ràn rụa. Khuôn mặt đó không ở giữa những bức tường, nó chẳng ở nơi nào cả. Khuôn mặt tan biến, thay vào đó là một thân xác khom khom với một chiếc đầu đẫm máu, đang bỏ đi từng bước chậm, ở mỗi bước hình như lại muốn dừng, nhưng chẳng bao giờ dừng”. Có ý thức về cái thân thể đang bước đi chậm rãi trên một con phố tối tăm. Thân thể bước đi, nhưng không lìa xa. Con phố tối tãm không bao giờ kết thúc. Nó mất hút trong cõi hư vô. Nó không hiện hữu giữa những bức tường, nó chẳng hiện hữu ở một nơi nào cả. Và lại có ý thức về một giọng nói tắc nghẹn đang nhắn nhủ: “Chàng Tự Học đang lang thang trong thành phố”.

Không phải trong cùng một thành phố, không! Giữa những bức tường không âm sắc này, chàng Tự Học bước đi trong một thành phố tàn bạo, thành phố chẳng lãng quên y. Có nhiều người đang nghĩ đến y, gã đảo Corse, cái bà to béo, có lẽ là tất cả mọi người trong thành phố. Y hãy còn chưa bị mai một, y không thể nào đánh mất bản ngã mình, cái bản ngã đang bị đày ải, đẫm máu mà tất cả những người kia đã chẳng muốn tiêu diệt. Đôi môi, lỗ mũi y đang làm y đau nhức, y đang nghĩ: “Mình đang đau”, y bước đi, y phải bước đi. Nếu chỉ dừng lại trong một thoáng giây, thì những bức tường cao của thư viện sẽ đột nhiên dựng đứng lên quanh y, nhốt chặt y vào giữa; gã đảo Corse sẽ đột nhiên hiện ra cạnh y và tấn tuồng lại khôi diễn, in hệt như cũ, trong tất cả mọi chi tiết, và mụ đàn bà sẽ kêu lớn: “Những giống bẩn thỉu đó, phải nhốt chúng vào ngục tối”.

Y bước đi, y không muốn quay trở về nhà: gã Corse đang chờ y trong phòng và người đàn bà và hai chú bé: “Thôi, đừng chối cãi gì cho mất công, tôi đã nhìn thấy hết”. Và tấn tuồng lại khởi sự. Y đang nghĩ: “Trời ạ; giá mình đừng làm chuyện đó, giá mình có thể đừng làm chuyện đó, giá như chuyện đó có thể không có thực.”

Khuôn mặt đầy âu lo lượn qua lượn lại trước ý thức: “Có lẽ y sắp đi tự tử”. Nhưng không: cái tâm hồn dịu dàng và bị xua đuổi đó không thể nghĩ đến cái chết được.

Có tri thức về ý thức. Tri thức được: nhận ra ở nơi này nơi nọ, yên tĩnh và rỗng không giữa những bức tường, được giải phóng khỏi con người đang ngụ cư nơi đó, tri thức hình thù quái dị vì nó chẳng là ai cả. Giọng nói cất lên: “Hành lý đã thu xếp xong. Chuyến tàu sẽ khởi hành trong hai giờ nữa”, những bức tường trôi lướt sang bên phải và bên trái. Có ý thức về con người nện đá, ý thức về cửa hiệu đồ sắt, những kẻ sát nhân trong trại lính và giọng nói cất lên: ‘Lần cuối cùng”.

Ý thức về Anny, về Anny người béo phệ, về Anny ngày xưa, trong căn phòng khách sạn, có ý thức về sự đau khổ, sự đau khổ được ý thức đến giữa những bức tường dài chạy ra xa và chẳng bao giờ quay trở lại: “Chưa chấm dứt sao?”. Giọng hát giữa những bức tường đang ca một điệu jazz, “some of these days”; chưa chấm dứt sao? Và điệu nhạc êm ái trở lại, từ đằng sau, một cách phỉnh phờ, lấy lại âm thanh, và giọng hát không thể dừng lại và thể xác bước đi và có ý thức về tất cả những cái đó và than ôi! Ý thức về chính ý thức. Nhưng không có ai ở đấy để đau khổ và vặn vẹo tay nhau và tự xót thương mình. Không có ai cả. Đây là một nỗi đau khổ tinh thần của những ngã tư, một nỗi đau khổ bị quên lãng - một nỗi đau khổ không thể tự lãng quên mình. Và giọng nói cất lên: “Đây là quán Rendez-vous des Cheminots” và cái Tôi nảy sinh trong ý thức chính là tôi, Antoine Roquentin, tôi sắp đi Ba Lê ngay bây giờ đây; tôi đến từ biệt bà chủ quán.

“Tôi đến để cáo biệt bà.”

“Ông ói à, ông Antoine”

“Tôi sắp đến ở tại Ba Lê, để thay đổi.”

“Ông may mắn thật!”

Làm thế nào mà tôi đã có thể ép chặt môi mình trên khuôn mặt rộng kia? Thân thể của nàng không còn thuộc về tôi nữa. Mới hôm qua đây, tôi còn biết đoán nhận ra thân thể đó dưới chiếc áo len đen. Hôm nay, chiếc áo ấy không thể thâm nhập vào được. Cái thân thể trắng ngần với những mạch máu lộ rõ trên da đó, có phải là một giấc mộng chăng?

“Thật tiếc, bà chủ bảo. Ông dùng cái gì chứ? Tự tay tôi sẽ hầu ông.”

Tôi và nàng ngồi xuống, chạm cốc. Nàng hạ thấp giọng.

“Tôi đã “quen” với ông, nàng nói với một vẻ hối tiếc nhã nhặn, tôi hợp với ông lắm”.

“Tôi sẽ trở lại thăm.”

“Đúng đấy, ông Antoine. Khi có dịp ghé qua Bouville, ông lại chào sơ chúng tôi nhé. Ông sẽ tự bảo: “Mình sắp đến chào bà Jeanne, điều đó làm nàng hài lòng”. Quả thế, người ta rất thích biết mọi người trở nên như thế nào. Vả lại, ở đây, người ta luôn luôn quay lại thăm chúng tôi. Chúng ta có những người lính thủy, phải thế không? Những công nhân của công ty xuyên Đại tây dương, có những lần suốt hai năm tôi không gặp lại họ, đột nhiên nghe họ đang ở Ba Tây hay Nữu Ước hoặc họ đang phục vụ trên một chiếc thương thuyền ở Bordeaux. Và rồi một ngày nào đó, tôi gặp lại họ “Chào bà Jeanne”. Chúng tôi cùng nâng ly. Ông cứ tin tôi đi, tôi còn nhớ rõ họ quen dùng rượu gì nữa. Hai năm xa cách! Tôi bảo Madeleine: “Cô dọn một ly vẹt-mút nguyên chất cho ông Pierce, một ly Noilly Cinzano cho ông Léon đây”. Họ bảo tôi: “Bà chủ, làm sao mà bà nhớ kỹ thế?”. “Đấy là nghề của tôi mà”, tôi bảo họ như vậy”.

Ở sâu tận căn phòng, có một gã đàn ông to lớn đang ngủ với nàng từ ít lâu nay. Gã gọi nàng:

“Cưng ơi!”

Nàng đứng dậy:

“Xin lỗi nhé, ông Antoine.”

Người hầu gái tiến đến bên tôi:

“Sao, ông bỏ chúng tôi đi thật à?”

“Tôi đi Ba Lê”

“Tôi đã sống tại Ba Lê, nàng hãnh diện bảo. Hai năm. Tôi đã giúp việc tại tiệm Siméon. Nhưng ở đấy tôi buồn lắm”.

Nàng ngần ngừ trong một thoáng, đoạn nhận ra rằng chẳng còn gì để nói với tôi:

“Chào tạm biệt ông, ông Antoine”.

Nàng lau khô tay trên chiếc tạp dề và chìa tay cho tôi:

“Tạm biệt cô, Madeleine”.

Nàng bỏ đi. Tôi lôi tờ Nhật báo Bouville lại gần, rồi lại đẩy tờ báo ra: mới lúc nãy đây, tại thư viện, tôi đã đọc nó từ dòng đầu đến dòng cuối.

Bà chủ quán không trở lại: nàng đang buông thả cho người bạn trai bóp bóp một cách say sưa đôi bàn tay mũm mĩm.

Chuyến tàu hỏa sẽ khởi hành trong bốn mươi lăm phút nữa.

Để giải khuây, tôi ngồi nhẩm tính.

Mười hai nghìn đồng một tháng, quả chẳng béo bở gì. Tuy nhiên, nếu tôi dè sẻn một chút, thì sẽ vừa vặn. Một căn buồng ba ngàn đồng, ăn uống một ngàn một trăm năm mươi đồng, còn lại bốn ngàn rưỡi để dùng vào việc giặt ủi, tiêu vặt và xem chiếu bóng, về đồ vải, y phục, tôi sẽ chẳng cần đến trong một thời gian lâu. Hai bộ y phục của tôi còn sạch chán, dù rằng hơi lên nước bóng nơi cùi chỏ: nếu cẩn thận chăm sóc, tôi sẽ còn dùng chúng được ba hay bốn năm nữa.

Trời đất ạ! Chính tôi sẽ sống cuộc đời nấm hoang đó sao? Tôi sẽ làm gì những tháng ngày của mình đây? Tôi sẽ dạo chơi. Tôi sẽ đến ngồi tại điện Tuileries trên một chiếc ghế sắt - hay tốt hơn, để tiết kiệm, ngồi trên một chiếc ghế băng. Tôi sẽ đến đọc sách tại các thư viện. Và rồi? Mỗi tuần một lần đi xem chiếu bóng. Và rồi? Ngày chủ nhật, tôi có đi xem Người leo dây không? Tôi có đến chơi đánh cầu với những người hưu trí ở vườn Lục Xâm Bảo? Vào năm ba mươi tuổi! Tôi thương hại tôi. Có những lúc tôi tự hỏi tốt hơn có nên tiêu trong một năm trọn cả ba triệu đồng còn lại của tôi chăng - và sau đó... Nhưng nó sẽ đem đến được cho tôi những gì? Những bộ y phục mới? Những người đàn bà? Những cuộc du lịch? Tôi đã có tất cả những thứ đó và giờ đây, đã hết rồi, chúng không còn làm tôi thèm khát hơn nữa: đối với những gì sẽ còn lại từ đó! Trong vòng một năm, tôi sẽ gặp lại chính mình, tâm hồn cũng trống rỗng như hôm nay, chẳng có đến cả một kỷ niệm và chán nản mỏi mệt trước cái chết.

Ba mươi tuổi! Và một trăm bốn mươi bốn ngàn lợi tức. Những phiếu lợi tức cứ phải ghi lại mỗi tháng. Tuy thế, tôi chưa phải là một ông già! Ước sao người ta ban cho tôi bất cứ việc gì đó để làm... Tốt hơn là tôi nên nghĩ đến chuyện khác, vì lẽ trong lúc này, tôi đang tự chơi trò đóng kịch với mình. Tôi biết rất rõ rằng tôi chẳng hề muốn làm bất luận điều gì: làm một cái gì, tức là tạo ra hiện hữu - và đã có quá nhiều hiện hữu như thế rồi.

Sự thật là tôi không thể buông viết được: tôi tin rằng tôi sắp chạm trán với cơn Buồn Nôn và tôi có cảm tưởng làm chậm nó lại được bằng cách viết lan man. Vì vậy, tôi viết bất cứ chuyện gì thoáng qua đầu tôi.

Madeleine, muốn làm tôi vui lòng, vừa kêu tôi từ xa vừa đưa lên một đĩa nhạc:

“Đĩa nhạc của ông đây, ông Antoine; đĩa mà ông thích, ông có muốn nghe lần cuối không?”

“Nếu cô vui lòng”.

Tôi bảo thế, vì lịch sự, nhưng tôi thấy mình không khoẻ khoắn lắm để nghe một điệu nhạc jazz. Tuy vậy tôi cũng sẽ chú ý, vì như Madeleine bảo, tôi nghe đĩa nhạc này lần cuối: đĩa nhạc rất cổ; quá cổ, cả đối với tỉnh lỵ; tôi sẽ hoài công kiếm tìm đĩa nhạc đó ở Ba Lê. Madeleine sẽ đặt đĩa lên trên mâm quay của máy hát, mâm sẽ xoay tròn; trong những đường rãnh, cây kim thép sẽ bắt đầu nhảy và nghiến vào mặt đĩa, rồi khi những đường rãnh đã đưa dẫn cây kim vào trong vòng trôn ốc, cho đến tận trung tâm đĩa nhạc, biến cố đó sẽ kết thúc, cái giọng trầm đặc ca bài “Some of these days” sẽ câm lặng vĩnh viễn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3