Nhà Giả Kim - Chương 35 - 36
35
Hôm sau cậu lại ra giếng chờ cô gái. Cậu ngạc nhiên khi gặp chàng người Anh ở đấy; lần đầu tiên anh ta ngắm nhìn sa mạc.
“Tôi đã chờ ông suốt từ xế trưa cho đến chiều tối”, anh kể. “Mãi khi sao mọc ông ta mới xuất hiện. Tôi trình bày về điều mình đang tìm kiếm. Nghe xong, ông ta hỏi tôi đã từng biến chì thành vàng chưa. Tôi thưa rằng đó chính là điều tôi muốn học ở ông. Ông bảo tôi cứ thử đi. Tất cả những gì ông khuyên tôi là: anh hãy cứ thử đi!”
Cậu im lặng. Thế là chàng người Anh đã đi xa vạn dặm để rốt cuộc được khuyên điều chính anh ta đã biết. Nhưng rồi cậu chợt nhớ chính mình cũng từng như thế, khi trả cho ông vua già sáu con cừu.
“Thế thì anh nên thử đi”, cậu nói “Tôi cũng đang định thử ngay đây”
Anh ta đi được một lúc thì Fatima đến lấy nước.
“Tôi có điều quan trọng cần nói với cô. Tôi muốn được lấy cô làm vợ. Tôi yêu cô”
Nước trong bình của cô gái sóng sánh
“Ngày ngày anh sẽ ra đây chờ em. Cuộc xung đột thật là tai hại vì anh đã vượt sa mạc để đi tìm một kho tàng ở Kim Tự Tháp. Nhưng bây giờ lại hóa may vì nhờ nó mà anh được ở gần em.”
“Một ngày kia cuộc xung đột sẽ chấm dứt”, cô gái nói
Cậu nhìn về phía rừng chà là. Cậu từng đi chăn cừu; ở đây không thiếu chi cừu, và với cậu thì Fatima quan trọng hơn kho tàng.
“Các chiến binh đi tìm kiếm kho tàng đem về đây”, cô gái nói, như thể đoán được ý cậu. “Và phụ nữ sa mạc chúng em tự hào về các chiến binh của mình”
Cô gái lấy nước đầy bình rồi ra về. Giờ đây ngày ngày cậu ra giếng đợi Fatima. Cậu kể cô nghe về quãng đời chăn cừu của mình, về ông vua già và về những ngày làm việc trong cửa hàng pha lê. Hai người ngày một thân thiết nhau hơn. Mỗi ngày, ngoài mười lăm phút được ở bên cô, cậu cảm thấy thời gian trôi quá chậm. Sau gần một tháng ở ốc đảo, trưởng đoàn họp cả đoàn lại
“Chúng ta không biết khi nào mới hết đánh nhau và lại đi tiếp được. Có thể còn đánh nhau lâu, cả năm chưa biết chừng, vì cả hai bên đều không thiếu chiến binh khỏe mạnh và dũng cảm, tinh thần chiến đấu cao. Đây không phải là cuộc đấu tranh giữa tốt và xấu, mà chỉ nhằm tranh giành quyền lực. Như thế, khi đã nổ ra đánh nhau thì thường kéo dài rất lâu, vì Allah không thiên về một bên nào nhất định”
Sau đó họ giải tán. Xế trưa hôm đó gặp lại Fatima cậu kể cô nghe về buổi họp của đoàn.
“Hôm chúng mình gặp nhau lần thứ hai”, Fatima nói, “anh đã thổ lộ tình yêu của anh. Rồi anh đã cho em biết nhiều điều rất hay ho, chẳng hạn như ngôn ngữ và tâm linh vũ trụ. Qua đó em dần dà trở thành một phần của anh.
Cậu lắng nghe và thấy giọng nói của cô dễ thương hơn tiếng gió rì rào qua rừng chà là.
“Em đã chờ anh ở cái giếng này nhiều năm dài. Em không còn nhớ quá khứ của mình, quên luôn cả truyền thống và những gì đàn ông chờ đợi trong cách cư xử của phụ nữ vùng sa mạc chúng em. Từ thuở nhỏ em đã mơ sa mạc sẽ đem đến cho em món quà quí nhất đời mình. Món quà đó là anh”
Cậu nắm tay cô nhưng cô bận giữ quai bình
“Anh đã kể về giấc mộng của anh, về nhà vua già và về kho báu. Anh cũng đã kể về điềm, về dấu hiệu. Thành ra em không còn thấy lo âu gì nữa, vì chính những điềm ấy, những dấu hiệu ấy đã đưa anh đến đây. Còn em là một phần giấc mộng của anh, một phần của vận mệnh anh – theo cách anh gọi. Vì thế mà em muốn anh tiếp tục đi tìm kho báu của mình. Nếu anh phải đợi đến khi hết đánh nhau thì cũng tốt, nhưng nếu không thể đợi được thì anh cứ đi, để làm tròn sứ mệnh tiền định của mình. Các đồi cát thay đổi theo gió nhưng sa mạc không thay đổi bao giờ. Tình yêu của hai chúng ta cũng sẽ như thế” “Maktub”, cô nói thêm. “Nếu em là một phần của vận mệnh anh thì sẽ có một ngày anh trở về thôi”.
Sau lần gặp gỡ này cậu buồn bã ra về, lòng nhớ đến nhiều người đã từng quen biết. Những người chăn cừu đã có gia đình thường khó thuyết phục được các bà vợ lí do tại sao họ phải nay đây mai đó. Tình yêu đòi hỏi người ta phải ở gần người mình yêu. Hôm sau cậu nói với Fatima về điều này.
“Sa mạc đem đàn ông của chúng em đi nhưng không phải lúc nào cũng đưa họ trở về”, cô nói. “Chúng em đành chấp nhận. Nhưng họ vẫn tiếp tục sống trong những áng mây không đem lại mưa, trong những con vật náu mình giữa các tảng đá và trong làn nước tuôn đầy từ các giếng. Họ trở thành bộ phận của toàn thể, họ nhập vào tâm linh vũ trụ. Cũng có một số trở về được; điều này đem lại niềm vui và thêm hi vọng cho những người đàn bà đang mong mỏi rằng một ngày kia chồng con họ cũng sẽ trở về. Trước đây em ganh tị với những người đàn bà này, nhưng giờ đây em cũng có một người để mà chờ đợi. Em là một cô gái sa mạc và rất tự hào về điều này. Chồng em cần phải đi lại tự do như làn gió làm biến dạng các đồi cát. Và em cũng mong được thấy chồng em nhập vào trong những áng mây, trong những con thú và trong làn nước giếng”.
Cậu đi tìm chàng người Anh vì cậu muốn kể cho anh ta về Fatima. Cậu ngạc nhiên thấy anh ta đã dựng một cái lò nhỏ cạnh lều. Cái lò luyện trông thật quái dị, phía trên đặt một cái bình trong suốt. Trong lúc đốt lò bằng cành khô mắt anh ta nhìn ta sa mạc; đôi mắt như long lanh hơn những ngày chỉ chúi mũi vào sách.
“Đây là bước đầu”, anh ta cắt nghĩa. “Tôi phải tách lưu huỳnh ra. Để thành công tôi không được phép sợ sẽ thất bại nữa. Chính nỗi sợ này đã cản trở tôi thử đạt đến “Đại công trình”. Bây giờ tôi mới bắt đầu với một công đoạn mà lẽ ra tôi đã có thể làm từ mười năm trước rồi. Song ít ra tôi cũng mừng vì đã không đợi thêm hai mươi năm nữa”.
Anh ta cởi lửa rồi lại nhìn ra sa mạc. Cậu ngồi một lúc với anh ta cho đến khi sa mạc rực đỏ vì ráng chiều. Rồi cậu tha thiết muốn đi vào sa mạc xem thử sự tĩnh lặng có trả lời những câu hỏi của anh ta được không. Cậu đi không mục đích nhất định song mắt luôn trông chừng rừng chà là để khỏi lạc. Cậu lắng nghe tiếng gió và cảm nhận sỏi đá dưới chân mình. Thỉnh thoảng cậu lại thấy một vỏ sò và hiểu ra rằng sa mạc này xa xưa từng là biển. Rồi cậu ngồi xuống một tảng đá, nhìn như bị thôi miên vào chân trời trải dài trước mắt. Cậu không hiểu được tại sao yêu mà lại không có quyền đòi hỏi được sỡ hữu; nhưng vì Fatima là một cô gái sa mạc nên chỉ có sa mạc mới giúp cậu hiểu được thôi. Cậu ngồi im lặng hồi lâu không nghĩ ngợi gì cho đến khi cảm thấy có gì động đậy phía trên đầu. Cậu nhìn lên, thấy hai con chim bồ cắt đang bay lượn. Cậu nhìn đôi chim và những hình mà đường bay của chúng vẽ nên. Những đường ấy có vẻ không theo một trật tự nào, nhưng nhất định chúng phải có ý nghĩa; chỉ có điều cậu không giải thích được nghĩa đó thôi. Thành ra cậu muốn dõi theo đường bay của chim; biết đâu cậu có thể rút ra từ đó một thông điệp. Biết đâu sa mạc có thể giải thích cho cậu về loại tình yêu không cần được sở hữu. Chợt cậu thấy mệt mỏi. Trái tim cậu van cậu đừng ngủ gật mà phải hết sức chú tâm.
“Bây giờ mình thả hồn vào ngôn ngữ vũ trụ và thấy mọi chuyện trên thế giới đều có ý nghĩa, kể cả đường bay của chim”, cậu nghĩ. Cậu thầm cám ơn nỗi may mắn mà tình yêu của một người con gái đã đem đến cho mình. “Khi yêu thì tất cả lại càng có thêm ý nghĩa”.
Chợt một con chim đâm bổ xuống tấn công con kia. Trong cái động tác vụt qua ấy cậu chợt thấy một ảo ảnh: có một đạo quân vung gươm xông vào ốc đảo. Cái ảo ảnh kia chỉ xuất hiện trong chớp mắt rồi vụt biến, nhưng cậu hết sức lo sợ. Cậu đã được nghe về ảo giác và cũng đã từng thấy đôi lần; đó là những ước mơ mờ ảo biến thành cảnh như thật trên mặt cát nóng bỏng của sa mạc. Nhưng cậu đâu hề ước mơ có một đạo quân tấn công vào ốc đảo. Cậu muốn quên đi chuyện này bằng cách tập trung nhìn vào sa mạc lấp loáng ánh hồng và vào những tảng đá. Nhưng thâm cậu vẫn thấy gì đó bất an.
“Phải luôn chú ý tới điềm báo”, ông vua già bảo thế. Cậu nhớ tới Fatima, nhớ tới ảo giác mới đây và linh cảm rằng nó sắp xảy ra thật. Phải cố gắng lắm cậu mới thoát ra khỏi tình trạng như bị mê hoặc kia, đứng lên đi về phía hàng chà là. Một lần nữa cậu lại nhận thấy sự vật có nhiều cách tự diễn đạt. Lần này sa mạc trông có vẻ an toàn, còn ốc đảo như trở nên một nơi bất ổn. Người phu lạc đà ngồi dưới một gốc chà là, cũng đang ngắm nhìn mặt trời lặn. Ông ta thấy cậu bước ra từ sau một đụn cát.
“Một đạo quân đang trên đường tới đây. Tôi vừa có một ảo giác”, cậu nói.
“Sa mạc đáp ứng ước mơ của con người bằng cách tạo ra ảo giác”, người phu trầm tĩnh đáp.
Nhưng cậu kể ông ta nghe về đôi chim, rằng cậu đã dõi theo đường bay của chúng khi cậu thả hồn vào tâm linh vũ trụ. Nghe thế người phu không nói gì nữa. Ông thấu hiểu rất rõ điều cậu vừa kể. Ông biết mỗi sự vật trên thế gian này đều có thể kể được nhiều điều về mọi sự vật khác. Khi ông mở một quyển sách hoặc xem chỉ tay cho người, bói bài hay quan sát đường chim bay hoặc bất cứ làm gì khác thì mỗi việc như thế đều có thể liên hệ đến điều ông vừa ứng nghiệm. Thật ra sự vật không nói lên điều gì cả, mà chính do con người chú tâm vào sự vật nên đã phát hiện ra những khả năng thâm nhập vào tâm linh vũ trụ. Trong sa mạc có nhiều người đàn ông sống bằn cách thâm nhập vào tâm linh vũ trụ. Họ xưng là thầy bói, rất được giới phụ nữ và cụ già nể vì. Các chiến binh rất ít khi tìm đến họ vì khi biết trước sẽ bỏ mình trong trận đánh thì khó lòng ra trận được. Người chiến binh đam mê chiến trận, giống như kẻ phiêu lưu say mê những chân trời mới lạ; tương lai đã do Allah định sẵn rồi và mọi chuyện xảy ra cũng đều vì ích lợi của con người thôi. Do đó người chiến binh chỉ sống với hiện tại vì hiện tại đầy rẫy bất ngờ buộc họ phải quan tâm đến bao điều: lưỡi gươm của đối phương chém chỗ nào, vị trí của ngựa ở đâu và phải đỡ nhát chém thế nào để thoát chết. Người phu không phải là chiến binh và ông đã từng đi xem vài thầy bói. Có người đoán đúng, có người không. Cho tới cái lần người thầy bói cao tuổi nhất và được vì nể nhất hỏi ông tại sao lại quan tâm đến tương lai như thế.
“Để bắt tay ngay thực hiện một số việc và phòng ngừa những việc mà tôi không muốn xảy ra”, người phu đáp.
“Thế thì đó không còn là tương lai của ông nữa”, thầy bói nói.
“Có thể vì tôi muốn biết về tương lai để chuẩn bị trước, hầu sẵn sàng chờ đón nó”.
“Nếu là những điều lành thì ông sẽ được ngạc nhiên một cách thú vị”, thầy bói đáp. “Còn nếu là điều dữ thì ông sẽ đau khổ khá lâu trước khi nó xảy ra”.
“Tôi muốn biết về tương lai vì tôi là con người và mọi người đều sống vì tương lai”, người phu nói với thầy bói.
Nghe thế thầy bói im lặng. Thầy có thể bói que, rải que trên nền đất rồi giải đoán. Nhưng hôm ấy thầy không bói que.
“Tôi kiếm sống bằng cách đoán hậu vận”, thầy nói. “Tôi biết thuật bói que và biết phải sử dụng que thế nào để nhập được vào nơi ghi chép mọi sự trên đời này. Ở đó tôi có thể thấy được quá khứ, phát hiện những gì đã bị lãng quên và giải đoán những dấu hiệu của hiện tại. Khi khách tìm đến tôi hì tôi không biết được tương lai họ mà chỉ ước đoán thôi. Vì tương lai thuộc về Thượng Đế và Người chỉ khải thị trong những hoàn cảnh hết sức khác thường. Bằng cách nào mà tôi đoán tương lai? Chính là qua dấu hiệu của hiện tại. Bí ẩn nằm ngay trong hiện tại; nếu anh chú ý quan sát hiện tại thì anh có thể cải thiện được nó. Và khi anh đã làm cho hiện tại được tốt hơn. Vậy đừng nên nghĩ đến tương lai mà hãy sống từng ngày của đời mình theo giới luật của Thượng đế và luôn tin tưởng rằng Người cưu mang chúng ta là con cái của Người. Mỗi một ngày tự nó đã hàm chứa vĩnh cửu rồi”.
Người phu muốn biết trong hoàn cảnh hết sức khác thường nào mới được Thượng đế khải thị tương lai.
“Khi nào được Người ban cho ơn phước đó. Song rất hạn hữu, vì một lí do thôi: tương lai tuy đã được định sẵn nhưng vẫn còn có thể thay đổi được”.
Thượng đế đã khải thị cho cậu chăn cừu một khoảnh khắc của tương lai vì Người muốn dùng cậu làm sứ giả đưa tin.
“Cậu hãy đến gặp các tộc trưởng”, người phu nói, “để báo về các chiến binh đang tiến lại ốc đảo này”.
“Họ sẽ cười nhạo tôi mất”.
“Họ là người của sa mạc nên biết phải xử sự với điềm báo như thế nào”
“Vậy thì họ đã biết hết cả rồi chứ”.
“Họ không bận tâm đến chuyện ấy đâu, vì họ cho rằng Allah sẽ gửi đến một sứ giả đưa tin nếu Người có điều gì cần cho họ biết. Điều này thường vẫn xảy ra. Lần này người đưa tin là cậu đấy”.
Cậu nghĩ đến Fatima và quyết định đi tìm các tộc trưởng ngay tức thì.
36
“Tôi đem điềm của sa mạc đến đây”, cậu nói với người đứng canh cửa một cái lều trắng to tướng nằm chính giữa ốc đảo, “nên muốn thưa chuyện với các tộc trưởng”
Người gác không trả lời mà đi vào trong lều. Mãi sau hắn mới trở ra với một người Arập trẻ khoác áo hai màu trắng vàng. Cậu kể cho người Arập trẻ điều mình đã thấy. Anh ta yêu cầu cậu chờ rồi lại quay vào trong lều. Trời bắt đầu tối. Nhiều khách thương và dân ốc đảo vào ra cái lều ấy. Các đống lửa nối nhau tắt và ốc đảo lại yên ắng như sa mạc. Chỉ chiếc lều trắng to này là còn ánh đèn. Suốt thời gian đứng chờ cậu nghĩ đến Fatima và vẫn chưa hiểu rõ lắm những điều cô nói lúc xế trưa. Sau hàng giờ chờ đợi, người canh bảo cậu vào lều. Cậu choáng ngợp trước những gì mắt mình thấy. Làm sao có thể tưởng tượng nổi ngay giữa sa mạc lại có một cái lều tráng lệ đến thế. Nền phủ thảm quí mà đôi chân cậu chưa từng được đặt chân lên, trần treo loại đèn cắm nến bằng đồng thau trạm chổ. Phía trong lều, các tộc trưởng ngồi thành vòng cung trên nệm lụa thêu rất công phu, tay cũng tì trên nệm thêu như thế. Người hầu ra vào, kẻ bưng khay bạc đầy trà và những món thơm ngon, người lo tiếp than cho các ống điếu đừng tắt. Một mùi thơm dễ chịu lan khắp lều. Có tất cả tám tộc trưởng, song cậu nhận ra ngay người quan trọng nhất: đó là ông già Arập khoác áo trắng vàng ngồi giữa. Đứng cạnh ông là người Arập trẻ hồi nãy
“Ai là người lạ đã kể về điềm báo?” Một tộc trưởng nhìn cậu hỏi
“Chính tôi đây”, cậu đáp rồi thuật lại những gì đã thấy
“Cớ sao sa mạc lại báo cho một người lạ như cậu biết điều này, chứ không báo cho chúng ta là những kẻ đã sống ở đây từ bao đời rồi?” Một tộc trưởng khác hỏi
“Vì mắt tôi còn lạ lẫm với sa mạc nên tôi còn nhận ra những điềm mà các đôi mắt quá quen không thấy được nữa”, cậu đáp.
“Và cũng vì tôi biết tâm linh vũ trụ”, cậu thầm nghĩ nhưng chỉ để bụng vì người Arập hẳn không tin chuyện này.
“Ốc đảo là vùng trung lập”, tộc trưởng thứ ba nói. “Sẽ không ai dám tấn công nó cả”.
“Tôi chỉ thuật lại những gì mình thấy. Nếu các ông không muốn tin thì thôi”
Căn lều lặng như tờ một lúc, rồi các tộc trưởng tranh luận sôi nổi. Họ nói một thứ thổ ngữ Arập mà cậu không hiểu; nhưng khi cậu định ra khỏi lều thì bị người canh giữ lại. Lúc này cậu bắt đầu sợ. Có gì đó không ổn rồi. Cậu ân hận đã nghe lời người phu lạc đà. Chợt ông già ngồi giữa hơi hé miệng cười khiến cậu thấy yên tâm. Ông không tham gia cuộc tranh luận của những người kia và đến lúc này cũng chưa nói tiếng nào. Còn cậu, vì lúc này đã quen với thứ ngôn ngữ vũ trụ, nhận ra rằng từ ông toát ra một vẻ an bình. Trực giác cho cậu thấy mình đến đây là đúng. Cuộc tranh luận chấm dứt, ai nấy chăm chú lắng nghe phản ứng của ông già. Ông nhìn cậu; lúc này vẻ mặt ông lạnh lùng và khó gần
“Hai nghìn năm trước ở một đất nước xa xôi có một chàng trai bị ném xuống giếng rồi bị bán làm nô lệ, vì hắn tin vào giấc mộng”, ông già nói. “Các khách thương nước ta đã mua rồi đem hắn đến Ai Cập. Mỗi người trong chúng ta đều biết ai tin vào giấc mộng thì cũng có thể giải mộng được”.
“Không phải lúc nào cũng giải được đâu”, cậu liên tưởng đến bà già Zigeuner
“Vì Pharao mơ thấy bò gầy và bò mập mà hắn lại giải được giấc mơ ấy nên đã cứu dân Ai Cập thoát khỏi nạn đói. Tên hắn là Josef. Hắn cũng ở trên một đất nước lạ, giống như cậu vậy và lúc ấy có lẽ cũng trạc tuổi cậu”. Ông ngừng nói, đôi mắt vẫn lạnh lùng. “Chúng ta luôn sống theo truyền thống. Thuở đó truyền thống đã cứu dân Ai Cập khỏi nạn đói và khiến họ trở thành dân tộc giàu có nhất thế gian. Truyền thống dạy đàn ông chúng ta cách vượt sa mạc và tổ chức hôn lễ cho con cái như thế nào. Truyền thống cũng dạy rằng ốc đảo là nơi trung lập, vì phe nào cũng có ốc đảo và chúng không được ai che chở cả”.
Trong khi ông nói thì không ai xen một lời nào.
“Nhưng truyền thống cũng dạy chúng ta phải tin vào thông điệp của sa mạc. Mọi điều chúng ta biết đều là do học được từ sa mạc cả”.
Ông ra hiệu và mọi người đứng cả dậy. Buổi họp chấm dứt. Các ống điếu Nargileh được dụi tắt và đám người canh đứng vào vị trí.
Cậu dợm đi ra thì ông già nói: “Sáng mai chúng ta sẽ phạm vào lời thề rằng trong ốc đảo không ai được mang vũ khí. Suốt ngày mai chúng ta sẽ chờ đón quân địch. Khi mặt trời lặn thì mọi người nộp khí giới lại cho ta. Cứ mười kẻ địch bị giết thì cậu được thưởng một đồng tiền vàng. Tuy nhiên, vũ khí không được phép đem ra từ nơi cất giấu mà không được sử dụng. Chúng đồng bóng chẳng khác sa mạc, nếu đem ra mà không dùng đến thì lần sau có thể chúng sẽ không chịu để ta sử dụng nữa đâu. Do đó, nếu ngày mai không cần tới chúng thì ít nhất cũng phải có một cái dành cho cậu đó”.