Triệu phú khu ổ chuột - Chương 05 - 06
Kỳ 5: Vụ án mạng
Gudiya về nhà, nhưng tôi không sang gặp chị bởi Shantaram không cho phép bất cứ thằng con trai nào bước chân vào nhà ông ta. Bà Shantaram nói với tôi rằng chồng bà nhận thức được mình đã gây ra chuyện gì và sẽ sửa đổi, mặc dù trong thẳm sâu lòng mình bà ấy biết ông Shantaram là kẻ vô phương cứu vãn. Nhưng bà ấy không biết chồng mình có thể lún sâu tới đâu.
Những con thú bị săn đuổi
Chưa đầy một tuần sau khi Gudiya ra viện, ông ta lại làm chuyện tồi tệ với chị ấy. Ông ta cố chạm vào chị ấy, nhưng không giống cách một người cha chạm vào con gái mình. Thoạt đầu tôi không hiểu. Tất cả những gì tôi nghe thấy là ông ta gọi chị Gudiya là mặt trăng của ông ta, sau đó là tiếng bà Shantaram khóc, và tiếng Gudiya kêu lên: "Bố, đừng đụng vào con! Bố làm ơn đừng đụng vào con!".
Có gì đó nhói lên trong đầu tôi khi nghe thấy tiếng khóc buồn thảm của Gudiya. Tôi muốn lao sang phòng Shantaram xé xác ông ta ra. Nhưng tôi chưa kịp gom góp lòng can đảm thì đã nghe thấy tiếng ngáy ầm ĩ của Shantaram. Ông ta đã ngủ. Gudiya thì vẫn đang khóc. Tôi không cần phải dùng tới cái cốc cũng nghe được tiếng nức nở của chị ấy...
Tối hôm sau, Shantaram lại về nhà trong tình trạng say mèm và cố quấy rầy Gudiya. "Con đẹp hơn tất cả các hành tinh và các vì sao. Con là mặt trăng của ta. Con là Gudiya của ta, con búp bê của ta. Hôm qua con đã lẩn tránh ta, nhưng hôm nay ta sẽ không để con rời xa ta đâu", ông ta nói. "Ðừng có cư xử như thế nữa!", bà Shantaram kêu lên nhưng ông chồng không thèm đếm xỉa đến những gì bà ấy nói...
"Ông là một con quỷ", bà Shantaram hét lên, và Shantaram đánh bà ấy. Tôi nghe thấy tiếng chai vỡ. "Không!", Gudiya thét lên. Tôi cảm thấy một ngọn lửa hàn đang xuyên vào óc tôi và cảm thấy kim loại nóng chảy đang đổ lên tim tôi. Tôi không thể chịu đựng hơn được nữa. Tôi chạy tới phòng ông Ramakrishna nói với ông ấy rằng Shantaram đang làm một chuyện khủng khiếp với vợ và con gái ông ta. Nhưng Ramakrishna xử sự như thể tôi đang nói về thời tiết. "Này - ông ấy bảo tôi - Bất cứ chuyện gì xảy ra trong bốn bức tường của một gia đình đều là chuyện riêng của gia đình đó và chúng ta không thể can thiệp... Giờ thì đi đi, đến giờ tôi đi ngủ rồi".
Tôi chạy về phòng. Tôi nghe thấy tiếng Shantaram ngáy, và nghe Gudiya kêu rằng chị ấy bẩn: "Ðừng chạm vào tôi! Ðừng ai chạm vào tôi! Tôi sẽ gây bệnh cho bất cứ ai đến gần tôi". Tôi nghĩ chị ấy mất trí rồi. Và tôi cũng mất trí. "Gây bệnh cho em đi", tôi nói và đút tay qua cái lỗ hổng trong tường. Gudiya nắm tay tôi. "Chị sẽ không sống lâu nữa đâu, Ram Mohammad Thomas ạ - chị ấy nức nở - Chị thà tự tử còn hơn là phục tùng bố chị". Nỗi đau của chị ấy bay qua lỗ hổng bọc lấy tôi. Tôi bắt đầu khóc. "Em sẽ không bao giờ cho phép chuyện đó xảy ra - tôi nói với chị ấy - Ðây là lời hứa của một người em trai"...
Tôi sờ những ngón tay gầy guộc của Gudiya, sờ da thịt trên tay chị ấy và biết rằng cả hai chúng tôi đều là những con thú bị săn đuổi, là đồng phạm. Tội của tôi là một thằng bé mồ côi lại dám biến rắc rối của người khác thành rắc rối của mình. Nhưng tội của Gudiya là gì? Chỉ là chị ấy sinh ra là phận gái và Shantaram là bố chị ấy.
Thực hiện lời hứa
Tôi thực hiện lời hứa của mình vào tối ngày hôm sau, khi Shantaram vừa đi làm về và đang leo lên các bậc cầu thang ọp ẹp dẫn tới tầng hai. Ông ta bước những bước chậm chạp, loạng choạng. Thậm chí quần áo ông ta cũng sặc mùi whisky. Khi ông ta sắp đi qua đoạn chắn cầu thang vẫn chưa được ông Ramakrishna cho sửa chữa, tôi tấn công ông ta từ phía sau. Tôi huých vào lưng ông ta và ông ta đập vào thanh chắn cầu thang bằng gỗ. Ðoạn thanh chắn đó đã yếu và lung lay sẵn. Nó không chịu nổi sức nặng của ông ta. Nó kêu răng rắc và gãy ra.
Shantaram mất thăng bằng, ngã lộn xuống tầng một... Ông ta đập mặt xuống đất, nằm sóng soài, chân tay dang rộng. Chỉ khi nhìn thấy cái xác mềm rũ của Shantaram trên mặt đất tôi mới hiểu mình vừa làm gì. Và khi đó tôi mới hình dung ra hậu quả của việc mình làm.
Cảnh sát điều tra hiện trường đến trên một chiếc xe jeep gắn đèn đỏ nhấp nháy và khéo léo vẽ phấn quanh cái xác. Họ chụp ảnh và nói: "Ðây là chỗ cái xác rơi xuống". Rồi họ nhìn lên và thấy tôi trên tầng hai. Nhân viên điều tra chỉ vào tôi: "Chính thằng bé đó đã xô ông ta xuống. Bắt lấy nó!".
Tôi bị đưa đến nhà giam, và tại đây bị lột hết quần áo, bị đánh đập. Sau đó tôi bị đưa tới tòa án, nơi có một vị thẩm phán vẻ mặt nghiêm khắc mặc áo choàng đen ngồi dưới một chiếc quạt trần. Một tấm biển màu vàng bụi bặm bạc màu ghi mấy chữ Satyameva Jayate - Sự thật luôn chiến thắng - được gắn trên bức tường sau lưng ông ta. Vị thẩm phán nhìn tôi rồi tuyên án: "Ram Mohammad Thomas, tôi tuyên bố anh phạm tội giết ông Shantaram có chủ ý. Vì vậy theo điều 302 Bộ luật hình sự Ấn Ðộ, tôi tuyên bố anh phải chịu án tử hình treo cổ".
"Không!" - tôi kêu lên và cố chạy nhưng chân bị cùm, còn tay đã bị còng. Tôi bị bịt mắt và đưa tới phòng giam dành cho tử tù. Một cái thòng lọng được tròng vào cổ tôi và một cái đòn bẩy được kéo lên. Tôi thét lên đau đớn khi hai chân bỗng nhiên đu đưa trên không và hơi thở từ phổi tôi tắc nghẹt. Tôi mở mắt và nhận thấy mình đang ở trên thiên đường. Nhưng thiên đường dường như cũng giống khu chawl và tôi nhìn xuống thấy xác ông Shantaram nằm dang chân dang tay dưới đất. Giờ người ta đang xúm quanh cái xác. Ai đó kêu lên: "Gọi cảnh sát đi!".
Tôi không đợi thêm phút nào nữa. Tôi bò lồm cồm xuống cầu thang và bắt đầu chạy. Tôi chạy qua cổng, qua quán bán sữa, qua tòa nhà nhiều tầng. Tôi chạy ra ga địa phương và bắt chuyến tàu tốc hành đến ga Victoria Terminus. Tôi kiểm tra mọi thềm ga để tìm một chuyến tàu đặc biệt. Cuối cùng tôi cũng tìm thấy và nhảy lên tàu đúng lúc nó bắt đầu lăn bánh.
Tôi rời bỏ Mumbai, rời bỏ Gudiya, rời bỏ Salim và bỏ trốn đến thành phố khác duy nhất mà tôi biết. Thành phố Delhi.
Smita im lặng
Smita giữ im lặng tuyệt đối trong suốt thời gian tôi kể câu chuyện. Giờ tôi có thể thấy cô xúc động sâu sắc. Tôi thấy một giọt nước mắt thấp thoáng nơi khóe mắt cô ấy. Có lẽ là một người phụ nữ, cô ấy có thể cảm thông với nỗi đau khổ của Gudiya. Tôi cầm chiếc điều khiển từ xa lên. "Chúng ta hãy xem câu hỏi số ba" - tôi nói và ấn nút "play". Prem Kumar xoay người trên ghế và nói với tôi: "Anh Thomas, anh đã trả lời chính xác hai câu hỏi và giành được phần thưởng trị giá hai nghìn rupi. Giờ chúng ta hãy xem anh có thể trả lời được câu hỏi thứ ba và giành năm nghìn rupi hay không. Anh sẵn sàng chưa?". "Sẵn sàng", tôi đáp... "OK. Câu hỏi tiếp theo của chúng tôi thuộc lĩnh vực thiên văn học. Hãy nói cho tôi, anh Thomas, anh biết có bao nhiêu hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta không?". "Các lựa chọn của tôi là gì?". "Ðó không phải câu hỏi của trò chơi, anh Thomas ạ. Tôi chỉ hỏi liệu anh có biết số hành tinh thuộc hệ mặt trời hay không thôi". "Không". "Không ư? Tôi hi vọng anh biết tên của hành tinh chúng ta đang sống".
Khán giả phá lên cười. "Trái đất", tôi uể oải đáp. "Tốt. Vậy là anh có biết tên của một hành tinh. OK, anh đã sẵn sàng cho câu hỏi số ba?". "Sẵn sàng", tôi đáp. "OK. Ðây là câu hỏi số ba. Hành tinh nào là hành tinh nhỏ nhất trong hệ mặt trời của chúng ta? Ðó là a) Pluto, b) Mars, c) Neptune hay d) Mercury?".
Một âm thanh thoát ra khỏi môi tôi trước khi nhạc bắt đầu nổi lên, và đó là tiếng "Meo!". "Xin lỗi? - Prem Kumar ngạc nhiên hỏi - Anh nói gì cơ? Tôi nghĩ tôi vừa thoáng nghe thấy tiếng mèo kêu". "Tôi nói là ‘A’". "A ư?". "Ðúng. Câu trả lời là a) Pluto". "Anh hoàn toàn chắc chắn một trăm phần trăm rằng câu trả lời là A chứ?". "Vâng". Tiếng trống dồn vang lên. Câu trả lời đúng hiện lên trên màn hình. "Chính xác, chính xác một trăm phần trăm! Pluto đúng là hành tinh nhỏ nhất trong hệ mặt trời của chúng ta. Anh Thomas, anh vừa giành được năm nghìn rupi!".
Khán giả bị ấn tượng bởi hiểu biết sâu rộng của tôi. Vài người đứng lên vỗ tay. Nhưng Smita vẫn im lặng.
***
Thomas đến Agra, khám phá đền Taj Mahal. Một công việc mới mở ra với những trải nghiệm sâu sắc trong đời.
Kỳ 6: Nghề mới ở Taj Mahal
Tôi rời ga Agra… Tôi quyết định khám phá thành phố xa lạ này... Tôi đi dọc con đường bụi bặm ngoằn ngoèo, và bỗng nhiên nhìn thấy một con sông. Bên kia sông là một công trình kiến trúc trắng bóng nhô lên từ một cái nền hình vuông giống như một mái vòm đang phình ra, với những ô cửa vòm đỉnh nhọn và các hốc tường… Vẻ đẹp của nó làm tôi mê mẩn.
Một lúc lâu sau, tôi quay ra hỏi người đi đường đầu tiên tôi gặp, một người đàn ông trung niên đang cầm hộp thức ăn: “Xin lỗi, cho tôi hỏi tòa nhà ở bên kia sông là tòa nhà gì vậy ạ?”. Ông ta nhìn tôi như thể tôi là kẻ mất trí: “Này, nếu không biết cái đó thì cậu đang làm gì ở Agra này hả? Đó là lăng Taj Mahal, đồ ngốc ạ”. Taj Mahal. Kỳ quan thứ tám của thế giới…
Hướng dẫn viên du lịch
Đông nghịt khách du lịch, cả trẻ lẫn già, giàu lẫn nghèo, người Ấn lẫn người ngoại quốc… Sau nửa giờ thám hiểm không mục đích, tôi chú ý tới một nhóm khách du lịch phương Tây trông có vẻ khá giả được trang bị đầy đủ máy quay video xách tay và ống nhòm đang chăm chú lắng nghe một hướng dẫn viên cao tuổi đứng dưới chân tòa lâu đài. Tôi kín đáo lẩn vào nhóm khách đó.
Người hướng dẫn viên chỉ vào tòa lâu đài bằng cẩm thạch và nói bằng giọng chua chua: “… Giờ tôi sẽ nói cho các bạn biết đôi chút về lịch sử của Taj Mahal. Vào một ngày năm 1607, hoàng tử Khurram thuộc hoàng gia Mughal đang dạo bước tại hội chợ Meena Bazaar ở Delhi thì chợt nhìn thấy một cô gái bán lụa và chuỗi hạt thủy tinh tại một sạp hàng nhỏ. Ngài mê mẩn sắc đẹp của người con gái đến nỗi ngay lúc đó đã đem lòng yêu nàng. Nhưng phải mất tới năm năm ngài mới có thể cưới được người con gái đó. Tên thật của nàng là Arjuman Banu, nhưng ngài đặt cho nàng cái tên mới là Mumtaz Mahal. Khi đó nàng mười chín tuổi, còn ngài vừa tròn hai mươi …
Mumtaz và Khurram cưới nhau năm 1612 và trong mười tám năm họ đã có với nhau mười bốn người con… Nàng qua đời trong khi sinh nở vào ngày mùng 7-6-1630 tại Burhanpur, chỉ ba năm sau khi Khurram trở thành hoàng đế Shahjahan của triều đại Mughal. Vào lúc lâm chung, Mumtaz Mahal đã khiến hoàng đế hứa với nàng bốn điều: thứ nhất, ngài sẽ dựng một tượng đài xứng với sắc đẹp của nàng; thứ hai, ngài sẽ không tái hôn; thứ ba, ngài sẽ đối xử tốt với các con; thứ tư, ngài sẽ đi viếng mộ nàng vào ngày giỗ của nàng. Cái chết của Mumtaz làm hoàng đế đau buồn đến nỗi nghe nói tóc ngài bạc trắng chỉ sau một đêm. Nhưng tình yêu dành cho người vợ lớn đến nỗi ngài đã ra lệnh xây dựng cho nàng một trong những lăng mộ đẹp nhất trên trái đất. Công việc được bắt đầu vào năm 1631...”.
Các du khách cởi giày và bước vào lăng chính… Ai đó gõ nhẹ vào vai tôi. Tôi quay phắt lại, thấy một người ngoại quốc đeo kính cùng vợ và hai đứa con đang nhìn tôi chằm chằm. “Xin lỗi, cậu nói được tiếng Anh không?”, ông ta hỏi tôi. “Có”, tôi đáp. “Cậu làm ơn nói cho chúng tôi biết đôi chút về Taj Mahal. Chúng tôi là khách du lịch từ Nhật Bản. Chúng tôi chưa biết về thành phố của cậu. Chúng tôi vừa mới tới ngày hôm nay”.
Tôi muốn nói với ông ấy rằng tôi cũng chưa biết về thành phố này, rằng tôi cũng vừa mới tới đây ngày hôm nay, nhưng khuôn mặt tò mò của ông ấy đã cuốn hút tôi. Bắt chước giọng nói nghiêm trang của người hướng dẫn viên, tôi bắt đầu nói với ông ấy những gì tôi nhớ được: “Taj Mahal được hoàng đế Khurram xây cho vợ ngài là Noorjahan, còn được biết đến với cái tên Mumtaz Begum, vào năm 1531. Ngài gặp nàng trong khi nàng đang bán vòng trang sức trong một khu vườn và đem lòng yêu nàng, nhưng mười chín năm sau mới cưới nàng làm vợ. Nàng luôn cận kề bên ngài trong tất cả các trận chiến và sinh cho ngài mười tám người con trong vòng mười bốn năm…”.
Ông người Nhật ngắt lời tôi. “Sinh mười tám người con chỉ trong mười bốn năm? Cậu có chắc không?”, ông ta rụt rè hỏi. “Tất nhiên - tôi quở trách ông ta - Ông biết đấy, chắc phải có mấy lần sinh đôi. Dù sao đi nữa, trong khi sinh đứa con thứ mười chín, Mumtaz đã qua đời ở Sultanpur vào ngày 16-6. Nhưng trước khi chết, bà xin nhà vua ban cho bốn đặc ân. Một là xây Taj Mahal, hai là không đánh đập các con, ba là làm cho tóc ngài bạc, bốn là... Tôi không nhớ, nhưng nó không quan trọng đâu. Đấy, như các bạn có thể thấy, Taj Mahal gồm một cổng vào, một khu vườn, một nhà khách và một ngôi mộ…”.
“Thật ư? Ôi chao! Thật thú vị! Sách hướng dẫn không đề cập tới những chuyện này”, ông quay sang bà vợ nói như bắn liên thanh bằng tiếng Nhật. Sau đó ông dịch lại cho tôi nghe: “Tôi nói với vợ tôi rằng không sử dụng dịch vụ hướng dẫn du lịch chính thức giá đắt quả là hay. Cậu đã kể cho chúng tôi mọi điều thật thú vị”. Ông cười rạng rỡ với tôi: “Chúng tôi cảm ơn cậu rất nhiều, Arigato”. Ông cúi chào và thả vào tay tôi thứ gì đó. Tôi cúi chào đáp lại. Khi ông ấy đi rồi, tôi mở nắm tay ra và thấy đồng năm mươi rupi mới cứng được gấp gọn gàng. Cho chỉ năm phút làm việc!
Giờ tôi biết hai điều: tôi muốn ở lại thành phố của Taj Mahal, và tôi không ngại trở thành một hướng dẫn viên du lịch.
Dễ đến thì dễ đi
Trong năm tiếp theo ở Agra, tôi thu lượm được một lượng thông tin dồi dào về Taj Mahal. Khả năng nói tiếng Anh trôi chảy tạo cho tôi một lợi thế ngay từ đầu. Du khách nước ngoài lũ lượt kéo đến với tôi và chẳng bao lâu danh tiếng hướng dẫn viên Raju đã lan xa (khi đến Agra, Thomas lấy tên là Raju Sharma - TT). Nhưng điều đó không có nghĩa rằng tôi là một chuyên gia về Taj Mahal. Tôi có thông tin nhưng không có hiểu biết. Hướng dẫn viên Raju không hơn gì một con vẹt chỉ biết kể lại một cách trung thành những gì mình nghe được mà không thật sự hiểu nổi nghĩa của một từ.
Tôi cũng bắt đầu kiếm kha khá từ các du khách. Tiền bạc không dư dả nhưng chắc chắn đủ để trả tiền thuê nhà, thỉnh thoảng có thể ăn tại quán McDonald hoặc tiệm Pizza Hut, và vẫn có thể dành dụm chút ít cho một ngày mưa. Tôi đã trải qua quá nhiều bất hạnh và với nỗi sợ hãi thường trực trong lòng rằng bất kỳ ngày nào chiếc xe jeep gắn đèn đỏ nhấp nháy cũng có thể đến bắt tôi… Tôi cảm thấy mình có lập kế hoạch lâu dài cho tương lai cũng chẳng ích gì. Bởi vậy tôi coi tiền bạc, cũng như coi cuộc đời của mình, là một thứ hàng hóa có thể dùng cho đến cạn. Dễ đến thì dễ đi. Chẳng có gì ngạc nhiên, tôi sớm trở nên nổi tiếng trong khu nhà phụ là một người hảo tâm.
Hôm nay những khách hàng cuối cùng của tôi là một nhóm bốn sinh viên đại học giàu có đến từ Delhi. Họ là những người trẻ tuổi ồn ào, diện quần bò xịn và đeo kính râm nhập ngoại, đưa ra những lời bình luận hỗn xược về Taj Mahal, không ngừng trêu ghẹo nhau và thổ ra những câu đùa tục tĩu. Cuối buổi tham quan có hướng dẫn viên này, họ không chỉ trả tiền công mà còn boa đậm cho tôi. Sau đó họ mời tôi đi chơi đêm với họ trên chiếc xe minivan có người lái thuê. “Hướng dẫn viên Raju, hãy đi với chúng tôi, chúng tôi sẽ làm cho cậu sung sướng”, họ nài nỉ. Thoạt đầu tôi khước từ, nhưng họ cứ nài nỉ mãi và tôi biết ơn họ vì khoản tiền boa hậu hĩnh đến nỗi không thể từ chối được. Tôi nhảy lên xe.
Người lái xe đưa chúng tôi qua những đường phố hẹp và những khu chợ đông đúc tiến về vùng ngoại ô của Agra. Cuối cùng anh ta cho xe chạy vào một khu định cư trông rất lạ nằm gần quốc lộ được gọi là Basai Mohalla. Ở lối vào khu đó có một bảng thông báo: “Vào khu vực đèn đỏ bạn phải chịu mọi rủi ro. Hãy luôn nhớ sử dụng bao cao su. Phòng bệnh AIDS, giữ lấy mạng sống”.
Tôi không hiểu hai chữ đèn đỏ trên bảng thông báo ám chỉ điều gì. Chẳng căn nhà nào trong tầm mắt tôi có gắn đèn đỏ… Tiếng nhạc và tiếng lục lạc đeo trên chân các vũ công văng vẳng trong không gian đêm. Mấy cậu sinh viên bước xuống xe tiến về một khu nhà nhỏ. Tôi lưỡng lự, nhưng họ kéo tôi đi. Giờ tôi nhận thấy khu này khá tấp nập… Tôi nhìn thấy những cô gái ở các độ tuổi khác nhau chỉ mặc váy lót dài và áo cánh, trát bự phấn và đeo đồ trang sức, ngồi trên các bậc lên xuống. Vài cô liếc mắt ve vãn chúng tôi và giơ ngón tay thực hiện những cử chỉ khiêu dâm khêu gợi. Giờ thì tôi đã hiểu khu vực đèn đỏ là gì. Đó là nơi gái mại dâm hoạt động.
Đêm nay quả thật đang trở thành một đêm dành cho những trải nghiệm mới của tôi.